Có lẽ họ là những chiến bình gầy ốm nhất trong lịch sử các cuộc chiến.
Tôi đã xem hình người lính Y Uyên, Trần Hoài Thư, Vũ Hữu Định, Nguyễn Bắc Sơn…
Và sực nhớ ra thuở ấy so với lính Mỹ, lính Đại Hàn người lính miền Nam quá nhẹ ký.
Mà làm sao cao lớn được khi người dân Việt sống bằng những bữa cơm quá đạm bạc với ngày nào cũng chỉ một bát canh rau, đĩa dưa cà và một vài con cá kho mặn.
Bù lại việc làm của người dân Việt thuở ấy cũng khá thanh nhàn.
Không bao giờ phải gấp gáp, người nông dân mỗi sáng vác cuốc :
“Lững thững đi vào nắng mai” (1)
Cái cuốc trên vai cũng khá nhẹ nhàng so với sức vóc của người Việt.
Trẻ em nông thôn thì:
“Ngồi mình trâu phất.
ngọn cờ lau
Và miệng hát nghêu ngao”.(2)
Những cô cậu được cắp sách đến trường cũng lững thững đi bộ với cây bút và vài quyển vở trên tay.
Người dân thành phố mỗi chiều cũng chậm rãi dạo gót và có rất nhiều thời gian để nhìn thấy nhau:
“Phố chiều bao tà áo trắng
Lượn trên hè phố nắng
Những cô nàng xinh
Đang tròn trăng.
Có chàng đi tìm quá khứ (6)
Bỗng nhiên chiến tranh ập tới như cơn lốc, cuốn hút cái dân tộc gầy ốm và ‘lững thững”. ấy vào một trận cuồng phong khủng khiếp.
Những cậu bé 18 tuổi gầy nhom bỗng trở thành người lính và được trang bị vũ khí , quân dụng mà người chế tạo không dành cho nhũng thanh niên chỉ nặng trên dưới 40 kí lô.
Đôi săng đan mòn vẹt nhẹ hều đã được thay bằng đôi bốt nặng đến mấy ký, rồi mũ sắt rồi lựu đạn , rồi súng đạn rồi ba lô…
Người lính miền Nam bị tung ra chiến trường mà không biết tại sao mình phải làm lính.
Hãy nghe người lính Nguyễn Bắc Sơn phát biểu:
“ta vốn hiền khô, ta là lính cậu
đi hành quân rượu đế vẫn mang theo
mang trong đầu những ý nghĩ trong veo
xem chiến cuộc như tai trời ách nước” (3)
người lính Nguyễn Bắc Sơn được phát cho cây súng nhưng anh cũng mù mờ về kẻ địch. Trong lòng anh lúc nào cũng phân vân:
“Ta bắn trúng ngươi vì ngươi bạc phước
Vì căn phần ngươi xui khiến đó thôi
Chiến tranh này cũng chỉ một trò chơi “ (3)
Thật nhẫn tâm khi bắt con người hiền khô chơi trò chơi giết chóc.
Và người thư sinh ngày nào đã trong cơn tuyệt vọng, trở thành kẻ du côn nổi loạn sau khi nhận ra :
“Lũ chúng ta sống một đời vô vị
Nên chọn rừng sâu núi cả đánh nhau” (3)
Nguyễn Bắc Sơn có câu thơ cảm động:
“Mai ta đụng trận ta còn sống” (*)
Thật đáng thương cho một thế hệ thanh niên mà sự sống được tính từng ngày:
Không “du côn:
“Về ghé Sông Mao phá phách chơi “
như Nguyễn Bắc Sơn, Trúc Phương buồn bã, đau đớn trong thân phận người lính :
“Đơn vị thường xuyên
Nằm trên đất giặc
Thèm trong hãi hùng
Tiếng hát môi em
Tiếng hát ngọt mềm”
Thật thảm thiết nghe người lính Trúc Phương kêu gào:
“Đến với tôi
Hãy đến với tôi
Đừng yêu lính bằng lời”
Thương cho những chàng trai đang tuổi thanh xuân:
“không thèm đánh giặc
Thèm uống chai bia thèm châm điếu thuốc” (3)
Sau:
“Bốn chuyến du hành một ngày mệt ngất”
Dừng chân giữa chốn núi rừng tươi đẹp, người lính miền Nam mơ mộng:
“hãy tựa gốc cây , hãy ngắm mây trời
Hãy tưởng tượng mình đang đi picnic”(3)
Ngày các chàng lính miền Nam khoảng trên dưới 20 tuổi , tôi khoảng đôi tám trăng tròn.
Nhưng thuở ấy tôi ngây thơ về chiến tranh và rất sợ những chàng lính “phá phách”.
Tôi vẫn thích hơn được:
“Chiều chiều đi trong nắng nhặt hoa rơi ép vào trang giấy”, (4)
Tôi sống ở thành phố, rất xa “những đóm mắt hỏa châu” nhưng lại gần với “Mùa Thu Paris” của Cung Trầm Tưởng, Tôi chưa biết buồn vì vận hạn của dân tộc chỉ biết bâng khuâng khi “mùa thu vàng tới , là mùa lá vàng rơi” trong mùa Thu Vàng của Cung Tiến.
Nhưng nay tôi đã là mẹ của những đứa con trai . Tôi đã thấm nỗi đau của người mẹ :
“Đưa con về trần tủi nhục chung thân”(5)
Hàng triệu người lính trẻ gầy gò, vô vọng đã bị quăng vào một cuộc chiến phi lý, nơi người ta :
Mang bom đạn chơi trò chơi pháo tết
Và máu xương làm phân bón rừng hoang (3)
Nơi “đàn con ra lính đi rồi không về” (5)
Hơn 40 năm qua rồi tôi vẫn khóc khi nghe câu hát:
”Đứa con của mẹ da vàng
Ru con ru đạn nhuộm hồng vết thương”
“Ôi vết thương nào đục sâu da nồng
Thịt xương này mẹ nhọc nhằn hôm mai” (5)
Huyền Chiêu
Tháng tám 2015
Nguồn http://t-van.net/?p=23224
(1) Thơ Bàng Bá Lân
(2) Nhạc Phạm Duy
(3) Thơ Nguyễn Bắc Sơn
(4) Nhạc Hoàng Trọng
(5) Nhạc Trịnh Công Sơn
(6) Nhạc Hoàng Thi Thơ
Gửi ý kiến của bạn