BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73362)
(Xem: 62246)
(Xem: 39434)
(Xem: 31178)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Phỏng vấn Vũ Trung Hiền: Duyên Anh và những hệ lụy của cuộc đời

24 Tháng Mười Một 200512:00 SA(Xem: 1894)
Phỏng vấn Vũ Trung Hiền: Duyên Anh và những hệ lụy của cuộc đời
53Vote
42Vote
30Vote
20Vote
11Vote
46
Cuối tuần qua, nhà văn Vũ Trung Hiền và bà xã đã đến thăm báo quán Văn Nghệ, nhân dịp vợ chồng ông đến Úc thăm một số bạn cũ ngày xưa học cùng trường Hồ Ngọc Cẩn và Chu Văn An.

Ông Vũ Trung Hiền là tác giả của các tác phẩm đã xuất bản như:

-Cái tủ chè mất tích (1972)

-Hộp Thiếc Bí Mật (1973)

-Thư Cho Phi (1974)

-Nhân Loại Đi Về Đâu (1974)

-Biệt Kích Văn Nghệ Duyên Anh (1987)

-Vũ Đức Nghiêm, Anh Tôi (1991)

-Duyên Anh Và Tôi (2000)

và các dịch phẩm:

-The American Children in Vietnam (Những đứa trẻ con Mỹ hẩm hiu, của Duyên Anh) 1995

-The Prisoner (Một tù binh Mỹ ở Việt Nam, tiểu thuyết Duyên Anh) 1996.

Duyên Anh và Tôi (Những câu chuyện bên ly rượu) là tác phẩm mới nhất của ông, dày tới 592 trang, mà phần lớn để nói về vụ Duyên Anh bị đánh trọng thương tại California ngày 30.4.1988 và những mối giao tình của ông đối với một nhà văn lừng lẫy của Việt Nam, sau đó đã qua đời tại Pháp ngày 6 tháng 2 năm 1997, thọ 62 tuổi.

Sau đây là cuộc phỏng vấn ngắn của ông Vũ Trung Hiền với báo Văn Nghệ.

 




*Hỏi: Xin anh cho biết đôi điều về anh?

Đáp: Tôi tốt nghiệp Đại học Sư phạm năm 1970, sau đó đi dạy ở một số trường. Nhiệm sở sau cùng của tôi vào tháng 4.1975 là Nha Khảo Thí. Sau 1975 tôi ở lại tiếp tục đi dạy học nhưng bị sa thải. Sau nhiều lần vượt biển không thành, năm 1982 tôi mạo hiểm vượt biên bằng đường bộ và đến được biên giới Thái. Tôi đến Mỹ năm 1983 đi làm thợ 3 năm rồi vào làm nhân viên Xã hội ở Los Angeles đến nay đã 18 năm.

*Hỏi: Gần đây báo chí Việt ngữ ở Hoa Kỳ có đề cập đến mấy tác phẩm của anh vừa được xuất bản. Anh có thể nói về những cuốn sách đó?

Đáp: Đó là cuốn viết về nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm là anh tôi (Vũ Đức Nghiêm, Anh Tôi), nó ghi lại những kỷ niệm thời thơ ấu của hai anh em, và lãnh vực âm nhạc mà chúng tôi cùng đeo đuổi sau này. Nhưng cuốn sách mà tôi ưng ý, và có lẽ được nhiều người biết tới nhất là cuốn "Duyên Anh Và Tôi, Những Câu Chuyện Bên Ly Rượu".

*Hỏi: Cuốn "Duyên Anh Và Tôi" rất dày. Anh viết bao lâu thì xong?

Đáp: Tôi khởi sự viết cuốn này sau khi đi dự đám tang của nhà văn Duyên Anh (năm 1997 tại Paris), tới cuối năm 1999 thì hoàn thành, và đầu năm 2000 tôi ra mắt cuốn sách này ở Westminter. Tôi in 1,000 cuốn, và đến nay thì đã được coi như "tuyệt bản" rồi, nhưng tôi đã cho phổ biến nội dung cuốn sách trên Internet, vì thế các bạn ở Úc có thể đọc nó trên hai webside: hungviet.com hoặc thuvienvietnam.com.

*Hỏi: Tại sao anh lại viết về Duyên Anh?

Đáp: Đối với chuyện viết, tôi cho là phải có một điều gì thôi thúc mình lắm thì mình mới viết. Tôi quen với Duyên Anh từ năm 1964 khi anh đang viết cho tờ Sống của Chu Tử, và chúng tôi giữ mối thân tình ấy cho đến khi anh ấy qua đời. Có lẽ tôi là người chứng kiến và biết quá nhiều về con người của anh ấy nên tôi thấy phải có bổn phận phải viết lại. Khi hoàn thành cuốn sách này, tôi rất thỏa mãn, vì thế trong thời gian gần đây, tôi viết chính chỉ là để nối kết những người bạn của trường Hồ Ngọc Cẩn và Chu Văn An lại với nhau...

*Hỏi: Anh là người rất thân với Duyên Anh. Nếu phải nói về Duyên Anh, anh sẽ nói điều gì về ông ấy?

Đáp: Chúng tôi không phải là ruột thịt (mặc dù Duyên Anh tên thật là Vũ Mộng Long và tôi tên thật là Vũ Trung Hiền) nhưng sự chăm sóc và quan tâm đến nhau y như thể là anh em vậy. Người ta có thể nghĩ xấu về Duyên Anh, hay thù ghét Duyên Anh những điều đó tôi không quan tâm, vì trong lòng tôi lúc nào cũng kính trọng anh và ngưỡng mộ những công việc mà anh đã làm và để lại cho hậu thế...

*Hỏi: Không ai phủ nhận thiên tài trong ngòi bút của Duyên Anh. Ông ta viết về bất cứ lãnh vực nào cũng thành công, và những người ông "thù ghét" thì cũng khó sống dưới ngòi bút "cay độc" của ông ấy. Điều đó có đúng không?

Đáp: Duyên Anh viết rất cay độc và tàn nhẫn với những đối tượng mà anh ấy nghĩ là phải... như vậy. Không ai có thể thay đổi những gì mà anh ấy suy nghĩ và viết, tôi cho đó là một sự can đảm của một ngòi bút. Đối với Duyên Anh, khi anh đứng về phía Sự Thật và Lẽ Phải thì anh cho là không cần một thế lực nào hậu thuẫn, và không phải run sợ trước bất cứ một áp lực nào.

*Hỏi: Anh đã viết nhiều về vụ Duyên Anh bị đánh trọng thương tại Mỹ. Theo anh lý do nào đã xảy ra vụ "thanh toán" này?

Đáp: Sau nhiều năm im lặng, đến nay nhiều nhân chứng đã lên tiếng về vụ đánh người này. Hôm ấy Duyên Anh cùng Gs Lê Quý An, họa sĩ Trần Đình Thục và người em trai đi ăn ở quán Ngân Đình, và khi tới đụng phải một đoàn biểu tình của người Việt đang tuần hành ở phố Bolsa. Khi ăn xong đi ra thì Duyên Anh bị mấy thanh niên đuổi theo và đánh bất tỉnh, Trần Đình Thục sẵn máy ảnh chụp được mấy tấm nhưng chỉ chụp được phía sau lưng, và kẻ hành hung khi bỏ chạy tay còn cầm lá cờ vàng ba sọc đỏ bằng giấy...

*Hỏi: Theo anh, ai là người chủ mưu?

Đáp: Tôi nghĩ chẳng có ai chủ mưu cả, mà chỉ vì Duyên Anh xuất hiện đúng lúc mấy người ấy muốn làm anh hùng thôi! Đó là một hành động nông nổi và tức thời của một hai thanh niên quá khích...

*Hỏi: Chắc phải có nguyên nhân dẫn đến vụ hành hung? Anh có nghĩ là vì ông Duyên Anh đã "mua thù chuốc oán" quá nhiều không?

Đáp: Khi viết Duyên Anh không ngại "đụng" bất cứ ai cả, dù người đó là một ông vua, ông tướng, ông tá, nhà văn, nhà báo, hay một tổ chức chính trị... Thời điểm ấy không thiếu những kẻ quá khích, vì thế ai đi ngược lại hay có ý kiến khác là bị chụp mũ và bị nguy hiểm ngay. Bây giờ nhìn lại, thì những điều Duyên Anh nói và viết chẳng có gì là sai cả, mà chỉ là vì anh ấy là người dám nói "quá sớm" mà thôi. Duyên Anh đã có lần nói với tôi: "Thiên hạ chẳng mấy ai hiểu được anh. Có lẽ, phải đến lúc anh chết rồi, người ta mới hiểu và thương anh".

*Hỏi: Nghe nói trước khi chết Duyên Anh đã "tha lỗi" cho những kẻ đã hành hung?

Đáp: Đúng vậy. Trong một lần trở lại Mỹ sau khi đã tạm bình phục, Duyên Anh đã nói "Tôi chẳng hận thù gì nữa cả. Tôi cũng chẳng cần biết nhóm nào, người nào đánh tôi. Tôi coi đó là một cái nghiệp, mà ông Nguyễn Du đã dạy: "Đã mang lấy nghiệp vào thân. Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa".

*Hỏi: Thiên tài thì chắc cũng lắm tật? Ngày xưa khi tôi có dịp nói chuyện với Lm Nguyễn Quang Lãm (Thiên Hổ, báo Xây Dựng), ngài nói "Duyên Anh ai hắn cũng chửi, thế mà sợ vợ như ranh!" Điều này theo anh đúng hay sai?

Đáp: Đúng chứ. Trong cuốn "Duyên Anh Và Tôi" tôi có viết lại nhiều tật xấu của Duyên Anh, và một trong những tật ấy là món chửi thề, "Duyên Anh mà không chửi thề thì không phải là Duyên Anh!" Tôi cũng kể ra nhiều mối tình lẻ của anh với những nữ độc giả ái mộ, nhưng tôi tin là anh ấy chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện bỏ vợ con, bởi chính tôi đã chứng kiến một bà Bác sĩ rủ rê Duyên Anh "Anh bỏ Paris đi, sang đây em sẽ lấy anh", nhưng anh quay sang tôi nói: "Lấy thế chó nào được? Chơi cho vui thì chơi thôi! Mình đã khổ vì một con đàn bà rồi, lấy thêm đứa nữa để mà khổ thêm à?".

*Hỏi: Như vậy bà vợ của Duyên Anh cũng "khó chịu" lắm?

Đáp: Tôi từng chứng kiến nhiều màn ghen tuông quá sức của chị Duyên Anh khi ghen với nữ ca sĩ Julie, Bich Thuan, gọi điện thoại đến rủa xả những người phụ nữ mà anh Duyên Anh liên lạc (nhiều khi chỉ là công chuyện), và có cả cảnh chị ấy chửi bạn của chồng trước mặt chồng ..v.v. Những điều đó có, theo tôi là vì Duyên Anh không phải là một người chồng tốt (dưới mắt một bà vợ như chị Duyên Anh), tứ đổ tường anh đều có cả, cho nên phải hứng quả trở lại thôi. Mặc dù là một nhà nghệ sĩ tài hoa, nhưng đời anh ấy cũng có quá nhiều đau khổ và nước mắt. Trong lúc đang dưỡng bệnh vì bị đánh trọng thương khiến anh phải tập viết bằng tay trái, rồi phải điều trị để lấy lại trí nhớ, anh lại được tin con gái và con rể bị tử nạn máy bay... Tôi thấy cuộc đời anh ấy có quá nhiều bất hạnh, và đáng thương tiếc.

*Hỏi: Thôi chúng ta hãy gác qua những chuyện buồn đau ấy. Nghe nói anh có một người con đang phục vụ trong quân đội Hoa Kỳ?

Đáp: Chúng tôi chỉ có 2 cháu, người con gái lớn của tôi năm nay 32 tuổi đã lập gia đình, và cháu trai tên Vũ Trung Hòa năm nay 30 tuổi, tháng 6 vừa qua cháu đã tốt nghiệp Đại học Dược khoa USC Los Angeles và sau đó đi thụ huấn quân sự bên North Island ra trường với cấp bậc Đại úy. Hiện cháu đang phục vụ tại một bệnh viện ở tiểu bang Washington thuộc tây bắc nước Mỹ.

*Hỏi: Người con trai của anh chắc đã là một người Mỹ hoàn toàn?

Đáp: Không! Khi cháu đến Mỹ đoàn tụ thì đã 14 tuổi rồi, nên tiếng Việt nhuần nhuyễn lắm. Và cách sống của cháu vẫn còn giữ được nét truyền thống Á Đông, có lẽ là vì được ở bên mẹ và được sự yêu thương của cả bố mẹ vì là con trai độc nhất.

*Hỏi: Anh qua Úc lần này có mục đích gì không?

Đáp: Đây là lần đầu tiên vợ chồng tôi đến Úc. Trước là thăm phong cảnh, sau là gặp gỡ bạn bè. Chuyến đi này có thật nhiều kỷ niệm như tôi được gặp lại Giáo sư Nguyễn Ngọc Chiến và anh Trần Văn Mai sau 41 năm không gặp nhau, và người thứ 2 khá đặc biệt là anh Phạm Quý người mà chúng tôi quen nhau trên "net" qua chữ nghĩa và âm nhạc... và còn nhiều người bạn khác, tất cả đã dành cho chúng tôi nhưng thân tình rất nồng nhiệt.

*Hỏi: Anh cũng là một nhạc sĩ?

Đáp: Tôi sáng tác rất ít, chỉ vài bản thôi, nhưng tôi lại là một người thích ca hát. Năm đệ thất khi học ở trường Hồ Ngọc Cẩn tôi đã đứng hạng nhất về âm nhạc, trong khi các môn khác thì suốt các năm trung học chẳng bao giờ tôi được hạng nhất cả! (cười).

*Hỏi: Anh có nhận xét gì về báo chí ở Mỹ và Úc?

Đáp: Trước khi đến thăm các bạn tôi và nhà tôi cũng đã được đọc báo Văn Nghệ rồi. Lý do là trong mấy gia đình bạn bè tôi ở Úc, nhà nào tôi cũng thấy có tờ Văn Nghệ. Tôi hỏi lý do tại sao lại mua báo này, thì họ nói tờ này "dễ đọc" hơn các báo khác. Đó là một điều rất thành công của các anh. Báo chí bên Mỹ thì nhiều, nhưng để trở thành độc giả "dài hạn" của một tờ báo thì hơi khó, và hình như ở bên Úc này báo chí Việt ngữ ít có vấn đề "đụng chạm" như ở bên Mỹ?.

*Hỏi: Anh thấy gì về nước Úc và người Úc?

Đáp: Tôi thấy rõ một điều là người Úc quá thân thiện. Thí dụ như khi ra đường tôi nhờ họ chụp ảnh hay hỏi đường thì họ rất là tận tình và tôi chưa bao giờ bị từ chối. Thậm chí kể cả việc tôi hỏi chuyện hai người phụ nữ Úc về việc ăn thịt Kangaru hay cá sấu thì họ cũng vui vẻ tiếp chuyện. Tôi thấy người Úc dễ gây thiện cảm cho du khách, và ở Úc có quá nhiều công viên đẹp, nhất là những công viên mà tôi đã được các bạn bè đưa đến thăm ở Melbourne hay Sydney...

Còn về phía cộng đồng Việt Nam, tôi thấy các dịch vụ buôn bán khá tấp nập nhất là ở các khu phố đông người Việt cư ngụ. Nhưng tôi cũng nghe các bạn ở đây kể đó chỉ là "lớp vỏ hào nhoáng", còn bên trong thì đã bị suy yếu nhiều bởi nạn Casino và du lịch Việt Nam. Không biết điều này có đúng không anh Túy?

* Nguyễn Vi Túy thực hiện
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn