BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73312)
(Xem: 62231)
(Xem: 39417)
(Xem: 31164)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Biển sương mù

15 Tháng Bảy 201512:00 SA(Xem: 1247)
Biển sương mù
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Huyền đi chậm rãi dọc theo đường dài của chiếc cầu Xóm Bóng, thật sự nàng chỉ đi một đoạn rất ngắn vì lúc nãy khi lấy taxi, nàng đã nói bác tài xế thả nàng xuống ở đoạn cuối của chiếc cầu. Nàng muốn trì hoãn thời gian để chuẩn bị cho mình một sự bình tĩnh cho lần gặp gỡ mà chính nàng cũng không ngờ là sẽ xảy ra trong vài giây phút tới. Nha Trang trời Tháng Tư có những tia nắng khô nóng reo vui trên thành cầu xi măng, và cơn gió mang mùi biển ẩm mặn làm Huyền cảm thấy hơi rát hai gò má. Nàng bặm môi, nhìn làn xe phóng qua rất nhanh và rất nhộn nhịp trên cầu. Huyền nhớ ngày xưa chiếc cầu này vắng vẻ, lẻ loi, bây giờ thì người xe đi tấp nập mà dường như không ai chú ý đến ai. Gió bay bụi đường vướng lên tóc và làm cay đôi mắt. Huyền không biết là tại bụi hay tại mình đang muốn khóc. Hơn ba mươi năm rồi, lần đầu tiên nàng trở về Việt Nam. Tuần lễ đầu nàng ở Sài Gòn thăm bạn bè, những người bây giờ ngoài dăm ba câu chuyện cũ không còn gì để nói với nhau ngoài những tiếc thương về một thời áo trắng xa xưa. Huyền cảm thấy lạc lõng giữa đám bạn thuở nào và nàng ngại ngùng khi tất cả đều tấm tắc khen ngợi sự trẻ đẹp của nàng. Thật vậy, Huyền rất may mắn vì dòng thời gian đi rất chậm trên cuộc đời của nàng nên so với đám bạn bè, nàng trông trẻ hơn họ rất nhiều. Sài Gòn nắng và bụi, sự ồn ào tấp nập của thành phố lúc nào cũng có những âm thanh náo nhiệt làm Huyền ngộp thở. Sau một tuần, Huyền quyết định về Nha Trang thăm Khả Môn, người không học chung trường, chung lớp vì Khả Môn chỉ là cô bạn của những mùa Hè rong chơi vô tư.

Nha Trang


Trước năm 1975 ba mẹ Huyền ở Nha Trang, căn nhà rộng lớn với một vườn trái cây sầm uất trong sân trước. Căn nhà nằm ngay trên Quốc Lộ Số 1 gần Tháp Bà. Huyền được gửi vào Sài Gòn học nội trú, chỉ mùa Hè mới được về thăm nhà. Từ Quốc Lộ Số 1 ra tới bãi biển Hòn Chồng rất gần và Huyền thường ra đó tắm biển trong suốt mùa Hè. Đây là nơi Huyền tình cờ gặp Khả Môn khi cả hai cùng mải mê bắt những con sò biển nằm sâu dưới cát và đi tông vào nhau rồi cả hai cùng cười giòn, rồi từ đó khởi đầu một tình bạn. Mỗi lần tắm biển xong thì Khả Môn hay rủ Huyền về nhà chơi. Đi theo Khả Môn có anh Khang là anh của Khả Môn, thế là ba người leo lên xe “lam” trở về cầu Xóm Bóng. Nhà của Khả Môn ở cuối cầu, đi vào một khúc sâu thì tới ngôi nhà nhỏ đơn sơ với dãy hoa trang tươi đỏ ở sân trước. Huyền yêu nhất là cây hoa sứ thơm nồng nàn cuối vườn nơi mà dưới bóng mát của tàn cây anh Khang đã cột hai chiếc võng cho Khả Môn và Huyền nằm đong đưa ăn chùm ruột, ổi chua hái trong vườn xuýt xoa chấm muối ớt cay xé. Dạo đó Huyền không biết anh Khang bao nhiêu tuổi chỉ biết là anh cao hơn Huyền cả cái đầu, khuôn mặt trông rất nghệ sĩ của anh lúc nào cũng nghiêm nghị, đăm chiêu, và anh hay ngồi dưới gốc cây xoài vẽ những bức tranh bằng viết chì than, có khi anh ôm đàn guitar hát chỉ mỗi một câu “trước ngày lên ngôi Chúa chưa chắc không dại khờ” (*). Khi nghe câu hát đó Huyền đã nghĩ là anh Khang thật là lẩm cẩm nhưng Khả Môn lại nói anh Khang đang có một đổ vỡ nào đó mà mình không hiểu được.

Huyền đi lách qua con đường nhỏ cong cong, xóm làng bây giờ xa lạ quá vì khu xóm chật chội hơn xưa với nhà cửa xây san sát nhau. Khi đến trước căn nhà rất cũ với mái ngói đã bạc màu theo năm tháng, căn nhà ngày đó có bóng dáng của anh Khang, của Khả Môn và bà mẹ hiền hậu. Huyền đưa tay vịn vào hàng hoa trang đỏ, tự dưng thấy lòng bồn chồn, hồi hộp khi đưa tay gõ lên cánh cửa gỗ nâu vàng. Cửa mở, trước mặt Huyền cô bé Khả Môn ngày nào bây giờ tuy đã có những nếp nhăn trên khuôn mặt làn da bánh mật nhưng vẫn còn nét xinh xắn một thời. Khả Môn ôm choàng lấy Huyền bật khóc:

- Ôi, Huyền… Mơ

Huyền cũng ôm chặt bạn rướm lệ nhưng lại bật cười:

- Bao năm rồi mà Khả Môn còn nhớ tới cái tên bất hủ đó sao?

Khả Môn đưa tay dắt Huyền tới ngồi trước thềm nhà và giọng nói vẫn nghịch ngợm như năm nào:

- Tên của anh Khang đặt cho nàng Huyền mơ mộng thì làm sao quên được.

Cả một khung trời ký ức bỗng ùa ngập về với câu nhắc nhở của Khả Môn. Kỷ niệm của ngày tháng Hạ trên vùng Hòn Chồng đẹp ngây ngô, thơ mộng. Năm Huyền và Khả Môn gặp nhau, Huyền chỉ mới mười ba, cái tuổi còn thích nhảy nhót với những làn sóng dợn, mê say nhặt vỏ sò về nâng niu cất trong hộc tủ. Nhưng những năm sau đó thì nàng bắt đầu biết ngồi mơ mộng nhìn mây xanh, thưởng thức vẻ đẹp mênh mông, và buồn theo tiếng sóng vỗ rì rào của biển. Có những sáng thật sớm, Huyền đã ngẩn ngơ chiêm ngưỡng ánh mặt trời vàng rực rỡ trải dài trên những làn sóng bao la xanh biếc. Nàng yêu những tia nắng hào quang trên những làn sóng nhấp nhô và trên những làn sóng đó Huyền đã mường tượng đến ánh mắt rất trìu mến của anh Khang nhìn theo mỗi nhịp chân trong nắng trong gió của nàng trên bãi cát dài. Từ đó, Huyền bắt đầu làm thơ, những câu thơ về cát, về biển mà khi anh Khang đọc xong cứ bảo là cô bé quá lãng mạn, mơ mộng và gọi đùa nàng là thi sĩ Huyền Mơ. Nghĩ tới đó Huyền mỉm cười đưa mắt nhìn quanh nhà và hỏi nhỏ:-

- Anh Khang có còn ở nhà?

Khả Môn gật đầu và e dè:

- Vẫn còn nhưng…

Huyền ngạc nhiên nhìn bạn với câu nói bỏ lửng. Khả Môn thở dài:

- Anh ấy bây giờ khác lắm Huyền ạ!

Nói xong Khả Môn kéo Huyền đi ra sân sau. Cây hoa sứ mấy chục năm trước vẫn còn xum xuê những hoa trắng ngà tỏa hương trong khu vườn vắng. Bên cạnh cái võng vải chắc đã được thay áo bao nhiêu lần rồi, kế đó là cây đàn guitar dựa lơ lửng bên gốc cây.


Trong cơn gió chiều mang mùi biển mặn, Huyền chợt nghe tiếng leng keng của chiếc chuông gió làm bằng vỏ sò treo trên cành cây. Nàng bất chợt đưa tay nắm chiếc chuông gió và nhận ra trên mỗi vỏ sò đều có nét vẽ của một đôi mắt rất buồn. Như vậy là biết bao đôi mắt hát theo hoặc khóc theo nhịp điệu đong đưa của gió. Khả Môn chậm rãi nói:

- Anh Khang trân quý chiếc chuông khánh đó lắm Huyền. Mỗi vỏ sò là một kỷ niệm của anh ấy.

Nói xong Khả Môn lật tập nhạc trên chiếc võng, nàng lấy ra một mảnh giấy màu tím nhạt rất cũ với những dòng chữ nắn nót lả lướt:

Trước cửa nhà anh
treo cái chuông gió
ngày xưa
khi bước chân em
vang trên thềm
là nó kêu lanh canh, leng keng
bây giờ
chuông gió vẫn reo
và em không đến nữa (**)Huyền đứng lặng người, nàng nhớ tới những con sò nhặt được năm xưa, nàng nhớ tới những bước chân trên cát của nàng, của Khả Môn, và của anh Khang những lần lang thang trên biển. Nàng nhớ đến những chiều nắng hanh nhạt nhòa tàn cây trong khu vườn cũ, cái giá vẽ, cây đàn guitar và tiếng hát rất ấm của anh Khang qua những khúc nhạc tình. Những mùa Hè vô tư rồi cũng qua đi trong thoáng chốc như những làn sóng biển bỗng dưng ào ạt cuốn đi tình cảm vừa mới nẩy mầm khi gia đình Huyền dọn hẳn vào Sài Gòn năm nàng vừa tròn mười bảy. Không bao lâu thì biến cố năm 1975 xảy ra, Huyền cùng gia đình ra đi và khi định cư tạm trên đảo Guam, những chiều tà một mình lang thang trên bãi biển xa lạ, Huyền đã nhớ thiết tha đến ánh mắt rất nồng nàn của anh Khang trong ngày cuối khi nàng rời khỏi Nha Trang.

Khả Môn như đang đọc được ý nghĩ của Huyền nên khẽ nói:

- Anh Khang hẹn mình ở biển tối nay đó Huyền

Huyền gật nhẹ đầu, cùng Khả Môn tâm sự huyên thuyên và sau đó xin thắp một nén nhang trên bàn thờ của mẹ Khả Môn rồi cáo từ bạn về lại khách sạn. Khi đi ngược lại quãng đường dài trên cầu, Huyền thấy những cánh buồm xa thẳm trên những con thuyền nhỏ thấp thoáng trên dòng nước xanh trong vắt dưới mạn cầu, một lần nữa nàng bất chợt nhớ đến ánh mắt lạ thường của anh Khang.

Khả Môn đến như đã hẹn, Huyền theo bạn ra biển mà đầu óc lâng lâng như người say sóng. Sự nao nức, hồi hộp được gặp lại anh Khang bỗng dưng trở thành sự áy náy, ngại ngùng. Khả Môn như hiểu tâm sự của bạn, nàng nắm chặt tay Huyền như một trấn an.



Mặt trời đang xuống thấp và ánh sáng vàng rực bây giờ đang ngả qua một màu vàng úa mơn man trên những làn sóng thong thả vỗ về một âm thanh êm đềm như một khúc hoà tấu nhẹ nhàng trong buổi chiều muộn. Khi đến một góc vắng ở cuối biển Khả Môn cố tình đi chậm lại, nàng bảo phải ghé phố và chốc lát sẽ trở lại đón Huyền về. Những bước chân của Huyền trở nên hụt hẫng, tâm trí lao đao khi nàng bắt gặp dạng profile tuyệt vời của người đàn ông đang ngồi trước một giá vẽ bao trùm bởi một làn vải trắng. Người đàn ông quay lưng lại nhỏ nhẹ nói:

- Cuối cùng cũng được nhìn thấy Huyền

Tháng năm làm đậm thêm những nét ưu phiền trên vầng trán nhưng ánh mắt vẫn đượm nỗi thiết tha, trìu mến của tháng ngày miên man diệu vợi năm nào. Anh Khang với nụ cười hiền từ, khuôn mặt nghệ sĩ năm xưa vẫn còn đó. Khang kéo cái ghế xếp nhỏ cho Huyền, nàng ngồi xuống và vội vàng bỏ ngay dép để đưa trọn hai bàn chân lấp vùi dưới lớp cát trắng mịn. Khang cười:

- Tôi vẫn còn nhớ cả… dấu chân trên cát

Huyền biết Khang đang nhắc đến kỷ niệm của những ngày tháng mùa hè trên biển khi nàng và Khả Môn vừa chạy trên cát nóng vừa than la sao mà cát ác quá làm bỏng cả chân. Những lần như thế thì anh Khang vội vã kéo cả hai đứa chạy xuống nước nhảy theo làn sóng biển thênh thang với những tiếng cười vui nhộn, vô tư. Huyền nhớ có lần đang nhảy sóng, nàng bị vọp bẻ và Khang phải bế nàng lên bờ trong khi Khả Môn khóc tỉ tê sợ hãi. Huyền cảm thấy lòng xao xuyến:

- Phải chi mình sống lại được những ngày tháng Hạ đó

Giọng Khang dường như trách móc:

- Tôi tưởng Huyền không nhớ.

Nói xong Khang đưa tay vớ lấy cây gậy nhỏ bên cạnh cái giá vẽ, chàng đứng lên đi tới gần mé biển nơi đang có những làn sóng nhỏ vỗ lăn tăn. Huyền giật mình khi thấy dáng đi khập khễnh của Khang, nàng vội vàng chạy theo đến ngồi cạnh Khang dưới cát và mặc cho làn sóng vuốt ve đôi chân trần của nàng. Khang nhìn xa xăm ra khơi và thì thầm:

- Viên đạn “mồ côi” làm tôi thành người mất…thăng bằng Huyền ạ.

Với giọng trầm buồn, Khang kể cho Huyền nghe nỗi đau của chàng về một mất mát của những ngày tháng Hạ với mây trời xanh, với lời thì thào yêu thương của biển và nỗi nhớ khôn nguôi về đôi mắt nhung mà chàng đã bắt gặp ở cuối chân mây mỗi chiều khi ánh tà dương đang dần dà khuất. Tháng Tư 75, khi đất nước đang trong cơn thảng thốt, hãi hùng, Khang cùng Khả Môn đưa mẹ vào nhà ông chú ở trong thành phố tạm trú vì lúc đó Quốc Lộ Số 1 đạn súng bay vì vèo. Ngày hôm sau, mặc sự cản ngăn của mẹ và em, Khang nhất định trở về nhà vì chàng đã để lại sau lưng tấm tranh vẽ còn đang dang dở. Buổi sáng khi Khang trở về, xóm thật vắng và rất yên tỉnh, chàng yên tâm ngồi vẽ sau vườn. Bỗng dưng một viên đạn lẻ loi vô tình không biết từ đâu bay đến nhưng chàng may mắn chỉ bị một vết thương ở chân. Chàng gọi đó là viên đạn “mồ côi” vì đó là viên đạn duy nhất bay vào trong xóm ngày đó.

Khang ngừng kể, nhìn mông lung ra biển đêm sâu thẳm và bỗng dưng ngâm nho nhỏ:

Chiều nay anh ngồi đây để nghe lắng một nỗi buồn
Chiều nay dường như sóng nhiều hơn
Hải âu chập chờn trong gió lạnh
Anh chập chờn cánh mỏng giữa hoàng hôn (***)Giọng ngâm trầm ấm của Khang như một vỗ về rất ngậm ngùi. Chàng nói bâng quơ:

- Trái tim tôi cũng mồ côi như viên đạn lẻ loi đó thôi

Nói xong Khang nghiêng người đỡ Huyền đứng dậy đi trở lại nơi có cái giá vẽ. Sau khi dìu Huyền ngồi dưới ánh trăng, chàng đưa tay mở tung làn vải che bên ngoài, trên tấm canvas trắng, Huyền thảng thốt bắt gặp đôi mắt to buồn của chính mình và nàng chợt nhớ tới những đôi mắt trên những vỏ sò của chiếc chuông gió mà nàng đã mân mê lúc ban chiều. Huyền bật khóc khi một bàn tay của Khang ôm trọn khuôn mặt của nàng và bàn tay kia cầm cây bút vẽ nốt khóe mắt rất sâu đang ngấn lệ trên nền canvas, rồi chàng nhẹ nhàng hôn lên đôi mắt của Huyền, đôi mắt đang long lanh chút sương mù trên vùng biển đêm rất thầm lặng.

Em có về chiều nay cho kịp?
Để cùng anh đi hết một đêm thâu (***)

Dường như ngoài khơi xa thẳm, lớp sương mù ở cuối chân mây cũng dần tan trong đêm tối, và những ngọn hải đăng đang thắp sáng mối tình của một thuở rất xa xưa.


Nguyễn Thị Huyền Xưa

Nguồn Trẻ

(*) Nguyễn Tất Nhiên
(**) Nguyễn Xuân Thiệp
(***) Hoàng Định Nam

 
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn