BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72808)
(Xem: 62101)
(Xem: 39197)
(Xem: 31054)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Giáo dục VN tiếp tục gây nhiều tranh cãi

28 Tháng Chín 201012:00 SA(Xem: 902)
Giáo dục VN tiếp tục gây nhiều tranh cãi
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Hôm 20-9, báo Tiền Phong online có đăng bài viết của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, tựa đề “Cải cách để có một nền giáo dục trung thực”, nhấn mạnh đến nhu cầu cấp thiết cải cách giáo dục.

Tải xuống để nghe.


Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Michael Michalak (giữa) cắt băng khánh thành Trung tâm Tư vấn Giáo dục Hoa Kỳ tại Hà Nội ngày 13 tháng 9 năm 2010. Trung tâm này sẽ hướng dẫn các sinh viên Việt Nam về cách tiếp cận cơ hội giáo dục tốt nhất tại Mỹ.



Phải "thay máu"


Giáo sư Hà Văn Thịnh thuộc Đại Học Huế, lên tiếng về vấn đề này qua cuộc trao đổi với Thanh Quang:

Theo tôi thì bà Nguyễn Thị Bình chỉ nói nửa vời, nói chung chung vậy thôi, chứ thực chất mà muốn thay đổi nền giáo dục, thì phải thay đổi một cách rõ ràng, một cách quyết liệt. Thí dụ tình trạng những tiến sĩ giả, tiến sĩ giấy, những giáo viên “đọc-chép” thì phải sa thải.

Vừa rồi có một thí sinh thi Đại học chỉ được 9 điểm mà nhận tới 9 giấy báo Đại học thì làm sao mà nói tới chất lượng giáo dục? Ở đây bà Bình chỉ nói chung chung cho vui vậy thôi chứ chả có hy vọng gì đâu.

Là người công tác trong ngành giáo dục 33 năm, tôi không tin vào những lời hoa mỹ. Anh muốn thay đổi thì anh phải cải cách bộ sách giáo khoa. Phải cách chương trình dạy chính trị. Chính trị nhiều như vậy, quân sự, thể dục nhiều như vậy nó “ngốn” hết một phần tư chương trình đào tạo đại học rồi, còn đâu nữa mà chất lượng lên cao được. Ở VN này cái gì cũng cải cách nửa vời hết.

Thanh Quang: Thưa GS, GS khả kính Hoàng Tụy mới đây cũng bày tỏ âu lo cho nền giáo dục nước nhà, nhất là bậc đại học. Ông nói rằng “Hệ thống giáo dục bậc cao của chúng tôi thật cổ xưa”. GS nhận xét như thế nào về phát biểu đó của GS Hoàng Tụy?

GS Hà Văn Thịnh: Dạ, phát biểu đó là chính xác, dùng từ “cổ xưa” đó là chính xác. Đó là một cách để nói rằng nó là lạc hậu trầm trọng. Bởi vì đã là thế kỷ 21 – thế kỷ toàn cầu hội nhập mà bây giờ còn cổ xưa thì đó là gì ? Tức là đáng vứt đi. Lạc hậu mà không chịu thay đổi.

Theo quan điểm của tôi thì nền giáo dục này phải thay cả máu, thay cả xương, thay cả thịt, chứ không phải chỉ “thay áo”. Cách của bà Nguyễn Thị Bình là cách thay áo. Cách theo ngôn từ của những vị lãnh đạo Bộ Giáo dục hiện nay cũng chỉ là “thay áo” thôi. Mà theo tôi là phải thay hết, thay một loạt, đặc biệt là triết lý giáo dục. Một nền giáo dục mà chú trọng đào tạo những người chỉ biết trung thành thôi thì làm sao mà sáng tạo, làm sao mà phát triển được!? Những thứ đó không phải là tiêu chuẩn của khoa học, không phải là tiêu chuẩn của trí tuệ.

Xây dựng của trí tuệ thứ nhất là phải sáng tạo, yếu tố thứ hai là phải tiếp cận được nền khoa học mới mẻ của nhân loại. Mà ở đây cái gì hơi mới một tí là bắt đầu sợ, bắt đầu ngại rồi thì làm sao mà phát triển được. Yếu tố thứ ba là phải lựa chọn, thầy ra thầy, trò ra trò. Việc này, nói thật, hiện nay thầy chẳng ra thầy mà trò chẳng ra trò. Tiến sĩ Bành Tiến Long nói rằng có 30% tiến sĩ không đạt, hay nói cách khác, đó là 30% tiến sĩ giấy. Nhưng cuối cùng tình hình có thay đổi gì đâu? Họ vẫn nghênh ngang như vậy, họ vẫn nhận lương, vẫn nhận chức này, chức nọ, có sao đâu ? Rồi bằng giả này khác có ai đụng chạm gì đâu? Chả có ai bị ảnh hưởng gì cả. Thực tế là như vậy.

Tiến sĩ giấy dạy đại học



Một nhân viên của NXB Tri Thức đọc sách tại văn phòng ở Hà Nội ngày 31 tháng tám 2010. AFP photo


Thanh Quang: Thưa, GS vừa nhắc tới những điểm có lẽ đáng ngại, thí dụ như “thầy chẳng ra thầy, trò chẳng ra trò” khiến người ta liên tưởng tới câu nói của nhà văn Trần Mạnh Hảo trong bài tham luận gởi Đại hội Nhà văn mới đây, có viết rằng “Đạo đức trong giáo dục VN hôm nay đồng nghĩa với dối trá: thầy dối trá thầy, trò dối trá trò, quản lý giáo dục báo cáo láo cốt lấy thành tích, nạn mua bán bằng, bán đề thi, mua quan bán tước đang là đại hoạ của nền giáo dục. Hầu hết sách giáo trình, sách giáo khoa…là sách đạo văn. Cán bộ có chức có quyền đua nhau làm thạc sĩ, tiến sĩ…lấy bằng thật nhưng học giả. Nạn dùng tiền mua bằng cấp, mua học hàm học vị đang diễn ra công khai trong cái chợ trời giáo dục VN…”. GS nhận xét ra sao về đạo đức học đường trong nước hiện giờ ?

GS Hà Văn Thịnh: Về mặt cơ bản, theo quan điểm riêng của tôi, những điều Trần Mạnh Hảo nói là đúng gần hết, ít nhất cũng đúng 90%. Tình trạng mua bằng, kiến thức giả khiến dẫn tới tình trạng, thí dụ, một giảng viên đại học, tiến sĩ, mặc dù đi dạy mấy chục năm rồi, nhưng khi quên giáo án ở nhà là dạy không được. Điều này cũng dễ hiểu rằng trình độ trong đầu của họ là chẳng có gì cả. Có những giảng viên mà cả đời không bao giờ đọc tờ báo nào, không bao giờ biết thông tin nào cả. Cái gì đối với họ cũng như mới cả. Vậy mà họ vẫn dạy đại học được.

Thanh Quang: Thưa GS, có ý kiến cho rằng những trở ngại dai dẳng vừa nói của nền giáo dục VN chủ yếu là do đường lối giáo dục - triết lý giáo dục và mục tiêu đào tạo - sao cho có lợi cho Đảng và Nhà nước, hơn là sao cho kịp thời phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước trong bối cảnh hội nhập thế giới. GS nghĩ sao về nhận xét đó ?

GS Hà Văn Thịnh: Về nhận xét nói rằng cho phù hợp với Đảng và Nhà nước thì tôi không dám bày tỏ ý kiến, vì điều đó động đến nhiều chuyện lắm. Điều tôi muốn nói là cả một sự sai lầm, mà sai lầm thì ai cũng biết rồi. Sai lầm trầm trọng ai cũng biết luôn. Vấn đề muốn thực sự giải quyết những sai lầm đó như thế nào thì phải thay đổi. Bởi vì họ sợ đổ vỡ, sợ rạn nứt, họ sợ gặp những hệ lụy hoặc hậu quả trầm trọng nên họ không dám thay đổi thôi. Chứ trên thực tế, cải cách giáo dục, như tôi nói lúc nãy, theo kiểu “giật gấu vá vai” thì chỉ có tai hoạ thôi. Phải thay đổi hết.

Hiện nay một sinh viên mới ra trường, chẳng hạn, muốn đi dạy hay muốn xin việc gì đó tốt thì phải tốn mấy chục triệu. Rõ ràng như vậy là vấn đề tài năng cũng bằng không. Nếu có tài năng, mà là con nhà nghèo, thì bằng không rồi. Hay là vấn đề chạy điểm này khác…

Những thứ đó thì ở đâu trong nước cũng có hết, chẳng qua là họ không muốn nhìn thấy thôi. Nếu bây giờ mà phanh phui ra thì nhiều lắm. Tiêu cực, tệ nạn giáo dục nhiều vô cùng. Điều đó là sự thật, và rất đau lòng cho dân tộc VN. Giáo dục mà trầm trọng như thế sẽ dẫn tới hậu quả kéo dài hàng chục năm sau.

Thanh Quang: Cảm ơn GS Hà Văn Thịnh rất nhiều.

Thanh Quang, phóng viên RFA

27-09-2010
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn