BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73310)
(Xem: 62228)
(Xem: 39416)
(Xem: 31161)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Nhà nước và Cách mạng

15 Tháng Mười 200712:00 SA(Xem: 1031)
Nhà nước và Cách mạng
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00

(Quan niệm không tưởng của Hồ Chí Minh về Nhà nước và Cách mạng)


Báo sự thật, số 120, ngày 15-10-1949 có đăng bài viết của Hồ Chí Minh: "Nước ta là nước Dân chủ; Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương đều do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân."

Ngày 15 tháng 10 năm 2007, 58 năm sau nhìn lại chúng ta đánh giá được gì? Qua việc giải thích về một nhà nước của dân, do dân và vì dân, Hồ Chí Minh muốn khẳng định rằng người dân Việt Nam đã thực sự được hưởng một nền Dân chủ, trở thành người làm chủ, còn chính quyền thì là công bộc của dân. Nhưng sự thực thì không phải vậy. Điều 4 bản Hiến pháp đã phủ nhận lập luận trên vì Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, nghĩa là khẳng định Quyền uy của Đảng, về vấn đề này Ăng-ghen đã viết: "Quyền uy phải lấy phục tùng làm tiền đề", vì vậy vai trò lãnh đạo của một người hay một tổ chức chỉ có thể được xây dựng trên cơ sở cưỡng bức số đông phải phục tùng thiểu số. Đảng Cộng sản là đảng cầm quyền, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, sử dụng công cụ bạo lực của Nhà nước để cưỡng bức quần chúng nhân dân phải phục tùng Quyền uy của Đảng.

Như vậy, Nhà nước đã trở thành công chuyên chính của Đảng, dùng để trấn áp những lực lượng chống đối những ai không đi theo Đảng. Nếu quần chúng ngoan ngoãn phục tùng Quyền uy của Đảng, thì họ sẽ được ban cho một ân huệ là "Trở thành người làm chủ", còn nếu ai chống lại thì bị quy kết là phản động, họ sẽ bị đàn áp không thương tiếc. Như vậy ở đây, "Dân chủ phải lấy phục tùng làm tiền đề". Theo tư tưởng Hồ Chí Minh một Nhà nước Dân chủ phải là công cụ chuyên chính của Đảng, một nền Dân chủ phải lấy phục tùng Quyền uy của Đảng làm tiền đề, tư tưởng này đã trở thành một biến tướng của khoa học, đây là bước thụt lùi về lập trường tư tưởng của Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam.

Với một thể chế Đảng trị, mọi quyền của người dân đều được đặt dưới sự phục tùng Quyền uy tối thượng của Đảng, nghĩa là không có một chút Tự do - Dân chủ nào, bởi vì phục tùng Quyền uy tối thượng đồng nghĩa với việc đánh mất tự do. Nhưng người dân đã bị làm cho u mê bởi những quan niệm không tưởng của Hồ Chí Minh về Nhà nước và Cách mạng, họ sống dưới ách thống trị của Đảng nhưng lại nghĩ mình đang được hưởng một nền Dân chủ, họ tưởng rằng chính quyền này là một chính quyền lý tưởng của dân, do dân và vì dân, họ quên mất rằng chính quyền thực chất chỉ là công cụ chuyên chính của Đảng, dùng để đàn áp các phong trào Dân chủ.

Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản đã đi ngược lại chủ nghĩa Mác khi đưa ra lý luận về Nhà nước vô sản là nền chuyên chính của toàn thể nhân dân, họ gọi đó là nhà nước kiểu mới, chưa từng có trong lịch sử. Quả thực nhà nước đó chưa từng có trong lịch sử, và cũng chưa từng xuất hiện trong các tác phẩm của Mác.

Trong toàn bộ các tác phẩm của mình, Mác chưa bao giờ nhắc đến một hình thái nhà nước nào là nền chuyên chính của toàn thể nhân dân, Mác luôn cố gắng giải thích về lịch sử đấu tranh giai cấp, qua đó chứng minh bản chất của nhà nước là chuyên chính của giai cấp, dùng để trấn áp các giai cấp đối kháng. Nhà nước là lực lượng sinh ra từ xã hội, nhưng lại tự đặt mình lên trên xã hội và ngày càng trở nên xa lạ với xã hội, nhà nước nào cũng là bộ máy bạo lực của giai cấp với sự hoàn bị của các tổ chức Quân đội, Công an, Tòa án và các nhà tù, sẵn sàng đàn áp các bạo động chống lại lợi ích của giai cấp. Sức mạnh bạo lực khiến cho nhà nước trở nên xa cách với xã hội, lại càng xa cách hơn với quần chúng, vì vậy nhà nước chỉ có thể là đại biểu trung thành cho lợi ích của giai cấp chứ chưa bao giờ là nền chuyên chính của toàn dân. Sức mạnh bạo lực của nhà nước được tạo ra từ sức mạnh của nhân dân, dân là gốc của nước, không có nhà nước nào đặt ngoài nhân dân mà chỉ có nhà nước đặt trên nhân dân. Mác đã chứng minh: "Chỉ có tuân theo các quy luật phát triển xã hội, cùng với việc mở đường cho sự phát triển không ngừng của lực lượng sản xuất, hình thành nên trạng thái kinh tế của xã hội ở trình độ cao, thích ứng với trạng thái kinh tế đó là trình độ văn minh của xã hội, trong đó con người được nâng lên tầm vóc mới, thoát dần khỏi việc bị phụ thuộc một cách nô lệ vào sự phân công và quản lí, khi đó nhà nước sẽ dần tiêu vong. Nhà nước tiêu vong thì bạo lực và bất công trong xã hội mới chấm dứt và nhân dân mới thực sự trở thành người làm chủ".

Vậy thì tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước của dân, do dân và vì dân là như thế nào, đấy chẳng qua chỉ là quan niệm không tưởng về một nhà nước là nền chuyên chính cách mạng của toàn thể nhân dân, ông đã viết: "Chủ nghĩa Mác - Lênin soi phương hướng, đường lối cho chúng ta đi. Có phương hướng đúng thì việc làm mới đúng. Hết lòng hết sức phục sự nhân dân, phụng sự Tổ quốc, bất kì việc to việc nhỏ cũng nhằm mục đích ấy; đó là chủ nghĩa Mác - Lênin. Nếu không hết lòng hết sức phụng sự nhân dân, tự kiêu, tự đại, tự tư tự lợi, như thế là trái với chủ nghĩa Mác - Lênin." Ông đã tầm thường hoá chủ nghĩa Mác với chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, coi nhà nước vô sản cách mạng là của dân tộc, do dân tộc và vì dân tộc, lẫn lộn giữa học thuyết cách mạng quốc tế của Mác với tư tưởng dân tộc, nhầm tưởng rằng Chủ nghĩa Xã hội đã mang lại công bằng cho nhân dân. Ông quan niêm mơ hồ về một chính quyền chưa từng có trong lịch sử, một chính quyền lý tưởng đến mức người ta có thể duy trì nó mãi mãi, coi đó là thành quả cách mạng vĩ đại của nhân dân.

Cho nên, chính quyền đó đã không thành hiện thực, càng ngày càng xa rời dân, bộc lộ nhiều yếu kém trong quản lý kinh tế, nạn tham nhũng trở nên phổ biến, làm chậm tiến trình phát triển của đất nước, khiến cho dân tộc ta ngày càng tụt hậu xa hơn với thế giới. Chính quyền này chưa bao giờ là công bộc của dân, trái lại chính quyền đã trở thành kẻ thống trị dân, ngồi lên đầu lên cổ dân, đàn áp thẳng tay những lực lượng Dân chủ đấu tranh cho quyền lợi của dân, duy trì một nền cai trị hà khắc theo kiểu "Trời sinh Đảng trị nước, Đảng là giai cấp thống trị".

Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và cách mạng thực chất là sự pha trộn giữa tư tưởng trị nước thời phong kiến với đường lối cách mạng của giai cấp vô sản dưới sự lãnh đạo của Stalin và Mao Trạch Đông. Mối liên hệ với chủ nghĩa Mác rất mong manh, ông lẫn lộn giữa học thuyết khoa học của Mác và tư tưởng lạc hậu của Nho học, dẫn đến sự phản bội hoàn toàn của ông đối với chủ nghĩa Mác. Đây là bước thụt lùi thảm hại về lập trường tư tưởng của Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam, dẫn đến nhiều sai lầm nghiêm trọng trong thực tiễn, đưa lịch sử đất nước thụt lùi hàng thế kỷ.

Sự tầm thường hoá chủ nghĩa Mác được diễn ra trong thực tiễn xây dựng nhà nước vô sản, một nhà nước kiểu mới, nhà nước này không những tự đặt mình lên trên nhân dân mà còn đứng trên mọi giai cấp, đấy là nhà nước Đảng trị. Đảng Cộng sản lãnh đạo Nhà nước và xã hội cho nên: "Hiến pháp không được coi trọng bằng điều lệ Đảng, Pháp luật không được tuân thủ bằng nghị quyết Đảng, các cấp uỷ Đảng đứng trên Chính quyền các cấp". Nhà nước Pháp quyền của dân, do dân và vì dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh đã biến thành nhà nước Đảng quyền, Đảng trị. Quốc hội Việt Nam, cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước, có trên 70% đại biểu là quan chức Cộng sản đang kiêm nhiệm chức vụ, vừa điều khiển cơ quan Lập pháp vừa giữ chức vụ trong cơ quan Hành pháp và Tư pháp, chẳng khác nào Đảng vừa đá bóng vừa thổi còi. Hơn nữa, cơ cấu đại biểu Quốc hội chỉ cho phép một số rất nhỏ đại biểu không phải là Đảng viên, đại biểu ngoài Đảng chỉ chiếm chưa đầy 10%. Như vậy là Đảng làm ra Hiến pháp và Pháp luật, chứ không phải Nhân dân là chủ thể của quyền lập Hiến. Nhân dân đã bị tước đi quyền lập Hiến, trong khi đây là quyền nguyên thủy khai sinh ra tất cả các quyền khác, điều đó có nghĩa là dân không có quyền nào cả, vì vậy không thể có Dân chủ.

Khẩu hiệu "Nước ta là nước Dân chủ, là Nhà nước Pháp quyền của dân, do dân và vì dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh" là một khẩu hiệu mị dân sáo rỗng, nói không ai tin, bảo không ai nghe, thực tiễn đã chứng minh tất cả chỉ là lừa dối. Người dân Việt Nam cần một nền Pháp quyền, hiểu đầy đủ là quyền lực của Luật pháp trong xã hội; Quyền lực đó để bảo vệ tự do của nhân dân, quyền lực đó để kiểm soát các hoạt động của Nhà nước, ngăn chặn sự xâm phạm của bộ máy công quyền đối với người dân. Người dân Việt Nam cần một Nhà nước Pháp quyền, đó phải là nhà nước mang đủ các tính chất sau:

- Thứ nhất, Nhà nước Pháp quyền coi bản Hiến pháp là cơ sở pháp lý tối cao, vô cùng thiêng liêng, thể hiện quyền lập Hiến của nhân dân, khẳng định nhân dân chính là chủ thể của quyền lập Hiến, đó là quyền nguyên thuỷ khai sinh ra các quyền khác.

- Thứ hai, Nhà nước Pháp quyền là cơ quan quyền lực cao nhất, đứng trên các Đảng phái chính trị, quyền của Nhà nước được phân lập thành ba quyền cơ bản sau: Quyền Lập Pháp, quyền Hành pháp và quyền Tư pháp, ngoài ra Nhà nước không còn quyền nào khác.

- Thứ ba, Nhà nước Pháp quyền quản lý xã hội theo Pháp luật, bản thân Nhà nước cũng hoạt động trong khuôn khổ Pháp luật.

- Cuối cùng, Nhà nước chỉ được làm những gì Pháp luật cho phép, còn người dân được tự do làm tất cả những gì Pháp luật không cấm, quyền tự do của người dân được Pháp luật bảo vệ.

Nền Pháp quyền là đích đến của loài người, trong đó tư tưởng về nhà nước Pháp quyền cũng chính là nhà nước Dân chủ; nhà nước tôn trọng và không xâm phạm các quyền tự do cơ bản của người dân, quyền lực của nhân dân là nền tảng của quyền lực nhà nước. Đây là cơ sở để tiến tới một nền Dân chủ; hiểu đầy đủ là quyền lực của nhân dân trong xã hội, giống như quyền lực của Luật pháp trong xã hội đối với một nền Pháp quyền; Quyền lực đó để bảo vệ tự do của nhân dân, quyền lực đó để kiểm soát các hoạt động của Nhà nước, ngăn chặn sự xâm phạm của bộ máy công quyền đối với người dân.

Nền chuyên chính Đảng trị sẽ thủ tiêu mọi quyền Tự do - Dân chủ, chuyên chính đồng nghĩa với việc không có Pháp quyền mà chỉ có Đảng quyền, nhà nước chuyên chính là công cụ để đàn áp, sẵn sàng xâm phạm các quyền tự do cơ bản của dân, chà đạp lên lợi ích của dân. Vì vậy dân tộc Việt Nam chỉ có duy nhất một con đường đúng đắn là thực hiện Dân chủ hóa đất nước, tiến tới xóa bỏ vai trò độc tôn lãnh đạo của Đảng Cộng sản, đó là tiền đề để xây dựng một Nhà nước Pháp quyền và Dân chủ.

Hà Nội, ngày 15 tháng 10 năm 2007
Vũ Hải Đăng - Đảng DCND
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn