Đã 32 năm trôi qua, kể từ cái ngày đen tối ấy: 30-4-1975. Gia đình tôi đã trải qua bao nhiêu tang thương biến đổi. Dầu cho hôm nay làm cuộc đời tị nạn trên đất nước Hoa Kỳ và các con tôi tương đối tạm ổn định cuộc sống riêng của chúng, tôi vẫn không bao giờ quên được những ngày xưa năm cũ.
Tôi thường hay lục lọi, tìm về những “dấu xưa” trong đống sách cũ tôi mang từ Việt Nam sang. Một hôm, tôi bỗng lượm được một tờ giấy “chứng nhận cải tạo” của tôi rớt ra từ trong một cuốn sách. Tờ giấy đó là chứng tích của 11 ngày học “cải tạo” trước khi tôi “được” học tiếp một khóa nghiệp vụ gần một tháng rưỡi, rồi “nhà nước” XHCN mới cho lưu dụng lại. Tôi nhìn hình mình trên tấm giấy. Tôi đó ư? Đó là một người đàn bà khoảng ngoài 30 tuổi, tóc tai xơ xác, đôi lông mày bên cao bên thấp như đang căng thẳng dữ lắm, mặt ốm dài, buồn hiu. Người ấy mặc một cái áo ngắn màu đen. Nhìn tấm hình, chao ơi là u ám, nặng nề!
Bỗng tôi nhìn lên quyển lịch. Ồ, hôm nay là giữa tháng Tư. Tôi thấy lòng rưng rưng. Tôi nhớ lại, mình qua xứ Mỹ này đã 12 năm. Mười hai năm xa xứ! Sau 75, cứ đến tháng Tư là tôi lại khóc, khóc thật nhiều, khóc cho đời mình, khóc cho thời cuộc. Bây giờ đã 32 năm rồi, tôi không còn nước mắt để khóc nữa. Nhưng, bức ảnh và tấm giấy kể trên đã làm tôi xúc động khi nhớ lại hai mảnh đời mình trải qua hai thời kỳ, hai chế độ khác nhau vô cùng.
Tự nhiên ký ức đưa tôi về với thuở xa xưa, lúc tôi còn là một cô giáo mới 23 tuổi đời. Tôi bắt đầu đi dạy ở trường Hàm Nghi Huế, môn Việt Văn và Công Dân Giáo Dục. Được 3 năm, tôi chuyển ra làm việc ở Quảng Trị, trường Nguyễn Hoàng. Sau “mùa hè đỏ lửa” năm 1972, tôi về dạy ở trường Phan Bội Châu, Phan Thiết cho đến khi miền Nam mất vào tay Cộng Sản. Sở dĩ tôi hơi “cà kê” khi tôi kể lại qua bao nhiêu trường, là vì tôi muốn nói lên về một điều chung nhất về những người thầy và học sinh thời trước và sau 1975, đã đổi khác như thế nào.
Thời trước, người thầy xuất phát từ tinh thần của truyền thống “tôn sư trọng đạo” đã đào tạo nên những người học trò lễ phép, đạo đức, những con người tốt và hữu dụng cho quốc gia mai sau. Môn tôi dạy thuộc về văn chương Việt Nam; tôi luôn tìm cách cho học sinh hiểu được, qua ngòi bút của nhà văn, nhà thơ thế nào là cái Đẹp. Cái Đẹp của thiên nhiên nơi quê cha đất tổ và cái Đẹp của con người. Đó là con người có trung, hiếu, tiết, nghĩa; con người có đạo đức, sống ngay thăng, trung thực, v.v…Vì giáo dục theo một nền nếp như vậy nên học sinh thời ấy rất hiền, ngoan ngoãn, dễ thương. Tôi nhớ hồi dạy ở Quảng Trị, có lần một em nữ sinh (tuổi gần bằng cô giáo) lớp đệ tứ (lớp 9 bây giờ) vì ham nói chuyện, cười giỡn không nghe bài, tôi đã phạt quỳ trước lớp. Vậy mà em liền quỳ ngay xuống, dẫu cho đang bận áo dài và trong lớp có rất nhiều nam sinh ngang lứa trong tuổi “cập kê” như em ấy (Sau này tôi rất ân hận về việc này. Giận mà phạt nặng quá.)
Lúc về đến trường Phan Bội Châu (Phan Thiết), tôi thấy rõ hơn việc dạy và học có quan hệ rất mật thiết. Không có khẩu hiệu, nhưng thầy cũng như trò, ai nấy đều nỗ lực để đạt kết quả tốt. Hầu hết nhà giáo đều tận tụy với nghề. Họ luôn có niềm an ủi là nhìn thấy thành quả học tập của học sinh qua mỗi năm học, được học trò kính trọng và mức lương nhà giáo tương đối đủ sống.
Cũng như tất cả những thầy cô giáo khác trong trường, tôi sống rất bình lặng. Hết giờ đi dạy, tôi làm việc nhà, lo chuyện con cái… Tôi có bao giờ nghĩ đến một ngày mai đời mình sẽ thình lình đổi khác. Người xưa có nói: “Cư an tư nguy.” Lúc bình thường, phải chuẩn bị đối phó với lúc khó khăn. Nhìn lại, “ông xã” tôi là một người sống quá lý tưởng, mải mê công việc, trung thành với lời thề Hypocrate, còn tôi là nhà giáo, cả hai chúng tôi chưa có gì gọi là sẵn sàng đề phòng khi thời cuộc đổi thay. Rồi Một Cuộc Đổi Đời. Tôi thấy mình như đang từ trên cao rơi xuống một hố thẳm sâu. Tôi không dám buông tay, vì nếu buông tay thì cả 5 mẹ con đều chết, khi người chồng, người cha phải đi đến nơi xa để “học tập” mà ngày về thì vô định. Thế rồi, tôi lại tiếp tục với nghề dạy học mà mỗi một ngày trong tôi luôn vang vọng hai câu của cụ Nguyễn Du:
Bó thân về với triều đình,
Hàng thân lơ láo, phận mình ra đâu!
Sau 30-4-1975, hình ảnh người học trò dưới mắt tôi cũng đổi khác. Có một bữa, tôi đi ngang một trạm gác ở trước cơ quan nọ, tôi nghe có tiếng người từ trên vọng xuống: “Cô kia, đứng lại, cất nón xuống!” Tôi biết phận mình, nên phải “chấp hành” và ngó lại, té ra đó là một “ông đồng chí” nguyên là học trò cũ của mình. Tôi tự nhủ: “Đổi đời rồi! Đời đổi nên người cũng đổi thay mà!” Lại một bữa trong lớp học, tôi đang giảng bài, có một học sinh đưa tay xin hỏi, và câu hỏi là: “Thưa cô, có phải chồng cô trước có nợ máu với nhân dân nên nhà nước cho đi cải tạo?” Tôi nghe cõi lòng mình chua xót, nghẹn ngào, nhưng phải bấm bụng ôn tồn giải thích cho cả lớp hiểu rằng vì “chính sách” mà phải đi “cải tạo” chứ ông xã nhà tôi chẳng phải là người đi gây nợ máu!
Mặc dù “nhà nước” XHCN đề ra khẩu hiệu: “Học tốt… khiêm tốn, thật thà, v.v…” nhưng ở mỗi lớp học, thử hỏi có được bao nhiêu đứa học hành chăm chỉ, đàng hoàng? Có chăng, chỉ là là một số rất nhỏ, con những gia đình chế độ cũ, còn đa số học trò đến lớp cho có mặt (có lẽ học để cầu danh) vì chúng không thích làm bài tập, học bài ở nhà trước khi đến lớp. Có nhiều đứa dối cha mẹ là đi học, rồi theo băng đảng, buổi nào có mặt ở lớp là chúng quậy phá cho học trò cười chơi. Trong một buổi kiểm điểm lớp học vào giờ chủ nhiệm cuối tuần, tôi đã cảnh cáo một em học sinh có hạnh kiểm xấu, bỗng tôi nghe tiếng một đám trẻ đứng bên ngoài hô lớn: “Chận mà đánh mẹ con nó đi!” (Cũng may nhờ ơn trên che chở cho tôi hay sao mà kỳ đó tôi chưa bị đánh, mới bị hăm dọa thôi.)
Nhìn về phía nhà giáo, tôi cũng thấy có sự thay đổi. Nhiều người đã bỏ nghề. Những người đi dạy lại như tôi cũng gồm nhiều thành phần khác nhau. Một số người tự nhiên muốn làm thành những “nhân vật nổi.” Tôi đã chứng kiến cùng một con người, ở trong hai tình huống khác nhau, đã đong đưa tấc lưỡi như thế nào. Trong một buổi tiếp tân, dịp đám cưới con gái Tỉnh trưởng Bình Thuận mà tôi có tham dự, nhân vật ấy đã không tiếc lời ca tụng “đức độ của ngài Tỉnh trưởng.” Rồi sau 1975, chính nhân vật ấy lại ca tụng đước độ của “Bác Hồ,” rồi tập hát, văn nghệ, văn gừng… ca tụng chế độ mới. Nhưng điều mỉa mai thay là sau đó ông ta cũng bị ôm khăn gói đi “cải tạo!”
Trừ những hạng người “đón gió trở cờ” như trên, phần đông các nhà giáo đều sống rất thận trọng, dè dặt từ lời ăn, tiếng nói đến cử chỉ, hành động. Nhiều đồng nghiệp rất thương mến tôi nhưng không bao giờ tỏ rõ tình cảm trước mắt những người “lãnh đạo,” vì sợ bị cho là về theo vây cánh với nhau. Những người bạn ấy thường hay giúp đỡ tôi trong lúc ngặt nghèo. Cho đến bây giờ, những kỷ niệm về tình bạn, tôi còn nhớ mãi. Tôi quên chưa nói về hoàn cảnh riêng của mình sau khi ông xã tôi bị đi “cải tạo.” Lúc ấy, lưng vốn còn lại chút đỉnh tư trang ngày cưới, tôi dốc hết để mua lại một mảnh đất cát đã có sẵn một căn nhà lá để ở và trồng trọt khoai sắn thêm để ăn. Đây cũng là một điều có thể nói là tôi quá dở trong chuyện xoay xở khi định làm thêm bằng nghề nông bất đắc dĩ. Trong khi đó, nhiều bạn đồng nghiệp của tôi trước kia nay đã bỏ hẳn nghề cũ và
xoay qua nghề buôn bán một cách tài tình và họ đã thành công. Nhờ vậy mà chồng họ trong trại cải tạo cũng như con họ đã có được sự thăm nuôi đầy đủ hơn chồng con tôi. Phần tôi, đã có nhiều buổi sáng tôi đến lớp dạy mà thấy mặt mày xây xẩm vì thiếu ăn, và tôi đã giảng bài: “Chúng ta phải luôn luôn lạc quan, tin tưởng…” Chính lúc đó, tôi nhìn xuống bàn cuối lớp, tình cờ gặp một ánh mắt học sinh chớp chớp rất thông cảm. Em ấy là con của một người thuộc chế độ cũ như tôi. Nghe như trong ánh mắt ấy có câu nói: “Cô ơi! Em hiểu lắm! Cô nói vậy mà không phải vậy!”
Ngoài giờ đi dạy, tôi ráng sức cuốc, cuốc thật nhiều để làm đất trồng. Thật là vất vả nhọc nhằn đối với sức đàn bà yếu đuối như tôi. Rồi những đám lang lên xanh tốt. Tôi cắt bớt ngọn và gánh ra chợ bán. Vì không quen gồng gánh, nên đang lơn tơn đi giữa chợ, tôi bị nghe chửi: “đụng người ta đây này, con khỉ!” Từ đó, tôi sợ không dám gánh ra chợ nữa. Khoai sắn trồng được, ngoài việc để ăn độn, tôi hấp rồi phơi khô để dành đem “thăm nuôi” ông xã.
Một hôm đang dạy, N – con gái lớn của tôi chạy tới kêu tôi đến lớp nó vì T. em nó đang gặp tai nạn. Lúc tôi tới nơi thì thấy phòng học nó loang rất nhiều máu do bàn chân con tôi bị dẫm mảnh chai. Tôi phải cho học trò lớp tôi về, rồi lấy xe đạp chở T. lên bệnh viện cấp cứu. Trong khi đi đường, một tay tôi giữ ghi đông, một tay cầm bàn chân con đưa lên cho máu khỏi chảy nhiều. Đến nơi, người y tá trực may lại vết thương bằng một sợi chỉ bỏ la lết trên mặt bàn. Đến lúc về nhà, ngày hôm sau T. lên cơn sốt, cái chân sưng vù lên. Tôi không dám chở lên bịnh viện nữa mà chở T. xuống phường Phú Thủy, nhờ ông Nhung (một y tá thuộc chế độ cũ) giúp đỡ. Ông ta đã khử trùng vết thương, mở ra may lại, rồi chích thuốc trụ sinh, nhờ vậy mà cứu được con tôi.
Trường tôi dạy cũng có “Sổ mua lương thực” nhưng hầu như ít khi được hưởng ân huệ mua thức ăn bằng sổ đó. Lúc mới đầu, tôi cứ tưởng ngon là hễ cầm sổ là mua được. Tôi mượn sổ đến chỗ bán cá hay nước mắm, hỏi mua thì được trả lời là đã bán hết tiêu chuẩn rồi. Tôi tỏ ý thắc mắc với cửa hàng trưởng (vì tụi tôi là nhà giáo đã có ai mua đâu mà hết tiêu chuẩn). Không ngờ chuyện tới tai “thủ trưởng.” Một bữa sáng, thủ trưởng kêu tôi lại phòng ông. Ông dựng khẩu súng trường cái cốp rồi nói: “Tôi nói cho cô biết, cái gì thắc mắc thì về Trường hỏi, không được đến chỗ nào mà thắc mắc chuyện ở trường, nghe chưa?” Từ đó, tôi biết thân biết phận xin chừa…
Thỉnh thoảng thì nhà giáo chúng tôi cũng mua được cá, thịt, nhưng lạ một điều, mua cá thì cá đã có mùi, nghe thum thủm nuốt không vô, còn mua thịt không phải dễ dàng. Để có một miếng thịt nhỏ bằng bàn tay tôi phải đi đến cửa hàng cho sớm (khoảng 3-4 giờ sáng) để nộp tờ giấy lấy thứ tự. Nhưng không phải đi một lần mà có được, vì nhiều khi chờ đến phiên mình thì thịt đã hết.
Hồi trước 75, với đồng lương dạy học, tôi không phải làm gì thêm vẫn đủ ăn. Bấy giờ, dẫu “lao động” hết sức mình, tôi vẫn thấy thiếu. Bữa ăn lúc nào cũng cơm độn khoai. Cuối năm mới thấy hình dạng hạt cơm trắng (thuộc loại gạo xấu nhưng cơm trắng cũng là sang lắm rồi) vì nhà nước có bán cho 13 kg gạo không độn. Mỗi khi ăn, bốn đứa con cứ dòm chừng nhau, rồi coi chừng nồi cơm, cứ sợ hết! Để nấu ăn, mấy mẹ con tôi bứt lá mía khô ở ngoài vườn để nấu. Khi đốt lên khói làm mắt tôi cay xè. Về sau tôi phải ra trại cưa ở gần Cầu Sở Muối mua mạt cưa về nấu. Tôi chở cái bao mạt cưa to bằng bao tải gạo trên xe đạp, ì à ì ạch về đến nhà nghe muốn đứt hơi! Việc nhóm bếp, các con tôi (lúc ấy đứa lớn nhất 10 tuổi) đã dần quen, chỉ một lát là mạt cưa cháy bùng lên thôi!
Ngoài giờ dạy, tôi còn “được” nhà trường đưa đi “lao động nghĩa vụ XHCN.” Một bữa kia, tôi đi lao động… hốt phân người ở bờ biển, gần khu Bến Cá Cồn Chà. Đã phải làm một việc “ích nước lợi dân” như vậy, lại còn bị nghe chửi: “Cho đáng đời, ai biểu ngày xưa làm ông nọ bà kia!” Một lần khác, tôi cùng đồng nghiệp đạp xe đến một nơi cách xa trường 13 km để phát hoang, rồi trồng lang, làm lao động sản xuất cho trường. Đúng 3 tháng sau, khi lên trở lại thì khoai bị người ta đào hết, chẳng còn gì cho mình nữa. Một ngày cho đời một nhà giáo như tôi thật quá thiếu sót với gia đình. Tôi không có thì giờ cho các con tôi. Buổi sáng dạy thì chiều họp tổ chuyên môn. Buổi tối, họp ở tổ dân phố (không biết sao thời đó họp gì mà nhiều thế!) Mỗi buổi họp tối như vậy, tôi rất buồn ngủ nên lựa chỗ tối không ai để ý, tôi ngồi nhắm mắt ngủ cho đến khi ông Tổ trưởng ngừng ê-a đọc “diễn văn” mới giật mình thức dậy ra về. Có một lần, tôi được Công an phường “động viên” đi kinh tế mới. Tôi nói: “Tôi đàn bà yếu đuối, lại còn con nhỏ, tôi lên kinh tế mới mà làm gì được”. Cũng may cho tôi nếu năm đó tôi “chấp hành” thì chắc các con tôi lên đó sẽ chết. Gần nhà tôi ở, có một người dân được thuyết phục đi kinh tế mới, không chịu đi còn cãi lại nên đã bị bắt đi “cải tạo.” Riêng tôi, tôi còn được ở lại trường dạy học vì lúc ấy giáo viên quá thiếu, nếu không thì số phận tôi đã như người hàng xóm đó rồi.
Nhà tôi có nuôi một con chó, tôi đặt tên nó là Tô Tô. Không đủ thức ăn, tôi cho nó ăn bột khoai mì và vỏ mướp tôi xin bên nhà hàng xóm. Tô Tô cũng là bạn hiền của gia đình tôi; Tô Tô chơi với con tôi lúc tôi vắng nhà. Mỗi đêm, khi mẹ con tôi ngủ, nó nằm ngoài để canh chừng, không bao giờ chịu ở trong nhà (Về sau, khi chúng tôi đã rời khỏi Phan Thiết, Tô Tô ở lại với người chủ mới, nhưng ngày nào cũng ra ngõ nằm ngóng tôi về - Một người bạn kể lại với tôi như vậy). Có một bữa tôi nghe xóm trên có ăn trộm vào nhà quơ cả mùng mền. Tôi lo quá nên trước khi ngủ tôi lấy sợi dây cột vào cái chân giường, cứ sợ bị lấy trộm mất thì khốn.
Bây giờ đây, sau 32 năm nhìn lại, phải thành thật nhận thấy rằng tôi nhớ đến quãng đời sau 1975 nhiều hơn cả. Bởi vì trong gian khổ tôi đã biết được tình bạn trung thành, đó là những tấm chân tình rất quý báu mà tôi không sao quên được. Đó là những người bạn đã giúp đỡ tôi khi thì một mớ gạo, khi thì một mớ muối, nước mắm, v.v… khi thì nhường bớt phần hàng tiêu chuẩn của mình cho tôi mua, hay những em học sinh đồng cảnh ngộ đã san sẻ bớt phần ăn của mình cho các con tôi.
Tôi cũng nhớ nhiều đến mảnh vườn với căn nhà lá mà đã có thời là chốn nương thân, là nơi tôi đã đổ rất nhiều mồ hôi để có được khoai sắn độn cơm. Nếu là họa sĩ, tôi sẽ vẽ lại mảnh vườn đó với căn nhà lá, và con Tô Tô nằm bên cửa, rồi ở dưới tôi sẽ ghi 2 câu thơ của Lamartine:
Qui s’attache à notre âme et la force d’aimer
(Objets inanimés, avez vous donc une âme?
Hỡi các vật vô tri, các ngươi có tâm hồn chăng?
Tâm hồn ngươi đã gắn bó với tâm hồn ta khiến ta phải yêu thương)
2005
Ngọc Khuê
Nguồn Y Khoa Huế Hải Ngoại
Gửi ý kiến của bạn