BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73397)
(Xem: 62246)
(Xem: 39435)
(Xem: 31178)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Anh Lùn Cạnh Nhà Thờ Đức Bà

20 Tháng Giêng 201612:00 SA(Xem: 1016)
Anh Lùn Cạnh Nhà Thờ Đức Bà
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Trên nguyệt san Tin Sách của Trung Tâm Văn Bút Việt Nam số 44, tháng 2 1966 ông Vũ Hạnh được dành 4 trang để điểm cuốn tiểu luận Tiếp Nối của Trần Thanh Hiệp, do nhà Sáng Tạo xuất bản. Ở đoạn kết bài đó ông Hạnh viết :

Vũ Hạnh


"Không có một cái nội dung dân tộc cụ thể, mọi sự đổi mới cũng sớm trở thành trừu tượng mâu thuẫn và xa dân tộc, Trong bài Sự thưởng ngoạn nghệ thuật bây giờ , tác giả quan niệm văn nghệ không còn chọn lấy đối tượng trong đời sống dân tộc, không dựa theo một cảm quan dân tộc mà chỉ căn cứ vào sự suy luận chủ quan của người văn nghệ, và độc giả phải tìm thấy bổn phận tìm hiểu tác giả như là đối tượng của mình. Đó là một sự đảo ngược, và sự đảo ngược như thế chính là một thứ quan niệm vay mượn từ những sinh hoạt phân ly trầm trọng của một xã hội Tây Phương. Cho nên nghệ thụật bây giờ mà tác giả đem hết tình biện hộ, không còn vay mượn gì ở truyền thống của dân tộc nữa, như tác giả viết. "Sở dĩ nghệ thuật bây giờ lay động người thưởng ngoạn nhiều bởi vì nó đã thực sự ly khai được với nghệ thuật trước nó." (trang 54). Thiết tưởng dù có đổi mới bao nhiêu văn học nghệ thuật cũng phải là sự Tiếp Nối. Khi đã thật sự ly khai là đã chối bỏ, và đã chối bỏ là đã bắt đầu lạc lõng. Cũng như về thơ tự do, dù tác giả và bạn hữu có biện luận đến bao nhiêu cái thực tại ấy hiện nay cũng đang suy mòn rõ rệt. Nó không "lớn mạnh một cách hiển nhiên" như tác giả đã xác nhận theo lòng tin tưởng của mình, ở đoạn cuối bài, bởi vì trong khi khai sanh ra lối thơ đó, những nhà thơ của chúng ta cũng chỉ căn cứ vào sự chủ quan nhiều hơn là vào thực tại dân tộc. Qua những lý lẽ phân tích, người ta chỉ thấy tác giả đề cập đến phần kỹ thuật mà không xác định thật rõ yếu tố nồng cốt cấu thành ra nó, là một kêu đòi của xã hội thực sự hiển nhiên.

Không, xã hội chúng ta đang sống không hề biến thể theo nghĩa đổi mới mà chính trong nhiều địa hạt nó đang đi lại một cái vòng tròn luẩn quẩn. Và thơ Tự Do hiện tại là con đẻ của lý trí nhất thời, đã bị lý trí từ khước và nếu nó còn tồn tại ở mức độ nào là nhờ nó được nuôi dưỡng ở lòng tự ái nhiều hơn".

Ở đây tôi không bàn gì đến cuốn Tiếp Nối, cũng như đến thái độ của Trần Thanh Hiệp trước các vấn đề văn học nghệ thuật, nhưng tôi sẽ nói về thái độ của ông Vũ Hạnh, trong vài nhận định về nghệ thuật.

Tôi không phải là một người suy nghĩ về văn học nghệ thuật. Vấn đề văn nghệ và nội dung dân tộc do đó không phải là vấn đề cần thiết đối với một người làm thơ, viết văn. Tôi là một người làm thơ, viết văn, nghĩa là không sống trong sinh hoạt văn nghệ như một người biên chép những tác phẩm đã hoàn thành, mà hoàn thành những tác phẩm. Do đó không bao giờ tôi bận tâm về vấn đề gọi là nội dung dân tộc, nhất là lại "nội dung dân tộc cụ thể", như ông Hạnh viết. Hạn định một nội dung dân tộc trong viêc sáng tác là lối hạn định của một thứ cán bộ, không phải của một nhà văn. Mang dân tộc ra để nhận định về một vấn đề nghệ thuật lá tác phong của các ánh đèn dầu cho văn nghệ hơn là một nhà đọc sách. Ông Hạnh viết : "Không có một nội dung dân tộc cụ thể, mọi sự đổi mới cũng sớm trở thành trừu tượng mâu thuẫn và xa dân tộc". Tôi không biết ông Trần Thanh Hiệp đặt vấn đề văn nghệ dân tộc ra sao, và ví dụ là có, thì tôi không cần biết, nếu không muốn nói thêm là ông Hiệp đã không nhân danh văn nghệ khi nói tới điều đó.

Ông cũng nhân danh một tư cách gì đó tương tự như tư cách một thứ cán bộ khi ông nói đến văn nghệ dân tộc. Văn nghệ của người Việt Nam là văn nghệ của Dân Tộc Việt Nam. Đặt vấn đề dân tộc trong văn nghệ chỉ là việc làm của những anh ở ngoài văn nghệ, hay muốn dựa dẫm vào văn nghệ, như anh lùn cạnh nhà thờ Đức Bà dựa dẫm vào lòng bác ái của kẻ ngoan đạo.

Anh ta chỉ có thể sống được khi tiếng chuông nha thờ còn đổ. Nhưng người ngoan đạo không cần nhìn thấy anh lùn mới biết là mình đang đi nhà thờ. Tôi không thấy có cái gì gọi là trừu tượng mâu thuẫn khi đôc một truyện ngắn "không có một cái nội dung dân tộc cụ thể". Ông Hạnh còn viết : "Cho nên NGHỆ THUẬT bây giờ mà tác giả (tức T. T. Hiệp) đem hết tình biện hộ, không còn vay mượn gì ở truyền thống của dân tộc nữa..." Nói vay mượn tức là nói không có. Nói vay mượn tức là nói cái này vay mượn cái kia, hay là cái này ở ngoài cái kia.

Như thế là đặt văn nghệ như một thứ gì đó tự nó ở ngoài dân tộc, và muốn có truyền thống dân tộc, nó phải vay mượn. Tôi nghĩ không một nhà văn nhà thơ VN nàocó tự ti là mình phải vay cái này, vay cái kia của truyền thống dân tộc mới hoàn thành đượcmột tác phẩm văn nghệ. Những người có tự ti ấy vốn thật sự hắn ở ngoài văn nghệ, và thèm muốn được chấp nhận như có ở đâ, ở Việt Nam, có nghĩ đến Việt Nam, văn nghệ Viêt Nam.

Đặt vấn đề ấy ra là bởi vì hắn không có chủ quan của người sáng tác: hắn đi vào sáng tác bằng lối suy nghĩ. Người sáng tác đích thực là người nghĩ trong tác phẩn-đã-hoàn-thành, chú không phải sáng tác theo một hạn địnhnào đó (vì hạn định ấy sẽ được chấp nhận như một lẽ đương nhiên).

Người làm văn nghệ là kẻ duy nhất có quyền quyết định về văn nghệ, và vấn đề của văn nghệ nằm ở trong nó chứ không nằm ở trong một đối tượng nào khác. Có một nghìn thứ nội dung nhưng chỉ có 1 thứ văn nghệ. Chính khí cụ không phải là văn nghệ. Mười điều tâm niệm không phải là văn nghệ. Đặt đối tượng dân tộc cho văn nghệ cũng như đặt đối tượng học trò cho nhà giáo.

Người làm văn nghệ không bao giờ sợ bị đuổi, bởi vì hắn tự chọn đối tượng theo chủ quan - như tôi chỉ làm thơ về tôi thôi - chứ không phải đối tượng chọn hắn. Vậy đối tượng của văn nghệ là thuộc quyền của người văn nghệ, do sự chi phối của người văn nghệ hắn làm chủ một thế giới theo quyền năng và cung cách của một Hoàng Đế, một nhà độc tài, không cân do dân bầu : hắn hoàn toàn tuyệt đối, hoặc sống hoặc chết, nhưng không cần ve vãn ai chỉ để thu lấy một số phiếu vừa đủ để đứng ở đó. Nội dung này nọ chỉ là việc nhòm ngó từ ngoài tới. Trong bài Tùy bút cho một thi sĩ, Nghệ Thuật số 12, tôi đã nói về điều này.

Ông Trần Thanh Hiệp cũng bàn về chủ quan của người văn nghệ, và cho rằng độc giả cần nhìn tác giả như một đối tượng. Ông Vũ Hạnh cho rằng đó "chính là một thứ quan niệm vay mượn từ những sinh hoạt phân ly trầm trọng của một xã hội Tây Phương".

Tôi không biết xã hội Tây Phương, dù là một xã hội Tây Phương nào đó thôi, nó như thế nào. Nó phân ly cái gì, với cái gì, nhưng theo tôi hiểu, ông Vũ Hạnh muốn chỉ sự phân ly giữa cuộc sống của người này với người kia. Cũng theo tôi hiểu, ông Vũ Hạnh muốn người viết phải "dựa theo một cảm quan dân tộc" để đến với người đọc. Cảm quan dân tộc ở đây không phải là tinh thần mà là số lượng : cảm quan của đa số. Ông Hạnh muốn tác phẩm là một thứ cửa ngõ cộng đồng để nhiều người cùng có thể tới đó,tụ họp ở đó - thay vì các tác giả của nghệ thuật bây giờ muốn có một sinh hoạt phân ly, theo ý ông Hạnh. Nếu mười người đọc 1 cuốn sách cùng có một thứ "cảm quan dân tộc" - như 10 học trò cùng nhận được một lời giảng - thì cuốn sách đó chỉ là một thứ ca dao bằng văn xuôi - một thứ Thạch Sanh Lý Thông tuyển tập tựa như tác phẩm Vượt Thác mà thôi. Cuốn sách không phải là một sân khấu cùng một lúc đón nhận bởi đám đông. Nó đến với từng người trong nhiều hoàn cảnh. Nó là sinh hoạt phân ly.

Tất cả là sinh hoạt phân ly. Kêu gọi cộng đồng không là công việc người văn nghệ : người văn nghệ kêu gọi mỗi người sống lấy mình mà thội. Kêu gọi cộng đồng là công việc của kẻ đã được sống sót vì lòng thương của kẻ khác, như anh lùn cạnh nhà thờ Đức Bà được sống bởi các con chiên.

Ông Vũ Hạnh viết : "dù có đổi mới bao nhiêu, văn học nghệ thuật cũng là sự tiếp nối".

Tôi không thể nào quan niệm được rằng văn học nghệ thuật là sự tiếp nối. Người cán bộ này có thể là sự tiếp nối của cán bộ kia, nhưng nhà văn này không thể tiếp nối nhà văn khác, nếu không lật ngược trở lại bởi chúng không nhận lãnh nhiệm vụ với ai, ngoài mình ra. Quan niệm văn nghệ là tiếp nối là một quan niệm có tính cách vui ích, công lợi, điều hòa. Lối văn nghệ ấy cũng cần phải có, chứng cớ là xã hội này, dù bao đổi mới, vẫn có ông Vũ Hạnh.

"Cũng như về thơ tự do, dù tác giả và bạn hữu có biện luận đến bao nhiêu cái thực tại ấy hiện nay cũng đang suy mòn rõ rệt... bởi vì khi khai sinh ra lối thơ đó, những nhà thơ của chúng ta chỉ căn cứ vào sự chủ quan nhiều hơn là vào thực tại dân tộc... Và Thơ Tự Do hiện tại là con đẻ của lý trí nhất thời, đã bị lý trí từ khước, và nếu nó còn tồn tại ở mức độ nào là nhờ nó được nuôi dưỡng ở lòng tự ái nhiều hơn".

Tôi không nghĩ rằng khi khai sinh thơ Tự Do, những người như Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên phải nghĩ đến cái gọi là thực tại dân tộc. Thực tại là nơi sống của người văn nghệ, nhưng nó không cần thiết cho thơ, như liên hệ hữu ích hay liên hệ nguyên nhân cũng vậy. Tôi không nghĩ rằng TTT rất bình thản để tung ra một lời kêu thét. Nghĩ được như vậy chỉ có anh lùn cạnh nhà thờ Đức Bà. Ông Vũ Hạnh muốn tách rời Thơ Tự Do ra khỏi cuộc sống hôm nay - dù đã 10 năm nó có mặt ở đây rồi. Ông dùng những tiếng như nội dung dân tộc cụ thể, cảm quan dân tộc và thực tại dân tộc nhiều quá, nhưng bị cáo vẫn hưỡn hưỡn đi qua đi lại và tự nó làm xấu hổ bọn phán xét. Ông muốn thơ phải khách quan. Có cái gì ở đời lại khách quan, kể cả viên đá ở trong tay thằng Ất thằng Giáp hay thằng Tý thằng Sửu ? Mang khách quan ra nhận định một sáng tác văn nghệ chỉ có cách đây một vài thế hệ trong đó có cả một thế hệ ngu muội. Ông dùng chữ các nhà thơ của chúng ta. Nghe lời đó, tôi cảm như nghe anh lùn cạnh nhà thờ Đức Bà chúc tụng kẻ qua đường. Không cần thiết. Và người làm thơ không là của ai hết. Tôi là thi sĩ của tôi thôi, bởi vì tôi bất lực với đồng bào và cảnh vật. Tôi không giúp ích xã hội này bằng một cán bộ được. Làm thơ mà nghĩ đến thực tại xã hội - thực tại dân tộc - là làm vè thời đại. Ông Vũ Hạnh và nghiệp đoàn cán bộ trong 10 năm nay phát giác được bao nhiêu thi sĩ qua tạp chí Bách Khoa ? Vai trò một người tự nhận là phê bình văn học , cộng tác thường xuyên một tạp chí, đã làm được gì trước tài năng chưa xuất hiện, hay chỉ sống nhờ vào những tài năng đã có ? Bỏ qua những thứ ấy, tôi muốn bàn về quan niệm thơ tự do là con để của lý trí, đã bị lý trí từ khước. Lý trí phải từ khước thơ, một thằng lùn cũng phải biết như vậy. Nói đúng hơn, biết bao nhiêu lý trí sáng suốt trong bao nhiêu thế kỷ qua không được Thơ chấp nhận. Ông Hạnh nói Thơ Tự Do là con đẻ của Lý Trí là chỉ muốn mang Thơ hành phục lý trí. Tôi tưởng ở VN, những người làm thơ tự do đều khước từ trước hết sự chấp hành lẽ phải trong Thơ. Nó không chỉ nhận cái Sáng mà còn nhận cái tối, nó nghi ngờ lý trí như nghi ngờ nhũng tên lùn. Người ta cũng không nghĩ ra thơ Tự Do như có kẻ đã ngồi nghiệm ra niêm luật cho thờ đều vận. Khi người ta phải nghĩ ra làm thế này, thế kia không phải từ cái nghĩ một đẩy tới cái nghĩ hai, mà vì thấy thực tại là khốn khổ, thấy thơ trước nó là mòn mỏi, và lao vào làm cho biến đổi đi, dù thân phận chỉ là một hạt bụi trong guồng máy.

 

Kẻ nuôi dưỡng tự ái để sống không phải là kẻ được đón nhận, có bạn hữu vây quanh, mà chính là kẻ cô độc và bị bỏ rơi. Thi sĩ Việt Nam, dù cà mèng như thi sĩ Đoan Thêm vẫn không bao giờ bị bỏ rơi hết. Dùng chữ tự ái để chỉ những người làm thơ tự do hiện nay ông Vũ Hạnh đã phải dùng đến thứ khí giới đê hạ nhất là lòng ái ố của con người, dù rằng ông đam làm công việc của một người thẩm định sách vở. Gọi nó là con đẻ của lý trí, ông Hạnh đã quên cách đây nhiều năm, người ta kêu rằng không hiểu được thơ tự do, trong khi ngày nay, ở bất cứ một tờ nhật báo nào cũng có thơ tự do. Ông Hạnh có thể dùng chữ con đẻ của lý trí vừa để chỉ Thơ Tự Do là một phát minh của sự suy tính, luận lý, vừa chỉ nó là một cái gì phi Thơ. Tuy nhiên trong cả hai nghĩa đều là không đúng. Tôi chưa thấy một thế hệ nào có Thi Ca giản dị như Thơ Tự Do, giản dị đến nỗi ai cũng biết nói đến cách làm thơ tự do. Nếu thấy sự lổng chổng hay đa dạng của nó thì không phải vì đó là một cố tình rắc rối, mà là một cách nói hết sự thật, nghĩ đến đâu viết đến đấy, nghĩ cái gì nói cái ấy, nghĩa là không sửa soạn, xếp đặt, không cầu kỳ, lập dị. Thơ Tự Do đã giản lược từ ngữ đến chỗ nhẵn bóng nhất.

Cho đến bây giờ có kẻ chưa hiểu được Thơ Tự Do vì chưa ai dạy hắn cách đọc, cách ngâm, trong khi hắn cứ tưởng rằng đi vào một bài thơ tự do cũng bằng cái lối đi vào một bài lục bát. Nếu có thứ thơ để ngâm thì cũng có thứ thơ để đọc. Nếu có thứ thơ rủ rỉ thì thầm thì có thứ thơ để hát lên, kêu lên, cử động cả chân tay mà diễn tả không phải là ngồi im, ủ rũ để ê a.

Tôi không thể nói cho ông Vũ Hạnh rõ những yếu tố cấu thành thơ Tự Do. Tôi chỉ biết nó đã cấu thành rồi. Tuy nhiên, sinh lý của thơ tự do ngày còn biến động, bởi vì sau một thời gian thoát thai, nó còn nổi trôi trong thế giới chưa xác định. Điều chắc chắn sinh lý của nó là một sinh lý tự do, sản phẩm của một cõi đời mới vừa dứt bỏ cái mặt đất phẳng lì.

Thơ Tự Do cũng có nhân vật. Nó muốn là một nhân vật có bộ dạng riêng, và nhân vật thơ hôm nay không muốn chỉ làm kẻ hào hoa hay nhàn tản, nó muốn là kẻ có bản chất muốn nghi kỵ mọi điều, bao gồm khả năng của một đời sống mỗi lúc một biến đổi và tan vỡ, làm đứa con hoang hơn là đứa con cầu tự. Nó không thích hợp lẫn nhau vì nó, nhân vật ấy, không chấp nhận là một công dân trong một cộng đồng, nghĩa là không phải là kẻ phải làm những nhiệm vụ xã hội mặc nhiên đổ lên đầu, mà muốn tự nó xây dựng lấy cái sống. Thơ Tự Do là một quốc gia không có dân, hay là cái cây duy nhất mọc trong sa mạc.


 Tôi có đọc ở đâu đó rằng mỗi thân xác có một số khuyết đều nhau, mà những cơ quan có hai khuyết (như mũi, tai, mắt) thanh cao hơn là những cơ quan có một khuyết. Bởi thế, tôi gọi người có tầm nhìn thấp là anh lùn : ở thấp hắn không thấy được những khuyết thanh mà chỉ thấy được những khuyết tục. Tôi tin đó không phải là điều hắn cố ý, thân phận một anh lùn, bất toàn sống nhờ, không thể nào làm hơn được.


 Viên Linh

 Tuần báo Nghệ Thuật số 27 tháng 4.1966
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn