BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73344)
(Xem: 62242)
(Xem: 39427)
(Xem: 31174)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

30 Tháng 4, Ngày Đau Thương Của Dân Tộc

21 Tháng Tám 201512:00 SA(Xem: 1534)
30 Tháng 4, Ngày Đau Thương Của Dân Tộc
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
(Viết đến càng thương người lính trận

Hồn ma cô tịch sống không nhà

Ngàn phương đất lạ, đâu là nước?

Cứ đứng gọi thầm bến bờ xa)

(Thơ MG)

Từ nhỏ, tôi sống trong trại gia binh của căn cứ Không Quân, nằm trong phi trường Tân Sơn Nhứt, vì ba mẹ tôi thầu câu lạc bộ của một phi đoàn, nên được cấp nhà ở miễn phí.

Trong khoảng không gian rộng rãi đầy cây xanh, nhiều bóng mát, tuổi con nít của chị em chúng tôi trôi qua êm đềm với những ngày thơ thẩn trong đám cỏ lau ngập đầu để bắt cào cào, châu chấu, hoặc leo lên cây Trứng Cá nằm nghe gió thổi hiu hiu hát...Vọng Cổ. Mấy bài hát này nằm trong các tập bài ca, khổ lớn hơn bàn tay một chút, là “tài sản” của các anh, các chị bà con, giúp việc trong Câu Lạc Bộ, nơi ba mẹ tôi đấu thầu.

Từ Quảng Nam xa xôi - là quê hương của má tôi - họ kể lại nguyên nhân nào phải trôi dạt vào thành phố Saigon mưu sinh, dùng tiền lương kiếm được gởi về nuôi gia đình. Các anh chị lúc đó lớn hơn tôi năm, bảy tuổi.Tôi lên 12, thì các anh chị khoảng 16 hay 18. Họ có nhiều lúc nhàn rỗi, sau giờ phục vụ thực khách, nằm đong đưa trên võng, dùng tập bài ca bỏ túi giải khuây. Đó là lý do tại sao tôi thích Vọng Cổ trước khi đam mê vào bộ môn âm nhạc. Mỗi khi anh Lời, chị Châu cất tiếng ngân nga, tôi vội vàng tìm một chảng ba của một cây gần đó, ngồi vắt vẻo, để hồn trôi theo tiếng hát. Lúc đầu, thấy buồn ngủ, nhưng lần hồi sao thấy...hay quá. Nhất là những buổi trưa hè vắng vẻ nhằm ngày cuối tuần, hoặc những khi mưa rơi đều đặn gõ nhịp trên mái tôn, nằm đu đưa trên võng, nghe Vọng Cổ thì thật là tuyệt vời. Thời gian đó, nghệ sĩ Hùng Cường là bạn thân của chú Hoàng Dân – một người lính Không Quân - nên chú tôi luôn có Thiệp Mời, tặng cho ba mẹ tôi. Thật ra, nếu có đoàn hát lớn nào có tuồng mới, ba má tôi đều mua vé đi xem. Đôi khi mua vé chợ đen mới có chỗ tốt, ngồi hàng đầu.

Là con lớn nhất trong gia đình, nên tôi được dắt theo. Do vậy, bộ môn cải lương là thú giải trí quen thuộc của tôi khi còn ở bậc Tiểu Học. Khi qua tuổi Trung Học, tôi mới chuyển qua mê cô đào ngực lép Audrey Hepburn, tài tử đẹp trai Alain Delon, hoặc Gregory Peck...của các phim Âu Mỹ.

Chiều cuối tuần, Câu Lạc Bộ thưa khách, nên tôi được dịp nghe các anh chị bà con nhỏ to tâm sự. Quê hương ở ngoài Trung khô cằn, dân nghèo lắm, là vùng xôi đậu, ban đêm du kích thường về. Nếu không rời thôn, xã, họ có thể bị cưỡng ép đi theo VC vào rừng, lúc đó gọi là “nhảy núi”. Những ngày cận Tết, gió và mưa Xuân đôi khi giăng buồn cả khu phi trường lạnh vắng, các anh chị thường khóc khi ngâm nga bài vọng cổ, có những câu ca, diễn tả sự thương nhớ mẹ hiền, cha già, em dại. Tôi ngồi kế bên, chia xẻ nỗi buồn của họ, đôi khi cũng chảy nước mắt theo.

Do vậy, dù sống ở thủ đô Saigon, trong khung cảnh tiện nghi và đầy đủ, nhưng từ lúc tuổi thơ, tôi đã biết thế nào là phân ly, là sự đớn đau do chiến tranh gây ra.

Thời gian qua mau, các anh bà con phải đi quân dịch, các chị kia thì đi lấy chồng, cha mẹ tôi thầu một Câu Lạc Bộ lớn hơn (Câu Lạc Bộ Hạ Sĩ Quan Lê văn Lộc), có sức chứa hằng trăm thực khách, lại có tốp bà con xa, gần khác của má tôi từ miền Trung vào, có khi lên đến hàng chục người. Họ tá túc với gia đình chúng tôi, vui buồn theo từng giai đoạn nổi trôi của cuộc chiến. Binh chủng Không Quân ngày càng vươn mình, đón nhận bao nhiêu thư sinh anh tuấn, đào tạo thành những chiến sĩ oai hùng, thì tôi cũng nhổ giò, trổ mã trở thành thiếu nữ, biết bâng khuâng khi nhìn hỏa châu lơ lững mỗi đêm ở các vòng đai và nghe tiếng đại bác vọng về thành phố.

Năm tôi mười sáu, tôi đã biết thế nào là biểu tượng của mọi binh chủng: Mũ Nâu, Mũ Đỏ, Mũ Xanh, ngoài quân phục và phù hiệu của các người lính Không Quân. Mỗi khi có lệnh cắm trại, trong phi trường rất nhộn nhịp. Có lần, du kích VC cắt kẻm gai đột nhập vào phá hoại, bị các anh lính Địa Phương Quân gác ở vòng đai phát hiện. Xác của du kích VC kéo về, để trong khu bệnh viện. Tôi mon men đến xem, thấy những thanh niên này còn rất trẻ, mặt mũi bôi đen, quần đùi, cởi trần. Nếu không có các anh Địa Phương Quân dõi mắt trên chòi canh, thì phi trường Tân Sơn Nhứt chắc phải chịu nhiều tan nát nếu sự đột nhập thành công!

Mấy hôm sau, tôi đến Tử Sĩ Đường, xem đám ma của một phi công vừa tử trận. Hình ảnh anh chàng trẻ tuổi, đặt trên bàn thờ, trong tiếng khóc kể của thân nhân, ám ảnh tôi trong suốt tuần lễ. Chiến tranh quả là một cái lò thiêu, đã nướng bao nhiêu tuổi trẻ Việt Nam như lời thơ của thi sĩ Mường Giang:

Tội nghiệp đời trai chưa thỏa chí.

Sa trường bao kẻ đã phơi thây

Đoàn quân hùng liệt nay về đất

Hồn vẫn quanh co, dẫm lối giày

 ........................

Dấu cũ còn nguyên, ai xóa được?

Bao vùng chiến thuật bóng quân đi

Lệ thay tiếng khóc, bào làm quách

Những nấm mồ hoang, tuổi niên thì

Sống trong phi trường, mỗi đêm khuya hoặc khi trời mờ sáng, thường bị đánh thức bởi tiếng phi cơ ì ầm, tôi hiểu rằng, giờ này có nhiều người lính trong mọi quân binh chủng, mỗi anh một nhiệm vụ, thi hành bổn phận cứu quốc an dân. Giấc ngủ êm đềm của chị em tôi đang thụ hưởng, là do công sức của bao nhiêu thanh niên cùng trang lứa. Lúc chiến cuộc sôi động, tin ai tín đầy trên nhật báo, lệnh cắm trại một trăm phần trăm ban hành, có nhiều phi công trực bay, cứ lanh quanh hai bàn Bida trong Câu Lạc Bộ, chờ lệnh là lên đường. Đôi khi, hôm sau, nghe tin anh tử nạn trong phi vụ đêm qua.

Phi trường Tân Sơn Nhất (1968)


* * *

Năm tôi học Đệ Tứ, chung lớp với một cô bạn. Cả gia đình Phụng, có 4 anh trai đều ở trong quân đội. Mỗi anh vào một binh chủng. Mỗi lần ghé chơi nhà, gặp một màu Mũ khác nhau, nhưng các anh cùng giống nhau ở dáng đi tướng đứng rất oai hùng. Có lần, tôi gặp ông anh cả, cuống quýt khi nghe tiếng Mẹ ra lệnh chờ ăn cơm với gia đình, trong khi anh thì muốn đi thăm bạn...gái! Sợ Mẹ buồn, anh nấn ná đợi dọn cơm. Tôi nhìn vết thương còn dấu trên cánh tay đầy bông băng của anh, tôi hỏi:

-Anh ơi, anh ra trận, anh có...bắn không?

-Tại sao không? Mình không bắn trước, thì mình chết trước!

Tôi ngây thơ kết luận:

-À thì ra vậy! Anh ơi, có mấy người học chung trường tụi em, vừa ra đơn vị là tử trận. Tại họ không chịu bắn trước hả?

-Không phải vậy đâu...

Tôi gật gù:

-Nếu em ra trận, chắc là em không bắn trước được!

-Qui luật của chiến tranh mà em!

Sáu tháng sau thì ông anh Biệt Động Quân này tử trận, rồi đến ông Thủy Quân Lục Chiến vị quốc vong thân, ông thứ ba là một phi công trực thăng, chết theo phi cơ trúng hỏa tiễn. Cuối cùng, những người con trai của gia đình Phụng đều có Anh Dũng Bội Tinh vì “anh lên lon giữa hai hàng nến chong”! Người con gái đó đi lấy chồng cũng là một người lính, và người lính này sau đó chết trong trại tù CS...Tôi không hiểu thân mẫu của Phụng sống như thế nào trong những ngày cuối đời của bà, sau khi đất nước đổi chủ? Lần gặp nhau giữa chợ trời thuốc Tây sau năm 1975, trên hè phố Saigon, tôi lạnh cả tay chân, nghe Phụng nghẹn ngào tâm sự. Phụng nói rằng sẽ kiếm ghe đưa con rời khỏi nước bằng bất cứ giá nào, để ra khỏi quê hương khốn khổ này...

Năm 1995 khi bắt tay gây quỹ, lo cho công tác Yểm trợ Thương Phế Binh, tôi nhận được hồ sơ của bà Tổ Phụ tên Võ thị Hai, kèm theo giấy chứng tử của 3 người con trai gửi qua xin cấp dưỡng, tôi chợt nhớ đến đại gia đình của Phụng, lòng xót xa buồn. Từ đó đến nay chưa một lần gặp lại, không biết rồi người bạn cũ xinh đẹp của tôi, có được may mắn trên con đường vượt thoát?

* * *

Tháng Tư, năm 2015, lứa tuổi của chúng tôi, nay đã tròm trèm trên dưới 70, người nào cũng biết đến cuộc chiến ít nhiều vì trong gia đình có anh, có em hy sinh cho đất nước, nếu không, thì cũng có chồng nằm trong tuổi tổng động viên.

Sau năm 1975, có người may mắn được cùng chồng đưa ra khỏi nước trong ngày lính ứa nước mắt tan hàng, bây giờ cuối đời thênh thang nhung lụa, con cái đỗ đạt thành danh, gia đình hạnh phúc.

(Xin đừng quên, ngày đó, nhiều ngừơi lính hãy còn ôm chặt tay súng, nằm dưới giao thông hào, bắn chận địch quân đang tiến vào thành phố, cho anh chị lên phi cơ, hoặc xuống tàu).

Sau cuộc chiến, có chị kiếm đường ra khỏi nước bằng cách hy sinh, làm vợ những tài công, đem con vượt biển theo ước nguyện của chồng, lúc ấy anh đang mỏi mòn trong trại cải tạo, vô vọng không biết ngày về. Mấy mươi năm sau gặp lại, ngỡ ngàng trong duyên phận đổi thay.

Có chị mòn mỏi nuôi cả bầy con thơ dại, bới xách thăm chồng trong trại tù, sau cùng đến được Hoa Kỳ theo diện cựu Tù Nhân Chánh Trị, tay chai, chân nứt vì một đời cưu mang gánh nặng gia đình.

Cũng có chị không may, chồng bị tàn phế nặng trong những ngày chiến cuộc sôi động, nay sống đời hiu hắt ở quê nhà, chạy gạo từng bữa. Con cái của anh chị, làm sao có phương tiện mà ăn học cho bằng người?

Trong cuộc chiến tranh kéo dài trên đất nước, đa số các người phụ nữ không may mắn, đều có một mảnh đời tang thương dâu bể. Họ cố gắng sống cho hết một kiếp người, phấn đấu trong mọi hoàn cảnh gian truân nghiệt ngã. Dù rơi trong tình huống nào đi nữa, người vợ Lính của thế hệ tôi đang sống, đáng được vinh danh, trân quí. Nếu như bạn có dịp theo chân các bà - lúc đó khoảng 25, 30 tuổi, còn trẻ và rất đẹp. Mặc dù kinh tế gia đình rất khó khăn, các bà quên mình tay yếu chân mềm trong khi đường rừng thì heo hút, quanh co, cỏ cao quá đầu... Mặc kệ sương mù giăng giăng, trong tiếng chim cất lên buồn bã…Họ lặng lẻ đi từng đoàn, tay dắt con, lưng đeo ba lô cồng kềnh đầy thực phẩm, liên tục thăm nuôi tiếp tế cho chồng, trong các khu Cải Tạo sau năm 1975:

Nay đã hết rồi cơn mộng mị.

Tuổi thơ còn lại cuộc tang dâu.

Đời thêm gầy võ màu tang tóc.

Vỡ giấc mơ hoa nuốt hận sầu

(thơ Mường Giang).

Vì vậy, mỗi năm đến ngày quốc nạn, dù ở trong hay ở ngoài nước, mỗi người Việt đã từng sống trong chánh thể Việt Nam Cộng Hòa đều có nỗi niềm riêng, nhưng tựu chung đa số ôm trong lòng các chữ: uất hận, tang thương và tủi nhục.

Đến nay, thời gian đã dài nhưng nỗi đau hình như chưa lành miệng, dù cho một thế hệ đã lớn lên, đã thành nhân, không có ký ức về những gì đã trải qua trong cuộc đời của cha mẹ, nên đôi khi họ sống rất vô tình.

Tại hải ngoại, trong những ngày đại lễ, những anh lính cũ mân mê bộ quân phục, vuốt ve cho thẳng nếp, mặc vào đi giữa những hàng quân, hẳn lòng anh đang bâng khuâng nhớ lại:

Từ hôm rã ngũ rời Long Khánh

Treo mảnh tàn y lạnh với rừng

Chân bước mà hồn trăng níu lại

Giữa trời hiu quạnh khóc rưng rưng.

(thơ Mường Giang)

Trong đài trán nhăn nheo vết thời gian, anh vẫn còn nhớ rõ nhịp điệu quân hành, tâm trí anh hiện về hình ảnh bạn bè, kẻ còn người mất. Nhìn dáng anh diễn hành, có người bước chân đã xiêu vẹo vì bệnh tật, có người còm cỏi vì dấu ấn của mảnh đạn thù ghim trong xương thịt, ray rứt đau nhức mỗi khi thời tiết sang mùa...Nhìn họ, lòng người dân nào mà không xót xa nếu còn một chút tình quân dân cá nước. Vì chính họ, đã một thời hy sinh tuổi trẻ cho đất nước, giữ hậu phương an bình cho sinh viên biểu tình, hát nhạc Trịnh Công Sơn, cho các cuộc xuống đường đòi quyền sống! Các cựu chiến binh của chúng ta hôm nay đang sống những năm cuối đời, tóc bạc, da mồi, đăm chiêu trong ánh mắt:

 

Khi ta viết chữ hoa SÔNG NÚI

Em ạ, lòng đau đến độ nào!

Đời lính, hai vai còn gánh nặng

Quê người, gục xuống - NÚI SÔNG ĐÂU?

(Mũ Xanh Trương Nghĩa Kỳ)

Bởi vậy, xin những ai còn nhớ đến một thế hệ của tuổi trẻ Việt Nam, đã cống hiến xương máu, hoặc một phần thân thể trong cuộc chiến vừa qua, xin hãy chia xẻ chút tình thương cho những người còn ở lại, đó là các anh thương phế binh của Quân Lực VN Cộng Hòa.

* * *

Cuối tháng Tư năm 2015, thành phố Houston của chúng ta thời tiết rất xấu, mưa liên miên, trời đầy mây xám, buồn bã như khung trời của đất nước Việt Nam trong ngày 30 tháng Tư năm 1975. Saigon lúc đó, súng nổ đì đùng bốn hướng. Dân chúng hoang mang, căng thẳng. Trên trời, phi cơ trực thăng của quân đội Mỹ di tản nhân viên của họ, bay ì ầm. Dưới lòng đường, quân trang, quân dụng vất đầy. Những người lính, áo thun, quần đùi, ngơ ngác như bầy chim vỡ tổ... Họ về đâu khi “Đại Bàng” đã bay ra khỏi thành phố? Năm ngũ hổ tướng chọn cái chết của Phan Thanh Giản ngày xưa, giữ tròn khí tiết của người anh hùng, chết vinh hơn sống nhục, không kể nhiều chiến sĩ vô danh khác, đã dùng viên đạn cuối cùng tự xử, không muốn quân CS làm nhục.

Và, cuối cùng cả nước ăn Bo Bo thay gạo, sống một chế độ kềm kẹp không có chút nhân quyền căn bản của con người.

Cuối cùng, hằng vạn người lính VN Cộng Hòa bỏ xác trong rừng sâu bởi đòn thù trong các trại cải tạo của hai miền Nam, Bắc.

Cuối cùng, dân chúng đổ xô tìm đường bỏ nước.

Cuối cùng, hằng trăm ngàn người Việt Nam làm mồi cho cá, hàng vạn phụ nữ Việt thảm thương trong bàn tay hải tặc Thái Lan trên biển Đông.

Cuộc ra đi tìm tự do ồ ạt của người Việt làm chấn động cả thế giới, khiến cho nhiều ngừơi ngoại quốc động lòng, phải dong tàu (tàu Akuna và Cap Anamur) ra hải phận để vớt thuyền tị nạn!

Bốn mươi năm đi qua, xin nhắc lại đôi điều để cùng nhau nghĩ đến món nợ ân tình của một thế hệ. Tuy không ai đòi, nhưng những người may mắn như chúng ta - sống thoải mái nơi hải ngoại – cần nhớ, để gửi về cho các chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, chút dư hương xưa của tình đồng đội, nghĩa đồng bào./.

Hoàng Minh Thúy


04/2015


Nguồn http://xaydunghouston.com/TapGhi/304ngaydauthuongcuadantoc.htm

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn