BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 83090)
(Xem: 64802)
(Xem: 42339)
(Xem: 33864)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Little Saigon Radio phỏng vấn Nhà Văn Vũ Thư Hiên

05 Tháng Mười 200512:00 SA(Xem: 1226)
Little Saigon Radio phỏng vấn Nhà Văn Vũ Thư Hiên
53Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
53
Đinh Quang Anh Thái: Thưa ông, tháng trước có một cuộc họp có tên là Họp mặt Dân chủ 2005 được tổ chức tại Cali Mountain (California) và ông là một trong những người tham dự. Ông có thể cho biết về tổ chức dân chủ mới xuất hiện này ?

Vũ Thư Hiên: Đúng như tên gọi của nó, Họp mặt Dân chủ chỉ là một cuộc họp mặt. Họp mặt Dân chủ không phải là một tổ chức. Nó ra đời một cách tình cờ, ngẫu nhiên, bắt đầu từ một sáng kiến ngẫu hứng, có thể nói như vậy. Mấy người bạn gặp nhau, họ đều là những người quan tâm tới cuộc đấu tranh cho dân chủ ở trong nước, thế rồi trong bữa ăn, bên bàn trà, họ bàn luận với nhau nhiều chuyện. Rồi họ thấy giá mà tổ chức được những cuộc gặp gỡ đông đủ hơn để những người tham dự có điều kiện bổ túc cho nhau những hiểu biết, những kinh nghiệm đấu tranh nữa, thì thật bổ ích. Một cuộc gặp mặt theo cái kiểu như vậy đã được tổ chức lần đầu tại Đức vào năm 2002. Tên gọi Họp mặt Dân chủ ra đời chính là trong cuộc họp mặt này. Những người tham dự quyết định mỗi năm lại gặp nhau một lần như thế. Vì thế mà có Họp mặt Dân chủ 2003 ở Pháp, Họp mặt Dân chủ 2004 ở Hoa Kỳ, Họp mặt Dân chủ 2005 là cuộc họp mặt mà bạn vừa nói tới…

Đinh Quang Anh Thái: Có người nói rằng những cuộc Họp mặt Dân chủ được tổ chức bí mật, có đúng thế không ? Và đàng sau những cuộc họp kín ấy là cộng sản Hà Nội? Cả việc ông Hoàng Minh Chính đến Hoa Kỳ trước cuộc Họp mặt Dân chủ 2005 để có thể gửi lời chào mừng cũng là do Hà Nội sắp đặt ?

Vũ Thư Hiên: (cười) Không phải chỉ do Hà Nội sắp đặt, mà có cả sự dàn xếp giữa Hoa Kỳ và Washington nữa chứ, theo một bài viết khác mà tôi vừa đọc. Nói tóm lại, người ta coi đó là bài bản của hai quyền lực thoả hiệp với nhau, đại khái thế. Cũng theo cách suy diễn phong phú ấy người ta có thể nói thêm rằng Hà Nội và Washington đã bàn nhau bày đặt ra bệnh ung thư tuyến tiền liệt nơi ông Hoàng Minh Chính ấy chứ. Để rồi viện cớ đến Hoa Kỳ mà tuyên bố chống chế độ độc tài trong một vở kịch bình cũ rượu mới “Lê Lai liều mình cứu chúa”… Mà tại sao Hoàng Minh Chính không đến dự Họp mặt Dân chủ 2005 cho tiện mà lại gửi lời chào mừng? Chắc hẳn hôm ấy có một cuộc họp quan trọng giữa ông Chính với các điệp viên 008 và 009, có thể thế lắm. Những chuyện tiếu lâm ấy không thiếu. Với tư cách một người tham dự, tôi khẳng định Họp mặt Dân chủ không phải là một cuộc họp bí mật. Không có hội kín hội hở nào ở đây cả.

Đinh Quang Anh Thái: Người ta cũng đặt câu hỏi: để tổ chức được những cuộc họp mặt như thế phải cần đến tiền, vậy ai là người tài trợ ?

Vũ Thư Hiên: Tại sao lại cứ phải có ai đó tài trợ thì những người thích gặp nhau mới có thể gặp được nhau nhỉ? Những người đến dự Họp mặt Dân chủ không đông, chừng năm sáu chục người, để tham dự họ phải bỏ tiền túi đấy. Đông hơn thì mọi người cũng muốn, nhưng lại khó tổ chức, từ việc chọn địa điểm họp cho đến thời gian, sao cho thích hợp với đa số. Ai cũng có thể tham dự Họp mặt Dân chủ, miễn là có người đã tham dự cuộc họp mặt trước đó giới thiệu. Tại sao lại phải có sự giới thiệu? Là vì để có người đứng ra bảo đảm rằng người đến dự không phải chỉ để “xem nó ra làm sao”, vì tò mò, và vì muốn giết thời giờ nhân tiện một chuyến du lịch.

Đinh Quang Anh Thái: Ông cho rằng hình thức họp mặt này là tốt cho những ai quan tâm tới cuộc đấu tranh cho dân chủ ở trong nước ?

Vũ Thư Hiên: Nếu không cho là tốt thì tôi không đi. Ở tuổi 72, tôi không có nhiều thời gian để tiêu phí. Tôi sẽ lấy làm tiếc không được dự một cuộc họp mặt như thế vì thiếu sức khoẻ.

Đinh Quang Anh Thái: Chúng tôi không thấy có những thông cáo báo chí về những cuộc Họp mặt Dân chủ? Tại sao ?

Vũ Thư Hiên: Họp mặt Dân chủ không phải một tổ chức, tôi xin nhắc lại. Nó không có nhu cầu quảng bá kết quả của nó như thường có sau một hội nghị. Còn chuyện này nữa: những người tham dự là những người khiêm nhường, họ không muốn làm ồn ào về những phát biểu của mình. Cho dù những phát biểu ấy chẳng đụng đến ai. Đó chẳng qua chỉ là kết quả những nghiên cứu của họ. Chẳng hạn, về quan hệ giữa dân chủ và phát triển (dân chủ trước, phát triển sau hay ngược lại?), về tiến trình dân chủ hoá trong các xã hội hậu cộng sản, hoặc về những cái ta tạm gọi là “diễn biến hoà bình” trong các cuộc cách mạng nhung ở các nước ở Đông Âu và trong Liên bang xô-viết cũ. Đáng chú ý là những công trình nghiên cứu mà tác giả của chúng không muốn công bố khi chuyển về trong nước đã được anh em trong nước đón nhận với sự trân trọng. Vì vậy mà không phải chỉ có ông Hoàng Minh Chính, mà các ông Trần Khuê, Đỗ Nam Hải cũng gửi lời chào mừng đến Họp mặt Dân chủ 2005. Một dấu hiệu đáng khích lệ của sự liên kết trong ngoài. Những người dân chủ trong nước đánh giá tốt công việc của những cuộc Họp mặt Dân chủ.

Đinh Quang Anh Thái: Nhân tiện nói đến ông Hoàng Minh Chính, xin ông cho biết có phải ông Chính đến Hoa Kỳ là do sự vận động của Đảng Nhân dân Hành động như một vài bài báo đã viết hay không ?

Vũ Thư Hiên: Ở đây có sự hiểu nhầm. Tôi quen biết bác sĩ Nguyễn Xuân Ngãi, tôi quý mến ông ấy. Ông ấy là một người rất nhiệt tình với cuộc đấu tranh cho dân chủ ở trong nước. Đối với ông Hoàng Minh Chính, một người đã bị chính quyền Hà Nội bắt tù nhiều lần, lẽ dĩ nhiên ông Ngãi có sự kính trọng đặc biệt. Khi được ông Trần Khuê thông báo ông Chính bệnh nặng khó lòng qua khỏi tôi có gọi điện cho ông Ngãi để hỏi ông Ngãi xem bệnh tình của ông Chính như thế thì nên chữa chạy cách nào. Ông Ngãi bảo: bệnh ung thư tuyến tiền liệt không phải là một nan y đối với y khoa hiện đại, nhưng ở Việt Nam thì có thể có những khó khăn đấy. Thế rồi trong một cuộc điện đàm tiếp theo tôi hỏi ông Ngãi: nếu ông Chính được chữa bệnh tại Hoa Kỳ thì liệu có qua khỏi được không? Ông Ngãi nói: vấn đề là ông Chính còn đủ sức khoẻ để bay một chuyến đường dài không? Và liệu người ta có để cho ông ấy đi không? Tôi nêu ý kiến hay là ta thử mời ông Chính sang Mỹ chữa bệnh, tuy có những khó khăn về tài chính đấy, nhưng là điều tôi nghĩ hoàn toàn có thể làm được, một người như ông Chính sẽ có những người ủng hộ. Ông Ngãi nói rằng chuyện tài chính không phải chuyện đáng lo, một mình ông ấy cũng bảo đảm được, và ông Ngãi lập tức làm giấy mời chuyển qua ông Nguyễn Thanh Giang để ông Giang đưa đến cho ông Chính, đồng thời một phó bản cũng được gửi đến toà đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội. Giấy mời gửi đi rồi, chúng tôi vẫn lo lắng – liệu người ta có cho ông Chính đi không? Trong một cuộc điện đàm với bà Chính, bà Chính cũng cho tôi biết không ai có thể nói chắc Hà Nội sẽ cho ông Chính đi. Nhưng rồi ông Chính đã đến Hoa Kỳ. Một sự bất ngờ đối với tôi, thú thực như vậy. Nhưng đầu đuôi câu chuyện chỉ có thế thôi. Bác sĩ Nguyễn Xuân Ngãi là một con người, trong chuyện này ông hành xử như một con người, chứ không phải như một người lãnh đạo của một tổ chức là Đảng Nhân dân Hành động. Cách nhìn một con người nhất thiết phải thuộc một tổ chức nào đó là một cách nhìn không nên có. Mà nếu như Đảng Nhân dân Hành động có ý muốn cứu một người dân chủ đang ở trong tình trạng cận kề cái chết thì đã sao? Chẳng lẽ đó là một việc không nên làm? Lại có tin ông Hoàng Minh Chính kéo Đảng Nhân dân Hành động vào như một trụ cột của phong trào dân chủ hải ngoại nữa, rồi tin đồn đó bay về trong nước, hoặc do công an bịa ra để bêu xấu ông Hoàng Minh Chính. Không có tự do ngôn luận thì thế đấy. Trong nước đã có trên 600 tờ báo lớn nhỏ của đảng cộng sản, mà nhân dân vẫn say sưa với các tin đồn. Chẳng thế mà trong cuộc chiến tranh tâm lý, đảng cộng sản đã có cả một trung tâm tung tin vịt.

Đinh Quang Anh Thái: Có người cho rằng việc chính quyền Hà Nội cho phép ông Chính sang Hoa Kỳ chữa bệnh là có ẩn ý, chắc ông Chính phải “ngả cờ” theo họ thì họ mới cho đi. Trong một bức thư ngỏ được phát tán trong nước ký tên Trần Quốc Minh mà chúng tôi nhận được cũng có ý như thế. Ông Trần Quốc Minh này đặt nghi vấn: phải chăng ông Hoàng Minh Chính đã “ngả cờ”, sẵn sàng bán rẻ phong trào dân chủ trong việc làm ngơ cho hai ông Hoàng Tiến và Nguyễn Thanh Giang chửi bới nhau trên mạng, thậm chí còn đứng hẳn về phe ông Hoàng Tiến, là để đổi lấy chuyến đi cứu mạng ?

Vũ Thư Hiên: Bức thư tán phát ký tên Trần Quốc Minh không làm ai ngạc nhiên. Giọng văn và luận điệu trong đó có thể thấy ngay mà chẳng cần tinh tường cho lắm là của Công an. Nhưng cách nghĩ của ai đó ở hải ngoại rằng hẳn ông Chính phải “ngả cờ”, phải “nhận nhiệm vụ” của Hà Nội, thì mới được đi thì không phải của Công an đâu. Đó là cách suy diễn theo tam đoạn luận, rất thông thường, nhưng cũng thường sai lầm. Tại sao không đặt câu hỏi theo cách khác: tại sao vài năm trước ông Hoàng Minh Chính chắc chắn không thể đi được mà nay lại được đi? Cần phải đặt sự việc trong bối cảnh không gian và thời gian của nó, nếu không muốn sa vào sai lầm. Ta hãy đặt một loạt câu hỏi. Tại sao ông Trần Khuê vừa mới ra tù đã có thể trả lời thoải mái các cuộc phỏng vấn các của các đài nước ngoài? Tại sao linh mục Nguyễn Văn Lý mới đây dám công nhiên kêu gọi tẩy chay bầu cử? Tại sao ông Phương Nam không bị bắt khi tung ra lời kêu gọi trưng cầu dân ý? Tại sao Hà Nội không dám ngăn cản những vị dân biểu Mỹ và châu Âu, những vị đại sứ các nước, viếng thăm hoà thượng Thích Quảng Độ? Tại sao những nhà dân chủ và những người đấu tranh cho tự do tôn giáo lại có thể được mời và ung dung đến toà tổng lãnh sự Sài Gòn để dự tiệc mừng Ngày Lễ Độc lập của Hoa Kỳ mà không bị ngăn cản? Thời gian hôm nay khác với thời gian hôm qua, vị thế của các chủ thể nằm trong một sự việc hôm nay cũng khác hôm qua. Không nên, rất không nên đeo đồng hồ chết. Rất nên vui mừng cho cuộc đấu tranh dân chủ hôm nay nhờ áp lực quốc tế, mà áp lực đó có được là có phần đóng góp không nhỏ chút nào của người Việt hải ngoại, đã buộc chế độ độc tài phải lùi dần từng bước.

Đinh Quang Anh Thái: Ông có thể cho biết về mối mâu thuẫn giữa hai ông Hoàng Tiến và Nguyễn Thanh Giang. Nó được nhắc tới trong cái gọi là thư của Trần Quốc Minh , theo đó thì nó được ông Hoàng Minh Chính khuyến khích, nhằm phá vỡ phong trào dân chủ. Chắc ông biết rõ chuyện này.

Vũ Thư Hiên: Tôi xin được không trả lời câu hỏi. Quả là có một mâu thuẫn đã bùng nổ giữa hai người đấu tranh cho dân chủ mà chúng ta biết tiếng. Nó bắt đầu bằng bài viết của ông Hoàng Tiến trên trang web Talawas, sau đó là bài trả lời của ông Nguyễn Thanh Giang. Cả hai đều vấy bùn của nhau. Nhưng đó không phải là một cuộc tranh luận về đường lối đấu tranh cho dân chủ. Không ai tán thành một cuộc cãi vã như thế. May, nó đã được dẹp, mặc dầu nó được công an khai thác tận tình. Ngoài thư của Trần Quốc Minh, còn có thư của Mai Danh, của Quốc Tiến và đủ mọi thứ tên khác. Còn ông Hoàng Minh Chính, có đúng ông ấy làm như Trần Quốc Minh vu cáo không, thì bạn tự có câu trả lời. Ông Hoàng Minh Chính chỉ có thể là Hoàng Minh Chính, với danh hiệu “người anh cả của phong trào dân chủ” mà anh em dân chủ phong cho, nếu ông ấy đứng ngoài và đứng trên cuộc cãi vã vô bổ nọ. Ông ấy phá vỡ phong trào dân chủ chỉ để được đi Mỹ chữa bệnh ư? Không có ý nghĩ nào tầm phào bằng ý nghĩ ấy.

Đinh Quang Anh Thái: Ông nghĩ gì về sáng kiến của ông Hoàng Minh Chính về một “Tiểu Diên Hồng – Bàn tròn Ba bên” mà ông ấy đã đề xuất từ nhiều năm trước ?

Vũ Thư Hiên: Bàn tròn, và lại còn Diên Hồng nữa, có nghĩa là những người tham gia cái bàn tròn đều bình đẳng trong sự bàn việc nước. Bạn có tin rằng đảng cộng sản đồng ý và coi những người không phải là họ bình đẳng với họ không? Không chứ? Tôi cũng vậy. Tôi không tin.

Đinh Quang Anh Thái: Nhưng ông Hoàng Minh Chính tin ?

Vũ Thư Hiên: Tôi chắc chắn ông Hoàng Minh Chính cũng không tin. Ông ấy là một nhà hoạt động cách mạng lâu năm. Hơn ai hết, ông ấy hiểu cái đảng mà ông ấy từng là đảng viên, ông ấy hiểu rất tốt những người trước kia là đồng chí của ông ấy, ông ấy hiểu rất tốt cái bộ máy mà đảng cộng sản đã xây dựng nên. Năm nay ông Chính 85 tuổi, ở tuổi 85 ông ấy đâu còn ngây thơ để tin vào những phép màu chỉ có trong chuyện cổ tích. Nhưng không phải một khi đã không tin thì không được phép đưa cái bàn tròn đáng yêu ấy ra để làm một phép thử. Vì biết chắc chắn kết quả của phép thử, ông Chính muốn kết quả của nó sẽ làm cho mọi người hiểu rõ hơn một sự thật: ấy là đừng bao giờ tin vào thiện chí rời bỏ quyền lực của những tên độc tài, rằng chỉ có đấu tranh mới có thể giành được cái mình muốn có.

Đinh Quang Anh Thái: Có người nói rằng đưa ra sáng kiến “Bàn tròn Ba bên” là bắt tay với cộng sản? Ông nghĩ sao ?

Vũ Thư Hiên: Chà, giá mà họ chịu bắt tay với chúng ta để bàn chuyện lo cho đất nước được phát triển, dân ta được sống tự do, hạnh phúc nhỉ? Bắt tay với chúng ta để cùng lo việc nước có nghĩa là họ sẽ chịu bỏ độc quyền lãnh đạo, nên hiểu là độc quyền muốn làm gì thì làm, trong đó tất nhiên phải có độc quyền nắm mọi đặc quyền đặc lợi như ta đang chứng kiến. Làm sao họ có thể bỏ cái vật qysz1 ấy đi được? Họ chỉ chịu như thế khi họ tươi cười bước vào nhà thương điên thôi, bạn ạ, làm gì có chuyện đó.

Đinh Quang Anh Thái: Trong cuộc phỏng vấn vừa rồi của phóng viên Việt Hùng của đài Tiếng nói Á châu Tự do (Radio Free Asia), ông Trần Khuê có nói, tôi xin phép đọc nguyên văn: “Vừa rồi chúng tôi cùng linh mục Nguyễn Văn Lý, giáo sư Nguyễn Chính Kết, kỹ sư Đỗ Nam Hải có đến thăm linh mục Chân Tín và bây giờ đang ở nhà cụ Lê Quang Liêm. Chúng tôi bàn về một liên minh thần thánh, các cụ đều thống nhất là đứng trong phong trào Dân Chủ Việt Nam Thống Nhất, đó là một phong trào dân chủ trong nước liên minh với phong trào dân chủ hải ngoại do giáo sư Hoàng Minh Chính vừa rồi làm một gạch nối rất đẹp. Và như thế tức là phong trào của chúng tôi hiện nay đang phát triển rất lớn mạnh.

Nó tập hợp tất cả các lực lượng tôn giáo cũng như các lực lượng dân chủ để cùng một mục tiêu trước mắt là đấu tranh để giành quyền tự do báo chí, có báo chí tư nhân, có cơ quan ngôn luận riêng của phong trào dân chủ. Và đồng thời đấu tranh để cho đến năm 2007 tức là cuộc tổng tuyển cử mới sẽ là cuộc tổng tuyển cử tự do, có quốc tế giám sát, và có lực lượng đối lập ở trong quốc hội. Như thế sẽ hình thành một hiến pháp mới và những luật pháp mới để làm cho đất nước của chúng ta ngày càng phát triển.”

Ông nghĩ sao về lời tuyên bố này ?

Vũ Thư Hiên: Thật là vui khi ta thấy những vị chức sắc tôn giáo sát cánh cùng người thế tục trong một phong trào dân chủ thống nhất. Thống nhất được các lực lượng riêng rẽ ở trong nước là một thắng lợi lớn. Thống nhất được luôn các lực lượng trong nước và ngoài nước là một thắng lợi còn lớn hơn nữa. Đó là điều mà tôi tin rằng bạn và tôi, và nhiều người nữa, đều mong muốn.

Đinh Quang Anh Thái: Ông có tin rằng đến năm 2007, như ông Trần Khuê nói, sẽ có bầu cử tự do có quốc tế giám sát, hiến pháp sẽ được viết lại không ?

Vũ Thư Hiên: Cần phải hiểu đúng ý câu nói của ông Trần Khuê. Ông ấy muốn lấy cái mốc cuộc tổng tuyển cử năm 2007 như một cái mốc cho sự phấn đấu của những người dân chủ, chứ không khẳng định đó là một chương trình hành động cụ thể với những mục tiêu phải đạt được. Tất cả còn tùy thuộc ở nhiều điều kiện, mà điều kiện tình thế (hiểu theo nghĩa thật rộng) là rất quan trọng. Tôi muốn nhấn mạnh thêm một lần nữa: ngày mai sẽ khác ngày hôm nay, thời gian không đứng lại. Nhưng ta hoàn toàn có thể tiên liệu những khả năng có thể xảy đến trong tương lai dựa trên nhận định về xu thế của tình hình đã có mặt trong hiện tại. Sự chuyển biến hoà bình từ hình thái quản trị độc tài sang hình thái quản trị dân chủ nay, căn cứ những gì đã xảy ra ở một số nước cộng sản cũ, chỉ còn là vấn đề sớm hay muộn mà thôi. Chuyện chế độ độc tài, hay nói theo đúng chữ của những người cộng sản là “chuyên chính vô sản”, tất yếu phải nhường chỗ cho chế độ dân chủ là điều chính những người cộng sản không quá ngu độn đều đã thấy cả. Trong sự chuyển biến từ độc tài sang dân chủ, yếu tố người cũng quan trọng không kém yếu tố tình thế, nó có thể đẩy mạnh tốc độ chuyển biến, mà cũng có thể làm nó chậm lại. Chính vì vậy mà mọi người có ý thức phải nhận ra trách nhiệm của mình để dấn thân cho sự hồi sinh của đất nước. Có thể nói thêm và không thừa rằng nếu đảng cộng sản vẫn còn đủ thế và lực để “muôn năm trường trị”, không chịu rời bỏ vị thế đã giữ được cho tới hôm nay, thì chương trình hành động mà anh Khuê nêu ra chỉ là ảo tưởng. Nhưng một tình thế mới đã thấp thoáng ở chân trời - khả năng các lực lượng dân chủ trong nước kết hợp với các lực lượng người Việt ở nước ngoài đẩy lùi từng bước quyền lực độc tài là khả năng hiện thực. Việc đảng cộng sản phải dùng những tờ rơi do công an chế tạo để phá hoại phong trào dân chủ thay vì dùng còng tay và nhà tù như trước, việc họ phải điều đình với những người bất đồng chính kiến còn nằm trong tù để buộc những người này nhận tội, việc họ phải che giấu những hành động đàn áp tôn giáo chứ không dám ngang nhiên như trước, hoặc ra sức quảng cáo cho chế độ dân chủ một đảng… là những thí dụ. Tất cả những hành động xảo trá đó cũng còn là chỉ dấu biện minh cho những bước lùi kế tiếp. Nhưng họ lùi tới đâu, lùi ở chỗ nào, khi nào bao giờ cũng vẫn là những ẩn số mà ta chỉ có thể thấy được ở khoảng cách gần.

Điều quan trọng là dân chủ phải lấn sân mà tiến tới, chiếm thêm vị trí, đẩy lui độc tài. Đó là việc của tất cả chúng ta phải làm, hằng ngày, hằng giờ.

Đinh Quang Anh Thái: Xin cảm ơn nhà văn Vũ Thư Hiên.

05-10-2005
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn