BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73410)
(Xem: 62247)
(Xem: 39435)
(Xem: 31180)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Thi sĩ Trần hoan Trinh: Một Đời Thơ Cho Lá Sân Trường

05 Tháng Mười Một 201512:00 SA(Xem: 1389)
Thi sĩ Trần hoan Trinh: Một Đời Thơ Cho Lá Sân Trường
56Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
56

*** Xin thắp nén hương lòng tưởng nhớ 100 ngày giáo sư Trần Đại Tăng tức thi sĩ Trần Hoan Trinh qua đời (tháng 8, 2015)


Cho ta hóa đá sân trường
Để mai sau được vui buồn bên em


Trần hoan Trinh




Năm sáu mốt thi vào Đệ Thất trường Phan châu Trinh, Đà Nẳng, tôi đậu thủ khoa. Rồi xuống dốc từ đó. Mấy năm đầu Trung học, tôi thường cùng vài đứa bạn ngồi trên xe đạp thả dốc Cầu Vồng, xe đứa nào dừng bánh trước thì phải bao bánh tiêu giờ ra chơi. Thường thì ngã tư góc Trường Nam trước Nghiệp Đoàn là nơi người dự thi trở thành trọng tài để phân bua chuyện thắng bại. Vòng xe tôi trên con dốc đời êm đềm lăn qua ngôi trường thân yêu, lơ đãng vòng quay qua ngôi nhà cuối phố sau lưng Bưu Điện trước khi hụp lặn đời mình vào nước trôi sông. Gã sinh viên lang thang trở thành tên lính trôi nổi sông hồ. Những năm núi non trả vốn trả lời cho món nợ giang hồ oan khiên không hề vay mượn đã hằn trong hồn vết trở trăn mất ngủ từ một góc trời xa bên kia biển.

Trung học Phan Châu Trinh


Gần đây tôi và cô bạn cùng lớp ngày xưa dẩn con về thăm quê thăm ngoại. Con dốc nắng ướt lưng thiếu nữ để tóc xõa bay vào hồn mình mát rượi ngày nào bây giờ là đại lộ bằng phẳng. Cửa trường xưa khép chặt im lìm. Sân trường mùa hè vắng lặng. Hàng cây già nua cánh phượng hồng rưng rưng nắng hạ. Cây xà cừ cao vời tuổi đời lận đận thả bóng mát ân cần xuống khoảng sân trường im bóng nắng.

Lòng học trò cũng miên man buồn như người thầy xưa một chiều về thăm trường cũ...

Hỡi trường xưa có ai nhớ ta không

Mà trơ trọi một mình trên thềm cũ

Bốn mươi năm cây đã thành cổ thụ

Nên hồn nghe hoang phế không ngờ

(Một chiều về thăm trường cũ)

Tôi đứng đó ngậm ngùi cho nỗi hư hao ra đi và mất mát trở về. Giữa cõi đi về truân chuyên là bóng dáng người thân bơ phờ ở lại.

Và có một người đã ở lại với sân trường thân yêu suốt một đời mình bởi lòng quá đỗi ân cần chuyện gạn đục khơi trong. Người thầy cũ lừng lựng đứng trên con dốc thời gian, cuốn lốc từng mùa gió chướng cuồng quay ngôi trường đi xuống. Kẻ sĩ dù an nhiên trong cảnh trầm luân đôi khi lòng đã âu sầu tự hỏi về cơn mộng ngày xanh, giấc mơ tráng sĩ không thành, nghĩa thầy trò trong buổi đảo điên. Nhưng thơ thầy, thi sĩ Trần hoan Trinh, vẫn đằm thắm muôn đời sân trường bóng lá. Những bài thơ được làm từ cửa lớp, trên bục giảng, lúc đứng lại giữa sân trường. Có một bài thơ đến với thầy vào buổi thanh xuân, từ đầu dãy hành lang ngút mắt trông vời về một bóng dáng học trò. Tình yêu chợt là Qúy Phẩm đời thầy từ đó. Tất cả đã thăng hoa, bay bổng thành thơ. Thơ thầy làm đằm thắm thêm bàn ghế học trò bé bỏng, cho trang giấy mới xôn xao giòng lưu bút lúc hè sang.

Lời bạt viết cho tập thơ Tiếng Chim Ngoài Cửa Lớp xuất bản gần đây, thầy đã bâng khuâng ... 40 năm. Một thời gian quá dài. Nhưng cũng quá ngắn. Bao nhiêu hạnh ngộ. Bao nhiêu chia ly. Bao nhiêu ân tình. Bao nhiêu kỷ niệm... Lớp này đến, rồi đi. Lớp khác đến, rồi cũng đi. Để lại mình tôi với sân trường lá rụng, với hành lang dài ngút mắt. Cây xà cừ giữa sân ngày nào lớp tôi cố vấn trồng còn bé khẳng khiu, bây giờ cao vút, cành lá tỏa sum sê, che rợp cả một khoảng trời. Che kín sân trường. Che kín cả lòng tôi...

"Mi là thằng ưa làm chuyện tréo cẳng ngỗng" , ba tôi thuở sinh thời vẫn thường mắng mỏ. Ở Khoa Học Sài Gòn, tôi bỏ thì giờ theo thầy Đào Mộng Nam học chữ Nho, chỉ để hiểu và viết được vài giòng thơ xưa run rẩy lao xao như sóng giang đầu. Yên ba giang thượng sử nhân sầu... Phải chi năm đệ thất tôi viết được mấy chữ Gia Nhà Quốc Nước cho ngay ngắn trong giờ Hán Việt của thầy Hoàn, văn sĩ Trần nhất Hoan, có lẽ thầy đã vui hơn nhiều. Năm đệ tam, học ban B tôi lại mê mẩn giờ Việt Văn của thầy Thông. Là ông thầy dạy toán suốt đời làm thơ có lẽ thầy đã tha thứ cho tính lơ đễnh của đứa học trò ưa làm ?chuyện "tréo cẳng ngỗng". Nghe tiếng chim ngoài cửa lớp, thầy đã...

Tay buông hờ viên phấn

Anh đứng mê mải nghe

Có cái gì rơi nhẹ

Tận đáy hồn đam mê

(Tiếng chim ngoài cửa lớp)

Trong cơ hồ tơ động của mùa xưa lóng lánh giọt mưa xuân huyền thoại, em vẫn nhớ vô cùng, thầy có biết không...

Hôm ấy giảng bài thầy im nửa chừng

Cả lớp ngẩn ngơ trông lên bục giảng

Thầy đang lặng nhìn ngoài cửa mưa xuân

(Huyền thoại)

Đã bao lần từ bên trong cửa lớp, thầy băn khoăn nhìn tâm hồn mình bay xa khỏi sân trường, nơi ẩn cư đầu tiên và cuối cùng cho một đời thơ. Cánh lòng phân vân đậu lại trên những cam nhận đau lòng vì gió chướng vẫn hung tàn thổi qua từng mùa đất nước, tả tơi cơn mộng cũ ngày xanh.

Lúc còn trẻ đã mơ người hảo hán

Trên rừng xanh dựng một chiến hào

Anh hùng đó cạn bầu máu nóng

Gặp nhau rồi quên mất chuyện chiêm bao

(Cúi đầu)

Như ông thầy toán quy củ điềm đạm,thi sĩ Trần hoan Trinh làm thơ từ tốn mà sâu sắc. Kẻ sĩ thì không cần cường điệu. Những cơn mưa miền Nam đến đi vội vã vào buổi chiều hình như đã giúp thầy có chút vui dễ dãi làm gã Don Quichotte tàng tàng đi xích lô dạo phố Sài Gòn. Về nằm lại bên hoàng thành chờ bóng trăng suông, bàng hoàng nghe tiếng tri âm ân cần khúc trầm ca. Chiều nay có ai về miền thùy dương...Trăng hoàng thành khiến thầy bâng khuâng nhớ tới người xưa mệnh nước. Nỗi nhớ đeo đẳng theo thầy ra tận đất kinh đô. Còn biết nói chi hơn?... Một ông thầy, một người thơ kẻ sĩ và quyền lực cuối cùng của suy tưởng. Đứng bên bờ sông Hồng mà nhớ về sông Hương, lòng phân vân nỗi bắc-nam-ấm-lạnh, hiu hắt hỏi lòng chút niềm riêng nguồn cội ngay giữa đất nghìn năm. Hà Nội bận bịu với phồn hoa nên người vẫn vàng con mắt vô vọng kiếm tìm. Em là ai? Có phải em là cô gái hát quan họ Bắc Ninh bỏ tiếng trống cơm ngày hội, bỏ lại trăng rằm cho bơ vơ quãng dốc, đi về phía phồn hoa để rồi thất lạc trong ánh đèn màu bên bến nước Hồ Tây? Ngày xưa có một Thúy Kiều. Bây giờ có vạn Thúy Kiều đó em! Tố Như ơi! Dậy mà xem. Bao nhiêu nước mắt ướt mèm Lâm Truy. Người thi sĩ không đủ nước mắt để khóc cho vừa cuộc bể dâu mới, tang thương dột nát đời mình.

Ta đã quen rồi con sông Hương

Về đây cuồn cuộn sóng sông Hồng

Phù sa lớp lớp vàng con mắt

Nên cuối tâm hồn nghe bão giông

Thương vô cùng xứ Huế bình yên

Hoàng thành lặng lẽ ánh trăng buông

Thèm nghe một điệu Nam bình quá

Để giữa Thăng Long nhớ cội nguồn

(Giữa Hà Nội phồn hoa nhớ Huế)

Và như thế thầy ngậm ngùi bước chân mình về thăm lại trường xưa, nơi ngọn sóng bể dâu đã bào mòn nhân nghĩa, điên đảo kỷ cương. Xã hội mới đã tạo nên những đứa học trò có sinh mệnh chính trị vững vàng hơn ông thầy của hắn. Lẽ thánh hiền là nét son phai trên trang kinh điển cũ nên danh vị ân sư chỉ là tiếng mai mỉa lạc loài.

Bức tượng đồng bên cổng xưa lặng lẻ

Ngẩn ngơ nhìn thế sự bể dâu

Ân nghĩa tàn phai, vàng đá đổi thay

Cây cỏ dẫu vô tình cũng lụy...

(Lang thang cửa lớp sân trường)
Đã nhiều lần đứng bên cửa lớp mơ màng về ngày tháng cũ, lòng thầy chợt hoang mang cảm thấy mình bơ vơ trót làm người chôn chân ở lại, quanh quẩn sân trường. Rồi một chiều người thi sĩ lạc lối xuân thì, âm thầm soi bóng mái tóc mình trắng phau trong giòng suối thời gian cuộn chảy những tàn phai. Cơn mộng ngày xanh úa tàn theo niềm tin yêu đang héo rũ bởi tình nghĩa bọt bèo, lăn lóc xa vời câu muối mặn gừng cay.

Bạn bè đó cứ dần dần phiêu bạt

Tôi bơ vơ bên lớp cũ trường xưa

Mái tóc xanh trong một chiều bất chợt

Trắng phau phau để xóa hết xuân thì

(Cúi đầu)

Có phải anh hết còn kỳ vọng

Giữa phong trần cố gạn đục khơi trong

Có phải anh vỡ rồi ảo mộng

Một lần đi cũng đã cầm bằng...

(Thơ viết bên cửa lớp trường tư)
Lần đầu tiên trong đời, hai người học trò cũ tay cầm tay ngồi bên nhau trong sân trường lá rụng. Đôi vợ chồng đã dắt díu nhau qua bao cảnh thăng trầm, thế mà buổi chiều hôm đó bên gốc phượng già dưới mái trường xưa, lòng họ chợt non dại ngất ngây một thuở hoa niên. Từng cánh phượng hồng lả tả rơi trong cơ hồ lắng đọng như giọt mưa mùa hạn hắt lên trên cằn cỗi lòng người mùi nồng nàn quen thuộc của đất . Từ đâu đó những mùa nắng rất xa đang trở về gần, nồng nàn hương kỷ niệm chưa phai. Mái tóc thề cuối hành lang thướt tha áo lụa làm ngẩn ngơ mắt ai ấp mộng trông vời. Tờ thư vụng về nhét vội hộc bàn, lớp sáng lớp chiều xa xôi nỗi nhớ. Như những chiếc lá rời cành, bầy trò nhỏ lớn lên, bỏ trường mà đi theo giấc mơ đời mình. Cho dù thành công hay thất bại, họ đã cùng tiêu pha tuổi hoa niên trong cõi sân trường vắng lặng này. Từ vòm cây sao cao vời, từng chiếc lá rụng theo cơn gió nhẹ mùa hè. Những chiếc lá vẩn vơ bay lượn đuổi tìm nhau rồi im lìm về nhẹ nằm bên cội cây già nua phong trần theo năm tháng. Vài cánh lá đảo bay theo con gió vô tình rồi mất dạng sau bức tường rào kín không về. Tôi nghĩ tới đoạn văn Khái Hưng trau chuốt cảnh lá rụng trong tập truyện thầy Hoàn cho làm thuyết trình năm Đệ Lục. Chiếc lá trong sân trường. Cơn mơ bất tận kiếp người. Cuộc hoá thân bào mòn bao nỗi truân chuyên dâu bể. Ở đâu rồi những người thầy ra đi, ở lại? Những anh chị lớn tài hoa lúc trường chưa đủ sức dạy dổ đành phải làm người học trò trong Quảng? Những người bạn cùng trang lứa? Những người đã bỏ cõi trầm luân?... Cuối năm Đệ Nhị thi xong Tú tài Bán. Thầy Kiểm dừng chiếc xe mobilette cũ mèm giữa lưng chừng dốc Cầu Vồng khi bị bầy học trò vui tươi hí hửng bao quanh...Tụi bay! Tau đứng lại cho tụi bay qua mặt. Chừ gặp thầy làm le, cười cười...Ở đâu rồi những chiếc-lá-cuối-cùng đã bay xa mãi khỏi sân trường êm ấm? Vũ duy Tiến, Hồ văn Xuyến của một thời chinh chiến...kỷ nhân hồi. Đâu rồi dáng Thục mảnh mai chân sáo bước qua Ngã Năm mỗi sáng đến trường? Đâu rồi Tiểu Huy, Xuân A? Đâu rồi Hạnh (Nguyễn)? Tường bông giấy lối vào nhà Hạnh ngang qua Thạch Thảo, một ngày cuối tháng Ba, đỏ rực như lửa cháy ngoài kia trên chiến tuyến cuối cùng đang vỡ. Cao-bồi Be và những-ngày-say-sưa cuối biển. Cả hai người đã kẻ trước người sau dắt díu nhau về nơi vĩnh cửu có nhau. Nỗi nhớ là nén hương lòng sao nghi ngút làn khói cay vấn vương mắt lệ.

Buổi chiều trong sân trường lắng xuống âm thầm. Bức tượng đồng đăm chiêu nhìn vạt nắng muộn màng vương vãi trên đôi cánh cổng khép im lìm. Bao lớp học trò đã đi về phía đất trời biển lớn từ cổng trường thân yêu đó. Bao lần thầy đứng lại giữa sân trường bên bức tượng đồng câm nín, thương nhớ bầy chim nhỏ đã vỗ cánh bay xa rồi bâng khuâng nghĩ về đời mình làm người ở lại? Đã bao lần đứa học trò cũ từ một nơi xa bên kia biển, giữa đêm khó ngủ trở trăn, bâng khuâng nghĩ về đời mình làm kẻ ra đi? Có gì khác nhau giữa người học trò trong buổi chiều tuyết giăng vội vã lái xe về nhà sau một ngày dài vắt bán trí não và người thầy chôn chân trường cũ, đứng trước bảng đen tóc phấn bay đầy? Nơi chốn. Khoảng cách nửa vòng trái đất. Những múi giờ vô tình làm phiền hà đôi mắt. Những điều còn lại thì rất tùy thuộc và cô đơn. Hạnh phúc. Khổ đau. Hoài bão. Hy vọng. Thất vọng. Phải chăng may mắn hay bất hạnh cuối cùng của con người là sự bình đẳng về những cảm nhận đó... Một đời bận bịu làm thơ cho những cánh lá đã bay xa khỏi sân trường nên thầy đã giành phần thua thiệt. Sự cảm nhận về cô đơn của người thi sĩ tài hoa chìm sâu và triền miên hơn. 40 năm...một đời thầy, một đời thơ, một sân trường, biết bao tháng năm huyền thoại, biết bao chiều một mình sân trường, biết bao chuyện dâu biển đá vàng...

Học trò ra đi đứa đông đứa tây

Đứa mơ bên kia đứa mộng bên này

Tôi một mình bơ vơ cửa lớp

Mái tóc một chiều bổng trắng như mây...

(Một đời thầy, một đời thơ)

Ngày tháng đi chân anh mòn bục giảng

Gian nan nhiều cho mơ ước thôi xanh

Tóc bạc trắng theo tuổi đời vất vả

Nhưng lòng sao cứ nặng nghĩa tình...

(Tháng năm huyền thoại)

Các em đi, các em đi biền biệt

Chiều sân trường lá cứ rụng xôn xao

Nghe có bước chân ai về cuối lớp

Thầy ngẩng lên đợi một tiếng chào!

(Chiều một mình sân trường)

Bóng tối phủ sân trường. Ngày đã qua... Trên trang cuối tập thơ đầm đìa những cảm xúc một thời, những tha thiết một thuở thầy đã viết lên lời từ giã cho dù vẫn còn đó nỗi buồn vì bỏ mà đi vẫn lưu luyến không đành.

Mình về bỏ đó chiêm bao

Không còn bụi phấn bám vào tóc sương

Áo em bay trắng đêm buồn

Tiếc ngơ ngẩn một thiên đường đã xa

(Còn đó nỗi buồn)

Lời từ giã của người thầy thi sĩ vẫn lưu luyến không đành tiếng trống tựu trường chạm tới hư vô nên thơ thầy vọng dậy lời bâng khuâng nhắn gởi.

Xin gởi chút buồn vào mắt ai

Mai em về nhặt lấy hương phai

Em có qua trường nhìn hàng cây cũ

Hãy kiếm trên sân bóng một người...

(Lời từ giã)

Lúc về ngang qua con-dốc-cũ-không-còn, cô học trò có mái tóc thề đẹp nhất trường một thuở nói đùa với chồng. May mà họ đã san bằng dốc Cầu Vồng để làm đường, chớ không ôm một đống tuổi leo dốc mệt lắm! Tôi biết nàng đang nghĩ tới con-dốc-hẹn-hò mấy mươi năm trước. Tôi biết dốc Cầu Vồng vẫn còn mãi trong tâm tưởng mỗi chúng ta. Như sân trường Phan châu Trinh. Như thầy bạn thuở nào. Và như giòng thơ người thầy thi sĩ Trần hoan Trinh tài hoa, êm đềm sân trường bóng lá.

Phan Thái Yên

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn