BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72808)
(Xem: 62101)
(Xem: 39196)
(Xem: 31054)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Cà Mau Ly Rượu Giã Từ

07 Tháng Giêng 201612:00 SA(Xem: 4598)
Cà Mau Ly Rượu Giã Từ
53Vote
42Vote
30Vote
20Vote
11Vote
46
Thế rồi ngày chờ đợi cũng đã đến. Sau bữa cơm, mọi người đang lim dim trong giấc ngủ trưa thì Hủ Tiếu khệ nệ vác cái bụng nước lèo, khệnh khạng đi vào nhà mặt hí hửng báo tin lịnh trung ương đã chánh thức cho phép các ghe của tỉnh Minh Hải khởi hành. Hắn nói:

— Ngày mai, lúc sáu giờ sáng tụi mình đi xuống Cà Mau bằng xe đò, rồi từ Cà Mau mới đi ghe ra biển. Nhớ nghe, đi xuống đó tay không, không được cầm theo gì hết. Hành lý có xe chở đi trước… nhớ sơn tên họ rõ ràng để khỏi lộn.

Như một phát pháo lịnh vừa được châm ngòi, cả nhà bừng bừng vui ngày hội lớn. Một nỗi mừng vụt đến, tôi ngây ngất bàng hoàng. Ghe đã được đi! Ghe đã được đi! Công trình của gần hai tháng trời héo hắt đợi chờ. Tôi nhìn chỗ nào cũng thấy đáng yêu hết sức. Nắng hừng hực giữa trưa, nắng long lanh ngoài ngõ, nắng xôn xao trên những lá rau muống bên kia đường, nắng chói lòa niềm vui. Mọi người lăng xăng dọn dẹp, thu xếp, chuẩn bị. Tư Trần Hưng Đạo đi chợ mua sơn để ghi tên họ trên các bao hành lý, đồ đạc anh đem theo nhiều quá, gần tới cả chục cái xách tay. Anh ngồi trong góc nhà, cầm cây cọ nhỏ chấm vô sơn vàng, cẩn thận viết từng chữ cái.

Tôi nói với anh:

— Anh mua hộp sơn lớn quá, viết có mấy cái xách tay làm sao cho hết!
— Tiệm không còn thứ nhỏ, thôi kệ, miễn có mà viết. Xong rồi, anh em lấy mà dùng khỏi mắc công mua nữa.

Tôi soạn lại xách tay, sắp xếp lại quần áo, cái để mặc đi đường, cái chở theo bằng xe hơi, cùng các đồ dùng cần thiết.

Duyên kế bên cũng rộn ràng:

— Mình phải mua thêm bình nhựa đựng nước đem theo để uống đi đường, cái bình một lít của Bi nhỏ quá không đủ đâu, em cũng phải mua thêm một cái nồi để nấu nướng…

Nghe vợ nhắc tới đó, tôi bỗng nghĩ ra vấn đề than củi:
— Chắc phải mua thêm cây búa để đốn củi, không có nó thì lấy gì chặt cây mà chụm?

Út Trung xen vô bàn:
— Thế nào ghe cũng tấp vào một bờ biển của Thái Lan hay Mã Lai, gặp nhà cửa của người ta mình xin vô ở đỡ nhưng cả ghe mấy trăm người làm sao ở cho đủ, chắc phải giăng lều ở ngoài trời. Vậy nên mua thêm vài cuồn dây nhợ, vải bố căng lều.

Tư Trần Hưng Đạo tiếp:

— Đã mua thì mua luôn cho đủ, mua nhiều nhiều lưỡi câu với dây ny lông để rủi có lọt vô đảo hoang thì cũng câu được cá mà ăn, mua luôn phao để có chìm ghe thì… lội!…

Duyên đi chợ mua về hai bình đựng nước cỡ năm lít. Có mua thêm cốm dẹp, làm thêm thịt cá chà bong. Đường chanh thì đã có làm sẵn ở nhà từ trước. Thấy nàng sửa soạn thức ăn đem theo, trong đó có một kí sữa bột, cả đám đều cười cho là chở củi về rừng vì ở bên đó thiếu gì sữa. Lịnh Công an ban ra là các ghe đậu ở Bạc Liêu sẽ đi xuống Cà Mau chở trước theo những kiện hành lý cồng kềnh. Hành khách đi tay không theo sau bằng xe đò. Vì Việt Cộng nói nên không ai tin, sợ bị gạt. Nếu nó lấy hết các hành lý, không chở theo ghe thì lấy gì mà mặc. Vả lại dầu nhiều hay ít ai cũng có dấu vàng bạc trong các gói xách, trong áo quần để phòng khi cần thì dùng đến, bây giờ phải làm sao?

Đứng nhìn qua bên kia đường tôi thấy hành khách của chiếc 0126C ra đi, ăn mặc dầy cộm như phi hành gia. Mỗi người bận bốn năm cái áo, ba bốn cái quần rồi thêm vào đó áo mưa, áo lạnh, đầu đội nón, tay che dù, cổ quấn khăn, đủ mọi thứ trùm lên đi hết muốn nổi. Trời Bạc Liêu, tháng giêng nắng như đổ lửa mà phải đi vào buổi trưa đứng bóng như vầy, thiệt là khổ hết chỗ nói. Để tránh dân thị xã dòm ngó, từ nhà ra đi từng người một, đến nơi hẹn vắng vẻ có xe đậu sẵn để chở đi Cà Mau.

Cũng may chúng tôi được đi vào lúc sáng, ăn mặc cũng theo kiểu trùm mền nầy nhưng không nóng nực lắm. Đến Cà Mau loay hoay cũng đã trưa. Nghỉ ngơi, ăn uống dọn dẹp chỗ ở tạm thì cũng hết ngày hết giờ. Cả bọn tắm rửa xong thì trời cũng đã về chiều. Tôi chọn một bộ quần áo mới để thay đổi cho tươm tất một chút. Cả ngày đi xe từ Bạc Liêu xuống đây, đầu cổ mình mẩy bụi bặm dơ dáy lôi thôi quá. Dầu gì đi nữa, đây cũng là lần đầu tiên tôi đặt chưn lên cái đất Cà Mau, bê bối lượm thượm thì thiệt là không nên. Nắng đã tắt từ nãy giờ, trời chiều im mát. Đèn đường đã cháy sáng. Hoàng hôn nơi tỉnh lỵ êm ả, trong lành. Mọi hoạt động náo nhiệt ban ngày đã ngừng hẳn, nhường chỗ cho sự nghỉ ngơi, thong thả. Người đi thưa thớt, thỉnh thoảng có vài chiếc xe lôi chầm chậm chạy ngang. Nhìn qua Duyên, nàng cũng mặc cái áo mới có nổi bông xanh, quần dài đen óng ả. Bi áo trắng, quần ngắn có dây tréo sọc đen, hai con mắt láo liêng nhìn mọi nơi ngơ ngác như con vịt nhỏ.

Nơi chúng tôi tạm trú là một ngôi chùa lớn của người Tàu. Giờ nầy trước cổng chánh đã có nhiều gian hàng bán chè, bán cháo đông đầy. Tôi lững thững chậm bước, đứng đợi cả gia đình Tư Trần Hưng Đạo để đi chung cho vui. Ở góc phố nầy tôi có thể nhìn thấy xa xa chợ Cà Mau qua dãy lầu hai từng xưa cũ. Có nhiều căn nhà còn đương cất nửa chừng dở dang. Nhìn trở vào trong tôi quan sát toàn thể ngôi chùa. Đó là một cơ sở nguy nga đồ sộ, kiến trúc bằng bê tông cốt sắt. Nó nằm trên con đường chánh của tỉnh lỵ. Như tất cả chùa miếu của người Trung Hoa, nó được sơn phết rực rỡ bằng toàn một màu đỏ. Mái ngói màu gạch cua cong vút, gạch tường đỏ bầm, nền gạch bông đỏ bóng, từng hàng cột đỏ tươi, mấy hoành phi câu đối cũng đỏ. Chỉ có hàng chữ to nằm vắt ngang chánh điện là sơn đen tuyền, chữ khắc lõm sâu, cứng cáp “Minh Nguyệt Cư Sĩ Lâm.”

Vậy là tôi hiểu lầm rồi. Đây không phải là cái chùa thờ Phật mà là hội quán của những người cư sĩ Trung Hoa. Cách đó chừng một cây số mới là một cái miếu lớn thờ Quan Thánh Đế Quân. Xung quanh cây cối vườn tược xanh tươi, thạnh mậu.

Trong hội quán có văn phòng làm việc của ban quản trị, có phòng ốc trú ngụ, cờ xí trống chiên để dọc theo tường la liệt. Đặc biệt có chỗ tắm rửa, vệ sinh thiệt rộng rãi, sạch sẽ. Tuy nhiên vì đám khách trọ hôm nay quá đặc biệt, họ đông gần trên năm trăm người, khách của hai ghe 1648 và 126C cùng ở chung, nên việc vệ sinh lúc nào cũng phải sắp hàng chờ đợi. Nhưng điều đó đâu có quan trọng gì. Ai cũng vui vẻ, thoải mái vì chỉ ở tạm ngày nay thôi, mai nầy lên ghe rồi, dầu cực khổ cách mấy cũng vui.

Tư Trần Hưng Đạo cùng bầu đoàn thê tử vừa ra tới. Cả bọn lũ lượt kéo nhau ra chợ, đi về hướng trái, đoạn đường ngắn lắm chừng độ năm trăm thước. Cà Mau chiều xuống ở vùng ăn nhậu nầy, khung cảnh thiệt là ồn ào náo nhiệt. Đầy đường nam thanh nữ tú dập dìu. Khác hẳn thành phố Sài Gòn ủ rũ buồn rầu, tỉnh lỵ Bình Dương u ám lạnh tanh, chợ Cà Mau, đêm về, không có vẻ gì ảnh hưởng những tác động của thời cuộc. Người dân vẫn rộn rịp sinh hoạt, ăn uống, vui đùa. Hay đó chỉ là bề mặt? Tôi không biết. Tôi chỉ là người khách lạ, ghé tạm qua đây, cũng như hàng ngàn người tới lui tấp nập chiều nay có phải là dân vượt biên bán chánh thức như tôi, cũng không biết nữa. Chỉ biết khi trời vừa sụp tối, chợ Cà Mau bừng sống lại với đủ các loại đèn màu trong các hàng quán ăn uống nhộn nhịp. Những quán bì cuốn, nem nướng, chả giò, bánh hỏi thịt quay, khói bay thơm phức ngào ngạt.

Tư Trần Hưng Đạo níu tay tôi, chỉ vào một sạp bán đồ nhậu:
— Ê bồ, có nghêu sò y như ở khu La Kay Nguyễn Tri Phương, vô làm một bữa cho đã rồi mai lên đường.

Theo tay anh chỉ, tôi thấy người ta bày bán hàng thúng cua lột, những con cua vỏ mềm xèo màu tim tím nằm im lìm không cục cựa, những rổ sò ốc thiệt tươi ngon, những con tôm thẻ phơi khô xỏ cọng dừa dài cỡ hai gang tay, từng xấp khô mực còn đủ râu ria bên cạnh những chai rượu đế trắng bong trong suốt, những chai rượu nếp than đậm như nhung… Tuy trong bụng cũng thèm lắm nhưng nghĩ tới các món đồ biển dễ trúng độc nầy, tôi bèn lắc đầu. Ở nơi xứ lạ quê người, rủi bịnh hoạn rồi làm sao đây. Phía bên kia là dãy hàng quán bán cháo cá bào ngư, cháo thập cẩm. Trên bàn nhiều tô dĩa men sứ trắng bong vẻ màu xanh đỏ chưng đầy các món cao lương mỹ vị, hấp dẫn làm sao. Tôi níu tay anh Tư:
— Thôi tụi mình vào đây, mỗi đứa làm một tô cháo dằn bụng, rồi thủng thẳng tính nữa!

Tư Trần Hưng Đạo không chịu:

— Thôi, hai ông bà thích thì vô đó đi. Tụi tôi qua bên quán đồ nhậu, thử coi Cà Mau với Sài Gòn, chỗ nào ngon hơn!

Tôi bước vô quán, thay vì kêu tô cháo tôi gọi một dĩa mì xào dòn, Duyên, một tô mì vịt tiềm. Xung quanh thực khách ngồi đông nghẹt, người ta ăn uống ồn ào, nói chuyện vang rân. Tôi nghe có tiếng Việt, có tiếng Tàu, tiếng đũa muỗng, tiếng bằm thịt, tiếng nước sôi, tiếng chiên xào, tiếng cười nói… trộn lộn nhau, hòa tan nhau thành một thứ âm thanh hỗn độn náo nhiệt mà thâm tình, rộn ràng sống động mà vui tươi. Trong bụng thấy vui hết sức… Mai nầy mình bước lên ghe, hy vọng cuộc đời sáng sủa!

Phi trường Năm Căn - Cà Mau 1960


Anh phổ ky từ bên trong bếp bưng một tay dĩa mì xào, một tay tô mì vịt ngút khói, cẩn thận để xuống bàn. Tôi thấy ngón tay cái của anh ta chấm vô trong tô mì, thiệt là mất vệ sinh, buột miệng cằn nhằn:

— Trời ơi, sao anh lại thọc ngón tay vô trong tô vậy?
Anh ta trả lời gọn bâng, giọng Việt pha Tiều ngọng nghịu:
— Hổng có nóng đâu mà, “ngóa” quen rồi!

Nói xong, anh chùi tay vô quần, quay vô trong bình thản như không có gì phải bận tâm hết. “Ngóa” quen rồi… vậy thì mấy ngàn tô mì, tô cháo ở tiệm nầy đều có ngón tay của anh chàng nhúng vô. Mà ở Cà Mau nầy, có ai vì ăn mì mà bịnh hoạn đâu. Thôi đành! Tôi vừa bực mình vừa buồn cười. Cái thằng cha nầy, thiệt tình, hết nước nói!

Tôi và Duyên bắt đầu ăn. Tô mì xào to hết sức bốc khói nghi ngút, các món thập cẩm gan, lòng, mực, tôm để trên mặt trộn lẫn với vài cọng ngò xanh thiệt khéo léo ngon lành. Tôi rán ăn hết sức vậy mà chỉ hết chừng phần ba. Lúc gần xong, tôi nghe có tiếng nói lào xào bên tai:

— Hà, hà, hai ông bà ngồi tuốt trong nầy im ru bà rù, hèn chi nãy giờ không thấy!

À, thì ra mấy anh bạn người Tàu đi cùng ghe, họ ngồi kế bên hồi nào không hay. Tô Tỷ mặt đỏ gay, A Son xám ngoét, còn Xám Mã Chải thì xanh lè. Anh nào anh nấy áo phạch ngực, điệu bộ đã lừ nhừ. Trên bàn chén dĩa ngổn ngang bề bộn. Trong đám Tô Tỷ là người có học thức, tôi thường nói chuyện với anh ta năm ba câu chuyện văn chương thơ phú Trung Hoa… cho qua ngày giờ. Nhờ đó mà trở nên thân tình.
Xám Mã Chải nhỏ con kéo ghế qua bên, loắt choắt tay rót một ly rượu đế trắng bong, sủi bọt đầy tràn vói qua đưa cho tôi miệng nói:
— Nè, ông bạn uống với anh em tụi tôi một ly để từ giã Cà Mau.

Tôi khoát tay từ chối:
— Cám ơn, cám ơn, nhưng tôi không biết uống rượu. Rủi say rồi làm sao?

Tô Tỷ đứng dậy, dáng lảo đảo tiếp lấy ly trong tay Xám Mã Chải, cầm đưa vào tận miệng tôi, rượu chao mạnh muốn tràn ra ngoài.

— Thôi mà ông thầy giáo ơi, ngày mai tụi mình đi rồi. Rán uống với anh em một ly cho vui. Một ly thôi mà. Hổng uống rồi chừng nào được uống nữa?
Nói xong anh ta thấy tôi có vẻ do dự bèn để ly rượu trở lại bàn, nắm lấy vai tôi lắc lắc:

— Thôi tụi tôi không ép đâu. Để tôi đọc cho nghe một câu thơ Tàu, ông thầy nếu thấy được thì uống cho vui. Rủi có say thì về ngủ, mai mình mới đi mà.
Anh tằng hắng đổi giọng, cái mũi đỏ ửng, mùi rượu nồng nặc:
Huyêt quánh căng chuần dách búi chẩu
Sấy xuất dườn quán mù cu dành.

Tôi khựng lại, rán lắng nghe. Câu thơ nầy nghe quen quá… quen quá. Phải chi anh đọc theo giọng quan thoại thì dễ hiểu hơn. Tôi lập lại từng âm, từng âm. Phải một hồi lâu mới hiểu được. À, thì ra anh chàng đã đọc hai câu thơ của Vương Duy đời Đường. Tôi đưa tay cầm lấy ly rượu, mắt nhìn sững anh ta. Thiệt tình tôi không ngờ Tô Tỷ đã khéo léo quá chừng, người anh trông cục mịch thô sơ lại đầy tình cảm. Hai câu thơ dùng cho cảnh từ giã Cà Mau tụi tôi chiều nay, thiệt là tuyệt diệu. Duyên níu lấy tay:

— Thôi, anh rán uống một chút cho vui, nhưng đừng uống hết nghe. Nhiều lắm đó.

Tôi đưa ly rượu lên môi, đọc lại âm chữ nho rõ ràng cho nàng
“Khuyến quân cảnh tận nhất bôi tửu, Tây xuất dương quan vô cố nhân.”

Ngày mai nầy tôi sẽ rời Việt Nam, vĩnh viễn để đi về một nơi xa lạ phương trời tây, bạn bè quyến thuộc bỏ lại hết sau lưng, trước mặt là những người không quen biết. Ra nơi biên ải, ai người cố nhơn?

Lòng xúc động bồi hồi, tôi uống một hơi. Tự nhiên không thấy rượu đắng như mọi bận. Cái vị rượu béo béo ngòn ngọt, đặc biệt là nồng thơm hết sức. Tôi uống một hơi dài, rượu tràn vô miệng thấm vào đầu lưỡi, vào tận chơn răng, chảy ngọt ngào qua cuống họng rồi trôi luôn vô bao tử. Ly rượu cạn trơn, tôi nghiêng cho những giọt cuối cùng nhểu xuống hết. Hết trơn, hết thiệt rồi. Tôi để cái ly không trở xuống bàn, lắng nghe một luồng ấm áp từ miệng chạy xuống bụng rồi nghe hơi rượu từ từ bốc lên đầu, nong nóng ở màng tang. Tôi dìu Duyên (hay nàng dìu tôi?) ra khỏi quán, trời đã mát hẳn, đêm chừng đã khuya. Trong ánh đèn chập choạng tôi thấy mấy cục gạch ở dưới chưn tự nhiên nổi lên nổi xuống, kỳ cục quá. Tại sao khi lót mấy người thợ hồ sắp xếp không ngay hàng thẳng lối vậy cà. Bây giờ nó lại lắc lư nữa. Tôi bước theo cục gạch vừa trồi lên, thì cái chưn hụt vô khoảng trống, nghiêng qua một bên, vội chụp lấy vai Duyên. Cả người lảo đảo, biết rượu đã ngấm, miệng vẫn còn nói cứng:
— Uống mới có một ly, rượu cũng không nồng lắm, chắc chưa say đâu. Duyên nè, em có biết “dương quan” là ở đâu không?

— Dạ, dạ, không biết, vịn chắc vô vai em nè, coi chừng té, say rồi đó!
— Để anh giải nghĩa cho nghe. Tây xuất là đi về hướng tây. Muốn dịch chữ nho thì mình phải dịch ngược. Tiếng Việt mình nói thuận, tiếng Tàu nói nghịch. Do đó, em thấy không, nội cái việc phân tách tiếng nói là thấy rõ ràng người mình với người Tàu khác nhau. Vậy mà sử dám viết ông Lạc Long Quân là cháu ba đời của vua Đế Minh ở bên Tàu… Ờ, ờ anh đương nói tới đâu rồi, tây xuất là đi về hướng tây, ở Cà Mau nầy đi về hướng tây thì thế nào cũng đụng Thái Lan hay Mã Lai chớ gì. Vậy thì dương quan là mấy cái xứ đó đó… Thái Lan nè, Mã Lai nè, Nam Dương nè. Mà rủi có bị bão tố giông gió thì trôi tuốt qua Úc cũng vậy.
Hổng lẽ dương quan là Ấn Độ, ai mà chèo ghe tới được, xa quá mà. Mai mốt khi tới anh chỉ cho em coi! Người ở mấy nước đó ăn bốc bằng tay. Vậy xứ nào ăn bốc bằng tay thì gọi là dương quan… Đó là mình nói theo phương pháp tam đoạn luận.

Phần vừa phải bồng con vừa bị ghì nặng, phần tôi cứ lải nhải bên tai, nàng bực mình cằn nhằn:

— Uống chi cho nhiều tới say mèm nói hoài nói hủy, mùi rượu đế hôi rình. Về tới chùa rồi kìa, coi chừng vấp cái ngạch cửa!

Nàng vừa nói tới đó, thì chưn tôi đá mạnh vào cây cột ở trước hàng ba, cái đầu may quá nhờ lắc lư nên chưa đụng, cũng may còn vịn kịp nên không té, đau thấu trời xanh nên tỉnh hẳn.

Đêm đó trời không trăng nhưng đầy sao lấp lánh. Một ông sao sáng, hai ông sáng sao, ba ông sao sáng… Trong bước đi chếnh choáng, mắt thấy hàng ngàn ngôi sao rớt lên rớt xuống chấp chóa. Bên trong chùa hàng trăm cái mùng nhỏ giăng dọc giăng ngang, không còn một chỗ trống để đặt cái chưn. Tôi rán kìm cho vững cái thân lắc lư mà len theo vợ, loáng thoáng nghe như có tiếng Tư Trần Hưng Đạo nói văng vẳng:

— Cà Mau đã quá, đồ ăn ngon lành mà lại rẻ rề. Phải chi hai tháng trời chờ đợi ở Bạc Liêu mà được ở đây thì sướng nhứt hạng…

Không kịp thay quần áo, mí mắt đã nặng trĩu, đầu óc đặc cứng như chì, tôi vội khoát mùng lăn đùng trên tấm ny lông, ngủ một giấc thẳng cẳng không biết trời trăng mây nước… Thủ Dầu Một, Sài Gòn, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau gì cũng quên tuốt luốt hết. Cũng may là tấm ny lông tôi chùi xuống là giang sơn riêng biệt đã chiếm được hồi trưa, không phải của cô hàng xóm độc thân kế cận:
Gió đưa con buồn ngủ lên bờ
Mùng ai có rộng cho tôi ngủ nhờ một đêm!

Một giờ trưa ngày hôm sau, cả nhóm được hướng dẫn đi từ toán nhỏ xuyên ngang qua chợ để vô những căn nhà bằng cây lợp tôle cất dọc theo bờ kinh Trần Văn Thời. Kinh Trần Văn Thời? Cái tên nầy nghe sao là lạ, tôi chưa từng biết tới. Chắc là tên của một anh hùng liệt sĩ nào đó mới vừa được đặt để ghi công trận trong cuộc chiến vừa qua. Vào giờ nầy chợ vẫn còn đông đúc thành ra khi chúng tôi đi lẫn vào đám đông nếu không tinh ý thì khó mà nhận ra có một nhóm người lạ mặt đang được sắp xếp để xuống ghe. Dãy phố đó có nhiều căn thấp lè tè. Đằng trước các bạn hàng bày bán đủ loại thức ăn cùng vật dụng thiết yếu hàng ngày. Tôi thấy nào dừa, thơm, khoai lang, khoai mì, gạo, khô, quần áo, vải vóc, kim chỉ, đồ mủ nhựa… chất trên từng chiếc sạp cây nhỏ. Khách hàng là các bà nội trợ tay xách nách mang chen lấn nhau. Tôi dắt Duyên lách vào một căn, cửa chỉ mở hé. Bên trong đã đông người. Nhìn ra là người quen cùng ghe, cũng có vài bộ mặt lạ. Căn phố trống trơn không bàn ghế bếp núc tủ giường. Hình như đây là nhà vựa để chứa hàng hóa. Nhưng hàng hóa đã được lấy đi đâu hết rồi, bây giờ người ta dùng làm địa điểm tập hợp để xuống ghe. Tôi đếm tất cả được trên hai trăm. Gương mặt người nào người nấy căng thẳng nghiêm trọng, không nghe tiếng cười nói hàng ngày. Tư Trần Hưng Đạo đứng bên vách hút thuốc liên miên, mấy đứa con mặc áo phao bằng những miếng mốp dầy may lại. Duyên lột trái quít đưa cho tôi, kề tai thì thầm:

— Rán đừng nói tiếng Việt, có thằng cán bộ Hoa Vận đứng với Nhựt Bổn kiểm soát ở phía cửa sau kìa.

Tôi liếc mắt nhìn ra sau thấy một người đen đủi cao lớn áo sơ mi trắng, quần ka ki xanh bộ đội, chưn mang dép râu, kế bên là Nhựt Bổn. Nhựt Bổn cũng là chủ ghe có phần hùn với Hủ Tiếu. Anh ta người Tàu, mắt hí, đầu sói giống hịch người Nhựt. Gọi hoài nên thành tên. Tôi lắng nghe cả hai nói chuyện. Tên cán bộ nói tiếng Tiều rất giỏi, có lẽ nó là dân đầu gà đít vịt Tiều lai Miên nên đen thui. Cả nhà ai nấy đều lặng thinh nên nghe cả hai nói chuyện nghe lồng lộng. Tô Tỷ đứng kế bên làm thông ngôn và chỉ huy:
— Lần lượt xuống ghe từng gia đình, đi cẩn thận coi chừng lọt xuống sông. Gia đình mấy người thì xuống mấy người, không được nhiều hơn. Ai xuống nhiều hơn thì bị bắt ở lại cả nhà…

Ngoài cửa sau, có ghe nhỏ gắn máy đuôi tôm đậu cặp sát nách. Người ta lần lượt xuống từ từ. Hoàn toàn không điểm danh và sổ sách gì cả. Nhựt Bổn và tên cán bộ chỉ đứng bên cửa ngó theo. Có thằng nhỏ lối xóm độ mười tuổi ở trần đen thui, ốm nhom ốm nhách lòi cả xương sườn xương sống chun vô nhà hồi nào không ai biết, chắp tay sau đít đứng kế bên. Hồi lâu ngó chán nó quay qua hỏi:
— Mấy người nầy lên ghe đi đâu vậy ông?

Anh cán bộ lừ mắt ngó nó vẻ hăm dọa, điều bất ngờ là anh ta bật nói tiếng Việt:

— Đi kinh tế mới đó mầy!

Thằng nhỏ cũng ngon lành, không sợ nghinh lại:

— Ông nói dóc với tui, họ đi vượt biên.

Anh ta quê quá, đuổi nó ra cửa trước.

Tôi đi ra phía sau, thấy dưới ghe người ta đã ngồi gần đầy. Mỗi lần có người bước xuống chiếc ghe chòng chành. Vì toàn là dân thành phố chưa quen sông nước, vả lại quần áo lượt bượt dép giày lôi thôi, nhứt là đàn bà, con gái quần dài áo rộng lao chao lụp chụp. Tới phiên tôi và Duyên. Tôi giành bồng lấy Bi. Duyên vịn vào thành cửa, bước xuống ghe trước. Chiếc ghe chao mạnh. Mấy người ngồi bìa vói tay giữ chặt lấy cột cầu. Nàng chọn lấy một chỗ giữa khoang. Tôi đưa Bi và leo xuống theo ngồi cạnh. Cái xách tay đeo bên vai. Yên chí tôi đưa mắt nhìn lại căn nhà. Nó là một dãy nhà sàn được cất trên những hàng cột tràm đóng sâu trên mặt nước dọc mé sông. Vách sau được đóng ghép những tấm ván dày để ghe tiện cặp vào chuyên chở hàng hóa. Nó vừa là nhà vựa, vừa là cầu tàu. Lúc đó độ hai giờ trưa, nắng chói lung linh mặt nước. Lòng tôi vui như mở hội. Mấy tháng trời chờ đợi chỉ mong được có buổi hôm nay. Tôi nhìn trời, trời sáng trưng, nhìn nước, nước long lanh, nhìn người người nào cũng tươi rói nói cười. Tôi nhìn những cây cừ tràm dưới nhà sàn thấy mực nước đánh dấu bùn sình đen đủi lưng chừng đáng yêu hết sức. Tự dưng cái gì cũng đẹp cũng nên thơ. Cuối cùng rồi cũng đầy khoang. Ghe nổ máy dòn dã chạy ra giữa dòng kinh. Chiếc kế từ đâu không biết chạy kề lại, tiếp tục đón khách xuống. Mỗi chiếc chứa được khoảng ba mươi người, tất cả là bảy chiếc khởi hành tại hông chợ Cà Mau chạy dọc theo kinh Trần Văn Thời. Nước kinh đầy phù sa, lóng lánh ánh mặt trời giữa trưa chói chang. Người ngồi trên ghe dù nón sặc sỡ, quần áo đủ kiểu đủ màu khác hẳn với các ghe địa phương.

Dòng kinh thẳng tắp. Một đoàn ghe bảy chiếc chạy nối đuôi nhau, ở xa nhìn như ghe đám cưới. Trên mặt nước loáng nắng ghe thuyền xuôi ngược đông như mắc cưỡi. Những chiếc ghe chài chở khẳm nặng nề lướt lừ đừ, những chiếc tam bản nhỏ xíu nhẹ nhàng lao vun vút. Dân chúng hai bên bò kinh biết rõ là đoàn ghe đi vượt biên, họ đưa tay chào từ giã, nồng nhiệt. Người trên ghe cũng vẫy tay giã từ. Cái tình đồng bào thiệt thân ái mà vui. Tôi nghe lòng ấm áp. Cảnh biệt ly ở đây không có vẻ gì buồn hết. Người đi thì muốn đi lẹ hơn. Người ở lại cũng nhận thấy ra đi là phải. Có sống dưới chế độ nầy mới hiểu được tại sao người dân lại muốn ra đi rời bỏ quê hương, một điều rất khổ tâm đối với người Việt Nam, một dân tộc có truyền thống bám chặt với quê hương xóm làng. Có nhiều người ngoại quốc họ vẫn chưa hiểu và binh vực Cộng sản. Nhiều khi tôi có ý nghĩ xấu là ước gì quốc gia của họ, một sớm một chiều bị nhuộm đỏ thì sẽ biết ngay lý do tại sao chúng ta, những người vốn yêu mến quê hương đậm đà, lại dứt khoát ra đi như vầy.

Có lẽ vì là lần đầu tiên đi ghe trên kinh rạch nên Duyên nhìn say mê thích thú những cảnh vật xung quanh. Nàng chỉ cho tôi một chiếc ghe hàng, trên khoang chất đầy hàng hóa, phía sau có người đàn bà trọng tuổi nấu cơm, khói bay mịt mù, vài ba đứa con nít mình mẫy đen thui trần truồng chạy giỡn. Bên be có mấy cái lồng gà bằng cây, mấy chậu ớt trái chín đỏ, mấy chậu rau xanh có vài chậu bông thọ đã tàn rụi.
— Anh coi kìa, ngộ quá, cả gia đình sống luôn trên ghe. Chật chội quá hả, rồi làm sao tắm rửa, ăn ở?

— Thì vùng đất nầy ẩm thấp đầy sông rạch, phải di chuyển bằng ghe xuồng. Lo gì chật chội, trên khoang thì đủ chỗ để ăn ở, trên trời thì mây gió trăng nước thiếu gì. Họ sống quanh năm suốt tháng vui vầy, vợ chồng con cái xum họp quanh nhau. Em thấy họ hạnh phúc không, chưa chắc gì mấy người ở thành phố sang trọng, quần áo bảnh bao mà được sung sướng hơn. Em để ý mà coi những câu ca dao dễ thương hồn nhiên mộc mạc thường chỉ xuất hiện nơi thôn dã:
Trời xanh kinh đỏ đất xanh
Đĩa bu, muỗi cắn làm anh nhớ nàng.

Duyên thắc mắc:

— Nước ở kinh nầy đục ngầu bùn đất màu cà phê sữa lợt lờ lợ chớ đâu có đỏ?
— Câu ca dao trên xuất hiện vào thời những con kinh miền Nam mình mới được đào. Đất miệt nầy do phù sa sông Cửu Long bồi đắp nên nhiều phèn. Đào kinh để rút hết chất phèn, đất mới mong trồng trọt được. Phèn trong đất gặp mưa chảy vào kinh, mùa nắng nổi lên trên mặt nước, đóng váng đỏ màu gạch cua. Phải chờ một vài mùa mưa nắng phèn mới rút hết ra sông ra biển, nước kinh mới hết đỏ. Hồi xưa đời Chúa Nguyễn, lúc mới khai phá người ta đào kinh bằng tay, đến đời Pháp thuộc đào bằng xáng múc:

Chừng nào xáng Mỹ bung vành
Tàu Tây lủng máy anh mới đành xa em.

— Thiệt không đó, em thấy tàu bây giờ hư hoài, phải đem vô sở Ba Son để sửa…

— Thì hồi xưa, người mình chất phác thấy cái gì của Tây cũng cho là tốt, không bao giờ hư. Mỹ là Mỹ Tho đó…

Đoàn ghe vẫn lướt phăng phăng trên sóng nước. Qua nhiều xóm làng u tịch, lác đác đây đó vài mái nhà tranh xam xám quạnh hiu bên những bụi chuối tàu lá phất phơ rách tưa vì gió nắng. Mặt đất phẳng lỳ. Mùa nầy đồng ruộng chỉ còn trơ những gốc rạ xám vàng trải dài tới tận chơn trời xanh xanh. Tất cả chìm trong biển nắng, xa vắng mênh mông. Thỉnh thoảng dọc bờ kinh thấy có những trại mộc, đang đóng dở dang nhiều ghe đi biển lớn, khung ghe đều đặn như những chiếc xương sườn loài khủng long thời tiền sử.

Khoảng ba giờ trưa đến Tắc Thủ. Những làng xóm ở đây thường bắt đầu bằng chữ Tắc. Tôi đã đi qua Tắc Vân, Tắc Sậy… Không thấy chợ búa nhà cửa phố xá, chỉ thấy một hàng cây xanh xanh với lau sậy um tùm bên bờ. Có một cái vó cá đặt im lìm bên gốc cây vừng lớn gie ra mặt nước, đầy hoa đỏ hồng hồng rụng vương vải đó đây. Đoàn ghe từ từ chậm lại rồi tắp vào. Bãi sình lầy lội đen thui. Anh lái ghe nhảy xuống trước, hai chưn lún vô sình đến tận đầu gối bước lần từng bước khó khăn. Cột ghe vào gốc cây xong, anh chạy u lên bờ quơ một ôm rơm rạ rồi lót trên bãi sình. Cả đám lục tục đổ bộ vào trong một gian nhà tranh. Căn nhà ở tuốt sâu bên trong nên khi ngồi dưới ghe thấp không thấy. Nhờ rơm nhiều nên không bị lún mất dép nhưng chưn cẳng lấm lem chèm nhẹp. Quanh nhà có trồng tre, chuối, có ao thả cá, có chuồng nuôi heo. Tôi lững thững bước vô trong, thấy giữa nhà là ảnh Hồ Chí Minh để trên bàn thờ tổ tiên. Trên đó có ba bốn tấm hình thanh niên, kế bên là những giấy chứng nhận liệt sĩ in màu đỏ tươi tương phản với màu xám đen của bàn ghế, tường vách…

Chủ nhà là một cán bộ địa phương đã trọng tuổi, dáng khắc khổ gầy gò. Ông ta nhìn chúng tôi soi mói, vẻ lãnh đạm. Tôi bước lách sang bên hông nhà tránh cái nhìn của ông, cẩn thận dè dặt vẫn hơn. Ông bây giờ là kẻ chiến thắng, còn tôi người chiến bại… Nhưng suy nghĩ cho cùng cả hai đều đáng thương như nhau, đều là nạn nhơn của một thứ quyền lực mới. Tất cả mọi người rồi sẽ bị nghiền nát, xóa bỏ trong bộ máy chủ nghĩa khổng lồ.

Ngồi trên một khúc cây mục ở ngoài sân, Tô Tỷ cầm viết ghi tên từng người miệng tía lia:

— Mỗi người đóng hai đồng, nhờ bà chủ nhà nấu cho ăn bữa cơm chiều. Nửa đêm ghe lớn mới tới. Ai ăn thì ghi tên đóng tiền liền.

Trước nhà có sân rộng có tàng cây lớn. Gió từ kinh thổi lên lồng lộng sảng khoái mát mẻ. Bên kia bờ kinh là rừng lau sậy ngút ngàn chạy dài tới tận chơn trời. Mọi người ngồi đứng lăng xăng, có kẻ kiếm chỗ nằm nghỉ mệt. Tôi chọn một chỗ quang đãng, lót cái áo khoác xuống đất để mẹ con ngồi, rồi thả lang thang qua xóm kế bên.

Lần theo lối mòn cách đó chừng trăm thước tôi gặp đám hành khách của chiếc 0126 đã ở từ trước. Gặp anh bạn quen kề tai nhắc nhỏ:
— Nếu mầy còn tiền, kiếm bà chủ nhà nhờ luộc cho con gà hoặc con vịt ăn cho đã, tội gì đem theo mà xài không được. Đồ thứ tiền cô hồn!

Buổi ăn chiều gạo mục nát nuốt không vô, đồ ăn hầu như không có. Tôi không nghe đói lắm nên chỉ ăn chừng một chén. Vừa ăn xong trời đương sáng đỏ bỗng sụp tối rất nhanh, mọi vật trở nên đen thui u ám, không thấy được gì hết. Tất cả được phủ trong màn đêm kín bưng. Tự nhiên trong cái đám lào xào đen đủi đó, tôi nghe văng vẳng có tiếng người kêu lớn:
— Ông nào hồi nãy nhờ luộc con gà? Ông nào… nhờ luộc con gà?

À, thì ra bà chủ nhà xách con gà luộc mò mẫm trong đám đông hằng mấy trăm người để kiếm tôi. Khi nhờ bà luộc gà ơ hờ không nói rõ tên họ, thành ra bà phải vừa đi vừa hô lớn. Tôi mừng quá, chạy lại còn bao nhiêu tiền móc hết đưa cho bà. Bà già thiệt dễ thương hết sức, đã luộc dùm con gà thiệt lớn mà còn cho thêm một lon guigoz cháo nóng. Nhờ con gà nầy mà vợ chồng tôi tỉnh táo sau mấy ngày sóng gió lênh đênh. Hôm đó là ngày gần cuối tháng giêng âm lịch, trời thật trong, không trăng nhưng đầy sao. Tôi lẩn quẩn bên Duyên và mấy đứa em vì sợ lạc. Thỉnh thoảng có tiếng gọi nhau ơi ới. Đâu đây có một hai người đốt thuốc, ánh diêm quẹt lóe sáng lên rồi tắt ngấm. Mùi diêm sinh hôi nồng. Tôi lấy cái áo khoác bận vô vì trời lành lạnh và đàn muỗi đã bay tới tấp. Đêm càng lúc càng khuya. Trời tối đen như bưng lấy mắt. Chỉ nghe có tiếng nói chuyện rì rào, tiếng ho khúc khắc. Trong lòng tôi hồi hộp nhưng đầy phấn khởi, náo nức. Đứng lắng yên bên vợ con tôi nghe tiếng tim đập nhịp nhàng, nghe cả tiếng côn trùng rỉ rả đầy đồng, tiếng gió rào rào qua kẽ lá… Bỗng nhiên trong cái yên lặng tối đen có tiếng máy ghe nổ từ xa, văng vẳng. Tiếng động cơ càng lúc càng lớn dần. Mọi người trở nên xôn xao, đứng bật dậy. Một chiếc xuồng gắn máy rẽ sóng chở anh cán bộ Hoa Vận hồi trưa đến. Anh cầm cây đèn pin dài ngoằn, tia sáng chiếu loang loáng thiệt xa len vào tận đọt dừa trên cao. Tôi rán nhìn vào chiếc đồng hồ tay của người kế bên. Ánh lân tinh lờ mờ nhưng cũng đủ để thấy gần đúng mười giờ đêm. Tiếng ra lịnh oang oang:

— Một chút nữa ghe lớn tới. Tất cả hành lý xách tay đem theo phải để trên mui, mọi người đi tay không xuống ghe.

Đi tay không xuống ghe? Vậy thì làm sao bây giờ. Trong bóng đêm mù mù tôi mò trong cái xách tay nhỏ lấy ra bàn chải đánh răng, các thứ thuốc, thịt cá chà bông, kẹo đường chanh và vài món lặt vặt cho tất cả vào trong một cái túi nhỏ, sắp xếp thiệt gọn rồi đeo vào cổ. Duyên thì cầm tay bình nước một lít. Tôi dùng dây dù cột chắc xách tay lại để khi ghe lớn đến thì bỏ lên mui cho tiện.
Sửa soạn đâu đó vừa xong thì thấy chiếc 0126 lù lù tới rọi đèn sáng hai bên bờ. Cách đó chừng vài trăm thước ở phía sau là chiếc 1648 đèn đuốc sáng rực trên mui, trong khoang. Tiếng máy nổ của hai chiếc ghe lớn gây náo động cả một khúc sông. Bây giờ nơi đây như một phiên chợ đêm họp giữa đồng, ánh sáng mờ ảo tiếng người nói chuyện, tiếng bước chưn lao xao, bóng người di chuyển như những bóng ma chập chờn. Tôi thấy cái gì cũng mông lung huyền ảo. Cảnh thực hay mộng?

Có lịnh xuống ca nô để ra ghe lớn. Người ta chen lấn, giành giựt xô đẩy nhau. Nước kinh nửa đêm chảy nghe cuồn cuộn, tiếng róc rách nghe rõ mồn một. Trời ơi, nếu lỡ trợt chưn lọt xuống sông thì làm sao? Chắc chết quá. Tình trạng thiệt nguy hiểm vì nước chảy quá mạnh. Những ngọn đèn trên ghe lớn phản ánh xuống mặt nước thành hàng trăm con rắn vàng lóng lánh ngoằn ngoèo. Ca nô nhấp nhô dưới lườn ghe theo từng lượn sóng dập dồn. Trên ghe thả xuống một cái thang dây. Từng người leo lên chầm chậm, chiếc thang đong đưa. Tôi giành ẵm lấy Bi, Duyên cầm lấy hai đôi dép chân cố bám xuống sình cho khỏi trợt té. Đoạn đường từ bờ xuống ca nô chỉ chừng năm thước, vậy mà sao thấy thiệt dài. Bùn sình nhão nhoẹt, rơm rạ lót dầy lúc ban chiều, bây giờ bị nước lớn cuốn trôi đâu hết. Loay hoay rồi thì hai đứa cũng leo lên được ghe lớn. Trong khoang đặc nghẹt người ngồi, không còn một chỗ trống. Tôi và Duyên lần mò lên mui, chen lấn mà đi. Chỗ nào cũng chật cứng. Thôi đành ngồi trên boong, chật bó lom khom vì bị cái mui bên trên đè xuống.

Người lên ghe đã hết. Trên ca nô bây giờ chỉ còn có anh cán bộ và người lái. Cả hai khoát tay từ giã. Ghe bắt đầu khởi hành chạy dọc bờ kinh. Đi ngang qua chiếc 0126C thấy nó còn đậu để rước khách. Trời tối đen như mực. Trên ghe có một ngọn đèn pha sáng rực soi về phía trước. Một ngọn đèn pha phụ được rọi dọc theo bờ để tránh các đáy đánh cá. Nhiều quá, các hàng đáy giăng giăng, những cọc tre dựng đứng thẳng trên mặt nước, có treo những ngọn đèn nhỏ xíu lập lòe để làm dấu. Duyên thấy lạ mắt chăm chú nhìn. Nước kinh chảy mạnh, các cột tre đong đưa, ngọn đèn chao qua chao lại.

— Em nghe nói đáy đánh cá hoài, mãi bây giờ mới thấy. Té ra là lưới giăng ngang qua sông để bắt cá.

— Ừ, miệt nầy thiếu gì cá tôm. Chỗ nào có sông rạch thì người ta đóng đáy. Em có biết câu hát nầy không —

Đèn treo cột đáy, nước chảy đèn rung,
Anh thương em thảm thiết vô cùng
Biết cha với mẹ có bằng lòng hay không…

— Trời, câu hát dễ thương quá hả anh!

— Ừ, nói chung thì người dân quê thiệt thà chất phác, thương thì nói thương ghét thì nói ghét. Có điều người mình thường bị ràng buộc bằng đủ mọi lề thói, tập tục, thành kiến… nên tình cảm bị gò bó, không được thoải mái.

Ghe thỉnh thoảng phải ngừng lại để soi cho rõ, rồi tiếp tục lướt êm trong màn đêm. Chừng độ một giờ, ghe ra tới sông Ông Đốc. Sông rộng mênh mông. Vụt một cái nghe nước chảy ào ào, thiệt mạnh. Thỉnh thoảng lại gặp các hàng đáy nữa. Hai bên bờ xa tít mù lờ mờ rừng đước, rừng tràm, lau sậy. Tất cả chìm trong khói sương. Tiếng máy ghe nổ dòn dã đều đều. Tuy thức đã gần suốt đêm, hình như không ai buồn ngủ. Con sông dài quá. Tôi rán hết sức nhìn lên bờ. Chỉ thấy mờ mờ sương khói với những rặng cây đen đen ở chưn trời xa. Rặng cây nầy nối tiếp rặng kia lâu lâu đứt đoạn bằng những con lạch nhỏ. Ghe êm đềm lướt mãi trong màn đêm quạnh hiu lặng lẽ.

Trong cái êm lặng mênh mông tôi nửa mê nửa tỉnh, bỗng thấy Xám Mã Chải ở dưới khoang ghe leo lên boong, tay hắn cầm một cái bao giấy lớn miệng léo nhéo:
— Ai còn tiền dư, xin bỏ vào bao để cho mấy người trên đồn. Mình đi rồi tiền đâu còn xài được nữa.

Thiên hạ người móc túi kẻ móc bóp trút hết số tiền còn lại. Tôi không còn đồng nào, tất cả đã cho bà già luộc gà. Thấy tiền Hồ Chí Minh, nhớ câu nói của anh bạn hồi chiều — đồ thứ tiền cô hồn! Tiền cô hồn thì đem cúng cô hồn, phải quá rồi. Chỉ trong vòng năm ba phút, cái bao căng đầy. Số tiền có thể trên cả trăm ngàn…

Chiếc ghe đang lướt nhanh bỗng từ từ chậm lại rồi ngừng hẳn, tiếng máy vẫn nổ đều đều, êm êm. Trước mặt bây giờ là một căn cứ hải quân. Rải rác ở giữa sông có vài ba chiếc tàu sắt lớn sơn màu xam xám neo đậu im lìm không đèn đuốc. Trên bờ là một căn cứ hải quân biên phòng với một cầu tàu lớn bằng sắt sơn đen. Xung quanh bến có các ghe gắn máy, xuồng đổ bộ. Các ụ súng phòng không với các lô cốt chất đầy bao cát, các ngọn súng chĩa xéo lên trời.
Duyên giựt mình tỉnh hẳn, ngó những ngọn đèn vàng vọt trên đồn, khều tôi nói nhỏ:

— Tới trạm hải quân biên phòng, thế nào mình cũng bị xét hỏi.

Tôi lặng thinh hồi hộp. Hủ Tiếu len lách giữa đám người đen nghẹt, tay cầm bao bạc vừa xin được, è ạch vịn vào những ghe tàu đậu sát bên lần vào tới được cầu sắt ở trên rồi đi vô trong. Từ dưới nhìn lên vắng tanh không một bóng người. Trời còn tối lắm nhưng đêm chắc cũng gần tàn. Ghe đã đi gần năm, sáu tiếng đồng hồ rồi. Đoạn đường trên sông Ông Đốc đâu có xa xôi gì, vậy mà chạy gần nửa đêm.

Hủ Tiếu đã lên tới bờ, bóng đã khuất sau cổng đồn. Phải cả giờ sau, mới thấy ông ta đi ra với một cán bộ. Rồi hai người chào từ giã nhau. Hủ Tiếu lại è ạch xuống cầu tàu rồi lần theo be ghe leo lên ghe lớn. Ghe nổ máy lớn hơn, rẽ sóng thẳng ra đại dương. Hoàn toàn không có kiểm soát xét hỏi gì. Tôi thở ra nhẹ nhõm.

Trong khoang ghe nhiều tiếng xì xào:

— Ra tới biển, ra tới biển rồi!

Tôi sực nhớ tới vở cải lương có tựa “Thuyền Ra Cửa Biển” của soạn giả Viễn Châu. Rất tiếc là chưa coi nên không biết có cảnh nào giống như cảnh nầy không. Biển cả đối với tôi là cái gì kỳ bí, nhiệm mầu, huyền hoặc. Lúc còn dạy học ở Sóc Trăng, năm Mậu Thân đường bộ bị giựt mìn phá hoại, phải xuống trường bằng đường sông. Từ Cần Thơ đi thẳng ra cửa biển Đại Ngãi, ngang qua Kế Sách để đến Lịch Hội Thượng. Khi gần ra tới biển ghe chòng chành dữ dội, sóng đánh ầm ầm vào hai mạn ghe. Các thanh gỗ, be ghe, sườn ghe vặn mình kêu răng rắc. Nước văng tung tóe. Hành khách phải đóng tất cả các cửa bên hông. Ngồi trong khoang tôi cảm thấy ghe nhào lộn lắc lư như chiếc lá nổi chìm trên sóng nước. Ngoài khung cửa kiếng nhỏ thấy bọt nước tung lên trắng xóa mù trời, chiếc ghe quay cuồng như giữa thác nước lớn. Biển cả còn ở xa tận ngoài kia. Cũng may cũng chỉ chừng năm mười phút chịu đựng ghe tắp vào Đại Ngãi để lên bờ. Đại dương vẫn còn ám ảnh trong trí nhớ.

Bây giờ tôi thực sự được chứng kiến biển cả bao la. Trời thật đẹp. Tiếng sóng đập vào hai bên mạn ghe êm ái làm sao. Biển xanh rờn mênh mông, chỉ thấy trời và nước một màu. Vùng giáp mí giữa sông và biển, nước vẫn phẳng lờ, không một gợn sóng to. Cửa sông Ông Đốc rộng hàng mấy cây số, ở bên nây bờ chỉ thấy thấy bên kia mờ mờ xanh xanh, nước phù sa tuôn ra biển khiến một vùng nước xanh đục lờ lợ. Năm ba cánh chim biển chao mình bay lượn trên không. Trời sáng rờ rỡ. Không khí mát mẻ trong lành. Tôi nhìn qua Duyên thấy Bi đã mở tròn đôi mắt ngơ ngác nhìn quanh. Duyên mỉm cười nhìn tôi:

— Bi ngủ suốt đêm tới giờ mới thức, đâu biết đã rời Việt Nam!
Nghe vợ nói tới bốn chữ “đã rời Việt Nam” tôi vội nhìn ngoái lại:
Đoái trông theo, đã cách ngăn
Tuôn màu mây biếc, trải ngần núi xanh.
(Chinh phụ ngâm)

Trạm hải quân biên phòng đã mất hút. Bốn bề là trời nước. Bất giác tôi tự thấy tự do đầy sảng khoái. Như con chim vừa thoát khỏi cái lồng chật hẹp, tôi hít mạnh một hơi dài không khí trong lành buổi sáng giữa biển khơi vô đầy hai lá phổi. Tôi sung sướng đưa mắt nhìn quanh. Trên ghe toàn người là người. Nhưng ai nấy đều rạng rỡ hân hoan. Thôi, kể từ nay không còn bị kiểm soát giấy tờ, không cần thuộc lòng bản lý lịch nữa, kể từ nay không còn sợ anh Ba, anh Bảy, chị Tư, chị Tám, kể từ nay chấm dứt nỗi sợ hãi học tập tù đày.
Vĩnh biệt đảng Cộng sản quang vinh. Vĩnh biệt đất nước của những anh hùng liệt sĩ đánh Tây, đánh Nhựt, đánh Mỹ, đánh Tàu và đánh luôn cả những người dân Việt vô tội. Non sông gấm vóc bốn ngàn năm tổ tiên dày công gây dựng, người ta chỉ cai trị trong vài năm nó trở nên tan hoang xơ xác điêu tàn, đâu đâu cũng thấy đói rách lầm than. Người ta đã nhân danh quá nhiều thứ để làm công việc phá hoại chém giết đó. Một trong những tội tày đình là tội độc quyền yêu nước, gạt những người không cùng chính kiến ra ngoài lề xã hội và coi họ là kẻ thù cần phải tiêu diệt.

Ôi! Cùng chung một màu da, một tiếng nói, một nguồn cội, một lịch sử vậy mà người ta nỡ đối xử nhau như người dưng nước lã. Hàng ngàn trại học tập khổ sai hoang vu, hàng ngàn nhà giam đầy những cực hình. Cả đất nước là một nhà tù khổng lồ nhốt sáu chục triệu dân nghèo đói thảm thương. Vậy mà những người cầm quyền vẫn chưa sáng mắt, miệng lưỡi lúc nào cũng ca ngợi một thứ chủ nghĩa ngoại lai thiếu nhân tính.

Tôi là một người dân thường, ước ao được sống một cuộc đời tầm thường an phận. Ít ra trong giấc ngủ khỏi phải phập phồng sợ hãi từng tiếng bước chưn, tiếng gõ cửa giữa đêm khuya và biết chắc rằng sáng hôm sau mình vẫn còn bình yên, sống vui vẻ bên vợ con gia đình. Trời sanh tôi có mắt, có tai, có miệng và một trái tim. Nếu mắt không được nhìn, tai không được nghe, miệng không được nói và nhứt là trái tim không được đập theo nhịp yêu thương, hờn giận, vui buồn… thì đó là điều đau khổ nhứt của kiếp người.

Vì vậy tôi phải bỏ xứ mà đi…

Võ Kỳ Điền
Ý kiến bạn đọc
07 Tháng Giêng 20168:00 SA
Khách
Cam on tac gia VKD đa thay chung toi noi len noi niem cua nhung ke đa phai bo nuoc ra đi. Đung la nguoi dan Viet rat gan bo voi que huong xu so nhung vi chay giac CS ma chung ta đanh phai bo tât ca ma đi. Tham chi co nhung nguoi con mat ca manh sông.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn