BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 76794)
(Xem: 63140)
(Xem: 40542)
(Xem: 32170)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Nguồn nước của chính mình

17 Tháng Sáu 201512:00 SA(Xem: 1118)
Nguồn nước của chính mình
50Vote
40Vote
31Vote
20Vote
10Vote
31
Nhiều ngày sau khi niềm tự hào về một sản phẩm công nghệ của Việt Nam được dấy lên, Bphone – điện thoại của công ty BKAV ra đời – đã vấp phải nhiều nghi vấn về chuyện loại hàng đó có thể được nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng dán nhãn Việt Nam.

Thậm chí, một bức thư của BKAV Corp gửi đến hãng BYD Corp (Trung Quốc), nơi sản xuất loại các kiểu điện thoại như Bphone hiện nay, để xin tìm hiểu về việc đặt hàng bị tiết lộ trên mạng www.saom.net.cn khiến nhiều người lại thêm xôn xao. Theo thư của BKAV, việc tìm hiểu đặt hàng nhằm vào loại vỏ điện thoại do Trung Quốc sản xuất, trong khi trước đó BKAV từng ca ngợi ngay cả vỏ điện thoại, Bphone sẽ được sản xuất bằng công nghệ CNC vào tầm hiện đại nhất thế giới. Rất nhiều chi tiết khác thú vị như vậy, người ta cũng có thể tìm thấy ở trang facebook của anh Nguyễn Ha lúc này.

Trái với một chiến dịch quảng bá rầm rộ tốn kém đến 10 tỷ đồng, những nhà quản lý của Bphone đã im lặng không giải thích về “siêu phẩm hàng đầu thế giới”, ngay trên trang chủ của họ. Có thể tin đồn không đúng, nhưng sự tảng lờ đó khiến cái “nhất” của Bphone làm không ít người bị tổn thương. Đặc biệt với hàng triệu người Việt say men trong phong trào chủ nghĩa quốc túy.

Một lần nữa, niềm đam mê về những cái “nhất” trong đất nước này lại vấp phải những điều khó hiểu, và không thể trách nổi vì sao sự phản ứng ngày càng nhiều trong các bài viết phân tích về công nghệ, những nhận định cá nhân của người tiêu dùng trên các trang mạng xã hội.

Có lẽ BKAV đã đúng, vì trước khi tung ra một sản phẩm của mình, đã đánh trúng là trào lưu mê đắm cái “nhất” của đám đông đang tự huyễn hoặc mình, bằng những cái nhất không thực tế như nhất về thời trang công nghệ, nhất về trí tuệ, nhất về bóng đá… mà bất chấp những phân tích thực tế đau đớn như năng lực của Việt Nam hiện tại bị tụt lùi đến cả thế kỷ: Trước đây hơn 50 năm, nếu Việt Nam đã bắt tay và sản xuất máy bay và xe ô tô thì hôm nay không gia công nổi một con đinh ốc.

Trong căn bệnh chủ nghĩa quốc túy, người Việt Nam phải là nhất. Ai không đồng ý và phản biện, có thể bị coi như là một kẻ phản quốc. Trong lời tự bạch của một thanh niên ca ngợi BPhone, anh này nói rằng anh đã ném chiếc điện thoại hàng đầu thế giới made in VN vào mặt một người đang chỉ trích nó. Giọng văn đó hả hê và cũng có không ít lời ủng hộ. Và cả nhóm người phô bày sự hãnh diện đó cũng không cần biết một nguyên tắc căn bản của con người khao khát muốn bước vào thế giới của cái “nhất” là cần sự đồng thuận của đám đông chứ không phải cưỡng bức bằng bạo lực cho điều mình muốn.

Chủ nghĩa quốc túy tự nó không xấu, nhưng chạy theo nó như một loại thời trang và hoang tưởng thì là một căn bệnh. Người Nhật tự mình dọn rác sau một trận đấu vì tính cách và lòng kiêu hãnh của quốc gia, chia sẻ nhau miếng ăn và nước uống sau động đất vì tinh thần tự trọng của dân tộc. Nhưng nếu bắt chước dọn rác vì muốn được khen là văn minh, nhưng sau đó không ngại dẫm đạp nhau dành món quà khuyến mãi, cướp hàng của kẻ khó, ngã trên đường chính là những bài giải ảo về một thứ chủ nghĩa quốc tuý thời trang.

Năm 2003, vài ngày trước khi Mỹ tấn công vào Baghdad, đã từng có hàng trăm ngàn người xuống đường biểu tình, thề sẽ sống chết cùng ông Saddam Hussein, nhưng khi những binh sĩ thuỷ quân lục chiến Mỹ đầu tiên đặt chân vào Iraq, thì vô số kể những người biểu tình, hừng hực chủ nghĩa quốc tuý ấy đã bỏ trốn, bao gồm cả những tướng lãnh cấp cao.

Việt Nam có thiếu những cái nhất không, hay bị nhấn chìm trong niềm khoái lạc về cái vỏ văn minh tầm cỡ thế giới?

Có lẽ vẻ quê mùa của 4 người đàn ông ở Đồng Tháp đã không thuyết phục được phong trào chủ nghĩa quốc tuý sang trọng, khi họ chế ra xuồng năng lượng mặt trời, không tiếng ồn, không gây ô nhiễm và là giải pháp quốc gia về vấn đề năng lượng.

Có lẽ chuyện âm thầm cứu người không là vẻ đẹp thời trang, nên chuyện một nông dân ở Thái Nguyên chế tạo được máy trợ thở made in VN, trở thành niềm hy vọng cho hàng ngàn người bệnh nghèo cũng đã không được thương nhớ nhiều.

Có lẽ chuyện ông nông dân ở Bình Dương nhiều năm nghiên cứu về chế tạo trực thăng, rồi được chính phủ Campuchia mời sang tái thiết thành công hàng loạt xe bọc thép, vẫn không là niềm tự hào của tinh thần yêu tổ quốc cần nhiều lấp lánh như hôm nay.

Chủ nghĩa quốc túy – một căn bệnh – là phải phô trương mình và vật thể đi theo mình, có thể mới là đúng điệu. Chủ nghĩa yêu nước không nằm trong trái tim, mà phải cầm trên tay hay mặc chiếc áo và miệng hô to và rưng rưng khóc. Và vì vậy, những điều cần xao xuyến tự hào và “quê mùa” như tổ quốc mình đã có, chắc sẽ dễ bị lãng quên.

Nhiều thập niên trước, Việt Nam từng rơi vào vấn nạn của trào lưu Niệu liệu pháp – một loại cách mạng tự chữa bệnh, trường sinh, khoẻ mạnh nhờ niềm tin uống nước tiểu của chính mình. Sách giảng dạy về niệu liệu pháp lúc đó được in và phát tặng như một thứ tâm đức, trong đó có ghi “không có gì bằng chúng ta uống nguồn nước của chính mình”. Trào lưu đó thịnh hành đến mức nhiều kỹ sư, bác sĩ cũng tham gia và ca ngợi trên các báo. Nhưng rồi trào lưu đó tàn dần vì không mấy ai có thể đủ ảo tưởng để nhắm mặt, bịt mũi uống nguồn nước của chính mình như vậy dài lâu.

Người Việt rồi cũng cần đến lúc chọn một tình yêu và niềm tin tinh khiết cho mình, chứ không thể bịt mũi và nuốt mọi thứ, tảng lờ những điều thiết thực, thật sự quý giá nhất quanh mình.

Tuấn Khanh

Nguồn Blog Tuấn Khanh

—————————-

Tham khảo:
http://m.made-in-china.com/product/746765035

http://www.saom.net.cn/inquiry/bkav_corp_send_to_byd_corp-d9918742.html
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn