BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73246)
(Xem: 62216)
(Xem: 39402)
(Xem: 31152)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Hồng Điểu Một Phi Vụ Đỡ Đẻ

12 Tháng Mười 201512:00 SA(Xem: 2872)
Hồng Điểu Một Phi Vụ Đỡ Đẻ
56Vote
41Vote
31Vote
20Vote
10Vote
4.68
Nhập đề câu chuyện, tôi xin mạn phép quí độc giả, để giới thiệu sơ qua một vài nét về phi đội tản thương Hồng Điểu, đơn vị mà anh em Không Quân tản thương chúng tôi đã từng phục vụ từ thuở ban đầu. Phi Hành Đoàn (PHĐ) tản thương gồm:

-Pilot = Trưởng Phi Cơ (TPC phải là những pilots kỳ cựu bay đêm rất giỏi)

-Copilot = Hoa Tiêu Phó

-Flight Engineer or Flight Mechanic = Cơ Khí Viên phi hành, đã tốt nghiệp khoá trung cấp bảo trì phi cơ.

-Flight Nurse = Y Tá Phi Hành (thường là các Y tá trưởng tốt nghiệp trường QY và từ các QYV chuyển ngành).

PHĐ trực thăng tản thương, làm việc trực tiếp với Liên Đoàn 74 Quân Y và trung tâm hành quân QĐIV/QKIV hay còn gọi tắt ASOC4 để nhận các đơn xin Tản Thương từ phòng Điều Hành Tản Thương (Dust Off Control) của liên đoàn 74 QY cạnh Phòng Hành Quân QĐIV, chuyển trực tiếp lên phi cơ qua đặc lệnh truyền tin, khi PHĐ và phi cơ đang bay trên trời. Các đặc lệnh xin tản thương được gửi hoả tốc từ các đơn vị đang tham chiến trên chiến trường, gửi về ASOC4. Liên Đoàn 74 QY nhận lệnh và chuyển lên phi cơ tản thương, ngay tức khắc. Mỗi ngày có 7 phi cơ, với 7 PHĐ trực bay tản thương ngày và đêm trên khắp vùng trời quân đoàn IV.

A. Ban ngày 3 phi cơ:

- PHĐ số I bay tản thương cho các vùng phía Bắc sông Hậu lên đến Gò Công, Long An.

- PHĐ số II bay tản thương cho biệt khu 44 gồm các vùng: Mộc Hoá, Cao Lãnh, Châu Đốc, Hà Tiên, Phú Quốc và Campuchea

PHĐ số III bay tản thương cho các vùng phía Nam sông Hậu từ Cần Thơ xuống tận Cà Màu, Rạch Giá. Lên ca trực bay từ lúc 07:00 giờ sáng cho đến 5:00 giờ chiều.

B. Ban đêm 2 phi cơ:

- PHĐ số I bao toàn vùng phía Bắc sông Hậu, như PHĐ ban ngày, cộng thêm vùng Mộc Hóa, Cao Lãnh và Campuchea

- PHĐ số II bao toàn vùng phía Nam sông Hậu, như PHĐ ban ngày, cộng thêm các vùng Châu Đốc, Hà Tiên, Phú Quốc và Campuchea nữa.

Vì ban đêm ít giao chiến, nên ít thương binh hơn ban ngày, chỉ trừ khi nào, ban đêm bị công đồn, thì PHĐ bay đêm sẽ liên lạc với phi cơ Hoả Long, đang thả trái sáng ban đêm gần nơi bốc thương, yểm trở để bốc thương binh.

Nếu chiến trường ban đêm quá sôi động (Very Hot LZ), thì các phi vụ tản thương sẽ rời lại (delay) cho các PHĐ ban ngày.

Tản thương trên chiến trường các vùng Hot LZ thì PHĐ tản thương ban ngày sẽ dẫn theo cặp trực thăng võ trang (Gunships) bay hộ tống (escort) cho PHĐ tản thương đáp xuống bốc thương binh.

Luật quốc tế, máy bay tản thương không được trang bị súng ống, chỉ gắn các chữ Thập. Tiền thân của phi đội tản thương Hồng Điểu 259 là Biệt đội tản thương 57th Dust Off và 82nd Medevac của US Army (US Helicopter Ambulance) đồn trú trong phi trường Bình Thủy US Navy (Hải quân Bình Thủy và Bệnh viện US 3rd Dã Chiến Hoa Kỳ) đối diện cổng trại Trần Hưng Đạo căn cứ Hải Quân, Bình Thủy Cần Thơ.

Chúng tôi là những Phi Hành Đoàn đầu tiên được Sư Đoàn IV Không Quân tuyển chọn, gửi qua phi trường Hải Quân Bình Thủy học bay xuyên huấn trên Phi Cơ Tản Thương với các Biệt Đội tản thương Hoa Kỳ, sau đó trực tiếp nhận bàn giao từ quân đội Hoa Kỳ.

Năm 1972 BTL/KQ ký sắc lệnh thành lập Phi Đội Trực Thăng Tản Thương Không Quân VN với danh số PĐ259H & I danh hiệu Hồng Điểu

-Hồng = Hồng Thập Tự

-Điểu = Chim, nghĩa là những cánh chim Hồng Thập Tự, với châm ngôn của các Phi Hành Đoàn là: “Quên Mình Cứu Người” qua tâm niệm “Tổ Quốc – Nhân Loại” huy hiệu chúng tôi luôn mang trên vai và ngực áo bay. Phi Vụ Lệnh hành quân của các PHĐ Hồng Điểu là công tác bốc các thương binh từ chiến trường đang giao tranh về Quân Y Viện (QYV) gần nhất và chuyển các thương binh nặng từ các đồn bót hay từ bệnh viện nhỏ của các tỉnh về các QYV lớn như: Cần Thơ, Mỹ Tho hoặc Tổng Y Viện Cộng Hòa Sàigòn.

Hàng ngày chúng tôi phải chứng kiến và tiếp xúc với hàng chục, có khi lên hàng trăm thương binh và các tử thi trong tình trạng thân xác không còn nguyên vẹn, máu me khắp người với những vết thương do vũ khí, mìn bẫy, bom đạn tàn phá cơ thể con người, những xác chết không còn nguyên vẹn, thật kinh hồn.

Ngày hành quân, chúng tôi phải quần thảo trên khắp vùng trời Quân Đoàn IV, quân khu IV từ Gò Công, Mộc Hóa xuống tận Cà Màu, Phú Quốc, Hà Tiên và sang tận Campuchea nữa.

Hầu như bất cứ nơi đâu, thuộc lãnh thổ vùng IV, từ thôn quê đến tỉnh thành, từ rừng núi xuống đồng bằng, ngày cũng như đêm, đều đã từng được nghe tiếng chém gió của những con chim Hồng Thập Tự lướt qua.

Giờ đây chỉ còn là quá khứ. Vậy tôi xin được kể lại một vài câu chuyện Cổ Tích về ngành tản thương trên không, 40 năm về trước, để cho quí độc giả chưa từng biết về một chỉ số ngành nghề đặc biệt này của Không Quân và để cho các anh em thương bệnh binh nào, đã từng nằm trên băng ca, trong phi cơ, được chúng tôi di chuyển từ chiến trường về các QYV, nhớ lại một thời hào hùng và cũng bi thảm.

PHI VỤ ĐỠ ĐẺ


Khoảng giữa năm 1972, vào một buổi tối, chúng tôi lên ca trực bay phi vụ “Kim Cương Charlie” tản thương cho vùng IV Chiến Thuật. Phi vụ Charlie thường phải bay tản thương bao vùng, từ phía nam sông Bassac hay còn gọi sông Hậu, xuống tận Mũi Cà Mau.

Lúc 6 giờ chiều, chuẩn bị giao ca giữa Phi Hành Đoàn (PHĐ) bay ban ngày và PHĐ bay đêm. Chúng tôi vào Phòng Hành Quân nhận phi vụ lệnh, Trưởng Phi Cơ (TPC) sang phòng “Dust Off Control” thu một xấp đơn xin tản thương do Quân Đoàn chuyển xuống. Trong các đơn xin bốc thương binh, thì thấy có một cái đơn mang mã số DH….. Ông TPC đọc xong, ổng tủm tỉm cười. Ổng dò trên bản đồ, tìm tọa độ bãi đáp của cái đơn tản thương kỳ lạ chưa từng gặp bao giờ này. Sau đó ổng quay qua nói với PHĐ chúng tôi: Mẹ cóc! Tối nay tụi mình vớ bở, có cái phi vụ đặc biệt, ra hòn Đá Bạc, Cà Mau bốc thương binh, kèm thêm một bà vợ lính sanh khó. Bà này là vợ của ông Trưởng Đồn, đóng ở ngoài biển, trên Hòn Đá Bạc. Anh Y Tá Phi Hành với giọng tiếu lâm, quen miệng chửi thề: Đù Mẻ! Bốc đàn bà đẻ, hổng biết hên hay xui đây? Cha nội trưởng đồn này, hổng chịu để vợ ở nhà, trong đất liền, lâu lâu về thăm có đã hơn hông?? Chắc chả ấy, ở ngoải biển buồn quá, nên đem vợ ra ngoài đảo dập dình cho đỡ buồn, làm tụi mình phải liên đới chịu trách nhiệm…. Dân Việt Nam ta, hay tin dị đoan, cho rằng thấy phụ nữ đang sanh đẻ, là sẽ gặp chuyện xui. Còn chở quan tài, hay người chết sẽ gặp chuyện hên.

Tui nói giỡn chơi với anh Y Tá Phi Hành: Vậy chứ ông già chú hồi xưa, thấy bà già chú đang đẻ ra chú, ổng có gặp xui đâu? Mà còn nuôi chú lớn tới giờ này, xách băng ca đi cứu người ta, mà chú kêu xui, là xui cái gì??

Anh Y Tá PH đáp liền: Ông già nhìn bà già đẻ là cái khác à!!!! Còn người ngoài đẻ, thì phải khác hẳn chứ!!

Ông TPC cười mím chi, nói: ĐM! Người nhà hay người ngoài đẻ, thì cũng ở chỗ đó, đâu có khác gì!!! Thôi! Dzông tụi bay…

Những mẩu chuyện tán dóc như vậy, đôi khi tạo cho chúng tôi niềm phấn khởi, trước khi lên đường hành quân.

Sau khi TPC lấy đầy đủ các chi tiết tọa độ, tần số FM liên lạc với quân bạn của các đơn vị xin Tản Thương. PHĐ chúng tôi khăn gói quả mướp, áo giáp, đồ phụ tùng cứu thương, lỉnh kỉnh bước ra khỏi Phòng Hành Quân, leo lên xe Pick Up.

Anh tài xế của phi đội chở chúng tôi xuống phòng An Phi, Phi Trang, ký mượn áo phao và các dụng cụ rescue, survival đi biển, sau đó chở chúng tôi ra Ụ Parking, check máy bay và làm tiền phi.

Tàu OK. TPC quay máy, cất cánh rời phi trường lên vùng bốc thương binh. Trên phi trình xuống Cà Mau, Trưởng Phi Cơ cho biết sẽ ghé một, hai tọa độ, đồn bót quân bạn trong vùng Chương Thiện, Rạch Giá bốc một số thương binh nhẹ tải về quân y viện Cà Mau, sau đó sẽ bay trực chỉ ra Hòn Đá Bạc.

Đáp bệnh viện Cà Mau thả thương binh xong. Trước khi cất cánh rời bệnh viện. PHĐ chúng tôi ai nấy đều nghiêm chỉnh, áo mũ cân đai, cởi áo giáp ra, mặc áo phao, đèn Strobe light, flare gun, nai nịt đầy đủ trên người, chuẩn bị cho chuyến phi trình ra đảo, băng qua eo biển. Những phi vụ băng qua biển như thế này, chúng tôi vẫn thường xuyên bay ra đảo Phú Quốc tản thương, đi về thường xuyên, nhưng là lúc ban ngày, chẳng có gì là nao núng.

Phi vụ băng qua biển lần này, lại là lúc bay ban đêm. Hơn thế nữa, bãi đáp lại là cái đồn trấn biên trên đảo Đá Bạc, nằm chơi vơi ở trên một trườn núi của hòn đảo. TPC nói cho PHĐ biết, nếu ra đến nơi mà gió biển thổi quá mạnh, không đáp được, thì sẽ báo về Dust Off Control xin dời phi vụ, chờ PHĐ sáng hôm sau sẽ bốc.

PHĐ bàn thảo, ông TPC suy đi, tính lại, nếu hủy bỏ phi vụ, chờ đến sáng hôm sau, sợ baby sẽ bị chết ngộp trong bụng mẹ và anh thương binh bị miểng mìn nổ trên Hòn Đá Bạc có còn cầm cự được bao lâu, nếu không cứu kịp. Thế rồi ổng bấm intercom nói với PHĐ. Tụi bay ơi! Mình quyết định bay ra đảo và tìm mọi phương cách đáp.

Tui nghĩ! Đáp kiểu này, chắc ổng muốn thử tài bay bổng của chính ông, theo gió biển và đêm tối là cái chắc.

Trên phi trình từ đất liền ra Hòn Đá Bạc, tôi nhìn xuống biển, thấy những chiếc tàu đánh cá, giăng đèn sáng rực, bắt cá mực. Những giải ánh sáng lấp lánh của tàu câu mực, long lanh dội xuống nước biển, nhìn tuyệt đẹp, như một khu phố đèn điện sáng óng ánh lúc ban đêm, sau cơn mưa.

Từ Cà Mau bay ra Đá Bạc khoảng hơn 20’ và từ bờ đất liền băng qua eo biển đến Hòn Đá Bạc khoảng chừng 10 phút.

Vừa cất cánh dời Cà Mau, TPC đổi tần số FM liên lạc với quân bạn dưới đồn, trên Hòn Đá Bạc:

-TPC: Hoàng Hải! Hoàng Hải! Đây Hồng Điểu gọi…… Tức thì có tiếng máy truyền tin contact rè rè trả lời…

-Hồng Điểu! Hồng Điểu! Đây Hoàng Hải tôi nghe thẩm quyền rõ 5/5..Hồng Điều!!!

-TPC: OK! Hồng Điểu chúng tôi sắp đến nhà bạn, nhẩy 4 lần tango với gia đình bạn. Nhờ bạn check lại coi chai Whiskey bẻ (thương binh) và cái thùng nước lèo đang sôi (bà bầu) của bạn có còn cần Hồng Điểu nữa hay không? Over!!!!

- Trình thẩm quyền Hồng Điểu! Hoàng Hải chúng tôi đang chờ Hồng Điểu (HĐ) như chờ Mẹ về chợ....

-TPC: OK! Vậy Hoàng Hải! Bạn cho mấy đứa em đem chai Whiskey và thùng nước sôi ra bàn bida sẵn sàng, rồi cho mấy đứa em làm “Anh dũng Non nước” = (an ninh) chung quanh cái bàn Bida (bãi đáp)! Nhận rõ, trả lời???

-Hoàng Hải! Tôi nhận hiểu rồi Hồng Điểu!! Tôi sẽ cho mấy đứa em nó mở đóm đóm chớp mắt để Hồng Điểu nhìn thấy tôi. Khi nào Hồng Điểu thấy con đom đóm, chớp mắt!! thì cho Hoàng Hải tôi biết??... Trình thẩm quyền!!!…

Trên hướng bay ra Hòn Đá Bạc, PHĐ chúng tôi tiếp tục giữ liên lạc với quân bạn dưới đồn…. Bay ra khỏi đất liền khoảng vài phút. Chúng tôi orbit máy bay hướng Nam trên biển của tỉnh Rạch Giá, hướng Bắc hòn Đá Bạc và yêu cầu quân bạn làm dấu hiệu bãi đáp cho chúng tôi ghé xuống.

Orbit chừng ¾ vòng thì chúng tôi đã thấy dấu hiệu đèn chớp tắt!! Chớp tắt của quân bạn. Họ dùng đèn Pin (Torch) chiếu từ dưới núi Đá Bạc lên hướng 5 giờ của máy bay và quơ vòng vòng… Quan sát dưới chỗ chớp đèn, chúng tôi nhận thấy một cái mũi tên sáng chỉ hướng SW với đầy đủ những ngọn đèn dầu, cháy lấp lánh trên mũi tên. Đó là những chiếc đèn do các binh sĩ chế tạo, có lẽ họ làm bằng những loong đồ hộp, lương khô hành quân (C ration) hoặc bằng những cái chai cắt ½ đựng dầu làm đèn, để làm dấu hiệu của đồn khi cần gọi phi cơ đến yểm trợ lúc ban đêm. Những chiếc đèn trên mũi tên này, chúng tôi thấy hàng ngày mỗi khi đáp xuống các đồn bót bốc thương binh..

Ông Trưởng Phi Cơ (TPC) tiếp tục liên lạc xuống dưới đồn:

-TPC: Hoàng Hải!! Hoàng Hải!!! Hồng Điểu (HĐ) đã thấy đom đóm chớp mắt của bạn rồi. Bạn cho biết hướng nào ghé nhà bạn tốt nhất?? Hoàng Hải nhận rõ trả lời ???

-Hoàng Hải!! Trình thẩm quyền, cho con chim lạng từ Đống Đa, Bắc Bình (hướng Đông Bắc) xuống Tư Tưởng, Non Nước (Tây Nam) là tốt nhất.

-TPC: Hoàng Hải! Hoàng Hải!! khoảng 2 phẩy (2 phút) nữa, HĐ sẽ bắt tay bạn, bạn tiếp tục cho đom đóm chớp, để HĐ định hướng ghé nhà bạn, nhận rõ trả lời ???

Khi Phi Cơ xuống cao độ còn khoảng 100 feet, thì bật đèn pha, tìm bãi đáp. Tám con mắt của PHĐ chúng tôi, tập trung quan sát, clear chung quanh bãi đáp. Bãi đáp “Heliport” cũng khá clear, gió biển tuy thổi mạnh vào trườn núi, rồi dội lại, làm cho phi cơ chòng chành, lắc lư chút xíu, nhưng với tài lão luyện đáp đêm của các cánh chim Hồng Điểu, TPC đã đặt con tàu xuống Heliport một cách an toàn. Vì bay trên biển, nên hai cánh cửa cargo phía sau máy bay phải mở tối đa, để phòng khi đáp emergency xuống biển. PHĐ dễ dàng có lối thoát hiểm.

Bốc thương binh và sản phụ xong. Máy bay cất cánh lấy cao độ an toàn. Y Tá phi hành khám xét lại các thương bệnh binh để báo cáo tình trạng sức khoẻ. Khi anh Y Tá rọi đèn, mở tấm mền đắp cho người sản phụ đang nhăn nhó quặn đau. Anh ta loay hoay khám xét bộ phận quan trọng, khu vực em bé sắp sửa chui ra.

Trong lúc gió phía ngoài phi cơ, vỗ mạnh tạt vào trong tàu làm cho tấm mền đắp trên sản phụ bay lên lất phất. Chàng Y Tá nhà ta phải vội chộp lấy góc tấm mền, chèn xuống dưới chân băng ca, rồi vui vẻ bấm intercom nói với PHĐ. Ù Mẻ! Nước ối của bà nội này, nó bay tùm lum, văng vô mặt tui, ớn quá.

Thế là cả PHĐ cùng cười muốn bể bụng. Ông TPC chọc quê. Ê! Chú mày coi, lại coi, nước ối có bay dính vô miệng hông? Mặn hay ngọt mảy?? Làm cả PHĐ chúng tôi vui cười chọc quê Y Tá suốt phi trình từ Đá Bạc về Cà Mau và qua các phi vụ tản thương kế tiếp trong đêm.

Bay trên trời khoảng trên 10 phút nữa, chắc có lẽ em bé sợ tiếng máy bay, nên đã thập thò, lòi ra cái bàn chân. Tôi phải phụ rọi đèn để anh Y Tá làm công tác hộ sinh (Cậu đỡ Midwife). Lần đầu tiên chúng tôi được phép nhìn tự do cái sự đời. Ôi! Sao mà nó kỳ diệu!!!

Y Tá báo cáo! Em bé sanh ngược, nên anh ta cố dùng phương pháp thủ thuật để cứu. Nhưng thời gian ngay lúc đó, thì phi cơ cũng vào không phận tỉnh Cà Mau và từ từ hạ cánh đáp xuống bệnh viện. Trước khi đáp, TPC đổi tần số sang tiểu khu TOC liên lạc với nhóm cấp cứu bệnh viện. Ngay tức khắc, bác sĩ và y tá đã trực sẵn trên bãi đáp, trong bệnh viện. Phi cơ vừa đáp xuống chạm đất, là họ cấp tốc đưa sản phụ vào phòng hộ sinh cấp cứu.

PHĐ chúng tôi cũng phải tắt máy nghỉ xả hơi khoảng hơn một tiếng hồ, đợi Y Tá phi hành vào bệnh viện làm thủ tục báo cáo hồ sơ y bạ. Nhờ cái phi vụ đỡ đẻ này, mà chúng tôi có đề tài, vừa bay tản thương, vừa tán dóc cũng đỡ boring, giữa đêm khuya cô tịnh trên không trung, bầu trời QK IV.

Phi vụ cuối cùng vào khoảng gần 5 giờ sáng đêm hôm đó, trên phi trình di tản thương binh từ U Minh về Cần Thơ. PHĐ ai nấy đều thấm mệt qua một đêm dài. Mọi người đang im lặng, chỉ còn có tiếng cánh quạt chém gió kêu pành pạch trên không. Phi cơ đang bình phi, thì anh Y Tá bấm intercom ngâm bài thơ bất hủ:

Sáng trăng em tưởng tối trời


Em nằm, em để sự đời phơi ra


Sự đời bằng cái lá đa


Đen như mõm chó, chém cha sự đời


Làm PHĐ chúng tôi phì cười, tỉnh táo, đỡ ngáp ngủ. Thế là chúng tôi lại cùng vui đùa tán dóc với nhau, cho đến khi đáp bệnh viện Phan Thanh Giản, Cần Thơ thả hết thương binh xong, rồi bay về Phi trường hoàn tất phi vụ tản thương đêm.

Hai hôm sau, lên ca trực, bay ban ngày. Tới giờ nghỉ trưa, chúng tôi đáp bệnh viện Cà Mau gửi phi cơ, rồi đi ăn trưa.

Sau khi ăn trưa ở quán ngoài phố xong. Chúng tôi ghé vào nhà thương thăm mấy cô y tá xinh xinh Cà Mau. Được biết em bé mà chúng tôi tản thương đêm hôm trước, vẫn còn nằm trong bệnh viện. Chúng tôi lại phòng hộ sản thăm Mẹ con em bé. Người Mẹ rối rít cảm ơn chúng tôi, nhưng chị ta tỏ vẻ hơi thẹn một chút. Chị cho biết, vợ chồng chị đã đặt tên khai sinh cho bé gái là Huỳnh Hồng Hải Yến. Hồng Hải Yến (có nghĩa là con chim hồng của biển cả).

Nếu cuộc đời bình yên và bằng phẳng, thì giờ đây có lẽ Hải Yến đã trở thành bà Mẹ của một bày con và cũng có thể Cô nàng đã trở thành bà nội hay bà ngoại rồi..

Đó là một kỷ niệm, một ấn tượng, trong cuộc đời bay bổng tản thương của những cánh chim Hồng Điểu chúng tôi.

Giờ đây, đôi khi nhớ lại dĩ vãng một thời, thấy mà vui vui….

Chuyện xưa, tích cũ

Hồng Điểu Jo. Vĩnh SA

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn