BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 77507)
(Xem: 63336)
(Xem: 40784)
(Xem: 32413)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Người đàn ông đeo cây thánh giá

13 Tháng Mười 201512:00 SA(Xem: 3148)
Người đàn ông đeo cây thánh giá
50Vote
40Vote
30Vote
29Vote
10Vote
29
1993

Tháng 6, thời kỳ gay gắt của việc kết cung. Một buổi chiều, người sĩ quan chấp pháp mặc đồ dân sự nói giọng nam đợi tôi ở một căn phòng trên tầng ba của dãy thẩm vấn điều tra B34 Bộ Nội Vụ 2. Hai sĩ quan áp giải đóng lại cánh cửa màu vàng nhạt sau khi tôi đã ngồi xuống chiếc ghế đối diện vơí người sĩ quan thẩm vấn, ngăn cách bởi một chiếc bàn gỗ.

Trên bàn hai chiếc gạt tàn thủy tinh lớn còn lam nham vài đầu tàn thuốc đã ngắt khói, một khay inox vơí 4 cái tách màu trắng đục sạch sẽ, một bình trà… tất cả đều bằng sứ.

Đây là người sĩ quan của cục an ninh điều tra A 24, người duy nhất nói giọng miền nam mà tôi biết được kể từ khi bị bắt và qua nhiều buổi thẩm tra. Trong hầu hết các buổi thẩm tra khác, ông làm nhiệm vụ thư ký và rất it khi lên tiếng. Hôm nay ông đến một mình.

Một mình ngồi với tôi sau khi nói hai sĩ quan bảo vệ rời khỏi vị trí trực đợi ở chiếc ghế kê sát ngay cửa phòng, lối hàng lang. Tôi nhìn những vật dụng bằng sành sứ và thủy tinh, thoáng hiểu là đã có một sự thay đổi nào đó rất quan trọng trong quan hệ tình cảm giữa ông và tôi vì nguyên tắc, tất cả các vật dụng trong lúc thẩm tra như bút, ly cốc uống nước, gạt tàn thuốc lá … đều phải là bằng nhựa hoăc bằng gỗ và người sĩ quan cảnh vệ với súng ngắn luôn luôn ngồi trực ở cửa ra hành lang.

Đây là một sự không bình thường.

Ông với tay kéo bình trà, nhẹ nhàng lật ngửa và rót trà ra hai tách, câu mời vắn gọn bằng giọng miền nam mà tôi dường như nghe rất quen. Cầm tách trà đưa lên miệng nhấp, mùi thơm của trà búp không pha tạp làm tôi cảm thấy dễ chịu. Xa xa, tiếng ồn của các loại xe hai bánh vọng qua khung cửa sổ, những âm thanh tôi đã rất thèm được nghe từ mấy tháng nay.

- Anh sắp ra toà. Từ nay đến khi ra toà tôi sẽ ghé vào đây mỗi 4 hay 5 ngày một lần. Tôi sẽ gọi anh lên đây và ai làm việc nấy. Chuyện kết cung của anh sẽ do mấy anh em khác làm. Tôi gặp anh, nguyên tắc là làm việc bổ xung cho bản cung…

Tôi yên lặng, thấy không cần thiết để hỏi lý do.

- Tôi nghĩ anh sẽ có vài giờ thoải mái khi anh rời buồng giam!

Tôi nói nhỏ lời cám ơn rồi hướng mắt ra vòm cửa sổ, nơi nếu đứng bên cạnh ngạch cửa, có thể nhìn thấy ngã sáu Cộng Hoà với con đường Hồng Thập Tự nhiều cây cao cổ thụ dẫn ra tận vườn Bách Thú, nơi những năm 80 tôi thường ngủ ngồi trên chiếc xích lô cà tàng vào những buổi trưa nắng gắt.

- Anh sống ở Sài gòn nhiều năm không?

Tôi thấy ấm lòng khi nghe ông ta nói hai chữ Sàigòn. Xoay xoay tách trà tôi đáp: « Không nhiều, thưa ông! Đâu hai, ba năm. »

- Ba tui tập kết, tui sanh ngoải!

Ngần ngừ một chút, ông tiếp: « Việc mấy anh làm, tôi và anh sẽ không nói đến chuyện đúng hay sai! Anh có lý tưởng của anh. Tôi có bổn phận của tôi. Gặp nhau trong bối cảnh này, anh và tôi là hai thằng đàn ông, cùng là yêu mến mảnh đất này. Chấm hết … »

Ngừng một chút nữa, ông chậm rãi:

- Có điều tôi muốn hỏi anh một chuyện ngoài lề, không liên quan gì đến vụ án của anh. Anh không trả lời cũng không sao, nhưng nếu trả lời, tôi xin anh trả lời thật lòng. Chuyện này chỉ tôi và anh biết…

- Xin ông cứ hỏi, trả lời được tôi sẽ trả lời.

- Anh biết anh Nguyễn Thanh Vân ở Mỹ?

- Thưa không!

- Anh biết anh Trịnh?

-Thưa không?

- Anh biết Phú Cam?

- Thưa biết!

- Anh biết Jim Mạnh Quỳnh?

- Thưa không?

- Hoàng duy Hùng?

- Thưa không?

- Lê Thiện Quang?

- Thưa không?

- Lạ nhỉ!..

Viên sĩ quan an ninh phản gián không dấu được nét tư lự đăm chiêu. Tôi nói thêm: «Tôi thật sự không biết những người ấy …»

- Tất cả các anh đều là người công giáo! Trong vòng chưa đầy một năm, 5 vụ án hải ngoại xâm nhập vào Sàigòn chủ yếu đều là người công giáo, toàn công giáo 54 Quảng Bình và Phát Diệm! Với tôi cũng như bên điều tra, đều nghĩ rằng các anh có liên đới chặt chẽ vơí nhau, nhưng suốt quá trình thẩm cung, lại không hề thấy sự nói kết … vì thế tôi mới hỏi trực tiếp anh. Tôi nghĩ anh không cần dấu tôi điều này …

- Vợ tôi người công giáo!... sắp là vợ thì đúng hơn – Người sĩ quan thẩm tra có vẻ bối rối, chắc ông nghĩ là tôi đang xem các câu hỏi của ông là … nghiệp vụ - Ông tiếp.

- Niềm tin của các anh thật lạ lùng! Bà nhà tôi cũng vậy. Suốt thơì gian thẩm cung anh, tôi thấy suy nghĩ của anh và bà nhà tôi rất giống nhau … có một điều gì đấy mãnh liệt, làm các anh vượt lên cả nỗi sợ chết. Điều này làm tôi lạ lùng và thật sự là không thể không kính trọng!

... Câu chuyện rồi chìm vào những lo toan cho buổi ra tòa. Tôi không biết họ đối xử vơí tôi ra sao vì sự cương quyết không nhận luật sư của mình. Chắc chắn là tôi chẳng được quyền cãi tay đôi với họ. Những suy luận và lo lắng về hai án tử hình không biết sẽ rơi vào ai, vào Phạm Dũng, vào Ngọc Đăng hay vào tôi. Người đầu vụ là Trần Tư thì đã trực tiếp làm chim mồi cho cánh an ninh phản gián bắt Moris Đỗ Hườn và anh em vào từ Nha Trang, điều này qua 6 tháng vần cung, tôi đã có thể chắp nối được để hiểu chắc chắn hai bản án tử sẽ không rơi vào Trần Tư. Tôi hoàn toàn không biết là chính tôi cũng dính bẫy hỏa mù, vì họ đã không dám tử hình ai trong hoàn cảnh ấy (1992/1993), dù tôi là bị bắt trực tiếp tại nơi tập trung gần như toàn bộ thuốc nổ đã chế tác thành mìn với số lượng chóng mặt!



Cho đến khi chiếc xe U Oát chở đoàn tù từ Chí Hòa lăn bánh vào sân trại A 20. Từ trong cổng khu cách ly tôi nhìn thấy giáo sư Đoàn Viết Hoạt và dáng người không lẫn vào đâu được của Lê Thiện Quang. Tôi nhận được Lê Thiện Quang là nhờ ở mấy bài viết của mấy tờ báo Pháp Luật hay Thanh Niên, Tuổi Trẻ gì đó… có hình rất rõ của Lê Thiện Quang với một dáng đứng có một không hai trước toà cộng sản. Dáng đứng ấy, không khí phách ắt không thể nào dám thể hiện. Tôi "kết" ngay cái dáng người ấy nên mọi hành vi cử chỉ của Lê Thiện Quang tôi đều kín đáo săm soi.

Lê Thiện Quang, người tù đi qua các trại Bạch Đằng, Phan Đăng Lưu và Chí Hòa (Sài Gòn), Z30D Hàm Tân, A20 Phú Yên, Trung Ương 5 Đầm Đùn Lam Sơn và Ba Sao Phủ Lý Nam Hà. Cựu Biệt Kích Nha Kỹ Thuật Quân Lực VNCH, thất bại Mission no 1 (đánh sập tượng đài hồ chí minh ở Sàigòn năm 1992). Án tuyên 14 năm. Gốc Công giáo La Vang. Đột tử một cách khó hiểu sau khí mãn án tù vài năm...


Nơi cần cổ thân hình cường tráng ấy có đeo một sợi dây dù và cây thánh giá gỗ đã lên nước nâu bóng. Cây thánh giá chỉ bằng gần cỡ ngón tay út. Mỗi bữa ăn, dù thanh đạm đến đâu, người đàn ông ấy cũng nhẹ nhàng làm dấu thánh giá trưóc khi cầm đũa. Hơn một năm ở A 20 như vậy cho đến ngày nổ ra vụ «nổi loạn» tháng 10.1994, sau gần ba tuần cùm giam họ tống tôi lên chiếc xe đặc chủng bọc thép bít bùng để đi bắc.

Từ nhà cùm bước ra, bóng Quang đã đổ dài trên nền sân dưới ánh nắng ban mai. Bên cạnh Quang là Phạm anh Dũng, Tu sĩ Mai đắc Chương, cựu nghị viên Trần văn Lương, cựu đại úy Đỗ hồng Vân, Michel Nguyễn Muôn. Trên cỗ xe trần ai ấy có năm người Thiên Chúa giáo là Tu sĩ Đồng Công Mai đắc Chương, cựu nghị viên Trần văn Lương, Biêt Kích Lê Thiện Quang và tôi cùng Nguyễn ngọc Đăng là hai « việt kiều »!

10 người trong chiếc xe đầy ải, sống dở chết dở sau hơn 20 giờ cùm xích, ôm chiếu đứng trước buồng tù 2A của trại 5 Lam Sơn Đầm Đùn vào lúc 4h sáng, bắt đầu một cuộc sống cùng cực nghiệt ngã nơi được mệnh danh là « chỉ có tù, tập kết và...khỉ là sống được » (1).

Nơi trại tù này, trong khu biệt giam sực nức mùi hoa cẩm chướng, lay-ơn… hàng ngày tôi ngồi bệt dưới thềm xi măng cùng với hai người cùng khổ khác, Lê Thiện Quang và Trần văn Lương với mâm cơm chỉ có nước muối và vài cọng rau bẩn. Mâm cơm có thể đếm được từng hạt cơm quí báu, dù đã ngả màu vàng ố.

Hàng ngày, hàng bữa, anh vẫn lặng lẽ làm dấu thánh giá trước khi cầm đũa. Ân cần, thanh thản, nhẹ nhàng và kiên trì … trước bất cứ sự nhiễu động nhìn ngó nào, hình sự giết người hay quản giáo cuồng cộng vô thần. Ở anh, cách biểu dương đức tin ấy đã gần như một sự sống của cuộc đời. Một cuộc đời chan hoà yêu thương với anh em, dứt khoát với sự ác và nghiêm khắc với chính mình.

Sống với anh được hơn 4 năm thì tôi bị trục xuất (về Pháp). Buổi sáng bất ngờ từ giã, anh ném cho tôi chiếc áo còn lành lặn nhất không bị đóng bản mực "Cải Tạo". Ra phòng xét đồ, chiếc áo ấy bị giữ lại cùng hai đầu đạn mà Đinh văn Bé lấy được từ thân xác ông Hoàng cơ Minh lúc đào xác và vùi chôn lại lần hai (1987); hai đầu đạn AK tôi dấu dưới đế giày đã gần 6 năm, không biết phía an ninh VC họ làm gì với hai chiếc đầu đạn ấy cùng chiếc áo ân tình của Lê Thiện Quang?

Giờ đây, ngồi viết những giòng này về một ngươì anh đáng kính, người đồng chí kiên trinh và là người đồng đạo chân thành. Tình cảm dây lên như sóng sông rộng dài bát ngát...

Anh đã bỏ chúng tôi lại trên hành trình trăm lối. Nơi anh đến chắc chắn phải là vùng ánh sáng của một niềm tin vĩ đại. Nơi ấy, chắc chắn anh vẫn giữ nụ cười khoan dung hòa ái với anh em, như niềm tin bất khả chuyển lay của anh về một sự sống vĩnh hằng sau cái chết của xác thân hư tàn.

Nơi anh đến, chắc chắn sẽ chẳng bao giờ quên được những tháng ngày lao tù đói khát và rét lạnh nơi vùng đất hiểm hốc Lam Sơn đầy chướng khí. Nơi có những đêm cả đám tù từ miền nam đều không ngủ được vì quá đói và quá rét! Nơi mà miền nam không bao giờ có! Miền nam, nơi không bao giờ con người có thể đối xử với nhau được như vậy!

Tạ ơn đất trời đã cho chúng ta quen biết nhau, hơn nữa, đã thương mến nhau như hoăc hơn cả tình ruột thịt. Miếng cơm nhà tù Thanh Hoá thời 1995 rất to và rất nặng! Chiếc « cần cẩu cân cơm » chỉ nghiêng ngửa vài ly thôi là đã có thể xảy ra án mạng nơi các đội tù hình sự… vậy mà trong suốt tháng đầu tiên khi đặt chân ra đất bắc, chén cơm của anh lúc nào cũng vơi đi một muỗng đầy để gạt sang cho tôi! « Út lớn con lại vừa ra cùm, thêm chút nào hay chút nấy. Anh quen rồi … ». Ba anh em ngồi vơí nhau, sáu cái đầu gối chỏng trơ bên ba khuôn mặt tái mét vì sự cộng hưởng của đói và rét. Họ không cho chúng tôi mua bán bất cứ thứ gì! 5 tháng trời ba người tù sống như ba nhà tu hành xác kiểu khô thiền!

Trại tù cộng sản, nơi có những phương sách cao siêu để triệt tiêu nhân cách và khí phách con người nhưng đã phải thúc thủ trước sức mạnh niềm tin của anh. Anh không ồn ào kinh kệ, không xe xua rao giảng quyền năng Thiên Chuá, không trình bày thể hiện…. tất cả là một sự nhẹ nhàng của một người lính công giáo đã thoát phàm, coi sự chết chóc, đe dọa, hành hạ … như câu chuyện bèo dạt mây trôi.

- Đã đến lúc ta phải trả bớt nợ nần cho anh em ta – anh nhẹ nhàng tâm tình trong một buổi trưa, bên đống đá vừa đập xong. Câu chuyện lương giáo đã có những giai đoạn đẫm máu oan cừu! Khác biệt văn hoá đã dẫn đến những phản ứng cực đoan cho cả hai phiá! Đã đẩy xô giáo dân công giáo những trăm năm trước phải đứng về phiá thế lực xâm lăng để bảo vệ niềm tin của mình! Cái giá tử đạo đã quá đắt, hằn tấy vào lịch sử thành những vết thương sâu hoắm…

Tôi im lặng không nối tiếp câu chuyện quá khứ tang tóc đã làm tiêu tan biết bao sinh lực của dân tộc! Buổi trưa mùa đông ánh nắng vật vờ, nhìn dáng anh đăm chiêu, đâu đó như ẩn hiện hình hài một bậc sĩ phu đăm đăm đứng nhìn thời cuộc can qua, thổn thức trước cảnh lòng dân tơi bời lạc loạn!

Thật hiếm hoi để có được một tâm thức công giáo rành rọt như anh, một người công giáo sinh ra từ vùng đất La Vang Phú Cam, vùng đất từng chịu những cảnh truy bắt sát hại khủng khiếp thời Bình Tây Sát Tả của phong trào Văn Thân!

…Nơi xa xăm đó, ước mong anh không quên chúng tôi, đang dần kiệt lực trên hành trình xiển dương và bảo vệ công lý, cho mình và cho cộng đồng dân tộc anh em nghèo khó của chúng ta.

Paris mùa Thu
10.10.2015
Phạm Văn Thành

Nguồn http://pham-v-thanh.blogspot.com/2015/10/nguoi-ong-eo-cay-thanh-gia.html

1: lời của người sinh ra từ nông trường Sao Vàng, một Nông Trưòng tập trung dân miền Nam tập kết ra bắc đã phát sinh sự chống đối cộng sản thời 1968, lời này do chính cán bộ cai tù nói lại với tôi.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn