Trong những ngày vừa qua đúng dịp kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 19 tháng năm, báo chí Việt Nam lại tiếp tục nhắc tới điều được gọi là chiến dịch ”Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Chiến dịch này đã được Bộ Chính trị Việt Nam đã đưa vào một chỉ thị từ hồi cuối năm 2006.
Vào các dịp kỷ niệm ngày 19/5 báo chí Việt Nam đều không nhắc gì tới vai trò của ông Hồ Chí Minh trong các vụ như Cải cách ruộng đất hoặc vụ án Xét lại chống Đảng mà ông Vũ Thư Hiên, khách mời của tạp chí Phỏng vấn Hàng tuần tuần này là một nạn nhân.
Ông Vũ Thư Hiên và cha ông, Vũ Đình Huỳnh, Bí thứ riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bị giam vì bị kết tội có khuynh hướng đi ngược lại đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam lúc bấy giờ.
Tuy nhiên trong cuộc nói chuyện với ông, BBC đề nghị ông kể lại những năm đầu ông gặp gỡ với Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội và sau này ở chiến khu Việt Bắc.
Tải xuống để nghe.
Bác của các cháu
Ông Vũ Thư Hiên nói theo những điều ông biết những người xung quanh ông Hồ trong những giai đoạn đầu đều không gọi ồng Hồ là bác.
”Theo tôi nhận xét giai đoạn ấy tất cả mọi người cách mạng gọi cụ Hồ là anh chứ không ai gọi bằng bác cả.
”Nhưng có một số người có con cái hay gặp cụ thì gọi là bác, tức là bác của các cháu thôi.
”Sau này đã có một sự lầm lẫn được ghi lại là một vài người viết sử nói cả một chính phủ đều xưng ‘bác cháu’, cái chuyện đó là không có.”
Ông Hiện cũng nói bây giờ gọi Hồ Chỉ Tịch bằng ‘bác’ nhiều khi không còn phù hợp nữa.
”Bây giờ các quan chức gọi Bác Hồ cũng phải thôi, có khi phải gọi bằng ‘ông’ ấy chứ
”Với tuổi gọi theo cách Việt Nam thì cái chữ ‘bác’ đôi lúc còn hơi xấc đấy.”
Ông Vũ Thư Hiên nói ông gặp gỡ Hồ Chủ Tịch rất nhiều lần và trong phỏng vấn với BBC ông kể lại một số lần ông nhớ nhất.
Sinh nhật năm 1950
Trong số các lần gặp gỡ ông Vũ Thư Hiên còn nhớ, đó là dịp sinh nhật ông Hồ, ngày 19/5/1950, dịp mà ông nói người ta đã tổ chức mừng sinh nhật ‘rất to’ và đọc nhiều thơ đối đáp.
Ông nói về cuộc gặp gỡ khi ông đã là thanh niên 17 tuổi.
”Cái hôm đó tôi về thì bố tôi (ông Vũ Đình Hu ỳnh - bí thư riêng của Hồ Chủ Tịch) bảo là con xuống chào bác đi.
”Cha tôi ở trên đồi, còn cụ Hồ ở chỗ thấp hơn một chút.
”Tôi chạy xuống thấy cụ Hồ đang làm việc trong phòng.
”Tôi bước vào, lúc đó tôi đang ở trong quân đội, thành ra tôi cũng giơ tay chào, hai ngón trỏ và ngón giữa áp đúng vành mũ và đứng nghiêm.
”Tôi chào cụ và cụ bảo ‘Cháu ngồi xuống đây’
”Tôi nhớ nhất là lúc ấy cụ Hồ có sờ cái áo của tôi và bảo ‘Bộ đội bây giờ mặc có khá nhiều hơn trước cháu nhỉ.’
”Tôi có nói là ‘Thưa bác, đấy là chỉ quân khu Việt Bắc khá thôi bác ạ. Còn cháu đây là mặc quần áo của bộ đội Khu III.
”Khu III lúc đó người ta làm bằng sợi visco, nó lõng thõng và chảy chứ không đứng áo.
”Tôi cũng có trình bày tôi bảo là còn anh em bộ đội Khu V dùng vải sita, khu IV dùng vải mộc, còn trên Việt Bắc là vải xanh đẹp.
”Cụ bảo ‘Thôi, bây giờ có được quần áo thế là tốt lắm rồi.”
Tử hình
Ông Vũ Thư Hiên cũng nói chỉ ít lâu sau, chính ông Hồ đã ký án tử hình Đại tá Trần Dụ Châu ”người lúc đó chăm lo cho việc bộ đội ở khắp chiến khu đều có quần áo chính quy mặc.”
”Tôi nghĩ so với công và tội mà lúc đó người ta gọi là tham nhũng thực sự nó cũng không đáng bao nhiêu cả.
”Một số nhà thầu mà ông Trần Dụ Châu khuyến khích mãi người ta mới làm thì khi gặp gỡ nhau họ cũng biếu ông ấy một số đồ mà ở vùng địch nhiều chứ ở trên Việt Bắc hiếm.
”Rồi trong đám cưới của ông ấy họ cũng cho một ít thuốc lá thơm.”
Ông Hiên nói cha ông đã khuyên ông Hồ không nên nghiêm khắc quá nhưng ”cụ Hồ khăng khăng, một mực phải bắn.”
Ông Hiên cũng nói trong năm 1950, ông Hồ cũng đã ký lệnh xử bắn chính sĩ quan chỉ huy vừa chiến thắng mặt trận đường số IV chỉ vì ông này đi nhờ máy bay của Pháp chở tù binh do Việt Nam trao trả về Hà Nội.
Tuy nhiên ông nói số vụ tử hình lúc đó không nhiều và chính ông khi đó cũng nghĩ rằng đó là những việc ”cần làm”.
Sau này ông Hiên trở thành người bị giam cầm lâu nhất (chín năm từ 1967-1976) trong vụ vẫn được biết tới với tên ‘Xét lại chống Đảng’.
Cha ông, ông Vũ Đình Huỳnh, cũng bị tù sáu năm.
Ông Hiên nói lý do ông bị giam cầm lâu là vì ông luôn khẳng định ông không làm gì sai pháp luật.
”Cái nguy hiểm của Việt Nam là khi đó họ chẳng xét xử theo pháp luật gì cả.
”Kể cả họ có luật chẳng ra gì nhưng họ áp dụng luật thì cũng còn đỡ.
”Đằng này họ thích bắt thì bắt và đến khi thả thì thả thôi.”
BBC - 19 Tháng 5, 2007
Gửi ý kiến của bạn