BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73312)
(Xem: 62231)
(Xem: 39417)
(Xem: 31164)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Đạo Diễn Điện Ảnh

26 Tháng Mười 201512:00 SA(Xem: 1530)
Đạo Diễn Điện Ảnh
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Trong bày này – Viết ở Rừng Phong, Xứ Tình Nhân, Kỳ Hoa ĐấtTrích, Tháng 10, 2015, – hai nhà Đạo Diễn Điện Ảnh Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa được nói đến là:

  1. Đạo diễn Hoàng Vĩnh Lộc.

  2. Đạo diễn Lê Hoàng Hoa.


Hai nhà Đạo diễn Điện Ảnh cùng sống một thời, cùng làm phim xi-nê một thời, trong 20 năm Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa, nhưng có hai cuộc sống thăng trầm khác hẳn nhau.

Tôi – CTHĐ – viết: Đạo diễn Lê Hoàng Hoa là người đẻ bọc điều. Đạo diễn Hoàng Vĩnh Lộc là người đẻ bọc than.

Đẻ bọc điều là tiếng dân gian gọi những người được sung sướng suốt đời, đẻ bọc than là những người sống vất vả suốt đời.

Lê Hoàng Hoa sống suốt đời yên ổn, no đủ, sang Hoa Kỳ học trước nhất, sau năm 1975 làm phim với bọn Bắc Cộng, sang Hoa Kỳ sống vài năm rồi lại về Sài Gòn, từng sống ở Ba Lan.

Hoàng Vĩnh Lộc suốt đời theo việc làm phim, bị tù giam năm 1976, chết trong nghèo nàn.

Đây là những lời viết về cuộc đời và sự nghiệp của hai nhà Đạo diễn Hoàng Vĩnh Lộc, Lê Hoàng Hoa trên Internet.

Dạ Chung – Hoàng Vĩnh Lộc


Bích Huyền. VOA


Trong sinh hoạt âm nhạc Việt Nam, về tác phẩm, chưa kể đến thơ phổ nhạc, có rất nhiều bài hát gồm hai tác giả, người viết nhạc và người viết lời. Trong chương trình Thơ Nhạc của đài VOA hôm nay, Bích Huyền nói về Dạ Chung, người viết ca từ đẹp như Thơ trong nhạc Lâm Tuyền.


Một ca khúc hay cần hai yếu tố: nhạc và lời. Chuyển tới thính giả ca khúc ấy là giọng hát và nghệ thuật hòa âm, chưa kể đến kỹ thuật âm thanh. Thế nhưng, thường khi giới thiệu một bài hát, hoặc có nhiều CD phát hành hình như người ta chỉ chú ý đến ca sĩ, nhạc sĩ mà quên đi người viết ca từ. Như vậy có thiếu sự công bằng không?


Chẳng hạn như Vĩnh Phúc, một cựu nữ sinh trường Trung học Trưng Vương Sài Gòn, những năm đầu thập niên 60, Vĩnh Phúc đã viết rất nhiều lời ca cho những bản nhạc nổi tiếng của Hoàng Trọng, như: Ngàn thu áo tím, Hai phương trời cách biệt, Một thuở yêu đàn… Trong câu chuyện hôm nay, Bích Huyền giới thiệu một vài nét về Dạ Chung, người viết lời trong hầu hết những bản nhạc của Lâm Tuyền.


Lâm Tuyền-Dạ Chung, tên tuổi hai người gắn liền với nhau như Đoàn Chuẩn-Từ Linh vậy.


Một trong những ca khúc được yêu mến nhất của hai người là “Hình ảnh một buổi chiều.”


“Hình ảnh một buổi chiều thơ mộng,” in đậm trong trí nhớ nhiều người, lại càng đẹp hơn, thơ mộng hơn, đáng nhớ hơn nhờ câu văn đẹp như thơ của Dạ Chung:


“Anh không giữ trong tay một kho tàng hay một danh vọng nào cả. Anh chỉ giữ có hình ảnh một buổi chiều, khi nắng vàng nhuộm mái tóc em.”


Có một thời nhiều người trẻ đã chép trong tập sổ tay câu nói đẹp như thơ ấy.


Dạ Chung tức Hoàng Vĩnh Lộc, vừa là tài tử màn bạc vừa là đạo diễn phim nổi tiếng của miền Nam trước 1975. ( .. .. .. )


Thời ấy ngành Điện ảnh Việt Nam chưa thực sự gọi là trưởng thành, dù về diễn viên, chúng ta có những ngôi sao như Kiều Chinh, Đoàn Châu Mậu, Hoàng Vĩnh Lộc, Lê Quỳnh… Các nhà sản xuất phim xi nê thời ấy thiếu tiền mua phim trắng, máy thu hình, thu âm, dàn đèn. Tuy vậy, chúng ta vẫn có những nghệ sĩ hy sinh cho điện ảnh như Lê Dân, Hoàng Anh Tuấn, Hoàng Vĩnh Lộc… để Điện Ảnh Miền Nam có mặt tại các Festivals lớn ở Đông Nam Á.


Những bộ phim tiêu biểu nhất của đạo diễn Hoàng Vĩnh Lộc như Xin nhận nơi này làm quê hương, Người tình không chân dung, Người về từ đỉnh núi… gây nhiều tiếng vang trên trường quốc tế. Phim “Con búp bê nhồi bông” đoạt Giải Điện ảnh Đông Nam Á.


Có một hình ảnh để lại ấn tượng đậm nét trong thời chiến: muôn ngàn tinh tú lấp lánh trên vòm trời cao phản chiếu vào vũng nước mưa trong chiếc nón sắt của người chiến binh tử trận nằm bên bờ lau sậy:


Trong cái nón sắt của anh, Mặt trời vẫn còn đó ban ngày và ban đêm, mặt trăng hoặc muôn muôn triệu triệu vì sao vẫn còn đó… Con ễnh ương vẫn gọi tên anh trong mưa dầm. Tên anh nghe như tiếng thở dài của lòng đất mẹ…


Với ca từ ấy của Dạ Chung Hoàng Vĩnh Lộc, với nhạc của Hoàng Trọng, “ Người tình không chân dung,” ca khúc chính trong cuốn phim cùng tên, đã làm khán giả rơi lệ.


Lâm Tuyền-Dạ Chung sáng tác không nhiều nhưng chỉ với Tơ Sầu, Trở về dĩ vãng, Hình ảnh một buổi chiều, Tiếng thời gian, Khúc nhạc ly hương… nghe một lần rồi nhớ mãi. Ca từ Dạ Chung đẹp như thơ, kết hợp với nhạc Lâm Tuyền, đã làm nên những bài thơ bằng âm nhạc. Thiên nhiên có mặt rất nhiều trong ca từ Lâm Tuyền-Dạ Chung. Tình yêu trong lời nhạc của Dạ Chung có một vẻ kín đáo, nhẹ nhàng. Thiên nhiên thơ mộng huyền ảo “mưa rơi hiu hắt, ai sầu mùa đông…” như tô son điểm phấn cho Tình Yêu. Như một lời tỏ tình làm mềm lòng thiếu nữ. Trong bản Tơ sầu: Tơ dáng như mây chiều, tơ úa như lá vàng, tơ giống như trăng ngàn, nhiều khi tơ giống tóc người yêu… Hay trong bài Trở Về Dĩ Vãng: Anh thường khóc khi chiều xuống, Lòng nhớ nhung triền miên, Trăng xưa về khuya bẽ bàng, Dường như nhắn người yêu, Tình mây nước còn đâu…


Với những lời ca ấy của Dạ Chung, ai đang yêu cũng muốn được yêu như thế. Ai đang mong ước được yêu, đang mơ mộng thì cứ chép vào tập sổ tay của mình. Gửi cho nhau là đủ, không cần nói gì thêm nữa vì khó lòng có những lời tỏ tình đẹp hơn.Trong lời ca Dạ Chung, chỉ thấy một không gian thơ mộng, không gian của cái tuổi đẹp nhất đời người, cái tuổi thanh xuân vô cùng lãng mạn với bao ước mơ mộng tưởng tuyệt vời.


o O o


Trong biến cố 1975, nhiều văn nghệ sĩ miền Nam bị lùa vào trại tù Cộng sản. Đạo diễn điện ảnh bị bắt trong chiến dịch này là Hoàng Vĩnh Lộc, Hoàng Anh Tuấn, Thân Trọng Kỳ, Minh Đăng Khánh. Bà vợ của đạo diễn Hoàng Vĩnh Lộc là bà Hoài Hương, một cựu nữ sinh Trưng Vương, một mình nuôi đàn con bé thơ, nuôi chồng trong tù.


Hoàng Vĩnh Lộc, người nồng nhiệt đóng góp những tinh hoa cho văn học nghệ thuật, nồng nàn yêu thương cuộc sống, khát khao với ánh sáng hạnh phúc mà lại bị tù đày. Tinh thần, sức khỏe của Hoàng Vĩnh Lộc bị suy nhược. Khi trở về nhà chẳng được bao lâu ông qua đời. Bà Hoài Hương đưa sáu đứa con thơ ra khỏi nước giữa thập niên 1980 và gây dựng cuộc sống mới tốt đẹp ngày nay với mười đứa cháu nội ngoại. Mỗi năm, đến ngày giỗ chồng, bà Hoài Hương âm thầm nhỏ lệ, như câu hát trong bài Tiếng Thời Gian:


“Mưa đêm nay khóc thầm, cuộc đời đầm ấm đã theo thời gian…”


Biệt ly, tình đôi ta vời vợi

Thuở ấy hồn anh đắm chơi vơi ngoài khơi

Người em sầu mộng của muôn đời

Thề ước guồng tơ thắm không bao giờ phai

Tình em như tuyết giăng đầu núi


Tình anh như ánh trăng trầm suối

Tình ta như áng mây chiều trôi

Về tràn trên gối chăn mờ phai

Biệt ly, ôi biệt ly…


Ngậm ngùi đêm thâu, âm thầm đôi câu

Biệt ly, anh theo cánh gió chơi vơi

Phiêu du khắp bốn phương trời

Xa xôi tiếc nhớ khôn nguôi

Men say lấp kín môi cười

Biệt ly, sầu bi….

Chúng ta quý trọng Dạ Chung như một tài năng của đất nước, trong lúc ông lặng lẽ lìa đời ở một nơi chốn và hoàn cảnh mà chỉ được người ta xem như là kẻ vô danh. Đáng buồn thay!


Ngưng trích.

Phim Bến Cũ trình chiếu ở Hà Nội trước năm 1954. “Có thể” đây là rạp xi-nê Olympia, Phố Hàng Da.


CTHĐ: Khoảng 4 giờ một buổi chiều Sài Gòn nắng vàng năm 1952, tôi nhìn thấy anh Hoàng Vĩnh Lộc lần thứ nhất. Lần ấy tôi nhìn thấy anh mà không được nói chuyện với anh. Tôi mới là phóng viên Nhật báo Ánh Sáng, tòa báo ở trên đường Bonard. Tôi đứng bên sạp báo bên cửa Hàng Ăn Kim Hoa, cạnh rạp xi-nê Casino. Tôi thấy anh Hoàng Vĩnh Lộc đến trên chiếc xe Peugeot decapotable trắng sám. Anh đi vào Restaurant Kim Hoa. Anh bận y phục mầu trắng, đi giầy trắng. Khi ấy bộ phim Bến Cũ – Hãng Phim An Pha Thái Thúc Nha sản xuất, diễn viên Hoàng Vĩnh Lộc, nữ diễn viên Bích Ngà, đã được chiếu. Với tôi, anh Hoàng Vĩnh Lộc là một jeune premier của Xi-Nê Việt Nam. Tôi được gặp cô Bích Ngà vài lần nhưng không quen cô, không được nói chuyện với cô. Dường như cô kết hôn với một ông Pháp. Sau khi đóng vai nữ chính trong phim Bến Cũ, cô sang sống bên Pháp.

Khoảng 11 giờ một buổi trưa năm 1960, tôi chạy xe qua trước cửa rạp xi-nê Asam, nhìn thấy anh Hoàng Vĩnh Lộc, anh Lê Quỳnh đứng bên đường, tôi tốp xe vào đứng nói chuyện với hai anh. Hai anh đang xem nhóm chuyên viên Pháp thu một ngoại cảnh cho phim Mort en Fraude. Người Việt có mặt trong đoạn phim này là anh Canh Thân. Lúc ấy anh Canh Thân đang đứng trước máy quay phim trên vỉa hè bên kia đường. Anh Hoàng Vĩnh Lộc biết tôi sẽ giữ một vai phụ trong bộ phim Hai Chuyến Xe Hoa sắp được thu hình, anh nói với tôi:

“Anh nên giữ cái đại danh văn sĩ của anh, anh đừng dại mà dính vào việc đóng phim. Người làm điện ảnh Việt Nam phải hy sinh nhiều lắm.”

Anh dùng tiếng “đại danh văn sĩ.” Tôi không hỏi anh tôi có nên đóng phim không, anh tự ý nói lời khuyên tôi. Anh thật lòng với tôi biết là chừng nào, dù tôi không được thân với anh.

Những ngày như lá, tháng như mây…Một chiều Sài Gòn mưa tôi đến nhà anh đưa tiễn anh lần cuối. Đây là lần đầu tôi đến nhà anh, lần đầu mà cũng là lần cuối. Nhà anh trong một con hẻm đường Chi Lăng. Tôi ngồi dưới tấm bạt căng trước cửa nhà anh, nghe tiếng mưa rơi lộp bộp trên tấm bạt, nhìn quan tài anh kê trong nhà, vài ngọn nến leo lét. Chiều mưa lạnh, gió lạnh chiều gần tối.

o O o


Tài liệu trên WEB.

Lê Hoàng Hoa (1933-2012) là một trong những đạo diễn nổi tiếng của điện ảnh miền Nam trước năm 1975.


Ông tên thật Đoàn Lê Hoa, sinh năm 1933 tại Nha Trang.Trong quá trình hoạt động nghệ thuật, ông còn có nghệ danh là Khôi Nguyên.


Một số phim nổi tiếng của ông trước 1975 : Gác chuông nhà thờ, Điệu ru nước mắt, Vết thù trên lưng ngựa hoang, Con ma nhà họ Hứa… Và sau 1975 là: Ván bài lật ngửa, Đằng sau một số phận, Vĩnh biệt mùa hè, Tình nhỏ làm sao quên, Vĩnh biệt Cali, Lệnh truy nã, Tây Sơn hiệp khách…


Trong đó, Ván bài lật ngửa được xem là một trong những tác phẩm điện ảnh kinh điển của Việt Nam. Tên tuổi Lê Hoàng Hoa và diễn viên Nguyễn Chánh Tín gắn liền với bộ phim đã chinh phục nhiều thế hệ khán giả.


Kịch bản phim được đạo diễn Lê Hoàng Hoa chuyển thể từ bản thảo tiểu thuyết Giữa biển giáo rừng gươm của nhà văn Trần Bạch Đằng. Bộ phim thành công tới mức sau đó nhà văn Trần Bạch Đằng đã lấy nhan đề này đặt cho tiểu thuyết khi đăng báo và xuất bản thành sách. Ván bài lật ngửa từng đoạt giải đặc biệt LHP Việt Nam lần thứ sáu năm 1983, giải Bông sen bạc LHP Việt Nam lần thứ bảy năm 1985.


Ông qua đời rạng sáng 31 tháng 7 năm 2012 tại TP HCM, thọ 79 tuổi.




CTHĐ: Tôi quen biết Lê Hoàng Hoa năm 1956 khi anh vừa từ Hoa Kỳ trở về. Dường như ông thân của Lê Hoàng hoa là một nhân sĩ có thế lực ở miền Trung. Lê Hoàng Hoa sang Hoa Kỳ du học rất sớm. Lê Hoàng Hoa sang Hoa Kỳ không phải để học về kỹ thuật Đạo diễn Xi-nê mà học về radio. Trong một số báo Thế Giới Tự Do thời ấy có bài và ảnh của anh khi anh học về radio ở Hoa Kỳ. Tôi thấy trang báo đó.

Có thể khi ấy Lê Hoàng Hoa có được học về kỹ thuật nhiếp ảnh. Anh đem về Sài Gòn cái máy ảnh Lindholf to tổ bố. Thời ấy máy ảnh Lindholf là hiện đại nhất. Máy ảnh Lindholf không nhập vào Sài Gòn, chỉ những người đi Mỹ về mới có thể có nó.

Tháng Ba 1976, các đạo diễn Hoàng Vĩnh Lộc, Thân Trọng Kỳ, Minh Đăng khánh, Hoàng Anh Tuấn bị bọn VC bắt tù, đạo diễn Lê Hoàng Hoa, đạo diễn Bùi Sơn Duân làm phim với bọn VC. Tôi chắc không một lần các anh Hoàng Vĩnh Lộc, Thân Trọng Kỳ, Hoàng Anh Tuấn, Minh Đăng Khánh đến Trụ Sở Hội Điện Ảnh Thánh Phố Hồ chí Minh.

Đạo diễn Thân Trọng Kỳ trên WEB.

Ông Thân Trọng Kỳ, có thể được coi là một trong những đạo diễn đầu tiên của điện ảnh Việt Nam, tốt nghiệp khoa điện ảnh của University of Southern California.


Theo cáo phó gia đình cho biết, đạo diễn Thân Trọng Kỳ từng là hội viên Hội Kỹ Sư Điện Ảnh và Truyền Hình Mỹ (SMPTE), từng được giải thưởng đạo diễn xuất sắc phim “Chờ Sáng,” giải Đại Hội Điện Ảnh Quốc Tế Berlin.


Ông cùng từng là giảng sư Viện Đại Học Minh Đức và trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ Sài Gòn.


Ngoài phim “Chờ Sáng” (1967), ông là đạo diễn phim “Cúi Mặt” (1970), phim được đưa đi dự Đại Hội Điện Ảnh Quốc Tế Berlin.


Năm 1994, ông định cư tại Hoa Kỳ, và bắt đầu tham gia nghiên cứu các công trình văn hóa nghệ thuật Việt Nam như hát bội, hệ thống mặt nạ của kịch cổ truyền Việt Nam và nhã nhạc cung đình Huế, và xuất bản qua hình thức CD và video.


Trong những ngày cuối đời, ông bị ung thư tụy tạng.


Tang lễ cố đạo diễn Thân Trọng Kỳ được cử hành tại Nhà Quàn National Funeral Home, 7482 Lee Highway, Falls Church, VA 22042. (Đ.D.)


Đạo diễn Hoàng Anh Tuấn trên WEB:

Hoàng Anh Tuấn (7 tháng 5, 1932 – 1 tháng 9, 2006) là một nhà đạo diễn và nhà văn người Việt.


Hoàng Anh Tuấn sinh ra tại Hà Nội. Năm 17 tuổi ông sang Pháp học, đến năm 1958 ông trở về Việt Nam sau khi tốt nghiệp Trường Điện ảnh IDHEC (viết tắt tiếng Pháp: L’Institut des Hautes Études Cinématographiques) ở Paris.


Ông đóng góp nhiều bài vở cho các báo chí ở Sài Gòn. Năm 1965 ông được bổ nhiệm làm Quản đốc Đài Phát Thanh Đà Lạt. Tên tuổi của của ông gắn liền với ngành điện ảnh Việt Nam trong vai trò đạo diễn. Bốn cuốn phim do ông làm đạo diễn là


Ngàn năm mây bay(1963), theo tiểu thuyết của Văn Quang, hãng phim Thái Lai sản xuất với các diễn viên Lê Quỳnh, Bích Sơn, Bích Thủy, Phạm Huấn


Hai chuyến xe hoa(1961) theo tiểu thuyết Hai chuyến xe hoa của Nguyễn Bính Thinh và tuồng cải lương của Thái Thụy Phong; hai diễn viên chính trong phim là Thanh Nga và Thành Được


Nước mắt đêm xuânvới các diễn viên Mai Trường, Nguyễn Long, Lệ Quyên và Khánh Ly.


Xa lộ không đèn(1972) với các diễn viên Thanh Nga, Hoài Trung, Trang Thanh Lan, Năm Châu


Sau năm 1975 ông bị bắt đi tù cải tạo, đến năm 1979 ông xuất cảnh sang Pháp. Năm 1981 ông sang định cư ở Hoa Kỳ rồi mất ở San Jose, California.


Đạo diễn Bùi Sơn Duân

Đạo diễn Điện ảnh Bùi Sơn Duân vừa là tên nghề nghiệp vừa là tên thật. Ông sinh năm 1932 tại Phú Yên và mất vào tháng 2 năm 2001 tại Hoa Kỳ. Trước 30/4/1975, Đạo diễn Bùi Sơn Duân cộng tác với Trung Tâm Quốc Gia Điện Ảnh; Trung Tâm chuyên thực hiện phim tài liệu, sau ông làm đạo diễn phim truyện, và năm 1969 ông lập hãng phim riêng lấy tên Việt Ảnh, đặt văn phòng ở góc Pasteur – Hiền Vương Q3.


Trong quá trình nghề nghiệp, từ năm 1969 khi còn làm đạo diễn cho Trung tâm Quốc Gia Điện Ảnh, đạo diễn Bùi Sơn Duân đã làm một cuộc “cách mạng” bằng cách sắp đặt tất cả tài tử diễn viên là người của điện ảnh mới và cũ cùng diễn trong phim, đặc biệt vai chính ông thường chọn một nam hay nữ nghệ sĩ cải lương nổi tiếng thời đó như Thanh Tú hoặc Bạch Tuyết. Trong phim Ba Cô Gái Suối Châu do Thanh Tú thủ vai chính; trong phim Như Hạt Mưa Sa, Như Giọt Sương Khuya ông chọn nữ nghệ sĩ cải lương Bạch Tuyết, cùng những khuôn mặt mới gồm Như Loan, Tony Hiếu, Trần Hoàng Ngữ…. Thấy đường lối trên được khán giả hoan nghênh, đạt kết quả tốt đẹp về tài chánh, nhiều hãng phim khác đã đi theo, và nhờ đó mà một số nghệ sĩ cải lương được dịp chuyển sang lãnh vực điện ảnh và trở nên nổi tiếng hơn, như Hùng Cường, Thành Được, Thanh Nga, Bạch Tuyết v.v…


Khi đạo diễn Bùi Sơn Duân thành lập hãng Việt Ảnh, nhiều diễn viên trở thành “khuôn mặt tủ ” của hãng như Trần Quang, Tâm Phan, Đoàn Châu Mậu, Lý Huỳnh, Bạch Tuyết, Như Loan, Trần Hoàng Ngữ, Tony Hiếu, chuyên viên quay phim Trần Đình Mưu cùng nhiều diễn viên trẻ khác kết hợp thành nhóm, làm phim thể loại xã hội đen, buôn lậu, như ba phim Như Hạt Mưa Sa, Như Giọt Sương Khuya, Hải Vụ 709.


Như Hạt Mưa Sa là bộ phim đen trắng của hãng Việt Ảnh, chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn Ngọc Linh, do Bùi Sơn Duân dàn dựng năm 1971, diễn xuất cùng Thẩm Thúy Hằng trong Như Hạt Mưa Sa là Trần Quang, Bạch Tuyết, Đoàn Châu Mậu, Diễm Kiều… “Người đẹp Bình Dương” Thẩm Thúy Hằng đảm nhận hai vai diễn là hai chị em sinh đôi với hai tính cách hoàn toàn trái ngược, cô chị dịu hiền, nhiều nữ tính, cô em trẻ trung, hiện đại. Bộ phim khi công chiếu có doanh thu rất cao, riêng tiền lãi đã giúp cho nhà sản xuất đủ tiền làm tiếp Như Giọt Sương Khuya phần 2 bằng phim màu, in tráng phim tại Hồng Kông. Nhưng ở bộ phim Như Giọt Sương Khuya quay vào năm 1972, nữ nghệ sĩ Bạch Tuyết vào vai chính với nam diễn viên Trần Quang. Như Giọt Sương Khuya được chuyển thể từ tác phẩm Đừng Gọi Anh Bằng Chú của Nhà văn Nguyễn Đình Thiều.


Đạo diễn Bùi Sơn Duân thực hiện bộ phim Hải Vụ 709 năm 1974, do hãng phim Việt Ảnh hợp tác với hãng phim Dan Thai của Thái Lan. Truyện phim và đạo diễn do Bùi Sơn Duân đảm trách. Các diễn viên trong phim phía Thái Lan có Apinya và Duang Jai. Về diễn viên Việt Nam có Đoàn Châu Mậu, Trần Quang, Tony Hiếu, Tâm Phan, Trần Hoàng Ngữ… Quay phim Trần Đình Mưu. Phim thu hình nhiều cảnh đẹp ở Thái Lan cũng như những phong tục cổ truyền của nước này. Các cảnh quay trong nước được thực hiện tại Sài Gòn, Vũng Tàu, Phú Quốc. Một bộ phim màu hoành tráng và công phu, thuộc thể loại xã hội đen, buôn lậu. Phim Hải Vụ 709 hoàn thành trước ngày 30/4/1975 nhưng chưa kịp chiếu ra mắt công chúng Sài Gòn.


Năm 1973, Liên Hoan Điện Ảnh Châu Á được tổ chức tại Sài Gòn. Nam tài tử Trần Quang ở trong ban đón tiếp phái đoàn điện ảnh các nước. Nhờ vậy, Trần Quang gặp Juisue Horikoshi, nữ diễn viên của Nhật Bản. Năm ấy cô 23 tuổi. Một tuần trôi qua thật nhanh, Liên Hoan kết thúc cũng là khi mối tình nảy nở nhưng chưa ai nói với ai lời nào. Khi tiễn đoàn Nhật Bản ra phi trường, diễn viên sân khấu điện ảnh Mộng Tuyền (lúc còn hát cải lương có tên Kim Loan) đưa cho Trần Quang một chiếc bông tai :


“Có người gửi cho anh cái này, mong có ngày đôi bông tai sẽ được tái ngộ.”


Trần Quang chạy như tên bắn lên máy bay, ôm hôn cô Horiiskoshi như một lời hẹn ước. Mối tình kéo dài đến năm 1974.


Năm đó đạo diễn Bùi Sơn Duân tính chuyện hợp tác với một hãng phim của Nhật làm phim Đôi Bông Tai dựa theo chuyện tình của Trần Quang – Korishkoshi, dự định hai diễn viên cũng chính là người thật: Trần Quang và Horikoshi. Trần Quang và cô Horikoshi dự tính đến tháng 7 năm 1975 sẽ làm đám cưới và thực hiện bộ phim nhưng sau đó – Ngày 30 Tháng Tư đến – mọi chuyện đổi khác. Mối tình lãng mạn – điện ảnh Việt Nhật kéo dài trong ba năm kết thúc với những lời hẹn ước dang dở.


Trần Quang tâm sự:


“Sau này, nhiều lần tôi muốn qua Nhật tìm cô ấy, nhưng có cái gì níu bước chân tôi. Tôi muốn giữ lại trong nhau những hình ảnh đẹp nhất. Có thể cô ấy đã có chồng, đã có một cuộc sống hạnh phúc, tôi cũng đã có một cuộc sống khác.”


Bùi Sơn Duân vốn là một đạo diễn tâm huyết và rất yêu nghề. Sau năm 1975, với tên mới là đạo diễn Lam Sơn (như Lê Hoàng Hoa lấy tên Khôi Nguyên), ông đã thực hiện các bộ phim như: Giữa Hai Làn Nước, Bản Nhạc Người Tù, Đám Cưới Chạy Tang, Đường Dây Côn Đảo, Tiếng Đàn, Chiếc Vòng Bạc, Ông Hai Cũ, Con Gái Ông Thứ Trưởng, Biển Bờ, Chiều Sâu Tội Ác, Ba Biên Giới.


Năm 1977, trong vòng mấy tháng, đạo diễn Bùi Sơn Duân và nhà quay phim Nguyễn Đông Hồng cùng với đoàn làm phim của Xưởng phim Tổng hợp Thành phố đã làm xong phim Giữa Hai Làn Nước và cho ra mắt khán giả, bộ phim được đánh giá cao.


Năm 1989, đạo diễn Bùi Sơn Duân làm cố vấn chỉ đạo nghệ thuật cho bộ phim vidéo Ba Biên Giới do Trần Quang ( khi ấy đang còn ở lại VN) muốn thử sức với vai trò đạo diễn.


Năm 1990, đạo diễn Bùi Sơn Duân xuất cảnh đi Mỹ. Năm 1993, ông nhận lời làm đạo diễn phim Gia Đình Cô Tư, một bộ phim hài với nghệ sĩ sân khấu điện ảnh Túy Hồng, và đây cũng là cuốn phim cuối cùng của ông.


Sống tại Hoa Kỳ, Bùi Sơn Duân thành lập Hội Điện Ảnh Việt Nam Hải Ngoại, tổ chức hằng năm các Ngày Điện Ảnh Việt Nam, ông từng tổ chức cuộc thi viết truyện phim với hy vọng khôi phục nền điện ảnh Việt Nam tại hải ngoại, nhưng chưa làm được gì đáng kể thì ông đã vĩnh viễn ra đi vào năm 2001 tại Pomona.


Đạo diễn Bùi Sơn Duân và cố nhạc sĩ Y Vân rất tâm đầu ý hợp nên bất cứ phim nào do đạo diễn Bùi Sơn Duân thực hiện đều do nhạc sĩ Y Vân làm nhạc đệm cho phim trước 1975 và sau 1975.


Đạo diễn Bùi Sơn Duân còn là bác ruột của diễn viên điện ảnh Thương Tín, hầu như các phim do ông làm đạo diễn sau 1975 đều mời cháu ruột mình tham gia vai chính hoặc vai thứ ở các phim như Tiếng Đàn, Chiếc Vòng Bạc, Ông Hai Cũ, Biển Bờ, Chiều Sâu Tội Ác.


CTHĐ: Nhiều Ông Đạo Diễn Điện Ảnh Sài Gòn “cộng tác” với bọn “cướp nước.”

Hoàng Hải Thủy

Nguồn https://hoanghaithuy.wordpress.com/2015/10/16/dao-dien-dien-anh/
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn