BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73362)
(Xem: 62246)
(Xem: 39434)
(Xem: 31178)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Lời Cám Ơn Muộn Màng

14 Tháng Bảy 201512:00 SA(Xem: 1451)
Lời Cám Ơn Muộn Màng
55Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
55
Nhân mùa lễ Tạ Ơn của Hoa-kỳ, tôi xin ghi lại một câu chuyện nho nhỏ như một lời cám ơn gửi đến vị ân nhân ẩn danh của tôi. Vị ân nhân này đã làm đại ơn đại phúc cho tôi và các bạn cách đây đã 28 năm mà chúng tôi không hề biết danh tánh. Tôi xin thay mặt nhóm anh em đã chịu ơn của vị ân nhân nầy để ghi lại câu chuyện như một bổn phận, như một lời cám ơn, dù rất muộn màng.

Cách đây 28 năm, khoảng giữa tháng Sáu năm 1981, 15 anh em chúng tôi mà hầu hết là cựu Đại úy của QLVNCH, được gom lại và sắp xếp cho ở riêng một “lán” tại trại Cải Tạo Z-30A Hàm Tân. Ban Quản đốc trại cho biết là đáng lẽ chúng tôi được trao trả về địa phương quản lý ngay, nhưng vì nhu cầu sản xuất của trại chưa đạt chỉ tiêu nên lưu giữ chúng tôi lại một vài tháng để tiếp tục “lao động sản xuất” cho trại. Hằng ngày, vệ binh dẫn chúng tôi đi rất sâu vào Rừng Lá để tìm những cây buông còn có lá non, chặt xuống, mang về nộp cho trại bán ra ngoài cho các cơ sở làm nón hay làm túi xách. Có cơ hội hỏi han nhau trong lúc đi lao động, mới biết 15 người chúng tôi đa số đã có thời là giáo sư Trung học trước khi nhập ngũ, hoặc một vài anh em, theo bản tự khai lý lịch, được cho là thông thạo ngoại ngữ như trường hợp của tôi trước đây có thời gian làm giáo sư Tiểu Chủng Viện và sau đó có cơ hội qua du học tại Hoa-kỳ. Ban Quản đốc trại cho biết là chúng tôi được xét tha về nộp đơn cho Hội Nhà Giáo Yêu Nước để xin đi dạy học. Tin tức thông thạo của một số anh em rỉ tai cho biết là các trường Trung học rất thiếu giáo sư, nhất là giáo sư sinh ngữ, vì trong khoảng thời gian nầy, nhiều vị giáo sư có khả năng đã lần lượt vượt biển đi tìm tự do.

Đến giữa tháng 11, 1981, vào lúc 3 giờ chiều một ngày không có nắng, chúng tôi mới được phát tờ “Giấy Ra Trại” trong đó ghi rõ điều kiện về trình diện các cơ quan công an địa phương và chịu “quản chế” ba năm, đồng thời sắp xếp để đi lao động dạy học.



Cầm được “Giấy Ra Trại” và một số tiền nhỏ không đủ trả tiền xe về nhà, chúng tôi như chim vỡ tổ, chạy như bay ra Quốc Lộ 1 để đón xe về Sàigòn sum họp với gia đình. Rất tiếc là vào giờ đó, xe đò từ Miền Trung vào thật thưa thớt và nếu có thì đã đầy ắp người, tài xế không muốn ngừng xe đón thêm một đám người ăn mặc rách rưới, thân thể gầy còm, đi đứng xiêu vẹo nữa. Chúng tôi đang đứng tần ngần không biết toan tính thế nào thì giọng một người đàn bà từ phía bên kia đường vọng sang:

-Giờ nầy hết xe đò Miền Trung rồi, các ông cải tạo ơi !

Thất vọng, chúng tôi vội vàng khăn gói bước qua bên kia Quốc lộ 1, theo chị đàn bà đi theo con lộ nhỏ dài khoảng 15 mét dẫn đến một xóm nhà có mái lợp lá hoặc lợp “tôn” gồm khoảng 30 căn, dường như được vội vàng dựng lên trên giải đất lầy lội nầy.

Xóm nhà nầy có lẽ cũng là nơi tạm trú cho thân nhân mỗi lần có “thăm nuôi”. Ngay chính giữa xóm là một cột cờ phe phẩy lá cờ máu, cờ đỏ sao vàng, lá cờ của một chế độ đã đày đọa chúng tôi và dân tộc Việt-Nam trong suốt bao nhiêu năm qua. Cuối miếng đất là một ngôi chợ nhỏ có ba bốn cái sạp trống không, xiêu vẹo. Chúng tôi tạm thời chia nhau ngồi bệt trên đất và trên những chiếc sạp đó.

Người đàn bà, nhìn kỹ, độ bốn chục tuổi, không son phấn, nước da sạm nắng, khuôn mặt ưa nhìn, ăn mặc tươm tất có vẻ là dân thành thị khác với cách ăn mặc lam lũ của dân chúng địa phương mà chúng tôi thường ngày bắt gặp trong khi đi lao động trong rừng sâu. Chị lên tiếng:

-Các anh đi theo tôi, may ra có xe cho các anh về Saigòn.

Chúng tôi vội vàng đứng lên và bước theo chị đến một căn nhà lợp “tôn” ngay phía sau cột cờ. Nhìn kỹ mới thấy một tấm bìa cứng treo phía ngoài cửa chính, trên đó có hàng chữ viết nguệch ngoạc “Trụ sở Ủy Ban Nhân Dân Xóm”.

Chị đàn bà bước vào trụ sở, nói chuyện với một người đàn ông đứng tuổi, hói đầu, có vóc dáng nhỏ thó, có cặp mắt láo liên thù nghịch nhìn chúng tôi không ngừng. Chị nói:

-Ông Chủ tịch làm ơn giải quyết giùm để có xe đưa các anh cải tạo nầy về Thành phố.

Giọng ông Chủ tịch the thé:

-Chị bảo tôi làm sao đây? Tôi đã nói với chị giờ nầy hết xe đò Miền Trung rồi. Thôi, tạm thời bảo họ nghỉ đâu đó chờ đến sáng mai sẽ giải quyết.

Giọng người đàn bà vừa năn nỉ vừa ra vẻ hăm dọa để làm áp lực:

-Ông Chủ tịch quên là xóm ta còn có một chiếc xe chở hàng đang nằm ì ở phía cuối xóm. Nếu ông chủ tịch “động viên” được anh tài xế chở các anh nầy về Thành phố thì tôi sẽ bao nguyên chuyến cả lượt đi, lượt về và xăng nhớt. Ông còn nhớ không, năm ngoái, nghe lời ông kêu gọi, tôi đã giúp tiền bạc cho ông để lập thành tích lớn là dựng được ba lớp học cho xóm ta. Ông cũng biết mấy người nầy vừa ở trại cải tạo ra, quá khứ của họ cũng “ghê” lắm. Chế độ ta đã đẩy họ vào con đường cùng, việc gì mà họ không dám làm. Nếu để cho họ vừa đói vừa khát ở lại la cà trong xóm đêm nay, có chuyện gì không hay xảy ra thì liệu ông chủ tịch có gánh nỗi trách nhiệm nầy hay không ?

Người đàn ông xuống giọng, kỳ kèo sau một hồi đắn đo:

-Thôi, cũng được, tôi sẽ làm theo yêu cầu của chị, nhưng chị phải đài thọ luôn tiền ăn uống cho tài xế và chị phải trả tiền trước ngay bây giờ.

Sau một hồi to nhỏ dường như điều đình giá cả cho hai lượt xe và trả tiền, lão chủ tịch lên tiếng:

-Chị nói với họ ra ngồi sẵn trên xe, không được đi lại, dòm ngó “linh tinh”. Tôi sẽ cho gọi tài xế.

Không đợi nhắc nhở lần thứ hai, chúng tôi lếch thếch đi về cuối xóm, nơi có chiếc xe chở hàng thuộc loại “mini bus” sơn màu vàng đang đậu. Vì là xe chở hàng nên lòng xe còn vướng vất mùi cá tươi và nước mắm và dĩ nhiên không có ghế ngồi. Người đàn bà đăm đăm nhìn chúng tôi lần lượt bước lên xe, khuôn mặt rạng rỡ tươi cười:

- Lát nữa đây tài xế Sơn sẽ chở các anh về đoàn tụ với gia đình. Chúc các anh thượng lộ bình an và vui hưởng tự do với gia đình.

Chúng tôi nhìn chị mà lòng lâng lâng nghẹn ngào, mỗi người chỉ biết thốt lên “Cám ơn chị” dù không biết người đàn bà làm đại ơn đại phúc cho mình tên gì. Đôi mắt của chị ngấn lệ nhìn chúng tôi, gật đầu.

Tài xế Sơn là một thanh niên khoảng ngoài bốn mươi, gật đầu chào chúng tôi rồi rồ máy cho xe tiến ra Quốc lộ 1 hướng về Saigòn. Tài xế Sơn ít nói, có lẽ trước đám người lạ mặt nầy, không biết phải mở đầu câu chuyện như thế nào. Lòng xe im lìm, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ, một dự tính khi lần đầu tiên được tự do sum họp với gia đình sau bao năm trời xa cách. Chỉ có tiếng chiếc xe mệt nhọc ì ạch lăn bánh trên đường nhựa gập ghềnh. Chỉ có tiếng thì thào to nhỏ giữa một số anh em quen biết nhau từ trước. Qua khỏi đoạn đường Rừng Lá, tôi lần mò nhích lên phía sau tài xế và gợi chuyện:

-Anh Sơn có biết tên người đàn bà đã thuê bao chuyến xe nầy hay không ?

Sơn chậm rãi trả lời:

-Em không biết tên của chị, chỉ nghe mọi người gọi là Chị Tư. Nghe đâu chồng chị trước là Thiếu Tá trong Quân Đội Miền Nam, đã chết trong một trại cải tạo ở Miền Bắc. Chị có một người em ruột là Đại Úy cũng chết bệnh trong trại Hàm Tân nầy. Chị hình như có nhà ở Saigòn, nhưng ra buôn bán ở đây, rất sốt sắng giúp cho việc xây dựng xóm và giúp đỡ các anh cải tạo được tha về lẻ tẻ trong các đợt trước đây. Chị đi ngược về xuôi buôn bán kiếm đồng tiền cũng vất vả lắm, là bạn hàng thường xuyên của em nên em biết, nhưng rất rộng rãi trong việc giúp đỡ người khác. Hồi nãy chị có giao cho em một số tiền đã đổi sẵn tiền lẻ, nhờ trao lại cho các anh để đi xe ôm hoặc xích lô về nhà. Nhờ anh cầm lấy chia đều cho các anh theo lời chị Tư dặn. Xe em chỉ vào đến Bình Hòa, Gia Định là ngừng cho các anh xuống, rồi quay trở về Hàm Tân. Xe em không có giấy phép chạy trong Thành phố.

Tôi chuyển gói tiền lại cho các anh em phía sau, rồi tiếp tục gợi chuyện với Sơn. Sơn cho biết trước đây anh là lính Địa Phương Quân, sau 1975 làm nghề tài xế để sinh sống, và vì tính tình dễ dãi, không câu nệ giờ giấc nên Sơn được lão chủ tịch thuê làm tài xế lái xe chở hàng cho lão. Sơn nói tiếp:

-Hằng ngày thấy các anh đi lao động vất vả, ăn mặc rách rưói, ăn uống kham khổ, ai thấy cũng ứa nước mắt, nhưng biết làm gì hơn dưới chế độ hà khắc nầy. Khi nghe Chị Tư cho biết muốn em chở các anh về Thành phố là em bỏ mọi việc nhà, tức tốc đi ngay. Tội nghiệp Chị Tư, em chưa hề thấy ai có lòng thương người như chị. Vừa sốt sắng lại vừa tỉ mỉ. Có lẽ chị thương chồng, thương em nên thương lây cả các chiến hữu của chồng, của em mình. Nghe đâu chị đã lo cho con cái vượt biên trót lọt hết, còn chị thì không có ý định hoặc có ý định mà không dám nói ra.

Nghe những lời Sơn kể về Chị Tư mà lòng tôi nghẹn ngào nói không nên lời, chỉ biết âm thầm cầu xin cho Chị đạt được như ý những điều Chị ước mong. Trời chắc chắn sẽ không phụ lòng những người tốt như Chị.

Về đến địa giới Gia Định thì trời đã chập choạng tối, đường đã lên đèn. Sơn ngừng xe lại tại một khúc đường vắng để chúng tôi xuống xe. Không ai bảo ai, mỗi người cầm nắm tiền Chị Tư cho trong tay, bắt tay Sơn và nhờ Sơn chuyển lời chân thành cám ơn đến Chị Tư.

Câu chuyện có thật nầy lần đầu tiên được kể lại một cách ngắn gọn theo trí nhớ tàn lụi của một người chịu ơn. Những cảm xúc chân thành ban đầu và nhiều chi tiết cảm động khác của món nợ ân tình nầy đã bị thời gian xóa nhòa theo tuổi đời. Tôi tự nghĩ đây là bổn phận mà tôi đã lơ là trong gần 30 năm qua. Tôi thật có lỗi với người ân nhân của mình. Nhân Mùa Lễ Tạ Ơn năm nay, tôi xin ghi lại để một lần nữa công khai bày tỏ lòng “Cám Ơn Chị Tư” và cầu mong cho Chị và gia đình Chị tìm được hạnh phúc chân thật trên miền đất Tự do nầy hoặc ở một vùng đất nào đó đang quằn quại trên Quê Hương Việt-Nam thống khổ của chúng ta.

Hoàng Đình Cảnh

Mùa Lễ Tạ Ơn 2009
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn