BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73179)
(Xem: 62205)
(Xem: 39378)
(Xem: 31132)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Chuyện Một Người Quảng Nam Hay Cãi

19 Tháng Mười 201512:00 SA(Xem: 1159)
Chuyện Một Người Quảng Nam Hay Cãi
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Trong Đại hội Hội đồng hương Quảng Nam Đà Nẵng tại Toronto năm vừa qua, có một người bạn đặt câu hỏi: “Ai là nhà văn trào lộng Quảng Nam tiêu biểu?” Tôi trả lời rằng theo nhiều người, thì đó là nhà văn Phan Khôi, vì Phan Khôi có nhiều đặc điểm của một người Quảng Nam hay cãi, ưa lý sự, hóm hỉnh, và cam đảm nữa.

Dưới đây là những chuyện có thực trong cuộc đời Phan Khôi, vừa táo bạo, vừa dí dỏm, nên được dân gian truyền miệng nhiều lần thành những giai thọai, xin được kể lại nhân Đại hội Đồng hương Quảng Nam Đà Nẵng tại Toronto và vùng phụ cận năm nay, sẽ được tổ chức vào lúc 6:30 chiều Thứ Bảy 24-10-2015, Nhà hàng Kingsley, 50 Kennedy South, Brampton, điện thoại 905-866-6688.

LÝ LUẬN PHAN KHÔI: Trước đây, khi môn luận lý học Tây phương bắt đầu được truyền bá vào nước ta, Phan Khôi tìm sách đọc và học theo lối lý luận Tây phương. Ông viết nhiều bài tranh luận rất sôi nổi trên các báo khắp nước. Từ đó, một thời trước năm 1945, trên báo chí xuất hiện nhóm từ ngữ “lý luận Phan Khôi” để chỉ những người “cãi hay”. Về sau, khi bị kẹt ở ngoài Bắc, sống dưới chế độ cộng sản (CS), bị CS đưa lên sống biệt lập (giam lỏng) ở một vùng trong chiến khu Việt Bắc, Phan Khôi cũng hay “cãi lý” mà không sợ bị CS trù dập. Tượng trưng cho lối “cãi lý” Phan Khôi dưới chế độ CS là bốn câu thơ ông viết năm 1952:

“Làm sao cũng chẳng làm sao,
Dẫu có thế nào cũng chẳng làm chi.
Làm chi cũng chẳng làm chi,
Dẫu có làm gì cũng chẳng làm sao.”

HỘI NGỘ CON GÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA: Sau hiệp định Genève (20-7-1954), Việt Nam bị chia hai ở sông Bến Hải (Quảng Trị), ngang vĩ tuyến 17. Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa [Việt Minh cộng sản] ở phía Bắc và Quốc Gia Việt Nam [sau đổi thành Việt Nam Cộng Hòa] ở phía Nam. Nhà cầm quyền CS đưa Phan Khôi từ vùng Việt Bắc về sống trong một phòng tại Hội Văn Nghệ Hà Nội, số 151 đường Trần Hưng Đạo (tức đường Gambetta trước 1954), gặp lại vợ con từ trong Nam tập kết ra Bắc.

Khi mới về Hà Nội, Phan Khôi được một người bạn đãi cơm. Trong bữa ăn, có món thịt gà. Đây là lần đầu tiên Phan Khôi được thưởng thức món thịt gà sau 9 năm bị Việt Minh ép tản cư lên chịến khu Việt Bắc vào năm 1946. Khi vào bữa ăn, vừa cầm đũa lên, Phan Khôi liền chỉ đĩa thịt gà trên mâm, nói rằng: “Chín năm nay, tao lại gặp mày.” (Hoàng Văn Chí chủ biên, Trăm hoa đua nở trên đất Bắc, Mặt Trận Bảo Vệ Tự Do Văn Hóa, Sài Gòn 1959, tr. 11.)

KHOAI NHẠC NGỰA: Đầu năm 1956, người ta giao cho Phan Khôi dịch một quyển sách từ tiếng Pháp qua tiếng Việt. Trong sách có chữ “pomme de terre”. Phan Khôi dịch chữ đó là “khoai nhạc ngựa”. Khi phê bình quyển sách nầy, báo Cứu Quốc ở Hà Nội, cơ quan truyên truyền của đảng Lao Động (tức đảng CS) đã chê Phan Khôi già nua, lẩm cẩm, dịch sai. Bài phê bình viết rằng chữ “pomme de terre” phải được dịch là “khoai tây”, sao lại dịch thành “khoai nhạc ngựa”?

Phan Khôi trả lời đại ý như sau: Ai cũng biết “pomme de terre”“khoai tây”, nhưng lâu nay, cán bộ phụ trách cấm ông ta dùng chữ “tây” và chữ “Tàu”. Ví dụ, khi Phan Khôi dùng chữ “đường tây” [đường trắng] thì bị sửa lại là “đường kính”; khi Phan Khôi viết chữ “chè Tàu”, thì bị sửa thành “chè Trung Quốc”; “thịt kho Tàu” thì đổi thành “thịt kho Trung Quốc”. Do đó, thể theo ý lãnh đạo, lần nầy chữ “pomme de terre”, ông không dịch là “khoai tây”, mà dịch là “khoai nhạc ngựa”, vì tiếng Trung Quốc gọi là “mã linh thự”. (Hoàng Văn Chí, sđd. tt. 23-24.) Lối viết thâm thúy dí dỏm của ông tú Nho học Phan Khôi kín đáo bóc trần sự dốt nát của lãnh đạo văn hóa CS, mà họ không bắt bẻ ông được. Người Tàu gọi khoai tây là “mã linh thự” (khoai nhạc ngựa) vì khoai tây Tàu tròn, nhỏ, mọc từng chùm như cái lục lạc đeo nơi cổ con ngựa. Người Việt gọi là khoai tây vì do người Tây dương du nhập vào Việt Nam.

TIẾNG NÓI SANG SẢNG: Cái đinh của Giai Phẩm Mùa Thu (tập 1), xuất bản tại Hà Nội ngày 29-8-1956 là bài viết của Phan Khôi, tựa đề là “Phê bình lãnh đạo văn nghệ”, dài 14 trang (khi in thành sách), cở chữ nhỏ. Trong bài nầy, phần dẫn nhập, Phan Khôi viết rằng trong thời gian chiến tranh, các văn thi sĩ chỉ nghĩ đến kháng chiến, nên sẵn sàng hy sinh, chín bỏ làm mười, không ai thắc mắc gì cả. Tuy nhiên, sau năm 1954, trở về Hà Nội, “lãnh đạo văn nghệ thành ra vấn đề, quần chúng văn nghệ thắc mắc với lãnh đạo.” Phan Khôi đưa ra ba vấn đề chính để phê bình. Đó là tự do của văn nghệ sĩ, vụ Giai Phẩm Mùa Xuân, và Giải thưởng Văn học 1954-1955.

Theo Phan Khôi, lúc đó tại Bắc Việt Nam, văn nghệ sĩ bị kềm kẹp một cách nghiệt ngã, “nhược bằng bắt mọi người phải viết theo lối của mình, thì rồi đến một ngày kia, hàng trăm thứ hoa cúc đều phải nở ra cúc vạn thọ hết.” Phan Khôi chỉ còn biết than với Nguyễn Đình Chiểu: “Cụ Đồ Chiểu ơi! Cụ Đồ Chiểu ơi! Ở thời cụ, cụ đã kêu: Ở đây nào phải trường thi,/ Ra đề hạn vận một khi buộc ràng! Thế mà ngày nay, bảy tám mươi năm sau cụ, người ta còn ra đề, dàn bài, lại còn hạn chữ cho tôi nữa đó cụ ơi! Tôi còn làm ăn được gì nữa cụ ơi! Tôi đâu còn là tôi đâu được nữa cụ ơi!”

Từ lãnh đạo như thế nên đưa đến phản ứng là Giai Phẩm Mùa Xuân. Rồi lại xảy ra những vụ chụp mũ phản động, mà theo Phan Khôi “thật là cái tội phản động ở xứ nầy sao mà ghép một cách dễ dàng quá.” Cũng vì lãnh đạo như thế nên mới đưa đến kết quả Giải văn học 1954-1955, mà “ở Hà Nội dư luận bàn tán xôn xao, nhiều người không phục, cho rằng có mấy tác phẩm trong đó không xứng đáng được giải.”

Chẳng những nêu danh những tác phẩm không xứng đáng, Phan Khôi còn đưa ra lối làm việc theo mệnh lệnh của Hội đồng chấm giải, lấy đa số hội viên trong hội để chèn ép “thiểu số tuyệt đối” là chính Phan Khôi. Điều khôi hài nhứt được Phan Khôi nêu ra là có tác giả vừa được sung vào ban chấm giải, vừa có tác phẩm dự giải, và sau đó lại được trúng giải. (Hoàng Văn Chí, sđd. tt. 59-72.)

Khi phê bình lãnh đạo văn nghệ, Phan Khôi phê bình luôn sự lãnh đạo của đảng Lao Động, bởi vì lãnh đạo văn nghệ là chi bộ đảng Lao Động trong Hội Nhà Văn, trực thuộc hệ thống đảng, và Phan Khôi phê bình luôn chế độ ông đang sống. Phan Khôi viết: “Dưới chế độ tư sản, sự đối lập là thường: nhân dân đối lập với chính phủ, công nhân đối lập với chủ xưởng, học sinh đối lập với nhà trường… Nhưng ở dưới chế độ của chúng ta, về mọi phương diện, yêu cầu phải không đi đến đối lập, hễ còn đối lập là còn hiện tượng không tốt, cái triệu chứng không tốt.” (Hoàng Văn Chí, sđd. tr. 61.) Một nước mà không có tiếng nói đối lập có nghĩa là một nước thiếu dân chủ hay độc tài.

Bài báo của Phan Khôi làm xôn xao dư luận Hà Nội. Báo Thời Mới, một tờ báo tư nhân còn sót lại ở Hà Nội lúc đó (1956), do Hiền Nhân chủ trương, (Nguyễn Minh Cần, Công lý đòi hỏi, California: Nxb. Văn Nghệ, 1997, tr. 70) đã gọi bài viết của Phan Khôi là một “quả bom tạ”, thả ngay tại thủ đô Hà nội. “Có người thốt lên rằng chín mười năm nay mới được nghe tiếng nói sang sảng của cụ Phan Khôi.” (Hoàng Văn Chí, sđd. tr. 26.) Giọng Quảng Nam vốn sang sảng, chói tai khó nghe, cộng thêm hào khí của Phan Khôi càng trở nên sang sảng trên văn đàn Hà Nội. Không lâu sau, báo của Hiền Nhân cũng bị đóng cửa.

BỌ XÍT, CỨT LỢN HAY CHÓ ĐẺ: Trong cuộc mít-tinh tại Quảng Nam tổ chức sau khi Việt Minh cướp chính quyền và thành lập chính phủ Dân Chủ Cộng Hòa ngày 2-9-1945, nhà cầm quyền Việt Minh lâm thời ở Quảng Nam mời Phan Khôi lên diễn đàn phát biểu ý kiến. Ông hoan nghênh nền độc lập dân tộc, nhưng khẳng khái tuyên bố ông không đồng tình với con đường chủ nghĩa CS. (Phan Cừ, Phan An, “Phan Khôi niên biểu”, đăng trong Chương Dân thi thoại của Phan Khôi, Nxb. Đà Nẵng tái bản, 1996, tr. 161.)
Sau vụ Nhân Văn Giai Phẩm năm 1956 và sau việc nhà cầm quyền Hà Nội không cấp giấy phép cho Phan Khôi in tập Nắng chiều vào năm 1957, Phan Khôi bị những văn nô CS đả kích mạnh mẽ. Trên báo Nhân Dân số 1501, ngày 12-4-1958, Thế Lữ, tác giả bài thơ nổi tiếng “Hổ nhớ rừng”, đã lên án Phan Khôi:

“…Phan Khôi phản cách mạng, ngấm ngầm chống đảng lãnh đạo cách mạng từ trong kháng chiến, đó là việc hiện giờ ta thấy rõ hiển nhiên… Phan Khôi vẫn khoe là được Hồ chủ tịch tặng một chiếc áo lụa, và kể cho tôi nghe một chuyến gặp Hồ chủ tịch. Chuyện được áo, tôi không thấy ông ta tỏ ra một ý nào là cảm kích. Phan Khôi không cảm thấy được rằng một cử chỉ đơn giản đó của Người biểu trưng cho một tình bao dung nhân ái rộng lớn dồi dào của đạo đức cách mạng…” (Nguyễn Minh Cần, sđd. tr. 33.)

Tập Nắng chiều không được xuất bản, nên không ai biết nội dung tập Nắng chiều. Sau bài phê bình của Thế Lữ, Phan Khôi bị đả kích tiếp trên báo Văn Nghệ số 15, tháng 8-1958. Lần nầy, Đoàn Giỏi phê phán “Tư tưởng phản động trong sáng tác của Phan Khôi”. Chính nhờ bài phê bình của Đoàn Giỏi mà bàn dân thiên hạ mới biết được phần nào nội dung của tập sách Nắng chiều chưa được xuất bản.

Bài báo của Đoàn Giỏi cho biết Nắng chiều gồm hai phần: truyện ngắn và tạp văn. Phần thứ nhứt gồm ba truyện ngắn” “Cầm vịt”, “Tiếng chim”, và “Cây cộng sản”. Phần thứ hai gồm bốn tạp văn mà Phan Khôi cho là đã chép lại sự thực chứ không phải tiểu thuyết. Đó là “Thái Văn Thu”, “Ông Năm Chuột”, “Chuyện ba ông vua Kiền Long, Quang Trung và Chiêu Thống”, và “Nguyễn Trường Tộ”.

Trong truyện ngắn “Cây cộng sản”, Phan Khôi mô tả loại cây nầy như sau: “… Có một thứ thực vật cũng như sen Nhật Bản ở xứ ta, trước kia không có mà bây giờ có rất nhiều. Đâu thì tôi chưa thấy, chỉ thấy ở Việt Bắc không chỗ nào là không có…”

Theo Phan Khôi, có nơi gọi loại cây nầy là “cỏ bù xít”, vì nó có mùi hôi như con bọ xít, có nơi gọi là “cây cứt lợn”, hoặc “cây chó đẻ”. Ông nói rằng những tên đó đều không nhã nhặn tý nào, người có học không gọi như vậy, mà nên Phan Khôi gọi là “cây cộng sản”. Phan Khôi viết tiếp:

“…Không mấy lâu rồi nó mọc cả đồn điền, trừ khử không hết được, nó lan tràn ra ngoài đồn điền. Cái tình trạng ấy bắt đầu có trong những năm 1930-1931 đồng thời với Đông Dương Cộng Sản Đảng họat động, phong trào cộng sản cũng lan tràn nhanh chóng như thứ cây ấy, cũng không trừ khử được như thứ cây ấy, cho nên bọn Tây đồn điền đặt tên nó là “herbe communiste”, đáng lẽ dịch là cỏ cộng sản, nhưng nhiều người gọi là cây cộng sản. Nó còn có một tên rất lạ … Hỏi ông [ông già Thổ mà Phan Khôi hỏi chuyện] tên nó là cây gì, ông nói tên nó là “cỏ cụ Hồ”. Thứ cỏ nầy trước kia ở đây không có, từ ngày cụ Hồ về đây lãnh đạo cách mạng, thì thứ cỏ ấy mọc lên, không mấy lúc mà đầy cả đường sá đồi đống, người ta không biết tên nó là gì, thấy nó cùng một lúc với cụ Hồ về thì gọi nó như vậy…” (Đoàn Giỏi, “Tư tưởng phản động trong sáng tác của Phan Khôi”, đăng trong Hoàng Văn Chí, sđd. tt. 89-96.)

Các truyện ngắn và tạp văn trong tập Nắng chiều đều bị bài báo của Đoàn Giỏi cho là mượn chuyện người xưa để xỏ xiên đời nay. Thông thường, người ta chỉ phê bình một quyển sách khi đã được in ấn và phát hành. Đàng nầy, tập Nắng chiều bị cấm đoán và không được phép in thành sách, vẫn còn trong dạng bản thảo, mà Đoàn Giỏi cũng đem ra phê bình,.

Trong khi phê bình, Đòan Giỏi trích dẫn nguyên bản những đọan văn sỉ nhục chế độ cộng sản. Chính vì lẽ đó, sau khi bài phê phán Phan Khôi được đăng báo, Đoàn Giỏi bị đảng Lao Động tức đảng Cộng sản kiểm điểm và kết tội giả vờ kiếm cớ phê phán Phan Khôi, để giới thiệu Nắng chiều cho mọi người biết một cách khái quát, nhắm bêu xấu chế độ. Sau đó, không thấy Đoàn Giỏi xuất hiện trên văn đàn. (Hoàng Văn Chí, sđd. tt. 89-96. Những trích đọan trong sách Nắng chiều của Phan Khôi đều được Hoàng Văn Chí rút ra từ bài viết của Đoàn Giỏi.)

Vào thời kỳ chế độ CS Việt Nam còn khắt khe và khép kín, ít có nhà văn nào sống dưới chế độ CS, ngay tại thủ đô Hà Nội của CS, mà dám chỉ trích nhà nước CS. Thế mà Phan Khôi lại công khai viết rằng CS là loại “bọ xít”, “hoa cứt lợn” hay “cây chó đẻ”. Thiệt là hết ý. Hết ý. Đúng là ông Quảng Nam hay cãi gàn quá cỡ thợ mộc.

Do những bài viết độc đáo đặc biệt của Phan Khôi, nhiều người cho rằng Phan Khôi là nhà văn trào lộng tiêu biểu của người Quảng Nam. Người Quảng Nảm thường hay cãi, nhiều khi cãi quá hăng nữa, nhưng lại có tính trào lộng và tự trào tức tự giễu về mình.

Để có dịp nghe thêm và trao đổi với nhau những chuyện hay cãi, cãi hăng và trào lộng vui tính của người Quảng Nam, xin mời mọi người đến gặp nhau tại Đại hội Đồng hương Quảng Nam Đà Nẵng vùng Toronto và phụ cận, sẽ tổ chức vào lúc 6:30 chiều Thứ Bảy 24-10-2015 tại Nhà hàng Kingsley, 50 Kennedy South, Brampton.

Hy vọng sẽ được gặp đông đủ bà con đồng hương vào ngày Đại hội.

TRẦN GIA PHỤNG
(Toronto, Canada)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn