BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73213)
(Xem: 62209)
(Xem: 39386)
(Xem: 31146)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Lòng Hồ Sông Mực

07 Tháng Bảy 201512:00 SA(Xem: 3123)
Lòng Hồ Sông Mực
53Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
53
Trích "Hồi Ký Người Lính Tổng Trừ Bị"

Mặt trời đang dần dần dịu mát và hiền hoà ẩn mình sau rặng núi thuộc tỉnh Thanh Hóa, đàn chim tung cánh bay về tổ. Từ trong rừng từng toán người túa ra, đây là những đội thuộc các phân trại tù cải tạo Ái Tử, quản trị bởi đoàn 76 tỉnh Bình Trị Thiên. Họ nối đuôi nhau với rựa, búa, rìu ngã dài trên vai, gương mặt mệt mỏi, lê những bước chân xuyên qua vùng cây rừng đã bị chặt hạ nằm ngổn ngang trên mặt đất. niềm vui duy nhất trong ngày của họ là khi anh đội trưởng ra lệnh dừng tay, và chờ đợi, đến khi anh thi đua đo diện tích tuyên bố hoàn tất diện tích ấn định. Những đội không đạt định mức, phải cố gắng ở lại làm thêm cho đến khi nào xong, theo khẩu hiệu của cộng sản “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm”, một chén cơm độn bắp cho buổi trưa đã tan biến ngay sau khi vào thực quản, trong hoàn cảnh này mới hiểu được đầy đủ ý nghĩa của hai chử Cơ Hàn tức là đói và lạnh, giờ phút này sức như đã hết mà phải làm thêm, cùng tâm lý chán nản của cảnh tù không bản án mà chế độ cộng sản đã áp đặt lên toàn thể Quân, Cán Chính miền Nam Việt Nam.



Cứ mỗi buổi sáng sớm trong không khí lạnh cóng của núi rừng Thanh Hóa, tiếng kẻng đã bắt người tù trổi dậy, tiếp nối một ngày mới. Trong mỗi nhà (lán) đều có đốt lửa để sưởi ấm từ 6 giờ tối, mỗi người tù phải thay phiên trực gác một giờ, có nhiệm vụ quan sát anh em ngủ và đốt củi. Trời tháng Chạp, ngồi bên đống lửa, phía trước ngực thì ấm, nhưng phía sau lưng lại lạnh, những anh em không ngủ được ngồi hút thuốc lào, hai bàn tay hong lửa nên người khét mùi khói. Phần lớn nằm co lại như tôm, trằn trọc, uống nước đầy bao tử đề cố gắng tìm được giấc ngủ qua đêm chỉ đôi ba giờ cũng là khó.

Trong cảnh khổ cực thời gian như a tòng trôi qua thật chậm chạp, nhưng ngược lại, bên ngoài lán, tầm nhìn càng lúc càng xa hơn vì rừng bị những người tù chặt hạ, đẩy lùi ra với tốc độ nhanh, bù lại hình hài của họ càng lúc càng ốm, sức lực càng yếu đi, bước chân là đà sát đất, hầu hết những người tù không còn sức để gượng lại, thường bị té nhào xuống khi vấp phải dây rừng nhỏ bò sát mặt đất. Họ nhìn tình trạng của người bạn mình để suy gẩm cho bản thân..

Sau khi chiếm toàn bộ miền Nam, đoàn 76 tỉnh Bình Trị Thiên di chuyển các trại tù binh ở Ta Cơn (hướng Tây Bắc phi trường Khe Sanh với hai giờ đi bộ), về khu vực căn cứ Cồn Thiên xưa, dựng nhà mới, phát quang trồng trọt, khi mọi việc đang phát triển tốt đẹp thì đoàn 76 sát nhập các tù binh, phần đông từ mặt trận Thuận An đến trại tù vùng Ái Tử gần thị xã Quảng Trị. Tùy theo chức vụ hay cấp bậc, những quân cán chính miền Nam nay trở thành Tù Tàn Binh bị đưa vào các trại 1, 2, 3, 4 và 5.

Theo chính sách khoan hồng của Chính Phủ cộng sản để kêu gọi Quân Cán Chính của Việt Nam Cọng Hòa tự ra đầu thú thì thời gian gọi là học tập cải tạo khoảng vài tuần, và tối đa 3 năm. Vì là một chính sách của Chính Phủ nên nó tạo được niềm tin cho những người trình diện, ngậm đắng nuốt cay, cố gắng vượt qua những ngày tù khổ sai, đói khát để có chút hy vọng mong manh trở về với gia đình, vô chồng con cái cực khổ bên nhau.

Trong buổi tối sinh hoạt tại hội trường trại 3 Cồn Thiên để giải tỏa những thắc mắc cho anh em trình diện, cán bộ chính trị viên Hiệp sau khi đấu tố Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà với những gì xấu xa nhất, đã dõng dạc cho biết

- Các anh nói với gia đình coi như các anh đã chết ở Thuận An hay một nơi nào khác rồi, đừng có mong đợi gì cả. Các anh nghe rõ chưa.

Phần đông những tù binh tại mặt trận Thuận An thuộc Lữ Đoàn 147 Thủy Quân Lục Chiến, với khoảng 3000 quân nhân, sau khi chuyển cấp Hạ Sĩ Quan và Binh Sĩ đi Nam Đông còn lại khoảng 200 Sĩ Quan, nhóm người này dửng dưng, không màng gì đến thời gian. đó là lính mũ xanh mà người Cộng Sản cho là thành phần Ác Ôn, có nhiều nợ máu với chế độ, với nhân dân, đánh phá cách mạng, làm chậm trể công cuộc giải phóng miền Nam của cộng sản.

Đây cũng là lúc Quân Cán Chính miền Nam phải chịu đựng những đớn đau về thể xác cũng như tâm hồn do sự vận động đấu tố của cộng sản qua bảy bài học chính trị tập trung vào chính phủ cùng Quân Lực Việt Nam Cọng Hòa, và chính phủ Hoa Kỳ; ngược lại người cộng sản luôn luôn đề cao vai trò của Trung Quốc, Nga Sô và các nước chư hầu. Người tù bị bắt buộc phải tuân theo cái lập luận một chiều, cái mẫu mực rập khuôn từ người lãnh đạo đảng cộng sản cho đến anh cán bộ thấp nhất.

Sát nhập về trại Ái Tử, nơi đây tập trung những quân cán chính trình diện gọi là học tập cải tạo, hầu hết biết rõ và đọc hết chính sách khoan hồng trên báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của đảng và chính phủ cộng sản. Tại nơi đây việc làm có tổ chức quy củ, phân chia và kiểm soát định mức, mà cộng sản gọi là "cân đo đong đếm", sức khỏe tương đối nhờ vào những hy sinh vô giá của gia đình, dành dụm, hoặc bán dần những gì có trong nhà, để có tài chánh đi thăm viếng, bới xách thức ăn bù vào sự phân phối thực phẩm quá thiếu thốn của nhà tù cộng sản.

Tháng 10 năm 1977, các phân trại tù tổ chức những buổi sinh hoạt, hô hào khẩu hiệu để khích động sự tham gia nhiệt tình của người tù.

- Các anh là những thành phần học tập tiến bộ, Trại đã lựa chọn, không phải ai cũng được tham gia "Lao Động Xã Hội Chủ Nghĩa" ở miền Bắc, vì chỉ có người tốt mà thôi, khi xong công việc các anh sẽ trở về trong Vinh Quang.

Những lời hô hào này gúp người tù thêm hy vọng, gắng hết sức tối đa làm việc, để sớm hoàn thành công tác sắp tới mà người tù ao ước thấy được ánh sánh ở cuối đường hầm là trở về cùng gia đình, phải chăng đó chính là giây phút Vinh Quang dành cho người tù cải tạo tốt.

Những đoàn xe Molotova được bao phủ kín mít chở những người tù trai trẻ, khỏe mạnh đến thị trấn Đô Lương trên quốc lộ 7, nhiệm vụ đào vét lòng kinh Mụ Bà, Hai bờ kinh là vách đá, phải đào bằng cuốc chim, đôi khi những mãnh đá nhỏ sắt bén văng ra chạm vào thân thể người tù, nhìn máu rướm trên làn da xạm nắng, họ đau xót với máu chảy ra làm sao có chất bổ dưỡng tạo ra thay thế. Nghĩ thân phận người tù không bản án, chỉ được một ít cơm mà phải trộn chung khoai mì khô sắc lát, bắp hoặc toàn những hạt lúa mì bo bo dai như cao su, nuốt vào bao tử, rồi sau khi phân hóa thải ra có những hột còn nguyên vẹn. Người tù dùng ống tay áo quẹt mồ hôi trên mí mắt, chuyền những ky đựng đá từ dưới lòng kinh lên mặt đất cao.

Trong giờ nghĩ giải lao, anh em các trại tù tìm cách gặp nhau hàn huyên, thăm hỏi, những câu chuyện vui tạo nụ cười trong cảnh đời héo hắt. Dăm phút tâm sự tràn đầy tình cảm, tạo thêm nhiều nghị lực trợ giúp mọi người vượt qua bao bất trắc đang ẩn hiện phía trước.

Xong công tác vét kinh, các phân trại tù khởi hành với những giờ khác nhau, đi bộ trên hai chục cây số đến nhà ga ở Diển Châu, chờ đợi và lên xe lửa chuyên chở hành khách (tàu chợ) ghé từng ga nhỏ.Người tù xuống ở Nông Cống. lầm lủi trên con đường rãi rác những nhóm người dân địa phương, áo quần lam lũ, nhóm đang xẻ đá, nhóm đập nhỏ và xếp lại từng khối, vải che khắp người tránh xây xát cho cơ thể, chỉ còn chừa lại đôi mắt. Họ ngồi dưới mái che tạm nhỏ phủ giấy báo, hoặc nhánh cây bên cạnh chiếc ấm nước củ kỷ bằng kim loại , đôi mắt liếc nhìn đoàn tù, nhưng nào ai đoán biết họ đang nghĩ gì vì gương mặt bị phủ kín.

Người tù đi qua những cánh đồng chuẩn bị vào mùa, chỉ thấy toàn phụ nữ cùng trẻ em đang cuốc và cày đất, có thể đàn ông, thanh niên là thành phần ưu tú thích hợp cho chiến trường nơi xứ Chùa Tháp Cam Bốt. Hai bên đường toàn là những khẩu hiệu hô hào về công trình Lòng Hồ Sông Mực mà chính quyền tỉnh Thanh Hóa đang phát động. phá rừng, đấp đập thủy điện đem ánh sáng đến thôn quê.

Vượt qua vùng Như Xuân, tập trung sinh hoạt của người dân miền núi, có quán bán nước lá vối, ít kẹo bánh và ống thuốc lào, một số phục sức như người sơn cước. Đoàn tù phân trại 1 Ái Tử theo con đường đất mới ủi thẳng vào rừng. Càng vào sâu thì đây là khu rừng già, cây cao, che khuất bầu trời, Con đường phát dọn sơ sài, những chổ rậm rạp, chiều rộng độ chừng bằng bề ngang hai chiếc xe molotova, và chiều cao hơn một thước cách mui xe. Trời chạng vạng tối thì có lệnh dừng chân. Chổ ở tạm cho người tù với những tấm nylon phủ trên các cây đà mà người tù phải cúi khom người xuống. Cả ngày di chuyển mệt mỏi, nên sau khi được chỉ định vị trí, mọi người ngả vùi trên mặt đất . Ngày hôm sau được phân phối vài cây rựa phát dọn chung quanh, giúp toán nhà bếp dọn dẹp, khiêng vác thực phẩm, dụng cụ nấu ăn và chặt những nhánh cây nhỏ có nhiều lá rải ngay chổ nằm.

Tuần đầu phát dọn khoảng đất trống, đốn ngã những cây to, chặc cột, mun, nứa và bắt đầu dựng lán (nhà dựng sơ sài bằng tre nứa để ở tạm). Gần khu vực lán nấu ăn có con rạch nhỏ, nước có màu giống như nước trong rừng tràm U Minh ở Rạnh Giá, Cà Mau. Một số anh em đan rổ, khi hết giờ làm việc, xuống rạch xúc ốc, may mắn được thêm vài con cá nhỏ, sau đó tới nhà bếp xin nước uống trong chảo nóng, đem về chổ ngủ, bỏ tất cả vào. Một ngày vui có chất đạm bồi bổ cho cơ thể.

Bộ đội giữ tù thỉnh thoảng ném Beta, lựu đạn của Trung cộng xuống rạch để giết cá, họ dùng mùng kéo bắt hết một đoạn dài. Vài hôm sau, một anh tù vớt được con cá ươn, anh mừng rỡ dấu đem về chổ ở thì có lệnh mang cá lên khung (nhà chỉ huy của trại tù) trình diện. Bộ đội bắt anh phải nuốt sống hết con cá đó rồi mới cho trở về. Tội nghiệp bạn bè đã giúp anh ói ra hết pha lẫn ít mật xanh. Thường vớt được cá chết, người tù đem nướng chín, tuy thịt có mùi, nhưng cũng tạm có miếng ăn và không thấy ai bị phản ứng nào của bộ tiêu hóa cả. Chiều ngày hôm sau lúc trở về chổ ngủ, tất cả rổ rá và những gì có thể giúp người tù kiếm thêm thức ăn đều bị tịch thu và thiêu hủy.

Một buổi họp phổ biến cách chặt hạ cây như gốc không cao quá 5 phân, kỷ thuật định hướng cho cây ngã, chặt mở miệng, la lớn báo cho mọi người chú ý trước khi chặt dứt gáy, băm trụi cành lá sau khi cây nằm trên đất...Rừng Thanh Hóa đặc biệt có Lim một loại gổ có lõi thật cứng và nặng, thêm vào đó Trường Mật cũng không kém. Nhiều gốc Lim to bằng hai người ôm, gần trên ngọn có làm chòi canh, có lẽ để quan sát hướng bay của phi cơ oanh tạc Hoa Kỳ trong năm 1971 và 1972. Hầu hết lưỡi búa, rựa, do công trường cung cấp, đều bị cong. Toán thợ rèn của trại tù làm việc ngày đêm để làm dụng cụ từ những cây thép nhỏ dùng nối liển hai tầm sắt lót phi đạo dã chiến ở phi trường Ái Tử.

Toán nấu bếp nhận thực phẩm vào mỗi buổi sáng, hai người tù gánh cao cái cân xách, bên dưới móc bao bố đựng thực phẩm, bộ đội giử kho kéo mạnh quả cân trên cán từ trong ra ngoài, khi thấy đầu cán cân gục xuống, vội chụp ngay rồi đọc nhanh trọng lượng. Thực phẩm quá ít, mà lại làm việc nặng nhọc chặt phá rừng, đã không đủ ăn lại thêm bị phân phát gian lận nên cuộc sống người tù ở sông Mực càng ngày càng thê thảm. Một chén cơm lưng độn bắp, canh là lá tàn bay luộc với nước pha muối, hoặc một miếng bột mì luộc, mỏng và to bằng lòng bàn tay. Vì bánh luộc quá nhỏ nên sau đó thay thế bằng bánh canh bột mì, dù thay đổi hình thức tưởng như nhiều, nhưng thưc tế là xác bột và nước không làm sao phân chia đồng đều được, dù sao giúp cho bộ tiêu hóa hấp thụ nhanh chóng và cảm thấy mau đói hơn.

Không ai quên được vào lúc chạng vạng Tết Mậu Ngọ 1978, cán bộ trên khung cho lệnh người tù đưa tiền cho đội trưởng để mua bánh bồi bổ cơ thể, Trong rừng vào đêm trừ tịch trời tối đen, chỉ có ánh sáng lập lòe của đom đóm, chờ đợi và háo hức, khi được nhận bánh, vì quá đói nên có người ăn ngấu nghiến, có người nhai chậm rãi kéo dài thời gian thưởng thức vì sợ nó tan biến quá nhanh, vài anh mua phụ trội thêm từ những bạn không có tài chánh, cất trong túi để dành cho hôm sau. Lần đầu tiên từ ngày ra Bắc người tù có được một giấc ngủ ngon .

Âm thanh nôn mửa làm mọi người mở mắt, trong ánh sáng nhợt nhạt ban mai, một anh tù đang cố gắng thọc ngón tay móc vào cổ họng để nôn tháo hết thức ăn, bên cạnh túi ba lô miếng bánh in mốc xanh mới mua tối hôm qua, tất cả bánh của các anh để dành đều cùng chung số phận.

Mỗi buổi sáng người tù co ro, tiến vào vùng chặt hạ, tiếng lộc cộc phá tan khung cảnh tĩnh mịch của núi rừng, mồ hôi rịn ướt lưng, những khi dừng nghỉ để thở, các ngón tay co quắp, phải kéo từng ngón duỗi thẳng ra thật khó khăn, người tù thường chà xát vào nhau tạo hơi ấm trong lòng bàn tay, có người phun nước miếng vào đó như một thói quen, hay sự ẩm ướt giúp giử chặt vật dụng hơn.







Trong lúc phá rừng, không một sinh vật nào có thể sống sót khi bị người tù phát hiện. Một con cheo chạy thật nhanh cũng bị chém chết, một con khỉ nhỏ rớt xuống đất, hai bàn tay luôn luôn bịt mắt lại, không phản ứng ngay cả lúc bị người tù bỏ vào lửa nướng, thật tội nghiệp, đúng thật như tên gọi con Cù Lần. Nào mật ong ruồi, nào sóc, tắc kè, cắc ké, kỳ nhông, rắn, cóc, nhái trong những hố nhỏ lấp xấp nước mưa, thỉnh thoảng có cây đầy trái giống như cà na vị chát, tất cả giúp cho người tù được tồn tại. Trời mưa ẩm ướt, một loại nấm trắng, nhỏ mọc trên thân cây được người tù rửa sạch với nước sôi và dùng trộn chung phần ăn buổi tối. Người tù ăn nhằm trứng cóc bị trúng độc chết, người tù quá cùng khổ, không còn ý chí tự treo cổ trên cành Lim, một số tai nạn như gảy tay, tét đầu, sây sát chảy máu thường xuyên tại nơi làm việc.

Tùy theo đường kính, loại gổ tốt hay xấu, thân cây được cắt đoạn theo kích thước ấn định và từng toán hoặc làm nài gánh, hay kề vai khiên chất thành từng đống cho công trường, sau đó đốt cành lá, thu dọn sạch sẽ vào mỗi sáng chúa nhật, một số bạn xử dụng rìu chuyên nghiệp được đội tuyển lựa đi chặt hạ những cây cổ thụ cao, to, nhánh sum sê còn để lại vì sự an toàn lúc cây ngã.

Những danh mộc được cưa xẻ thành từng tấm ván, và tất cả cũng được vận chuyển ra khỏi khu vực ngay sau đó. Địa thế lồi lõm của rừng núi nên sự đo đạt không được chính xác, cho đến khi chạm vào lằn mức cuối cùng của công trường, mới biết công tác đã hoàn tất sớm hơn thời gian ấn định. Ngày Vinh Quang trở về Ái Tử đúng theo lời cán bộ cộng sản hô hào trước ngày lên đường ra Bắc, làm người tù mơ ước dù thân xác rã rời, nhưng còn chút niềm tin mỏng manh chờ đợi vào ngày mai. Lần lượt các phân trại tù được chở xuôi Nam, Đoàn xe Phân trại 1 tù Ái Tử đến Quỳnh Lưu rồi quẹo phải theo con đường về Thị trấn Quỳ Châu, Quỳ Hợp. Những chiếc xe đò chở hành khách lên miền núi hoặc trở ra quốc lộ 1, lúc vượt qua mặt, đã thảy vào người tù trái cây và bánh kẹo, đó là niềm an ủi giúp người tù như chiếc xe ọp ẹp rán bò lên dốc núi ngoằn ngoèo trước mặt mà ngày về Vinh Quang như ảo ảnh ở mãi tận cùng phía sau.

Trại 1 tiếp tục công việc tại Nghĩa Đàn, các trại khác đến Nam Đàn hay một vùng nào đó của Nghệ Tỉnh (Nghệ An và Hà Tỉnh) đang cần sức những người tù để khai phá đất hoang .

Giang văn Nhân


 
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn