BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73310)
(Xem: 62228)
(Xem: 39416)
(Xem: 31161)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Người nằm lại Ba Sao

16 Tháng Chín 201012:00 SA(Xem: 1384)
Người nằm lại Ba Sao
52Vote
40Vote
31Vote
21Vote
10Vote
3.84
Kính dâng dương hồn Anh Sáu Nguyễn Duy Xuân, từ trần ngày 10.12.1986 trong trại tù cải tạo Ba Sao
Thanh Dung


Danh tiếng và hình ảnh của ông tiến sĩ kinh tế, tôi đã biết đến trong những ngày Sài Gòn đang buổi hưng thời, những ngày mà thành phố này chưa bị người ta lập « thế vì khai sanh » để đặt cho nó một tên gọi mới chẳng ai buồn sử dụng, kể cả những người cộng sản. Thế nhưng, vào những tháng đầu năm 1978, khi mối hiềm khích giữa hai đảng cộng sản Tàu-Việt anh em làm cho tình hình biên giới phía Bắc Việt Nam bắt đầu xao xuyến thì chân dung của ông tiến sĩ đã trở nên bệ rạc một cách quá đau thương trước mắt tôi, mặc dù danh tiếng xưa cũ của ông vẫn còn được trân trọng trong thâm tâm tôi.

Sự thay đổi thể xác của ông tiến sĩ đã xảy ra trong bối cảnh là Sài Gòn đã bị người ta « bắt cóc » và công chức cùng quân nhân của Việt Nam Cộng Hòa, dưới nhản hiệu mới « ngụy quân, ngụy quyền », bị hốt đưa ra miền Bắc để lấy môi trường mà người ta cho là « nghìn lần dân chủ », tìm cách thay óc đổi hồn, nôm na ra là cải tạo tư tưởng. Là quân nhân nên trong buổi ban đầu tập trung cải tạo, tập thể quân lực cũa chúng tôi thuộc quyền quản lý của bộ đội. Viên chức chính phủ và dân cử nằm trong vòng sanh sát của công an. Trại tù do bộ đội phụ trách nằm giữa vùng rừng núi giáp giới Trung Quốc hoặc Lào, còn trại công an nằm xa hơn về phía Nam của Bắc Việt. Khi Việt Nam và Trung Quốc bắt đầu hục hặc nhau thì các trại tù do bộ đội đảm trách được lệnh dời xa biên giới vì Hà Nội sợ, trên đường tiến quân, Bắc Kinh sẽ giải vây « ngụy quân, ngụy quyền » Sài Gòn. Ở đồng bằng không thừa đất trống để dựng tiếp trại giam hay xây thêm nhà tù như ở núi rừng miền cao nên người ta sáp nhập « ngụy quân » với « ngụy quyền » đưa vào thế kềm kẹp của công an.

Kỹ thuật quản lý tù của công an khắt khe hơn phương pháp của bộ đội rất nhiều, mặc dù nguyên tắc chung thì nơi nào cũng vậy. Một trong những nguyên tắc đó là tù không được « liên hệ » với nhau, nếu không có sự ưng thuận của cán bộ. Trại tù do bộ đội quản lý thường là những quần thể các nhà tranh vách phên bao quanh bằng một hàng rào tre kiểu ngăn chận gà vịt. Trại thường nằm giữa núi đồi rừng rậm ở những nơi sơn cùng thủy tận, đèo heo hút gió thì người ta không cần đòi hỏi kỷ luật khắt khe làm gì. Cho nên tù « ngụy quân » liên lạc nhau là chuyện thường, không những trong nội bộ một trại mà còn giữa trại này với trại khác trong vùng, khi vào rừng tìm củi, đốn cây. Vì vậy, khi đến trại Hà Tây, gặp lại bạn bè xưa cũ sau ba năm xa cách, lại xa cách trong một hoàn cảnh vô cùng đặc biệt, chẳng ai biết được tin ai tưởng chừng như không bao giờ gặp lại nữa, tù cải tạo mừng rỡ hơn bắt được vàng. Thế nhưng, khi tù gật gù chào hỏi nhau thì người đối diện, vốn là tù Hà Tây, cứ dửng dưng, phớt lờ như chẳng có chuyện gì xảy ra, ngoại trừ một vài cái nheo mắt âm thầm, lén lút, ngầm đưa tín hiệu rằng có ghi nhận và đáp lễ ! Phía chào hỏi bèn nhớ lại rằng tù không được phép « liên hệ » với nhau. Khắt khe đến như vậy sao, mặc dù quanh quẩn đâu đó không có một bóng dáng công an « bò vàng » nào cả ? Thì ra ở trại công an, tù cải tạo không những bị cán bộ kiểm soát mà còn phải qua sự kềm kẹp trực tiếp và thường xuyên của tổ đội trưởng, những người tù do trại đưa ra nhận trách nhiệm lãnh đạo đó! Chưa kể sự giám sát ác nghiệt của kẻ được trại gọi là «anh đại diện», một tù cải tạo do trại bổ nhiệm nhưng chẳng biết đại diện cho ai.

Trong bối cảnh như vậy, tôi gặp được ông tiến sĩ. Tôi nhìn ông bằng một cái nhìn chào hỏi kính mến nhưng ông nhìn tôi với một đôi mắt không thần sắc, như đang sống với một quá khứ của hồi gần đây mà giờ đã xa vời vô hạn. Trong tình cảnh tù đày như thế mà muốn sống được nhẹ nhàng thì người tù cải tạo thường để tâm tư thoát tục, không sống với hiện tại mà hiện hữu với dỉ vãng hay với tương lai mình đang dự phóng. Ông tiến sĩ kinh tế, ngày xưa cân đai áo mão giờ đây lưng trần trùi trụi bên dưới là chiếc quần đùi nhà tù, mồ hôi nhễ nhại đang khệ nệ bưng những cái soon để lấy cơm cho cả buồng giam từ 50 đến 70 người. Nhân tài xã hội chủ nghĩa chắc là thừa mứa hoặc giả trình độ tri thức của họ quá cao cho nên một ông tiến sĩ kinh tế tốt nghiệp ở Anh nay bị họ đẩy xuống làm kinh tế cò con, chia cơm cho tù ! Ngày qua tháng lại, nhìn ông tiến sĩ lao động mà lòng quặn thắc, tôi chừng như quên khuấy đi mất thân phận của chính mình.

Năm 1983, khi có lịnh giải thể trại tù chính trị Hà Tây thì một lần nữa người ta « xóa bài làm lại », « hòa hợp hòa giải » tù cải tạo, pha trộn đủ thứ, quân nhân, công chức, cấp bậc, chức vụ, đưa tất cả tù cải tạo vào một trại duy nhứt ở Nam Hà. Một thời gian ngắn sau đó, người ta lại đưa một số vào các trại trong Nam, chỉ giữ lại Nam Hà một số ít, được tù gọi là « số lượng dằn chảo ». Sau đợt đi Nam lần đó, số tù cải tạo còn lại được trại « biên chế », tổ chức thành tổ đội và phân chia buồng giam trở lại. Một lần xáo trộn may mắn cho tôi được ở cùng buồng và sinh hoạt cùng đội với ông tiến sĩ kinh tế. Tôi được dịp hiểu biết và cảm thông với ông tiến sĩ nhiều hơn. Một con người đã ở đĩnh cao trí tuệ, từng chiếm lĩnh ngôi thứ ưu tú trong xã hội và trên chính trường Sài Gòn nhưng lại rất bình dị xuề xòa. Không phải vì gặp cảnh tù đày cải tạo, vì không thiếu gì những anh tù cải tạo mà tật kiêu kỳ vẫn không chừa được. Vấn đề là bản chất và cá tính của từng cá nhân. Người ta có thể đóng kịch ở xã hội bình thường nhưng không ai làm tuồng được với bạn bè trong tù. Vợ chồng chưa chắc gì hiểu tánh tình của nhau bằng những người tù sống bên nhau mười mấy năm trong những tình huống thật « trần truồng », nghĩa là tâm tư tình cảm cá nhân của mỗi người gần như đem xếp ra ngoài cho bạn tù xem theo kiểu những lần trại khám tư trang.

Vào những năm 85 và 86, sức khỏe của ông tiến sĩ đã ngoại lục tuần, vốn không mấy khả quan, bắt đầu sa sút đi nhiều theo tuổi đời chồng chất, vì lao động cải tạo, cộng thêm những nỗi phiền muộn về gia đình không tiện nói ra. Thế nhưng thể xác ông vẫn còn đẹp, thường xuyên tập thể dục, tắm hằng ngày bằng nước lạnh lấy ở giếng lên và ăn uống rất chừng mực và điều độ. Ông đứng trong thành phần những người tù ít có thăm nuôi – tất cả gia đình ông đều ở Pháp – nhưng được tiếp tế điều hòa, phần lớn là tiền và thuốc trị bịnh. Thỉnh thoảng ông cũng được một vài người bạn cố tri, nhưng có chút thế lực trong chế độ mới, nghĩ đến tình cũ nghĩa xưa ghé qua trại thăm hỏi, nhân một chuyến công tác nào đó ở Hà Nội. Một số bạn bè khoa bảng của ông ngày trước, đang sinh sống tại ngoại quốc, cũng có can thiệp với thủ tướng Phạm Văn Đồng – khi ông này sang Úc qua một chuyến công du – để xin cho ông tiến sĩ sớm được tự do. Tiếc thay, những can thiệp đó cũng chỉ là một loại « nước đổ đầu vịt, mưa xuống lá khoai »! Thậm chí còn thêm phần tác hại vì đối với cộng sản những người tù có can thiệp là những tội phạm cần được đề cao cảnh giác, quan tâm đặc biệt. Nhưng không phải để tha mà để giam giữ thật kỹ. Càng được can thiệp, càng bị nghi ngờ cho nên ông tiến sĩ cứ phải « học tập » dài dài dưới « ánh sáng xã hội chủ nghĩa ».

Bịnh căn bản của ông là bịnh tim, nhưng ông lại thích thể dục thể thao với những động tác mạnh bạo mà theo ông là để cho máu bị bắt buộc phải vận chuyển nhanh. Mỗi giờ thể dục buổi sáng của ông cán bộ bên ngoài vòng rào khu giam đều hay biết vì ông có điệu thở ra hít vào thật ồn ào nên cán bộ cho ông cái biệt danh « tàu Thống Nhất vào ga Hàng Cỏ ».

Một hôm, vào sáng sớm mùa đông, cả buồng giam đang trùm kín mền để chờ kẻng thức thì nghe tiếng người té trong phòng vệ sinh và có tiếng la :

- Anh Xuân xỉu rồi anh em ơi !

Một vài anh em chạy vào khiêng ông tiến sĩ ra, lăng xăng người xoa bóp, kẻ cạo gió, anh khác la to : « Báo cáo cán bộ, buồng 2 xin cứu cấp » ! Vì cửa buồng còn khóa nên phải gọi cán bộ đến mở ưu tiên để đưa ông tiến sĩ đi trạm xá. Mặt ông xanh như tàu lá chuối non, hơi thở yếu ớt và ông không còn biết gì nữa. Một anh bạn lực lưỡng của buồng tình nguyện cỏng ông đưa xuống trạm xá, cách buồng giam độ 500 thước, nhưng đường đi không bằng phẳng. Thường trực bịnh xá trại là một ông bác sĩ của Sài Gòn cũ, cũng là tù cải tạo. Bác sĩ tên Quýnh nhưng rất bình tỉnh vì ngoài bản tính ra ông còn thêm chứng mù mắt vì bị cườm. Nhưng, vì quá rành trình độ kỹ thuật của các đồng nghiệp cộng sản nên ông bác sĩ không đồng ý đi mổ mắt lấy cườm ra vì ông cho rằng :

- Để chúng nó mỗ thì cầm chắc là sẽ mù luôn !

Sáng ngày ông tiến sĩ đã bình thường trở lại, nhưng bây giờ thì ông nhìn nhận là sức khỏe ông đã xuống nhiều. Hôm sau, ông trở về đội sinh hoạt như thường. Nhưng vài tháng sau, cũng vào một buổi sáng, đang đứng chờ cán bộ đến mở cửa để ra bên ngoài lao động và sinh hoạt thì ông lại xỉu lần nữa ! Lần này nhẹ hơn, không cần gọi cứu cấp, chỉ xoa bóp một hồi ông tỉnh lại. Từ đó trở đi sinh hoạt và tinh thần ông suy giảm thấy rõ dù bề ngoài của ông lúc nào cũng trầm tỉnh và thầm lặng.

Kế tiếp là giai đoạn mới trong bịnh tình của ông tiến sĩ. Da mặt ông bắt đầu bị dị ứng mà mọi thứ thuốc ông có trong hành trang đều không đem lại hiệu quả gì hết. Ông áp dụng đủ mọi phương thức chữa bịnh « dân tộc » rất thịnh hành và đầy tính chất thời thượng trong xã hội Việt Nam do cộng sản thống trị cũng như trong nhà tù, nơi mà âu dược của thế giới văn minh là một sản phẩm khó vươn tới. Ông ngồi thiền, ông tập phương pháp dưỡng sinh, ông trị bịnh bằng nước lạnh, ông ăn cơm cháy thay cơm thường... Rồi cũng vô hiệu ! Bịnh xá trại chịu thua, đưa ông đi bịnh viện Phủ Lý giám định. Từ khi đi Phủ Lý về, vốn đã ít nói ông lại càng ít nói hơn nữa nhưng dung nhan đượm nét ưu tư. Ông chỉ sống âm thầm như một cái bóng trong đội, trong buồng. Tôn trọng nếp sống riêng tư của ông – một con người mà anh em trong đội, trong buồng ai ai cũng kính mến – bạn bè xung quanh theo dõi sinh hoạt của ông một cách trìu mến mà không ai dám xen vào. Thật ra thì có xen vào cũng chẳng biết làm gì hơn, ngoài một đôi lời an ủi xã giao. Có lúc ông lấy bleu de méthylène thoa xanh cả mặt mày như muốn biểu lộ niềm phảng kháng trong lòng ông đối với cuộc đời đanh ác. Ông lấy công việc để quên đi ngày tháng và thân phận.

Nhưng rồi căn bịnh của ông tiến sĩ lại bột phát theo một chiều hướng khác và với một tiến độ đáng ngại vô cùng. Ở cổ ông một cục bướu to bằng quả trứng xuất hiện ở bên phải và bụng ông lần hồi căng thẳng như bị đầy hơi thường xuyên. Anh em trong đội khuyên ông :

- Hay là Anh Sáu xin trại đi nằm bịnh viện, chẳng lẽ để vậy chịu sao?

Ông mỉm cười, chẳng nói chẳng rằng, nhưng với một vài chỗ thân tình thì ông cho biết rằng bịnh của ông hiện nay không sao chữa trị được, sống đành chịu, chết mang theo. Thế nhưng ông không tiết lộ là bịnh gì. Mấy tuần sau thì ông đành phải xuống bịnh xá của trại để nằm, không phải để hy vọng chữa trị mà chỉ vì không muốn để căn bịnh của ông phiền hà anh em trong buồng. Lúc đầu ông còn đi về giữa trạm xá và buồng giam. Mấy hôm sau thì thôi, ông nằm luôn lại trạm xá. Trại định đưa ông đi bịnh viện cấp cao hơn ở Phủ Lý, nhưng hôm ông đi giám định ngoài đó, người ta đã cho ông biết rằng Phủ Lý lẫn Hà Nội cũng không làm gì được, hơn nữa là cho một người tù cải tạo ! Ông xin được nằm ở trạm xá vì ở đây còn có bạn bè chạy tới chạy lui chăm nom săn sóc. Hơn nữa, nhân viên phục vụ ở trạm xá cũng là anh em tù cải tạo, dễ thông cảm nhau. Dù sao giữa những người bị coi là « ngụy quân, ngụy quyền » còn có tình cảm hơn là phải nằm ở bịnh viện thị xã để chịu sự « chăm sóc » hằn học và đầy căm thù của gã tù hình sự được « bố trí » ở bịnh viện để « nuôi bịnh » cho tù.

Những ngày đầu, ông tiến sĩ còn ăn được chút cơm, chút cháo. Có hôm ông ngỏ ý muốn ăn một miếng sườn nướng, nhưng anh em làm xong đem đến thì ông cũng chỉ nhìn nhiều hơn ăn. Vài tuần lễ sau, ông tiến sĩ bắt đầu bước sang giai đoạn mơ mơ màng màng, lúc tỉnh lúc mê. May mắn thay, trong thời gian này có cô em của người bạn đồng hao với ông ra trại thăm anh cô và có xin thăm luôn ông tiến sĩ. Nhân cơ hội, ông nhắn về thân nhân cho biết bịnh tình của ông. Nhắn thì nhắn, như một xảo thuật để tự an ủi mình.

Với cái vốn tình cảm mà ông đã tạo ra trong trại, ông được khá nhiều người thương kẻ mến cho nên có một anh bạn tự nguyện xin trại cho xuống bịnh xá để túc trực chăm sóc bên ông trong tình cảnh đó. Một lời xin rất khó thỏa mãn vì như vậy đội lao động liên hệ sẽ mất đi những « ngày công », điều mà chế độ coi như cấm kỵ vì ngày công là điểm thi đua. Nhưng, ở thời điểm bấy giờ sinh hoạt nhà tù cải tạo đã nới lỏng rất nhiều nên sự tự nguyện của anh Trung đã có đáp ứng thuận lợi. Thế là anh bèn ba lô và mền chiếu xuống trạm xá nằm cùng buồng với ông tiến sĩ.

Nhưng, làm gì có thuốc nào chữa trị được căn bịnh của ông tiến sĩ, một thứ bịnh mà trạm xá trại nói nhỏ cho nhau biết là ung thư gan ! Thế là ông tiến sĩ đành can đảm nằm chờ vì ông đã biết bịnh ông từ ngày đi Phủ Lý về. Như là một hành động hy vọng cuối cùng, ông nhờ « chui thơ » ra ngoài để gởi sang Pháp cho con gái ông xem nền y khoa văn minh tiên tiến có phát minh cách chữa trị nào mới trong những năm tháng gần đây để cứu vớt ông hay không ? Không biết thơ đó đi đâu nhưng thuốc men thì không thấy đến mà hồi âm thì cũng không. Chắc hẳn là ông tiến sĩ cũng thừa hiểu rằng làm gì có thuốc chữa được bịnh của ông trong giai đoạn nguy kịch đó. Điều mong muốn nhiều nhứt của ông là đọc được những tiếng nói của vợ con cùng ông chia sẻ nỗi đau trong giây phút cuối cùng đời ông ! Đau lòng trước cảnh quằn quại của ông để chiến đấu với cơn đau, anh em bảo nhau là nên cho ông ngậm sâm để có sức chống chõi lại mức độ hành hạ của căn bịnh và cũng để hy vọng ông tiếp nhận được tiếng nói của nửa vòng trái đất bên kia. Hy vọng khá hão huyền nhưng cũng là hy vọng, nhứt là đối với một con người đang chuẩn bị trở về cùng cát bụi. Những lúc ngắn ngủi chiến thắng được cơn đau, ông cố gắng tâm sự : « Ở đời đã khó, ở tù lại càng khó hơn » ! Ông không bao giờ đề cập đến khúc ngoặt sắp tới của cuộc đời ông, mà anh em tù cải tạo nghĩ rằng ông đã thấy, vì trong khoảng thời gian trước lúc ngã bịnh khoảng vài ba năm, ông rất say mê Phật giáo. Ông có rất nhiều sinh hoạt chuyên đề với những thượng tọa, đại đức tuyên úy Phật giáo cùng chung cảnh tù đày. Trung thực với bản tính của chính mình, ông tiến sĩ can đảm chịu đựng một cách thầm lặng niềm đau nỗi khổ của thân tù tội, của tình cảm hời hợt cũng như của căn bịnh ngặt nghèo.

Sáng sớm hôm đó, như mọi sáng trong những ngày ông tiến sĩ nằm trạm xá, sau khi « cửa chuồng » vừa mở, một số anh em trong đội vừa chạy thể dục vừa ghé qua bịnh xá để thăm ông qua một đêm chuyển biến bịnh tình. Vừa đến nơi thì anh em đã nghe tiếng khóc tiếc thương của anh Trung, một tiếng khóc hiếm có của người tù cải tạo sau hơn mười năm cay đắng mùi đời, đã gây niềm xúc động mạnh mẽ trong lòng người tiếp nhận và đã thê thảm nói lên lời ai tín đau buồn chưa từng có bao giờ ! Đứng trước giường người đã ra đi tìm cõi «tự do» trong lao tù, anh em tù cải tạo đâm ra hụt hẫng, ngỡ ngàng và ngơ ngác, dù rằng sự vĩnh viễn ra đi là điều đã được tiên liệu. Từ lúc nào, có lẽ từ khi ông tiến sĩ trút hơi thở cuối cùng hồi đêm, anh Trung đã chít trên đầu chiếc khăn tang làm bằng miếng vãi trắng xé ở chiếc áo của ông tiến sĩ mà phần còn lại anh đã mặc vào cho ông để làm y phục về nơi vĩnh cữu. Chân tình và thân ái là ở những cử chỉ, những hành động bất thần như vậy ! Tình cảm xuất hiện trong vòng vách đá tường vôi của chốn lao tù thật thiêng liêng, tuyệt vời và trường cữu dù chỉ là một cách đơn sơ, không màu mè ! Ông tiến sĩ đã vĩnh viễn ra đi khi trời hừng sáng, vào hiệp gà gáy cuối cùng trong thời vũ trụ đang chuyển mình vào đông.

Trong nháy mắt, tin ông tiến sĩ từ trần đã loan đi khắp trại. Quý thầy tuyên úy Phật giáo đến đông đủ trước khi xuất trại đi lao động, bên ngoài với tư cách bạn bè thăm nhau lần cuối khi có người nhắm mắt xuôi tay, nhưng bên trong là để đọc kinh cầu nguyện cho ông tiến sĩ. Thế rồi, đúng theo thủ tục của trại tù, cứ « bốn dài, hai ngắn », thân xác bỏ vào cùng với một ít quần áo tượng trưng. Thân ông hơi to, dù sau hai tháng tàn phá của căn bịnh, nên khó lọt vào bề ngang của chiếc « hòm » nên hai tay ông bị dồn lên phía trên thân mình. Trại gọi thợ ảnh đến chụp hình ông tiến sĩ để đưa vào hồ sơ chứng minh với Bộ Nội Vụ Hà Nội. Tấm ván làm « nấp áo quan » đậy lại, năm ba cây đinh đóng vào thế là âm dương cách biệt ! Tiếng búa đóng đinh sáng hôm đó vang dội vào vách đá núi rừng san sát bên trại như còn mãi mãi khuấy động tâm tư của anh em tù cải tạo trại Ba Sao !

« Chiếc xe tang » đưa ông tiến sĩ đến nơi yên nghỉ cuối cùng hôm đó là hai gã tù hình sự và một cây đòn tre dài. Hai nuộc dây hai đầu hòm, đòn tre xỏ vào, thế là hai anh tù trẻ lực lưỡng bon bon chạy như bay lên đồi bên hông trại để rồi biến mất bên kia dốc núi. Cứ như vậy mà tù cải tạo đi vào cõi thiên thu ! Anh em tù cải tạo, dù cùng đội với ông tiến sĩ, cũng không được phép đi theo « xe tang » nên chỉ đứng bên trong vòng rào khu giam bùi ngùi nhìn theo trong khi mưa phùn cứ lất phất bay. « Chiếc xe tang hai ngựa » chở ông tiến sĩ đã khuất dạng từ lâu, anh em tù cải tạo cứ mãi thẩn thờ đứng đó trong sân trại nhìn lên đỉnh đồi, đôi mắt đẫm ướt dõi theo bóng hình của một con người đã về với « tự do » trước mình. Ướt vì hạt mưa phùn hay vì nước mắt trong tình tử biệt sanh ly, trong cảnh kẻ ở người đi ? Lòng tự hỏi lòng ai đáng buồn mà ai đáng thương đây ? Một người đã nhẹ nhàng lơ lững như mây trắng lãng đãng trời xanh về cõi vô biên và những người còn lại trong cảnh lao tù chưa thấy đâu là lối thoát ! Một làn mây trắng như chiếc khăn tang vừa bao lấy đỉnh đồi đang nhìn xuống nấm mộ, rồi đây sẽ trở thành vô danh, của ông tiến sĩ đã một thời oanh liệt chẳng may sụp lỗ chân trâu !

Theo lòng tin của đông đảo quần chúng thì ông tiến sĩ chết đi nhưng khá linh thiêng. Khoảng một tháng sau ngày chôn cất, người nữ cán bộ y tế của trại – tuy là cộng sản nhưng hiếm hoi còn giữ được tính người đã thỉnh thoảng chăm sóc ông tiến sĩ trong những ngày ông tạm trú ở trạm xá – thuật lại cho anh em tù cải tạo trong đội giấc mơ kỳ lạ của bà. Bà thấy ông tiến sĩ đến thăm bà cùng với một đứa bé đầu đội mâm xôi, tay xách con gà. Anh em tù giải thích giấc mơ cho rằng ông tiến sĩ, với bản năng tốt đẹp của con người tư bản tự do, biểu lộ lòng biết ơn với một con người đã lo lắng cho ông và khuyên bà cán bộ kia nên cúng vái ông tiến sĩ. Người nữ cán bộ tỏ vẻ băn khoăn nhưng có yêu cầu :

- Các anh làm giúp đi, tôi không quen thủ tục đó.

Chấp nhận là dấu hiệu của giao động suy nghĩ. Một chuyển biến trong tâm tư con người cộng sản sau một thời gian dài chung đụng với đám « ngụy quân, ngụy quyền ác ôn côn đồ, ăn thịt người » chăng ? « Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng », tù cải tạo không đen nhưng ánh sáng của chân, thiện, mỹ lúc nào cũng dễ cảm hóa con người hơn, dù là con người cộng sản.

Một biểu hiện linh thiêng khác nữa của ông tiến sĩ là qua một người bạn của ông ở ngoài đời thường. Người này rất ngoan đạo, đi chùa thờ Phật hàng ngày. Một hôm bà mơ thấy ông tiến sĩ đến ngồi ở sân chùa tỏ ý muốn có một bữa cơm sườn, mặc dù bà không hay biết chuyện ông ấy có ước muốn đó trong trại qua những ngày đau ốm. Thế là vào dịp « lễ trăm ngày » của ông, bà đã tổ chức một chiều tụng niệm cầu xin ơn trên cứu rỗi cho linh hồn ông sớm siêu thoát.

Nửa đường chiến đấu ngày xưa, bạn bè đã từng nằm xuống ! Nửa đường tù tội hôm nay bạn bè cũng nằm lại khá đông giữa núi rừng hoang du ! Cũng mồ, cũng mả đó nhưng rồi ngày mai, ngày kia, đố ai tìm ra được ? Quan niệm đơn giản của những con người sống trong thế giới mà chúng ta hằng tha thiết là « sống cái nhà, chết cái mồ ». Nhưng mồ mả cho tù thì ai đâu bỏ công để đào sâu chôn kỷ ? Mồ mả của những con người cộng sản còn bị coi chẳng ra gì nữa là mồ mả của tù ? Từ lúc ông tiến sĩ vĩnh viễn ra đi đến lúc giải thể trại Ba Sao Nam Hà (1988), anh em tù cải tạo mong sao những ngôi mộ vùng đó sớm được gia đình bốc đi để khỏi tan biến sau này. Cho đến hôm nay không biết thân xác của ông tiến sĩ cũng như của một số bạn bè khác nữa đã như thế nào rồi ? !

Thân cát bụi thì trở về cùng cát bụi, nhưng ý nghĩa cuộc đời đâu chỉ giản dị như thế thôi. Anh Sáu Tiến Sĩ đã nằm lại Ba Sao nhưng đâu phải lẽ bóng cô đơn vì còn biết bao nhiêu con người khác nữa chưa được ai kể lại. Thân phận những người nằm lại giữa đường lao lý đó nhắc nhở cho những người còn lại hôm nay, ở quê nhà hay ở bốn biển chân trời hải ngoại, nhớ rằng bằng mọi cách và với mọi giá phải đưa vùng đất họ đang nằm trở về với Việt Nam tự do và nhân ái. Hài cốt Mỹ về Mỹ thì hài cốt của chiến sĩ tự do đầy nhân tính phải làm cho đất nước được tự do và ấm tình người. Miền đất nơi đó các Anh, những người tù cải tạo « bơ vơ », đang tạm thời gởi nắm xương tàn và thân xác rồi đây sẽ là những thảo nguyên trăm hồng nghìn tía đón chờ tượng đài kỷ niệm mang tên rạng rỡ của các Anh. Đâu phải chỉ có anh hùng và danh nhân mới làm nên lịch sử. Họ chỉ là những cái tựa con, chính các Anh mới là nội dung đích thực của Lịch Sử dân tộc.

Thanh Dung
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn