BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73410)
(Xem: 62247)
(Xem: 39435)
(Xem: 31180)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Thư gửi người bên kia vĩ tuyến

25 Tháng Giêng 201612:00 SA(Xem: 1275)
Thư gửi người bên kia vĩ tuyến
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51

TẬP truyện ngắn đầu tiên của tôi vừa được xuất bản ở miền Nam, tôi muốn những trang đầu sách là của anh, anh ở bên kia vĩ tuyến. Hai thế giới. Những tầng ảnh hưởng của chính thể, của chế độ. Bên dưới, bên trong, con người chỉ còn Niềm Tin.


Tồi tin rằng ở bên kia Bến Hải, bên trong năm cửa ô Hà Nội có những con người, những tập thể hôm nay vẫn còn vươn lên khỏi cơn Hồng Thủy như những vì sao sáng chói trên một đại dương gió bão.




Miền Bắc trước 1975

Trong số đó có anh. Có cái cá nhân bé nhỏ của anh mà con người anh vẫn giữ gìn được nguyên vẹn trong trận lửa hủy diệt của chính thể cộng sản đang bùng cháy. Hướng về anh, niềm tin của tôi còn thấy cái bồng bềnh thoải mái của một con người còn nhìn thấy những miền trời đất bao la. Khi nào hướng đến anh để chỉ thấy một mái tóc sõa thấp, một hình người sa đọa, là lúc niềm tin đã tắt trong tôi.


Nhưng mà tôi vẫn tin. Tin tưởng hết lòng. Tin tưởng vĩnh viển. Tin anh còn là anh, nghĩa là còn là con người. Như tôi đã tin ở sự sống, tin ở tự do tin ở hôm nay. Tin ở trái đất, ở thế hệ này sẽ nhìn thấy những vĩ tuyến những biên thùy gục đổ, và con người chống giữ nổi cơn Hồng Thủy, sẻ hái được những nhánh lúa vàng của thế hệ ngày mai.


Trên muôn nghìn hình thái, khía cạnh, đường lối của cuộc đấu tranh bảo vệ Tự Do và Con Người tôi thấy sáng chói cái hướng đi rộng lớn bắt nguồn từ một điểm tin tưởng.


Ở bên này, cuộc sống của chúng tôi đã có thể điển hình trên những hướng đi ấy. Hôm nay, tôi gửi những ngả đường, những hướng đi, những nếp sống của tự do về anh, anh đang ở giữa Ngập Lụt, giữa Hỗn Loạn, giữa Thiêu Hủy với niềm tin tưởng sắt đá rằng anh, anh cũng đã có một ngả đường. Anh cũng sẽ lên đường. Anh cũng sẽ là một bạn đường. Anh sẽ đến với chúng tôi. Chúng mình sẽ gặp nhau. Vì ở bên này hay ở bên kia, chúng mình vẫn có chung cái bản sắc thực của một sự kiện : Chúng ta vẫn còn là những con người.


Kẻ thù của chúng ta viết sách, phát triển chủ nghĩa, chiếm đất đai, dựng biên giới, đã che dấu dưới những hình thái giai đoạn, những vàng son của giáo điều cùng là những cao dẹp của danh từ cái mục đích duy nhất của chúng là hủy diệt những con người tự do ở một thế hệ tưng bừng ánh sáng tự do nhưng đang gặp quá nhiều bất hạnh. Nếu chúng "được" con người sẽ không còn là con người nữa. Anh không còn là anh. Tôi không còn là tôi. Chúng ta chỉ còn là những bộ máy đeo thêm một cái số tù vĩnh viễn. Trái đất của hàng triệu tên tữ tù, và năm lục địa sẽ là năm nhà tù vĩ đại.


Nhưng "chúng" có được không ?


Những cơ cấu của một Tổ chức kinh khủng vĩ đại nhất trong âm mưu tiêu diệt con người của Cộng Sản cùng với cái kho kinh nghiệm kẻ thù đã nuôi dưỡng trong hờn oán có làm cho trái đất này biến thành một nhà tù được không ? Câu hỏi này từng phút từng giờ vẫn nằm giải trên tấm bản đồ thế giời rộng lớn, trong lòng một thế hệ trùng điệp những biên thùy và ngột ngạt dưới những tầng lớp ảnh hưởng của những mầu sắc chống đối. Người ta choáng váng trước những hiện tượng rối rắm của thế kỷ.


Thực ra, vấn đề vẫn nằm bên dưới bên trong như một chất hóa học lắng đọng dần dưới đáy cốc thí nghiệm. Sự thực chói lòa hiện dần lên. Mặt trận tư tưởng phân định rõ rệt ; Bên này. Bên kia Một cửa tủ. Một cây súng. Một lên lính hung dữ Tự do. Những hướng đi lên. Một khung trời xanh.


Ở giữa là những hàng rào giây thép gai giăng mắc trùng điệp qua những miền hoang dậm của chiến địa. Ở giữa là một vĩ tuyến. Trên vĩ tuyến sự va chạm quyết liệt, sống còn của tư tưởng.


Cả hai thế giới đều bắt nguồn và đều chấm dứt ở đó.


Hôm nay, con người bắt đầu một cuộc chiến đấu mới để san phẳng cái hình thái thiếu đồng nhất này. Cuộc chiến đấu mới đã bắt đầu. Trên khắp thế giời. Trên từng cục bộ. Trong mỗi chúng la.


Tôi nghĩ đến một người. Tôi nghĩ đến nhiều người. Những con người đã sáng tạo lịch sử anh dũng bây giờ đang xây dựng thế hệ tự do. Tôi nghĩ đền lời di chúc của một Gide tin tưởng :


"Thế giới sẽ được cứu vãn bởi một vài người"


Tôi thì tôi tin rằng thế giới sẽ được cứu vãn bởi con người tự do.


Tôi nghĩ đến mặt trận tư tưởng. Đến những chính khách, những nhà chỉ huy. Cái cặp da đen dầy cộm tài liệu của những hội nghị quốc tế. Những chuyến đi vượt đại dương của những người đi tìm đường tối cho hòa bình cho tự do. Những tấm thảm xanh của một phiên đại hội. Ly rượu Mác-ten ngà ngà của một buổi tiếp tân. Đến những vì sao gài trên đỉnh mũ người tướng cúi mình trên bản đồ chiến lược. Thế hệ hình như đọng lại giữa những hậu tuyến những tiền tuyến. Tất cã đều là những hình thái của cuộc đấu tranh vừa khởi đầu.


Nhưng cuộc chiến đấu cho tự do thực ra không còn nằm trong bàn tay quyết định của những nhà lãnh tụ nữa. Nó nằm trong mỗi chúng ta. Những chiến trường những công sự phòng ngự những trái bom khinh khí không còn là những yếu tố quyết định. Tự do không đánh mất hoặc lấy lại trên tấm bản đồ chiến lược hoặc ở đầu đằng kia hướng đi sáng chói của một băng đạn tiểu liên. Cuộc chiến đấu thoát bỏ những vùng nhỏ hẹp, bàng bạc khắp nơi. Cả hai bên vĩ tuyến. Chỗ nào có con người có tự do, cuộc chiến đấu bắt nguồn ngay ở đó. Dưới mọi hình thái, mọi màu sắc. Trên từng tấc đất, từng cuộc đời.


Cuộc chiến đấu cho tư tưởng đã là một cuộc chiến đấu thường xuyên. Thường xuyên cho đến một ngày...


Tôi nhớ đến mấy câu thơ này của anh :


Biết ngày nào tàn đổ


Biết ngày nào ngừng tay


Cho tôi xin một ngày


Những vần thơ 46. Gần 10 năm rồi. Hai cái chương trình 5 năm của Cộng sản, vẫn chưa phân định rứt khoát cái hướng đi của anh. Anh khao khát tự do. Anh xin một ngày có tự do. Mà không hề ý thức được rằng Tự Do vẫn nằm trong anh.


Cho tôi xin một ngày.


Qua câu thơ chứa đựng một ý nghĩa tiềm ẩn tôi nhìn thấy những nét chữ u uất, một thái độ tiêu cực. Những nét chữ buồn rầu không tưởng nằm nghiêng bóng tối. Mỗi lần đọc lại, tôi lại muốn đi xâu vào nội tâm anh, hiểu anh hơn nữa. Nhưng trong anh ý thức tự do chưa cháy lên. Tôi nghĩ đến những con người, những dân tộc bất hạnh đã mang những nếp sống không có những tầng xâu của súc cảm tư tưởng. Những con người sắc lạnh như kim khí, cằn cỗi như đất đá, nằm sa đọa trong vực thẳm cộng sản như những bông hoa héo chết trong nắng lửa.


Cái ngày mà anh xin đã đến chưa ?


Có thể chưa. Nó còn nằm trong viễn tượng. Nó còn thuộc về lĩnh vực của những cái gì chưa tới. Ở anh hôm nay, trong hoàn cảnh hiện tại của anh, tôi chỉ muốn nó là ngày của Niềm Tin. Ở con người trí thức như anh, lửa tin khi đã cháy lên sẽ còn sáng tỏ rực rỡ hơn nữa, ngọn lửa của một niềm tin có ý thức.


Hôm nay, anh còn đi một mình. Nội giới anh còn là một thế giới hoang mang. Chúng tôi đã sống tự do. Anh còn nhận đường.Tôi chỉ gữi đến anh một niềm tâm thành : Anh cố gắng đi. Và đừng thôi tin tưởng. Chúng ta là tập thể. Nhưng chúng ta đừng nô lệ cho tập thể. Con người là Một của Muôn Vàn nhưng con người cũng làm nền Muôn Vàn. Trong hằng hà sa số đơn vị. Con người là yếu tố quyết định là vạn năng.


Quan niệm được vậy thì phải sống sứng đáng với thiên chức. Nghĩa là phải sống tự do.


Tôi tin sức mạnh của bàn tay. Tôi còn tin ở sức mạnh của tư tưởng. Anh cố gắng nhé ! Đứng thật thẳng. Sống thật mãnh liệt. Sống còn với Tự Do. Đi ngược lại triều Hồng Thủy. Biết bao nhiêu con người đã ngã xuống, vì bị huyền hoặc dưới triều thác lũ. Những buổi khai hội. Khai đêm, khai ngày. Những cuộc biểu tình. Những rừng biểu ngữ. Những đợt huấn luyện. Và con người mê thiếp ngã xuống.


Thế là hết, hết hẳn.


Tất cả vấn đề tồn tại là ở cho trong giai đoạn làm phép của ma quỷ, anh có vững vàng tin tưởng không. Sau đó bùa phép Cộng sản không còn tác động nữa. Ở khắp các miền trên trái đất hôm nay Cộng sản đang cướp của chúng ta những con người. Chúng mệnh danh là tranh thủ nhân dân. Tôi tin ở tự do tôi chỉ thấy một cuộc bắt cóc rộng lớn. Trong số những con người bị bịt mắt đưa đi có cả những người trí thức.


Đó là một hiện tượng mới lạ của chế dộ. Đem mổ sẻ sự kiện, nhìn vào chiều xâu hiện tượng, tôi thấy điều này : Họ đều là nạn nhân của sự sùng thượng những cái cao đẹp giả tạo. Họ khám phả Cộng sản qua một cuốn sách, một bức họa. Mà qua một cuốn sách, một bức họa thì chủ nghĩa Cộng sản thường được phô diển bằng những khía cạnh rất cao đẹp rực rỡ. Ngoài một cuốn sách một bức họa thế giới Cộng sản chói lòa những viễn tượng. Một số những nhà trí thức của thế giới hôm nay đã nghiêng ngã trước những viễn tượng ma túy ấy. Họ chạy bổ đến cái chân trời Cộng sản đầy ngập những ảo ảnh của tiến bộ. Với họ con đường Cộng sản là con đường đẹp nhất.


Quá trình tư tưởng và hành động của những người trí thức đang ngã dần vào lưới Cộng sãn đã có những hình thái ấy.


Nhưng sự thực có như thế không ?


Con đường anh vừa lựa chọn để ở lại bên kia vĩ tuyến đã đưa anh đến đâu ?


Tôi không trả lời anh. Anh đã trả lời được cho anh rồi. Hà nội hôm nay sẽ trả lời cho anh, cho Hà nội. Giai đoạn đón nhận chấm dứt cho một giai đoạn thực nghiệm bắt đầu. Chân lý sáng tỏ sau giai đoạn thực nghiệm này. Mà những người trí thức như anh thì chỉ công nhận chân lý qua thực nghiệm thôi. Đó cũng là cái thái độ khoa học khách quan nhất của con người trước sự kiện.


Hà Nội hôm nay là một bàn mỗ sẻ chói chang.


Ở bên này chiến lũy, tôi đợi chờ sự quyết định của anh.


Anh sẽ là thù ? Anh sẽ là bạn ?


Tự nhiên lòng tôi lắng đọng hẳn xuống. Anh sẽ là thù, anh sẽ là bạn ? Tất cả ở hai bờ vĩ tuyến nhòa đi : Chính thế, bóng tối nhà tù, những tư tưởng chống đối. Mà chỉ còn là cái hình ảnh muôn thuở đôn hậu của một người bạn, của anh.


Lòng tôi chói lên niềm đau chia cách dài hạn.


Cho tôi xin một ngày


Sông biển được gần nhau.


Từ mười năm nay, cuộc chiến tranh đau khổ lâu dài đã làm chúng ta mất mát nhiều. Một giọt nắng. Một bài thơ. Những mùa hoa bướm cũ. Lửa đạn đã thiêu hủy cã trên cái lĩnh vực thắm tươi của tình hạn. Tôi nhớ đến những bạn chúng ta đã bỏ mình. Người chết không đi trên đường oán thù. Sự mất mát sẩy đến trong những trường hợp nào cũng vẫn là những niềm chua sót. Người chết nào thì cũng vẫn là những người đã chết của chúng ta. Thì cũng vẫn là những người đã chết của thế hệ. Những cái chết đó nhất định làm chúng ta phải suy nghĩ nhiều, và rút tỉa ra được một cái gì.


Từ những tầng đáy niệm ấy tôi đã tìm đến anh.


Kỷ niệm.


Tôi nhớ lại những ngày cuối cùng. Buổi tối xuống thăm anh trước khi sang phi trường Gia Lâm Hà Nội đã vào thu. Tôi đạp xe thong thả xuống mạn Thiền Khuông. Bánh xe lăn đi trên những đoạn đường vắng lặng. Bóng lá đổ xuống, Hà Nội thấp thoáng từng điểm lửa yếu đuối. Những ngày trước Tiếp Thu Hà Nội đã sống những giờ phút ngừ vực. Lòng thành phố khép đóng, sầu muộn. Tôi đã là người của một chuyến đi. Nhưng lòng tôi còn là của Hà Nội. Ngũ quan tôi căng thẳng trước chuyển đổi chính thể lớn lao. Tôi sống những giờ phút đón nhận cuối cùng. Ngày mai, anh sẽ nhận phần chịu đựng của Hà Nội. Và những ai nữa ?


Buổi tối hôm ấy, tôi cảm thấy tôi mất mát nhiều hơn bao giờ. Nhưng cũng gắn bó vớt Tự do nhiều hơn bao giờ. Cái cao đẹp của Tự do tôi chưa cầm thấy rõ rệt. Chỉ có những đau đớn của con người phải rời bỏ một góc phố thân yêu.


Tôi dám nói thẳng ra điều đau buồn này, vì đó chính là sự thực. Tôi nghĩ rằng tác phong của con người tự do là nói thẳng, nói thật về những đau đớn những mất mát ấy. Còn được nói thực sống thực là còn được tự do.


Tôi đến anh. Một con đường đất nhỏ. Một cái cổng thấp. Những bờ tường có hoa leo. Tôi đó, anh đã giữ tay tôi trong tay anh lâu hơn mọi lần. Anh biết tôi đi. Tôi biết anh ở lại. Như lệ thường, chúng mình uống cà phê bên cạnh bàn viết. Trên bàn, một vài cuốn sách mới. Tôi nhìn xuống bìa sách mang tên những tác giả Đông Âu. Hồi đó, để đón nhận chính thể mới, anh đọc nhiều. Văn phẩm quốc tế sắp hàng trong tủ sách của anh phần nhiều là của những cây viết Đông Âu. Anh bảo tôi :


- Đó là một nền văn nghệ thật tiến bộ. Lành mạnh ghê lắm !


Tôi đã định mở ngay với anh một cuộc thảo luận tay đôi về những cái lành mạnh giả tạo ấy. Chúng là những viễn tượng. Những ảo ảnh. Nghĩ thế nào, tôi lại thôi. Để cho anh sống đã. Sống với chúng nó. Tôi hút một điếu thuốc. Nhìn lên tường, một bức họa Picasso tổng hợp hình ảnh nhà máy, người thợ và con chim hòa bình. Viễn tượng. Những viễn tượng đẹp nõn nà. Hãy để cho anh sống đã. Sống với chúng nó. Quá trình tư tưởng của con người ý thức được thế nào là tự do, phải đi qua giai đoạn tiếp nhận thẳng với đời sống Cộng sản. Phải để anh sống hết giai đoạn ấy. Rồi anh mới đến được với tự do.


Nghĩ thế, đêm hôm đó tôi đã không khuyên anh rời bỏ Hà Nội. Khuyên anh chưa chắc anh đã tin tôi. Anh sống với chế độ mới rồi, không khuyên, anh cũng vẫn di.


Cộng sản đem lại cho các anh những viễn tượng rực rỡ. Chúng tôi đã tiếp xúc với thật tế Cộng sản rồi, chúng tôi bỏ đi. Ở anh, là những tác phẩm văn nghệ Đông Âu, là những nét họa bay múa của Picasso, là viễn tượng. Ở chúng tôi là những nhà tù rộng lớn, những trại tập trung, là sự hủy diệt con người. Anh chưa nhìn thấy con người sau trận lửa hủy diệt. Anh chưa nhìn thấy cuộc sống sau trận Hồng Thủy.


Anh đã ở lại.


Hà Nội hôm nay sẽ là cái công trường thực nghiệm cho các anh. Và Tự do sẽ đến sau đêm nhận đường, từ những kinh nghiệm đau đớn.


Đêm khuya rôi... Tôi nghĩ đến một chuyến máy bay sắp sửa cất cánh. Tôi đứng giậy. Anh hỏi tôi :


- Thế là anh nhất định đi đấy !


- Nhất định.


- Buồn ?


Tôi gật đầu - Buồn.


Buồn, nhưng tự do.


Anh đưa tôi ra đầu phố. Và tôi bỏ anh, anh đã ở lại Hà Nội, để đón nhận sau những viễn tượng ảo ảnh, sự thực của chế độ, của đời sống Cộng sản.


X


Tôi ngừng bút, nhìn lên. Một năm đã qua. Ở bên này chúng tôi cũng đã sống một năm thực nghiệm đầy đủ. Để mà nhận thấy điều này : cái cao đẹp của đời sống không còn nằm trong những viễn tượng


Không chỉ là một sáng tác văn nghệ Đông Âu, một bức họa Picasso, những giòng giáo điều, mà chính ở trong nội tại từng cuộc sống bé mọn của từng con người. Một nhà chính khách. Một người lính tại ngũ. Một tín đồ giáo phái. Một nhà tư bản. Đến một người dân thợ, một người di cư.


Người nào cũng phải nhận được cái phần tự do. Người nào cũng phải có chỗ đứng dưới ánh mặt trời. Tập thể không đông nhất là sự tập hợp chưa từng thấy của những giai cấp những sự kiện những con người có thể có những khuynh hướng cách biệt nhưng vì Tự do, đã nhập vào cuộc chiến đấu chung. Chiến đấu cho tự do trước đã. Xã hội này có thể còn đầy rẫy những bất công, nhưng để cải tạo lại xã hội, chúng tôi quyết không dùng đến những phương tiện bạo lực. Tự do con người bị đe dọa rồi. Chúng tôi bảo vệ cho con người, cho tự do trước đã.


Anh tới miền Nam đất nước hôm nay, anh sẽ nhìn thấy một tập thể người sống thật hổn độn : Nước mắt chảy trong tiếng cười. Hướng đi lên bắt nguồn trong sa đọa. Ánh sáng lẫn lộn với bóng tối. Cuộc sống khởi đầu chưa phân định rỏ rệt.


Nhưng trên tất cả, đã chói lòa một hướng đi.


Chỗ yếu của đời sống tự do là ở đó. Nhưng sức mạnh của tự do cũng ở đó.


Tất cả sẽ được đặt định lại.


Tất cả sẽ được giao phó cho con người.


Tôi tin ở sức sáng tạo vĩ đại của con người tự do. Chỉ có thể sáng tạo được trong tự do. Phần đất nước miền Nam hôm nay, anh có thể xem như một đống gạch ngói đổ nát nhưng trên đổ nát này, kiến thiết xây dựng đã được bắt đầu. Con người tự do có đây đủ điều kiện đầy đủ khả năng để sáng tạo lại tất cả.


Tôi ngừng lại ở đây. Bây giờ thì anh đã hiểu tại sao chúng tôi đã rời bỏ Hà Nội rời bỏ miền Bắc. Anh đã hiểu tại sao tôi viết cho anh. Anh cũng hiểu tại sao chính anh rồi anh cũng tìm vào tự do.


Bởi vì chúng ta còn muốn được làm người.


Bởi vì chúng ta không muốn là những con số không.


Bởi vì chúng ta còn muốn sống cuộc sống thực là cuộc sống của người.


Bởi vì chúng ta không muốn là những bầy nô lệ.


Cho nên kẻ trước người sau chúng ta đã rời bỏ thiên đường Cộng sản, bỏ cái thế giới giả tạo tù đầy, chúng ta đã vượt vĩ tuyến đi sang miền tự do. Để con người vẫn được làm người, và trái đất vẫn còn là trái đất, chúng ta cần phải tiếp tục cuộc tranh đấu cho tự do. Tự do là máu huyết cua chúng ta. Tự do là không khí là hơi thở. Con người không thể mất được máu huyết không khí và hơi thở.


Cho tôi xin một ngày.


Ngày ấy đã nằm trong tầm tay của anh. Trên đường tự do. Hà Nội của Cộng sản có thừa những hiện tượng chua sót để anh vùng lên trên cái thế giới đen tối ấy. Bên trên những mái nhà tù, đêm Hà Nội vẫn có những vì sao. Vẫn có những vì sao của chúng ta. Vẫn có những miền trời xanh của chúng ta.


Ngày mới sẽ dựng. Ngày của anh. Ngày của tự do


Ngày anh sẽ vượt vĩ tuyến sang miền Tự Do, để góp phần chiến đấu vào cuộc chiến đấu chung của những con người tự do.


Mai Thảo


Trích Đêm Giã Từ Hà Nội

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn