Thương và nhớ Phùng rất nhiều!!!
Phùng tự nhận mình bắt đầu viết văn từ cuối năm 1994. Một khởi đầu hơi muộn nhưng Phùng không thiếu những bi kịch nghiệt ngã trong đời mình và những chiêm nghiệm phong phú dày dạn trong cuộc sống, đã giúp cho Phùng viết xuống những trang văn đầy cá tính, rất nhân văn và tràn đầy khát vọng: "... Và từ giữa tro tàn, biết đâu sẽ bước ra rực rỡ và mới tinh khôi con phượng hoàng với đôi cánh đủ dài để vượt qua cái khoảng trống ghê rợn nằm giữa một điều đã thực sự qua đi và một điều hãy còn chưa tới."(*)
Tháp Ký Ức, tập truyện ngắn đầu tay của Phùng, đã minh chứng điều đó.
Tháp Ký Ức, truyện ngắn được lấy tên chung cho tập truyện, là một tự sự của Phùng, với nhân vật xưng "tôi". Bằng những tấm gương soi của thời gian, Phùng đã nhìn lại tuổi thơ của mình qua một giọng kể rất lôi cuốn và nồng ấm xen lẫn chút tinh nghịch của cậu bé học trò khá thông minh, chơn chất, đôn hậu. Đáng chú ý nhất của câu chuyện là câu hỏi đầu đời của cậu bé học trò sau khi "tranh luận" với cô giáo Tố Quyên, "Hy vọng thuộc về tương lai hay quá khứ? Hay cả hai?". Câu hỏi đó, có lẽ, Phùng đã mang theo suốt đời mình, bàng bạc trong những trang văn, qua những cái "tôi" ẩn khuất đâu đó, trong kỷ niệm của quá khứ, trong ồn ào sôi động của hiện tại nhưng vẫn khôn nguôi về một thời đã xa, luôn khắc khoải réo gọi trong tâm thức. Hy vọng ư? Tuyệt vọng ư? Chỉ biết, Đêm Oakland Và Những Truyện Khác, tập truyên ngắn thứ hai của Phùng, hình như vẫn là những Tháp Ký Ức kéo dài và mở rộng về phía chân trời xa, đúng như chính Phùng luôn mong muốn rằng, "vượt qua cái khoảng trống ghê rợn nằm giữa một điều đã thực sự qua đi và một điều hãy còn chưa tới." (*)
Thế hệ của Phùng và tôi cũng như bằng hữu cùng thời, đều mang theo tiếng Chim Gáy Sau Vườn, một truyện ngắn hay và cảm động với những ký ức, vết thương kinh hoàng nhất của một cuộc chiến vừa qua. Một cuộc chiến nhân danh những lý tưởng ảo, đầy ma nghiệt, đã dìm cả dân tộc vào thảm kịch núi xương sông máu một thời, để rồi những di chứng khốc liệt ấy, đến ngày nay, vẫn còn là những nỗi đau khôn nguôi.
Sự nghiệp văn chương của Phùng chưa nhiều, chưa đúng như sở nguyện của Phùng, nhưng cũng đủ để bằng hữu và bạn đọc ngắm nhìn một cách rung động, ngưỡng mộ về những tấm gương thời gian lấp lánh trên Tháp Ký Ức rất phong phú, rất cảm động của Phùng. Thật vậy, Phùng đã trải lòng mình với văn chương bằng một suy nghĩ rất chân thành: "Tôi bắt đầu chuyện viết lách vào cái tuổi mà những người khác đã có thể bẻ bút về hưu vì không còn cần thiết để chứng minh thêm nữa khả năng văn chương của mình hoặc vì đã mất hết kiên nhẫn trong việc giáo dục đám độc giả (vốn thường kém nhạy bén) cách phát hiện những tư tưởng kiệt xuất trong tác phẩm của mình. Những nhà văn này nhiều phần sẽ trả lời câu phỏng vấn không thể thiếu trong các cuộc phỏng vấn “Tại sao viết?” bằng cách diễn tả nỗi niềm đam mê văn chương rực lửa của mình như thế này hay như thế khác. Tôi không có được điều xa hoa đó. Tôi thích văn chương, nhưng chưa bao giờ đủ thôi thúc để dẹp bỏ mọi điều và thực sự ngồi xuống chỉ để làm công việc sáng tác. Ở vào một thời điểm không lấy gì làm vui vẻ trong đời sống của mình, tôi cho rằng mình cần phải làm một điều gì đó, bất cứ điều gì, bên cạnh chuyện sinh nhai nhàm chán mà tôi vẫn phải làm hàng ngày. Tôi chọn viết lách thay vì đầu tư vào thị trường chứng khoán, đánh cá ngựa, chơi ma túy, hoặc la cà hàng đêm ở những quán rượu có nhảy cởi truồng, những điều mà hậu quả chưa hẳn sẽ tệ hơn hậu quả có thể xảy ra cho điều tôi đã chọn lựa. Sau này tôi nghiệm ra chính cái nhu cầu cần được chia sẻ là động cơ thúc đẩy tôi đến gần với văn chương thay vì với những điều khác. Tuy vậy, có lẽ tôi sẽ trả lời câu hỏi quen thuộc “Tại sao viết?” của một ai đó là “để cho vui” cho dù không hẳn là như vậy. Không có điều gì bảo đảm niềm vui sẽ đến với người có được cái khả năng chia sẻ nỗi niềm hoặc tư tưởng của mình với nhiều người khác dưới dạng chữ nghĩa."(*)
Những truyện ngắn của Phùng, phần lớn là những hồi ức về quá khứ, kể cả những câu chuyện trong khung cảnh nơi xứ người, Phùng cũng đã lấy khung cảnh đó để dựng lên, tái hiện lại Tháp Ký Ức của mình vẫn còn lung linh trong tâm tưởng.
Trong truyện ngắn Đêm Oakland. Câu Hỏi, nhân vật Kình, "thằng Kình khùng", đã làm người đọc phải rùng mình vì cái kết cục bi thương của hắn. Ông Luyến, cha của "thằng Kình khùng" đã treo cổ tự tử chết vì ân hận đã báo cho phe "quốc gia" biết chỗ ẩn nấp của phe "Việt Minh", trong đó có người chú họ và đứa con trai đầu của ông. "Thằng Kình khùng", con của ông Luyến - khùng, nhưng chẳng biết vì lý do gì, ai xúi dại nó theo "Mặt Trận", bắn chết ông Hồ Luyện, là người của phe "quốc gia" thuộc loại "tay sai Mỹ-Diệm ác ôn" ở trong làng; "thằng Kình khùng" được "Mặt Trận" vinh danh tung hô trong một buổi họp dân; "thằng Kình khùng" hoan hô đả đảo khẩu hiệu loạn xà ngầu, rất khí thế theo hướng dẫn của mấy ông "Mặt Trận"; "thằng Kình khùng" hì hục làm trò vợ chồng với chị Hạnh; "thằng Kình khùng" bị anh lính "Cộng Hòa" bắn chết... Chị Hạnh "làm trò vợ chồng" với "thằng Kình khùng" trước đây, nhưng trong đêm "thằng Kình khùng" chết, "Chị Hạnh sinh con so. Con trai, cái mũi to bè giống ông Hồ Luyện như đúc."(Trích trong truyện ngắn "Đêm Oakland. Câu Hỏi")...
Có rất nhiều "câu hỏi" trong truyện ngắn Đêm Oakland. Câu Hỏi. Câu hỏi với nhân vật xưng "tôi" trong truyện và những "câu hỏi" của từng nhân vật trong truyện như ông Luyến, ông Hồ Luyện, chị Hạnh, bà Thiệp, thím tám Thơm, chị Sáu, nhất là "câu hỏi" của "thằng Kình khùng" trong lúc "máu nó loang ướt đẫm khoảng giữa ngực và bụng nó, sóng sánh dưới ánh trăng". "Câu hỏi" như một vấn nạn oan khiên của một thời chiến tranh tàn nhẫn, phi lý và khốc liệt. Nhân vật "thằng Kình khùng" là ai, là ẩn dụ gì vậy? Những "câu hỏi" gì vậy?! "Câu hỏi" chồng lên "câu hỏi", và, máu trong ngực của "thằng Kình khùng" vẫn còn trào ra cho mãi đến bây giờ! Những "câu hỏi" không lời đáp. Người đọc chỉ biết thở dài sau khi đọc xong câu chuyện! Theo tôi, đây là truyện ngắn hay nhất của Phùng đã viết, và cũng là một trong những truyện ngắn hay mà tôi đã được đọc.
Những trang văn của Phùng, từ "Tháp Ký Ức" cho đến những truyện ngắn sau nầy, phần lớn là những trang văn tự sự, hình như là Phùng đang kể chuyện với chính mình bằng một giọng rì rầm, rả rích theo ánh sáng phản chiếu của những tấm gương thời gian, trong những vuông không gian mờ tỏ của từng câu chuyện, về trạng huống, nhân vật và ngay cả nhân vật xưng "tôi", "anh" của Phùng.
"Cháy Lên Những Ngọn Đồi Cỏ Khô" là một tự sự đẹp. Một vết thương sâu lắng về một thời thanh niên rủi ro, bất hạnh đi theo cùng năm tháng, và, trong câu chuyện cũng đã mang theo những cơn gió nhẹ, những vệt nắng xôn xao rung động một thời. "Rồi anh chợt hiểu ra mình phải làm gì! Anh sẽ dừng xe ở chân đồi, không phải để kể cho em nghe một câu chuyện tình anh chưa từng kể cho ai nghe trước đó. Anh chỉ muốn bật lên một que diêm và cẩn thận không để nó tắt đi. Anh sẽ dùng mồi lửa nhỏ nhoi nầy để đốt cháy một cọng cỏ khô run rẩy trong cơn gió núi hắt hiu của mùa Thu, và nhìn ngọn lửa lan dần. Và ngọn đồi cỏ khô sẽ cháy lên. Và những ngọn đồi cỏ khô sẽ cháy lên, trong gió núi hắt hiu của mùa thu. Và cũng cháy lên rực rỡ trong gió núi hắt hiu mùa Thu là cuộc tình ta, lần cuối cùng! Vì một điều phi thường như thế không nên chết đi một cách tầm thường" (Trích đoạn cuối của truyện ngắn "Cháy Lên Những Ngọn Đồi Cỏ Khô"). Đọc đến đoạn kết nầy, mới hiểu ra, những giòng tự sự đan chéo ngược xuôi, vòng vèo trong thời gian, không gian là những mảng màu ánh lên một bản giao hưởng trầm buồn, như còn vang vọng đâu đây sau những trầm luân dâu bể của người dẫn chuyện với một bóng hình yêu dấu cũ, mà hình như chỉ còn trong hoài niệm mênh mông.
"Phía Bên Kia Đường", một truyện ngắn khác, cũng theo kiểu tự sự, nhưng đan xen hình ảnh và cảm xúc thực và ảo, như câu thơ rất hay của Quan Dương trích ở đầu truyện, "... đợi khuya tàn bắt sống một chiêm bao". "Tôi", nhân vật dẫn chuyện, trong một lần đi bộ exercice vào mỗi buổi sáng (hình như là sau khi xuất viện vì cơn bệnh... tim?!) tình cờ gặp một cô gái thắt hai búi tóc như hai đuôi ngựa. Tình cờ gặp, tình cờ nói chuyện, tình cờ tán tỉnh, tình cờ hôn nhau... Mọi thứ đều tình cờ vì "tôi" đang bị ám ám ảnh mãi một bóng dáng nào đó bên kia đường hay một bóng dáng nào đó trong ngăn kéo ký ức?! Chẳng biết cái bóng ấy đang ở đâu, vào lúc nào?! Chỉ biết là cô gái thắt hai búi tóc như hai đuôi ngựa ấy đã hiện ra, rất rõ gương mặt, giọng nói, nụ cười và cả nụ hôn ngọt lịm trao nhau. Chẳng biết cô gái hay "nàng" trong ngăn kéo của ký ức đã hiện ra sau lần chia tay đầy lãng mạn? Chẳng biết! Thôi thì "... đợi khuya tàn bắt sống một chiêm bao" vậy! Cho đến khi, "tôi" bị "một vật gì đó tông vào mông tôi từ phía sau, mạnh đến độ làm tôi bắn tung vào bãi cỏ bên cạnh, lăn một vòng và nằm sóng soài ở đó. Ngực tôi đau thắt, có một ai đó đang đè lên nó. Tôi mở mắt và nhìn thấy hai cái đuôi tóc rung rung, cặp mắt ngơ ngác, và khuôn mặt vừa bẽn lẽn vừa lo lắng của cô gái đã đâm sầm vào tôi (...) Tôi nhắm mắt lại, lo sợ. Tôi nghe tiếng cô thở dồn dập, tôi cảm thấy hai tay cô lắc vai tôi từng chặp, tôi nghe giọng cô run run, "Ông ơi, ông có sao không? Ông ơi, tôi gọi xe cứu thương nhé?!" Mắt vẫn nhắm thật chặt, tôi trả lời khó nhọc, "Tôi không sao đâu. Không cần phải gọi xe cứu thương gì hết. Chỉ cần cô không biến đi như lần trước!" (Trích đoạn cuối của truyện ngắn "Phía Bên Kia Đường"). Một bút pháp không lạ theo kiểu đan xen giữa thực và ảo, nhưng phía sau câu chuyện có chút thơ mộng lãng mạn kia, lại là một nỗi đau nhói lên bất chợt, mơ hồ nhưng có thật của "tôi" (chắc là của Phùng?!).
Cứ thế, các truyện ngắn "Chuyện Tình Kể Lại", "Tỏ Tình Với Bình Minh", "Bóng Phượng"... Phùng vẫn miên man tự sự, nâng niu "Tháp Ký Ức" của mình, lúc thì dàn trải theo từng nhân vật, lúc thì phân thân, hóa thân vào nhân vật. Và, cho dù trong cung cách, biểu hiện, cấu trúc nào, bóng dáng của Phùng vẫn ẩn hiện trong đó, với rất nhiều cung cách: Nhân chứng, nạn nhân hay là một khoảng trống thăm thẳm nào đó của những vết hằn oan khiên, khổ lụy của một thời.
Đặc biệt, "Dựng Truyện" là một nỗ lực thử nghiệm đáng kể của Phùng. Với cấu trúc đầy kịch tính. Truyện dựng lên những giả định tình huống của nhân vật trong không gian "nhà xoay lưng" để cho thời gian hiện ra những cái tất nhiên và ngẫu nhiên. Kịch tính, dàn dựng, nhưng vẫn là những sinh động có thực của "tôi" và "người đàn bà" trong một khoảng không-thời-gian có thực. Văn chương và cuộc đời, như bóng và hình. Một câu hỏi, một vấn nạn bất tận trong thế giới sáng tạo! Trong "Văn Sĩ Ngại Ngần" (nên gọi là tản văn hay là truyện đây?!) với trên 1.200 chữ, liên tục những dấu phẩy, không có dấu chấm từ khởi đầu đến kết thúc. Một nét độc đáo, lạ, trong thử nghiệm khá táo bạo của Phùng, vẫn tạo được rung cảm tinh tế với người đọc, vẫn "nói" được những điều cần bày tỏ.
Sự nghiệp văn chương của Phùng vẫn còn đầy hứa hẹn ở phía trước. Tiếc lắm thay!!!
Ngoài việc sáng tác, Phùng cũng là một thành viên sáng lập của trang mạng của tạp chí văn chương Da Màu (damau.org) đã trên mười năm nay, với những bài viết sắc sảo, giàu tính văn chương.
Gần đây, trên trang mạng VOA, Phùng đã góp mặt thêm trang blog Rừng & Cây, khá khởi sắc, cùng với sự công tác của những thân hữu nặng lòng với văn chương, thời cuộc, nhất là những ưu tư về tình hình đất nước hiện nay. "Mệnh Trời?", bài viết cuối cùng của Phùng, nhân chuyến thăm của Tập Cận Bình, tổng bí thư đảng cộng sản Tàu đến Việt Nam. Một bài viết khá công phu, sắc sảo và đầy tâm huyết của Phùng đối với vận mệnh của dân tộc và đất nước đã được đông đảo bạn đọc tán thưởng đồng tình. (Có anh em vừa ngậm ngùi, vừa bông đùa một cách tê tái, cay đắng khi nhắc về cái tựa của bài viết nầy: Chữ "Mệnh"! Hay vô tình, đó cũng là lời tiên tri không hay của Phùng về "Mệnh" của mình?!).
*
Thương và nhớ Phùng rất nhiều!
Khi tôi ngồi gõ chậm những dòng chữ nầy, đám tang của Phùng đang diễn ra ở Maryland. Trời bên ấy chắc đang lạnh và nhiều mây mù để tiễn đưa Phùng? Ban biên tập của tạp chí Da Màu đã có Đặng Thơ Thơ từ Calif. bay sang, cùng với Đinh Từ Bích Thúy bên ấy. Khá đông thân hữu cũng đã đến tiễn biệt Phùng. Thật không lường hết nỗi đau của Quỳnh Loan, người bạn đời yêu quí của Phùng, trước sự ra đi đột ngột của bạn. Xin chân thành gửi đến Quỳnh Loan và gia đình, lời chia buồn sâu sắc nhất. Xin gửi đến anh linh của Phùng lời chào tiễn biệt ngậm ngùi thương tiếc. Mong Phùng hãy thanh thản rong chơi với Tháp Ký Ức của mình trên đường về cố quận, nơi mảnh đất quê nghèo có ngôi tháp Chàm Bàng An luôn trông ngóng bạn. Trên cõi thinh không bất tận kia, chắc Phùng cũng sẽ hân hoan hạnh ngộ tổ tiên và bằng hữu ngất xanh!
Bài viết muộn, sau cơn cảm cúm kéo dài cả tuần nay, như là nén nhang tưởng nhớ Phùng, người bạn văn chân tình, nhân hậu của tôi.
Calif., trưa Chủ Nhật, 22.11.2015, hiệu đính, 23.11.2015.
Nguyễn Lương Vỵ
Nguồn Việt Báo
(*) Nhà Văn - Truyện ngắn của Phùng Nguyễn.
Gửi ý kiến của bạn