BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73328)
(Xem: 62237)
(Xem: 39424)
(Xem: 31172)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Hành trình 7 năm đi đòi tiền của một Việt kiều Mỹ

27 Tháng Mười 201512:00 SA(Xem: 1469)
Hành trình 7 năm đi đòi tiền của một Việt kiều Mỹ
53Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
53
WESTMINSTER (NV) - Đầu tư kinh doanh là chấp nhận rủi ro. Với Việt kiều đầu tư tại Việt Nam, rủi ro càng cao hơn, bởi những khác biệt trong môi trường đầu tư kinh doanh giữa hai quốc gia. Điều quan trọng, nếu không tìm hiểu kỹ luật pháp Việt Nam để được tư vấn kịp thời, cũng như không có mặt thường xuyên tại Việt Nam, thì công việc kinh doanh có thể mang đến hậu quả khó lường.


Đã bảy năm nhưng bất động sản 19B Võ Văn Tần, Phường Sáu, Quận 3, Sài Gòn, vẫn chưa thuộc Công Ty Lập Gia Bình. (Hình: Ngọc Thạch /Người Việt)


Câu chuyện của ông Nguyễn Trấn Bình, cư dân Palo Alto, Bắc California, ròng rã bảy năm, từ 2008 đến nay, đòi lại $2.75 triệu đã đầu tư vào Việt Nam vẫn chưa có tín hiệu nào sáng sủa hơn. Ông kết luận về chuyến làm ăn và kiện tụng kéo dài tám năm: “Làm bất cứ hợp đồng nào, có ký nhận công chứng vẫn chưa đủ, phải có văn phòng luật sư tên tuổi cố vấn và hướng dẫn ngay từ đầu. Quan trọng là phải rất thận trọng việc đầu tư hùn hạp ở Việt Nam. Không nên tự mình đi tìm rủi ro!”

Đổ $1.8 triệu vào Việt Nam, kẹt

Năm 2008, khi về Việt Nam, ông Nguyễn Trấn Bình gặp và quen với ông Lâm Thành Gia. Tháng Bảy cùng năm, qua giới thiệu của ông Gia, ông Bình được biết ông Lê Quốc Lập. Khi đó, ông Lập cần tiền nên muốn bán khu đất bao gồm năm nhà chung cư cũ đã “xuống cấp” ở 19B Võ Văn Tần, phường 6, Quận 3, Sài Gòn, diện tích 440 m2.

Cần bán, nhưng với diện tích “lý tưởng” này, ông Gia và ông Lập gợi ý ông Bình nên hợp tác đầu tư xây dựng cao ốc văn phòng. Có một điều bất tiện, đó là, dù diện tích lớn và nằm ngay trung tâm thành phố, vị trí này chỉ có thể đi vào và sử dụng thông qua con hẻm nhỏ bên hông khu đất từ đường Võ Văn Tần. Bởi vì án ngữ phía trước, tức mặt tiền đường Võ Văn Tần, là căn nhà thuộc Hội Phụ Nữ Quận 3.

Diễn tiến và nội dung việc hợp tác kinh doanh của các ông Bình, Gia, Lập diễn tiến như sau, theo lời kể của ông Bình:

Ông Gia nhận góp vốn bằng đất, tức 200 m2 của Hội Phụ Nữ. Như vậy, tổng diện tích đất ở 19B Võ Văn Tần là 640 m2. Giá trị của bất động sản (của cả ông Lập và ông Gia cộng lại) là $6 triệu (với cách tính 1 m2 đất là $9,375).

Sau khi thảo luận và thỏa thuận, ngày 26 Tháng Tám cùng năm, ba người, gồm ông Bình, ông Gia, ông Lập cùng ký kết “Hợp đồng cam kết thỏa thuận hợp tác đầu tư.” Theo đó, ông Lập góp đất trị giá $2.4 triệu (tương đương 40%), ông Gia góp đất trị giá $1.8 triệu (tương đương 30%) và ông Bình góp tiền mặt là $1.8 triệu (tương đương 30%).

Hợp đồng cũng nêu rõ, ông Lập sẽ phải cung cấp đầy đủ, trung thực những thông tin, tài liệu liên quan đến bất động sản 19B Võ Văn Tần với tổng diện tích là 440 m2 và thuộc sở hữu của chính mình; ông cũng sẽ phải cung cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất liên quan đến bất động sản.

Phía ông Gia thì phải hoàn tất các thủ tục pháp lý để chuyển sở hữu khu đất 200 m2 tầng trệt tại 19B Võ Văn Tần cho Công ty Lập Gia Bình (công ty được thành lập sau khi hợp đồng này được ký kết), đồng thời chịu trách nhiệm thanh toán các chi phí để hoàn tất chuyển quyền sở hữu chủ 100% của khu đất này cho công ty.

Ngoài ra, chậm nhất 12 tháng kể từ ngày ký hợp đồng thỏa thuận, nếu chậm trễ trong việc chuyển sở hữu khu đất 200 m2 thì ông Gia có trách nhiệm hoàn phần lãi suất tính bằng USD theo quy định của ngân hàng và được tính từ thời điểm ông Bình chuyển tổng số tiền $1.8 triệu vào ngân hàng.

Bất động sản 34 Lê Lợi, phường Bến Nghé, Quận 1, Sài Gòn, mà ông Lâm Thành Gia giới thiệu ông Nguyễn Trấn Bình. (Hình: Ngọc Thạch /Người Việt)


Sau khi “Hợp đồng cam kết thỏa thuận hợp tác đầu tư” và “Hợp đồng đặt cọc” được ký kết thì Tháng Chín cùng năm, Công ty Cổ phần Lập Gia Bình được thành lập với mục đích đầu tư kinh doanh bất động sản tại Sài Gòn. Lúc này ông Bình gửi từ Mỹ về Việt Nam số tiền $1.8 triệu vào tài khoản của công ty.

Tuy nhiên, sau đó ông Bình nhận ra diện tích đất của ông Lập chỉ có 436.2 m2 và diện tích đất của Hội Phụ Nữ chỉ có 180 m2. Như vậy, tổng diện tích thực tế chỉ có 616.2 m2 chứ không phải 640 m2 như hợp đồng ký kết. Mất 23.8 m2.

Đáng nói là ông Gia nhận nhiệm vụ giải quyết phần đất ở mặt tiền do Hội Phụ Nữ Quận 3 làm chủ để chuyển quyền sở hữu cho Công ty Lập Gia Bình nhưng sau đó và mãi đến nay đã bảy năm, phần đất này vẫn thuộc quyền sở hữu của nhà nước. Số tiền $1.8 triệu đầu tư của ông Bình án binh bất động, không sinh lợi, vì dự án giậm chân tại chỗ.

Đổ thêm $950,000, lại kẹt

Ông Bình nói về số tiền “chết” $1.8 triệu ông góp vào Công ty Lập Gia Bình: Tiền này không thể kinh doanh sinh lợi là do ông Gia cứ hứa hẹn: “Bồi thường giải tỏa Hội Phụ Nữ sẽ xong trong hai tháng,” rồi “sẽ xong trong năm tháng,” lần khác thì viện cớ “Ủy Ban Nhân Dân Quận 3 đang họp để bàn giao”&

Lời hứa hẹn kéo dài cho đến năm 2011 thì ông Bình được ông Gia giới thiệu căn nhà 34 Lê Lợi, phường Bến Nghé, Quận 1, Sài Gòn. Lúc đầu ông Gia giới thiệu căn nhà này của một Việt kiều Canada, và ông Gia đang giúp giải quyết giấy tờ căn nhà này cho người đó. Sau đó Gia cho ông Bình biết giấy tờ đã giải quyết gần xong, bất động sản này tốt, cơ hội tốt để làm ăn.

Khi đó ông Gia cho biết căn nhà này đang rao bán giá $2.2 triệu. Lúc ông Bình về Việt Nam thì ông Gia nói chủ nhà bán $2 triệu, ông Gia nói giá còn hơi cao. Đến lần cuối cùng ông Gia nói căn nhà được bán giá $1.9 triệu và ông Gia hiện có sẵn tiền, sẵn sàng đầu tư mua lại căn nhà 34 Lê Lợi. Cùng lúc đó ông Gia thông báo đất 19B Võ Văn Tần sắp xong, sẽ rao bán với giá cao, và ông Bình sẽ được trả lại tiền.

“Đồng thời Gia hỏi tôi có muốn đầu tư chung vào 34 Lê Lợi theo hình thức mỗi bên hùn 50/50. Tôi nghĩ, sắp lấy lại được tiền đầu tư $1.8 triệu, nên đồng ý cộng tác 50/50 với Gia đầu tư 34 Lê Lợi. Khi đó, tôi có làm 'Hợp đồng thỏa thuận' với Gia, mỗi người góp $950,000 vào Công ty Lập Gia Bình để mua 34 Lê Lợi,” ông Bình kể.

“Hợp đồng thỏa thuận” được hai bên ký vào ngày 30 Tháng Chín, 2011, ghi rõ: “Ông Nguyễn Trấn Bình chuyển số tiền $950,000 vào tài khoản Công ty Lập Gia Bình và tôi (tức ông Lâm Thành Gia - NV) cũng sẽ chuyển số tiền tương đương là $950,000 trước khi giải ngân cho bên chuyển nhượng bất động sản số 34 Lê Lợi.”

“Số tiền trên là tiền để đầu tư hợp tác với tỉ lệ 50/50. Khi giải ngân cho chủ bất động sản thì yêu cầu phải có sổ đỏ. Hợp đồng công chứng mua bán phải thể hiện hai bên có tham gia thanh toán và phải có chữ ký của ông Nguyễn Trấn Bình qua email thì ông Lâm Thành Gia mới được phép tiến hành ký công chứng chuyển nhượng. Sau khi hoàn tất thủ tục pháp lý thì tôi (ông Lâm Thành Gia - NV) được thay mặt đứng tên bất động sản. Các quyền lợi và trách nhiệm của nhà 34 Lê Lợi sẽ được chia sẻ đồng đều giữa các bên là tôi (ông Lâm Thành Gia - NV) và ông Bình theo tỉ lệ 50/50.”

Biên lai chuyển $950,000 từ Mỹ của ông Nguyễn Trấn Bình về Công Ty Lập Gia Bình tại Việt Nam. (Hình: Nguyễn Trấn Bình cung cấp)


Ngày 3 Tháng Mười, 2011, ông Bình chuyển từ Mỹ về Việt Nam vào tài khoản Công ty Lập Gia Bình số tiền $950,000. Tuy nhiên, “khi tôi chuyển tiền vào tài khoản công ty tại ngân hàng VPBank thì không thấy Gia chuyển tiền. Lúc đó Gia lại nói giá còn cao nên đang điều đình thấp hơn. Rồi Gia báo tiếp là chủ nhà đổi ý, không bán. Tôi yêu cầu trả lại tiền, Gia nói sẽ trả ngay,” ông Bình kể.

Ông kể tiếp: “Kỳ về Việt Nam ba tháng sau đó, Gia khoe đã giải quyết bất động sản 11 Phùng Khắc Khoan, Quận 1. Bất động sản này Gia thường xuyên kể cho tôi biết. Cùng thời gian đó, Gia khoe đã mua bất động sản 105 Vườn Chuối, Quận 3.”

“Ngay lúc đó tôi phát hiện Gia đã lấy tiền của tôi để mua căn nhà ở 11 Phùng Khắc Khoan và giải quyết 105 Vườn Chuối. Tôi đòi tiền, Gia viện mọi thứ: 'Em phải ra Hà Nội để xin phép chuyển USD về ngân hàng của anh ở Mỹ,' lần sau 'Em đang bán 11 Phùng Khắc Khoan và hai tuần nữa sẽ trả anh tiền'&” ông Bình chua chát kể.

Vì sao ông Gia được quyền rút ra một số tiền lớn như vậy? Ông Bình nói: “Gia đã lợi dụng chức vụ tổng giám đốc, đại diện theo pháp luật của công ty, để tự ý mở tài khoản công ty tại ngân hàng Agribank, rồi tự ý chuyển số tiền $950,000 từ tài khoản của công ty tại ngân hàng VPBank vào tài khoản Agribank. Sau đó từ Agribank, Gia chuyển số tiền này vào tài khoản cá nhân của mình. Bởi vì Gia không thể tự ý rút một số tiền lớn tại VPBank mà không có ba thành viên hội đồng quản trị ký. Do vậy, việc mở thêm một tài khoản công ty ở ngân hàng khác để Gia dễ dàng chuyển tiền. Và khi tiền vào Agribank thì Gia toàn quyền rút ra.”

Tài khoản ‘sai số cuối’

Ông Nguyễn Trấn Bình cho biết: “Mãi đến sau khi bị mất tiền tôi mới biết, việc mua bán căn nhà 34 Lê Lợi là không thể thực hiện được vì thời điểm đó căn nhà trên thuộc sở hữu nhà nước, tài sản đó không được phép giao dịch mua bán.”

“Trong khi đó, để chứng minh mình có giao dịch, Gia đã đưa ra một tờ giấy viết tay có nội dung chính là đặt cọc mua nhà. Tuy nhiên, khi tôi yêu cầu được xem những giấy tờ pháp lý liên quan đến nhà này, cũng như được đến xem nhà thực tế, thì Gia luôn có lý do từ chối,” ông Bình nhớ lại.

Ông tiếc rẻ: “Có một điều phải nhìn nhận, Gia ăn nói rất điềm tĩnh, rõ ràng, khéo léo để tôi không thể gắt gao, đòi hỏi khi đề cập đến các vấn đề không được thi hành như đã thỏa thuận. Mỗi lần gặp mặt là mỗi lần tạo chuyện và tin tức để gây hy vọng. Do vậy mà một phần vì tin tưởng Gia và hợp đồng thỏa thuận được ký kết giữa hai bên, tôi mới chuyển $950,000 về. Khi chưa nhận được tiền thì Gia luôn thúc giục và khẳng định thương vụ hợp tác sẽ thành công và suôn sẻ, nhưng khi nhận được tiền thì lại báo là chủ nhà đổi ý.”

“Dù đã tự ý lấy tiền của tôi nhưng qua email cũng như liên lạc khác, Gia khẳng định tiền của tôi vẫn trong tài khoản và nói sẽ trả lại. Nhận thấy mình có thể bị mất tiền, tôi đã nhiều lần về Việt Nam, ba tháng một lần để tìm hiểu. Qua bản sao kê tài khoản thì được biết số tiền $950,000 của tôi chuyển về, với tư cách là chủ tài khoản, Lâm Thành Gia đã chiếm đoạt hết tiền của tôi. Khi chắc chắn Gia đã lừa mình, tôi nhiều lần yêu cầu Gia trả lại tiền nhưng Gia luôn cố tình kéo dài thời gian, chây ì không muốn trả tiền,” ông Bình nói.

Ủy nhiệm chi 19 tỷ đồng (ĐVN) mà ông Lâm Thành Gia chuyển cho ông Nguyễn Trấn Bình với số tài khoản bị ghi sai. (Hình: Nguyễn Trấn Bình cung cấp)


Ông Bình kể tiếp: “Tôi đòi quá nên Gia dùng con dấu của công ty và tự ý lập ủy nhiệm chi để chuyển 19 tỷ đồng (tương đương $950,000) từ tài khoản ngân hàng Agribank của công ty vào tài khoản cá nhân của tôi ở ngân hàng HSBC. Nhưng Gia cố tình viết lộn số tài khoản, tức số cuối cùng của tài khoản là số 3 thì Gia viết thành số 8. Làm vậy để kéo dài thêm bởi vì hai ngày sau tôi phải rời Việt Nam trở lại Mỹ. Động thái ‘viết lộn số’ tài khoản của Gia để qua mặt tôi lúc đó, vì nếu ghi số đúng thì tài khoản không có tiền để chuyển, còn ghi sai thì dù gì cũng có chứng từ để chứng minh với tôi trong lúc tôi chưa về Mỹ.”

Ông Gia: ‘Tôi không trốn tránh’

Trả lời câu hỏi của nhật báo Người Việt: “Trong khi bị kẹt $1.8 triệu chưa đòi lại được, tại sao lại bỏ thêm $950,000 để làm ăn với ông Gia?” Ông Nguyễn Trấn Bình tâm sự: “Đây là điều chính tôi tự trách tại sao lại bị nặng như vậy. Làm ăn ở Mỹ hơn 30 năm, tôi tự mình thành lập ba công ty điện tử, điều hành cả ngàn nhân viên. Thế nhưng mỗi lần gặp Gia thì tôi đều nghe theo, bởi vì Gia rất điêu luyện, nhẹ nhàng, từ tốn tạo dựng chuyện. Chẳng hạn mỗi lần tôi đề cập việc bồi thường giải tỏa thì Gia điềm đạm nói: ‘Việc sắp xong, anh yên tâm. Em còn ưu tư, lo lắng hơn anh' hay thỉnh thoảng Gia lại đưa một văn thư của Ủy Ban Nhân Dân Quận 3 về diễn tiến sự việc khiến tôi an tâm và nuôi hy vọng để rời Việt Nam.”

“Việc đầu tư $950,000 cũng vậy. Khi nghe những lời có cánh của Gia, tôi suy nghĩ sắp lấy lại được tiền đầu tư $1.8 triệu và cũng nghĩ đến việc chuyển $1.8 triệu trở lại Mỹ. Nhưng thấy giấy tờ còn nhiêu khê vì các quy định chặt chẽ của Chính Phủ Việt Nam cho việc chuyển USD ra khỏi Việt Nam, mặc dù tôi có đầy đủ giấy tờ, nhưng phải mất thời gian. Vì vậy, tôi nghĩ tiền Việt Nam đồng tương đương $1.8 triệu sẽ còn ở lại Việt Nam một thời gian để làm thủ tục chuyển ra USD và giấy phép chuyển tiền trở về Mỹ. Do đó tôi mới đồng ý cộng tác 50/50 với Gia đầu tư 34 Lê Lợi,” ông Bình chia sẻ.

Trong khi đó, trả lời nhật báo Người Việt qua email, ông Lâm Thành Gia viết ngắn gọn: “Đây là việc riêng của cá nhân tôi - Lâm Thành Gia và ông Nguyễn Trấn Bình. Chính quyền Việt Nam cũng đã xác nhận rõ người liên quan và không liên quan đến vụ việc rất rõ ràng. Ông Bình có hợp tác đầu tư và làm ăn tại Việt Nam, chuyện thành công và chưa thành công là do khách quan. Việc tôi vay tiền ông Bình tôi đang thu xếp để hoàn trả đầy đủ, không hề có chuyện tôi trốn tránh hoặc từ chối nghĩa vụ. Tôi không thể trả lời và giải thích thêm.”

Bất động sản 11 Phùng Khắc Khoan, phường Đa Kao, Quận 1, Sài Gòn, nay đã có chủ khác. (Hình: Ngọc Thạch /Người Việt)


Ngoài ra, ông Gia còn gửi kèm theo hai “vật chứng” quan trọng đối với ông, đó là kết quả bản án của Tòa Sơ Thẩm và hợp đồng vay tiền 20 tỷ đồng có xác nhận của Văn Phòng Công Chứng Sài Gòn!

Kiện, và rút đơn kiện

Khi ông Nguyễn Trấn Bình liên tục đòi lại tiền, ông Lâm Thành Gia mới làm một “Hợp đồng vay tiền,” được lập tại Văn Phòng Công Chứng Sài Gòn với nội dung ông Bình cho ông Gia vay 20 tỷ đồng (tương đương $950,000); thời hạn vay là sáu tháng, kể từ ngày 26 Tháng Mười, 2012; lãi suất 12% một năm; trả lãi vào ngày 26 hàng tháng. Mục đích vay: “Để bên B (tức ông Lâm Thành Gia - NV) mua căn nhà 11 Phùng Khắc Khoan, phường Đa Kao, quận 1, Sài Gòn.”

“Hợp đồng vay tiền” quy định: “Nếu đến hạn mà bên B không trả đủ số tiền đã vay và lãi suất cho bên A mà hai bên không có thỏa thuận gì khác thì bên A có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành thủ tục thu hồi số tiền nêu trên cho bên A theo quy định của pháp luật.”

Sau khi ký xong bản hợp đồng này, ông Gia trả được vài lần, mỗi lần vài chục ngàn USD, tổng lại thì ông Bình nhận được hơn $177,000. “Đến khi tôi đòi quá, Gia không trả mà thách 'Thích thì kiện hợp đồng vay tiền ra tòa án.' Sau đó tôi làm đơn khởi kiện ra Tòa Án Nhân Dân Sài Gòn đòi khoản tiền vay 20 tỷ đồng theo hợp đồng vay tiền. Khi thụ lý, tòa án yêu cầu tôi cung cấp bằng chứng việc chuyển tiền nhưng do việc này không thực hiện nên tôi không cung cấp được chứng cứ cho tòa. Nhận thấy sự việc khởi kiện này không đúng, tôi đã rút đơn khởi kiện dân sự,” ông Bình cay đắng nói.

Ông cho biết: “Việc làm của Gia khiến tôi khốn đốn, nhiều khi cảm thấy bị làm nhục và không kể stress kéo dài. Sau khi lấy tiền của tôi gửi về để mua 11 Phùng Khắc Khoan và 105 Vườn Chuối thì Tháng Hai, 2015, Gia đã bán 11 Phùng Khắc Khoan nhưng vẫn nói với tôi là chưa bán nên chưa trả lại tiền cho tôi.”

Kiện, và thua kiện

Theo ông Nguyễn Trấn Bình, do không hiểu luật pháp Việt Nam nên ông không chút nghi ngờ ông Lâm Thành Gia cố tình làm “Hợp đồng vay mượn” để ông Bình an tâm rời khỏi Việt Nam về lại Mỹ, trong khi thực tế ông Bình không đưa ông Gia 20 tỷ đồng.

“Gia gài tôi để sự việc trở thành dân sự chứ không phải hình sự. Khi nộp đơn khởi kiện việc Gia lừa đảo, tòa yêu cầu tôi đưa chứng từ chứng minh việc đưa Gia 20 tỷ đồng. Do tôi không có để chứng minh nên tòa đã bác bỏ đơn. Tuy không kiện ra tòa nữa nhưng Tháng Tư, 2015, tôi có làm đơn tố cáo gửi tới Công An Sài Gòn việc Gia lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong quá trình làm việc với cơ quan điều tra, Gia đã thú nhận có lấy tiền của tôi và hứa trả trong vòng bốn tuần. Đến nay đã hơn sáu tháng, tôi đang chờ giải quyết,” ông Bình nói.

Đối với $1.8 triệu tiền góp vốn đầu tư bất động sản, ông Nguyễn Trấn Bình có đơn khởi kiện tranh chấp hợp đồng hợp tác đầu tư gửi Tòa Án Nhân Dân Sài Gòn. Số tiền này ngay khi góp vốn vào năm 2008 đã được chuyển cho vợ chồng ông Lê Quốc Lập. Đổi lại, ông Lập giao năm sổ đỏ của năm căn nhà cùng tọa lạc tại 19B Võ Văn Tần với hơn 400 m2 cho Công ty Cổ phần Lập Gia Bình đứng tên và năm sổ đỏ này được lưu trữ tại ngân hàng VPBank.

Ông Bình cho biết: “Tôi không thể kiểm soát được số tiền này, bởi vì nó đã được rút ra vài ngày sau khi tôi chuyển tiền từ Mỹ vào tài khoản công ty. Vả lại thời điểm đó mới cùng nhau hợp tác làm ăn nên tôi không chút mảy may nghi ngờ chuyện gì. Cho đến nay, tôi thường xuyên liên lạc với giám đốc VPBank để chắc rằng năm sổ đỏ vẫn còn lưu trữ tại ngân hàng. Tuy nhiên, điều tôi muốn kiện là đòi lại $1.8 triệu vì suốt bảy năm Gia vẫn không thực hiện hợp đồng đã ký.”

Tin nhắn hứa trả tiền ông Lâm Thành Gia gửi ông Nguyễn Trấn Bình. (Hình: Nguyễn Trấn Bình cung cấp)


Ngày 7 Tháng Bảy, 2015, Tòa Án Nhân Dân Sài Gòn tuyên xử sơ thẩm. Bản án có nội dung bất lợi cho ông Bình.

Cụ thể, bản án có các nội dung chính như sau:

Ông Gia không có lỗi: Thỏa thuận chuyển quyền sở hữu trong vòng 12 tháng là chủ quan của các phía; lại thiếu ý kiến của Ủy Ban Nhân Dân Quận 3, là nơi có quyền quản lý tài sản. Thủ tục chuyển quyền sở hữu kéo dài quá 12 tháng như thỏa thuận của hợp đồng là khách quan, không phải do lỗi chủ quan của ông Gia.

Ông Bình không được rút vốn: Theo Luật Doanh Nghiệp năm 2005, cổ đông phổ thông không được rút vốn đã góp bằng cổ phần phổ thông ra khỏi công ty dưới mọi hình thức, trừ trường hợp được công ty hoặc người khác mua lại cổ phần. Do vậy, việc ông Bình yêu cầu rút lại toàn bộ phần vốn đã góp vào công ty là không có căn cứ và trái với quy định.

Kháng án

Ngay sau bản án sơ thẩm được tuyên, ông Bình có đơn kháng cáo gửi Tòa Phúc Thẩm Tòa Án Nhân Dân Tối Cao tại Sài Gòn và Tòa Án Nhân Dân Sài Gòn. Lý do kháng cáo: Các nhận định, quyết định của tòa án cấp sơ thẩm không khách quan, chưa thỏa đáng và chưa phù hợp với tình tiết sự việc, cũng như các quy định pháp luật hiện hành, gây thiệt hại đến quyền lợi hợp pháp của ông Bình.

Luật Sư Ngô Quang Xuân, người đại diện theo ủy quyền của ông Bình tại Việt Nam, cho biết: “Với quan hệ tranh chấp và yêu cầu khởi kiện như vậy, hợp đồng phải là chứng cứ, căn cứ pháp lý đầu tiên và quan trọng nhất cần phải xem xét, đánh giá mới có thể giải quyết thỏa đáng và đúng đắn vụ tranh chấp. Tuy nhiên, tòa cấp sơ thẩm đã hoàn toàn không ghi nhận ý kiến tranh luận của ông Bình, cũng như không xem xét đến vấn đề pháp lý đặc biệt quan trọng này.”

“Hợp đồng giữa các bên đáp ứng đầy đủ các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự theo quy định của Bộ Luật Dân Sự 2005 nên có giá trị pháp lý và bắt buộc thi hành đối với các bên kể từ thời điểm ký kết. Do đó, căn cứ vào thỏa thuận trong hợp đồng thì ông Gia đã không thực hiện được nghĩa vụ như đã cam kết, vì trong suốt bảy năm trời vẫn không đứng được chủ quyền 200 m2 đất tại tầng trệt 19B Võ Văn Tần,” luật sư nói.

Luật sư Xuân khẳng định: “Phần bất động sản này thuộc chủ quyền của ai tại thời điểm ký kết hợp đồng nằm ngoài thỏa thuận, ràng buộc giữa các bên. Các bên chỉ thỏa thuận ông Gia phải hoàn thành thủ tục chuyển quyền khu đất đó trong 12 tháng, đây mới là vấn đề ràng buộc. Do đó, ai là sở hữu khu đất tại thời điểm ký kết, cũng như các bên biết hay không biết phần đất này đang thuộc quyền sở hữu của nhà nước hoàn toàn không ảnh hưởng đến giá trị pháp lý của hợp đồng.”

“Thêm vào đó, một trong những nguyên tắc cơ bản nhất của pháp luật Dân Sự Việt Nam đó là các bên được tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận miễn các thỏa thuận đó không trái pháp luật và trái đạo đức xã hội (Điều 4 Bộ Luật Dân Sự 2005). Hợp đồng là thỏa thuận hợp tác của ba bên, hoàn toàn không có sự tham gia của Ủy Ban Nhân Dân Quận 3. Do đó, việc có hay không có ý kiến của Ủy Ban Quận 3 đều không ảnh hưởng đến giá trị pháp lý của các thỏa thuận, cũng như quyền, nghĩa vụ giữa các bên trong các thỏa thuận. Ông Gia đã cam kết thì phải tôn trọng cam kết và tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình,” luật sư phân tích.

“Ngoài ra, việc hoán đổi 105 Vườn Chuối là một nội dung nằm ngoài thỏa thuận và chưa có bất kỳ thỏa thuận bổ sung nào giữa các bên về việc này, nên đây không phải là căn cứ pháp lý miễn trừ nghĩa vụ của ông Gia và ông Lập theo hợp đồng đã ký giữa các bên,” luật sư tiếp lời.

Trả lời nhật báo Người Việt, Luật Sư Nguyễn Đăng Trừng, trưởng Văn Phòng Luật Sư Sài Gòn, nguyên Chủ Nhiệm Đoàn Luật Sư ở Sài Gòn, cho biết: “Cùng với 'Hợp đồng cam kết thỏa thuận hợp tác đầu tư' thì 'Hợp đồng đặt cọc' cũng được ký kết vào ngày 26 Tháng Tám, 2008, đã quy định rõ: 'Trường hợp bên B (ông Lâm Thành Gia) không thực hiện cam kết trong hợp đồng cam kết hợp tác đầu tư thì bên C (ông Nguyễn Trấn Bình) có toàn quyền rút vốn 100%.' Như vậy ông Bình có cơ sở pháp lý để đòi lại số tiền $1.8 triệu mà ông đã hùn hạp làm ăn với ông Gia và Lập.”

“Tuy nhiên Tòa Sơ Thẩm Tòa Án Nhân Dân Sài Gòn đã không chấp nhận yêu cầu của ông Bình và ông Bình đang kháng cáo lên Tòa Án Nhân Dân Tối Cao tại Sài Gòn. Trong trường hợp ông Bình không đồng ý bản án phúc thẩm, ông Bình còn có quyền khiếu nại lên Chánh Án Tòa Án Nhân Dân Tối Cao để yêu cầu xem xét lại vụ án theo trình tự giám đốc thẩm,” Luật Sư Trừng phân tích.

Luật sư của ông Nguyễn Trấn Bình: “Việc hoán đổi 105 Vườn Chuối là một nội dung nằm ngoài thỏa thuận.” (Hình: Ngọc Thạch /Người Việt)


Vị luật sư cho biết thêm: “Thực tế, ông Lâm Thành Gia không góp vốn vào Công ty Lập Gia Bình nên tài sản của công ty hiện nay là diện tích đất 440 m2 tại 19B Võ Văn Tần là tài sản của ông Bình và Lập. Trường hợp Tòa Phúc Thẩm chấp nhận yêu cầu của ông Bình thì ông Bình được nhận lại số tiền $1.8 triệu từ giá trị diện tích đất trên.”

“Về khoản tiền $950,000 ông Nguyễn Trấn Bình đã nhờ cơ quan công an và Viện Kiểm Sát Nhân Dân tại Việt Nam xem xét về dấu hiệu lừa đảo của ông Lâm Thành Gia để xử lý bằng biện pháp hình sự. Việc xem xét ông Gia có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay không là thuộc thẩm quyền của các cơ quan trên,” Luật Sư Nguyễn Đăng Trừng nói.

Luật sư Mỹ cũng bó tay

Tiếp chuyện với chúng tôi, ông Steve Đình, một người bạn của ông Bình, chủ nhân của American Container Line.com có trụ sở tại San Jose, miền Bắc California, làm về lĩnh vực vận chuyển containers từ Việt Nam đến và về Mỹ, từ năm 1994 đến nay, cho biết: “Luật pháp của Mỹ không bảo vệ Việt kiều về vấn đề đầu tư ở nước khác, mặc dù nước Mỹ có cơ quan lãnh sự ở Việt Nam.”

“Tôi bất ngờ khi biết Bình tự nhiên về Việt Nam rồi quan hệ với những người mà bản thân ông chưa hề quen biết và tin họ. Dù biết rằng khi làm việc là có hợp đồng, mang ra pháp luật là được bảo vệ. Điều này là đúng khi ở Mỹ, còn ở Việt Nam thì đây là sai lầm căn bản. Tôi biết Bình là một người hiểu rất rõ luật làm ăn ở bên Mỹ, làm gì cũng theo đúng luật, chắc chắn là được luật bảo vệ. Có lẽ vì vậy mà Bình nghĩ bên Việt Nam cũng như bên Mỹ, quá sai lầm!” ông Steve nói.

Trả lời phỏng vấn của Người Việt, Luật Sư Robert J. Allan, thuộc Allan Law Group, Malibu California, chuyên tư vấn những người đầu tư ở nước ngoài, đặc biệt ở các nước Á Đông, cũng cho biết: “Trong trường hợp này, chúng tôi không giúp được gì, luật Mỹ cũng không giúp được gì. Chúng tôi chỉ có thể tư vấn về những điều cần cẩn trọng phải xem xét trước khi mua bất động sản ở những nước Á Châu. Câu hỏi luôn luôn phải được đặt ra trong mọi trường hợp là nếu mọi chuyện trục trặc, luật pháp nước sở tại có bảo vệ tôi không?”

Quốc Dũng/Người Việt

Liên lạc tác giả: truong.dung@nguoi-viet.com
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn