Nhà thơ Hoàng Anh Tuấn cho rằng, sở dĩ, tuổi trẻ tự tìm lấy thú vui cho riêng họ, thứ thú vui bị các nhà chân đạo đức và giả đạo đức kết án chỉ vì họ không có gì để giải trí. Đi tìm thú vui ở những hầm gió bệ rạc, bằng những bộ quần áo quái đản đắc tiền, tối nghĩa, ngoài tuổi trẻ con nhà giàu, tuổi trẻ Việt Nam chung chung, không thể giải trí kiểu đó được để được nhà thơ Hoàng Anh Tuấn bênh vực. Tôi không cổ võ hippy, không đả kích hippy. Hippy là cái “mốt” của tuổi trẻ Việt Nam. Thói thường là “mốt” tất sẽ chóng bị “đề mốt đê”. Xây dựng tuổi trẻ cho một thế hệ chẳng bao giờ là những kết án dao to búa lớn nhằm vào một thiểu số không đáng kể. Mấy ký lô thuốc phiện trắng của ông dân biểu Phạm Chí Thiện còn nguy hiểm gấp bội những bộ quần áo quái đản, những mái tóc tổ quạ bề ngoài một số tuổi trẻ thành phố. Thú thật, tôi không hiểu tại sao người ta dịch danh từ beat music thành nhạc trẻ. Cũng được đi. Nước nào trên thế giới mà không có tuổi trẻ chơi và nghe nhạc trẻ kể từ The Beatles ra đời và “nổi tiếng hơn cả Chúa Giêsu” *. Riêng ở Nhật, nơi tôi đã tới, nghe nhạc trẻ đỡ chướng ta. Vì họ đặt lời tiếng Nhật vào nhạc Anh, Mỹ. Nhạc trẻ nó gắn liền với tóc lông gáy và quần áo quái đản. Chả sao. Điều mà tôi thắc mắc, mà các nhà ái quốc đầy tinh thần dân tộc lắc đầu là, tại sao các bạn chơi nhạc trẻ ở Việt Nam không đặt tên ban nhạc của các bạn là Lúa Thần nông, Măng cụt, Sầu riêng. Mà cứ đặt những tên là The Revolution, The Dreamers, The Hammers, Shotguns, The Blue Stars, The Golden Bells? Hay nhạc trẻ, dù là nhạc trẻ Việt Nam, còn cần gắn liền với cả chủ nghĩa Anh, Mỹ. Thâm chí, Lê Văn Tí, Trần Văn Tèo cũng gắn liền với Tony Tí, Evis Tèo. Cho có vẻ con cháu Tony Curtis, Evis Presley! Những Tony Tí, Evis Tèo không cô đơn. Ta hãy mặc họ. Họ đáng cứu rỗi cái tinh thần vọng ngoại. Câu bênh vực tuổi trẻ thành phố của nhà thơ Hoàng Anh Tuấn rất đáng chú ý. Tuổi trẻ thành phố thiếu nơi giải trí, thiếu một cái gì đó khiến họ say mê.
Nói về những nơi giải trí cho tuổi trẻ là nói về một chi tiết trong chính sách thanh niên. Quán trọ thanh niên, Nhà thanh niên, Câu lạc bộ tuổi trẻ … nếu tôi không lầm, ngày trước, ông Ngô Đình Nhu đã đề cập tới. Nhưng lãnh tụ chiếu dưới Cao Xuân Vỹ chỉ biết thực hiện làm cảnh. Như cây cối xanh um ở Khu trù mật không hoa cỏ mỗi bận Tổng thống Ngô Đình Diệm thăm dân. Với tuổi trẻ, người ta cũng cứ dàn cảnh, Nói về những nơi giải trí cho tuổi trẻ khi chưa có chính sách thanh niên thì nó mơ hồ quá. Y hệt làm nhà không cần dựng cột. Song rất cần nói. Tôi nhớ rằng, Bộ Thanh niên rồi Nha Thanh niên (bao giờ xuống Sở Thanh niên?) của nước Việt Nam Cộng Hoà đã dành một căn nhà toạ lạc tại góc ngã tư Hai Bà Trưng – Hồng Thập tự làm nhà thanh niên. Cái nhà to lớn, vĩ đại làm sao. Có thể kê chừng mười cái bàn ping pong. Đó là nhà thanh niên của mấy trăm ngàn tuổi trẻ Sài Gòn. Tuổi trẻ Sài Gòn đã không tới nhà của họ. Bởi vì, ở đấy, ngoài bóng bàn, bi da, ngoài những khẩu hiệu dán trên tường Thanh niên là rường cột của quốc gia, Khoẻ để phụng sự tổ quốc, Càng cao, càng nhanh, càng dài. Một tâm hồn minh mẫn trong một thể xác cường tráng. .vv… và những lão ông, lão bà “thanh niên” ngồi ngáp vặt, đan áo, nói chuyện đóng hụi, chuyện đập bầu, con đau, vợ ốm đã không quyến rũ nỗi bao nhiêu cám dỗ tuổi trẻ bên ngoài cái gọi là Nhà Thanh niên. Do đó, Nhà Thanh niên vắng hoe. Chắc màng nhện đã được giăng bằng những con nhện buồn ! Nhà Thanh niên không thấy thanh niên lai vãng dù cả nước chỉ có một Nhà Thanh niên. Cứ nhìn cái Nhà Thanh niên là biết rõ tương lai của dân tộc. Những rường cột của dân tộc đã nhung nhúc những con mọt buồn. Trong thời chiến, người lãnh đạo thanh niên không phân biệt thanh niên và thể thao, không dám quyết định làm thanh niên hay thể thao, lại muốn ôm đồm mỗi thứ một tí nên thể thao thì bệ rạc, chuông thể thao ngoại giao đem sang nước người đấm nó không chịu kêu, thanh niên thì bơ vơ, lạc lõng phải tìm cách … dấn thân. Thường là dấn thân vào sai lầm để bị kết án. Nhà Thanh niên của Bộ Thanh niên rồi Tổng Nha Thanh niên đã không hấp dẫn tuổi trẻ bằng những chương trình nhạc trẻ Híppy à gô gô do Trường Kỳ tổ chức mỗi chiều chủ nhật tại phòng trà hay hầm gió. Đó có phải là lỗi của tuổi trẻ thành phố?
Họa chăng. Đi đường gặp trận mưa lớn gần Nhà Thanh niên, tuổi trẻ vào trú mưa, Rồi ra đi chẳng cần nhớ đó là Nhà Thanh niên. Tôi đã tham dự những buổi diễn thuyết về văn chương, nghệ thuật, khoa học, giáo dục. Và cả về tuổi trẻ nữa. Rất ít tuổi trẻ đến nghe. Nhưng nếu ở Rex chiếu phim Django với thần tượng đấm đá Franco Nero xuất hiện hoặc phim chưởng với Vương Vũ, Khương Đại Vệ diễn xuất, tuổi trẻ đủ mọi khuynh hướng đứng xếp hàng, chen nhau mua vé để bị chủ rạp giáo dục hỗn xược: “Người lịch sự nên chờ tới lượt mình hãy mua vé” ! Những nhà chân đạo đức, giả đạo đức và lãnh đạo thanh niên nên thử một lần xuống hầm gió, vô phòng trà những buổi trình diễn nhạc trẻ mà coi. Tuổi trẻ đã đến đây cuồng nhiệt và hoan hỉ giành nhau chỗ ngồi trước hàng tiếng đồng hồ. Hết chỗ, bằng lòng đứng, mồ hôi chảy nhễ nhải. Khi “thần tượng” nhạc trẻ xuất hiện, tuổi trẻ hò hét, cổ võ thần tượng. và say sưa nghe lý tưởng …nhạc trẻ. Lý tưởng nhạc trẻ đã thấm từng giọt vào tâm hồn một số tuổi trẻ thành phố - con số không nhỏ nhoi đâu. Nếu người ta đừng hốt hoảng, người ta đừng đạo đức giả vờ, đừng khoát áo dân tộc bằng giấy, người ta biết cách lợi dụng nhạc trẻ để “tải” lý tưởng mà người ta muốn tuổi trẻ theo đuổi thì nhạc trẻ chính là phương tiện tốt dẫn đến một mục đích tốt. Nhưng lý tưởng thanh niên nằm trong chính sách thanh niên, linh hồn của chính sách. Mà chính sách không có lý tưởng, chỉ còn là những khẩu hiệu kêu gọi cho có vẻ có trách nhiệm và cho đỡ buồn. Hãy trao vào tay tuổi trẻ một lý tưởng và đoan kết (buồn ghê, lấy gì đảm bảo lời đoan kết) không lợi dụng tuổi trẻ, đoan kết tuổi trẻ sẽ thoả mãn nhiệt tình và lòng tựu phục của họ rồi hãy kết án họ khi họ lắc đầu từ chối lý tưởng. Không một người tuổi trẻ nào chối từ trách nhiệm và sứ mạng mà quê hương trao cho họ. Không một người tuổi trẻ nào muốn bị kết tội, muốn nổi loạn vô duyên cớ. Tất cả những việc họ đã, đang theo đuổi mà người ta chê họ hư hỏng đều có xuất xứ rõ rệt. Cho đỡ buồn , Dĩ nhiên, còn nhiều thứ cám dỗ tuổi trẻ, dẫn họ xuống vực thẳm, tôi không muốn kể thêm.
Một vị linh mục dòng Chúa Cứu thế , đã viết cuốn sách cho giáo dân đọc, nhan đề : Từ say rượu đến say Chúa . ý của vị chăn chiên là muốn con chiên say mê Chúa như say rượu. Lý tưởng của tuổi trẻ hôm nay không bao giờ có cái câu lẩm cẩm của ông Đại tá Tổng Giám đốc Thanh niên :”Ở thế kỷ hai mươi này, không ai được sống yên ổn”! (Đọc trên vô tuyến truyền hình, băng tần số 9, tôi quên không nhớ ngày nào). Lý tưởng ấy phải có chất ma túy – nói cho đúng, lý tưởng ấy phải làm tuổi trẻ say mê như dân ghiền say mê ma túy; đừng hiểu là đem ma túy cho tuổi trẻ chơi – phải làm tuổi trẻ say mê. Ít ra, lý tưởng ấy phải hấp dẫn, quyến rũ tuổi trẻ như nhạc trẻ đã hấp dẫn, quyến rũ tuổi trẻ thành phố. Vậy thì cứu rỗi tuổi trẻ, muốn dẫn dắt tuổi trẻ dùng nhiệt tình của họ đốt cháy những chướng ngại vật ngăn cản đà tiến bộ của dân tộc, muốn dùng sức mạnh của tuổi trẻ xây dựng quê hương phải có lý tưởng quyến rũ nổi họ. và bắt buộc phải có thần tượng, trao lý tưởng vào tay họ. Như thần tượng nhạc trẻ hát nhạc trẻ . Rồi làm gì sẽ tính sau.
Duyên Anh
* Một beatle đã tuyên bố khi họ qua Mỹ chơi nhạc “Chúng tôi nổi tiếng hơn cả Chúa Giêsu”
Gửi ý kiến của bạn