BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73241)
(Xem: 62215)
(Xem: 39399)
(Xem: 31151)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Ê Mông Không Ê Gối…

09 Tháng Bảy 201512:00 SA(Xem: 1010)
Ê Mông Không Ê Gối…
53Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
53
(FB Status Song Thất Thập Ngũ)
Trời còn để có hôm nay
Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời
(Kiều)

Mark Zuck lẽ ra phải lấy nick là “Thánh Buôn Chuyện”, mới đúng tông đúng điệu.

Nghĩ gì à? Nhiều thứ lắm Mark!

Ở đâu à? Tất nhiên, Овальный кабинет и Туманный Нижняя, tức là Oval Office & Foggy Bottom, chứ đâu nữa Mark? Tiếng Việt kêu là gì nhỉ, Phòng Bầu Dục và Đáy Mù Sương đấy, phỏng?

Với ai à? Chứng tỏ rằng Mark không đọc/không nghe VOA về hoạt động của các Ngài Obama & Biden của chúng ta đấy nhé!

Cảm giác thế nào à? Nói chung là интересно – Thú Vị! Cần phải lặp lại nhiều lần từ Thú Vị này, để tận hưởng theo kiểu selfie tự sướng đó Mark!

Thong thả nào, để từ từ mình kể Mark nghe…

*

Thú vị đầu tiên là sau một chuyến bay dài đến ê mông/cuồng cẳng, mọi người được thoải mái duỗi tay duỗi chân, cứ như là giữa lòng Hà Nội sau chiến dịch làm thoáng cây xanh, ngay trên sàn sân bay của căn cứ Joint Base Andrews nổi tiếng giữa lòng thủ đô Hoa Kỳ. Nhớ là Hoa Kỳ, chứ không phải Mỹ, một khi mình cần nhấn mạnh tình cảm, nhé Mark!

Thế đấy! Mọi người yên tâm xách hay kéo hành lý cá nhân bằng tay trái, để dành tay phải mà bắt tay lẫn nhau cho xôm tụ trước ống kính của tuyên giáo trung ương, bởi ai cũng biết rằng chốc lát nữa đây, bộ ảnh tuy nhốn nháo nhộn nhạo mà không kém phần tự do hoành tráng này sẽ tràn ngập màn hình và trang nhất các báo bên nhà.

Có 3 lý do để khỏi bận tâm đến chuyện thảm đỏ, Mark! Một là nhẹ phần thủ tục, không ai phải khởi sự xun xoe khúm núm ngay từ chân cầu thang máy bay. Hai là, thảm đỏ mà chi, một khi nghe tin thảm hoạ thị trường chứng khoán như “Máu Loang Bãi Thượng Hải”? Ba là, thảm đỏ ích gì, ngay trên bản tin ngày song thất về cuộc thảm sát già trẻ lớn bé ở Chơn Thành?

*

Đúng rồi Mark. Thú vị đáng kể kế tiếp là ở Phòng Bầu Dục.

Mark nên nhớ rằng chính Ngài Tổng thống Obama đã tế nhị nhấn mạnh ngay trong lời phát biểu công khai có ghi âm về việc đón tiếp trọng thị Tổng Bí Thư CSVN ngay tại Phòng Bầu Dục, nhá!

Này, này! Không có lợi gì để nhắc đến chuyện Ngài Obama từng nghịch đùa với trẻ con của Mỹ tại đây cả, Mark. Lại càng không nên đề cập đến chuyện các Ngài tổng thống Mỹ từng tiếp các phái đoàn người Mỹ gốc Việt chỗ này để thu thập ý kiến mỗi lần sửa soạn đón các phái đoàn Hà Nội sang đây, nhé Mark. Tế nhị tí xem nào!

Vâng, chính tại đây, Phòng Bầu Dục, mình đã thực sự cảm thấy vô cùng thoải mái trong một khung cảnh thoải mái chẳng cần rườm rà cờ xí. Ngay cả phong cách của Ngài Obama cũng thế, cũng rất bình dân giản dị và gần gụi với khách, chẳng tỏ chút gì là khoảng cách cần thiết của một người cho trước kẻ nhận, hay người trên trước kẻ dưới, hoặc tệ hơn, là người đứng trước kẻ quỳ.

Có khác chứ, khác nhiều nữa kia, Mark! Cái không khí thiên tử giá lâm không có ở đây. Rõ là người Mỹ, cả dân thường lẫn chính khách Mỹ, đều là bậc thầy của tính khí ngang hàng, tập quán bình đẳng. Chứ không thì, rơi vào vị thế đó, mà ở Á châu nói chung, hay Tàu-Việt-Triều Tiên nói riêng, thì mối tương quan phải là ông cố nội với cháu/chắt/chít, chứ chả thèm cha-con đâu Mark.

Mark có coi lại khúc phóng sự của VOA không? Chính từ cái thần thái bình dị của Ngài Obama mà mình cảm thấy tự tin hơn hẳn mấy đứa bưng biền thất học qua Mỹ trước đây. Không. Đừng để ý đến hai ngón tay cái của mình xoắn suốt vào nhau như thế. Chẳng ai thấy đâu Mark. Người ta nhìn mắt nhìn mặt kia. Và không thể nào mấy thằng Ku Khải, thậm chí, Ku Ba/Ku Tư nọ sánh nổi với mình đâu Mark. Thề!

Từ cái thế ngồi tréo chân. Từ cái chõ tựa khẽ lên thành ghế. Từ cái bờ vai nghiêng nhẹ về phía chủ nhà, y hệt như chủ nhà đang nghiêng về khách. Từ cái nụ cười nghiêm mà nhã/tình mà chả lẳng. Từ cái ánh mắt toát ra cả một trời học hàm học vị ngành xây dựng đảng. Cho chí từng câu nói thuộc lòng đỉnh đạc không cần giấy mà vẫn ngắt khoảng đều đặn cho cậu thông ngôn v.v… Không có chỗ nào chê được đâu Mark. Mình thật!

Ý tứ cũng thế, Mark! Không. Mình không hề đề cập đến chuyện mua bán vũ khí sát thương gì cả, Mark. Phùng đại tướng không tháp tùng chuyến này là vì lý do kiểm tra sức khoẻ, Mark. Vả, Ngài Obama cũng chả bóng gió gì về chuyện tháo bỏ từng phần hay toàn phần cái lệnh cấm vận khí tài của Mỹ, thì mình cũng phải hiểu, có vòi cũng khó được.

Với lại nữa, chính phủ còn đang tìm cách mồi chài cách vay dự trữ ngoại hối để trả lương quân đội/công an kia, thì lấy tiền đâu mà mua hàng độc của Mỹ, Mark? Hãy nhìn sang Âu châu, Mark. Pháp thà chịu đóng phạt hàng tỷ Mỹ kim, nhưng đã quyết không bán chiến hạm lớp Mistral cho Bắc Kinh, thì, VN bọn mình cũng được giảm nhẹ phần đe doạ, làm sao dám trách Mỹ hững hờ?

Không. Mình không có quà riêng nào tặng Ngài Obama hay Ngài Biden, Mark. Mấy tấm bia căm thù nọ nặng quá Mark, không đưa vào phòng bầu dục hay xuống xóm Đáy Mù Sương kia được, Mark. Mà cũng không chắc gì họ hiểu cái thiện chí mình muốn chuyển đổi căm thù đằng đằng thành yêu thương nồng cháy đâu Mark.



Thành công! Thành công to đấy chứ Mark! Mark không thấy mình cài được 16 con chữ Titanium vào cuộc gặp lịch sử này đấy sao? Này nhé: Gác Lại Quá Khứ – Vượt Qua Khác Biệt – Phát Huy Tương Đồng – Hướng Tới Tương Lai, chẳng phải là đối ý đối từ chan chát đó sao?

Không đâu Mark. Mình chẳng có ý trịch thượng gì với bọn Mỹ, theo kiểu Bắc Kinh ứng xử với Hà Nội bọn mình đâu. Mình chỉ mong biểu thị được tính chủ động khuyến khích/kêu gọi/hướng dẫn/yêu cầu và giáo dục Hoa Kỳ là đừng mặc cảm thua trận nữa, cho dù đó là trận thua duy nhất của Mỹ. Cũng đừng dị ứng với bất kỳ thể chế dân chủ nào không giống kiểu dân chủ của Mỹ. Còn cái gì giống nhau thì nên cùng nhau có cái nhìn “tích cực hỗ trợ nhau”, ví dụ như về một trở ngại chung trên Biển Đông, chẳng hạn. Và tất cả là để nhìn về phía trước, cho dù đó là huyệt mộ của tư bản hay chân trời của XHCN.

Chưa hết, Mark. Mình còn nhấn thêm rằng: “Quá khứ thì không ai có thể thay đổi được, nhưng còn tương lai thì thuộc về trách nhiệm của chúng ta”.

Không, Mark. Mình không cần nói rõ ra là đã thuỗng câu này từ mồm Ngài Bill Clinton trong bài diễn văn tại Đại học Hà Nội ngày 17/11 năm 2000. Trong đó, Ngài Clinton ân cần nhắc lại câu danh ngôn nguyên thỉ của Ngài Đại sứ Pete Peterson: We cannot change the past. What we can change is the future”.

Chắc chắn một người quyền lực đứng đầu thế giới như Ngài Obama có một không hai trước mặt mình kia thì không thể không hiểu được thông điệp mình cài trong đó. Đúng như thế! Từ khoá trong câu này không phải là chữ “trách nhiệm”, mà chính là 2 chữ cuối, “chúng ta”, đó Mark.

Мы. Nous. We. Us. Chúng ta. Thế là VN ngang hàng với Hoa Kỳ. Hà Nội ngang hàng với Hoa Thịnh Đốn. Và nếu cần quảng diễn thêm thì, có lú gì thì lú, Trọng này cũng ngang hàng với Obama. Không thể nào “bên lú bên khinh” được nữa! Mình đâu có cần phân hoá nội bộ bọn nó. Mình đâu cần thả sâu vào nồi canh bọn nó. Mình chứng tỏ ngang hàng với nó mới là oách chứ, đúng không Mark?

Mark thấy không? Ngài Obama đâu có chau mày khi nghe mình ngâm nga 16 con chữ Titanium đó. Ngài còn vui vẻ nhận lời mời là sẽ cùng Đệ nhất phu nhân nước Mỹ qua thăm Hà Nội nữa kia. Chắc chắn rồi, Mark. Mình sẽ bố trí ra ngoài mùa Hè, để khách đỡ phải mang kính râm hay biểu diễn thời trang áo thun ba lổ giữa một Hà Nội hớt trọc kiểu tân binh nghĩa vụ quân sự…

Không hẳn thế đâu Mark! Ngài Obama không hề chi li về thời gian gặp gỡ đến mức phút/giây chính xác như thế. Không. Cũng không phải Ngài ấy phán rằng “Các bạn đến trễ những 20 năm!” đâu Mark.

Ngài Obama thực ra chỉ ân cần nói nhỏ như rót vào tai: “About time!”, thế thôi. Thì có phải đó là một lời nhắn riêng, giống như ngài ấy đã từng bóng gió với bạn Raul Castro mấy tháng trước đây không, cho dù là chẳng cần nói đến chuyện “đổi mới thể chế” hay “đối tác chiến lược toàn diện” gì sất?

Vâng, và mình cũng vào vai đồng cảm, vén tay áo, nhìn đồng hồ, cười mỉm, và nhẹ nhàng bóng gió với ngài ấy rằng: “Tôi biết. Đã Đến Lúc! Thưa Ngài Tổng thống”.

Thế là hiểu nhau, tròn vẹn, chóng vánh. Mark có thấy đó là một thành công rất lớn về mặt tin cậy, mà chẳng cần huênh hoang cái gọi là “lòng tin chiến lược” cmn gì gì đấy không?

Trên căn bản tri âm tri kỷ đó, thì Mark này, cần cóc gì phải tuồn tuột ra cả đống thứ trên bản Tuyên Bố về Tầm Nhìn Chung VN-Hoa Kỳ? Cứ viết khơi khơi “có những vi phạm luật pháp quốc tế trên Biển Đông”, là lập tức Hoa Kỳ nói riêng, và toàn thể nhân loại nói chung, đều tất yếu quán triệt như nhau rằng “Trung Quốc có những vi phạm luật pháp quốc tế trên Biển Đông”. Mà không cần phải ghi rõ ra một điều trước giờ bọn mình vẫn có thói quen coi là cấm kỵ. Mark có thấy đó là một sự khéo léo khôn ngoan hết sức mềm mỏng không nào?

*

Thú vị thập phần, phải nói là ở bữa tiệc tại Bộ Ngoại Giao dưới Đáy Mù Sương, đó Mark.

Không. Chẳng có gì phải khớp cả, Mark. Trước cái mi-cà-rô, mình cầm giấy đọc ở khúc này, chẳng phải là do thói quen, mà là có ý cả đấy. Muốn dạy thì phải làm gương cho bọn tháp tùng, lẫn bọn không tháp tùng, về tính kỷ luật cần thiết để leo cao lên đến vị thế trung ương hay BCT. Cũng để cho toàn thể thực khách cử toạ trong buổi tiệc chiêu đãi này cảm được cái tính thống nhất lãnh đạo trăm tượng một khuôn/trăm hòn một cỡ của Hà Nội nó khác với tính buông tuồng của chính trị Oa-sinh-tơn Đi Xi này nó như thế nào.

À! Điều thú vị thập phần mà mình nói tới đó chính là ẩn ý đàng sau hai câu Kiều trong bài phát biểu của Ngài Biden:

“Trời còn để có hôm nay – Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời”…

Xuống Đáy Mù Sương mà nghe thơ sương tan đầu ngõ, không phải cực thú vị thì là gì, Mark?

Người thoáng tính sẽ cho rằng bọn Mỹ này nó cực tế nhị để bày tỏ lòng hiếu khách. Có thể dẫn chứng thêm mấy câu mà Ngài Bill Clinton lẫy Kiều nhuần nhuyễn gần 15 năm trước đây nữa cơ: “Sen tàn cúc lại nở hoa – Sầu dài ngày ngắn, Đông đà sang Xuân”…

Người khó tính sẽ bảo câu Kiều ngày ấy không hay bằng câu Kiều hôm nay. Lý do à? Có lẽ bởi vì câu trước gọi tên đủ 4 mùa Hạ-Thu-Đông-Xuân, nhưng không thấy rõ cái may mắn cơ trời như trong câu sau.

Đọc lại đi. Ngẫm lại đi. Trời còn để có hôm nay… Người Âu cứ bảo cơ hội chỉ gõ cửa một lần. Người Á còn nói rõ thêm là phước bất trùng lai, cái may không tới lần thứ nhì. Vậy mà, chẳng phải là trời đất còn ưu ái cho ta cái ngày này, sau những 20 năm vật lộn với cái phao cứu sinh cả đảng đấy sao?

Thiền sư Thích Nhất Hạnh thì phải, đã có lần giảng qua hai câu thơ này, đại ý rằng, nhờ cái duyên may mà sương tan đầu ngõ, để thấy hoa, và mây tan giữa trời, để thấy trăng. Người tu hành nhìn qua khỏi ngón tay thì thấy trăng, thấy hoa. Chứ còn, Mark này, bọn buôn thuốc phiện, dù bảo tín ngưỡng đó là thuốc phiện, thì chỉ thấy lời lỗ, chứ có thấy được gì khác?

May, còn có ngày này, mà có bản Tuyên Bố về cái Tầm Nhìn Chung.

Thế, tầm Nhìn Chung đó thấy gì à? Nhiều thứ lắm Mark.

Thấy hệ quả thắng thua trận chiến 59-75 mà tủi với Đức và Nhật.

Thấy khẩu hiệu thống nhất đỏ trời mà lòng người không chỗ nào giao nhau, y như hai ray đường xuyên Việt.

Thấy VN đội sổ thiên hạ, thua cả Miên/Lào.

Thấy giặc chiếm Biển Đông.

Thấy chỗ dựa quyền lực thành đồng vách sắt đang nổ như bong bóng.

Thấy Kiều phải rời chốn lầu xanh, bởi có thập thành chăng nữa cũng vẫn còn một cửa hoàn lương.

Thấy Thoát Trung là một mệnh lệnh thời đại, và đây là cơ hội cuối cùng.

Thấy điều kiện vào TPP cực gắt, nhưng, không nếm thuốc đắng lấy gì giã tật?

Thấy hy vọng đã vươn lên: “Hoa tàn mà lại thêm tươi – Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa”…

Đi một ngày đàng học mấy sàng khôn là đây chăng, hỡi Mark?

Status kế sẽ kể thêm chuyện dài đi Mỹ chỉ ê mông mà không ê gối.

Có thêm tin gì về thị trường chứng khoán TQ thì Inbox cho phát nha Mark.

Mình thật sự thích Mark hơn Marx rồi đó. Mình thật!

08/7/2015 – Tròn 21 năm Kim Chính Nhật lên ngôi, kế nghiệp Kim Nhật Thành, trị vì Bắc Triều Tiên. Chuẩn bị chào mừng sinh nhật thứ 103 của cố Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Cừ, ngày mai, 09 tháng 7.

Blogger Đinh Tấn Lực chấp bút.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn