BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 76355)
(Xem: 63028)
(Xem: 40417)
(Xem: 32014)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Phỏng Vấn Nhà Văn VŨ THƯ HIÊN 50 Năm Sau Hiệp Định Genève 1954

24 Tháng Chín 200412:00 SA(Xem: 1241)
Phỏng Vấn Nhà Văn VŨ THƯ HIÊN 50 Năm Sau Hiệp Định Genève 1954
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
VNN: Kính chào Ông Vũ Thư Hiên, tôi rất vui mừng gặp lại Ông trên diễn đàn nầy. Điều không thể phủ nhận là phía bên tấn công Điện Biên Phủ là Quân Đội Nhân Dân Việt Nam (QĐNDVN) được sự hỗ trợ dồi dào của Hồng quân Trung Quốc, phía bên phòng thủ là quân đội Liên Hiệp Pháp được sự viện trợ của Mỹ. Khi nói về chiến thắng Điện Biên Phủ, theo Ông nhận định, đây là chiến thắng của phe cộng sản đối với phe tư bản hay là chiến thắng của nhân dân Việt Nam đối với thực dân Pháp? Tại sao?

Ông VŨ THƯ HIÊN: Xin chào Ông, và qua ông tôi xin gửi lời chào tới quý vị độc giả VNN.

Thấm thoắt thế mà đã nửa thế kỷ trôi qua kể từ cuộc chiến tranh Việt Nam lần thứ nhất. Thời gian đi nhanh thật. Bây giờ nhìn lại, tôi nghĩ chúng ta đã có thể khách quan hơn với những gì xảy ra ngày ấy. Không biết ông nghĩ sao, chứ theo cách nhìn của tôi, cách nhìn này không phải bây giờ mới có, thì Điện Biên Phủ không phải là chiến thắng của phe cộng sản đối với phe tư bản (hiểu theo nghĩa toàn cầu) như một số người đã miêu tả nó theo cách mình muốn. Những người này, hoặc là thuộc phe cộng sản muốn nhận vơ, hoặc là thuộc phe Pháp-Mỹ muốn bào chữa cho thất bại của họ, vì thế mà để mất đi sự công bằng. Và nếu hiểu cho công bằng thì kẻ thắng ở Điện Biên Phủ cũng không phải là những người cộng sản Việt Nam, như những người cộng sản tự hào viết trong lịch sử đảng của họ. Kẻ thắng ở Điện Biên Phủ là toàn dân Việt Nam. Đó là sự thật. Dân tộc Việt Nam đã tiến hành không ngưng nghỉ cuộc chiến đấu giành độc lập không có sự giúp đỡ nào từ bên ngoài kể từ khi đất nước bị nước Pháp xâm chiếm. Cuộc chiến Việt-Pháp 1945-1954 chỉ là giai đoạn kế tiếp của các cuộc khởi nghĩa chống Pháp trước nó, bất kể người khởi xướng là ai. Không có các phong trào Cần Vương, Đông kinh Nghĩa thục, Đông du, những nghĩa sĩ Cần Giuộc, những cuộc khởi nghĩa ở Ba Đình, Yên Bái, Nam Kỳ, vụ "Hà Thành đầu độc" hay một bài thơ "Chiêu Hồn Nước" của Phạm Tất Đắc... tất cả đều là tiền đề cho Điện Biên Phủ. Nói cách khác, không có lòng yêu nước nồng nàn của người Việt Nam và tinh thần chịu đựng mọi hy sinh để đất nước được độc lập và tự do thì không thể có Điện Biên Phủ.

VNN: Cảm ơn Ông. Khi trận Điện Biên Phủ trở nên ác liệt và Pháp phải cầu cứu Mỹ, đưa Tướng Paul Ely, Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Đội Pháp sang Mỹ cầu viện vào hạ tuần tháng 3.1954. Lúc ấy, Trung Ương Đảng CSVN có lo ngại Mỹ sẽ can thiệp vào Điện Biên Phủ không? Tại sao?

Ông VŨ THƯ HIÊN: Vào đầu thập niên 50 của thế kỷ trước, chuyện người Mỹ sẽ thế chân người Pháp ở Đông Dương là điều có thể đoán được mà không cần đến một trí thông minh đặc biệt. Dĩ nhiên, ban lãnh đạo ĐCSVN biết chuyện này chẳng kém ai. Hồi ấy trong những tài liệu nội bộ, trong những cuộc nói chuyện của ngành tuyên giáo, người ta đã nói nhiều tới chuyện này. Điều làm tôi ngạc nhiên là không thấy ban lãnh đạo đảng cộng sản có đối sách cụ thể nào cho viễn cảnh đó, trừ câu nói muôn thuở "ta nhất định thắng, địch nhất định thua". Hình như họ không muốn tính toán rắc rối với một viễn cảnh chưa biết sẽ phải ứng xử cách nào, nên cứ mặc đấy đã, được đến đâu hay đến đó. Họ không quan tâm đến việc tìm ra đối sách cũng có thể vì quá say sưa với chiến thắng. Từ năm 1950 trở đi, người Pháp rất lúng túng trong việc hoạch định một chương trình quân sự cho Đông Dương. Thế bị động đã làm cho quân đội Pháp luôn vấp phải thất bại. Để minh hoạ cho tâm trạng say chiến thắng ấy, tôi xin kể câu chuyện sau. Vào những ngày cuối cùng của chiến dịch Điện Biên Phủ, khi chiến thắng đã gần kề, một người thân cận của ông Hồ Chí Minh bàn với ông: "Lúc này là lúc tốt nhất để hoà đàm (với Pháp). Ta không tuyên bố chiến thắng Pháp, mà ở phút chót của Điện Biên Phủ nên liên lạc với Pháp để đưa Pháp trở lại với những điều kiện ta đã đặt ra trong những cuộc đàm phán từ năm 1945: nước Pháp công nhận nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, nước Việt Nam nằm trong Khối Liên hiệp Pháp, Việt Nam ưu tiên xuất cảng nguyên liệu cho Pháp, ưu tiên nhập cảng hàng hoá Pháp... Trong tình hình hiện tại Pháp sẽ buộc phải chấp nhận những điều kiện mà trước kia họ chối từ. Một khi Pháp vẫn còn có mặt ở Đông Dương thì Mỹ không thể nhảy vào. Đổi một kẻ thù yếu lấy một kẻ thù mạnh là thất sách". Ông Hồ Chí Minh không nghe: "Thế ta như chẻ tre. Vậy mà còn bàn lùi".

Tôi không muốn giả định lịch sử. Nhưng một nền hoà bình trong danh dự chắc chắn sẽ được Pháp đón nhận như một lối thoát tốt đẹp. Người Pháp ắt phải thấy nền hoà bình bất đắc dĩ do Việt Minh đưa ra còn tốt hơn nhiều so với lá cờ rũ để tang cuộc thất trận nhục nhã, kéo theo sự khủng hoảng nhỡn tiền trong chính sự, và sự sụp đổ không tránh khỏi của toàn bộ hệ thống thuộc địa Pháp. Còn đối với Việt Nam, nó sẽ là một thắng lợi thật vì có được hoà bình để xây dựng đất nước, chứ không phải một thắng lợi trên hoang tàn.

Để nói cho rõ hơn về lập trường của Mỹ ở Đông Dương ta hãy quay về với sử liệu Thế chiến thứ hai. Lập trường của Mỹ trong hội nghị Yalta (11.4.1945, với Franklin Roosevelt, Wilton Churchill và Iosif Stalin) là không muốn Đông Dương lại một lần nữa nằm trong tay Pháp. Mỹ lúc ấy rõ ràng không muốn để cho nước Pháp thực dân vẫn giữ được thuộc địa của nó trên một bản đồ thế giới đã được vẽ lại. Lập trường ấy là lập trường của nước Mỹ siêu cường hay là đường lối chống chủ nghĩa thực dân của con người tiến bộ và nhân bản Roosevelt, tôi không rõ. Cá nhân tôi nghiêng về giả thuyết thứ hai. Ở hội nghị Yalta, Mỹ đề xuất Trung Hoa và Anh sẽ giải giáp quân đội Nhật, chứ không phải Pháp. Lập trường này, xin nói thêm, không mới, nó lặp lại lập trường của Mỹ ở hai hội nghị Cairo và Teheran năm 1943. Trong tinh thần của lập trường Mỹ, hai toán tình báo OSS của Mỹ ở Diến Điện (Myanmar bây giờ) thậm chí còn nhận được chỉ thị không được giúp đỡ quân Pháp thực dân ở Đông Dương chống Nhật. Tướng Wedemeyer, tư lệnh Mỹ có mặt ở Vân Nam, đã không cấp vũ khí cho tàn quân Pháp ở Đông Dương chạy trốn qua biên giới Việt-Trung, mà chỉ cho họ lương ăn và thuốc men. Nước Mỹ thời tổng thống Roosevelt muốn thấy một Đông Dương (hồi đó người ta ít nói tới Việt Nam) được đặt dưới quyền uỷ trị của Liên Hiệp Quốc, với các thuộc địa khác cũng vậy. Nhưng đến thời tổng thống Truman thì cách cư xử với Pháp có đổi, chủ yếu do sự nài nỉ của Pháp và sự Mỹ coi nhẹ vùng Đông Nam Á, hoặc lập trường cá nhân của Truman. Từ đó Mỹ mặc cho Pháp muốn làm gì thì làm với thuộc địa của Pháp. Nước Mỹ chỉ bắt đầu thực sự quan tâm tới bán đảo Đông Dương khi cuộc kháng chiến chống Pháp ở Việt Nam (mà màu sắc cộng sản ngày một rõ trong sự kết giao với Trung Hoa đỏ và thế giới cộng sản) trở thành lực lượng áp đảo và người Pháp có nguy cơ thua cuộc. Bài học cuộc chiến tranh ở Bắc Hàn với sự xâm nhập ồ ạt của quân đội Trung Hoa đỏ năm 1951, cuộc xâm nhập bằng mọi giá đã mở rộng biên cương cho làn sóng đỏ, làm cho người Mỹ giật mình. Vì thế mà Mỹ đã tích cực giúp Pháp trong cuộc chiến, nhưng sự tích cực ấy cũng chỉ vừa đủ để Pháp trong trường hợp không chiến thắng được Việt Minh, thì cũng giữ được cái đã có. Mỹ đã thấy được sự cần thiết phải có mặt mình ở Đông Dương trước nguy cơ bành trướng của phe cộng sản. Nhưng Mỹ muốn có mặt ở đây với "người của mình", chứ không phải với người của Pháp, nước mà Mỹ cho là vô tích sự và chỉ muốn Mỹ chi tiền cho cuộc chiến trên đất đai mà nó coi là của nó.

VNN: Trên thực tế, Liên Sô hay Trung Quốc, ai hỗ trợ nhiều nhất cho QĐNDVN suốt Chiến Dịch Điện Biên Phủ? Xin Ông giải thích tại sao?

Ông VŨ THƯ HIÊN: Chuyện này dài và cần có một sự giải thích ngọn nguồn, thưa ông. Ngay từ những ngày đầu tiên chiếm được chính quyền, những người cộng sản Việt Nam trông đợi ở giúp đỡ của Liên Xô nhiều lắm, về mặt tinh thần thôi, nhưng hỡi ôi, Liên Xô lúc ấy lại tỏ ra rất hờ hững. Một số phái đoàn đã được cử đi liên lạc, phái đoàn ông Nguyễn Đức Quỳ chẳng hạn, đi từ Thái Lan qua Tiệp Khắc để qua sứ quán Liên Xô ở đó tìm đường tiếp xúc với Moskva, nhưng thất bại. Phía Liên Xô lảng tránh, hoặc không thèm tiếp, nói lịch sự là như thế. Mà cũng phải thôi. Liên Xô chẳng dại gì đổi nước Pháp lúc ấy đang có nhiều thuận lợi cho cánh tả lấy một nước Việt Nam với tương lai tù mù. Chưa kể việc Stalin còn nhìn Hồ Chí Minh như một người cộng sản không thuần thành. Chuyện này những tác giả viết về Hồ Chí Minh có đưa ra những bằng chứng rõ ràng. Có thể nói cho tới năm 1950, Liên Xô và các chư hầu ở Đông Âu không ngó ngàng gì tới Việt Nam. Chỉ có một Nam Tư cộng sản là tỏ ý muốn công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, ngay từ năm 1946, nhưng Nam Tư lại là nước không chịu sự lãnh đạo của Liên Xô, và chẳng bao lâu sau nó bị Stalin gạt khỏi khối cộng sản. Tệ hơn, tổng bí thư đảng cộng sản Pháp là Maurice Thorez còn chúc ông tướng Petit cộng sản "hãy đập cho tan bọn phiến loạn" khi Petit lên đường đi Sài Gòn. Đảng cộng sản Trung Quốc thì sao? Cuộc chiến Quốc-Cộng kết thúc với sự thành lập nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa vào năm 1949. Mà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thì đã tuyên bố độc lập năm 1945. Quân đội Nhân dân Việt Nam trong khi đánh nhau với Pháp còn vượt biên giới giải phóng một phần cực nam Trung Quốc (chiến dịch Thập vạn đại sơn) vào năm 1949. Vì vậy, nếu nói tới sự giúp đỡ của Trung Quốc đỏ cho quân đội (cộng sản) Việt Nam thì chỉ có thể tính từ thời điểm 1950 trở đi, mà số lượng tăng dần cùng với thời gian. Đỉnh điểm của nó là 1954, với mặt trận Điện Biên Phủ. Ở mặt trận này, viện trợ quân sự của Liên Xô hầu như không có gì (trừ 2 tiểu đoàn cao xạ được thành lập trước đó, trang bị hoàn toàn bằng vũ khí Liên Xô), mọi vũ khí và chiến cụ dùng cho chiến dịch là của Trung Quốc. Đấy là nói vũ khí viện trợ, chứ nếu nói về vũ khí nói chung thì còn phải tính cả vũ khí Mỹ chiếm được trước đó, từ tay Pháp.

Các chiến lược gia và sử gia nghiên cứu cuộc chiến ở Đông Dương đã đi tới một kết luận chung: Việt Minh chiến thắng ở Điện Biên Phủ trước hết do nắm được trước ý đồ của quân Pháp, nên đã tương kế tựu kế dùng ngay cái bẫy của Pháp để bẫy Pháp; sau là Việt Minh đã tổ chức thành công một hệ thống hậu cần hữu hiệu chưa từng có, trong những điều kiện khó khăn không thể tưởng tượng nổi. Để thắng được quân Pháp ở vị trí Điện Biên Phủ hiểm trở, xa mọi đường vận chuyển, người Việt Nam đã gánh trên vai, chở trên những chiếc xe đạp thồ hàng chục vạn tấn lương thực, đạn dược, tạo nên một thế bao vây trùng trùng điệp điệp, quân Pháp không còn đường nào thoát.

Việc Hồng quân Trung Hoa viện trợ vũ khí là có thật, nhưng không đến nỗi dồi dào như sự miêu tả của người Trung Quốc hoặc những người muốn giải thích chiến thắng Điện Biên Phủ như nó có được là nhờ vào viện trợ của Trung Quốc. Chuyện Trung Quốc viện trợ vũ khí cho Việt Minh có lịch sử của nó. Sau năm 1949, sau khi kết thúc cuộc nội chiến kéo dài, Trung Quốc đã có chủ trương tái trang bị quân đội bằng vũ khí mới của Liên Xô. Hồng quân Trung Hoa có cho Việt Nam một số vũ khí Mỹ thu được của quân đội Tưởng Giới Thạch (chủ yếu ở Hoa Nam). Quân đội Việt Nam đã vác những vũ khí second-hand ấy trên vai về Việt Nam (khoảng hai trung đoàn đã được sử dụng cho công tác này từ đầu năm 1950). Nhiều công binh xưởng đã ngày đêm làm công việc kiểm tra, sửa chữa những vũ khí ấy trước khi đưa chúng ra chiến trường. Còn vũ khí của quân đội Pháp thì sao? Quân đội Pháp được nhận trên 70% vũ khí, quân trang quân dụng của Mỹ, lại toàn là đồ mới (trong ý nghĩa chưa xài, chứ không phải mới về mặt kỹ thuật), chúng được chở tới bằng phương tiện hiện đại, khi cần có thể chuyển rất nhanh. So với Trung Quốc cho Việt Nam thì Mỹ cho Pháp, theo chỗ tôi biết, chỉ có nhiều hơn chứ không ít hơn. Chỉ từ tháng 4.1954, trên những con đường có sẵn và mới mở mới thấy có lác đác những chiếc xe vận tải mang nhãn hiệu của nhà máy Molotov (trong dân gian gọi là xe Môlôtôva) chở vũ khí đạn dược từ Trung Quốc tới cho chiến trường Tây-Bắc. Đó là những xe của Liên Xô cho Trung Quốc, Trung Quốc cho lại Việt Nam, chứ không phải xe từ Liên Xô đưa thẳng sang. Điều đáng ghi nhận là những khẩu pháo hạng nặng, cho tới 120mm, do Trung Quốc mang sang đã tham gia hữu hiệu vào việc dập tắt hoả lực của pháo binh Pháp. Nhưng tính về hoả lực pháo binh, ngay cả với số trọng pháo do Trung Quốc giúp, pháo binh Việt Nam cũng không ở thế áp đảo pháo binh Pháp tại mặt trận Điện Biên Phủ. Ưu thế của pháo binh Việt Nam là ở chỗ bắn thẳng vào trận địa Pháp, còn pháo binh Pháp phải bắn cầu vồng và bị khói nghi binh làm cho rối loạn và bắn không hiệu quả. Thế áp đảo của pháo binh Việt Nam là ở chỗ này cơ, ở cách đánh, không ở số lượng pháo. Chuyện pháo binh Trung Quốc đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ là chuyện tầm phào. 

Về mặt quân sự thuần tuý, Liên Xô không có đóng góp gì cho chiến thắng Điện Biên Phủ, nói thẳng ra là thế. Điện Biên Phủ là một chiến trường lớn, sự đóng góp quá nhỏ phải coi bằng không.Trong một cuộc gặp gỡ tình cờ ở Moskva, một sĩ quan Nga cho tôi biết ở thời điểm kết thúc chiến dịch, anh ta đã có mặt với một dàn hoả tiễn Katiusha, và dàn hoả tiễn này chỉ phóng có một loạt duy nhất vào trận địa Pháp. Căn cứ sự miêu tả chiến trường của viên sĩ quan này, tôi thấy câu chuyện anh ta kể có thể tin được. Nhà báo Thành Tín cũng xác nhận chuyện ấy là có thật. Thêm một lần câu nói dân dã "ăn chơi Mỹ, du côn Nhật, bí mật như Nga" tỏ ra có lý. Lịch sử quân sự Việt Nam không thấy nói tới chuyện này, hoặc sau khi giữ bí mật bằng ấy năm người ta đã nói tới rồi mà tôi không được biết do không có điều kiện theo dõi thường xuyên các ấn phẩm mới về quân sự của Việt Nam. Tuy nhiên, nếu như Liên Xô không trực tiếp viện trợ quân sự cho mặt trận Điện Biên Phủ thì Liên Xô cũng đã gián tiếp làm chuyện đó. Giữa hai nước Trung-Xô hồi ấy có một giao ước bí mật: Trung Quốc chuyển cho Việt Nam vũ khí đạn dược cũ có xuất xứ từ Mỹ để quân đội Việt Nam chiến đấu ở chiến trường toàn vũ khí và đạn Mỹ, bù lại quân đội Trung Quốc sẽ được Liên Xô trang bị cho đầy đủ vũ khí mới, tất nhiên của Liên Xô. 

VNN: Cảm ơn Ông đã cho biết rõ. Nhân dân Việt Nam đã phải chấp nhận những tổn thất lớn lao trong suốt 9 năm Kháng chiến cũng như trong trận Điện Biên Phủ mới đuổi được thực dân Pháp ra khỏi Việt Nam. Một số người hoài nghi những hy sinh đắt đỏ đó có thực sự cần thiết không để giành được độc lập trong khi nhiều quốc gia láng giềng, cùng chung cảnh ngộ thực dân như Việt Nam, không cần phải hy sinh lớn lao như thế cũng giành được độc lập. Xin Ông cho biết nhận định như thế nào về điều nầy?

Ông VŨ THƯ HIÊN: Nhìn vào bối cảnh thế giới sau Thế chiến thứ hai tôi không thấy con đường võ trang giành độc lập là con đường sai lầm, như quan điểm của một số người. Con đường đó có sự xuất phát tự thân. Nó là sự nối tiếp cuộc chiến đấu võ trang ở Yên Thế, cuộc khởi nghĩa Yên Bái.. Những thế hệ tiền bối quen nhìn thấy cuộc đấu tranh giành độc lập không thể là cái gì khác ngoài đấu tranh võ trang. Chẳng ai ngô nghê đến nỗi tin quân viễn chinh Pháp sang Việt Nam thay thế quân tiếp phòng Trung Hoa trong việc giải giáp quân đội Nhật sẽ mang theo trong ba lô của họ nền độc lập cho Việt Nam như một thứ quà biếu.

Thế nhưng bây giờ nghĩ lại, tôi có cái nhìn hơi khác. Đành rằng trong tình thế cụ thể lúc ấy con đường đấu tranh võ trang có vẻ là con đường tất yếu, nhưng nếu nhìn vào các nước có hoàn cảnh tương tự, tôi thấy không nên coi nó là con đường duy nhất đúng, hoặc con đường mà sự lựa chọn là bất khả kháng. Cái giá phải trả của cuộc kháng chiến 9 năm quả là đắt. Không kể những thiệt hại về người và của, cần phải tính đến những thiệt hại về tinh thần, sự xuống cấp về đạo đức (một hậu quả tất yếu trong tâm hồn người thường đi kèm với chiến tranh). Rất có thể nước ta trong vận ấy đã thiếu những khối óc khôn ngoan để nhìn ra và dắt dẫn nhân dân đi một con đường khác. Nếu những người cộng sản không buộc vua Bảo Đại thoái vị, mà thoả hiệp với triều Nguyễn, chấp nhận một nhà nước quân chủ lập hiến, thì cục diện sẽ xoay chuyển ra sao? Biết đâu nước Việt Nam chẳng có một nền độc lập khác, ừ thì bắt đầu là giả hiệu đấy, với những thiệt thòi lớn đấy, nhưng sau đó, khi Việt Nam đủ mạnh, nó sẽ là một nền độc lập thật sự, bởi đó là sự phát triển tất yếu. Bài toán ở đây là được và mất. Một đường lối giỏi là đường lối thu được nhiều nhất trong sự tổn thất ít nhất. Gì thì gì, những bài học lịch sử đã cho ta thấy không phải bao giờ chiến tranh cũng là giải pháp duy nhất cho các quốc gia bị lệ thuộc trong đấu tranh giành độc lập. Những nước khéo léo tránh được chiến tranh rồi cũng đã trở thành những nước phát triển hoặc giàu có. Chuyện ấy dễ hiểu: trong bất cứ cuộc chiến tranh nào cũng chỉ có sự tàn phá của cả hai bên tham chiến, chứ trong chiến tranh chẳng có gì được xây dựng sất. Ông nói tới một số nước không bị sa vào những cuộc chiến tranh kéo dài. Họ đúng là may mắn. Nhưng cũng có những nước cảm ơn cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam đấy. Cuộc chiến đấu chống thực dân ở Việt Nam đã tạo thêm sức mạnh cho họ trong sự đòi lại nền độc lập bằng cách này hay cách khác, không trừ cả đấu tranh võ trang, trong những cuộc chiến tranh ngắn hơn, từ bàn tay tham lam và cứng rắn của mẫu quốc. Nước Việt Nam, bây giờ nhìn lại mới thấy, đúng là không may mắn. Nhưng thôi, việc đã xảy ra rồi, mọi sự luận bàn bây giờ đều sa vào giả định lịch sử. Đành chấp nhận lịch sử như nó có vậy, để mà rút kinh nghiệm. Chứ một con đường khác vào lúc ấy là khó lắm. Cả hai bên Pháp và Việt Nam đều sát khí đằng đằng, mùi thuốc súng nồng nặc. Khi Hồ Chí Minh ký Hiệp định 6.3, chính thức thừa nhận quân Pháp vào Việt Nam thay quân Tưởng, là một bước lùi để tranh thủ thời gian, về mặt nào đó là sự lảng tránh chiến tranh, thì các đảng phái quốc gia như Quốc Dân Đảng, Đại Việt Quốc gia Liên minh... đã quyết liệt phản đối, cho hành động đó của ông Hồ Chí Minh là đầu hàng, là bán nước. Nếu đứng đầu nhà nước lúc ấy là Quốc Dân Đảng thì vẫn sẽ có cuộc kháng chiến chống Pháp như thường, tôi nghĩ như vậy.

VNN: Ngày 10.10.1954, khi QĐNDVN từ nhiều ngã tiến vào tiếp quản Hà Nội, đông đảo người dân Hà Nội đã ra đường chào đón đoàn quân nầy. Xin Ông cho biết, lúc ấy là do những vui mừng thực sự của người dân Hà Nội hay vì bị ép buộc bởi nhà cầm quyền CSVN? Riêng Ông, tâm trạng lúc ấy như thế nào?

Ông VŨ THƯ HIÊN: Tôi vào Hà Nội trong một toán quay phim và nhà báo trước khi Hà Nội được phía Pháp trao trả - từ chiều 9.10 năm 1954. Thành phố mùa thu thật đẹp, nhưng rất im ắng. Hiếm hoi mới có một bóng người trên vỉa hè đầy lá rụng. Hotel Splendid ở đường Lý Thường Kiệt rất vắng khách. Ngoài chúng tôi ra chỉ có một số sĩ quan Pháp và vài nhà báo quốc tế. Không ai nói chuyện với ai. Người ta nhìn nhau gườm gườm. Sáng sớm 10.10 những cánh quân Việt Nam (gọi là "đại quân") mới theo các cửa ô tiến vào Hà Nội. Những đơn vị Việt Nam đi đến đâu thì quân Pháp rút tới đó. Quang cảnh cuộc tiếp quản diễn ra như thế này. Nơi nào quân Pháp chưa rút đi thì nơi đó đường phố vắng tanh vắng ngắt, cửa mọi nhà đóng im ỉm. Bộ đội tiếp quản đi đến đâu thì cửa mọi nhà bỗng mở toang, dân chúng ùa ra chào đón với cờ và hoa, với những nụ cười hân hoan. Không hề có chuyện nhà cầm quyền cộng sản ép buộc dân chúng ra đường chào đón quân đội Việt Minh, không có đâu. Thậm chí uỷ ban quân quản đã ban bố lệnh thiết quân luật vào ngày 10.10 vì e ngại những chuyện lộn xộn vượt quá tầm kiểm soát, nhưng lệnh này đã chẳng được ai tôn trọng. Chính quyền cộng sản lúc ấy chưa nắm được thành phố, bộ đội vào thành phố còn đi lạc lung tung, nói gì đến ép buộc dân chúng. Tôi mãi mãi còn giữ những kỷ niệm ngày hôm đó. Cả thành phố ùa đổ ra ngoài đường, mặt người nào người nấy rạng rỡ, đầy ắp niềm vui. Cũng có thể có ai đó lo sợ một cuộc tắm máu tưởng tượng, nhưng tôi không gặp những người như thế. Nghe nói hôm đó không xảy ra một vụ ăn cắp nào. Trong ngày vui ấy những tên ăn cắp cũng quên cả việc ăn cắp.

Tôi là người Hà Nội. Chín năm tôi chờ mong ngày trở về quê hương. Hôm ấy tôi sung sướng được hoà mình trong niềm vui chung của người Hà Nội, một niềm vui bất tận, không dễ có được trong đời người. Không mặc quân phục, phù hiệu tiếp quản đút túi quần, tôi nhập vào những dòng sông người trên đường phố và được nghe những lời bình luận thú vị: "Bộ đội trẻ măng, mà ngô nghê quá. Xăng Nga Xô sao lại thối thế nhỉ?!". Chúng tôi trẻ thật, và những người lính nông dân quả là ngô nghê trước phố phường Hà Nội. Còn khói xăng Liên Xô thì đúng là có mùi thum thủm, so với khói xăng Mỹ.

Ngày 11.10 đối với tôi không còn đẹp như ngày 10.10. Tôi bị đoàn tiếp quản kiểm điểm, tức là họp lại để phê bình, vì tội vừa vào thành phố đã tự do vô kỷ luật đi la cà phố xá không có lý do chính đáng, đã thế còn ngang nhiên ngồi uống cà phê với tư sản. Chuyện là thế này: tôi bất ngờ gặp Đoàn Chuẩn - anh nhận ra tôi đang lang thang trên vỉa hè, bèn lái xe đi theo tôi một quãng. Đoàn Chuẩn lúc ấy có một chiếc xe Buick sang trọng, nghe nói là duy nhất ở Hà Nội. Khi biết chắc là tôi rồi, anh mới gọi. Chúng tôi ngồi rất lâu trong quán cà phê An Thái Majestic, hàn huyên đủ chuyện. Người đi cùng với tôi và bị tôi bỏ quên, một cán bộ có thành phần xuất thân sang hơn tôi nhiều, một anh nông dân chính cống, không nhớ là bần hay là cố, đã báo cáo lên trên về sự vi phạm của tôi. Những chuyện khó chịu vặt vãnh ấy, rất nhỏ, ngày một nhiều, kể từ ngày chiến tranh kết thúc và chính quyền trên một nửa nước về tay những người cộng sản, đã cho chúng tôi dần thấy được, cũng từng chút một, người biết sớm hơn, người biết muộn hơn, cái xã hội không bình thường, cái xã hội bịa đặt theo một khuôn mẫu không tưởng, phi nhân bản, xa lạ với con người.

VNN: Cảm ơn Ông. Nhiều Tướng lãnh QĐNDVN đã có công trạng rất lớn trong trận Điện Biên Phủ như Võ Nguyên Giáp, Trần Độ, Đặng Kim Giang, Chu Văn Tấn v.v... sau nầy đều lần lượt bị ban Lãnh đạo CSVN hãm hại, có người bị bỏ chết thê thảm trong tù như Tướng Đặng Kim Giang... Kính thưa Ông, tại sao lại xảy ra hiện tượng nầy trong chế độ CSVN?

Ông VŨ THƯ HIÊN: Lại cũng là một câu chuyện dài nếu ta nói về những người có công với cách mạng rồi bị hãm hại trong cách mạng. Hiện tượng này không phải chỉ ở Việt Nam mới có đâu, thưa ông. Nó có ở bất cứ nước xã hội chủ nghĩa nào. Nói về từng người trong những người có công rồi bị hãm hại trong thế giới cộng sản như thế nào cần phải có một cuốn sách rất dày. Ở Nga, có các nguyên soái Yakir, Tukhachevsky..., ở Trung Quốc có các nguyên soái Bành Đức Hoài, Chu Đức... vân vân. Trường hợp Võ Nguyên Giáp ở Việt Nam, mà tên tuổi được cả thế giới biết đến, là trường hợp dễ giải thích nhất. Đó là do lòng ghen tức. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Võ Nguyên Giáp bất ngờ trở thành ngôi sao sáng, làm lu mờ hẳn những ngôi sao khác. Lê Duẩn, tổng bí thư kế nghiệp Trường Chinh bị hạ bệ, đặc biệt không ưa Võ Nguyên Giáp. Theo lời chứng của nhà báo Thành Tín thì trong một buổi nói chuyện tại toà soạn báo Nhân dân năm 1984 về cuộc chiến Bắc-Nam Lê Duẩn đã dè bỉu nói về Võ Nguyên Giáp: "Đại tướng của các anh nhát như thỏ đế". Ấy là Lê Duẩn buột miệng nói ra ở chỗ công cộng, người ta mới biết những nhà lãnh đạo hồi ấy nghĩ gì về tướng Giáp. Cặp Duẩn-Thọ đã bịa đủ mọi tội cho tướng Giáp từ khi nắm được quyền lực kia. Nào ông ta là con nuôi chánh mật thám Marty, nào Giáp trong lá đơn xin đi du học đã quỵ luỵ chính quyền thuộc địa, thề thốt trung thành với mẫu quốc, Giáp theo đường lối xét lại hiện đại bí mật liên lạc với Nikita Khrushev và được Khrushev hứa hẹn ủng hộ trong mưu đồ chiếm chính quyền... Vụ án "nhóm xét lại chống Đảng" được Lê Đức Thọ công phu dựng nên, bắt hàng loạt cán bộ, là nhằm vào tướng Giáp. Khi vụ án bịa đặt không thành công, Duẩn-Thọ gạt tướng Giáp ra ngoài mọi chức vụ quan trọng, cho ngồi chơi xơi nước, hoặc phải phải nhận một công tác mang tính chất nhục mạ như trông nom việc sinh đẻ có kế hoạch. Sau Duẩn-Thọ, đến lượt thuộc hạ của họ là Lê Đức Anh. Viên đại tá ở một quân khu mang chữ Thọ (quân khu 5, rất ít phải đánh nhau) leo lên tới chức chủ tịch nước bằng đầu gối, còn bày ra vụ Võ Nguyên Giáp và một số cán bộ ở miền Nam âm mưu đảo chính. Hào quang của chiến thắng Điện Biên Phủ và tính cách nhũn nhặn vô song trước các đồng chí đối thủ đã cứu tướng Giáp. Tướng Đặng Kim Giang, người đã tổ chức công việc hậu cần to lớn có ý nghĩa quyết định trong chiến thắng Điện Biên Phủ, thì không được như thế. Ông bị Duẩn-Thọ bỏ tù, rồi chết thảm, không được chữa chạy, trong một túp lều ở vườn chùa Liên Phái. Tướng Trần Độ, chính uỷ sư đoàn 312, có công lớn trong trận đánh quyết định bắt sống De Castrie tại Điện Biên Phủ, thì chỉ vì đòi đảng cộng sản phải thực hiện dân chủ hoá xã hội mà chết rồi vẫn còn bị hành hạ, những người đến viếng ông không được phép viết "vô cùng thương tiếc" trên vòng hoa tiễn đưa. Chu Văn Tấn lại là chuyện khác. "Con hùm xám Bắc Sơn" không trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên, nhưng cũng có những đóng góp lớn trong việc huy động bộ đội và dân công phục vụ chiến trường, bị vu là có liên lạc bất minh với phía Trung Quốc (vào thời kỳ quan hệ Việt-Trung đổ vỡ), bị nhốt, thậm chí khi chết rồi người nhà cũng không được phép đưa tang với chân dung mang quân phục. Trong đảng cộng sản không tồn tại khái niệm "tình nghĩa". 

VNN: Cảm ơn Ông. 50 năm sau, tinh thần Điện Biên Phủ hiện như thế nào đối với quảng đại quần chúng có liên hệ trực tiếp với trận chiến lịch sử nầy?

Ông VŨ THƯ HIÊN: Thế hệ có mặt trong thời điểm diễn ra trận chiến Điện Biên Phủ đến nay không còn lại bao nhiêu. Nửa thế kỷ rồi còn gì. Những người lính và những cán bộ già hiện còn sống thì vẫn tự hào với chiến công to lớn mà họ đã góp phần làm nên. Một số ít trong họ đã trở thành tướng lĩnh trong QĐNDVN, hoặc cán bộ cấp cao trong chính quyền. Tuy Điện Biên Phủ đã là "chuyện xưa rồi", đã trở thành lịch sử, nhưng tinh thần của người lính Điện Biên chiến đấu vì độc lập của tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân vẫn là biểu tượng của lòng dũng cảm và đức hy sinh quên mình vì nghĩa cả.

VNN: Kính thưa Ông, về Hiệp Định Genève 1954, Trung Ương Đảng CSVN nhận định như thế nào sau khi ký kết Hiệp Định nầy?

Ông VŨ THƯ HIÊN: Nhận định của Trung ương ĐCSVN trên mặt nổi, tôi muốn nói trên các phương tiện truyền thông, thì bao giờ cũng vậy, chẳng bao giờ khác, rằng việc ký kết Hiệp định Genève là một thắng lợi trên mặt trận ngoại giao, khác nhau chỉ ở những tính từ đi kèm: to lớn, vang dội, vẻ vang, giòn giã... vân vân. Có thể đoán được sự thật qua những lời lẽ ồn ào ấy, nhưng phải là người tinh ý và có kinh nghiệm. Sự chia cắt đất nước không phải là điều mà đảng cộng sản Việt Nam nghĩ đến trong thời điểm Điện Biên Phủ, thậm chí trong hành trang của phái đoàn Phạm Văn Đồng đi Genève không có phương án ấy, nó xuất hiện đột ngột, ngoài dự kiến, cho nên người ta không hân hoan với nó, và nó không được phô trương như một thắng lợi. Sự chia cắt này rồi được giải thích một cách lúng túng như một tình thế bất khả kháng, chứ không ai dám nói toạc ra là sự tuân thủ chủ trương của người khác, trước hết là của Trung Quốc. Tâm trạng của ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam là bị đặt trước việc đã rồi nên cũng cay cú lắm, nhưng biết thân biết phận, và do thói quen chấp hành chủ trương của trên (trên ở đây là những nước đàn anh) cho nên đành ngậm bồ hòn làm ngọt. Nhân dân thì thất vọng. Rất thất vọng. Chẳng ai coi việc đất nước bị chia làm hai là thắng lợi cả. Đảng liền đổi giọng giải thích: thắng lợi nào cũng phải trả giá, ta được nửa nước để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, làm hậu phương vững chắc cho miền Nam, cho sự nghiệp thống nhất sau này, chia cắt lúc này là tạm thời, là để có hoà bình, ta có hoà bình là ta dồn đế quốc hiếu chiến vào chân tường, hoà bình là giờ giải lao giữa hai trận đánh...

Lê Duẩn cho chôn giấu vũ khí, cài người lại ở miển Nam. Và cuộc chiến tranh Đông Dương thứ hai đã xảy ra, đúng như nó đã được Lê Duẩn dự tính.

VNN: Cảm ơn Ông. Thời Trịnh - Nguyễn tổ quốc đã bị chia đôi, sau Hiệp Định Genève 1954 lại bị chia đôi lần nữa. Ông nhận định như thế nào về lần chia đôi thứ hai nầy? Điều đó ảnh hưởng ra sao với tâm hồn người dân Việt Nam trong chế độ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH) lúc ấy?

Ông VŨ THƯ HIÊN: Lần thứ hai đất nước bị chia cắt không giống lần thứ nhất. Lần này không phải là sự phân tranh giữa hai vương triều trong một nước, mà là một nước bị chia hai giữa hai phe đối địch. Việt Nam trở thành một quân cờ tội nghiệp trên bàn cờ thế giới. Việt Nam không còn là của Việt Nam nữa, dù là Bắc Việt Nam hay Nam Việt Nam. Việc đất nước bị chia đôi ảnh hưởng đến tâm hồn người Việt Nam ở cả hai miền là như nhau, ở cả hai nơi con người cùng mang một vết thương như nhau.

VNN: Xin Ông có thể cho biết, Trung Ương Đảng CSVN đã nhận định như thế nào khi Thủ tướng Nam Việt Ngô Đình Diệm, ngày 10.8.1955, từ chối đề nghị của Thủ tướng Bắc Việt Phạm Văn Đồng mở Hội nghị Hiệp thương để đi tới Tổng tuyển cử thống nhất Nam - Bắc? Ông có cho rằng sự từ chối nầy của Thủ tướng Diệm là nguyên nhân chính khiến Trung Ương Đảng đã quyết định đánh chiếm miền Nam không? Nếu như có cuộc Tổng tuyển cử để thống nhất đất nước vào tháng 7.1956 như quy định bởi Điều 7 của Bản Tuyên Bố Cuối Cùng của Hội Nghị Genève 1954 nói trên, theo Ông nhận định, bên nào sẽ thắng: miền Bắc hay miền Nam?

Ông VŨ THƯ HIÊN: Chuyện ông Ngô Đình Diệm từ chối đề nghị của ông Phạm Văn Đồng mở Hội nghị Hiệp thương để đi tới Tổng tuyển cử thống nhất Nam - Bắc không làm ai ngạc nhiên. Ông Ngô Đình Diệm không thể hành xử khác thế. Ai lại muốn thất bại trong một cuộc Tổng tuyển cử, trong đó người dân không lựa chọn thể chế điều hành đất nước bằng sự hiểu biết, mà bằng tình cảm vốn dành cho những người chiến đấu cho độc lập dân tộc chứ không dành cho các công chức và quan lại thời thuộc địa? Cay đắng đấy, nhưng đó là sự thật. Người nào nghĩ rằng sự từ chối của ông Diệm là nguyên nhân khiến Trung Ương Đảng cộng sản quyết định đánh chiếm miền Nam là người ngây thơ cực kỳ về chính trị.

VNN: Ông nhận định như thế nào về hai cuộc di cư vĩ đại của đồng bào ta năm 1954 và sau biến cố 30.4.1975? Có nhận định cho rằng hai cuộc di cư vĩ đại ấy là những cuộc bỏ phiếu bằng chân của người dân Việt Nam và chứng minh sự thất bại của chủ nghĩa cộng sản trên đất Việt. Ông nghĩ sao về nhận định nầy?

Ông VŨ THƯ HIÊN: Nhìn lại lịch sử tôi ngạc nhiên trước sự mẫn cảm chính trị của một bộ phận người Việt ta. Dường như chẳng biết gì về lý thuyết chủ nghĩa cộng sản, họ vẫn tự động tránh xa nơi bị cộng sản cai trị. Cuộc di cư lần thứ nhất không hề xảy ra vì tác động của một cuộc đàn áp trực tiếp nào. Hiện tượng đó có thể giải thích được - những cuộc đàn áp nhắm vào những tín đồ Thiên Chúa giáo ở một số địa phương trước 1954 đã tạo ra nơi họ phản xạ có điều kiện đối với cộng sản. Nhưng đối với những người khác thì sao? Cộng sản đến, thế là người ta ùn ùn kéo nhau đi, cứ như là theo lẽ tự nhiên, như thể đàn kiến chạy tán loạn khỏi mồi lửa. Nếu như không có cuộc vận động rộng lớn "chống cưỡng ép di cư vào Nam", mà đảng cộng sản huy động vào đó rất nhiều cán bộ, thì số người di cư còn lớn hơn nhiều. Hồi ấy nhà cầm quyền dùng đủ mọi cách để giữ đồng bào lại, với vô vàn kiểu cản trở trên đường, bắt bớ có, hù doạ có, nhưng dân chúng cứ đi. Đến cuộc di cư vĩ đại lần thứ hai thì nhà cầm quyền không còn bày ra những cản trở nữa mà đàn áp thẳng tay - những nhà tù cấp huyện, có nơi là cấp xã, mọc lên như nấm. Sự bỏ nước ra đi còn trở thành cơ hội kiếm chác của những tên lưu manh có chính quyền - ký ức của những người di tản còn ghi lại những chuyện bán bãi, chung chi vàng và tiền để được ra đi "trong trật tự". Cái khác nhau ở hai cuộc di cư, theo tôi, hình như ở chỗ này: sau năm 1954, đại đa số cán bộ còn tin tưởng ở đảng cộng sản và nghĩ rằng những người ra đi là do hiểu lầm cách mạng; sau năm 1975 thì cả người ra đi và người ở lại đều biết mình không hiểu lầm đảng chút nào. Nhận định rằng hai cuộc di cư vĩ đại ấy là những cuộc bỏ phiếu bằng chân của người dân Việt Nam và chứng minh sự thất bại của chủ nghĩa cộng sản trên đất Việt hiển nhiên có lý. Chẳng ai bỏ chạy khỏi cái mà mình yêu thương cả. 

VNN: Cảm ơn Ông. Trong phiên họp ngày 2.7.1976, Quốc Hội VNDCCH, theo chỉ thị của Đảng CSVN, đã quyết định đổi quốc hiệu thành Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Sử gia Trần Gia Phụng, vào tháng 4.2003, trong một bài viết với tựa đề: 30-4 Qua Cách Nhìn Lịch Sử, đã cho rằng hành động nầy của Đảng CSVN hàm ý phủ nhận công lao của những người Việt Nam yêu nước đã lên đường chiến đấu năm 1945, họ là những anh hùng vô danh đã đáp lời sông núi, tranh đấu vì độc lập dân tộc, vì tự do dân chủ chứ không phải vì chủ nghĩa cộng sản. Ông nghĩ sao về nhận định nầy của sử gia Trần Gia Phụng?

Ông VŨ THƯ HIÊN: Tôi không nghĩ rằng việc đổi quốc hiệu thành Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam dưới trào tổng bí thư Lê Duẩn là do ĐCSVN muốn phủ nhận công lao của những người Việt Nam yêu nước đã tranh đấu cho độc lập dân tộc từ cuộc khởi nghĩa năm 1945. Sự phủ nhận ấy đã có từ lâu, nó được giấu kín từ 1945, rồi dần dần lộ ra từ 1950, dưới sự lãnh đạo của Trường Chinh. Nhưng chưa bao giờ bệnh kiêu hãnh cộng sản lại bùng lên mạnh mẽ như dưới thời Lê Duẩn. Lê Duẩn muốn đánh dấu thời kỳ trị vì của mình bằng việc tuyên xưng một nhà nước xã hội chủ nghĩa, tức là nhà nước chuyên chính vô sản, không cần che đậy. Đến cả bài quốc thiều được Quốc Hội Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thừa nhận năm 1945 Duẩn cũng bắt phải thay, hai đảng "cuội" xã hội và dân chủ cũng phải giải tán. Cũng như thế Duẩn cho giải tán luôn cái "chính phủ Cộng hoà Miền Nam Việt Nam" mà ai cũng biết là giả hiệu. Lê Duẩn không muốn triều đại của mình còn mang một chút dấu vết nào của triều đại Trường Chinh. Lê Duẩn muốn trương lên ngọn cờ xã hội chủ nghĩa rõ ràng, ngang nhiên, ở nước Việt Nam dưới quyền mình, trong khi Trung Quốc vẫn còn giữ Quốc Hiệu Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, Bắc Hàn vẫn còn là Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. 

VNN: Xin Ông một câu hỏi cuối: Từ những tháng ngày đầu Kháng chiến 1945 cho mãi tới hôm nay, nhân dân Việt Nam đã không ngừng tranh đấu cho mục tiêu tự do và hạnh phúc thực sự của chính mình. Là người đã dấn thân tham gia vào cuộc đấu tranh kiên trì đó, Ông nhận định như thế nào về triển vọng của cuộc đấu tranh nầy của nhân dân ta?

Ông VŨ THƯ HIÊN: Con đường đấu tranh cho tự do và hạnh phúc thực sự hôm nay là bước kế tiếp của cuộc đấu tranh của nhiều thế hệ. Tôi không nghĩ rằng sau bao nhiêu năm chiến tranh ta nên có thêm một cuộc chiến tranh nữa chỉ để có được một cách quản trị tối ưu cho sự phát triển đất nước. Chiến tranh, bất kể dưới hình thức nào, đều không tốt cho đất nước ta. Các thể chế xã hội, xét cho cùng, chỉ là cách quản trị xã hội. Sự lựa chọn rõ ràng nghiêng về phía xã hội dân chủ, về căn bản là xã hội bảo vệ nhân quyền, cái thiếu nhất trong những thể chế ở Việt Nam từ xưa. Xã hội dân chủ là xã hội dựa trên sự tôn trọng tài sản tư hữu và tự do cạnh tranh, nó không phải là một xã hội hoàn hảo, trong đó cuộc đấu tranh cho nhân quyền vẫn còn tiếp tục, nhưng nó là cái tốt nhất mà loài người có trong tay. Cái gọi là nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, với thể chế chính trị độc đảng, nhân dân ta đã biết nó thế nào - đó là nền kinh tế tư bản rừng rú, với sự hưởng thụ tối đa cho một số rất nhỏ chiếm được vị trí thượng tầng kiến trúc của nó. Cách quản trị phi nhân bản ấy sẽ bị nhân dân gạt bỏ, bằng cách này hay cách khác, chẳng chóng thì chày. Và ngay giờ đây chúng ta cũng đã thấy trước sức mạnh của nhân dân đòi dân chủ hoá xã hội bọn độc tài không còn dám nhơn nhơn xưng chuyên chính vô sản nữa, mà trương ra đủ mọi thứ nhãn hiệu mị dân khác. Đặc biệt là bọn độc tài cộng sản ở Trung Quốc. Bọn này một mặt ghi nhân quyền vào Hiến pháp, mặt khác vẫn tiếp tục bỏ tù những người đòi dân chủ. Xã hội cộng sản nhất thời có thể có những thắng lợi về kinh tế, nhưng về lâu dài, do bản chất chống lại con người, nó sẽ sụp đổ.

Xu thế dân chủ là không thể cưỡng lại. Bởi nó là xu thế của trí tuệ nhân loại tỉnh táo. Nhịp độ phát triển của thế giới ngày một nhanh, cho nên ngày mà nhân dân lấy lại được quyền tự quyết định số phận mình và số phận đất nước từ tay bọn độc tài sẽ không còn xa. Tôi tin chắc như vậy. 

Võ Triều Sơn: Đại diện cho hãng thông tấn VNN, tôi hết sức cảm ơn Ông Vũ Thư Hiên, dù rất bận rộn, vẫn dành nhiều thì giờ cùng những suy nghĩ chân thành giúp cho chúng tôi thực hiện và cống hiến Quý độc giả cuộc phỏng vấn rất hữu ích nầy. Xin kính chào tạm biệt và kính chúc Ông cùng Quý quyến bên nhà luôn được dồi dào sức khoẻ và mọi điều tốt lành như ý.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn