BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73353)
(Xem: 62245)
(Xem: 39432)
(Xem: 31176)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Solzhenitsyn, bậc trưởng lão của văn học Nga

11 Tháng Tám 200812:00 SA(Xem: 924)
Solzhenitsyn, bậc trưởng lão của văn học Nga
53Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
53
Giữa thế kỷ trước, Gulag, một từ lạ tai, vừa mới xuất hiện đã lập tức được nhập tịch vào thông ngữ của nhiều dân tộc.

Vốn là tên gọi tắt của Tổng cục Lao cải Liên Xô (Главное Управление Исправительно-Трудовых Лагерей и колоний), gulag nay mang nghĩa sự trấn áp những công dân bất đồng chính kiến bằng giam giữ cộng với lao động khổ sai.

Chỉ sau khi Liên Xô sụp đổ, nhân loại mới được biết một con số khủng khiếp: kể từ năm 1929 đến năm 1953 đã có cả thảy 18 triệu công dân Xô-viết từng phải sống, và phải chết, trong hệ thống trại giam GULAG.

Người đem từ gulag vào ngôn ngữ cả thế giới là nhà văn Nga Aleksandr Isaevich Solzhenitsyn.

Solzhenitsyn trong Thế chiến Thứ hai là sĩ quan Hồng quân Liên Xô, đã hai lần được tặng thưởng huân chương trong chiến đấu.

Đầu năm 1945, khi chiến tranh sắp chấm dứt, ông bị bắt ở Đông Phổ vì những lời lẽ "phản nghịch" bị phát hiện trong một bức thư gửi cho bạn.

Bị khép vào tội “tuyên truyền chống nhà nước Xô-viết”, “âm mưu lập tổ chức chống nhà nước xô-viết”, ông lĩnh án tám năm tù, và bốn năm an trí.

Đại hội XX ĐCSLX (1956), với những đường lối rất mới đối với một xã hội đã xơ cứng: chống sùng bái cá nhân, cách mạng phi bạo lực, cùng tồn tại trong hoà bình giữa hai hệ thống tư bản và xã hội chủ nghĩa, đã mở cửa các nhà tù cho hàng loạt người bị giam cầm oan uổng.

Nhà tù Xô-viết

Hồi đó, là sinh viên ở Moskva, tôi có dịp gặp vài người vừa từ các nhà tù trở về.

Cũng là lần đầu tiên tôi được nghe đến những địa danh khủng khiếp: Kolyma, Norilsk, Vorkuta…, thuộc hệ thống các nhà tù Xô-viết.

Những người tù được tha không hiểu sao rất tránh né những câu hỏi tò mò. Thì ra được trở về rồi họ vẫn chưa hết sợ. Chế độ xô-viết vẫn còn đấy, và họ vẫn còn phải tiếp tục sống trong lòng nó.

Solzhenitsyn là người dũng cảm trong những người vừa thoát khỏi địa ngục.

Ông âm thầm viết, chờ đến ngày có thể lên tiếng tố cáo tính chất phi nhân không phải chỉ trong hệ thống nhà tù, mà trong cả hệ thống cai trị cộng sản.

Cơ hội ấy đến không phải ngay lập tức sau Đại hội XX. Mãi tới năm 1962, tức là 6 năm sau khi ra khỏi tù, ở tuổi 42, Solzhenitsyn mới được người đọc biết đến qua truyện ngắn ồn ào dư luận “Một Ngày Trong Đời Ivan Denisovich.”

Ồn ào, vì nó là tác phẩm dám đặt chân vào vùng cấm - nhà tù Xô-viết.

Đề tài này về sau được tác giả mở rộng ra trong nhiều tác phẩm khác như “Tầng Đầu Địa Ngục”; “Khoa Ung Bướu” và cuối cùng là trường thiên tiểu thuyết 3 tập - Quần đảo Gulag” (hay Quần Đảo Ngục Tù, theo tên một bản dịch trước năm 1975 tại Sài Gòn).

Sau Đại hội XX, tôi đã đọc một số hồi ký ngắn của những người cộng sản đã trải qua các nhà tù và trại tập trung, trong đó các tác giả ít miêu tả cuộc sống trong tù, mà nói nhiều về lòng trung với đảng của những người bị “xử trí” oan.

Không thấy bị oan

Solzhenitsyn khác họ. Ông không thấy mình bị oan. Ông là người dứt khoát với chủ nghĩa cộng sản, ông không thừa nhận nó, không đi với nó. Tuy nhiên, trong đoạn khởi đầu văn nghiệp ông là người gặp may.

Nếu ông không được nhà thơ Tvardovsky, chủ bút tờ Novyi Mir(Thế Giới Mới), đồng thời là uỷ viên Bộ Chính trị, giúp đỡ, không được người đứng đầu đảng Cộng sản Liên Xô lúc ấy là Nikita Khrushev ủng hộ, thì người đọc không thể biết đến một tài năng kiệt xuất, một tâm hồn trong sáng và quả cảm, người mà về sau được vinh danh là “lương tâm của nước Nga”.

Trong một cơn bốc đồng, Nikita Khrushev đã lớn tiếng bảo vệ truyện ngắn của Solzhenitsyn trước Bộ Chính trị với câu nói nổi tiếng:

“Trong mỗi người các anh đều có một kẻ theo chủ nghĩa Stalin; kẻ đó có cả trong bản thân tôi. Chúng ta phải trốc tận rễ cái tai hoạ ấy”.

Không có Solzhenitsyn thì thế giới còn mơ hồ về hệ thống cai trị cộng sản lắm.

Tôi cũng mơ hồ như thế khi chỉ nhìn thấy bề ngoài của cuộc sống ở Liên Xô.

Tôi tin vào lời biện bạch của những người bảo vệ nó khi phải nói tới những cái xấu, mà ngày nay người ta thường dịu dàng gọi là “những hiện tượng tiêu cực”, rằng “dưới chân ngọn hải đăng bao giờ cũng tối”.

Gây nhiều tranh cãi

Nhà nước cộng sản còn thì chế độ kiểm duyệt còn. Solzhenitsyn rất hiểu điều đó.

Sau “Một ngày trong đời Ivan Denisovich” chỉ có cuốn “Khoa Ung Bướu” là được in sau khi bị kiểm duyệt cắt xén nhiều đoạn, cũng lại với sự bảo trợ nhiệt tình của Tvardovsky.

Solzhenitsyn tiếp tục viết, lén lút viết, viết được đến đâu đem đi cất giấu đến đó. Phương Tây tiếp tục in các tác phẩm của ông được chuyển ra ngoài bức màn sắt.

Với “Quần đảo Gulag” viết rất vất vả và công phu trong 10 năm, Solzhenitsyn cho người đọc một bức tranh hết sức sống động về xã hội xô-viết.

Không một tác phẩm nào có thể sánh bằng, kể cả trong thời kỳ hậu cộng sản.

Năm 1970, Solzhenitsyn được trao giải Nobel văn chương. Không doạ nạt được ông, không thể bỏ tù ông lần nữa, người ta trục xuất ông.

Trong cuộc sống lưu vong kéo dài 20 năm, Solzhenitsyn tiếp tục viết, nhưng những tác phẩm sau này, về lịch sử, tôn giáo, văn hoá, không có được tiếng vang như những tác phẩm trước đó, chúng gây ra nhiều tranh cãi.










  
Solzhenitsyn phát biểu trước quốc hội năm 1994

Không kể những phê phán từ phía các tác gia cộng sản, nhiều người trước hâm mộ ông cũng quay lưng lại với ông.

Người ta thấy ở Solzhenitsyn một con người khá là cực đoan khi ông lớn tiếng phê phán văn hoá phương Tây, tôn sùng quá mức Chính thống giáo, cũng như phong tục cổ truyền Nga.

Solzhenitsyn hiển nhiên một nhà văn vĩ đại, chí ít cũng là một nhà văn rất lớn, rất có công trong sự vạch trần tính chất phi nhân của một xã hội bịa đặt theo một mô hình không tưởng.

Tư tưởng Đại Nga

Nhưng thú thực, đọc ông, tôi không mấy hứng thú với những nhân vật mang nặng tính xu hướng của ông, nếu so sánh chúng với những nhân vật tự nhiên, ngồn ngộn đời thường của Boris Pasternak.

Nhưng làm sao khác được, khi người cầm bút phải trải qua những gì ông đã trải qua?

Làm sao ngăn được nỗi niềm cay đắng của mình tràn lên trang viết, trong vô thức bắt nhân vật của mình làm phát ngôn nhân cho nỗi niềm ấy?

Cái mà tôi không thích ở ông còn ở chỗ ông lồ lộ là một người Đại Nga, không khác bao nhiêu với các vị Đại Hán mà tôi được biết, ông mang trong huyết quản tư tưởng Đại Nga cố hữu trong cái nhìn về các dân tộc khác và các nền văn hoá khác.

Ông gần với Putin hơn với Eltsin cũng vì lẽ đó. Nhưng chính Putin, một người chắc còn Đại Nga hơn ông nữa, khi trao tặng giải thưởng quốc gia cho ông ngày 12.06.07 “vì những đóng góp cho khoa học nhân văn” đã không một lời nhắc đến những tác phẩm của ông.

Chắc hẳn đó chỉ vì những tác phẩm của ông được viết ra là để chống lại cái nhà nước đường bệ một thời trong vị thế cường quốc thế giới mà ông Putin luyến tiếc.

Trong mắt tôi, một người đọc bình thường, Solzhenitsyn hiển hiện trong hình hài một trưởng lão Đại Nga, với cây gậy cổ truyền không thể thiếu của bậc trưởng lão.

Ông không phải là nhà-văn-bè-bạn với người đọc. Ông là nhà-văn-giảng-sư với những bài giảng có ích và chưa chắc có ích.

Nhưng người đọc sẽ nhớ ông mãi mãi và cảm ơn ông chỉ vì một tác phẩm khai sáng “Quần đảo Gulag”.

Vũ Thư Hiên
Gửi cho BBC từ Paris
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn