BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72827)
(Xem: 62104)
(Xem: 39204)
(Xem: 31058)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Năm Người Bạn Thứ Hai

01 Tháng Chín 201512:00 SA(Xem: 2982)
Năm Người Bạn Thứ Hai
53Vote
41Vote
30Vote
20Vote
10Vote
4.84

Ngày 30-04-1975 miền Nam sụp đổ rơi vào tay Cộng sản, bỗng chốc trở thành thất nghiệp, nhà cửa bị tịch thu do bọn cán bộ nằm vùng chỉ điểm tôi là an ninh quân đội, chúng đuổi gia đình tôi phải hồi hương nơi chôn nhao cắt rốn ở tận Mỏ Cầy thuộc tỉnh Kiến Hòa, sau này đổi tên là Bến Tre nằm hướng Tây nam cách thủ đô Sàigòn 100Km đường xe .




Kiến Hòa - 1970

Hai bàn tay trắng với năm đứa con thơ, vợ lại sắp sanh đứa thứ sáu, lang thang trở về quê, gia đình chúng tôi tá túc trong nhà mẹ vợ thật là chật chội, nhưng ngoại tuị nhỏ rất vui lòng đùm bọc. Hàng ngày tôi kiếm sống bằng nghề hớt tóc, vác gạo mướn, ai mướn gì tôi cũng làm kể cả việc đào mương đắp bờ,mặc dù mảy may chưa biết công việc của nông dân nhưng vẫn ra sức cố gắng làm, miễn sao có tiền mua gạo nuôi sống gia đình.


Ngày 2 thánh 6 năm 1975, có lệnh các Hạ sĩ quan thuộc tất cả Quân binh chủng từ Chuẩn úy trở xuống phải tập trung trại cải tạo, lệnh mỗi người phải mang theo lương thực và 13.500 $ ( tiền cũ chưa đổi ) địa điểm tại chùa Bà Mỏ Cầy, sau khi tập trung xong, cán bộ Việt cộng ra lệnh chúng tôi phải di chuyển bộ đến chùa Trà Nòng.


Từ chùa Bà Mỏ Cầy đến Trà Nòng khoảng 6 Km chỉ duy nhất có con đường lộ đá nối liền chợ An Thạnh ( Thom ) Mỏ Cầy 7 Km, con đường này được thiết lập từ thời Pháp thuộc chạy dài đến Bắc Cổ chiên qua tỉnh Trà Vinh, nhưng Việt cộng đào phá khắp nơi nên không sử dụng được.


Đi bộ khoảng một giờ đến địa điểm chùa Trà Nòng, nơi đây Việt cộng phân chia chúng tôi thành từng tổ, mỗi tổ khoảng 30 người kiểm soát lẫn nhaụ.


Chùa Trà Nòng ( nơi tập trung cải tạo ) về hướng Tây quận Mỏ Cầy, gần lộ dá và cua quẹo qua hướng Bắc Cổ chiên cách chợ Thom 1.5 Km. Quanh chùa Việt cộng rào kẽm gai vừa thiết lập để nhốt chung tôi và cách ly với sinh hoạt bên ngoài . Có nhiều vọng gác với nhiều nòng súng sẵn sàng nhả đạn nếu ai vượt ra ngoài vòng rào .


Hàng ngày chúng tôi tập trung học lý thuyết ( gọi là lên lớp ) , tối đến phải làm kiểm điểm, điểm danh,tự túc tìm chổ nghĩ ngơi rải rác trong hàng ràọ Giờ học tập các cải tạo viên phải thi đua phát biểu ý kiếnchứng tỏ đã tiếp thu ( từ mới như lên lớp, khẩn trương, chấp hành,tiếp thu, kiểm điểm v.v. .. tất cả đều mới lạ đối với chúng tôi ) các bài học.


Ngày đầu tiên không ai dám phát biểu ý kiến, bầu không khí thật nặng nề, trong thâm sâu ai cũng lo lắng vì Việt cộng là chúa đa nghi lọc lừa, nếu nói năng trật bài học thì tiêu đời . Riêng tôi là Hạ sĩ quan Tâm lý chiến được đào tạo trường lớp vững vàng cũng dè dặt trong bầu không khí trầm lặng ấy. Bảy Hùng cán bộ Quản huấn nhìn soi mói từng người, gương mặt đằm đằm sát khí, vì tự ái người lính bị va chạm, tôi mạnh dạng phát biểu ý kiến, tất cả mọi người quay nhìn với đôi mắt lo âu, tôi xưng tên họ và nói y chang những bài học mà những cán bộ Việt cộng đã khai thông ( từ mới ) , khi dứt lời mọi người thở phào vỗ taỵ. Cũng từ đó anh em thi đua phát biểu, tạo bầu không khí bớt căng thẳng ban đầu .


Trong phát biểu cũng có một vài chuyện vui, anh Vương Ngao cấp bậc Thượng sĩ Địa phương quân người Miên giơ tay xin có ý kiến, anh nói tôi tên Vương Ngao xin phát biểu “Đế quốc Mỹ bao trùm Đế quốc Mỹ “ xin hết. Tất cả mọi người đều cười, cán bộ Quản huấn cũng cười, giây phút sau họ nói “ Các anh nói sao cũng được miễn có phát biểu là đạt yêu cầu, các anh cứ mạnh dạn phát biểu để chứng tỏ đã tiếp thu để sớm có ngày về sum họp với gia đình “ (Đây là cái bẫy chăng ? Chúng tôi đề phòng cao độ với những lời mật ngọt này )


Ngồi kế bên tôi, anh Châu hồng Võ, cấp bậc Trung sĩ Thiết giáp, anh nói : “Mấy ngày rồi tôi chưa phát biểu, anh làm ơn nhắc dùm, để có tiếng nói với anh em “


Tôi đồng ý gật đầu, anh giơ tay xin có ý kiến, nhưng anh im lặng ít lâu, hai tay vỗ vỗ vào chân tôi nhắc dùm cứ thế anh vỗ vào tôi và người bên cạnh liên hồi như người chơi trống trong ban nhạc, nhìn hai tay anh mà phát cười ý nhị trong nỗi niềm cảm thông người cùng cảnh ngộ .


Hàng ngày đến giờ cơm mỗi người đều đến lãnh phần của mình, nhưng có một anh nằm mãi không dậy, tôi đến hỏi “ anh có bệnh chăng? “ anh trả lời “ không, chưa thấy đói” . Tôi lãnh phần cơm dùm anh, sau đó anh chậm chạp ăn sau, cứ thế ngày qua ngày, tôi hỏi anh “ sao không ăn một lượt cho vui với bạn bè cùng cảnh ngộ ?, anh nói “ Buồn quá không muốn ăn uống gì cả “ . Tôi khuyên anh, ai cũng vậy cùng hoàn cảnh ráng khắc phục gian khổ sống qua ngày, hy vọng sẽ có ngày về đoàn tụ với gia đình. Tôi hỏi “ Anh thứ mấy tên chi ?, anh đáp “ Tôi tên Mai văn Huầy, thứ hai . Tôi cũng nói tôi tên Nhật cùng thứ hai với anh, trước 30-04-75 ở đường Nguyễn Du Sàigòn, bây giờ cư ngụ tại đường Công Lý thị trấn Mỏ Cầy . Cảm thông cùng hoàn cảnh, cùng thứ hai nên chung tôi kết bạn thâm giao từ hồi đó đến bây giờ .


Hai Huầy dáng người mập mạp, không cao không thấp, tóc đen, đôi mắt ẩn hiện nỗi buồn triền miên, tánh tình ngay thẳng, bộc trực, giúp đở bạn bè rất nhiệt tình. Sau ngày sập tiệm gia đình anh về Mỏ Cầy cư ngụ tại ấp 4 thị trấn. Anh trước kia phục vụ tại đơn vị 4 Tiếp vận doanh trại ở Cần thơ, cấp bậc Trung sĩ nhất, chức vụ HSQ Tiếp liệu .


Sau hai tuần học lý thuyết, chúng tôi bắt đầu đi lao động . Địa điểm tại An nhơn cách trại tập trung khoảng 10 Km, phải đi bộ khoảng 4 giờ đến địa điểm, nơi đây thuộc về phía nam quận Mỏ Cầy dọc bên tỉnh lộ Bến Tre- Thạnh Phú, trước kia thuộc vùng bán an ninh,mìn bẩy, đầu đạn M.79 hãy còn rải rác, nếu đụng đến sẽ nổ tung, chung tôi thật dè dặt cẩn thận dùng len xắn đất nhẹ nhàng dở từng cục đất lớp trên, vì đầu đạn M.79 thường nằm trên mặt đất chưa nổ, bởi vì xạ thủ bắn quá gần không đủ vòng xoay 25m đạn ghim xuống đất, mặc cho mưa nắng, đầu đạn vẫn không bị hư, nếu bị va chạm mạnh hoặc di chuyển tiếp đạn sẽ nổ .


Tuy đề phòng cẩn thận nhưng cũng bị hai trái đạn M.79 phát nổ làm chết 2 quân nhân, bị thương 6 người . Tổ chúng tôi may mắn thoát nạn, nhờ làm việc xa nơi phát nổ . Công việc đào đất đắp nền nhà ngưng vài ngày rồi lại tiếp tục trong nỗi lo âu, đễ phòng cảnh giác cao độ . Mãi đến hai tuần sau tạm ngưng, trở về chùa Trà Nòng học tập tiếp và làm kiểm điểm, tiếp tục viết bản lý lịch cá nhân.


Ngày 05-08-1975, tôi may mắn được tha về đợt đầu, an ủi hai Huầy , khuyên cố gắng gìn giữ sức khoẻ, cẩn thận lời nói trong những ngày còn trong trại cải tạo . Tôi cho tất cả vật dụng và số tiền ít ỏi còn lại để anh xoay xài trong những ngày ở lại .


Đòi sống dân sự khác biệt trong quân đội mà tôi phục vụ suốt 15 năm dài trong màu áo sóng biển, cơm nước áo quần khỏi lo mà vẫn có tiền xài dài dài, bây giờ phải tạo ra tiền trong bối cảnh “ ngụy quân “ thua trận, thật là vất vả .


Ngày 10-09-1975, hai Huầy được tha về, tôi rất vui mừng đến đón anh, tay bắt mặt mừng đưa anh và gia đình về ấp 4 thị trấn trong vui tươi lẫn lo âu rồi cuộc đời chúng ta sẽ ra sao ? Chưa ai đoán được .


Thỉnh thoảng hai Huầy đến gia đình tôi chơi, anh thường đi với người bạn, qua bao chuyện mưa nắng, nhận thấy người bạn nầy tính tình rất thành thật nói năng khiêm nhường, từ đó chung tôi quen nhau, lâu dần rất thân mật với nhau và kết bạn thân từ đó . Anh tên Nguyễn văn Sửu cùng thứ hai như chúng tôi, trước năm 1975 anh tòng sự tại tòa án Kiến Hòa, sau 1975 anh trở thành “ ngụy quyền “ bị cải tạo mất 4 tháng . Hai Sửu dáng người hơi cao,, hơi ốm, nét mặt hiền hòa, tánh tình cởi mở, nói đâu có đó rất trọng lời hứa, không bao giờ sai lời . Anh rất nhiệt tình giúp đở bạn bè mổi khi có chuyện cần, điểm đặc biệt anh không bao giờgiận ai, kết bạn với anh suốt mấy chục năm tôi chưa thấy anh to tiếng với ai, cũng không bao giờ nói xấu ai, do đó anh rất nhiều bạn, tất cả mọi người đèu quí mến anh, trong chuyện trò thường nhắc đến anh, hay tiệc tùng lớn nhỏ không bao giờ vắng mặt hai Sửu .


Tửu lượng hai Huầy, hai Sửu rất khá, hai anh thường uống với nhau bởi vì có nhiều giờ rảnh rổI, riêng tôi vì mắc chạy gạo suốt ngày nên chiều tối mới thảnh thơi, mà dạo đó tôi uống rất yếu, nửa xị đế đã say rồi, sau này uống cũng khá nhờ hai anh dợt nghề . Trong những lần họp mặt thường có hai Sua, hai Sang cùng chung vui, do đó chúng tôi rất thân mật và kết bạn năm người cùng thứ hai với nhau .


Hai Sua họ Nguyễn dáng người cao ráo tóc để dài tánh tình ngay thẳng, mổi lần “xỉn “ hay quậy, quậy đây là quậy vui với bạn bè chớ không đụng chạm với ai, mỗi lần nhậu xong thường lội sông về nhà báo hại hai Huầy, hai Sửu ứng chiến ghe xuồng bơi hộ tống qua sông, khổ nỗi khuyên lơn cách gì hai Sua cũng không chịu lên ghe, thôi thì đành bơi xuồng theo và dìu dẩn về nhà, âu đây cũng là tánh người, bởi vì hai Sua trước phục vụ trong binh chủng Hải quân, có lẽ môi trường sông nướcquen rồi nên hai Sua rất thích bơi lội .


Riêng hai Sang cũng họ Nguyễn dáng người cao ráo mắt sáng, nụ cười đôn hậu giọng nói chân thành cởi mở, da vẻ hồng hào nói năng hoạt bát khiêm nhường, tôi rất mến phục anh ngay từ ban đầu và kết bạn thâm giao với anh từ đó, trước năm 1975 anh là đại diện hội đồng xã Tân phú Tây, sau ngày cải tạo anh về sinh sống với gia đình bên cầu ông Đình Mỏ Cày . Viết đến hai Sang tôi rất đau lòng tưởng nhớ đến anh, anh đã qua đời năm 1990, tôi rất buồn không đến đưa tiển linh cữu anh, vì bấy giờ tôi vẫn cònở bên đảo Palawan, Philippines .


Năm người bạn cùng thứ hai đã sống những chuỗi ngày thật là tuyệt vời, giúp đở với nhau thật tận tình, bạn bè thường đặt chúng tôi là “ băng Hai “, băng này mỗi lần dự tiệc thường bao chót, hiệp đầu lo tiếp khách, hiệp sau nhậu thả dàn, bởi vì mỗi người uống hai lít đế chưa thấy ghé .


Sau này vợ tôi bán tạp hóa, mỗi lần muốn đến nhà hai Huầy chơi, tôi thường “chôm” nào rượu , tiêu, tỏi, hành đủ thứ cho vào túi đệm rồi dong tuốt qua hai Huầy . Nơi đây hai Sang, hai Sua, hai Sửu đang lội xuống mương bắt cá, hai Huầy đang hái rau làm đồ bổi, thế là có nồi canh chua ngon độc đáo, mở đầu ba ly xoay vòng, tua sau bắn xẻ nhưng không thiếu trong vòng tua, dạo đó chúng tôi uống không thấy say, cảm thấy no mà thôi .


Tuy nói băng hai chỉ có ăn nhậu li bì, thật ra băng này rất siêng năng trong công việc sinh kế phụ giúp gia đình . Bình minh vừa trở về với vạn vật, hai Sửu đã bơi xuồng về Định Thủy làm vườn quần quật suốt ngày, bên kia hai Huầy đang bồi bờ mía hoặc lặn hụp dưới mương bồi bờ , hai Sang vác cuốc lên trồng trầu thuốc công việc thật cực nhọc dầm mưa dãi nắng suốt ngày, hai Nhật dong rủi trên xe đạp xuống các xã nông thôn bỏ mối thuốc lá, hai Sua chăn nuôi heo công việc cũng quần quật suốt ngày . Đó là một trong nhiều hình ảnh “ lao động “cật lực của băng hai .


Dòng thời gian trôi qua mau, tháng năm dài chồng chất thêm tuổi đời, băng Hai cũng theo bánh xe tạo hóa đã vượt qua tuổi 60, tuổi già xế bóng nhưng tình bạn thân thiết càng gắn bó với nhau . Băng Hai còn lại 4 người, rồi đây không biết ai đi trước ai đi sau, lòng buồn man mác khi cuối năm Giáp Thân sắp hết, mà kỷ niệm vui buồn vẫn còn mãi mãi, tình bạn thân thiết không bao giờ phai lạt trong những tháng ngày còn lại . Hai Sửu, hai Sang, hai Nhật, hai Huầy, hai Sua đã sống những chuỗi ngày gắn bó bên nhau, có với nhau rất nhiều kỷ niệm mà ở đây bút mực không thể nào tả hết . Thôi đành tạm ngưng nơi đây, hẹn ngày tao ngộ chúng mình sẽ tâm sự nhiều hơn để kết chặt thêm tình bạn thân thiết của những người thứ Hai sẽ sống mãi trong lòng chúng ta .



Houston, ngày 2 tháng 12 năm 2004
Mx Lê Thành Nhật

Nguồn Thủy Quân Lục Chiến
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn