Bản tin VOA nêu ngay ở tưạ đề “Người Việt muốn phương Tây giải quyết vấn đề biển Đông”... Bản tin VOA viết:
“Đó là kết quả của cuộc khảo sát do Viện Gallup và Hội đồng Quản trị Truyền thanh và Truyền hình Hoa Kỳ thực hiện trong 3 tháng đầu năm 2015.
Theo cuộc thăm dò ý kiến tại 54 trong số 64 tỉnh thành ở Việt Nam, một trong các quan ngại lớn nhất của người Việt ở trong nước hiện nay là vấn đề Biển Đông, và tiếp theo là vấn đề tội phạm và môi trường.
Vấn đề giáo dục và thất nghiệp cùng nạn tham nhũng đứng ở các vị trí tiếp theo trong mối quan tâm hiện nay của người Việt.
Bà Betsy Henderson, Giám đốc Nghiên cứu, Đào tạo và Đánh giá của Đài châu Á Tự do, trực tiếp tham gia cuộc khảo sát tại thực địa ở Việt Nam.
Bà nói tại cuộc họp công bố kết quả khảo sát hôm 10/6: “Chúng tôi có hỏi ý kiến của những người tham gia rằng các quốc gia phương Tây có nên tham gia giúp xử lý vấn đề tranh chấp lãnh hải ở biển Đông thì cả những người dưới và trên 25 tuổi có cùng quan điểm là nên. Hơn 60% cho biết rất đồng tình với ý tưởng này”.
Cuộc khảo sát được thực hiện trong bối cảnh Trung Quốc cấp tập xây các đảo nhân tạo tại các vùng lãnh hải tranh chấp ở biển Đông, khiến nhiều quốc gia lên tiếng phản đối, trong đó có Mỹ.
Hoa Kỳ luôn tuyên bố không đứng về phía nào trong cuộc tranh chấp ở biển Đông, nhưng khẳng định quyền lợi quốc gia đối với tuyến hàng hải nhộn nhịp bậc nhất thế giới tại vùng biển này.
Những tuần gần đây, quan chức Hoa Kỳ đã nhiều lần mạnh mẽ bày tỏ lo ngại về các hoạt động của Bắc Kinh ở biển Đông, khiến nhiều người Việt lên tiếng trên diễn đàn của VOA Việt Ngữ rằng Hà Nội nên ngả về Hoa Kỳ để chống lại những hành động không kiêng nể của quốc gia láng giềng phương Bắc....”(ngưng trích)
Một bản tin khác của VOA ghi nhậnc uộc tiếp xúc với một nhà nghiên cứu chuyên về các vấn đề Đông Nam Á và chính sách của Hoa Kỳ với các nước trong khu vực -- cô Phương Nguyễn, nhà nghiên cứu làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington (CSIS).
Bản tin này ghi về một câu trả lời như sau:
“...Phương Nguyễn: “Tôi nghĩ rằng Việt Nam đã làm khá tốt công tác tự bảo vệ mình trong cuộc tranh chấp Biển Đông. Không có một giải pháp dễ dàng cho cuộc tranh chấp, nhưng Việt Nam đã thực hiện được hai điều. Thứ nhất là quốc tế hoá vấn đề, điều mà Việt Nam vẫn muốn làm, và là điều mà Trung Quốc cực lực chống đối. Về phương diện ấy, Biển Đông đã trở thành một vấn đề hàng đầu trong nghị trình làm việc trên các diễn đàn khu vực, thì chúng ta có thể nói là Việt Nam đã thành công ở một mức độ nhất định. Điều thứ hai mà Việt Nam đã làm được là tăng cường phần nào khả năng của hải quân và không lực Việt Nam. Mục tiêu của nỗ lực này là tăng cao cái giá mà Bắc Kinh phải trả, nếu Trung Quốc dùng biện pháp quân sự chống Việt Nam. Cho nên quốc tế hoá vấn đề Biển Đông và tăng cái giá mà Trung Quốc phải trả là hai điều mà Việt Nam đã thành công ở một mức độ nào đó. Có những người muốn Hà nội đóng một vai trò chủ động hơn, thì vấn đề là làm thế nào Việt Nam có thể làm được điều ấy? Bởi vì suy cho cùng, Trung Quốc là nước láng giềng của Việt Nam, và Việt Nam không có một hiệp định quốc phòng, hay liên minh với một nước lớn nào.”...”
Trong khi đó, báo Thanh Niên ghi phản ứng của Nam Hàn muốn trung lập về Biển Đông. Bản tin TN viết:
“ Trước áp lực từ nhiều nước, đặc biệt là Mỹ, Hàn Quốc đã tuyên bố không đứng về bên nào và giữ quan điểm trung lập về vấn đề Biển Đông, tờ Korea Times ngày 9.6 cho hay.
“Không có sự thay đổi nào trong vị trí của chúng tôi về vấn đề này [Biển Đông] bắt đầu từ tuần trước”, Korea Times trích phát biểu của một quan chức Bộ Ngoại giao Hàn Quốc tuyên bố hôm nay 9.6.
Quan chức này không giải thích gì thêm lập trường của Hàn Quốc về Biển Đông cũng như những đồn đoán từ giới ngoại giao rằng Mỹ gây sức ép lên chính phủ Hàn Quốc, buộc Seoul phải đứng về phía đồng minh lớn nhất là Mỹ và chỉ trích Trung Quốc...”
Có thê hiểu rằng Nam Hàn lạnh cẳng? Hay Nam Hàn sợ Trung Quốc xúi Bắc Hàn quậy vùng biên giới 2 miền Nam-Bắc Hàn?
Trong khi đó, thông tấn VnExpress phỏng vấn Rick Fisher, chuyên gia của Trung tâm Chiến lược và nghiên cứu quốc tế, Mỹ và ghi:
“...Là một nhà nghiên cứu lâu năm về các vấn đề quân sự ở châu Á, ông Fisher khẳng định Bắc Kinh đang chuẩn bị xây dựng các căn cứ quân sự quy mô lớn ở giữa Biển Đông. Kế hoạch này đã được Trung Quốc chuẩn bị từ hơn 30 năm trước, khi họ thiết kế tàu ngầm tên lửa hạt nhân thế hệ thứ hai. Bắc Kinh quyết định rằng họ phải kiểm soát Biển Đông và biến đảo Hải Nam trở thành một căn cứ bảo đảm hoạt động cho các tàu ngầm mới này.
Theo ông Fisher, từ cuối những năm 1980, Hải Nam đã được nhắm là căn cứ quan trọng cho kế hoạch trở thành một siêu cường hàng hải và hàng không trên phạm vi toàn cầu của Trung Quốc. Lãnh đạo nước này coi Hải Nam là căn cứ đảm bảo sức mạnh quân sự và có vai trò thiết yếu với sự tồn tại của Trung Quốc.
Chuyên gia Fisher dự đoán, khi hoàn thành việc xây dựng các căn cứ mới, quy mô lớn ở Biển Đông, Trung Quốc sẽ triển khai các lực lượng hải quân và trên không ở đây. Và nếu Mỹ tiếp tục các hoạt động tuần tra, Bắc Kinh có thể sẽ gây "rắc rối", khiến tàu và máy bay của Mỹ bị thiệt hại....”
Mặt khác, báo An ninh Thủ đô ghi về một bản báo cáo:
“Một báo cáo an ninh của Bộ Ngoại giao Mỹ nhận định, TQ sẽ tiếp tục xây đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông, nhưng nhiều khả năng sẽ không xảy ra xung đột quy mô lớn trong khu vực.
“Bắc Kinh sẽ tiếp tục bồi đắp đảo ở Biển Đông. Các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng như cải tạo đảo, xây dựng đường băng và ngọn hải đăng là những dấu hiệu cho thấy sự hiện diện lâu dài hơn”, báo cáo nội bộ của Hội đồng Cố vấn an ninh nước ngoài (OSAC) thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.
Theo nhận định của OSAC, khó có khả năng xảy ra chiến tranh giữa TQ và các quốc gia có tranh chấp tại Biển Đông. Mặc dù vậy, OSAC cảnh báo, những nguy cơ ở mức độ thấp hơn có thể dẫn đến xung đột hoặc sự cố về mặt quân sự....”
Đằng nào cũng thấy đầy hung hiểm. Thập phần hung hiểm.
Nhưng chuyện xin Tây cứu Biển Đông hiển nhiên là lạ...
Trần Khải
Nguồn Việt Báo
Gửi ý kiến của bạn