BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73235)
(Xem: 62214)
(Xem: 39392)
(Xem: 31148)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Đông Qua Xuân Tới

06 Tháng Mười 201512:00 SA(Xem: 1302)
Đông Qua Xuân Tới
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Tác giả


Mới chớm vào đông mà vùng trời Cali bỗng dưng trở lạnh sớm thế ông bạn nhỉ? Cái lạnh làm tê cóng cả hai bàn tay, nhức cả hai bàn chân. Nhất là sáng nay, tôi trở dậy muộn, kéo tấm mành cửa sổ trông ra ngoài trời thấy sương mù giăng mờ mịt, không nhìn rõ cách 20 thước. Cảnh buồn thảm của trời đất, nhất là với cảnh sống hiện tại của tôi khiến dĩ vãng, chết trong tôi từ lâu, bỗng ào ào kéo tới tràn ngập cả lòng. Thấm thoát tôi rời bỏ quê hương đất nước mới đấy đã gần 15 năm! Người ta thường bảo dĩ vãng chẳng có ích gì cho hiện tại, hãy quên đi, hay ít ra xếp nó lại một góc tối trong đầu để sống với hiện tại. Dĩ vãng là bóng ma dù đẹp hay xấu, chỉ có hiện tại mới là hiện hữu, mới là sự sống. Biết vậy nhưng khốn nỗi tôi vốn bẩm sinh là kẻ đa cảm, đa sầu. Và người ta còn bảo tôi đa tình nữa. Tôi vẫn nghĩ con người sinh ra nếu không có máu “tham sân si” thì làm gì có men sống, nhất là nhân loại sẽ không có những bậc anh hùng cái thế, những vĩ nhân trong các ngành khoa học văn chương nghệ thuật. Cuộc đời sẽ buồn biết bao khi đi đâu cũng chỉ thấy toàn những thầy tu hay đóng vai thầy tu thủ lợi. Tôi ra tù tuy có vợ con nhưng chẳng khác gì người khách lạ sống trong nhà mình. Bọn nhỏ con tôi sau 10 năm xa cách – khi tôi đi tù chúng mới hơn 10 tuổi – khi tôi về chúng đã là thanh niên. Chúng bị tiêm nhiễm những độc tố của chế độ mới nên tình nghĩa cha con có phần hờ hững nhạt nhẽo. Còn bà vợ tôi điển hình cho những gì xấu xa rác rưởi xã hội cũ, bây giờ thời thế thay đổi tệ hại hơn là cơ hội tốt cho bà ấy phát triển thêm “tài năng”.

Không hiểu sao bỗng dưng hôm nay tôi lại bốc đồng dài dòng trút bầu tâm sự (tôi vốn là kẻ ít nói, ít kể lể than thở chuyện riêng tư) với ông bạn cựu quân nhân mới quen biết mấy tháng này. Có lẽ tại buồn chán quá?

– Bây giờ họ ở đâu? Có cùng sang đây với ông? Ông bạn hỏi.

– Không, tôi sang Mỹ một mình. Bọn họ chê nước Mỹ, có lẽ do sự xúi dục của bà vợ tôi, trong khi thiên hạ bỏ biết bao tiền bạc công sức và cả cái chết vẫn không tới được thiên đường vọng tưởng.

Nói tới đây tôi ngừng lại và cố nén cảm xúc dấu tiếng thở dài. Tôi với ông bạn này chưa phải bạn tâm giao, chỉ là chỗ quen biết gặp mặt vài lần trong những buổi sinh hoạt cộng đồng hoặc trên sân thể thao. Không biết ai nói với ông tôi là “nhà văn nhà báo trước 1975” nên muốn làm thân. Sau khi nghe tôi tỏ bầy tâm sự lòng vòng, ông cũng ngỏ ý muốn tôi “viết một bài” về chuyện đời ông. (Có lẽ ông tưởng các nhà văn nhà báo nào cũng sẵn sàng nghe chuyện thiên hạ kẻ rồi cắm đầu cắm cổ viết liền, dù là chuyện thuộc loại…chó cán xe!)

Bây giờ ngồi đánh máy những giòng chữ này, tuy đang mệt mỏi và chán nản vì tôi vừa trải qua một cơn bệnh tưởng chết, những hình bóng dĩ vãng cứ chập chờn ẩn hiện trước mắt tôi. Thì ra trong lúc nằm một mình trong căn phòng nhỏ tại bệnh viện, tôi thấy mình cô đơn quá, cô đơn đến độ ôm mặt khóc nức nở như đứa trẻ bị đánh đòn.Trong đời tôi đã khóc năm lần: lần chào đời (chưa biết gì). Lần thứ hai: một thân một mình rời bỏ gia đình quê hương di cư vào Nam năm 1954. Lần thứ ba: ngày 30 tháng Tư năm 1975 mất nước (sau đó một thân một mình đi tù). Lần thứ tư: rời bỏ đất nước (lại một thân một mình nữa) đi Mỹ. Lần thứ năm: nằm bệnh viện (cũng một thân một mình, không người thân bên cạnh).Trong lúc mơ mơ màng màng tôi bất chợt nhớ tới “người tình một thuở” của tôi, bây giờ xa xôi cách trở cả vòng trái đất. Sự cô đơn và đau đớn thân xác làm người ta thường nghĩ nhớ tới dĩ vãng cũng như mất hết ý chí và chán đời vô cùng. Tôi nghĩ:“Nếu có nàng ở bên, có lẽ đời tôi không đến nỗi như thế này, vì tôi tin tình yêu nếu không làm con người lớn lên bay bổng được thì ít ra cũng làm quên đi hết mọi dằn vặt đớn đau muộn phiền – nhất là không mỏi mòn chết dần trong cô đơn buồn thảm và bằng mọi giá vượt thoát tất cả. Nhưng…

***


– Ông ạ, bây giờ mỗi lần nghĩ tới các “bà ấy” tôi vẫn thấy buồn bã chán chường.

– “Các bà ấy” có nghĩa là ông có nhiều bà? Và ông bị tình phụ? Tôi hỏi.

– Chỉ có hai bà thôi. Còn bà vợ chính thức đầu tiên từ “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy” đi vào dĩ vãng lâu rồi.Tôi cũng chẳng biết nên gọi là tình phụ hay phụ tình. Nhiều phần chắc là tình phụ. Nếu ông vui lòng nghe tôi kể rồi viết bài đăng báo cho thiên hạ coi chơi, biết đâu chẳng giúp ích cho một số người giờ còn đang đắm chìm trong cơn mê lộ như tôi.

– Ông cứ tự nhiên. Thời giờ nhàn rỗi chúng ta đâu có hiếm. Nói ra được nỗi buồn chán của mình và có người nghe, nhất là thông cảm, gánh nặng trong lòng sẽ nhẹ hẳn đi. Chứ cứ chất chứa trong lòng mãi biến thành cái khối u sầu giết chết đời mình đấy.

Ông bạn nghe tôi nói như gặp tri kỷ, sau khi uống một ngụm cà phê, lấy giọng:

– Câu chuyện về người đàn bà thứ nhất như thế này…

***


Tôi đến Mỹ theo chương trình H.O. Hai vợ chồng không có con, hơn năm sau bà ấy bị bạo bệnh mất. Những ngày đầu khỏi cần kể ra vì ai cũng biết,“hồ hởi phấn khởi” lắm (tôi quen mồm với ngôn từ trong nước rồi đấy). Bạn bè cũ mới tấp nập thăm hỏi mời mọc ăn uống sáng trưa chiều tối (họ làm như tôi sắp chết đói đến nơi). Hai tháng sau thì tôi bắt đầu thấm cái cảnh bơ vơ một mình trơ trọi nơi xứ lạ quê người. Vài ba người bạn thân nhất cũng thưa thớt qua lại chuyện trò. Cũng dễ hiểu thôi, vì họ còn bận chuyện gia đình vợ con công ăn việc làm. Ở nước Mỹ ngưng làm là đói liền.

Thấy cảnh độc thân một mình vò võ đêm ngày nơi phòng nhỏ thuê trên lầu căn nhà khu bình dân, vợ một ông bạn thương tình muốn mai mối cho tôi bà bạn gái. Nghĩ tới bà vợ “chằng lửa” của mình trước đây tôi ngán ngẩm lắc đầu cám ơn. Nhưng bà ta hết lời ca ngợi người đẹp con nhà gia giáo, có học, duyên dáng trẻ hơn tuổi nhiều. Trước 75 có chồng làm quan to, chỉ vì ông này mèo chuột lăng nhăng bà xin ly thân đợi ra tòa ly dị thì 30 tháng tư 75. Sang tới Mỹ “thằng chả” vẫn chứng nào tật ấy, lại còn về Việt Nam kiếm bồ nhí nên bà đã xin ly dị, hiện sống một mình có nhà cửa, có lợi tức hàng tháng “ông khỏi lo phải nuôi bà ta”. Nghe bà vợ bạn “ca” mãi tôi siêu lòng. Khi hai bên gặp mặt, quả là tôi choáng trước sắc đẹp của “nàng” mặc dù trên tuổi 50 và ăn diện thì…hết ý, mùi nước hoa trong người tỏa ra thơm lừng! Còn về phiá nàng xem ra cũng có vẻ “chịu” tôi, ở tuổi 60 nhưng với bộ mặt hồng hào sáng sủa và thân thể còn “gân” lắm chưa đến nỗi nào. Thế là ít ngày sau tôi từ giã căn phòng nhỏ nghèo nàn theo nàng “về dinh”: một căn nhà ba phòng đẹp đẽ, có sân trước sân sau với nhũng chậu lan quý và những khóm hoa hồng vàng, đỏ, trắng, hồng rực rỡ. Tôi bỗng dưng hóa thân trở thành một nhà quý tộc sang trọng, những kẻ lắm mồm ưa chuyện dèm pha ganh tị thì bảo tôi “chuột sa chĩnh gạo”. Không sao, miễn được nàng yêu thương thành thật, tôi nguyện hy sinh tất cả vì nàng. Ba tháng đầu tôi ngụp lặn trong hoan lạc, trong hạnh phúc tràn trề. Nàng đưa tôi đi khắp nơi khắp chốn giới thiệu với bạn bè quen biết. Tôi chỉ là anh đại uý bộ binh nhưng bà đã “phong” cho tôi chức đại tá.Tuy ngượng và sợ lộ ra người ta sẽ chê cười, vì quân đội Việt Nam Cộng Hòa có bao nhiêu đại tá đâu và ai cũng biết tên tuổi cả! Sau những ngày tháng “trăng mật của cặp uyên ương” trẻ đã qua già đang tới, tôi bắt đầu nhận lãnh “công tác quản trị” nhà cửa tức cắt cỏ làm vườn, tưới cây, lau nhà, kéo thùng rác, giặt quần áo, rửa chén bát, sai vặt và tất cả những gì nàng ra lệnh. Cũng tốt thôi, có công việc để làm chứ ngồi một chỗ mãi chán chết. Nhưng có một việc tôi không thể tuân theo lệnh nàng, đó là nhẩy đầm và ca hát. Cứ vào buổi tối thứ bẩy hay chủ nhật các nhà quý tộc mới gồm những người thuộc lớp tuổi sồn sồn đủ gìới, như chuyên môi giới mua bán nhà cửa, bác sĩ, dược sĩ, kỹ sư, thương gia, chủ chợ, chủ tiệm ăn, nói chung là những người sang đất Mỹ nhờ ăn nên làm ra giầu có đã hóa thân trở thành những kẻ thuộc một đẳng cấp mới – họ tự do là đảng cấp cao trong xã hội. Họ chỉ giao thiệp và ăn chơi với nhau trong thế giới riêng của họ. Tuần này tổ chức tiệc tùng ăn uống khiêu vũ hay hát karaôkê ở nhà ông A. Tuần tới ở nhà bà B. cứ thế lần lượt luân phiên. “Bà chủ” của tôi bắt tôi phải hội nhập vào môi trường này. Tất nhiên tôi từ chối (hơi liều đấy nhưng biết làm sao!). Tôi nại cớ thuộc loại “chân gỗ”, nhẩy dở hát tồi và cũng không thích nhẩy thích hát. Thú thực tôi lợm dọng với đám trưởng giả học làm sang này nhưng không đủ can đảm nói ra với bà chủ của tôi. Thật ra lúc còn trai trẻ lính tráng, mỗi lần sau trận đánh tôi lại doọc về Saigon cùng lũ bạn bè, sau chầu ăn nhậu, kéo nhau tới vũ trường nhẩy nhót. Một lần vì ghen tức với gã công tử bột về em vũ nữ, tôi suýt phạm tội bắn chết người nên từ đó tôi thề độc không bao giờ nhẩy nhót nữa. Mặc tôi quyết liệt viện đủ lý do từ chối bà vẫn cứ ép tôi đi nhẩy. Được mấy ngày tôi vờ bị cúm nằm nhà. Bà bực mình và từ đấy đi ăn chơi nhẩy nhót một mình mãi khuya mới về và bà cố tình làm cho tôi biết có gã trai trẻ đưa về. Đồng thời bà làm mặt lạnh không thèm nói năng chuyện trò với tôi nữa.Tôi biết đời sống trưởng giả giả tạo của tôi sắp cáo chung.

– Nghĩa là sau đó ông bị bà chủ cho thôi việc và lại trở về mái nhà xưa nơi xóm nghèo?

– Vâng, và vì được hưởng tiền già nên tôi cũng cóc cần. Nhưng trở lại cuộc sống “mình với bóng mình” không biết làm gì, đi đâu, thường trực nằm khan ở nhà ăn mì gói chan nước mắt như ông nhà báo nào đó thường rên than. Nhất là với những buổi tối lạnh lẽo rét mướt, đất trời âm u sầu thảm, tôi muốn chết quách cho rồi. Bây giờ mới thấm thía nỗi buồn tha hương với tấm thân đơn côi chân đang bước vào cõi hoàng hôn đời người. Thế rồi thật bất ngờ ông bạn ạ. Ông có tin không, tôi trúng xổ số.

Tôi thật sự ngạc nhiên:

– Ông trúng độc đắc?

– Làm gì có diễm phúc đó. Tôi chỉ trúng, sau khi trừ thuế, được hơn năm trăm ngàn đồng thôi.

– Mừng cho ông, như thế cũng đủ ấm thân già tới hết đời rồi.

– Nhưng…lại nhưng. Có tiền rồi tôi vẫn cảm thấy cô đơn cô độc nơi xứ người không một kẻ thân thích.

– Thì tôi cũng vậy khác gì ông.

– Một số bạn bè thương tôi khuyên tôi nên về nước kiếm một cô vợ mang sang đây cho em chăm sóc, ngày đêm có người đẹp bên cạnh vuốt ve chiều chuộng còn gì hơn. Với số tiền tôi có từ trời rơi xuống, tôi mua một căn nhà ngót hai trăm ngàn đồng có đầy đủ tiện nghi (giá nhà đang tuột dốc mà) để mai mốt cùng người vợ sắp cưới sống ung dung suốt đời.

– Thế là ông về nước?

– Vâng.

***


Trước năm 1975 tại miền Nam tôi cũng có chút danh, chút địa vị và chút tiền. Tôi có nhà, có xe hơi và lũ con ngoan nhưng tôi không có hạnh phúc gia đình. Bà vợ tôi con một ông lớn, chỉ mới học xong trung học nhưng sự ma mảnh, soay sở, lừa lọc, cờ bạc thì bà thuộc loại siêu đại học! Trong thân thể bà có máu di truyền cờ bạc, lừa lọc, dối trá. Từ bà ngoại tới bà mẹ bà đều ham mê cờ bạc làm các ông chồng lao đao khốn đốn về tiền bạc và thân bại danh liệt. Hễ tôi ra khỏi nhà đi làm là bà cũng “đi làm”. Bà nói với hàng xóm như vậy vì “lương ông ấy đâu đủ chi dùng trong nhà”. Nhưng chỗ làm của bà là sòng tứ sắc. Đã hơn một lần tôi phải “cầm” xe hơi rồi tới “cầm” cả căn nhà đang ở trả nợ cho vợ. Nếu kể ra hết về bà vợ quý hoá của tôi có lẽ phải viết trăm trang giấy. Chỉ xin vắn tắt là tôi có vợ như không. Bà không bao giờ lo chăm công việc nột trợ, chăm sóc chồng con. Tôi thiếu và mong muốn da diết có một bàn tay mềm mại âu yếm chăm sóc yêu thương của người đàn bà để lấp khoảng trống này. Thời cơ run rủi tôi tình cờ gặp nàng. Một phụ nữ sắc đẹp trên trung bình chút nhưng có duyên và thông minh, nói năng khôn khéo ngọt ngào. Khi đó nàng đang thất nghiệp phải nuôi mẹ già, người anh lêu lổng nghiện ngập và một người cháu 9, 10 tuổi. Tôi đã đem công việc cho nàng, đã kéo nàng ra khỏi vũng lầy nghèo nàn bế tắc. Từ ân nghĩa mau chóng chuyển sang ân tình. Một thời gian sau tình yêu nẩy nở giữa tôi và nàng. Rồi chúng tôi sống trong cảnh già nhân ngãi non vợ chồng. Tất nhiên tôi phải bao bọc cả gia đình nàng nên sao lãng một phần bổn phận làm cha với các con tôi. Bà vợ tôi càng được thể, có cớ để vẫy vùng phá phách thêm.

Ngày 30 tháng tư năm 1975 làn sóng đỏ tràn ngập miền Nam reo rắc biết bao tai họa. Tôi và vợ con chạy không kịp. Chỉ một thời gian ngắn gia đình tôi trở nên túng thiếu, có thể nói là đói khổ, sau khi bán hết vật dụng đồ đạc máy móc trong nhà. Tất cả sự sống đều bế tắc và đang đi vào bước đường tuyệt vọng, trong khi gánh nặng hai gia đình vẫn đè nặng trên vai tôi. Sau đợt giới chức chính quyền và sĩ quan quân đội bị bắt tù cải tạo, tôi biết sẽ tới lượt giới văn nghệ sĩ báo chí bị bắt (như đã xẩy ra ở miền Bắc) nên một buổi tối chỉ có hai người ngồi bên nhau, tôi khuyên nàng một cách rất chân thành: “Anh sớm muộn gì cũng bị bọn nó bắt, em còn trẻ, em nên nghĩ tới việc làm lại cuộc đời”. Thật bất ngờ, nàng nhìn thẳng vào mắt tôi và dằn giọng: “Sao anh có thể đánh giá em tầm thường, thấp như thế nhỉ. Nếu chẳng may những điều tệ hại đến với anh, em sẽ chờ, chờ mãi tới ngày anh về và nếu hóa đá như thiếu phụ Nam Xương em cũng vẫn sẵn sàng chấp nhận”. Tôi thực sự xúc động trước lời lẽ khẳng khái và tràn đầy yêu thương chung thủy của nàng. Rồi tôi bị bắt tù về tội “chống cộng ở thượng tầng kiến trúc” kiêm thêm “tội” CIA. Nàng thăm nuôi tôi đều đặn nửa tháng một lần khi còn bị nhốt trong trại giam Saigon. Khi bị đầy lên trại tù lao động cải tạo miền rừng núi Cao nguyên, nàng thăm nuôi một lần rồi biệt tăm luôn. Những con cái của Phật của Chúa khi trôi nổi giữa giòng thác lũ cuồng bạo, họ còn có các Ngài như “cái phao cứu sinh” để bám vào, để cầu nguyện, để xin phù trợ thoát hiểm. Và họ tin tưởng tuyệt đối. Còn tôi, tôi chỉ có tình thương yêu của nàng làm cái phao…

Những buổi một mình chặt cây trong khu rừng già âm u, tôi đã ngước nhìn về phương trời xa lớn tiếng gào gọi tên nàng thảm thiết. Có tiếng vang vọng lại từ hốc núi tôi nghe như tiếng đáp của nàng. Trước đó trong lần thăm gặp, tôi đã khuyên nàng nên đi khu kinh tế mới sống. Ý tôi muốn nàng vượt biên vì tôi (qua lời viên cán bộ giáo dục cảnh báo) sẽ mãn đời lưu đầy nơi khỉ ho cò gáy này, đừng hy vọng ngày về, bảo vợ con lên đây làm ruộng làm rẫy sống. Hai năm sau tôi được tin nàng vượt biên thoát. Một năm sau nữa tôi nhận được thư nàng gửi về qua trung gian một người bạn. Trong thư (tờ giấy nhỏ gấp đôi) nàng viết một câu có vẻ văn chương tiểu thuyết, tôi nhớ mãi: “cuộc đời em giờ đây như cuốn sách đã sang trang”. Cái đầu óc tù đầy tăm tối của tôi cứ đinh ninh nàng nói bóng gió là cuộc sống của nàng giờ ở ngoại quốc khác với cuộc sống trong nước (qua trang đen tối sang trang sáng ngời) và tôi tin tưởng tình yêu nàng giành cho tôi vẫn đậm đà chung thủy như xưa. Tôi sống được qua những năm tháng tù đầy là do nuôi dưỡng, là do tin tưởng – tin tưởng tuyệt đối – nơi mối tình cao đẹp chung thủy này. Các bạn tù của tôi cũng hết lời ca ngợi nàng, một thiếu phụ Nam Xương thế kỷ 20.

– Tôi nghe thiên hạ đồn ông về nước cưới một cô nàng trẻ đẹp nết na hiền hậu lắm? Có phải đây là “người đàn bà thứ hai” ông muốn nói?

Ông bạn cựu quân nhân cười:

– Đúng. Tôi cũng không ngờ. Gặp em tình cờ trong nhà một người bạn ở Saigon. Qua câu chuyện chúng tôi tỏ ra hợp nhau lắm. Em năm đó mới 25 tuổi, tức kém tôi hơn 20 tuổi. Em khoe đã tốt nghiệp đại học sư phạm, biết chút đỉnh tiếng Anh. Vì không thần thế bị đẩy đi vùng quê hẻo lánh dạy học nên em bỏ việc ở lại thành phố dạy tư kiếm ăn. Qua vài lần gặp gỡ, đi chơi, ăn uống, nghe ca nhạc, coi phim, thấy em tỏ ra có cảm tình với mình, tôi bỏ mặc cảm lớn tuổi, ngỏ ý muốn lấy em làm vợ. Em bảo để hỏi ý kiến gia đình. Tôi thực sự tới giờ này vẫn không biết gia đình em ra sao. Mấy ngày sau em nhận lời lấy tôi. Chúng tôi đồng ý không tổ chức tiệc tùng cưới xin dềnh dàng tốn kém tiền bạc vô ích, chỉ mời ít bạn thân ăn uống có tính cách trình diện, và sau đó hợp thức hoá hôn nhân bằng giấy tờ làm thủ tục đi Mỹ.

Hồi bấy giờ thủ tục không khó khăn như bây giờ, việc bảo lãnh vợ sang Mỹ nhanh lắm. Trong tuần trăng mật tôi và em đi “tiếu ngạo giang hồ” thăm thú một số nơi danh lam thắng cảnh của nước Mỹ. Cuộc sống hạnh phúc tràn trề tưởng chừng như vô tận. Khi trở về nhà, em làm người nội trợ thật tuyệt vời. Tất cả mọi việc trong nhà từ bếp núc, lau chùi nhà cửa tới đi chợ em đều hoàn tất chu đáo. Buổi chiều đi chơi thể thao về tôi đã thấy trên bàn ăn bầy biện thức ăn và bát đũa tươm tất. Lần nào cũng vậy, tôi có về trễ em vẫn đợi ăn cùng, không một lời phàn nàn. Tôi thỉnh thoảng đưa tiền em tiêu vặt hay mua sắm những thứ cần thiết. Em tỏ ra tiêu pha dè sẻn cần kiệm, không bao giờ tự ý hỏi tiền tôi. Thế rồi ông ạ, có một buổi chiều…Có một buổi chiều (như tên cuốn truyện nào đó), tôi về nhà không thấy em đâu. Trên bàn ăn, thức ăn và bát đũa dọn sẵn như mọi khi. Tôi lên tiếng gọi, tưởng em chơi trò ú tim. Nhưng rồi phòng tắm, nhà xe, sau vườn vẫn không thấy bóng em. Vào phòng ngủ cũng vậy. Nơi bàn phấn tôi nhìn thấy cái đồng hồ tay loại mắc tiền tôi mua tặng em, chiếc nhẫn cưới, chiếc vòng cẩm thạch và vài thứ lặt vặt “nằm” đó. Tôi gọi lớn tên em vài lần nữa. Vẫn không có tiếng trả lời. Tôi chạy ra cửa quan sát. Tất cả không có gì khác ngày thường. Tôi nghĩ có lẽ em đi công việc, tôi chờ. Một giờ, hai trôi qua vẫn không thấy. Tôi chợt rùng mình: chẳng lẽ em bị bọn bất lương bắt cóc? Chắc là không, vì đồ trang sức em để nguyên bàn phấn kia. Hay em theo một gã thanh niên nào đó rủ rê tán tỉnh đi trốn? Cũng không phải, vì đã bỏ nhà đi thì dại gì bỏ của lại, trong khi của ấy thuộc sở hữu em. Tôi mở tủ quần áo. Tất cả còn nguyên. Vậy thì em đi đâu, làm gì? Hay em bị thủ tiêu bởi một tổ chức chính trị hay buôn lậu nào đó? Tôi định đi trình cảnh sát nhưng nghĩ lại thôi, chờ xem sao đã. Và tôi cứ thế trông chờ em về ngày này qua ngày khác nhưng con chim xanh vẫn biệt tăm tích. Ông là nhà văn giầu tưởng tượng và là nhà báo quen “phóng sự điều tra” vui lòng “giải” cho tôi sự việc này. Tôi thì cho rằng em lấy tôi sang đây đâu phải để tìm một đời sống mới no ấm như đa số các cô gái khác? Thế thì vì cái gì? Thật là một chuyện lạ. Chẳng lẽ em là người của “nhà nước ta” gài sang đây hoạt động? Rõ điên cái đầu, xin chào thua .Từ nay tôi buộc chỉ ngón tay áp út để ghi khắc tới chết không còn chơi cái trò quan hệ vợ chồng lăng nhăng lít nhít với đàn bà con gái nữa. Chỉ tổ làm mệt óc khổ thân chẳng được tích sự gì lại thêm lo lắng rắc rối! Từ nay tôi sẽ sống cuộc đời “độc lập tự do không hạnh phúc” cho khỏe cái thân già.

– Tôi nghĩ ông nên trình cảnh sát để tránh những điều đáng tiếc có thể xẩy ra sau này. Theo tôi hai câu chuyện kể của ông cũng chưa đến nỗi lâm ly bi đát như ông tưởng. Các nàng chỉ “êm ái trao cho một vết thương” thôi. Nếu ở vào trường hợp tôi ông sẽ phát điên mất.

***


Từ mấy năm nay tôi bị chứng bệnh cứ dăm bẩy ngày thân thể lại mệt nhừ, chân tay rã rởi lạnh ngắt, mặt mày sây sẩm choáng váng, biếng ăn mất ngủ. Đi hết bác sĩ này tới bác sĩ kia, chụp phổi, soi dạ dầy, tim, gan v v…tất cả đều bình thường. Một ông bác sĩ đi tới kết luận là tôi mắc căn bệnh trầm uất mãn tính.Vì tù lâu và khổ quá sức chịu đựng của tôi (vốn ốm yếu) nên sang tới đất Mỹ sống tôi vẫn cứ bị ám ảnh và mang nặng căn bệnh trầm uất mãn tính này trong đầu. Ông cho tôi một loại thuốc để triệt hạ hết cái bóng ma dĩ vãng tăm tối ấy. Nhưng rồi “bệnh” vẫn cứ tiếp tục ngày này tháng khác và nặng thêm, gần như hết chịu đựng nổi. Đôi khi, thật lạ kỳ, tôi lại thấy mình bỗng dưng hết mệt mỏi sây sẩm, đi lại lái xe như bình thường, y như giả vờ. Nhiều người bảo tôi già rồi sinh chứng nhõng nhẽo như con nít. Tới một ngày tôi vô tình đọc cuốn sách của một ông bác sĩ ở Bang xa nói về các triệu chứng bệnh hoạn. Tôi đọc tới đoạn nói về bệnh Thyroid thấy đúng với trường hợp của mình. Tôi nói bác sĩ gia đình cho đi thử máu và làm ultrasound thì thấy trong cổ họng có hai cục bướu nhỏ, rất may là bướu lành.Bác sĩ chuyên khoa cho uống thuốc hơn năm, bệnh chẳng những không giảm còn tăng mạnh hơn. Cứ buổi trưa lên cơn mệt sây sẩm choáng váng, chân tay lạnh ngắt mãi tới tối mới êm. Có nhiều ngày tôi phải chống gậy đi cũng không nổi.

Lúc mới sang Mỹ, trong lúc bơ vơ trơ trọi đơn độc nơi xứ người, tôi gặp bà bạn cũ (mà khi xưa tôi không hề quan tâm tới bà) Bà đã thôi chồng từ lâu hiện sống một mình. Chúng tôi nhanh chóng kết thân rồi kết tình và sáp lại “sống” với nhau hơn 10 năm trong cảnh già nhân ngãi non vợ chồng. Nhưng người đời, bạn bè quen biết coi chúng tôi như vợ chồng chính thức. Tuy trải qua nhiều phen sóng gió và đắng cay hợp rồi tan, tan rồi hợp, nhưng dường như “con tạo đành hanh” vẫn không cho thôi nhau? Tôi có căn phòng riêng trong một binh đinh nhưng buổi tối đều về bên nhà bà, có khi ở liền dăm bẩy tháng. Hôm đó có chuyện cãi cọ nhau tôi bỏ về “nhà” mình, sáng sau dậy thời tiết bỗng thay đổi đột ngột, đang nóng nực bất thần sương mù buông rơi mịt mờ lạnh buốt, tôi bị làm mệt, sây sẩm và tức ngực khó thở quá định sang văn phòng ông bạn bác sĩ, cách chỗ tôi chỉ hơn trăm thước, nhưng phải băng qua đường. Tôi chống gậy ráng lết nhưng đi không nổi chỉ muốn té ngã. Gọi phone cho vài người bạn, không ai có nhà. Bất đắc dĩ tôi phải “làm lành” phone cho bà bạn tình của tôi đến đưa đi. Bà kêu đang đau và nhờ bà bạn hàng xóm chở đến. Nhìn thấy tôi thân thể xác xơ tiều tụy gầy sụm xanh xao chẳng còn mấy sinh khí – như sắp đi vào cửa tử, bà lộ hẳn vẻ chán nản lo ngại muốn buông chạy. Trong thời gian này có một viên chức cao cấp chế độ cũ (cùng tuổi tôi) đột ngột từ trần. Bà bạn tình của tôi nghe ai nói tuổi này năm nay gặp hạn tam tai tam ách gì đó nặng lắm nên bà sợ tôi cũng “ đi” như viên chức kia. Và việc “đi” này sẽ làm bà vất vả phiền toái trong việc ma chay, (bà vốn sợ nơi nhà quàn) nhất là tốn kém tiền bạc. Vì tôi không có một ai họ hàng thân thích, tứ cố vô thân nơi đất nước này nên bà phải “gánh” hết. Thế là sau đó bà bắn tiếng qua người bạn gái báo cho tôi biết từ nay tôi không nên trông cậy gì vào sự săn sóc chăm nom của bà và cũng không nên đến nhà bà ở như trước nữa, nhất là những lúc ốm đau, bà hay các bạn bà sẽ đến giúp tại nhà tôi, nếu có yêu cầu. Có lẽ sợ tôi chưa thấu hiểu ý của bà, mấy hôm sau tôi hơi khỏe, bà mời tôi lại nhà. Vừa ngồi xuống ghế, bà truyền đạt ngay câu nói của người bạn gái vừa phone tới: “Nó bảo chị bỏ phứt lão ta cho rồi, tội gì rước của nợ vào thân mãi”. Tôi chưa kịp “ý kiến” bà đã thêm: “Từ nay anh cứ ở bên anh, khỏi qua lại chỗ em làm gì cho mệt, hơn nữa đường xá hồi này hay xẩy ra tai nạn xe cộ”. Tôi thản nhiên với lời chia tay nhẹ nhàng “vô tư” này, ra về. Đêm đó, mặc dầu biết trước việc phải đến đã đến nhưng tôi vẫn trằn trọc không tài nào ngủ nổi. Cái đau không phải vì sự chấm dứt cuộc tình mà vì sự mất mát to lớn hơn, đó là cái tính người, cái tình người, cái nghĩa sống. Tôi đến với bà là muốn tìm một chút hơi ấm gia đình, một chút bóng mát trong cuộc đời nóng rát giữa biển đời mông mênh cô quạnh.Tôi đã mất mát cũng như khổ lụy nhiều vì “giấc mộng con” này. Chẳng lẽ đời tôi toàn những mùa đông phũ phàng tàn khốc?

Vì uống thuốc mãi bệnh chẳng những không thuyên giảm lại còn tăng cường độ nên ông bác sĩ gia đình chuyển tôi sang bệnh viện chuyên chữa trị Thyroid. Lại uống thuốc. Vẫn không hiệu quả và trải qua khốn khổ gần một năm nữa, chỉ còn thiếu cái chết. Bà bác sĩ trưởng khoa quyết định cho tôi uống phóng sạ. Hôm uống phóng sạ, tôi bắt buộc phải ở trong phòng một mình, cách ly hẳn với thế giới bên ngoài trong sáu ngày. Bà bạn tình của tôi biết và (có lẽ lương tâm cắn rứt?) gọi phone hứa hàng ngày làm và mang thức ăn kiêng cữ (không có chất đạm) cho tôi. Khi uống viên thuốc phóng sạ xong về tới nhà sống đời “biệt giam” (tôi đã bị biệt giam trong cát sô nhà tù cộng sản 10 tháng) tôi không thấy khó khăn gì. Chợt nhìn thấy mấy bình nước uống hết sạch trong khi trên giấy tờ bác sĩ ghi phải uống thật nhiều nước để thải chất phóng sạ ra ngoài. Tôi phone cho bà. Máy không bắt. Tôi phone mấy người bạn. Ông đi vắng, ông không có xe. Tôi đang lo lắng chưa biết giải quyết sao (có thể chết vì đói vì khát lắm, vì nội bất xuất ngoại bất nhập, hơn nữa tôi không muốn chất phóng sạ lan sang người khác, rất nguy hiểm) ) thì một ông bạn luật sư cũ tình cờ gọi phone thăm. Lâu nay ông rất ít gọi cho tôi.Tôi nói bệnh trạng.

Ông hỏi cần gì. Tôi nói cần nhiều nước uống. Một giờ sau ông bà bạn đem tới trước cửa phòng tôi 5, 6 bình nước, sữa tươi, nước cam, trái cây và thức ăn (thịt cá sống). Ba ngày sau, buổi tối, người bạn tình hơn 10 năm chung sống của tôi mới gọi phone. Câu đầu tiên không phải hỏi thăm sức khỏe, bệnh trạng mà là “hai ngày nay em phải lên chùa lo Phật sự từ 4 giờ sáng đến 10 giờ đêm mới về, mệt quá. Hôm nay lại có mấy bà bạn Phật tử tới chơi nhà, giờ mới phone cho anh được…”

***


Hơn tháng sau tôi có dịp gặp lại ông bạn cựu quân nhân bị tình phụ. Ông hỏi ngay:

– Tôi nghe tin ông đã dứt “giấc mộng con” giã từ người tình mười năm dòng dã?

Như gãi đúng chỗ ngứa, tôi bỗng dưng lại bốc đồng say sưa nói liền một hơi dài không nghỉ như lần trước để trút hết buồn phiền:

– Còn gì nữa, tôi chịu đựng nhiều rồi, giờ không thể kéo dài thêm. Hơn nữa chính bà ấy cũng muốn vậy.Tôi nghĩ con người ta khi lớn tuổi nếu tình có phai lạt hay hết tình thì cũng còn cái nghĩa, nhất là đã hơn 10 năm sống với nhau. Lớn tuổi chỉ trông cậy nương tựa vào nhau những lúc ốm đau bệnh hoạn. Mà bà ấy tỉnh khô như không có sự gì xẩy ra thì phải chấm dứt “chương trình tùng lâm” thôi. Trong khi bệnh bướu cổ bớt “hành” tôi lại bị căn bệnh khác “hành” khủng khiếp hơn nhiều. Căn bệnh đó tương tự như căn bệnh của ông: bệnh cô đơn với sống đời cô độc. Cả nước Mỹ mênh mông rộng lớn với hàng trăm triệu người, tôi không một người thân thích. Tôi nghĩ tới lúc mình chết thối trong căn phòng nhỏ. Tôi không sợ chết nhưng sợ cái lúc thoi thóp hấp hối, giữa biên giới của sự sống chết. Nhất là những buổi đất trời âm u lạnh giá mây đen mờ mịt, suốt ngày đêm quanh quẩn trong phòng, lòng dạ trống rỗng, chán nản buồn thảm đến tột cùng. Đồng thời lại thêm một nhát chém nữa đến với tôi. Trong khi quanh quẩn trong phòng tôi tẩn mẩn lục chồng giấy tờ thư từ cũ coi lại cho có việc làm, giết thời giờ. Một lá thư của người nửa nhân tình nửa vợ thuở xa xưa trước 1975, tôi có được do một người bạn đưa, chưa đọc. Lá thư viết từ Saigon gửi bà bạn thân ở Mỹ, sau 1975 một hai năm. Bà ta khoe có một người yêu mới đã sống với nhau những ngày tràn đầy hoan lạc hạnh phúc nhưng cũng đầy đắng cay quằn quại. Tất cả đều đạt tới đỉnh và đáy của tình yêu. Giờ tuy đã chia tay nhưng dư âm còn đọng lại mãi. Và bà kết luận “phải chăng đó là tình yêu đích thực, có đủ đắng cay ngọt bùi”. Lá thư khá dài không một chữ đả động đến tôi mà bà bạn này cũng quen biết. Thảm thương cho tôi lúc đó đang trong nhà tù vùng cao nguyên vẫn tôn nàng là thần tuợng, ngày ngày vẫn réo gọi tên nàng như đọc kinh cầu vang cả rừng núi. Tôi nghĩ tới câu nói – như thề thốt – khi xưa của nàng: “em sẽ chờ anh, chờ mãi dù biến thành tượng đá”.Trong khi tôi đang sống trong chán nản mệt mỏi tăm tối, hết ý chí sống. (Già rồi tình cảm con người yếu đuối lắm, giống như cái bị cói cũ đã rã mục, khẽ đụng vào là các vật ở trong thi nhau tuôn ra hết). Giữa lúc tôi đang trên con đường đau khổ – hiện tại dĩ vãng thi nhau hành hạ, quật tới tấp trái tim héo hắt phiền muộn thì như có phép lạ diễn ra: một số vợ chồng bạn bè và mấy bà quen biết từ lâu – nhưng không quan hệ thân thiết ít gặp, bất ngờ tới thăm. Rồi hàng ngày họ tự động làm “công tác xã hội” đem cơm, cháo, thức ăn nước uống đến cho tôi, lái xe đưa tôi đi bác sĩ, bệnh viện và những nơi tôi cần, bất kể trời mưa gió lạnh lẽo, dù tôi không yêu cầu và hơn một lần từ chối. Họ làm công việc này rất tự nhiên thoải mái – như bổn phận phải làm – chăm nom săn sóc tôi như người ruột thịt. Họ lo cho tôi từ bình sữa tươi tới chùm nho trái cam trái táo và gần như là ép tôi ăn uống để “mau hồi sức”. Tôi nghĩ mẹ tôi khi xưa săn sóc chăm nom tôi cũng thế thôi. Họ đến với tôi không phải do thương hại hay làm để lấy phúc đức cho con cháu hay cho cõi sau (lên Niết bàn hayThiên đường) mà chính là do tấm lòng, do tình người tự phát. Thì ra cuộc đời này vẫn còn rất nhiều những trái tim đầy ắp tình người và lòng từ tâm bác ái. Như vậy đâu phải cuộc sống hôm nay chỉ toàn tối đen, chỉ toàn mưa gió phũ phàng lạnh lùng héo hắt tàn bạo của mùa đông?. Đời vẫn còn đẹp vẫn còn đáng sống vì vẫn còn đầy ắp tình người.

Ngưng chút (để thở mệt và uống cạn ly nước) rồi như chợt nhớ ra tôi hỏi ông bạn cựu quân nhân:

– Giờ tháng mấy rồi?

– Còn hơn tháng nữa lập xuân.

– Ồ, thế mà tôi tưởng…Lòng tôi đang tràn ngập nắng ấm và hưng phấn yêu đời lạ lùng. Thì ra đời vẫn còn nhiều, nhiều lắm những tấm lòng nhân hậu đầy ắp tình người, đúng thế không ông bạn? Đâu phải vì mấy chấm đen mà không nhìn thấy tờ giấy trắng! Mùa đông đã qua, mùa xuân đang tới tưng bừng nở hoa trong tôi, ông bạn già đồng cảnh bị tình phụ ạ.

THANH THƯƠNG HOÀNG
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn