BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73241)
(Xem: 62215)
(Xem: 39399)
(Xem: 31151)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Châu Văn Tùng, người độc giả thứ hai

17 Tháng Bảy 201512:00 SA(Xem: 1302)
Châu Văn Tùng,  người độc giả thứ hai
51Vote
40Vote
31Vote
20Vote
10Vote
42
Độc giả là người bạn đường của người viết. Trong giai đoạn tôi tập tễnh bước vào cuộc chơi thơ văn, Châu Văn Tùng là độc giả thứ hai của tôi. Không dành cho anh vị trí thứ nhất, bởi vì chính tôi giữ vai trò này. Dù thật sự, sau khi làm được một bài thơ, tôi chỉ đọc lại qua loa, thay đổi vài chữ hoặc không, tôi cũng tìm ngay đến Tùng để khoe.

Châu Văn Tùng


Tùng và tôi đã gặp và sớm thân nhau từ khu nhà lá của lớp Đệ Ngũ 3 trường trung học Phan Châu Trinh Đà Nẵng, niên khóa 1957-1958, sau khi tôi từ trường trung học Trần Cao Vân Tam Kỳ chuyển ra trung học Trần Quý Cáp Hội An, rồi chuyển tiếp về Phan Châu Trinh. Lớp Ngũ 3 của chúng tôi gồm toàn những học sinh có trang bị súng cá nhân. Những thằng cu này khá tinh nghịch và đã rậm lông, dày cánh lắm rồi. Cả lớp có chừng năm mươi tên, ngồi đầy hai dãy bàn trong một căn phòng thoáng mát. Phía trước mặt, bàn ghế của thầy, cô giáo nằm trên một bục cao, kế bên là tấm bảng xanh to rộng. Cánh cửa ra vào thứ nhất đứng không xa tấm bảng. Xóm nhà lá gồm bốn bàn, nằm cả hai dãy. Tôi và Tùng ngồi sát vai nhau, gần cửa ra vào thứ hai, tiếp cận ngay hành lang. Sân trường rộng, mặt cát. Năm bảy cây xanh tận lề đường Lê Lợi, mới được trồng, vừa đủ cao ngang đầu một học sinh tầm thấp. Tùng được cho vào xóm nhà lá có lẽ do vóc xác cao lớn của anh. Tôi được bổ sung quân số cho xóm này, có thể do đôi kính quá dày của thầy Trần Tấn, nhìn không ra sự hiền lành lẫn nhút nhát của tôi, trong lần đầu cầm giấy giới thiệu từ văn phòng xuống lớp. Âu cũng may. Định mệnh an bài không chừng. Vì nếu tôi không là dân xóm nhà lá, mà là dân xóm trên, ngồi cạnh một người không luôn tay vẽ vời trong giờ học, thì cái nguồn thơ của tôi có thể đã sớm cạn, và cuộc đời tôi biết đâu đã chuyển sang một ngành nghề khác, không phải thơ thẩn. Hên, xui thật sự đến bây giờ tôi cũng chưa xác định rõ. Nhưng tôi đã thực sự vui mừng, hạnh phúc, khi có được một người bạn tốt, và cũng đã chọn cho mình một thú chơi không tệ.

Tình bạn học giữa tôi và Tùng phát triển mau lẹ nhờ vào nhiều món giải trí giống nhau. Đứng đầu là môn đọc sách. Từ những lãng mạn cổ điển của Thạch Lam, Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Xuân Diệu, Nguyễn Bính…chúng tôi chuyển qua tả chân, hiện thực Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Nguyễn Tuân…Những Dế Mèn Phiêu Phiêu Lưu Ký, Xóm Giếng Ngày Xưa, Quê Ngoại, Bỉ Vỏ, Những Ngày Thơ Ấu… đến cả Tâm Hồn Cao Thượng, Jack London…cù rũ chúng tôi cả ngày. Dù đọc chỉ để đọc, không biết để làm gì. Tùng vẫn thích phác họa khuôn mặt thiếu nữ. Nét vẽ của anh có non yếu hơn họa sĩ Ngọc Dũng chút ít, nhưng vẫn mang đầy đủ chất nghệ thuật và sáng tạo, rất tiếc thành phố Đà Nẵng, thời điểm này không có nổi một tờ báo đúng nghĩa. Còn tôi, thì vẫn làm“con cóc nhảy ra”, nhưng con cóc “không ngồi đó…” mà nó nhảy vào các trang của tuần báo thiếu nhi Tuổi Xanh ở số 380 đường Da Bà Bàu Chợ Lớn.

Mày làm bài thơ này được lắm - Bài này, tao thấy có mấy chữ mày dùng còn vẻ hơi cải lương, mày xem đổi lại đi - Bài này dài quá, tao thấy nên cắt ra làm hai, thành hai bài được, nếu mày sửa lại một chút…

Thường thường sau những góp ý đại khái như trên của Tùng, tôi đều xem lại bài viết. Có thể có thay đổi chút đỉnh hoặc không. Những bài thơ trong sáng, ngây ngô của giai đoạn này, tôi đều loại bỏ, không chọn lại khi có dịp in thành tập sau này, dù trong số đó có bài đã được một nhóm soạn sách giáo khoa ở Sài Gòn, chọn làm bài học thuộc lòng, in trong sách Việt ngữ lớp nhì, lớp nhất. Việc này, một dạo đã làm lỗ mũi tôi lớn gần bằng hai ống thở của ông Ngưu Ma Vương, chồng Ngọc Diện Công chúa trong Tây Du Ký.

Vì em trai tôi, Lê Hân cũng làm thơ, làm ô chữ cho Tuổi Xanh, nên để khỏi trùng địa chỉ nhận báo tặng, tôi mượn địa chỉ nhà của Châu Văn Tùng. Lúc bấy giờ căn nhà ngói gổm nhiều phòng của ba mạ Tùng, mang số 66 nằm trên đường Triệu Nữ Vương, một con đường tương đối ngắn, nối từ rạp chiếu bóng Chợ Cồn đến đồn cảnh sát Hoàng Diệu. Tôi vẫn thường hiện diện trong ngôi nhà này. Nếu tình ý thêm một chút, đào hoa hơn một chút, có thể tôi đã trở thành em rể của Tùng. Vì anh có hai cô em gái, Châu Thị Hồng, rất sắc sảo, Châu Thị Đào mũm mĩm như một con búp bê Nhật. Ba mạ Tùng đãi ngộ tôi như con. Bác trai, Châu Văn Chỉ, xuất thân từ cái nôi giáo dục của người Pháp, từng giữ chức Phó Thị Trưởng thành phố Đà Nẵng, rồi Tổng Giám Đốc Quỹ Bù Trừ Pháp toàn cõi Trung Việt cho đến ngày hồi hưu. Ông gốc Quảng Nam. Bác gái vốn là một khuê các của dòng trâm anh Huế. Nhưng bà không thừa hưởng những khó tính rất nổi tiếng của các mệ. Tôi cũng từng ghé thăm ngôi nhà bà ra đời. Từng “lạ nơi khép nép nằm nghe muỗi, năn nỉ như đòi chung gối chăn” (CƠĐĐTT…) vì cái cổ kính, uy nghi của ngôi nhà, nằm im trong ruột hàng rào bằng những hàng cây xanh, dày.

Châu Văn Tùng ra đời tại quê nội, Hải Châu Đà Nẵng, vào năm 1942, theo khai sinh. Đúng ra anh cũng cầm tinh con rồng như tôi, nhưng không biết khúc đầu hay đoạn đuôi. Dù đầu hay đuôi, hễ đã là rồng đều là rồng lộn cả, nên cuộc đời đứa nào cũng không thiếu long đong, bầm dập. Ngoài hai cô em gái, Tùng còn có một ông anh, tốt nghiệp bác sĩ, anh Châu Văn Thạch (bạn học cùng nhà thơ Tạ Ký) làm việc tại Sài Gòn. Bà chị Châu Thị Lan, phu nhân của một nhà thầu, kiêm thương gia giàu có nổi tiếng của Đà Nẵng. Một bà chị khác dịu dàng, hiền thục trong nghề làm cô giáo, chị Châu Thị Mai, lớn hơn chúng tôi chừng hai tuổi. Nhìn chung, Tùng có nhiều điều kiện để theo đuổi thú chơi thơ văn, hội họa… hơn tôi, nhưng không hiểu sao, anh không chọn con đường vinh hoa, thiếu phú quí này. Ngoài chuyện vẽ vời, mua sách làm tủ sách gia đình, Châu Văn Tùng còn say mê sưu tập thơ. Anh chép gần đầy đủ những thi tập tiền chiến vào trong các cuốn sổ đóng sẵn, bìa cứng, có gáy như sách. Có cuốn dày đến 500 trang. Chữ viết của Tùng khá đẹp. Chép thơ cũng là cơ hội cho các bản vẽ thiếu nữ của Tùng có chỗ trang trí nghiêm túc. Tôi cũng bắt chước Tùng làm công việc này một thời gian. Tùng cũng là một người sưu tập và chơi tem có hạng trong thành phố. Anh sắm những cuốn album đặc biệt, đắt tiền cho thú chơi trưởng giả và có vẻ trí thức này. Biết mình không có khả năng, tôi không mấy hứng thú với tem cò. Nhưng Tùng quyết tâm chia xẻ cùng tôi, anh tặng album, tặng tem dư, tặng luôn cả kính lúp. Rất tiếc, chỉ một thời gian ngắn, tôi phụ kỳ vọng của anh để nuôi cá kiểng, một trò chơi Tùng không mấy thích. Thật ra việc chơi cá kiểng của tôi cũng bắt nguồn từ hồ cá, như một cái ảng lớn trong sân nhà của Tùng. Tôi khoái những con cá tàu đỏ, ba đuôi, đài các. Tôi thích những rễ cây nhỏ nhắn ăn bám vào mặt đá, một nửa ngấm nước, một nửa phơi nắng cả ngày. Tôi thích những cọng rêu, những cánh bèo rất ít khi được chao động. Cá kiểng đã làm bạn với tôi qua nhiều chặng đời. Sau này, vào thập niên 80, tôi chuyển hẳn tay qua nghề chơi chim. Hiện nay, tại hải ngoại, tôi trở lại với cá kiểng, dù không rườm rà, cầu kỳ như ngày xưa.

Nhắc lại kỷ niệm thời trung học với Châu Văn Tùng không phải là chuyện khó. Rất nhiều hình ảnh, rất nhiều câu đối thoại xa xưa vẫn còn rất đậm trong lòng tôi, chỉ cần nhắm mắt lại trong giây lát, tôi có thể đưa lên mặt giấy bộn bề một thời quá khứ. Nhưng chẳng lẽ làm phiền quá nhiều bạn đọc, tôi chỉ xin làm sống lại đây đôi điều chợt chạm đến trí nhớ.

Từ nhà, 66 Triệu Nữ Vương, Châu Văn Tùng có thể theo vài ngã phố khác nhau để đến trường Phan Châu Trinh, nằm trên đường Lê Lợi. Nhưng anh đã chọn ngã đi ngang qua nhà tôi. Với lối đi này, Tùng phải tiến qua gốc cây đa, qua luôn một ngôi chùa của Thiên Tiên Thánh Mẫu, (nơi vẫn thường phát ra những điệu rất “kích động”, tôi rất mê) để đến ngã ba Hùng Vương, Triệu Nữ Vương. Rồi Tùng phải đi ngang tiệm thuốc lào Quỳnh Lâm, phòng mạch bác sĩ Thái Can (ông “anh biết em đi chẳng trở về”), nhà may mui nệm Nguyễn Niệm…đến đầu tường bệnh viện Pháp vừa giao lại cho Việt Nam, Tùng rẽ trái qua Đông Kinh Nghĩa Thục. Sau khi qua ngã ba Pasteur, cửa sân vận động Chi Lăng, chắc Tùng đã sẵn sàng tiếng gọi:

- Châu ơi…

Tôi đã phục kích âm thanh này, và tức thì phóng xe ra đi. Cả hai thằng quẹo phải ở Thống Nhất, chỉ cách đó chừng 100 mét. Tôi cưỡi xe đạp đầm, Tùng khệnh khạng trên xe đạp dàn ngang. Anh vốn cao lớn hơn tôi gần nửa cái đầu. Chúng tôi qua trụ sở Nghiệp đoàn Lao động với cái đầu trâu to tướng, đen thùi dựng trước sân, qua chân một gò đất cao, sau này là trường nữ trung học Hồng Đức, để đến Lê Lợi, để làm môn đệ gián tiếp của nhà cách mạng Phan Châu Trinh. Bạn học của chúng tôi thằng nào cũng dễ thương. Nhưng đáng nhớ đời là những tên đại tinh nghịch, đại xuất sắc, như Trần Hữu Chí, Trần Lục, Trương Văn Phương, Nguyễn Văn Thơ, Phan Quảng…Sau giờ học, chúng tôi thường đảo một vòng Đồng Khánh, Trần Hưng Đạo, rồi chia tay ở ngã tư đường Hùng Vương, Đông Kinh Nghĩa Thục.

Không có cuối tuần nào, chúng tôi không bát phố. Hôm nay tôi tạt lại nhà Tùng để cùng thong dong, hôm sau Tùng ghé nhà tôi để tiếp tục chuyến đi khống khứ của ngày hôm trước. Tính chung, Tùng ghé đến tôi nhiều hơn, vì nhà tôi ở, đến những nơi thường đến gần hơn. Dĩ nhiên những ngày cuối tuần chúng tôi chỉ lội bộ. Những con đường để chúng tôi “bát” của thành phố Đà Nẵng thời bấy giờ không nhiều. Chung qui cũng chỉ là khu vực thương mại sầm uất loanh quanh chợ Hàn. Ở tọa độ này, chúng tôi có một số điểm đến gần như cố định: Quán sách Lam Sơn, quán sách Sông Đà, (cả hai đều nằm trên đường Độc Lập), Ty Thông Tin (ở góc hai đường Đồng Khánh, Yên Báy). Và quán trà Thành Ký, nằm đối diện chênh chếch với “nhà thờ Con gà” Đà Nẵng.



Quán sách Lam Sơn và Sông Đà có hai ông chủ trung niên, không được cởi mở lắm. Có lẽ vì công việc buôn bán làm cho cả hai ông có vẻ trầm tư một cách khó tính. Ở quán sách Sông Đà có một căn gác, nhà văn Lưu Nghi đã từng tạm trú một thời gian rất ngắn ở đây. Nhà văn Trang Thế Hy hình như cũng từng ghé đến. Tùng và tôi không hiểu đã vì lẽ gì, đã có lần leo lên gác này thăm ông Lưu Nghi, nghe nói dóc hết cả một buổi chiều. Ông thầy giáo dạy Việt văn của chúng tôi, Trần Ngọc Quế, cũng rất thường hiện diện trong quán sách Sông Đà. Nhưng chúng tôi tìm thấy sự thoải mái nhiều hơn ở quán sách Lam Sơn. Ông chủ Lam Sơn vốn thường mặc áo len, dáng người hơi thấp. Ông biết cười nhiều hơn ông Sông Đà, đối thủ của ông. Chúng tôi nạp tiền cho ông này nhiều hơn ông kia gấp bội. Những dịp Giáng Sinh, cuối năm đông đảo, ánh mắt ông có vẻ ít xốn hơn khi thấy chúng tôi chiếm chỗ xớ rớ. Ty Thông Tin Đà Nẵng, nằm trên hai mặt đường Đồng Khánh, Yên Báy. Sau ngày cụ Diệm lên ngôi, cơ sở này được sửa lại khang trang, rộng rãi hơn trước. Đây cũng là một trạm chúng tôi thường ghé vào để nghỉ chân, lật lật những tờ báo khổ lớn, được kẹp cứng trong hai thanh gỗ ở phần gáy, để khỏi bị cầm nhầm. Ty thông tin thường hay trưng bày ảnh thời sự có tính cách thông tin. Chúng tôi từng nhìn thấy ảnh các tướng Trịnh Minh Thế, Tôn Thất Đính…ở đây. Tiệm trà Thành Ký khá khiêm nhường, chỉ có chiều sâu, chiều ngang khá hẹp. Rất ít khi chúng tôi ngồi bàn trong nhà. Tiệm chuyên bán cà phê, ca cao, trà cúc, bánh ngọt,bánh paté chaud. Cô chủ là một người Trung Hoa, chắc chắn lớn hơn chúng tôi vài ba tuổi. Cô có một khuôn mặt xinh xinh, mặn mà, duyên dáng như minh tinh Miêu Khả Tú và một vóc dáng gợi mở như nữ diễn viên Đinh Phối. Sự phát triển thân thể của cô đang ở trong giai đoạn tuyệt vời nhất của người phụ nữ. Tôi nhiều lần nhìn trộm cô qua rất nhiều phần bắt mắt trên cơ thể. Những gì tiên sinh Nguyễn Du vẽ trong truyện Kiều tôi đều lén tham quan. Con mắt của tôi đương nhiên có phần vô phép, nó nồng nàn không thua sút hơi thơ của thi sĩ Bích Khê. Mỗi lần nhìn trộm, tôi phát hiện có nhiều thao thức kỳ thú trong lòng, khác hẳn với khi ngắm nhìn một bạn nữ sinh. Nhiều đêm còn nằm mơ cùng cô hàng hoan lạc nữa. Những giấc mơ rất ư là Liêu Trai Chí Dị. Không giỏi môn địa lý, nhưng tôi cũng rất thường hay “vẽ bản đồ” trong thời kỳ này.

Những chuyến bát phố của lứa tuổi học sinh choai choai chúng tôi, thường được xem là những chuyến đi thưởng ngoạn nhan sắc thanh xuân của thiếu nữ, nói bộc trực hơn là đi “nghễ gái” Đối tượng của chúng tôi chủ yếu là đám nữ sinh. Họ thường tha thướt trong các chiếc áo dài trắng từng nhóm vài ba người. Cũng có một số cá biệt, ăn mặc theo đúng thời trang và lượn xe qua phố trong phong thái lả lướt linh động hơn. Những hình ảnh này tôi đã giữ lại tiêu biểu trong ít vần lục bát:

 “vào chiều, mặc jupe-serrée/ mang giày gót nhọn lượn xe, vói người/ sợi tình thả lỏng chân vui/ cho ngọn gió đủ thơm người đứng hong/ vai nghiêng theo nhánh đường vòng/ đôi găng lụa bạch bềnh bồng nắng chao

 nguồn hương thuốc lá cõi nào/ mon men rủ đến cúi chào ngón hoa/ chờn vờn, lấp ló, la cà/ nằn nì trồng ngọn thi ca sống cùng

 dịu dàng chiều đẩy sau lưng/ bềnh bồng ngọn tóc thanh xuân bên trời/ vòng solex lướt thảnh thơi/ vô tình dẫm chiếc bóng ngồi ngóng theo

 phố chiều vướng hạt bụi treo…”

(Chiều Phố, Trôi Sông)

Nói cho ngay, tôi và Châu Văn Tùng không đặt nặng vấn đề đi ngắm mặt mũi, dáng đi, dáng đứng của các em. Chúng tôi bát phố như một thói quen của một giai đoạn trong đời sống. Hơn nữa ngoài những bóng hồng ra, chúng tôi còn rất thích thú với cảnh sinh hoạt nhộn nhịp, đông vui của phố phường. Sự lặp lại trong sinh hoạt của mỗi ngày nơi đô thị, mới nhìn qua, tưởng na ná như nhau, nhưng thật ra có sự khác biệt từng phút, nếu chúng ta có lòng quan sát, chiêm nghiệm. Về cái tội ngắm gái đối với tôi, có lẽ còn có, nhưng đối với Tùng, thì oan cho anh. Thích vẽ người đẹp, nhưng anh rất ít khi nhắc đến bóng hồng này, nhan sắc kia, hay có một ánh nhìn bất ngờ dành cho một người đẹp nào đó qua đường. Đây có lẽ là một nghịch lý mà tôi không giải thích được. Biết bạn mình không nhiều hào hứng với loài hoa biết nói, nên tôi đã cô đơn một mình, trong những lần qua các ngõ nhà mỹ nhân: Minh Xuân, Như Thoa, Trân Châu, Lâm An, Lâm Vui, Bích Quân, Thu Hà, Thu Liên, Quỳnh Chi, Quỳnh Cư, Quỳnh Diên, Thúy Oanh, Ái Cầm, Diệu Minh, Quý Phẩm, Thạch Trúc, Bích Hà, Hồ Hồng, Huỳnh Phú…hay âm thầm Nghiêng Chào Đà Nẵng Tiểu Thư Quỳnh Như, Ngọc Lan, Bích Hà…Hoặc:

“…một mình qua phố chiều mưa/ tôi cong lưng đạp đi mua tình người/ lượm thầm từng vụn tin vui/ chắt chiu ủ kín đọt cười chớm xanh…

 tôi đi lững thững bên trời/ porte-bagages nặng vốn lời nhân sinh/ thầm thương cho nhúm thơ tình/ em chưa chịu thả chân linh hiển vào…”

Tôi lãng mạn, tôi đa tình cũng chỉ vì thơ thôi. Vừa đạp xe, vừa làm thơ là chuyện bình thường. Nếu không làm thơ, thì giờ đâu để viết nữa, bởi “Lang thang đi dạo cả ngày, con đường nhẵn gót, ngọn cây nhẵn mày…”. Tùng cũng đi nhiều, nhưng kém xa tôi. Hơn nữa, hình như anh không bao giờ làm người độc hành. Anh cũng thiếu vắng những bay bướm cần thiết. Khuôn mặt sáng sủa, đẹp trai, thân hình cân đối, cao lớn, nhưng anh là một người thuộc loại “nhát gái” đáng nể. Trong suốt thời kỳ thư sinh, Tùng gần như không quen biết, hoặc để ý đến một người nữ nào. Nếu tôi từng biết hương vị của thất tình là gì, thì Tùng gần như suốt đời anh, không hề được chạm đến “cái thú đau thương” này.

Kỷ niệm đánh dấu cụ thể sự trưởng thành của chúng tôi nằm vào hai đôi giày. Vào những ngày cận Tết, không còn nhớ chính xác năm nào, tôi và Tùng đều cảm thấy mình đã lớn lắm rồi, nên trang bị cho thân thể những phục sức đàng hoàng hơn, chỉnh tề hơn. Chúng tôi cùng đồng ý loại bỏ loại sandale vẫn mang hằng ngày bằng loại soulier à lacet. Hai thằng hớn hở dạo một vòng phố, ghé không sót một hiệu bán giày nào, cuối cùng vào cửa tiệm Á Châu của chị Bành Nhã Quyên (một người Hoa, về sau là đồng nghiệp của chúng tôi), chọn mỗi đứa một đôi giày da đen, đế cứng có cả “con đỉa” đóng dưới đế. Chia tay nhau mỗi đứa về nhà mình tập làm người lớn. Ngày hôm sau, thằng nào cũng bị phồng đỏ cả hai bàn chân vì chưa quen với sự cọ xát hơi cứng của da giày. Chúng tôi đã chia tay ngay với món quà của chính mình đi mua sắm cho mình lần đầu tiên.

Trong giai đoạn thi hành nghĩa vụ quân sự, chúng tôi cùng được đào tạo trong một lò bộ binh Thủ Đức. Cùng nhau vào trại nhập ngũ số 1, ngoài đường Đống Đa, cùng cân đo ở Tổng Y viện Duy Tân, nhưng Tùng không ngồi C130 vào Tân Sơn Nhất cùng tôi. Anh rất lè phè, nhẩn nha. Phần thưởng dành cho những “đơn giản hoá” sự việc của anh là 3 tháng căn bản quân sự tại quân trường Quang Trung. Tôi chưa biết mặt mũi trung tâm huấn luyện này như thế nào.Nhưng nó rất nổi tiếng. Trong thơ, trong nhạc của nửa nước Việt Nam vẫn thường nhắc đến cái quân trường lớn nhất, đào tạo binh sĩ cho quân lực Việt Nam Cộng Hòa này.

Tôi gặp Tùng trong giai đoạn 2 ở Thủ Đức, rồi cùng tốt nghiệp, rủ nhau về Trung đoàn 4 sư đoàn 2 Bộ Binh, cùng hai bạn học, cũng là đồng đội khác, Nguyễn Văn Pháp và Trần Mỹ Lộc. Nếu không có Tùng, Pháp, Lộc, chắn chắn tôi không về với rừng núi Trà Bồng, Thiên Ấn. Và biết chừng đâu tôi khỏi phải mất một bàn chân, hoặc chỉ phải mất một cái mạng, ai mà biết trước được. Sau ngày 10 tháng 11 năm 1967, Lộc hy sinh sớm ở Xuân Phổ. Chúng tôi có tiếp một trận đánh khốc liệt ở gần đồi Lâm Lộc. Mặt trận này làm đại đội của Tùng “rách áo” chừng một phần ba. Tùng an toàn, và ngay sau đó, anh được thuyên chuyển về Trung đoàn Đặc biệt 51, cũng thuộc binh chủng bộ binh.

Đã mang xác ra chỗ “đạn tránh người, chứ người không tránh đạn”, Trước sau gì ngực áo cũng nặng “chiến thương bội tinh” . Tôi sưu tập được ba cái loại dễ kiếm này. Tùng tệ hơn, anh chỉ tìm được một cái, nhưng vừa đủ để được xếp loại 2.

“ Tùng thân mến,

 Tao đang nằm ở bệnh viện I dã chiến

 nhận tin mày

 không khóc, không than thở

 nước mắt có giúp được gì chúng ta ?

 mày đã đứt gân máu ở bắp đùi trái

 đã gãy một khúc xương

 đã mất một cánh tay

 hay một con mắt ?

 nhưng chắc vẫn còn trái tim

 tao cũng vậy.

 Này vết thương,

 Chúng tôi có lời cảm ơn…”

(Viên Đạn Cho Người Yêu Dấu)

Bài thơ gởi cho Tùng không lâu, tôi lại ngã ngựa. Mặt trận Quảng Ngãi mà. Chúng tôi cùng rời quân ngũ. Cùng làm người lính của Bộ Cựu Chiến Binh, Nha Hưu Bổng và Sở Cấp Dưỡng đến suốt đời. Không yên với đồng lương tùy theo cấp độ tàn phế, chúng tôi trở lại với nghề chuyên môn của mình. Châu Văn Tùng làm việc tại Việt Nam Công Thương, một ngân hàng lớn vốn có từ thời Pháp thuộc. Tôi đi đi về về với Việt Nam Thương Tín, một ngân hàng trẻ và bề thế vào bậc nhất thời bấy giờ. Cuộc sống công chức của cả hai vô cùng ổn định. Lương của ngành ngân hàng khá cao. Thằng nào cũng vợ con đề huề. Chị Trương Thị Hinh, vợ của Tùng cũng làm cùng nhiệm sở với chồng. Anh chị có với nhau một trai một gái. Không biết nếu người đẹp, dòng dõi Trương Công Huynh Đệ, ngày ngày không cùng một mái sở, thì bạn tôi đến bao giờ mới có bạn gái, dù khả năng viếng thăm những Ngã Ba Chú Ía, hẻm Hòa Hưng …thời theo học làm quan ở Thủ Đức của anh không tệ. Hình ảnh trong mấy câu lục bát sau đây, trong một dịp, tôi xong việc, ngồi đợi Tùng hoàn thành tốt nhiệm vụ cho chính anh:

 “hỡi em Gò Vấp An Nhơn

 chút gia tài cũ méo tròn ra răng

 còn khi mô nhớ lăng nhăng

 tiếng thẻ bài chạm leng keng cổ chàng

 lên chừng mực xuống vội vàng

 gừng cay muối mặn đàng hoàng đãi nhau

 đang ngang ngửa xáp hiệp đầu”…

(Cẳm Ơn Đất Đá Trổ Thơ. Lòng Ta Hạt Bụi Vu Vơ Bám Hoài)

Sau ngày 29 tháng 3 năm 1975, chúng tôi vẫn được gặp nhau ở nhiều điểm. Chuyện cũ kể hoài cũng chán. Nhưng không kể e bỏ sót một nhánh thời gian của cuộc đời đã sống. Tôi khuyên tôi quên đi chuyện trình diện ở sân chùa Hải Châu, chuyện ngồi lết gỡ mìn quanh vòng đai Quân đoàn I, chuyện khai lý lịch, chuyện “học tập”… Chỉ xin trích một phần của một bài thơ, có tôi và có Tùng, bạn tôi trong những ngày đầu bước vào một đoạn đời mới, dưới một màu cờ mới:

… “ mày có nhớ những hình ảnh nào đã đến/ ngày đầu tiên chúng ta đến Đông Phương (tên một ngân hàng)/ nắng tháng tư sao vàng úa buồn buồn/ rơi trên áo người phong trần, lỡ vận/ Chúng ta đó những người từng tham trận/ không ra hàng mà ngượng ngập bao nhiêu/ trong hồn ta đựng hết cả buổi chiều/ chúng ta đứng đợi đong từng ký gạo/ đời chó đẻ nên vẫn cần cơm áo/ không đi xin mà tay đã ngửa ra/ tao bậm môi giữ lại tiếng khóc òa/ bởi tao nhớ vợ con tao đang đợi/ bởi mày cũng vợ con và cơn đói/ sẽ diễn hành mai mốt có xa đâu/ sát vai nhau, đầu cúi sát bên đầu/ chúng ta vẫn là chúng ta bằng hữu/ tình cảm đó nuôi chúng ta từng bữa/ dựa vai nhau tập nhẫn nhục, âu lo/ mong chóng qua, mong chóng hết vai trò/ rất hèn mọn của một đời phù phiếm/

 Lý lịch xấu, ba đời đều thiếu điểm/ còn tạm xài khai thác nghiệp chuyên môn/ qua một ngày giàu thêm một cô đơn/ sống thường trực cùng âu lo run rẩy/ cây muốn lặng, gió từng giây đưa đẩy/ đời chúng ta rồi trôi nổi ra sao/ mày nổi trôi cùng kinh rạch đang đào/ tao ở lại ngân hàng cùng chữ số/ thơ của tao có phải là cuốn sổ/ đoạn trường không, khi mày được gọi tên/ thương mến mày, tao nghĩ cũng không nên…/ nhưng đâu dễ quên tên mày cho được/ ta đã viết và đã từng nghĩ trước/ sẽ không sao vì tao chẳng in ra/ viết gọi là thay tiếng thở ra/ ai lỡ đọc hẳn bỏ qua tha thứ/

 Sầu một chút cho vơi dần tư lự/ thương Việt Nam thì thương lấy nhà thơ/ máu nhỏ ra cho đến bao giờ/ về với đất, với cỏ cây vinh hiển/ đời vinh hiển hỡi ơi đời vinh hiển ?”

(tặng CVT, Hơi Thở Việt Nam)

Rất may, Châu Văn Tùng chỉ đi lao động ở kênh đào Phú Ninh một thời gian rồi cũng được “điều” về Ngân hàng, nhưng anh vẫn bị đày một thời gian lên “miền cao, miền xa” thuộc nhiều chi nhánh. Mãi đến khi tôi gần xuất ngoại anh mới được về làm việc tại Ty Ngân Khố, nơi một thời ba tôi đã làm việc. Trong hồ sơ xuất cảnh của tôi có “Giấy xác nhận không thiếu nợ ngân hàng thuộc chế độ cũ trong phạm vi tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng”, do chính Châu Văn Tùng ký ngày 9-10-1984 trong vai trò Cán bộ theo dõi thanh lý, bên cạnh vị kiểm soát và giám đốc ngân hàng, ông Phan Minh



Châu Văn Tùng không có số xuất ngoại, dù anh có ông anh ở Hoa Kỳ, bà chị định cư tại Canada từ 1975.

Sau bảy năm ở xứ người, tôi nhận được thư hồi âm của Tùng viết ngày 11 tháng 02 năm 1992. Lời buồn trong nét chữ quen trên ba trang pelure mỏng mảnh, nhẹ nhõm nhưng nặng đầy kỷ niệm.



Tôi không siêng viết thư cho Tùng, nhưng trong tập Cỏ Hoa Gối Đầu, tôi đã dành hai bài, tặng anh. Bài Hai Đoạn Lục Bát Cho Châu Văn Tùng (trang 71-74) và bài Phúc Thư Châu Văn Tùng Đà Nẵng như sau:

“Tao sẽ chưa về thăm mày được/ bởi vì, giản dị, thiếu tiền thôi/ sáu con bốn chín (một loại vé số của Canada) đều vô cả/ cố quốc, về chơi, có mấy hồi

 đâu phải tao thèm mang áo gấm/ vểnh mày giữa đói rách bà con/ túi quần, tệ lắm vài trăm bạc/ trả tiền nhậu nhẹt, trả tiền hôn

 chẳng lẽ để mày bao tất cả/ như thời mang súng được hay sao/ dù gì tao cũng hai quốc tịch/ mất mặt Việt kiều, thảm biết bao

 mang tiếng đi cày gần trọn giáp/ về thăm, xơ xác, nghĩ sao cam/ ngửa tay giữa chợ còn coi được/ ăn chực người thân mãi, dị òm

 cảm ơn mày hứa lo tất cả/ suy đi, tính lại, thôi, Tùng ơi/ quê hương, bè bạn trong lòng cả/tao ngó lòng tao, tạm đủ rồi

 nói dóc, nói đùa hay nói láo/ vẫn tin mày hiểu cái tâm tao/ trái tim còn đập, còn thương nhớ/ đợi mươi năm nữa có là bao

 năm nay tao mới năm tư tuổi/ truyền thống ông cha thọ rất cao/ gắng sống chờ tao lên chín chục/ hồi hương, cụng chén, tán tào lao

 quên mất, nhờ mày thêm một việc/ rao dùm trên báo mẩu tin vui:/ các em kiều nữ mê Châu cũ/ ta vẫn còn thương nhớ các người ...

(Cỏ Hoa Gối Đầu)

Tôi quên nói: thời đi học cũng như thời đi lính, Châu Văn Tùng rất hào phóng. Anh là người luôn luôn chi trả tiền cà phê, thuốc lá, tiền ăn nhậu, chơi bời cho tôi, mười lần như một. Đây là sự thật trăm phần trăm như cái chân lý “sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng tiền Châu tiêu Tùng trả” là điều đương nhiên. Anh chẳng nợ gì tôi, ngoại trừ một nỗi trắc ẩn, tội nghiệp và thương cho một thằng bạn nghèo mà thôi. Rất may, trong đời sống, tôi không biết ghiền một thứ nào. Cà phê uống cũng được, đen, đá gì cũng xong, nhưng không uống cũng không sao, không ngáp vặt. Thuốc lá phì phà ra khói lỗ mũi, lỗ miệng gì cũng được, nhưng không có cũng chẳng lạt lưỡi, chảy nước dãi…Ăn nhậu không nhiều, bia, rượu vừa đủ làm duyên xã giao. Chơi bời chẳng mấy khi, chỉ gọi là cho biết với đời. Tùng thì khác, ngoài ăn nhậu, chơi bời, y hệt như tôi. Anh ghiền cà phê và thuốc lá ở mức độ nặng. Anh không khoái thuốc có đầu lọc như Salem và cà phê sữa. Pall Mall, cà phê đen nóng là cái “gout” của Tùng. Năm 2002, tôi về Đà Nẵng, Tùng vẫn giữ được sở thích này.

17 năm lưu lạc, hơn cô Thúy Kiều của cụ Tiên Điền Nguyễn Du đến những hai năm, quê nhà Đà Nẵng hiện ra trước mắt tôi với rất nhiều vẻ lạ. Nhà cửa đường phố thay đổi, trong khuôn mặt, vóc dáng nghênh ngang hơn nhiều. Cái “phồn hoa giả tạo” trước 1975 được lặp lại rất kỹ. Những cây cầu thi nhau bắc qua một đoạn sông, nhiều đến mức hơi thừa thãi. Rất may, người bạn của tôi, anh Châu Văn Tùng vẫn trắng trẻo, rất thư sinh như ngày nào. Còn tôi đã có thể thay anh trả tiền vài bữa nhậu, nhưng Châu Văn Tùng vẫn dành cái thú vị này. Anh đưa tôi đi thăm những thằng bạn chung như Nguyễn Văn Pháp, Hoàng Oanh, Nguyễn Hữu Nuối, Đặng Văn Hải…Anh đưa tôi đến sân chùa Hải Châu, quán Ngọc Anh và nhiều quán cà phê mới mọc, dĩ nhiên không sót vài quán bia ôm. Chúng tôi chả ôm ai, chỉ “đi thực tế” bằng cách ngồi ngó cho biết lấy thảo. Tùng đã về hưu, nhưng anh vẫn tiếp tục đi làm cho một ngân hàng tư, đời sống không mấy khó khăn. Căn nhà của anh vẫn cổ kính như xưa, dù số nhà đã thay đổi, từ con số 66 lên con số 72. Hai con của anh chị đều đã trưởng thành. Cô bé đã lập gia đình. Cậu Châu Văn Trung thì vẫn còn bên lưng bố mẹ, dù đã chọn cho mình một nhiệm sở để đi đi về về.



Ngồi trong nhà Tùng, đúng tại chỗ mình vẫn ngồi bao nhiêu năm, một niềm nhung nhớ đâu đâu cứ đột nhập vào lòng tôi. Cây vú sữa ngoài sân đã mất. Nhưng cây mai vẫn còn, tiếc là không phải mùa hoa, để thấy lại những nụ vàng óng, cao sang. Cái ảng nuôi cá chỉ còn một khoảnh trống, lơ mơ vài chiếc lá vô danh nằm đợi hóa thân. Bậc thềm, mái hiên, chẳng có gì thay đổi. Cả những con se sẻ vẫn như vậy, dù chúng chắc chắn chỉ là cháu chít của cái thời dĩ vãng xa xưa. Hồng đã theo chồng. Đào đã có một ngôi nhà riêng đứng một bên góc sân. Đào vắng nhà. Tôi ngó cánh cửa khóa trái và ngẫm nghĩ, và tra vấn lòng mình. Trước khi Đào về với Trần Mỹ Lộc, người bạn nhỏ đã quá cố của tôi, đã có lần nào tôi ao ước được hôn môi Đào một cái ? Có lẽ là chưa. Tôi vẫn như Tùng, là “anh của đám đàn em nhỏ”. Còn bác trai ? đâu rồi sự quở trách: “mấy cậu bây giờ học Pháp văn sao dở quá…Đưa cho Châu coi cái này đi Tùng” Cái này là một đoạn gì đó trong Paris Match, tờ báo bác Chỉ mua dài hạn. Còn bác gái: “Xuống ăn cơm luôn con, Châu, hôm nay có món dưa giá con thích…, Đào ơi, lấy cho anh Châu mi ly nước” Đã từ bao giờ, tôi vô tình được hiểu ngầm là một thành viên trong gia đình một người bạn ? Tôi ứa nước mắt đứng trước dãy bàn thờ uy nghiêm. Lẳng lặng ngước nhìn ba mẹ Tùng qua hai tấm ảnh thờ. Tôi thắp nhang. Khói chính là những lời cầu nguyện, thăm hỏi của tôi dâng lên hai bậc tôi từng kính thương. Tôi dạo mắt quanh phòng, nhận bắt, tìm kiếm lại những gì còn mất. Trí nhớ của tôi không cùn mòn lắm. Từng đầu đinh từ ngày nào vẫn còn nằm đấy, nhưng những tấm lịch vẫn mãi thay đổi hằng năm. Mùi mát lạnh của toàn gian nhà vẫn như xưa. Chỗ Tùng đang nằm trước khi tôi gõ cửa bước vào, chính là nơi ba anh đã từng nằm, nơi tôi từng ghé sát đến bên ông trong giai đoạn ông đã hơi nặng tai.

Tôi bước ra hành lang, xuống nhà dưới, mỗi bước chân tôi ấm lại những hình ảnh chưa mờ nhạt. “Tôi đi từ chỗ sẽ về/ tôi về lại chỗ chưa hề ra đi/ đi, về cũng có đôi khi/ bình thân một chỗ, đã đi, đã về”…(CHGĐ). Có thể tôi chưa đi đâu thật, dù xa cách nơi này đến những 17 năm.

Người bạn tôi bước theo ngay sau lưng. Anh nói: “để hôm nào tao soạn lại cho mày những tấm ảnh cũ…”. Cảm ơn Tùng biết bao nhiêu. Chúng ta đã chưa hề cho nhau sự khách sáo nào. Nhưng lời cảm ơn của tao đây rất cần nên có, hỡi ông độc giả thứ hai ngày nào của tao. Tối nay, tao có thể gọi thăm mày, để xin ý kiến về cuốn Dựa Hơi Bè Bạn tập 1, mà mày vừa nhận cùng cuốn Quá Khứ Trước Mặt, con tao, Lê Ngọc Quốc Bảo đã mang về cho mày. Tao tin mày vẫn có nhận xét chân thật như ngày nào. Tùng ơi, tao bỏ hút thuốc đã lâu, nhưng chợt thèm khói Pall Mall lắm. Mày đốt một điếu nhé, cắn thêm một miếng pho mát đầu bò, thứ mày ghiền hồi chúng ta làm lính ở xứ Quảng Ngãi đấy. Cảm ơn.

 Luân Hoán

24-10-2006
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn