BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73315)
(Xem: 62231)
(Xem: 39418)
(Xem: 31165)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Cha Ông Ta Đem Gươm Đi Mở Cõi

17 Tháng Giêng 200812:00 SA(Xem: 1214)
Cha Ông Ta Đem Gươm Đi Mở Cõi
54Vote
40Vote
30Vote
20Vote
11Vote
4.25
Nhìn vào lịch sử 4000 năm của dân tộc ta, mỗi khi tinh thần tiến thủ của dân tộc ta dâng cao, thì đất nước phát triển không ngừng, cha ông ta từng bước tiến xuống phương Nam và vươn ra Biển Đông để mở mang bờ cõi. Và mọi người dân Việt Nam, khi mang trong mình dòng giống Lạc Hồng, đều ghi nhớ công ơn của Tổ Tiên, nguyện kế thừa truyền thống hào hùng của cha ông, quyết đưa nước ta thoát khỏi thân phận một nước nhỏ bị nước lớn áp bức.


Bản đồ Việt Nam từ năm 1599, Hoàng Sa thuộc Việt Nam (Giovanni Botero 1540-1617 Southeast Asia)


Từ thuở Hồng Bàng dựng nước, các Vua Hùng định đô ở Kinh đô Văn Lang (Nay thuộc tỉnh Phú Thọ), Tổ Tiên ta từ vùng trung du đã tiến xuống đồng bằng Sông Hồng và tiến ra biển. Truyền thuyết 50 con theo mẹ Âu Cơ lên rừng, 50 theo mẹ xuống biển đã nói lên cá tính của dân tộc Việt Nam ta; "Việt" có nghĩa là di chuyển vượt lên phía trước, dùng để chỉ tộc người luôn đi đến những vùng đất mới.

Đến thời Vua An Dương lập nước Âu Lạc, cho xây thành Cổ Loa làm kinh đô (Nay thuộc huyện Đông Anh, Hà Nội), biên giới nước ta đã mở rộng đến khắp vùng Đồng Bằng Bắc Bộ. Nay ở huyện Diễn Châu, Nghệ An vẫn còn đền thờ An Dương Vương. Tục truyền rằng, nơi đây ông đã tự vẫn khi bị giặc đuổi đến cùng đường, cho thấy biên giới nước ta thời đó đã mở rộng đến vùng Thanh Hóa - Nghệ An ngày nay.

Sau nghìn năm Bắc Thuộc, kể từ khi Họ Khúc đặt nền móng xây dựng nền tự chủ, rồi đến Ngô Quyền đại phá quân Nam Hán mở ra kỷ nguyên độc lập, dân tộc ta bước vào cuộc trường chinh kéo dài hàng nghìn năm tiến xuống phương Nam. Sự kiện đặt dấu mốc đầu tiên được lịch sử ghi nhận công đầu thuộc về Trạng Nguyên Hồ Hưng Dật, ông là Thuỷ Tổ của họ Hồ ở Việt Nam. Cuối thời Nhà Ngô, đất nước lâm vào loạn 12 xứ quân, Hồ Hưng Dật theo Vua Đinh Tiên Hoàng đi đánh dẹp. Hết chiến tranh, ông xin về giúp dân mở mang hương Bào Đột (Nay là xã Quỳnh Đôi, Nghệ An), nơi đây là cội nguồn của các dòng họ phát triển rộng ra khắp vùng Nghệ An - Hà Tĩnh ngày nay.

Năm 1010, Lý Thái Tổ lên ngôi vua lập ra Triều Lý, ông cho rời đô từ Hoa Lư về Thăng Long (Hà Nội). Dưới thời Nhà Lý, nước ta có một nền độc lập vững chắc, đây cũng là thời kỳ nền văn hiến dân tộc được phát huy, tạo vị thế đất nước ngày càng lớn mạnh. Sau những chiến công hiển hách của danh tướng Lý Thường Kiệt - Đánh giặc Tống phương Bắc, dẹp giặc Chiêm phương Nam - biên giới nước ta tiến xuống miền duyên hải Trung Bộ (Vùng Quảng Bình - Quảng Trị ngày nay).

Đầu thế kỷ 13, Nhà Trần lên thay nhà Lý, lãnh đạo đất nước đánh thắng cả 3 lần giặc Nguyên xâm lược. Năm 1306, Vua Trần Nhân Tông gả Công Chúa Huyền Trân cho Vua Chế Mân của Chiêm Thành để đổi lấy đất Thừa Thiên - Huế. Từ đó đến nay, Huế đã 700 năm tuổi. Và cuộc hôn lễ của Huyền Trân Công Chúa đã đi vào lịch sử dân tộc như một dấu mốc quan trọng trong quá trình đem gươm đi mở cõi của cha ông ta.

Đến thời Nhà Lê, các dòng họ người Việt tiếp tục tiến xuống phương Nam, mở mang vùng đất Quảng Nam, từ đó có câu ca giao: "Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm. Rượu hồng đào chưa uống đã say." nói lên nỗi niềm của những người Việt xa quê, đi khai khẩn vùng đất mới.

Nhà Lê suy vong, các thế lực phong kiến nổi lên tranh dành, chém giết nhau với danh nghĩa "Phục Lê", đất nước lâm vào cuộc nội chiến Nam - Bắc tàn khốc giữa hai thế lực họ Trịnh và họ Mạc. Kể từ khi Chúa Nguyễn Hoàng ra trấn thủ biên giới, rồi kiêm trấn thủ Thuận Hóa (Thừa Thiên - Huế) để xây dựng cơ sở cát cứ lâu dài, bắt đầu cho một cuộc nội chiến còn khốc liệt hơn, đó là cuộc nội chiến Trịnh Nguyễn phân tranh. Đất nước bị chia cắt thành xứ Đàng Trong và Đàng Ngoài. Nhưng đây cũng là thời kỳ mà chí tiến thủ của dân tộc ta dâng cao mạnh mẽ nhất. Ở xứ Đàng trong, các dòng họ đi theo Chúa Nguyễn khai khẩn, mở mang xuống tận vùng đất Nam Bộ và vươn ra Biển Đông khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Các Chúa Nguyễn với tầm nhìn xa trông rộng đã tổ chức ra các hải đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải để bảo vệ vững chắc chủ quyền trên các hải đảo, kiểm soát vùng biển rộng lớn. Xứ Đàng Trong khi đó là một vùng đất giàu có, việc buôn bán với nước ngoài rất phát triển, có nhiều thương thuyền và thương cảng lớn. Hội An đã từng là một thương cảng sầm uất bậc nhất ở Châu Á thời bấy giờ.


Bản đồ Việt Nam từ năm 1792, Hoàng Sa thuộc Việt Nam (Bowen & Gibson Southeast Asia)


Năm 1802, Vua Gia Long thống nhất giang sơn, sáng lập ra Triều Nguyễn. Ông tiếp tục khẳng định và thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Năm 1816, Nhà Vua lệnh cho thủy quân, với sự hướng dẫn của dân binh hải đội Hoàng Sa, đi xem xét, đo đạc thủy trình và vẽ bản đồ. Các chiến thuyền đi đến đâu, cắm cột mốc tới đó để lưu dấu, đồng thời dựng bia chủ quyền trên các hải đảo. Lực lượng thủy quân làm nhiệm vụ xác lập và thực thi chủ quyền trên các hải đảo là "Lực lượng đặc nhiệm", được Vua trực tiếp theo sát và ra chỉ dụ, cho thấy tầm quan trọng chiến lược của Hoàng Sa và Trường Sa.

Từ xưa đến nay, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa luôn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng ở khu vực Châu Á và trên cả Thế giới, trải dài trong vùng biển với diện tích khoảng 160.000 km2. Biển tuy rộng, bằng một nửa diện tích lãnh thổ đất liền của nước ta, nhưng diện tích các đảo, bãi đá, bãi nổi lên khỏi mặt nước lại rất ít, chỉ tổng cộng khoảng 11 km2.

Không có một vùng biển nào trên Thế giới lại có tầm quan trọng về giao thông như Biển Đông. Biển Đông nằm ngay trên ngã tư đường hàng hải quốc tế, đặc biệt lượng hàng hóa quan trọng như dầu lửa, khí đốt đến Nhật Bản và Trung Quốc đều đi qua ngả này. Nếu lấy giữa Biển đông làm trung tâm nhìn ra thế giới, ta sẽ thấy trong vòng bán kính 1.500 đến 2.500 hải lý, có rất nhiều hải cảng quan trọng của các nước, bao trùm hầu hết lãnh thổ các nước đông dân nhất thế giới. Vì vậy, nước nào chiếm được Hoàng Sa và Trường Sa, thì sẽ kiểm soát được toàn bộ giao thông trên vùng biển quan trọng này.

Việc khai thác tài nguyên trên biển là ưu tiên hàng đầu của mỗi quốc gia, nhờ có sự phát triển của khoa học - kỹ thuật mà nhiều tài nguyên quý giá dần được khai thác từ lòng biển. Chúng ta cần giữ vững chủ quyền đối với nhiều hải đảo để có thể kiểm soát nhiều lãnh hải và khai thác được nhiều tài nguyên biển. Từ khi có sự thăm dò cụ thể dầu khí ở Biển Đông, các nước trong khu vực và Trung Quốc bắt đầu quan tâm nhiều hơn đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, dẫn đến tranh dành chủ quyền với Việt Nam tại hai quần đảo này.

Vì có vị trí quan trọng như vậy, nên Hoàng Sa và Trường Sa có tầm quan trọng chiến lược cả về kinh tế lẫn quân sự, nếu mất hai quần đảo này thì Việt Nam chỉ còn là một nước nhỏ bị cô lập, không còn nguồn lực để phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng bị đe doạ nghiêm trọng.

Việc Chúa Nguyễn, rồi sau này là các Vua Nguyễn, liên tục thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chứng minh thời đó cha ông ta đã nhận rõ vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng của Biển Đông, nhờ đó xác lập và thực thi chủ quyền liên tục và vững chắc.

Ngày nay, chính quyền Cộng sản tỏ ra yếu kém mọi mặt, không những đưa đất nước ngày càng tụt hậu với thế giới, mà còn để mất đất, mất biển vào tay Cộng sản Trung Quốc. Đảng Cộng sản không còn xứng đáng với vai trò lãnh đạo, không xứng đáng với công ơn của Tiền Nhân đã chiến đấu anh dũng để có được đất nước như hôm nay, họ đã mắc tội với dân khi làm tay sai cho Cộng sản Trung Quốc.

Từ ngàn đời nay, người Trung Quốc luôn tự cho mình là trung tâm của thế giới, họ coi các nước láng giềng trong đó có Việt Nam là các vệ tinh, chỉ được đi theo quỹ đạo của Trung Quốc. Chưa bao giờ Trung Quốc từ bỏ dã tâm thôn tính Việt Nam, biến nước ta thành chư hầu, chịu sự áp đặt đường lối của họ. Để thực hiện dã tâm đó, nhà cầm quyền Trung Quốc một mặt điều khiển, thao túng Đảng Cộng sản Việt Nam, mặt khác họ khống chế, chi phối toàn bộ nền kinh tế nước ta bằng hàng hoá giá rẻ của Trung Quốc.

Mối quan hệ giữa Cộng sản Việt Nam và Cộng sản Trung Quốc là quan hệ "cộng sinh". Cộng sản Trung Quốc đã biến Việt Nam thành "Tấm lá chắn đỏ" để ngăn chặn sự xâm nhập của "Chủ nghĩa Tư bản" từ khu vực Đông Nam Á. Còn Cộng sản Việt Nam cần dựa vào thế lực của Trung Quốc để giữ chế độ độc tài.

Nhưng sự thật, Trung Quốc chưa bao giờ có XHCN, mà chỉ có chủ nghĩa bá quyền, luôn lăm le xâm chiếm nước ta. Chỉ trong vòng 30 năm mà Cộng sản Trung Quốc đã hơn 2 lần phát động chiến tranh để chiếm đất chiếm biển của ta. Những bước đi gần đây của Cộng sản Trung Quốc cho thấy họ đã chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc chiến lớn để chiếm toàn bộ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Khi người dân quá bức xúc trước hành động xâm lược của Trung Quốc, lên tiếng phản đối và tổ chức biểu tình, thì chính quyền Việt Nam lại tìm mọi cách ngăn chặn. Cộng sản Việt Nam lo sợ phong trào yêu nước của người dân dâng cao sẽ có nguy cơ tạo ra xung đột với Trung Quốc, việc này có thể dẫn đến mất chế độ.

Trung Quốc đang lấn tới thực hiện dã tâm xâm lược, còn chính quyền Cộng sản Việt Nam tỏ ra nhu nhược và yếu hèn. Bọn cơ hội đang thao túng, lũng đoạn Đảng, chúng làm tay sai cho Trung Quốc. Dân ta lại một lần nữa đứng trước nguy cơ mất nước.

Đất nước Việt Nam anh hùng chưa từng khuất phục các thế lực ngoại xâm, nhân dân ta dũng cảm kiên cường đánh thắng mọi kẻ thù hùng mạnh nhất. Hãy để sự kiện hôm nay như lời thúc giục toàn dân đứng lên để giữ nước. Mỗi tấc đất, tấc đảo là thiêng liêng, bất khả xâm phạm, quyết không thể để mất.

Việt Nam, ngày 17 tháng 1 năm 2008
Vũ Hải Đăng
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn