BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72824)
(Xem: 62104)
(Xem: 39203)
(Xem: 31058)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Về Vũ Cao Quận

17 Tháng Mười 200712:00 SA(Xem: 1068)
Về Vũ Cao Quận
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Trích:

“Nhân một lần qua Hà Nội, tôi lững thững đi ngang 'chợ trời lao động' thấy áo lính ở đây đông quá. Nắng nôi, nóng nực, nhếch nhác... Những người lính không mũ, không quân hàm, mặt nhăn nhúm tưởng như không có tuổi. Từng tốp, từng tốp, bên những chiếc xe thồ gầy guộc cùng đống quang sọt lam lũ như chủ nhân của chúng, họ chờ người đến thuê làm.

Sống nhọc nhằn giữa chốn phồn hoa lộng lẫy, uy nghi: lăng tẩm, đền đài, khách sạn, hộp đêm... họ lạc lõng trong cái xô bồ nhốn nháo của sự giàu sang, hợm hĩnh đến tột đỉnh và sự nghèo đói vật vờ đến tận đáy xã hội.

Khối nhân quần lầm than đông đảo chìm lấp dưới cống rãnh của những ‘xóm liều’ âm thầm, lầm lũi ven đô và nỗi thống khổ của những vùng sâu, vùng xa hoang vắng.

Còn nghễu nghện trên các lễ đài, các bin đinh, các hotel... là các 'pô-li-tích-xiên' cùng một lũ 'phi-lô-đốp' cao đạo, thơm phức nước hoa ngôn từ, đang tân trang xã hội như người ta nâng vú, sửa ngực, hút mỡ bụng trong các mỹ viện để sơn phết lại diện mạo cuộc sống, biến những tên hãnh tiến, trọc phú thành những vĩ nhân anh hùng, tô son vẽ phấn cho cái xã hội tụt hậu đói nghèo thanh một nước G-7+Việt Nam trong hoang tưởng.

Cái giá phải trả cho sự 'thí nghiệm' một học thuyết trên cơ thể dân tộc Việt Nam đắt quá!...” (hết trích)

(Gởi Lại Trước Khi Về Cõi - tr.25-26)

Trên đây là đoạn trích từ tác phẩm “Gửi Lại Trước Khi Về Cõi” của tác giả Vũ Cao Quận do tủ sách “Tiếng Quê Hương” ấn hành mới đây. Ông vốn là một cựu đại tá trong quân đội Cộng Sản Bắc Việt từng tham gia hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ tại Việt Nam. Và theo như lời Uyên Thao, một ký giả, một nhà văn và là người điều hành tủ sách Tiếng Quê Hương, “Gửi Lại Trước Khi Về Cõi” không phải là một tác phẩm văn học, không phải là tác phẩm biên khảo và cũng không phải tác phẩm chính luận, bởi Vũ Cao Quận không phải là nhà văn, không phải học giả, không phải chính khách, và cũng không bao giờ cầm bút với ý hướng trở thành nhà văn học giả hay chính khách. Vũ Cao Quận cầm bút chỉ vì một lý do duy nhất: ông thấy những người dân, người lính của ông lại một lần nữa bị chế độ hất hủi, phản bội và chà đạp. Thêm vào đó, ông còn cảm thấy cá nhân ông bị lăng nhục bởi chính cái kết quả của cuộc thí nghiệm một chủ thuyết mà trong đó ông đã bỏ cả cuộc đời để tham dự.

Vâng, chính ông, chàng thiếu niên Vũ Cao Quân mới 13 tuổi đã sớm bước vào cơn lốc của sự căm giận hừng hực lửa cháy nơi một dân tộc bị ngoại bang áp chế đang vùng lên cố gắng giành lại quyền sống của mình. Thế rồi khi vào tuổi thanh niên, Vũ Cao Quận hiểu rằng, cũng như bao nhiêu thanh niên yêu nước khác, ông chọn lựa con đường chiến đấu và quyết định đó đã đặt ông vào bom đạn kéo dài suốt 30 năm. Nhưng ba mươi năm chiến tranh và hai mươi nhăm năm hòa bình (tính đến thời điểm Vũ Cao Quận bỏ Đảng năm 2000) đã làm ông hoàn toàn thất vọng, bởi với hơn nửa thế kỷ của đời ông không lẽ chỉ đổi được một đời sống “không ra sống” và một đất nước tụt hậu thê thảm đến như thế hay sao?

Khi “tản mạn” những chuyện không vui với người thân với gia đình, bạn bè và những đồng chí, đồng đội cũ của ông và được trải rộng ra với độc giả gồm những người ở trong nước, những người ở hải ngoại trong đó có những người lính miền Nam ở bên kia chuyến tuyến trong chiến tranh, Vũ Cao Quận đã cho thấy, ông nghĩ được điều gì thì viết điều ấy “văn không ra văn, thơ cũng chẳng phải thơ, xù xì lắm, đau xót lắm, nhưng nỗi lòng cũng muốn ngỏ cùng ai, không viết không được”. Quả vậy, trong suốt 210 trang giấy gói ghém trong tác phẩm “Gửi Lại Trước Khi Về Cõi”, người đọc có thể tìm thấy trang nào cũng có nhịp đập của trái tim người lính đang rỉ máu, trang nào cũng thấy sự căm giận đến lặng người đi của tác giả đối với một chế độ đang tàn phá, đang giẫm nát, chà đạp lên mọi khía cạnh của đời sống. Kể ra, ông cũng là người kiên nhẫn. Đi trong khói lửa chiến tranh 30 năm không phải là một điều hiếm thấy đối với những người lính của cả hai miền Nam và Bắc Việt Nam, nhưng chờ đợi trong 25 năm hòa bình để xem những người “quản lý” đất nước làm được những gì với núi xương sông máu mà những người lính như Vũ Cao Quận đã phải đổ ra thì phải nói đó là một điều hiếm hoi. Phải là người yêu nước, phải là người bản lãnh, phải có những suy nghĩ đã chín và những điều trải qua bằng thực tế, tác giả “Gửi Lại Trước Khi Về Cõi” mới có một quyết định sáng suốt như thế: cầm bút để hài tội những kẻ phản bội quyền lợi đất nước, để can đảm nói rằng những cơn lốc biến động chính trị và quân sự trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ, cuộc cải cách ruộng đất khiến trên 300,000 người chết oan uổng, cuộc chiến được lồng vào chiêu bài giải phóng miền Nam Việt Nam đã khiến khoảng 4 triệu người hai miền Nam-Bắc chết, rút cục đánh đuổi Mỹ để rồi lại ôm chân Mỹ... cuối cùng chỉ là để phục vụ cho một cuộc thử nghiệm một học thuyết hoang tưởng. Cái cốt lõi của giải phóng dân tộc chính là biến mơ ước tự do, dân chủ, nhân quyền được tôn trọng, đất nước phát triển trong khuôn khổ của văn minh loài người trở thành hiện thực. Nhưng tác giả “Gửi Lại Trước Khi Về Cõi” cho rằng những mơ ước ấy ngày nay không những không thành hiện thực mà còn trở thành những điều ngày càng viễn vông.

Những cái mất mát của những người lính miền Bắc như Vũ Cao Quận và những đồng đội cũ của ông, cũng như của biết bao nhiều người Việt Nam đã từng hướng mơ tưởng của mình về chiếc bánh vẽ dân tộc, dân chủ mà họ Hồ vẽ ra, rất lớn lao. Nó là những vết thương do niềm tin tan vỡ sẽ chẳng bao giờ kéo da non, một khi mà người dân Việt vẫn còn đắm chìm trong nỗi thống khổ do chuyện cải cách đất nước được người cầm quyền thực hiện giống như người ta “nâng vú, sửa ngực”.

Nếu đọc hết 210 trang của “Gửi Lại Trước Khi Về Cõi”, chúng ta có thể thấy tác giả không tản mạn những chuyện mây bay cuối trời. Ngược lại, những lời lẽ của ông là những ánh thép phản tỉnh sáng ngời khiến cho những người cộng sản còn mù quáng đang dẫn dắt cái xã hội chìm đắm ở Việt Nam vào con đường chìm đắm hơn không thể biện minh gì được. Từ “Chủ Nghĩa Mác Tản Mạn Ký”, “Học Thuyết Mác và Thực Tiễn”, “Bàn Về Nguyên Tắc Phân Phối Lao Động, “Công Hữu và Những Tên Hộ Phú Vô Sản của Mã Khắc Tư Tiên Sinh”, “Tư Hữu và Những Khát Vọng Cá Nhân”... cho đến “Tao Ngộ Chiến”, “Sự Giãn Nở Chậm Chạp của Một Khuôn Phép”, “Thư Gởi Liên Hoàn”, “Một Nền Dân Chủ Nhọc Nhằn” và cuối cùng “Chín Ngày Trong Một Đời Người” cùng phần phụ lục liên quan đến việc tác giả trả lại thẻ Đảng cùng hậu quả của hành động cương trực này của ông..., người đọc sẽ có thể thấy những đường quyền liên hoàn, với quyết tâm sắt son của một người quyết đứng lên một lần nữa, dù đã ở tuổi ngoài 70.

Cái đặc điểm mà tôi muốn nhấn mạnh ở đây sau khi đọc hết những chương này chính là: đọc những tiểu đề trong “Gửi Lại Trước Khi Về Cõi”, người ta có ngay cái cảm giác đây là một tác phẩm chính văn, khó đọc và dễ kéo sụp mí mắt người đọc xuống. Nhưng không. Tác giả Vũ Cao Quận khi viết “Gửi Lại Trước Khi Về Cõi”, ông đã viết nó trong một thứ cảm xúc trào dâng những cay đắng và chua chát về những điều mà ông đã trải qua cũng như chứng kiến. Một tác phẩm được viết với suy nghĩ ngay thẳng và những điều thực tiễn ở chung quanh mình thường là một tác phẩm dễ dọc và hấp dẫn. Văn lý luận mà vẫn có nước mắt cũng như nụ cười. Những trang tâm bút của ông dù viết về sự suy vong của chủ nghĩa Mác, về sự bại liệt của tư tưởng Hồ Chí Minh, về những phản bội của những người Cộng Sản với nhân dân Việt Nam mà vẫn gởi gấm được niềm tin: “Người ta lớn chỉ vì mi quì xuống. Hỡi nhân dân hãy đứng thẳng lên” (Thơ Marat). Tuy Vũ Cao Quận không trực tiếp nói ra niềm ân hận là ông đã bỏ quá nửa đời ông để phục vụ cho một chế độ không xứng đáng để phục vụ, nhưng ông viết: “Chủ nghĩa Mác-Lê-nin chưa bao giờ tác động đến mọi nỗ lực trong cuộc đời chiến đấu, phẩm chất và đạo đức của tôi”, hoặc “Sự tự nguyện dấn thân của lũ chúng tôi vào cuộc chiến tranh lâu dài của đất nước để giành lại sự độc là do lòng yêu nước của tổ tiên từ ngàn xưa truyền lại. Nó ngấm vào máu thịt của chúng tôi, chứ chủ nghĩa Mác-Lê-nin không hề can dự gì vào đấy cả”.

Sự thực, khi muốn lý giải nguyên gốc của việc hàng triệu thanh niên Việt Nam bị cuốn hút vào những trò bịp bợp, trí trá của đảng Cộng Sản Việt Nam trong nhiều thập kỷ, những luận cứ đưa ra sẽ không an toàn lắm, bởi vì những trang đen trong lịch sử của đảng này cũng mới chỉ được đưa ra ánh sáng một phần. Vả lại việc làm rõ hơn những trang sử u ám của một đất nước không thể thực hiện với tốc độ nhanh, nếu người ta không muốn để những yếu tố chủ quan lạc vào tầm nhìn của chúng ta. Nhưng dù sao, khi đọc “Gửi Lại Trước Khi Về Cõi”, người đọc nào thường quan tâm và khắc khoải đến vận mạng của dân tộc có thể tin được rằng, những người đứng dậy để thực hiện giấc mơ tự do, dân chủ và nhân quyền sẽ không chỉ có Vũ Cao Quận.

“Bàn văn chương chữ nghĩa là thứ xa xỉ đối với người lính già với bàn tay quen cầm súng sần sùi chai sạn. Ba mươi năm xương máu và hai mươi nhăm năm hòa bình chẳng lẽ lại chỉ đổi được một cuộc sống nham nhở, nghèo nàn, lạc hậu như thế này sao? Tự Do-Dân Chủ-No Ấm-Hạnh Phúc vẫn xa vời vợi” (ngưng trích)

Tôi trích dẫn những lời lẽ này trong “Vài Lời” của Vũ Cao Quận để kết thúc những trang cuối của mục Sổ Tay hôm nay với hy vọng nhỏ nhoi là nó có thể làm đậm thêm ý nghĩa của một thư gửi lại. “Thôi thì: Gửi lại trước khi về cõi - Đúng, sai xin để lòng đời...”

Vũ Ánh

17-10-2007
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn