BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73233)
(Xem: 62213)
(Xem: 39392)
(Xem: 31148)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Tản mạn câu thơ

16 Tháng Mười Một 201512:00 SA(Xem: 1032)
Tản mạn câu thơ
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
“Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi?”

Nói về chiến tranh, Vương Hàn, một thi sĩ Trung Hoa thời xưa đã viết,

“Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu,

Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi?”*

Cuộc chiến tranh nào rồi cũng cướp đi những người con ưu tú nhất của đất nước. Bây giờ thì xương máu của những người nằm xuống đã hòa quyện thành hồn thiêng sông núi.

Lịch sử đã khép lại, cuộc chiến Việt Nam lùi dần vào quá khứ. Những người lính ngày xưa giờ thăm lại chiến trường cũ chắc phải cất tiếng ngậm ngùi, “Sông kia rày đã lên đồng. Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai.”**

Không một ai tiếc nuối chiến tranh, cái khắc khoải xót xa là tiếng thở dài cho thế sự. Nhìn lại nỗi oan khiên của bao nhiêu đồng đội đã ngã xuống, những hình ảnh đó hơn 40 năm sau vẫn còn là những vết hằn khắc sâu trong ký ức. Có phải cái gì chưa trả trong chiến tranh, hòa bình sẽ đòi lại hết. Hơn 40 năm qua, những chiến trường xưa vẫn hằng sống dậy như những khúc phim buồn.

Tác giả Đoàn Văn Tịnh


Đó là cái giá phải trả của những người còn sống. Một món nợ ân tình của những người đồng đội. Những người mang cái định mệnh trong câu thơ, “Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi?”

Lấy ý thơ này, tác giả Đoàn Văn Tịnh đã đặt tựa đề cho tập hồi ký chiến trường “Xưa Nay Chinh Chiến… Mấy Ai Về".

Tôi biết anh Đoàn Văn Tịnh không nhiều. Thỉnh thoảng gặp anh trong bộ quân phục TQLC trong những ngày lễ hội của người Việt tại địa phương. Chuyện trò qua loa nhưng để lại trong tôi nhiều ấn tượng. Có thể nói đây là một người lính tiêu biểu cho hình tượng một người lính Việt Nam. Bây giờ, với năm tháng đã đi qua nhưng trong bộ quân phục nghiêm chỉnh, tác phong anh vẫn nhanh nhẹn như vẫn còn tại ngũ. Đặc biệt nhất là ánh mắt đầy nghị lực, tiềm tàng một sức mạnh tinh thần khó gì lay chuyển. Đó chính là tính chất can trường của một người sĩ quan hết lòng vì đồng đội.

Mới đây, tôi rất ngạc nhiên khi được anh mời viết lời bạt trong cuốn hồi ký chiến trường. Lời bạt xin dành cho những vị niên trưởng của anh, tôi chỉ viết một vài cảm nghĩ khi đọc những dòng ký ức này.

Anh viết, “Sau 20 năm ngày tàn chiến cuộc, tôi mới có dịp viết về tiểu đoàn để tưởng nhớ những người bạn và em út cùng đơn vị đã nằm xuống…

Sự đóng góp xương máu cùng sự sống của các bạn cho một vùng quê hương quá đỗi bất hạnh có lẽ là niềm đau xót trong suốt cuộc đời còn lại của tôi.”

Nếu kỷ luật là sức mạnh của quân đội thì tình đồng đội chính là dòng máu luân lưu không ngừng giữa những người lính.

Nhưng tình đồng đội là gì? Nó không phải đơn thuần là tình bạn giữa những người cùng chung chiến tuyến. Có lẽ đối với những người dân sự khó mà hiểu được cái thứ tình cảm sống chết này.

Có lần, tôi tình cờ đọc tác phẩm Chiến Hữu của William Faukner. Đó là một cái truyện ngắn mà tôi không thể nào quên được. Truyện kể về một ông tướng quân đội Miền Nam Hoa Kỳ của cuộc nội chiến năm 1864. Sau khi thất trận, ông lui về nông trại với khẩu súng nhỏ tùy thân và một con ngựa chiến. Trở về làm nông nhưng ông không thiết tha gì với đồng ruộng, hàng ngày ông chỉ đắm mình trong rượu. Vì chỉ có rượu mới đưa ông trở về với chiến trường xưa. Mà chiến hữu của ông bây giờ chỉ còn đơn độc một con ngựa cũ. Mà con ngựa bấy giờ hình như cũng giống ông, nó thường chúc đầu xuống để cất giấu một nỗi buồn. Mỗi lần thấy ông, mắt nó sáng lên, gõ chiếc vó đã mòn lộp cộp như ra dấu. Ông rất hiểu nó, ắt nó cũng đang nhớ về cái thời cùng ông xông pha qua trận mạc, nơi vó câu không chạm đất. Họ là đôi bạn đã cùng vào sinh ra tử, cùng ngửi chung một mùi thuốc súng khét lẹt của chiến trường và đánh hơi được mùi máu thoảng pha trong gió. Ông từng tiếc, giá lúc đó mà ông chết, thì cái chết sẽ đẹp biết bao.

Chính nó, sẽ là kẻ duy nhất nhìn thấy ông trong giây phút sau cùng. Bây giờ thì cả hai, người và ngựa có chung một quá khứ. Cuộc sống của họ bây giờ chỉ là sự hồi tưởng. Có những đêm trăng, người ngựa tề chỉnh, họ âm thầm băng qua những cánh đồng loang loáng nước, chiến trận diễn ra êm đềm như quá khứ tái hiện trong phim. Khi mặt trời lấp ló, người ngựa lững thững trở về trên con đường làng như những người thất trận…

Tình đồng đội giữa người và ngựa kết thúc ở chương cuối. Khi con ngựa cái đẻ cũng chính là lúc đứa con của ông ra đời. Ông quyết định dọn xuống chuồng ngựa ở để tự tay chăm sóc cho nó. Đoạn văn sống động nhất là ở chương này. Tiếng thở phì phò gấp rút của con ngựa cái khi lâm bồn, cái trăn trở chật vật của nó làm mồ hôi trên trán ông rịn ra nhỏ giọt. Hơi thở và nhịp tim của ông cũng trở nên loạn xạ như chính ông lên bàn mổ. Giữa giờ phút căng thẳng đó, cửa chuồng ngựa hé mở. Người quản gia cũng chính là cha vợ ông xuất hiện, tay giữ một khẩu súng giấu trong túi áo,…”

Williams Fauker ngừng ngay chỗ đó. Người ta không biết kết thúc của câu chuyện.

Nhưng điều mà tác giả muốn nói là cái lớn nhất trong tình bạn chính là tình đồng đội.

Trong tác phẩm “Xưa Nay Chinh Chiến… Mấy Ai Về", điểm nổi bật nhất là tình đồng đội. Câu chuyện bắt đầu sau chiến tranh, ngay sau khi ra tù đến cơ duyên thúc đẩy tác giả trên hành trình truy tìm tung tích của những đồng đội đã mất tích sau “Trận Chiến Cuối Cùng”. Đoạn ký ức vẫn rõ ràng như chuyện mới hôm qua,

“Trong những phút ngắn ngủi còn lại sau cùng trên bãi biển Non Nước Đà Nẳng, tôi đã gọi Trung tá Đỗ Hữu Tùng:

- Thái Dương đây,Tân An.

- Nghe, Tân An tốt, tới đâu rồi?

- Trình Đại bàng, chúng tôi tới được bên này sông Hàn.

- Tốt, anh có gặp một Tiểu đội của Hà Nội (danh xưng cuả Thiếu tá Hợp ) đón ở đó không?

- Không.

Tôi nghe tiếng nói của anh Tùng trong ống liên hợp và chiếc loa nhỏ gắn trên máy PRC-25 không được rõ ràng, lẫn lộn với một loại âm thanh thực quen thuộc, hình như tiếng cánh quạt của trực thăng hay tiếng sóng biển vỗ vào mạn tàu.

- Thái Dương đang ở đâu, trên máy bay hay trên tàu thủy?

- Sao Tân An lại hỏi vậy?

- Vì tôi nghe tiếng quạt đập gió hay tiếng oằm oặp của sóng.

- Không tàu cũng chẳng máy bay, đó là tiếng sóng vỗ bên bờ biển.

Tôi nghe tiếng la rất lớn của Trung tá Phúc:

- Cho Tân An ngay tần số của Hợp và Hợp có bổn phận đón Tiểu đoàn 9.

- OK,OK. Tân An đây Thái Dương, hãy ghi xuống tần số này và liên lạc với Hà Nội, để Hà Nội thu xếp đón TĐ9 lên tàu.

- Đáp nhận Đại bàng 5.

- Chúc may mắn…Ầm… bỗng tôi nghe trong máy một tiếng nổ rất lớn, cắt ngang tiếng nói của anh Tùng…và chấm dứt cuộc đối thoại. Chấm dứt tất cả…Niên trưởng, niên trưởng không còn gì hết, chẳng còn ai đón đơn vị em được nữa đâu, cám ơn các niên trưởng đã lo lắng, xin nguyện cầu các anh luôn an vui nơi chốn hư vô. Kể từ giờ phút đó, chúng tôi đã mất hẳn liên lạc với NT Tùng và NT Phúc.

Tiếng nổ định mệnh giữa trưa ngày 29/3/1975

Đã bao nhiêu năm tháng qua rồi, cũng đã bao lần vật đổi sao dời, nhưng bên tai tôi hình như vẫn còn nghe cái âm thanh khủng khiếp của tiếng nổ ngày đó, tôi thầm nhủ, những người đàn anh mình đã giã từ cuộc sống vì tiếng nổ oan nghiệt này, có phải không ? Tôi cố tìm, cố biết. Nên mỗi khi có dịp về tham dự các Đại hội TQLC tôi thường lần mò tìm kiếm tin tức qua những người quen, bạn bè.”

Những đoạn kể về cuộc tìm kiếm thi hài của gia đình những người lính cho tới giờ vẫn chưa kết thúc. Đó là gia đình chị Liên, chị Hoàng,…

Hành trình tìm kiếm hai vị này bất ngờ lại tìm ra hài cốt của hai người lính tuẫn tiết trong “Trận Chiến Cuối Cùng” của Tiểu đoàn 9 TQLC ở chủng viện Non Nước, Sơn Trà. Đó là Thiếu úy Nguyễn Viết Hùng mới ra trường và người lính đệ tử của anh. Sau khi bắn hết đạn, hai người lính chọn lấy cái chết.

Sự tuẫn tiết của 2 người lính này kiêu hùng như một trang huyền sử. Thái độ ung dung chọn cho mình một cách chết.

Một kết thúc làm tôi bần thần. Sự sống là thứ quý nhất trên đời. Tham sống, sợ chết là bản năng của muôn loài.

Sức mạnh nào khiến họ vượt qua bản năng của con người để ung dung chọn lấy cái chết? Phải chăng chỉ có con người mới có ý thức từ chối sự sống của tạo hóa ban cho? Có phải con người đứng trên muôn loài chỉ vì cái quyền chọn lựa cho mình giữa sống và chết.

Nhưng chết thì dễ, sống mới khó. Nhất là sống trong khổ nạn, nhục nhằn, đày đọa. Đó là cuộc chiến sinh tử trong bóng tối mà người lính chỉ còn một vũ khí duy nhất đó là ý chí. Ở chiến trường người ta tiêu phí súng đạn, nhưng ở trong tù cái tiêu phí được chỉ có thời gian. Cái chiến thắng là sự sống sót để trở về. Mặc dù trở về chỉ để,

“Ta ngẩn ngơ trông trời đất cũ,

Nghe tàn cát bụi tháng năm bay.”***

Tháng năm bay và tuổi trẻ cũng bay.

Thời gian cuốn nhanh như một cơn lốc, trong đó người lính sẽ không bao giờ chết, họ chỉ rút lui vào quá khứ, ẩn mình đi trong giòng lịch sử của dân tộc.****

Xin chúc mừng tác phẩm, “Xưa Nay Chinh Chiến Mấy Ai Về”. Cuối cùng, tác giả đã trả được một món nợ ân tình với những người đồng đội đã ngã xuống một thời.

Nguyễn Thị Thảo An

Atlanta, Oct. 2, 2015

Nguồn Trẻ

*Trích bài Lương Châu Từ của Vương Hàn (Đường Thi Trung Hoa)

**Bài thơ Sông Lấp của Trần Tế Xương

***Bài Thơ Ta Về của Tô Thùy Yên

****Trích ý từ câu “Old Soldier Never Die,…” của Mac Arthurs (Hoa Kỳ)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn