BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72812)
(Xem: 62102)
(Xem: 39201)
(Xem: 31055)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Bò sữa gặm cỏ cháy (6) - Quán trọ tuổi trẻ

27 Tháng Chín 201012:00 SA(Xem: 1241)
Bò sữa gặm cỏ cháy (6) - Quán trọ tuổi trẻ
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Tôi đã trình bày về một Nhà Thanh niên cho tuổi trẻ thành phố. Nhà Thanh niên ấy phải có, không những ở Sài Gòn mà còn ở khắp các thành phố, thị xã, tỉnh lỵ. Không lẽ tuổi trẻ thành phố bị độc quyền đấu thầu giải trí bởi những chủ quán, chủ hầm? Một ly cà phê đặc, một gói thuốc lá đen (thuốc lá đen mới bụi đời và trãi đời) ngồi im lặng trong bóng tối, người tuổi trẻ thành phố đốt nỗi buồn, đốt tương lai và nghe nhạc, nghe những giọt sầu làm ẩm ướt nhiệt tình. Tôi rất buồn khi biết ông Tổng trưởng Xã hội ngỏ ý muốn lập khu vực casino, bà dân biểu Trần Kim Thoa chủ trương tái thiết bình khang, ông dân biểu Mã Xái xuất ngoại nghiên cứu … ngừa thai. Không một nghị sĩ, một dân biểu nào báo động cứu nguy sự phá sản nhiệt tình của tuổi trẻ. Họ đã xuất ngoại. Xuất ngoại thật nhiều lần. Để đem về những ô nhục. Ông dân biểu Lê Tài Hoà kể những trận bóng tròn tuyệt vời tại Ba Tây. Chưa một ai khoe khoang đã nghiên cứu tổ chức thanh niên thế giới và đề nghị soạn thảo chính sách thanh niên, nhi đồng. Chỉ có nghị sĩ Phạm Nam Sách xúi giục tuổi trẻ nổi loạn và nghị sĩ Nguyễn Văn Chức kết án tuổi trẻ không lương thiện. Ý kiến của tôi là ý kiến chủ quan. Có thể lãng nhách. Tôi không dám nhận những gì mình trình bày về tuổi trẻ là khuông vàng, thước ngọc. Không ! Chỉ là đóng góp một thiện chí, phát biểu một kiến thức còm cõi. Nhưng thiết tha, chân thật. Bởi vì cá nhân tôi, tôi đã phải làm đàn ông không có thời tuổi trẻ.

Chúng ta có Đà Lạt, Nha Trang, Huế, Vũng Tàu được coi là những thành phố du lịch. Trong những thành phố kể trên, đã thành phố nào có Quán trọ Tuổi trẻ ? Ca dao Việt Nam khuyên: Đi cho biết đó biết đây. Ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn? Nhà mô phạm Nguyễn Bá Học trong những Lời khuyên học trò  cũng khuyên tuổi trẻ phải mạo hiểm. Tuổi trẻ nào không thích du lịch? Có hai cách mở mang sự hiểu biết: Đi và đọc. Nếu vừa đọc sách vừa du lịch thì sự hiểu biết càng rộng rãi, sâu sắc. Đi một ngày đàng học một sàng khôn. Nhưng đọc gì? Đâu phải người tuổi trẻ nào cũng đủ vốn sinh ngữ đọc sách báo ngoại quốc? Đâu phải người tuổi trẻ nào cũng biết chọn lựa sách báo. Có tờ báo nào cho thanh niên? Có tủ sách nào của thanh niên? Hay chỉ là báo của ông X “và 108 phù thủy báo phụ nữ” chuyên viết truyện khích dâm. Hay chỉ là tiểu thuyết tình ái ướt át ? Hoặc vài tuần báo dạy đánh võ, tường thuật đua xe đạp, bơi lội và sách tôn giáo dìu tuổi trẻ vào cõi vô vi, tiêu cực khi dân tộc cần thiết sự sống động, hăng say, hoài vọng của họ. Tôi thấy kiến thức tổng quát của người tuổi trẻ hôm nay quá sút kém, dù học bằng cấp đại học. Dĩ nhiên, cũng có những người thực xuất sắc nhưng rất hiếm hoi. Tại giáo dục nhồi sọ và nặng tinh thần khoa bảng. Những môn học mở mang kiến thức và hữu ích cho đời sống như sử ký, địa dư, công dân giáo dục, họ coi là thứ yếu. Chỉ miệt mài toán lý hóa để khi cần làm cái đơn cớ bót thì lúng túng, viết mãi không trôi.

Tôi đã theo dõi chương trình Đố vui để học toàn đội của những lớp đệ nhất. Họ thật giỏi ở những câu hỏi về toán, lý, hóa. Nhưng những câu hỏi về kiến thức phổ thông, họ thường ấp úng và đáp sai. Người tuổi trẻ bước xuống cuộc đời với những công thức hoá học, những định lý toán học thôi ư? Món ăn tinh thần của họ thiếu nhiều quá. Không mở mang hiểu biết bằng cách đọc (khoa học chẳng hạn, khi thế giới đã tiến bộ vọt mà người tuổi trẻ Việt Nam còn lơ mơ về khoa học) thì đi. Nhưng đi đâu ? Xuất ngoại chăng? Đó là chuyện không tưởng, là giấc mơ trên cung trăng. Du lịch ngoại quốc hay du học ngoại quốc là đặc quyền của con nhà giàu hoặc một thiểu số được học bổng. Du lịch trong nước đã là một trở ngại. Ai dám ngờ rất đông tuổi trẻ Sài Gòn thèm ra Huế mà chưa được ra. Có người cả đời chưa biết Đà Lạt, Nha Trang. Những người tuổi trẻ tỉnh nhỏ, an phận nơi quê hương nhỏ bé của mình, chẳng biết Sài Gòn ra sao. Muốn đi cho biết quê hương gấm vóc Việt Nam mà … thiếu tiền ! Nếu những tư thục lớn, như Lasan Taberd, không tổ chức du lịch tập thể, tổn phí nhẹ thì khó ai tự túc nổi phương tiện ra đi. Tôi nói chung chung, nói về đa số tuổi trẻ trong gia đình công, tư chức nghèo.

Nhà nước không giúp phương tiện cho tuổi trẻ du lịch. Đoàn thể, đảng phái, phong trào thờ ơ với sự Đi cho biết đó biết đây của tuổi trẻ . Người tuổi trẻ đành phải định cư vĩnh viễn một nơi và làm những cuộc du lịch tưởng tượng. Ai thích đọc Kim Dung thì biết về nước Tàu với những vùng trời thơ mộng mà nhân vật của Kim Dung vó ngựa rong ruổi. Ai thích đọc Ian Fleming thì biết về các thành phố lớn trên thế giới mà James Bond đã đặt chân tới . Ai thích biết về danh lam thắng cảnh Việt Nam, chỉ có cách đọc địa phương chí của từng tỉnh. Và không phải tỉnh nào cũng xuất bản đâu. Bây giờ, thử đố vui câu “Tại sao gọi là Hố Nai, Hố Bò , Sài gòn, Chợ lớn” khối học sinh đệ nhất tắc tị. Nagy động từ cáp duồn mà báo chí Việt Nam còn dùng sai be bét. Đến nỗi, học giả Vương Hồng Sển phải giải thích một bài đầy đủ chứng minh lịch sử để “nói cho đúng” trên nhật báo Đuốc Nhà Nam .

Như thế đó, muốn mở mang kiến thức đi và đọc, người tuổi trẻ hôm nay đều gặp trở ngại. Đi thì có thể xoay nổi cái vé xe đò, cái vé máy bay hay cuỡi chiếc xe gắn máy , nhưng ngủ ở đâu, ăn ở đâu cho hợp túi tiền bé nhỏ ? Quán trọ Tuổi trẻ chính là vấn đề được đặt ra. Chưa có, thì tuổi trẻ đành sáng chủ nhật đi, chiều chủ nhật về. Và Vũng Tàu là thành phố du lịch … lý tưởng. Ở đó, có cái Câu Lạc Bộ Thanh niên không hấp dẫn nổi một người tuổi trẻ từ phương xa tới. Và đi Vũng Tàu chỉ để tắm, phơi nắng rồi về. Kiến thức mở mang như thế này: Vũng Tàu, thành phố du lịch dơ dáy nhất nước, nhiều ăn mày, bãi biển ngập rác, lon đồ hộp Mỹ và dầu tàu đánh dạt vào bãi hôi hám. Vũng Tàu đầy đĩ điếm cặp kè với lính đồng minh. Vũng Tàu đông snack – bar, đông gái bán bar ăn mặc loã lồ. Vũng Tàu có mắm ruốc Bà Giáo Thảo. Vũng Tàu có những quán cơm Bãi Trước, Bãi Sau đầy ruồi nhặng. Đặc biệt: Vũng Tàu có Honda phóng bạt mạng trên bãi tắm đầy người và không hề thấy cảnh sát đâu. Tôi đi tìm, một nơi nào đó hướng dẫn khách du lịch thăm thú Vũng Tàu, tìm hiểu Vũng Tàu. Không có.

Bỏi vậy, tôi thấy có bổn phận phải đề nghị Quán trọ Tuổi trẻ, Câu lạc bộ Tuổi trẻ cho những thành phố du lịch. Quán trọ Tuổi trẻ gắn liền với Câu lạc bộ Tuổi trẻ cho những thành phố du lịch như Sài Gòn, Vũng Tàu, Đà Lạt, Huế, Nha Trang…. Tôi đã trình bày những dãy núi án ngữ tầm mát của tuổi trẻ thèm khát chân trời. Thiếu chân trời còn hại cho cơ thể hơn là thiếu chất iod, chất muối, chất đường. Đó là câu cuối của bài tùy bút Thiếu chân trời  của tác giả Vang bóng một thời. những dãy núi án ngữ chỉ là thiếu phương tiện và cổ võ cho những ra khơi biết mặt trùng dương. Chưa hề thấy một đoàn thể, phong trào, đảng phái nào bảo trợ cho những chuyến đi của tuổi trẻ. Nhà nước xao lãng và nhà nước đã trả giá rất đắt cho những màn “dàn chào” tuổi trẻ. Nếu đi để học, tuổi trẻ đâu còn ngứa ngáy tay chân xuống đường múa may, hò hét như đám âm binh chịu phép của phù thủy chính trị. Nhà nước rất lười biếng giáo dục tuổi trẻ nhưng rất siêng năng “dàn chào” tuổi trẻ. Nhà nước không lo rào giậu mà chỉ lo thức canh trộm. Nhà nước ta đã ngần ngại đầu tư vốn liếng cho thế hệ ruờng cột. Không nỗ lực mà cứ đòi cậy trông. Y hệt anh hà tiện trong bài tập đọc của cuốn Luân lý giáo khoa thư “Ba quan đắt quá, thà chết còn hơn” Lo lắng cho tuổi trẻ sợ tốn công của, tôi tưởng, trên thế giới chỉ có Nhà nước Việt Nam ôm hoài nỗi sợ hãi đó. Nếu không chịu soạn thảo Chính sách thanh niên, không chọn lựa thanh niên hay thể thao trong thời chiến thì cũng nên bố thí cho tuổi trẻ những Quán trọ Tuổi trẻ ở những thành phố du lịch.

Quán trọ Tuổi trẻ như thế nào nhỉ? Người tuổi trẻ thèm đi không đòi hỏi quán trọ của họ phải sang trọng như những khách sạn mà chỉ cần một chỗ nghỉ chân đừng quá bệ rạc, một nơi ăn uống đừng quá tồi tệ. Dĩ nhiên họ cũng không đòi hỏi Nhà nước “miễn phí” cho họ tiền ăn, tiền ngủ. Miễn phí thường đi liền với bố thí. Mà bố thí thì luôn luôn bệ rạc, tồi tệ. Quán trọ Tuổi trẻ phải ở xa những chỗ ăn chơi đàng điếm của khách du lịch sang trọng, phải rộng rãi, thoải mái, chứa được nhiều người. Mùa lạnh đủ ấm, mùa nắng đủ mát. Chăn chiếu sạch sẽ, tủ đựng hành lý ngăn nắp. Cầu tiêu nhà tắm không làm ai buồn ói mửa khi bước chân vào. Như Nhà Thanh niên, Quán trọ Tuổi trẻ phải nêu sáng mục đích phục vụ tuổi trẻ. Muốn vậy, Quán trọ Tuổi trẻ phải được giao phó cho những người ý thức trách nhiệm, thương yêu tuổi trẻ tha thiết và say mê công việc của mình trông coi điều hành. Gạt bọn kên kên nhà thầu ra ngoài. Ở đâu có kên kên nhà thầu bu tới là ở đó có bóc lột, trục lợi. Nhà thầu bao giờ cũng ăn lãi nặng. Và lãi đó, tuổi trẻ gánh chịu. Nhưng với nhà nước thì lỗ nhẹ hay lãi ít , sự lỗ - chẳng sao, sự lãi – để làm đẹp thêm cho Quán trọ Tuổi trẻ,

Một Quán trọ Tuổi trẻ chỉ tồn tại và đẹp mãi, đẹp thêm với điều kiện có những người quản trị trong sạch và biết làm việc theo tinh thần khoa học. nếu chỉ là chỗ ăn ngủ, thì đừng thực hiện Quán trọ Tuổi trẻ. Phải nhắm một mục đích tốt. Như bất cứ một khách sạn nào, Quán trọ Tuổi trẻ cũng phải có điều lệ. Quán trọ không thể giống cái chợ. Ban quản trị phải lập những tiểu ban gồm những người kiến thức khá, ăn nói hoạt bát, tính tình vui vẻ, hướng dẫn từng nhóm tuổi trẻ thăm viếng các danh lam thắng cảnh ở thành phố du lịch họ tới và cho họ tận mắt thấy sinh hoạt tại vùng đất mới đối với họ. Phải có chương trình từng ngày giống những “tua” của các hãng du lịch ngoại quốc. “Tua” sáng, “tua”chiều. đi một ngày đàng, người tuổi trẻ chi học được một sàng khôn nếu họ được hướng dẫn. Những bài học lịch sử, địa lý nếu chưa học, họ sẽ học ở những chuyến đi, nếu học rồi, họ sẽ biết tường tận. Họ là những người từ nhiều miền đất nước tới. họ gặp nhau, làm quen, kết tình huynh đệ. Lòng yêu thương đất nước, yêu thương đồng bào nảy nở từ đây. Và niềm cảm thông sẽ gắn bó. Họ sẽ hiểu thấm thía câu Tứ hải giai huynh đệ. Thù hận hay hiểu lầm về địa phương, tôn giáo, khuynh hướng sẽ tan biến. Từng đợt gió đã góp lại thành một trận gió. Biết sử dụng trận gió đó, quê hương sẽ có gió lành, gió thổi tung những chiếc lá vàng già nua báo hại trên màu xanh của dân tộc. Không thể kể hết lợi ích cho tuổi trẻ, cho quê hương nếu có những Quán trọ Tuổi trẻ đúng nghĩa của nó. Quán trọ Tuổi trẻ mà tôi trình bày giống một mẫu nhà trên họa đồ của kiến trúc sư. Còn cần thêm bớt và tô điểm. và đó là công việc của Nhà nước, của Bộ Văn hóa Giáo dục.

Quán trọ Tuổi trẻ đi liền với Câu lạc bộ Tuổi trẻ. Nội dung Câu lạc bộ Tuổi trẻ như Nhà Thanh niên. Có sân khấu ca nhạc kịch, có diễn thuyết văn chương khoa học. Nghĩa là, người tuổi trẻ đi du lịch trở về nhà phải học được nhiều điều, phải ăm ắp kỷ niệm đường trường xa. Quán trọ Tuổi trẻ không bao giờ là quán cơm bình dân nguội tanh chỉ “quyến rũ” nỗi một số người tuổi trẻ thua hết bạc mò tới ăn đỡ như quán cơm trên đồi Đà Lạt năm nào. Câu lạc bộ Tuổi trẻ không bao giờ là cái nhà hàng bệ rạc, ruồi bu kiến đậu như Câu lạc bộ Thanh niên ở Vũng Tàu. Tôi đã buồn ghê gớm khi biết được nhiều người tuổi trẻ Sài Gòn đi Vũng Tàu, muốn lên ngọn hải đăng cao ngất, dán mắt vào viễn vọng kính nhìn ra khơi mà không nhờ được ai hướng dẫn. Vì Nhà nước cấm lên đó? Đừng để tuổi trẻ lớn lên to ra trên chiếc giường hẹp ọp ẹp.

Châm ngôn Ấn Độ có câu: “Thà bật một que diêm còn hơn ngồi nguyền rủa trong bóng tối. Ước mong Nhà nước thắp sáng tuổi trẻ Việt Nam để không còn bóng tối vây quanh tuổi trẻ.

Duyên Anh
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn