trồng cây xanh Bác Hồ một ngày ở vùng đồi Thiên An, Chín Hầm, phía tây
nam sát cạnh thành phố (TS 06, tr. 238). Trước đó tôi đã khá quen thuộc với các
từ: ao cá Bác Hồ, vườn cây/rau Bác Hồ, sân/chuồng nuôi Bác Hồ, thậm chí hũ
gạo Bác Hồ (kháng chiến) v.v…
Tuy nhiên “Thập niên thụ mộc,” tính toán làm lợi từ 10 năm trở lên, thì không có
gì hơn là trồng cây. Thật chí lý. Cây đây là cây thông ươm do Ty Nông Lâm cung
cấp, xe tải chở lên tận nơi. Trường đã thông báo đánh dấu địa điểm lô công tác
của Đại Học Y Huế. Thầy trò riêng rẽ, ăn cơm nhà vác ngà voi, sáng ăn no,
mang theo cuốc xẻng, đạp xe đạp lên, chiều bụng đói trở về, lòng nhẹ nhõm. Tôi
mang theo một cuốc Quân đội Mỹ, mua từ đời Ngụy, loại cuốc ngắn, gập được
chở gọn sau giá xe đạp, tuy nhiên dùng vụng về, phải khom lưng hoặc ngồi bệt
xuống đào đất. Sinh viên, nhân viên nhiều người đem theo cuốc xẻng dài, đứng
đào cuốc tiện lợi khỏe ru. Đồ nghề tốt, làm chóng, họ đào hai ba lỗ, tôi hì hục
chưa được một. Nếu còn phải sương gánh thì chắc tôi không làm được. Thấy
người ta gánh đi thoăn thoắt, tưởng dễ, ngó vậy mà không phải vậy. Đặt triêng
lên vai, đau vai, hai thúng gióng chao qua đảo lại mạnh, vừa bước vừa dừng
loạng choạng, líu quíu. Các Sinh viên Đại học Huế sau 1975 đi công tác đào
kênh dẫn nước (Nam Sông Hương, Nam Thạch Hãn) đều có gánh đất. Tôi nghĩ
chỉ ai biết gánh trước, như biết đi xe đạp, hoặc tập dần, nước đến chân mới
nhảy, mới gánh được. Còn lại thì chỉ là bưng xách vác hoặc xúm khiêng nhiều
người. Cũng may, đi trồng cây thì cũng chỉ đào cuốc xuống thôi, làm được liền
khỏi học. Đến nơi, tôi đứng nhìn thiên hạ bốc cây xuống xe, ngổn ngang, rồi bắt
tay vào việc. Công việc đơn giản: đào lỗ cách nhau vài mét, theo nguyên tắc thì
đào sâu rộng, song hình như ai cũng đào bới, hất đất ra một bên, vừa đủ để đặt
cây xuống ươm xuống, vùi đất lại. Không thẳng hàng lối lắm nhưng trông cũng
gọn mắt. Không có tổ trưởng, tổ phó chỉ huy kiểm soát, làm kỹ chẳng ai khen,
làm cà chớn chẳng ai biết, nhưng như vậy thì đâu phải là con người mới của
XHCN! Ai cũng tự biết làm chủ bản thân, và thận trọng đề cao cảnh giác, làm
việc hăng hái, nghiêm túc. Hơn nữa công tác cũng vui, không có gì căng thẳng,
đào, đặt, lấp, là xong việc. Khỏi cần tưới nước, hy vọng trời sẽ mưa. Làm việc
thong thả nên có khi lao động viên cũng trò chuyện đôi câu, chủ yếu chỉ xoay
quanh chuyện trồng cây mà thôi. Nhiều người lầm thầm điệp khúc bài hát “Trồng
cây xanh” thời đó khá phổ biến:
“Trồng cây xanh ta đi trồng cây xanh. Có cây xanh ta tiến bước lên nhanh.”
Sol re re silasol ré ré Sol mí ré rémi’ sol’ mí ré.
Nhiều lúc hát trại ra, đủ thứ: “Trồng loanh quanh, đói nhăn nhanh,” v.v… rồi cứ
lầm bầm nghêu ngao mãi. Có hát đỡ mệt thấy rõ. Công tác trồng cây khá nhanh,
cây gần hết mà ai cũng còn dư sức, và nhận thấy làm nhiều nhưng cũng không
thấm thía gì, đồi trọc còn rất nhiều, e trồng cả tháng cũng không hết, chỉ nội một
vùng đó. Có lẽ Ty Nông Lâm cũng không có nhiều cây ươm. Đồi trọc, gió ít,
nắng chói, không đói cũng khát, thì đây, Viện Đại học đã chu đáo, nhìn xa thấy
rộng, chuẩn bị chiêu đãi nước chè đầy đủ cho các lao động viên giải khát. Người
khát dễ cho uống, mọi người chiếu cố hết mình. Trưa đến, nghỉ tay, ai không bới
cơm thì ra quán bên đường, có cơm có cá, có bún. Sinh viên tuy vậy cũng có
tiền rỏn rẻn. Xế chiều hết việc, mọi người ra về sớm, lòng vui vẻ vì công tác
hoàn thành xuất sắc vượt chỉ tiêu ngoài dự liệu. Phước đức lớn là không nghe
báo cáo gì về các tai nạn lao động hoặc cuốc đào nhằm mìn đạn nổ. Vùng này
dù sao cũng sát cạnh Huế, có an ninh khá lúc trước; để đền đáp, vùng đồi này
đã được cấy tóc lại phần nào đẹp đẽ tươi trẻ ra. Thầy trò và công nhân viên
Trường Y hãnh diện đã làm được cái gì hữu ích để lại cho các khóa sau, lớp
người sau. Công đức vô lượng!
Buổi lao động trồng cây xanh Bác Hồ này không có tiệc mặn, ngọt gì kèm theo,
nhưng Viện Đại học đã ân oán phân minh, chiêu đãi nước uống chu đáo. Hơn
nữa ở vùng dân cư thưa thớt này, các đồi trọc cũng không có chim muông, hoa
quả để chiêu đãi có chất lượng. Nước cũng phải đem từ Huế đến, và là tối thiểu.
Nếu cả nước uống cũng không có thì quá khinh bạc. Vì chỉ một buổi đó tôi đồng
ý với cách làm của Viện Đại học: cung cấp giải khát, nước chè nhạt bình thường:
“Quân tử chi giao đạm như thủy.” Người quân tử giao thiệp với người lạt như
nước. Tác phong người quân tử là vậy. “Khách đến nhà không trà thì nước” thay
vì không gà thì gỏi/rượu. Nếu là trước năm 75, thầy trò đi trồng Cây Xanh Cộng
Hòa, thì “có thực mới vực được đạo,” ban Giám hiệu Trường YK thế nào cũng
chung vui với toàn thể những bạn tham dự công tác, tối thiểu một bữa ăn trưa
nhẹ, như phần ăn các hãng Hàng Không cung cấp trên các chuyến bay. Nhưng
đó là nói chuyện Ngụy. Các năm về sau, nhờ sáng tạo phát huy ưu điểm có tính
cách vượt trội của lý thuyết Cộng sản vô địch, lãnh đạo và cán bộ Đảng giàu lớn,
đó là điều tất yếu không muốn cũng chẳng được khi mà Đảng tự giành độc
quyền xây dựng XHCN, cấm ngặt không cho ai xen vào, và tài nguyên đất nước,
sức Lao động Nhân dân được Đảng Cộng sản thu về một mối nắm giữ. Lúc đó
thì sự đối xử với nhân dân khắc bạc chứ không còn được như xưa “đạm như
thủy.” Chuyện này không là Ngụy. Dù thế nào, bát nước Thiên An, Chín Hầm, có
thể xem là bát nước nước Phiếu Mẫu, để lại cho tôi ấn tượng lớn: hình ảnh tôi lui
cui đào bới trồng lúc đó. Nhớ cho vui, chẳng chút phàn nàn, lần đầu tiên tôi lao
động cuốc đất, nhờ Cách mạng. Có khi tôi tự hỏi: những cây tôi trồng, thầy trò
ĐHY trồng ở vùng đồi Tây Nam sát nách thành phố Huế đến nay âm hao thế
nào! Đã “tam thập nhi lập,” “tiền nhân chưng thụ (trồng cây) hậu nhân thu,” cán
bộ Đảng, nhà nước đã đến thu hoạch bao nả?
Bát canh toàn quốc
Cán bộ công nhân viên và Sinh viên Y các khóa 15, 16, 17 tức là ba khóa đầu
tiên của trường sau tháng 4/75 tham gia công tác Thủy lợi Nam Sông Hương và
Nam Thạch Hãn. Công tác kéo dài một tuần lễ. Nam Sông Hương thì gần, ăn
cơm nhà, sáng đi chiều về. GS V.Đ Đài có viết về công tác này trong TS 06 (tr.
10). Lao động thì: “cứ cuốc được 5-7 phút thì sinh viên lại đến giành cuốc, nói
Thầy đi nghỉ để bọn con làm cho.” Ăn uống thì: “đến giờ thì thế nào họ (SV) cũng
đem lại cho tôi một miếng cá hay thịt nhỏ… ” “Có đi có lại mới toại lòng nhau,”
hôm sau đến lượt thầy mời, hoặc ghi nhớ trong lòng, để chờ “khi làm nên, đền
ơn trả nghĩa,” xem như là chén cơm Phiếu Mẫu.
Đi Nam Thạch Hãn thì không đơn giản, mà xa xôi tận ngoài Quảng Trị, cả tuần
phải ở lại, đặt ra nhiều khó khăn hậu cần, chế độ ăn uống, ngủ ngáy, vệ sinh…
Hai anh BS T.T Ngạc và Hồ Ngọc Ánh vừa qua phúc đáp thư tôi đã kể lại tình
tiết chuyến công tác, chi bằng tôi chép toàn bộ ra đây, vì tóm tắt không trọn hết ý
người viết. Thư e-mail gởi qua địa chỉ chung ykhoahuegroups, không có dấu
song tôi hy vọng viết lại đúng:
- Ngạc Trần, W. April 04/2007: Kính thưa Thầy. Thầy ơi, trường Y Khoa Huế
cũng có đi công trường Thủy lợi Nam Thạch Hãn, trong đó có em. Ngạc còn nhớ
trường mình đi trên 2 chiếc xe GMC còn để lại (ghi chú: xe GMC là xe tải mười
bánh, chở lính, quân cụ nặng). Hình ảnh công trường đó để lại một ấn tượng rất
mạnh khó mà quên được. Đó là những sáng tinh sương, khi mặt trời vừa hé
rạng, những đoàn người lũ lượt đi hai bên mép đê trông không khác chi những
phim nô lệ thời La Mã. Riêng em lại có một may mắn khác nữa, số là trong đám
học sinh sinh viên đi làm thủy lợi có một người bị đau ruột thừa cấp tính, vậy là
em được tháp tùng đi theo ra Bệnh viện Quảng Trị, gặp lại BS giải phẫu ở đó là
một y sĩ trên rừng về đã tiếp quản Bệnh viện Huế, do đó được ăn ngủ tại Quảng
Trị 2-3 ngày trước khi trở lại công trường. Vài hàng tin Thầy rõ. Nay kính. T.T.
Ngạc
- Th Apr 05/2007: Kính thưa Thầy cô Vận. Đi làm ở công trình Nam Thạch Hãn,
đúng như thầy nói, đó là đi làm thủy lợi. Trường mình cùng có đi làm công trình
Thủy lợi Nam Sông Hương nữa. Khóa 15, 16 đi Nam Sông Hương, khóa 17
(trong đó có con) đi Nam Thạch Hãn. Bạn nào còn nhớ xin bổ túc thêm. Mục
đích của cả 2 công trình Thủy lợi này là xây 2 con kênh đào để dẫn nước về tưới
ở những vùng canh tác thiếu nước. Rất tiếc, cả 2 công trình cuối cùng rồi cũng
thuộc loại “phí của giời” chẳng làm nên ngô khoai chi, do thiếu một sự nghiên
cứu khoa học nghiêm túc. Đây là một sản phẩm điển hình của “chủ nghĩa duy ý
chí,” đại loại kiểu “nghiêng dòng đổ nước ra song.” Con xin tóm tắt đôi dòng về
Nam Thạch Hãn này: Thầy và SV YK làm chung với dân (dân đi làm tự túc lương
thực, tự bới gạo theo mà ăn, trong cái thời buổi ai cũng đói nên trộm cắp lia
chia). Công việc là xúc đất bỏ vào thùng, xong gánh tới đổ để xây 2 bờ kênh.
Trời mưa lạnh và đói, làm rất khó khăn. Cái xẻng đâm xuống đất là rút không
lên, vì đất nhão như bùn. Một khi đã bỏ đất vô gánh rồi, đi một đoạn đường 50m
thành 500m, vì chỉ bùn và bùn, chân cứ lún xuống bùn, rút chân ra khỏi bùn đi
tiếp được, tính bằng calories… năng lượng đi ra nhiều hơn mấy dúm bo bo đi vô
mồm! Đến nơi, nghiêng thùng đổ đất ra, nó… không chịu ra, cứ dính chặt vào đít
thùng. Ăn uống: hột bo bo xay và canh toàn quốc. Bao tử SV tuy là SV YK Huế
hào hoa phong nhã như ai nhưng cũng không… tiêu hóa được cái mang của hột
bo bo. Nên vô sao, ra dzậy! Ngày ra Nam Thạch Hãn, ai ai cũng tươi mươi.
Ngày rời Nam Thạch Hãn cả một đám SV YK như mấy cô gái trong nhạc Trịnh
Công Sơn, hoặc trong tranh của trường phái Mỹ thuật Huế: xanh xao, vàng vọt,
tay gầy, chân cũng gầy guộc nhỏ, và cổ thì dài như cổ cò, hai con mắt thì thất
thần sâu hoắm như hai cái đít chén… Lột áo ra ở trần là bảo đảm đếm đủ 32 cái
xương sườn. Ngủ: tối ngủ trong láng. Dưới lưng là chõng tre. Trời thì lạnh, gió
thốc từ dưới lên. Cứ nằm nghiêng ôm nhau cho ấm như mấy chục cái muỗng
nằm sấp với nhau. Dĩ nhiên đây là phe con trai. Còn phía bên kia màn của mấy
nường con gái, thì con… không biết à nghen. Vệ sinh: cả ngàn người (cả dân
khắp nơi lẫn sinh viên) đổ về làm thủy lợi ở đây nên “em tắm đầu sông, anh
uống cuối sông” dơ dáy không thể tả! Không biết Thầy đã coi phim “Killing Field”
chưa. Trong đó có đoạn ông phóng viên người Cam bốt đứng chào cờ ở dưới
cơn mưa trên con kênh đang làm dang dở bỗng thấy con thằn lằn (hay rắn mối)
chạy dưới chân, ông đưa chân đạp nó, rồi thừa lúc không ai để ý, cúi xuống
lượm bỏ vô túi hứa hẹn một bữa ăn có chất đạm thịnh soạn tối đó… Cái cảnh
chào cờ trên kinh, dưới cơn mưa trong phim này là chính công trình thủy lợi
Nam Thạch Hãn năm xưa đó Thầy ạ! Các bạn Hà v. Thụy, Ngô v. Thịnh ui, tớ
nói thiếu cái gì cứ xin bổ túc! Vàng “thép đã tôi thế đấy.”
Xin kể cho Thầy và quý ACE một chuyện vui, và có thật. Như lời anh T.T. Ngạc
kể, anh ra Quảng Trị để mổ ruột thừa viêm cho một sinh viên, hình như là SV
YK. Cả một bầy đàn em nhìn theo cảnh Ngạc vất cuốc phủi tay ra đi lòng vừa
phục, mà cũng vừa thèm thuồng. Ngoài cái hình ảnh quá đẹp quá lãng mạn của
một bác sĩ phẫu thuật viên đàn anh bỏ cuốc mang găng cầm dao mổ đi cứu
mạng thằng đàn em, bên cạnh đó, nó hứa hẹn anh Ngạc sẽ… thoát được cái
cán cuốc mấy ngày. Có một bạn nói: “Điều kiện Bệnh viện Quảng Trị thì làm sao
bằng BV Huế. Sẵn có xe của Trường, tại sao không đưa bạn ấy về mổ ở BV
Huế cho chắc ăn.” Có một ông thầy người miền Bắc vào, bây giờ con quên tên
nói một câu xanh rờn: “Chúng mày vẽ chuyện. Ngày xưa tao ở Trường Sơn, mổ
ruột thừa viêm, ta chỉ cần 1 lưỡi dao lam và đôi đũa nhúng nước sôi để gắp là
xong.” Úi giời! Trạng thế mới là Trạng chứ! Kính chào Thầy. Con, Hồ Ngọc Ánh.
- Th. Ap 12/2007. Thân gởi hai anh BS T. T Ngạc và H. N Ánh. Lúc đó, tôi còn
nhớ nghe phong thanh sinh viên đi Nam Thạch Hãn 1 tuần, lãnh đạo chia phiên
đi 1 hoặc 2 ngày. Tôi đinh ninh vì còn bận rộn ở Bệnh viện, nếu Trường kêu đi
thì cũng chừng đó ngày thôi, nên cũng háo hức ham vui. Nay nghe 2 anh kể lại
mới giựt mình hú vía… Thực quá gian nan khổ sở: “đoạn trường ai có qua cầu
mới hay.” Tôi ao ước có ai đó vẽ lại bức tranh này để còn lưu vào Tập san Kỷ
niệm 50 năm thành lập trường YK Huế chúng ta (1959-2009, Golden
Anniversary.) Thân ái, L.B. Vận
Có 2 hình ảnh nước ngoài một xưa, một nay, gây chú ý trong các thư trên mà tự
chúng đã nói nhiều:
- Hình ảnh các buổi sáng tinh sương, những đoàn người lũ lượt đi hai bên mép
đê trông không khác chi những phim nô lệ thời La Mã. Những loại phim này tôi
có xem, nô lệ lao công xây cất, chèo thuyền chiến… Tuy nhiên thời đó họ là tù
binh nô lệ hoặc bị bán làm nô lệ, phải cam với số phận, giống đúc trường hợp
Ngụy cải tạo thời nay sau 75, cắn răng chịu đựng, kêu ca thêm thiệt thân. Sinh
viên và nhân dân Quảng Trị đi làm Thủy lợi, không phải là nô lệ, song được đối
xử chẳng khác mảy may: đối với chế độ, họ cũng là vậy thôi.
- Hình ảnh ông phóng viên Cam bốt đứng chào cờ dưới cơn mưa, đạp chân lên
con thằn lằn (hoặc rắn mối) rồi thừa lúc không ai để ý cúi lượm bỏ vào túi… Thật
xấu hổ, ông tự biết, và tôi thông cảm với ông, cái đói bắt buộc: “Cơ hàn (đói rét)
thiết thân bất cố liêm sĩ.” Ngụy cải tạo 75 cũng vậy, đi lao động “nếu gặp được
bầy dế nhủi (bắt cho vào túi cải thiện) thì thật là béo bở.” (T.T Sang, BS trong tù,
TS 06 tr. 57). Còn nữa, con vật bé nhỏ đã cung cấp chất đạm cho buổi ăn tối của
ông phóng viên đúng là một con rắn mối, không phải thằn lằn. Nếu ta chụp được
đuôi, nó quậy nhẹ, đuôi đứt rời không tí máu chảy và chạy mất. Bình thường khá
nhiều, ấy thế mà đến mồng 5 tháng 5 Âm lịch (Tết Đoan Ngọ, tiết Chính dương,)
muốn tìm bắt một con để thả vào lu nước tắm sẽ trừ được các bệnh tật, nhất là
các bệnh ngoài da, thì y như là không tìm được một con. Chúng tránh đi đâu mất
tích. Tôi đã nghiệm thấy chuyện này nhiều lần. Qua hôm sau chúng lại xuất hiện
bình thường. Ngày Đoan Ngọ, bắt rắn rít cũng tốt như thằn lằn, có thể tốt hơn,
song các thứ này không có ở thành phố. Rắn mồng năm, thằn lằn mồng năm là
thứ không thể có. Thằn lằn nhỏ, ăn không đủ dính răng, mất công bắt. Rắn mối
(nhờ ăn mối?) trơn láng mập mạp hơn nhiều, hơn cả chục con thằn lằn, và sống
ở ngoài trời. “Kỳ nhông ông Kỳ đà, cha cắc ké rắn mối.” Trẻ con vẫn hát thế. Cắc
kè (tắc kè) thì trặc bắt ngâm rượu uống bổ, rượu tắc kè, kỳ nhông dễ thay đổi
màu sắc, kỳ đà (iguana) lớn hơn nhiều. Có lần tôi gặp một con kỳ đà lớn bằng
bắp chân ở bụi cây hàng rào hông BV Huế cạnh Ngân hàng Huyết. Tôi đứng
nhìn chăm nó một lúc, rồi bỏ đi trước, vì kỳ đà cản mũi, không nên rắc rồi với nó.
Cũng kể thêm một hình ảnh thứ ba, có liên can người nước ngoài về vụ dùng
lưỡi lam và đôi đũa nhúng nước sôi để mổ gắp ruột thừa viêm. Năm 1957 ở BV
Quân Y, tại Mang Cá, thành nội Huế, có một người Mỹ trạc 30 tuổi, làm việc đâu
gần đó, bỗng đến kêu đau bụng đã nửa ngày nhờ khám. Sau khám và xét
nghiệm tôi bảo là viêm ruột thừa cấp, mổ càng sớm càng tốt, và nếu muốn thì tôi
có thể mổ ngay liền ở đây. Ông Mỹ tin tưởng (!) đồng ý, vui vẻ. Phòng mổ chuẩn
bị đầy đủ. Ông Trung Sĩ gây mê và ông Thượng Sĩ Hành chánh bàn với tôi: “Tụi
Mỹ tính mạng nó lớn lắm. Mổ nó sợ cấp trên khiển trách. Hay là trông báo gởi trả
nó cho họ!” Tôi nghe có lý, dẹp mổ, điện thoại cho Quân khu và phái bộ Cố vấn
Mỹ ở Huế. Sau đó có xe Hồng Thập Tự đến chở ông Mỹ ấy đi ngay. Chuyện mổ
xẻ, gây mê, nhiễm khuẩn, có nhiều bất trắc khó lường trước được hoàn toàn,
lanh chanh có thể ách ngoài đàng quàng vào cổ. Mổ ruột thừa viêm khi dễ thì
quá dễ, vừa rạch da bụng nó đã nhào ra, muốn cắt, cột, gắp bằng đũa bằng
ngón tay đều được. Lúc khó thì đổ mồ hôi hột với nó: vị trí nó nằm bất thường,
hoặc dính vào cả một đống khó phân biệt. Có cả một cuốn sách Pháp dày trên
1000 trang chỉ mô tả những ca mổ ruột thừa viêm khó. Tôi e rằng gặp các
trường hợp ấy, các ông bác sĩ mà đã có câu phát biểu trên về dùng lưỡi dao lam
và đôi đũa nhúng nước sôi, sẽ ngưng mổ, đóng bụng lại và viết vào hồ sơ: ca
mổ đã thành công. Nếu bệnh nhân sống, và sau đó bị đau ruột thừa viêm lại phải
mổ, thì chỉ đơn giản nghĩ rằng trường hợp đặc biệt bệnh nhân có 2 ruột thừa,
một cái đã được cắt lần trước? “Công dục thiện kỳ sự, tất tiện lợi kỳ khí,” muốn
làm đồ tốt trước hết phải có dụng cụ tốt, đối với mạng người càng không thể
khinh suất. Tuy nhiên ông thầy bác sĩ lưỡi dao lam, đôi đũa gắp, báo cáo lên, sẽ
được khen thuởng đạt các danh hiệu bình bầu cá nhân xuất sắc, lao động tiên
tiến, chiến sĩ thi đua vì có những sáng kiến cải tiến, khắc phục khó khăn, dùng
nguyên liệu có sẵn trong nước, tự tạo ra các dụng cụ tinh xảo đạt các thành tích
chuyên môn vượt bực, hiệu quả kinh tế rất cao và được phổ biến. Mấy chuyện
này thì quá thường ở xứ Cộng sản. Tuy nhiên tìm hiểu tư cách, bản chất người
cần tránh phiến diện.
Tư cách Cộng sản:
Nhiều người khen ngợi Cộng sản tâm địa quân tử, chí nhân chí đức, dân chủ
gấp triệu lần Tây phương. Có kẻ lại chê trách Cộng sản bất nhân, bất tín, bất
lương. Mỗi người nói một cách. Để tránh võ đoán cần khách quan xét việc làm,
lời nói qua một thời gian dài ở các thời điểm khác biệt của đất nước: thời chiến,
thời bình.
Xét việc làm:
- Thời chiến 1947-1975: tôi sống dưới chế độ Cộng hòa Quốc gia ở miền Nam.
Nghe mô tả Cộng sản tàn bạo vô kể, chụp mũ, đấu tố, bắt bớ, thủ tiêu… nhưng
không thực sự chứng kiến. Có lúc tôi lại suy nghĩ: Cộng sản dữ dằn như vậy
chẳng qua vì hoàn cảnh chiến tranh bắt buộc. “Sát nhất nhân vạn nhân cụ (sợ),
nhất tướng danh thành vạn cốt (xương) khô. Muốn thành sự bất chấp thủ đoạn,
bất độc bất anh hung,” để rồi miễn cưỡng thông cảm.
- Thời bình giai đoạn 1945-1947: Việt Nam dân chủ Cộng hòa khắp cả nước do
Cộng sản lãnh đạo. Năm 1946 tôi tận mắt thấy thiên hạ đứng xa xa thì thầm chỉ
chỏ hai bao bố trôi tấp vào bờ sông. Tôi nhìn kỹ, có bàn tay thò ra ngoài, bàn tay
của một người mất tích mấy tuần trước, bị tra tấn và nhét vào bao bố thả sông.
Hai nạn nhân đó là các thầy giáo Trung học, một người là anh ruột của BS B.D
hiện ở Hoa Kỳ. Đó là vụ bao bố làm khiếp đảm mọi người và tôi thấy người chết
lần đầu tiên. Khoảng năm bảy tháng sau đó (1947) đi chéo qua một thửa đất
hoang ở vùng quê, trời nắng gắt, tôi thấy ở góc đàng kia không khí bốc lên rừng
rực, chạy lại xem thì bỗng nhiên xây xẩm hoa mắt vì mùi tử khí. Cố nhìn xem thì
thấy ở đám đất rộng khoảng hơn một giường đôi có nhiều vết đất mới cuốc và
hai ba bàn tay ngón chân, nhúm tóc, mảnh áo quần thò trồi lên mặt đất. Tôi chạy
lui về, mấy người lớn bảo có vẻ sợ hãi: “Mấy người Việt gian bị chặt chôn sống
hôm kia,” chôn sơ sài, lấp không kỹ. Rồi chuyện cũng qua, nhưng các hình ảnh
trên tôi không sao quên được vì tận mục, đến bây giờ còn đậm nét. Đó là những
năm thái bình đầu tiên của VN Dân chủ Cộng Hòa. Hồi Pháp thuộc, tôi nghe nói
Tây cũng dữ lắm: bắt bớ, tra tấn, xử bắn, đày Côn đảo, song không nghe nói
bao bố thả sông, chôn sống thò tay chân ra ngoài trong cảnh thanh bình. Các
ngôn từ cũng dữ dằn: Thề phanh thây uống máu quân thù, Trí phú địa hào đào
tận gốc tróc tận rễ. Đấu tranh không khoan nhượng. Tôi rùng mình thấy sờ sợ.
- Thời bình: giai đoạn sau tháng 4/75: CHXHCN Việt Nam trên toàn quốc. Có
nhiều chuyện đáng nói, điển hình là cách đối đãi với sinh viên ở Nam Thạch
Hãn, và với nhân dân hiện tại. Hai đối tượng này không phải là tù binh Ngụy, địa
chủ, phú hào mà là trí thức và nhân dân. Về công tác thủy lợi Nam Thạch Hãn,
hai bức điện thư trên đã tự nói lên đầy đủ, thuyết phục. Lao động nặng nhọc, đói
rét. Ăn bo bo xay, ngủ như muỗng úp lên nhau, y tế vệ sinh dơ dáy, tình trạng
sức khỏe sinh viên, nhân dân là thứ yếu. Tuy nhiên “cơ dị vi thực” đói dễ cho ăn,
sinh viên chiếu cố nghiêm túc. “Một hột bo bo cũng là ân nghĩa, nửa hột bo bo
cũng ân nghĩa Phiếu Mẫu,” tuy rằng “ăn của rừng rưng rưng nước mắt.” Lao
động là vinh quang, đúng như Cộng sản nói, nhưng lại không đúng như Cộng
sản làm. Lao động, khẩu phần, y tế vệ sinh nô lệ. Lao động muốn là vinh quang
phải khác hẳn, nhân đạo, trí tuệ (nhất là đối với sinh viên,) hiệu quả để làm
gương mẫu. Lúc nhỏ, có năm tôi ở Quảng Ngãi, khoảng năm 1941-1942, Pháp
bảo hộ có cho đào một con kênh dài vài cây số để thuyền bè có thể từ sông Trà
Khúc vào sát ngay thị xã. Lúc đó tụi con nít hay chạy ra đứng coi, cảnh tượng
vui, náo nhiệt và lạ mắt. Dân quê tự đến, tự bới ăn, tự mang cuốc xẻng đào đất
đổ vào 2 thúng gánh lên bờ. Có một ông đứng sẵn đó (cai thầu?) cứ mỗi gánh
đất trả 2-3 xu, thêm gạo nếu gánh đầy. “Đất trao gạo lãnh” ai cũng hăng hái làm,
mỗi ngày thu nhập được khá nhiều. Suốt cả một hai tháng gì đó mà vẫn tập nập
và con sông đào đó tồn tại đến giờ chứ không phải hữu sinh vô dưỡng như các
công trình Nam Sông Hương, Nam Thạch Hãn đào kênh dẫn nước tưới, hoặc
công trình làm đập Thủy điện ở sông Mực, Thanh Hóa trong rừng già dày đặc:
“Hai ngàn tù binh cải tạo, trại Quảng Trị ra và một ít nhân lực địa phương, người
dân nào cũng ốm o gầy còm không khác chi tù nhân bao nhiêu… Vài ngày sau
buổi khánh thành đập Thủy điện, một trận mưa lớn ập tới, Đập vỡ tan tành trôi
theo giòng nước đen như mực.” (Đồi tranh 3 mộ, HT Định, website YK Huế, Nov
2007). Tôi thấy Pháp nó bóc lột thẳng tay, nhưng ở con sông đào Quảng Ngãi nó
cũng xử sự đàng hoàng, và có óc tổ chức, hiệu quả kinh tế thấy rõ tuy thời đó
cũng là đào cuốc tay chân, không máy móc.
- Về tình trạng dân chúng hiện tại 2007: Đã trên 30 năm chế độ Ngụy quyền cai
trị toàn đất nước. Với XHCN nhân dân đã được gì? Đại bộ phận đồng loại lao
động Việt Nam sống lầm than nhục nhã: “Nhân cùng cùng khởi đạo tâm,” người
nghèo khởi sinh lòng trộm cắp. Những ai còn giữ lương thiện đành để con làm
nàng Kiều bán thân, cứu đói gia đình, đền ơn sinh thành dưỡng dục. Chuyện
này xảy ra hàng ngày. Xã hội Việt Nam bây giờ là thế, cảnh giàu nghèo cách
biệt, áp bức đầy rẫy, “cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan.” Bù lại, đất nước
thanh bình, không mầm rối loạn, không nạn khủng bố, giống hệt thời Pháp thuộc,
sở Mật thám làm việc rất hiệu quả.
Xưa có câu: “Vận nước dễ đổi, tính người khó thay” (giang sơn dị cải, bản tính
nan di.) Tôi nhận thấy trước sau, lúc thanh bình, lúc loạn lạc, Cộng sản bất nhân
bất nghĩa, không mong hối cải. Với thời gian, dù cố che dấu, chân tướng (true
color) tất lộ. “Chasser le naturel, il revieut au gallop,” “ác tai toàn ác” (đánh đuổi
bản chất, nó phi nước đại trở lại.) Cộng sản chứng nào tật ấy, vẫn ác lại hoàn
ác. Tôi nhớ cách 50 năm trước có đọc một truyện dịch ngoại quốc, hình như tựa
đề là “Cách mạng trong trại gia súc.” Bầy heo trong trại hô hào gia súc, đặt biệt
mấy chú ngựa đứng lên làm Cách mạng đánh đuổi bọn người chủ tàn ác, để
thiết lập một xã hội công bằng nhân đạo mô hình XHCN. Sau khi có quyền bính,
bọn heo trở nên kiêu căng tham nhũng. Thì đó là thiên tính trời sinh, ai cũng vậy,
mặc dầu cũng có bệnh quỷ thuốc tiên: dân chủ đa đảng. Bọn heo ăn chơi phè
phỡn, bắt các gia súc lao động nặng nề, ăn uống thiếu thốn, thanh trừng thẳng
tay. Để có tiền sống xa xỉ lại chuyển ra Kinh tế định hướng thị trường, giao thiệp
làm ăn với người chủ trại cũ, bán đứng gia súc, nông phẩm. Dù sao, các con
cháu Trư bát giới cũng chỉ ham ăn uống sắc dục, không có trí tuệ thâm sâu, ma
giáo gài xếp chính trị. Tại một khu rừng rậm nọ về phía Đông Nam đàn cáo và
sói liên minh lãnh đạo tất cả cầm thú vô sản nổi dậy “Độc mãnh hổ nan địch
quần hồ,” thêm các chú voi, đánh đuổi được lũ hổ báo chạy khỏi rừng, lũ này là
những ác ôn sống trên máu thịt vật rừng từ lâu, thiết lập một mô hình CSCN, thì
cũng là XHCN nhưng do CS lãnh đạo một mình. Đảng Cáo Sói nắm quyền lãnh
đạo thì cũng ăn thịt thú rừng như xưa, có bề dễ dàng hơn, nhiều hơn, trước gầy
đói vô sản, nay ăn suốt buổi, mồi tuôn sẵn dâng tận miệng, nhờ giành được độc
quyền, loài hổ báo đã vắng trong rừng. Chế độ Hồ lang lần này kết hợp được sự
tinh ranh trí trá của loài hồ với sực mạnh hung tàn của loài sói, biết đội lốt cừu,
mặc áo quần người, biết gài xếp áp đặt chiêu bài dân làm chủ, có nghĩa là cho
tất cả đi bỏ phiếu, loại bầu cử “tam ban triều tiển,” cho chọn tự ý giữa “lang sài
sói” hoặc giữa “cáo chồn hồ.” Cáo Sói Chủ nghĩa này tinh vi và khoa học hóa
hẳn “Xuẩn Heo Chủ nghĩa,” nhờ công lao chú lang bác Hồ.
Xét lời nói:
Cộng sản nói chung xưa nay vẫn được tiếng là lừa đảo (đảng LĐVN) khoác lác.
Đây không phải là hư danh, danh tiếng không do tình cờ mà có. Ai nắm độc
quyền thông tin đều làm vậy. Phương Tây có câu “Xã hội dân chủ đặt căn bản
trên sự thông tin xác thực,” là điều đại cấm kỵ của Cộng sản. Những ngôn từ:
dân chủ gấp triệu lần, đỉnh cao trí tuệ loài người, tính ưu việt vượt trội, khoa học
Mác-Lê vô địch, đầu tàu, máy cái cho mọi khoa học… cùng với các báo cáo kinh
tế thổi phồng, các chiến công diệt địch giả tưởng, huyền thoại hiệp sĩ Đồng Kỳ
Suất (Don Quixote, Cervantes) làm tin tưởng và say mê không ít một số người
trong một thời gian dài, chỉ nghe tiếng nói khoác lác một chiều. Làm láo báo cáo
hay là dấu ấn Cộng sản.
Ngày mới lên Đảng tuyên bố: “Sau này nước ta không còn cảnh nhà giàu nhà
nghèo, sẽ hết chuyện người bóc lột người hoặc dùng quyền hành áp bức đồng
loại bắt làm nô lệ nữa (Tố Hữu), và lập lại nhiều lần, đem lại tin tưởng, xen nghi
hoặc, vì cần phải chờ xem việc làm. Quả nhiên Đảng chỉ thị xây dựng xã hội “Xã
Hội Chủ Nghĩa” tức là đại khái nhà nước nắm trọn kinh tế, không nhằm lợi nhuận
mà chỉ nhằm bảo đảm cho toàn dân được phân chia công bằng hợp lý các mặt
hàng dịch vụ, phúc lợi. Thôi thì cũng được, càng tốt, có người có ta. Nhiều người
nghĩ vậy, nhất là sau tháng 4/75, chỉ cầu sao cho đừng theo vết xe cũ, lặp lại
thảm họa “Cuộc Cách mạng trong Nông trại Gia súc” mà họ đã biết qua cuốn
sách dịch ngoại quốc, coi như lắm người đọc trước đó ở miền Nam. Từ danh
xưng VNDC Cộng hòa, Đảng đổi ra ngay CHXHCN Việt Nam để có danh chính
ngôn thuận không ngừng mạnh miệng hô hào: tiến nhanh tiến mạnh lên chủ
nghĩa xã hội, đem lại tự do, hạnh phúc cho đồng bào, tùy vận nước, giàu cùng
giàu nghèo cùng nghèo, cách biệt không đáng kể. Những lời hứa trang trọng,
hứa đi hứa lại đó đang đứng sau lưng nhân dân và xa dần vì Đảng Nhà nước
đang cố tình tiến nhanh tiến mạnh ngược chiều. Tôi thấy đây là bằng chứng cụ
thể nhất của Đảng đã thất hứa, lừa gạt đồng bào, khai man lý lịch, “nói một đàng
làm một nẻo, treo đầu heo bán thịt chó.” “Đừng nghe những gì Cộng sản nói, hãy
nhìn những gì Cộng sản làm,” câu nói quá đúng của một Tổng Thống VNCH hồi
trước. Sự thất hứa này của Cộng sản là một đại sỉ nhục đối với đạo lý con người
XHCN, tín nghĩa, không giàu có trái phép. Thất hứa, họ còn viện được lý do gì
thêm để cai trị một mình (!) Họ đã không cần thiết, lại rất tác hại, khế ước sứ
mệnh xây dựng XHCN họ xé bỏ từ lâu, công bằng nhân đạo, không ai quá giàu,
chẳng nghèo, quá nghèo (?) “Nhân chi sơ, tính bổn thiện” cơ duyên nào khiến
Cộng sản tha hóa, tà ma ngoại đạo? “Quyền lực, Kim ngân” xưa nay đố ai thoát
khỏi, làm thay lòng đổi dạ đến cả quỷ thần. “Tiền khả thông thần, hữu tiền sử đắc
quỷ thôi xa.” Có tiền thì có thể mua được cả thần, khiến quỷ lại đẩy xa. Đảng có
cả tiền lẫn quyền. Bắt nguồn từ Định đề (postulate) Cộng sản: Đảng của công
nhân vô sản, duy nhất được giao sứ mệnh xây dựng XHCN, CSCN. Giáo lý
Cộng sản trao cho họ trọn kinh tế đất nước độc tôn đơn đảng đời đời, quyền diệt
trừ ai khác ý, muốn hữu ích cho xứ sở, dân tộc. “Nhĩ tử ngã hoạt,” mầy chết, tao
sống.
Nhờ học chăm chỉ các lớp Chính trị Cách mạng các năm sau tháng 4/1975, và
nắm vững, tôi nhận thấy rất khách quan, chủ thuyết giáo Mác lưỡi lê vô địch
trong nước, trước dân lành tay không tấc sắt, XHCN múa tay trong bị, hoang
tưởng ra nước ngoài thua chị kém em, ngớ ngẩn khờ dại, khôn sống bống chết,
vội mở mắt học tập xoay hướng Kinh tế định hướng thị trường, tức là chạy theo
lợi nhuận, hợp thuyết Darwin (natural selection). Chưa biết là họa hay phúc cho
dân tộc, song trước mắt cũng đã xây dựng một thiên đường Cộng sản cho
những ai có thẻ Đảng viên. “Charity begins at home.”
Với XHCN mở rộng làm ăn, dân càng mất dần Độc lập, Tự do, Hạnh phúc mặc
dầu chưa hề có, cũng như chưa hề làm chủ lá phiếu bầu của mình để tự quyết
định vận mệnh của chính mình, của đất nước mình, của lãnh đạo mình mà phải
giao khoán trắng vô hạn định cho một nhóm người (tự ý thay đổi luật chơi) gài
xếp bày trò Cộng hòa Xoay hướng Chủ nghĩa Việt Nam, Độc lập Tự do tham
nhũng, tự do đàn áp, tự do… cai trị. Cơ chế thị trường tạo ra kẻ giàu người
nghèo khắp mọi nơi, nhưng hãy làm theo các xã hội phương Tây, nơi mà nghèo
thường có nghĩa là không giàu và được hưởng hợp lý đủ các thứ trợ cấp an sinh
phúc lợi xã hội mà chính phủ có bổn phận phải đảm bảo. Hoặc giả hãy bắt
chước nhiều nước trên thế giới, tuy rất nghèo và còn bất công, do vận nước lận
đận, song vẫn giữ chính trực liêm sĩ, tránh mạo danh, đội lốt (cừu) XHCN, Độc
lập, Tự do, Hạnh phúc để áp đặt độc tôn. “Không tự do, đừng nói đến Hạnh
phúc!” “Với Cộng sản đừng nói đến Tự do.” Chớ nghĩ có tự do. Ở Việt Nam,
nghèo là một quyền lợi XHCN bất khả can thiệp. Lịch sử cho thấy ở Việt Nam,
ngoài những thời kỳ nước ngoài đô hộ, các chế độ phong kiến: Quân chủ, Đảng
chủ thừa kế nhau, ở miền Nam trước 1975 có chế độ dân chủ song nhanh
chóng bị Đảng chủ thay thế. Quân chủ, Đảng chủ, Pháp bảo hộ thì có gì khác
biệt? Thì cũng một phường một hội: độc tôn, bóc lột. Xưa Trung quân là ái quốc,
nay yêu nước là yêu XHCN, là trung với Đảng. Quân chủ thì có Triều đình, quan
lại, phẩm trật, có thứ có bậc. Đảng chủ thì có Bộ Chính Trị, Trung ương Đảng
(Ủy viên Trung ương), Tỉnh ủy, Huyện ủy Xã ủy, Đảng Bí thư cơ quan, xí
nghiệp… tôn ti trật tự, chặt chẽ phong kiến, áp đặt nước nhà theo kiểu thời xưa
vua Lê chúa Trịnh. Điều khác biệt là xưa Quân chủ khắp nơi, nhân dân xem đó
là quyền thiên mệnh của Vua Chúa, nay Đảng chủ chỉ là một nhóm nhỏ vài ba
quốc gia trên địa cầu giữa đâu đâu cũng là dân chủ, trong một thế giới Cách
mạng Khoa học, Thông tin thế mà vẫn cố làm ngơ hoặc ngăn cấm để độc tôn thì
đúng Đảng “cố đấm ăn xôi” tranh thủ lợi trong giao thời tranh tối tranh sáng, cố
vét chợ chiều.
So với Pháp đô hộ, thì nó tự xưng là Ông Chủ, cả Lãnh đạo lẫn Quản lý, không
hề bắt ép nhân dân làm chủ. Đế quốc Pháp trong 80 năm chế độ Pháp chủ, xâm
lược cai trị, lấy chiêu bài khai hóa văn minh cho dân thuộc địa. Thực dân Pháp
định cư, khai khẩn, buôn bán làm giàu, song nó không hề thối nát tham nhũng
(đại trà, băng đảng) vì sẽ có báo chí Pháp ở Mẫu quốc hoặc thuộc địa phanh
phui đầy đủ. Điều này ta nên học, phải học tốt, nhưng lại không làm được ở
nước Cộng sản. Mặc dầu Xã hội Chủ nghĩa chính hiệu chỉ là một bánh vẽ, cháo
lú hoang tưởng, song nếu lý luận đến cùng thì cũng có thể thực hiện được dưới
hai điều kiện: 1. Tự nguyện, không do áp đặt. 2. Dân chủ đa đảng để sống và
làm việc theo pháp luật. Chế độ đơn đảng, loại tự phong, cha truyền con nối, mà
“quyền đá vạ rơm” kết hợp với “Hoàng Kim hắc thế tâm,” môi trường lý tưởng
cho thối nát tham nhũng sinh sôi nảy nở xả láng mà nói đến công bằng nhân
đạo, xây dựng XHCN thì chỉ là say thuốc nằm mơ hiện lộ tướng tinh nguyên hình
XÀ HỒ, XẠO HỘI CHỦ NGHĨA, CÁO SÓI gì đó.
“Thiên lự tất hữu nhất đắc,” Cộng sản nghĩ ngàn điều tất được một. Đó là câu
nói: Muốn xây dựng XHCN, điều kiện tiên quyết và quan trọng nhất là phải có
con người XHCN. Thật chí lý. Hồng hơn chuyên. Thì cũng như muốn xây dựng
Cộng sản Chủ nghĩa, phải có con người có quyết tâm Cộng sản. Đảng viên
Cộng sản đương nhiên là con người XHCN, kiểu Mác Lê cướp chính quyền. Tôi
đọc trên bảng lớn treo tường ở Hội trường các cơ quan, định nghĩa con người
Xã hội Chủ nghĩa như sau:
“Nắm vững qui luật của thiên nhiên, nắm vững qui luật xã hội, vận dụng nhuần
nhuyễn…Làm chủ bản thân, làm chủ xã hội, mọi người vì mình, mình vì mọi
người, ” và về phần đạo đức rất dài, đại khái đầy đủ “nhân nghĩa lễ trí tín,” “cần
kiệm liêm chính,” “trí dũng song toàn.” Tôi sững sờ ngạc nhiên: Tiêu chuẩn đặt
quá cao, không tưởng, làm gì có được. Bác Hồ chăng? Ông đâu có nhân nghĩa
tín, Gia Cát Khổng Minh chăng? Thì ông cũng thất bại lung tung! Hèn chi không
xây dựng được XHCN. Thiếu nhân sự đạt tiêu chuẩn. Cho dù có một siêu nhân
như thế thì cũng nhanh chóng bị chế độ hủ hóa hoặc các đồng chí XHCN thủ
tiêu sớm.
Đảng Cộng sản là đảng của giai cấp Lao động Công nhân vô sản, liên minh với
Nông dân nghèo đứng lên bẻ xiềng xích, chống áp bức bóc lột, cướp chính
quyền, xây dựng Cộng sản Chủ nghĩa (Xã hội Chủ nghĩa do Cộng sản lãnh đạo):
“Vô sản các nước, tất cả liên hiệp lại” (bản Tuyên ngôn Cộng sản, Marx-Engels).
Giai cấp vô sản, học vấn không nhiều, làm sao xây dựng được XHCN? Tôi nhớ
lời giảng trong lớp hè Chính trị, gặp trường hợp khó phải vận dụng lý luận Mác
Lê. Ai nắm được khoa học Mác Lê là nắm toàn vẹn mọi khoa học, mọi qui luật
trên đời. Tôi lại nhớ đến nhân vật Thạch phá Thiên trong truyện chưởng “Hiệp
Khách Hành” của Kim Dung. Do mù đặc chữ, Thạch phá Thiên chỉ nhìn khắc
trên vách hang động các đồ hình để múa may mà bỏ qua các văn tự dạy võ công
khắc kèm theo, chỉ thấy chữ tưởng như là những con nòng nọc đang cựa quậy.
Vậy mà đúng ý của Cao nhân tác giả bí kíp, lãnh hội toàn bộ Tâm pháp, đả
thông toàn bộ kinh mạch, trong lúc mọi người khác đều thất bại, bị lầm lẫn lạc lối
do các văn tự kỳ diệu không đi đôi với đồ hình, tốn công nghiên cứu.
Tôi cũng vậy, nghiên cứu Tâm pháp Mác Lê, nhưng thành tựu cũng hạn chế,
như học tiếng nước ngoài, chăm đến mấy cũng là chưa đủ (Close but no cigar).
Tôi nghĩ Tâm pháp Mác Lê kể như là tiếng nói mẹ đẻ của giới lao động thợ
thuyền dân cày nghèo khổ để họ dễ dàng nắm vững các qui luật trời đất người
vật, đáp ứng tiêu chuẩn con người XHCN về phần trí tuệ, võ học. Chế độ XHCN,
bây giờ và mãi mãi, xa dần “Kính nhi viễn chi” không nơi nào xây dựng được là
vì “tài bất thắng đức,” do đòi đơn đảng, con người XHCN Mác Lê dù có tài trí
cũng không thể nào có đạo đức; điều này tất nhiên và dễ hiểu, chỉ cần vận dụng
khoa học, triết học Mác Lê. Lý thuyết Cộng sản Mác Lê về XHCN rất chặt chẽ,
duy vật biện chứng, khó tranh luận. Chỗ sơ hở là ở điểm gốc: họ đặt nền tảng lý
luận trên hai tiền đề, định đề giả tưởng:
1. Lòng người không tham (con người XHCN lại càng liêm khiết). Điều này là sai
lầm có tính cách quyết định. Cộng sản không ngờ tới: “Nhân dục vô nhai (không
bờ bến)”. Thật “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên.” Sai một ly đi một dặm. Bù
lại, Đảng giàu.
2. Đảng Cộng sản là người duy nhất có sứ mệnh lãnh đạo xây dựng XHCN.
Điều này xuất phát từ tham vọng quyền bính, độc tôn, gây bất bình, mâu thuẫn,
oán hận. Định đề 1 về lòng tham mà luôn có, đứng riêng tác hại hạn chế, lòng
tham thậm chí cần thiết, thiên tính trời ban để sinh tồn, kích thích phát triển có
trật tự trong xã hội. Nếu đem liên kết với định đề hai là cơ chế châm ngòi kích
khởi, môi trường nuôi dưỡng lý tưởng, sẽ tháo cũi sổ lồng, “hổ” chắp cánh, biến
thành THAM NHŨNG tinh xảo đại qui mô có sức độc hại tàn phá mãnh liệt của
sóng thần, địa chấn, người dân không kham nỗi. Đây là lý do chính cần gạt bỏ
đơn đảng, độc quyền, dù tốt dù xấu. Lòng tham là nguồn gốc mọi tội lỗi, mọi độc
ác. Thực tế chứng minh, không ai ngạc nhiên, ngay sau chiến thắng 4/75, cờ
đến tay, có đủ thiên thời, địa lợi, nhân hòa lẫn quyền hành tuyệt đối, Cộng sản
lại vứt bỏ cơ hội ngàn năm, áp đặt thành công XHCN Mác Lê. Thất bại, buộc đổi
nghề, từ bỏ sở trường, tôi nghĩ họ không còn lý do gì chính đáng (?) để cưỡng
biện độc tôn. Nước là của chung, dân là chủ, tôi nghĩ vì tiền đồ Tổ quốc, vì
quyền lợi toàn dân, mọi chính kiến trong nước nên vui vẻ chung sức xây dựng
nước nhà.
Bát cỗ Y Tế
Để nhanh chóng giấy tờ chuyển công tác vào Sài gòn, tôi ra Bộ Y Tế Hà nội, vào
dịp cuối năm, và trọ ngay ở nhà khách của Bộ, sát cạnh. Nhà không lầu, ba
phòng kê khoảng 6 -7 giường, không sang trọng nhưng cũng sạch sẽ, và lúc đó
chỉ có 1- 2 người đang ở. Đến thăm bà thím bên vợ, là Dược sĩ ở Vụ Vật tư của
Bộ, giữ chức Trưởng phòng hoặc một trong những vụ Phó. Bà thím này rất quí
tôi, chắc biết trước kia tôi cũng là này kia ở Đại Học Huế. Bà ngỏ lời mời tôi đi
dự chiêu đãi tổng kết cuối năm của Bộ Y Tế vào trưa ngày tới. Tôi từ chối vì thấy
quá bất tiện, đâu quen biết ai ở Bộ, ngỡ ngàng. Bà thuyết phục tôi cho bằng
được và nhét vào tay tôi một phiếu mời quan khách tham dự, trong tay bà còn
giữ mấy tấm nữa. Tôi suy nghĩ: bà thím làm Dược sĩ ở Vụ Vật tư chắc là trong
ban tổ chức đứng mời, và thấy nếu cứ khăng khăng từ chối mãi thì hóa ra là quá
cù lần. Cho nên: Miếng ngon “Đào tiên đã bán tay phàm, thì vin cành quít cho
cam sự đời.” Trưa hôm sau, áo quần đồ bộ chỉnh tề, tôi đến địa chỉ ghi trong giấy
mời, có thể là một hàng ăn lớn quốc doanh, có thể là một hội trường nào đó,
song cũng bề thế. Bước lên lầu hai, thấy rộng rãi, lố nhố đông nghẹt, phần lớn
thực khách đã ngồi vào bàn. Tôi tìm đến số bàn ghi trong giấy, bàn tròn 8 người,
còn trống một chỗ, tôi ngồi vào đấy. Khách phải có đến 2-3 trăm người, chật
ních, không khí ồn ào náo nhiệt. Món ăn đã lần lượt dọn lên bàn, chờ đợi giới
thiệu quan khách, diễn văn khai mạc, song chẳng có gì. Hoặc vì tôi đến chậm,
hoặc vì lễ Tổng kết đã làm xong tại một địa điểm khác, và ở đây chỉ là giờ vào
tiệc. Thế rồi tám người trong bàn mời nhau, cầm đũa bắt đầu tiệc. Cả bàn ăn
uống mạnh, chuyện trò vui vẻ như bắp rang, có cả rượu đế để rượu vào lời ra.
Tôi không uống rượu, song đâu có thua ai, hăng hái góp lời này nọ. Mấy ông
chắc có quen biết nhau nhiều, nghe họ kêu tên nhau, thân mật, song tôi hoàn
toàn là người lạ, coi như quan khách của bộ khác, hoặc của Thành phố. Cũng
chẳng ai hỏi tôi ở cơ quan nào. Thức ăn đầy chật bàn, đến 7,8 món, phong phú.
Thịt rất nhiều, quá nhiều và nấu theo lối Bắc, chắc bụng, thích khẩu. Kho tộ chả
giò đủ thứ. Tiếc là tôi rất vụng khi mô tả sống động các món ăn, chỉ biết có đủ
heo bò gà vịt ê hề đặc sắc. Tuy nhiên tôi cũng ngạc nhiên vì không có một tí tôm
cá hải sản. Ở Hà nội cá rất hiếm, nhất là vào dịp cuối năm. Chén đũa đầy đủ,
không cần mang theo như hồi các năm trước. Bộ Y Tế, lo cho sức khỏe thiên hạ
mà khoản đãi thì không chê vào đâu được, hết ý. Chắc có quan khách lớn ở
Trung ương Đảng, Bộ, Thành phố đến dự. Sau hơn tiếng đồng hồ, lại dùng tráng
miệng các thứ hoa quả Hà nội, lê táo rất ngon, rồi mọi người ra về hể hả vì đã
dự một buổi tiệc đáng giá. Không nghe tuyên bố bế mạc, cám ơn chúc tụng,
cũng như không có hát hò ngâm xướng văn nghệ. Chỉ đến ăn rồi giải tán, thiết
thực mới vực được đạo. Như muốn trình diễn thì các đoàn văn công ở Hà nội
cũng nhiều. Bữa tiệc hôm nay là đầu tiên ngon nhất vượt xa kể từ ngày tôi là
Ngụy chính thức, sau tháng 4/75, tôi nhớ đời và hay dùng để làm tiêu chuẩn so
sánh mặc dầu về ý nghĩa thì nó đến lúc mình đang cơ hàn, một loại bát cơm
Phiếu Mẫu, được hưởng ơn mưa móc của Cách Mạng. Nói chung các bữa tiệc
lớn qui tụ trên hàng trăm người, mà thực đơn phong phú thì phải kể tiệc cưới, ở
cửa hàng ăn, có vẻ để tương ứng với số tiền phong bì tặng cô dâu chú rể. Các
Đại hội Ái Hữu, Đồng hương, Gây Quỹ, Cứu trợ Từ Thiện thì dọn ăn đạm bạc
(below par), nhưng chủ yếu là trình diễn văn nghệ đặc sắc. Ít khi có tốt cả hai.
Bữa tiệc ở Bộ Y Tế phong phú hơn ở Đại hội tháng 8/2006 ở Cali. Tháng 9/2006
ở Toronto có tổ chức kỷ niệm 700 năm thành lập Huế, và gây quỹ. Số người
tham dự ngoài 400. Thức ăn đơn sơ, cũng không phải là đặc sản Huế. Nhưng
không quan trọng. “Ăn lấy vị, đâu phải lấy bị mà xách.” Bù lại văn nghệ quá xuất
sắc, rất Huế. Có các hoạt cảnh Vua Bảo Đại, Hoàng hậu Nam Phương, học sinh
Khải Định, Đồng Khánh, đi xe đạp, gánh bún, xe tay, rồi hò giã gạo, ca Huế, và
NS TNL Ba ngâm thơ, lẩy Kiều… các cảnh ấy hồi xưa tôi biết cả, và tôi man mác
nhớ lại bồi hồi, quên cả ăn uống. Rồi qua tháng 10/2006 ở Montreál có “Đêm
nhớ Huế” qui tụ khoảng gần 300 người. Hôm đó thì dọn món ăn Huế, bèo lọc
nậm, nem, không có bún. Mỗi dĩa vài bánh, chưa ăn đã thấy gần hết, và không
thấy dọn thêm. Thì ra là vậy và cũng không thắc mắc. “Nghề xơi (ăn) cũng lắm
công phu, xơi cho thanh lịch mới là xơi.” Xơi theo lối Huế cho văn nghệ thì đặc
sắc, có mời thêm ca sĩ chuyên nghiệp, tốn nhiều tiền, song mục tôi thích nhất
vẫn là ngâm thơ của NS TNL Ba, màn kịch bà mẹ và hai chị em cãi vả tiếng Huế,
và BS LĐ Tâm lên kể chuyện tiếu lâm, tiếng Huế, ai người xứ Huế mới hiểu trọn.
Bữa tiệc ở Bộ Y Tế cũng ngang hoặc gần ngang với các bữa tiệc bàn bè nhóm
nhỏ. Cách đây mấy năm, nhà tôi, đứa con gái và tôi cùng ăn tiệm với anh chị BS
BM Đức ở “Sài gòn Nhỏ,” Cali. Anh BS Đức gọi hết món này đến món khác
không kịp ăn, toàn là món đặc biệt trong thực đơn. Rồi tôi và đứa con trai đến
nhà anh chị BS BM Đức mời ăn, hôm đó có cả anh BS Bùi Duy Tâm (TS 06, tr.
202) và khoảng trên 10 người. Thức ăn quá phong phú làm tôi nghĩ cũng ngang
với bữa tiệc Tất niên năm con gà (31/12/2005) anh chị BS BM Đức thết đãi tại tư
gia, Ban Chấp Hanh hội Ái Hữu ĐHYK Hải Ngoại. Món ăn từ Pháp Nhật đến bún
bò Huế. Rượu từ Vang Âu nổi tiếng đến Volka giá lạnh của Nga. Hết xẩy (TS 06,
tr. 202). Đặc biết lại có cả văn nghệ rất xôm. Có thể above par. Lúc Bộ Y Tế
khoản đãi, không có văn nghệ nên ai cũng dồn hết tâm trí vào việc ăn uống, khỏi
bị phân tâm.
Sau bữa tiệc tôi ra về trong trí khen ngợi ăn uống có chất lượng, cần khuyến
khích thêm phần trình diễn văn nghệ mà ban Tổ chức quên bẵng. Đây cũng là
một bát cơm Phiếu Mẫu đột xuất cho một Ngụy cũ, không có công lao gì. “Ăn xôi
chùa ngọng miệng,” lần này ăn xong tôi không dám có ý kiến gì lăng nhăng, nếu
còn nhận xét bất lợi thì thật là ăn cháo ném bát, “ăn cơm Cách Mạng đốt râu
Cán bộ” không phải thuận lợi. Đảng Nhà nước mỗi khi cần giao tiếp đãi đằng
Lãnh đạo, quan khách nước ngoài, thì cũng tỏ ra hào phóng khác thường. Từ
khoảng 1988-89 các phái đoàn ngoại quốc bắt đầu đến Việt Nam thăm dò, nhất
là đến Sài gòn. Thoạt đầu đa số là các đoàn Y tế: Tổ chức Y tế Thế giới, Pháp,
Mỹ… qua các chương trình Phẫu thuật, đặt biệt về Mắt, phòng chống Mù Lòa.
Hồi đó trong một số năm đầu tiên, họ như rồng đến nhà tôm, quí, hiếm, được
tiếp đón nồng hậu, được chiều hơn chiều vong. Tôi lần nào cũng đi với các phái
đoàn Y tế đó về Lục tỉnh và luôn dự tiệc tùng do các UBND Tỉnh, Sở Y Tế tỉnh
khoản đãi tại cửa hàng ăn sang trọng, nhiều đặc sản, hải sản. Trong mấy năm
đó, khác hẳn với lúc ở Huế, tôi ăn uống no đủ, béo mập tròn trịa tươi trẻ hẳn ra.
Qua đây nhiều người nhìn tôi ngạc nhiên, tôi giải thích: nhờ ở với Việt Cộng (và
biết thích nghi, hạp)! Được ăn uống đãi đằng song tôi không hề nghĩ đó là những
bát cơm Phiếu Mẫu. Tôi chỉ ăn theo, và làm việc nhiều.
Bát rau sau bếp
Viện Mắt chiêu đãi Tổng kết phong trào phòng chống Mù Lòa và báo cáo Đề tài
khoa học, vào những lần họp ngành Mắt, ở Hà Nội. Song có một lần lại làm tại
Huế. Lúc này tôi đã đổi vào Sài gòn và làm việc tại Trung tâm Mắt Thành phố.
Vào các dịp này tôi một lần ra Hà Nội, một lần ra Huế. Về ăn ở cả hai lần giống
nhau: ở nhà khách thành phố, và chiêu đãi bế mạc. Không phải ở nhà hàng,
cũng không phải ở hội trường, giảng đường mà là ở bếp ăn tập thể với các bàn
gỗ dài thấp ngang đầu gối, kế tiếp nhau, không trải khăn bàn và các ghế băng
dài không có tựa lưng nên rất tiện lợi, để dọc hai bên bàn tương ứng với bàn
thấp. Thực khách ngồi vai kề vai sát nhau như ngồi trên mạn thuyền đò ngang
Thừa Phủ, dễ bước ra ngồi vào không phiền người bên cạnh.
Phái đoàn miền Nam ra Hà nội dự họp Ngành khoảng 10 người, ở Trung một vài
người từ Thanh Nghệ. Còn lại khoảng ba bốn chục người là từ các tỉnh miền
Bắc. Ai không có thân nhân ở Hà nội thì đăng ký trọ nhà khách của Bộ hoặc của
Thành phố dành cho cán bộ công nhân viên ở tỉnh về họp số đông, không phải
cho khách quý. Kỳ đó mọi người ở một nhà có lầu, dài và chia phòng như các
lớp học. Kiến trúc đơn sơ như một trường tư thục nghèo, phòng chỉ có 4 vách, 2
cửa sổ, 1 cửa lớn ra vào. Mỗi phòng kê khoảng 8 giường cá nhân thấp, cách
vừa đủ để bước ra vào. Không có tủ áo. Hành trang để trên đầu giường. Mền gối
tự lo liệu hoặc dùng hành trang làm gối. Tuy vậy được cái là miễn phí, hay là cơ
quan có trả tiền nhiều ít, tôi không để ý. Không thể đòi hỏi thêm! Muốn sang cứ
ra nhà hàng khách sạn thuê phòng, chắc không ai hỏi. Tuy vậy, một BS ngụy Sài
gòn, cùng phòng, đi đâu một một đêm không về. Hôm sau, mấy người trong
phòng cứ hỏi mãi duyên cớ. Trước nhà là một sân đất dài hẹp. Ở cuối sân là một
bể cạn lớn xây xi măng, chứa nước vòi máy có vài xô, gáo, sát nhà xí. Sáng dậy,
xuống đó, múc nước súc miệng đánh răng, rửa mặt. Có nhu cầu đi đại tiểu tiện
thì nên chịu khó dậy sớm chút đỉnh trước mọi người thì khỏi phải chờ đợi. Ở đây
đi cầu xong cũng tự múc nước ở bể cạn xối cầu. Vì nước bể cạn sát đó nên cầu
dù không đẹp đẽ cũng không phải là dơ dáy, nếu có tinh thần tự giác XHCN cao.
Rồi rủ nhau đi ăn sáng quanh đó, có đầy đủ cà phê, phở, miến, cháo, bún
thang… ở các quán ăn nhỏ hoặc các gánh ngồi xổm ở vỉa hè. Ở Hà nội giá cả
ăn uống rẻ hơn ở Sài gòn, ví dụ bát phở thịt nhiều gấp 2 gấp 3 lần với cùng giá
tiền. Các dịch vụ khác (cắt tóc, giặt ủi… ) cũng rẻ nhiều. Ăn xong, đi bộ đến Viện,
họp ở một giảng đường rộng, mới xây. Ngày cuối cùng làm lễ Tổng kết bế mạc
xong tất cả kéo nhau xuống bếp ăn của tập thể của Viện (dành cho nhân viên và
bệnh nhân) để liên hoan. Bếp ở đây hơi thấp và có vẻ tối tăm. Nhưng không hề
gì. Mọi người tự kiếm chỗ ngồi tùy thích. Các thức ăn đã dọn sẵn, từ trước chật
bàn. Tôi nhìn xuống thấy như lạc vào cả một rừng rau, một vườn đầy rau xanh
tươi: bắp cải, su hào, cà rốt, xà lách, rau thơm… xen lẫn vào các bát nước
chấm, và che khuất một ít dĩa thịt. Cơm để riêng, màu trắng dễ nhận, và đầy đủ.
Mọi người ăn uống vui vẻ, chuyện trò rôm rả, không hề làm khách và nhanh
chóng sạch bàn. Bữa tiệc rau cải tiến hành tốt, cỏ vẻ thanh đạm, chủ yếu thực
vật chay, song thấy ai cũng tươi cười. Tôi cũng vậy, mình là ngụy, là cục đất đâu
dám cứ tưởng là củ khoai! Được Cách mạng cho ăn là quí, đâu dám đòi thêm
xôi gấc! Ngụy cải tạo muốn thế này cũng chẳng được. Có thể Viện Mắt tổng kết
chiêu đãi, có xin tiêu chuẩn mua thêm lương thực ở cửa hàng quốc doanh, song
hôm ấy cửa hàng chỉ có chừng đó thôi. Ăn nhiều hoa quả, rau tươi thì lại càng
tốt cho sức khỏe. Viện Mắt sức đến mô xô đến đó, song chưa chắc phái đoàn
miền Nam ra đều suy nghĩ như vậy.
Hai năm sau Viện Mắt làm Tổng kết ở Huế, mượn một giảng đường của ĐHY
Huế làm nơi hội nghị, ở lầu 2, cánh phải tức là cánh vừa hoàn thành năm 1974;
hội nghị không liên quan gì đến Trường Y, chỉ mượn địa điểm. Phái đoàn miền
Nam ra Huế cũng như cũ khoảng 10 người đi trên một xe bus nhỏ của Trung
Tâm Mắt Thành phố, miền Bắc vào khoảng 15 người, Huế - Đà nẵng thêm 5-6
người. Các tham dự viên ngoài Huế được bố trí ở tại nhà khách của T.P Huế, tại
số 2 Lê Lợi, gần ga Huế, tức là Cư xá giáo sư Đại học cũ. Mỗi phòng kê khoảng
3-4 giường, cho nên kể như cũng có tiện nghi, các tiện nghi mà đã có sẵn từ
trước. Có xe riêng, đoàn miền Nam tranh thủ đi thăm Thành Nội, dừng lại khá
lâu, rồi lên chùa Thiên Mụ, cũng chụp ảnh nhiều, và đi thăm lăng tẩm, tối có đi
đò sông Hương, nhưng đó là chuyện của phái đoàn miền Nam, không liên can gì
đến Viện Mắt. Viện Mắt không có thời biểu ngoại chương trình. Kỳ trước họp ở
Hà nội cũng vậy, đoàn miền Nam đi chùa Một Cột, lăng Bác Hồ (đứng ngoài
xem), Hồ Tây, câu Long Biên, phố xá… không do Viện Mắt tổ chức. Ở Bắc thì ai
cũng đã tham quan những địa điểm này.
Sau 2 ngày hội nghị tổng kết bế mạc rồi cũng xuống bếp tập thể ăn uống, nhưng
lần này không phải bếp tập thể tại ngay đó, của ĐHY, mà phải lên xe hoặc đi bộ
về Cư xá 2 Lê Lợi. Bếp tập thể ở Cư xá, lúc đó tôi mới biết, là nằm sau dãy lầu D
tức là lầu nhìn thẳng ra cổng vào 2 Lê Lợi. Cũng dài dài, giống bếp ăn tập thể ở
Viện Mắt Hà nội, song sáng sủa cao ráo và thoáng hơn. Cũng bố trí bàn ăn thấp
ghế thấp y đúc. Có khác là các món ăn: thịt thà nhiều dĩa hơn, nhưng ngược lại
rau cải rất ít hoặc không thấy có. Không có các đặc sản Huế, bèo nậm ít, lọc,
không có rượu. Mọi người hăng hái nhập tiệc. Nếu ăn nhanh, bớt chuyện trò thì
bảo đảm no bụng. Hôm đó tôi ăn cũng khá no, không chịu thiệt thòi. Thức ăn
cũng ngon lành mặc dầu kém phong phú, có tiến bộ hơn trước về chất lượng
đạm. Ăn xong giải tán, hình như không mời quan khách ngoài, mọi người lên
phòng đánh răng súc miệng. Hôm đó không hiểu sao, sau tiệc tôi bị tiêu chảy
nhiều suốt ngày rồi tự động lành. Hỏi một vài người trong đoàn, không nghe ai
nói tiêu chảy gì. Thôi bỏ.
Đó là chuyện ăn uống ở Huế. Cũng vui vì được thăm lại Huế và nhìn lại Trường,
lại mượn được một xe gắn máy Honda đời nguyên thủy, các Bác sĩ học trò cũ,
tạm đi xe đạp, mang đến và dặn dò chi tiết về các tật bệnh bất chừng của xe, và
cách phòng trị, để đi vòng vòng trong thành phố, chớ đi xa. Huế năm đó chưa
thay đổi gì nhiều về ban ngày chỉ trừ vùng cánh đồng An cựu nay san sát nhà
cửa. Ban đêm lại khác. Tôi chỉ biết con đường Nguyễn Huệ từ ga lớn chạy
xuống bến xe An cựu, hai bên đường đèn xanh đèn đỏ nhấp nháy, âm nhạc rập
rìu. Vườn công viên bên hông Bệnh viện từ Cầu mới đi xuống cũng vậy. Nghe
nói trong thành, đường Mai thúc Loan ra cửa Chính đông, về đêm cũng náo
nhiệt không kém. Nghĩ lại, cách chiêu đãi bế mạc của Viện Mắt cũng độc đáo.
Cũng là bát cơm Phiếu Mẫu, không sang trọng nhưng một miếng giữa làng bằng
một sàng trong bếp. Tuy vậy, những năm sau nhờ triển khai hiệu quả phong trào
“3 lợi ích,” các cơ quan có nhiều tiền, tiêu pha rộng rãi. Không có văn bản rõ
ràng nhưng nhiều người hiểu Phong trào Ba lợi ích là lợi cho Nhân dân được
phục vụ nhanh tốt, hiệu quả (cũng là 3 lợi ích), lợi cho Cán bộ Công nhân viên
thêm tiền, lợi cho cơ quan thêm ngân quỹ. Cũng có thể: lợi cho cá nhân, tập thể
và cơ quan: Cán bộ Công nhân viên, Khoa Phòng, Bệnh viện. Hồi đó lương
CBCNV rất thấp, đời sống khó khăn, phải lo kiếm cách tăng thu nhập, cải thiện
đời sống. Từ lâu, cách duy nhất là cơ quan xin đất đồi núi lao động trồng khoai
sắn. Trường ĐHY trồng lúa, rau muống quanh trường, sắn ở Cồn Tiên. Bệnh
viện Huế trồng sắn ở gần trên Tuần. Năm đó Khoa Mắt được chia mỗi người 2-3
củ sắn lớn (khoảng hơn 1 Kg)(TS 06, tr. 238). Cũng gọi là. Miếng khi đói. Tuy
nhiên lao động thế, sức nhiều thu ít, chưa phải là vinh quang. Đời sống vẫn khó
khăn chưa khắc phục. “Cái khó tỏ cái khôn,” từ khoảng 1989-1990, chớm nở tự
phát rồi rộ lên “Phong trào 3 lợi ích” cơ bản dựa vào khai thác lợi ích ngành
nghề, tùy ngành mà lập phương án, kế hoạch tăng thu nhập: Y tế, Giáo dục, CA,
CS, Hải quan, Tòa án, Quân đội, v.v… Lấy trường hợp Bệnh viện bắt đầu dè dặt
thu phí gởi xe đạp, gắn máy, mở căn tin ăn uống, rồi mạnh dạn thu lệ phí nhập
viện, xét nghiệm, thuốc quý, o-xy, chuyền dung dịch, tiền phòng ba bốn sao, tiến
đến khám bệnh, phẫu thuật ngoài giờ, cả 2 dùng cơ sở phương tiện Bệnh viện.
Càng ngày kế hoạch lợi ích lại mở rộng tinh vi đem lại kết quả cụ thể là thu nhập
CBCNV tăng gấp đôi gấp ba. Mọi người đều phấn khởi thấy đời màu hồng. Tuy
nhiên, trời mưa đất chịu, trăm dâu đổ đầu tằm người dân phải è cổ chịu đựng.
Nhiều khi “tiền mất tật còn” chịu đựng những bất công vô lý, thủ tục rườm rà,
nhiều trạm, cổng thu lệ phí: “Một ngày lạ thói quan nha, làm cho khốc hại chẳng
qua vì tiền” ba lợi ích. Phong trào Ba lợi ích xuất phát là một tham nhũng cần
thiết để sinh tồn, một thiên tính Trời ban cho muôn loài để tự cứu, là Thiên tạo.
“Đạo diệc hữu đạo,” kẻ đạo tặc cũng có nhân đạo, nay lại đâm chồi nẩy lộc, dây
mơ rễ má trở thành tham nhũng đại trà, trăm hoa đua nở, vượt quá nhu cầu cần
thiết, là Nhân tạo do con người lòng tham không đáy tạo ra trong một xã hội mà
chế độ để tồn tại phải dung dưỡng bao che: Tham nhũng 3 lợi ích từ trên đầu
người dân, trên tài sản XHCN, trên tài nguyên đất nước.
Chén cơm Âm phủ
Đó là bữa tiệc tiễn chân ban Giảng huấn cũ ĐHYK Huế đã thết đãi tôi, năm 85
lúc tôi có quyết định chuyển công tác vào Nam. Trước đó các anh VĐ Đài, LX
Công, NV Tự… đã kẻ trước người sau từ giã Huế, vào thời gian nào tôi cũng
không hay biết. Lúc đó, “nói trước bước không qua,” ai đi được là cứ lặng lẽ ra
đi, không thông báo thăm hỏi, ai cũng vậy và thông cảm với nhau. Tuy nhiên qua
năm 85 thì cũng đã được 10 năm sau ngày Huế bị chiếm. Tình thế có khác phần
nào (?) Các Anh GS LV Bách, LB Nhàn cùng các BS cũ trong ban Giảng huấn
trước 1975: BS B.A Bình, DĐ Châu, LV Bàng, ĐV Quýnh… Các Bác sĩ tôi kể ra
đó, có thể dư, có thể thiếu sót đã mời tôi đến gặp mặt tiễn biệt vào một buổi trưa
ở quán Âm Phủ trước mặt Sân vận động. Cũng không biết chọn chỗ nào hơn ở
Huế lúc đó. Buổi trưa, mọi người đi xe đạp từ Trường, Bệnh viện đến. Vào giờ
này, quán cũng vắng tuy vậy đâu cũng là tai vách mạch rừng. Cả bọn cán bộ
giảng Ngụy cả Thầy cũ, trò cũ mà nay cũng đã là Thầy, ngồi vây quanh một bàn
tròn y hệt bàn tròn mới đây tôi thấy trong ảnh kèm theo bài viết “Một chuyến
thăm Việt Nam” của BS PĐ Dương (Website Y Khoa Huế Hải ngoại 2007) có các
BS N. Thắng, T.Đ Lập, TV Xuân, VĐ Lợi, TK Kỳ, và PĐ Dương. Cũng ngần ấy
người tuy nhiên địa điểm sang trọng hơn, ở nhà hàng Paradise, mé chân cầu
Trường Tiền, đối diện Morin/Đại học Khoa học cũ. Trong ảnh có 2 Bác sĩ ngoảnh
mặt ra sau hướng về máy ảnh tươi cười. Tất cả có vẻ hớn hở thoải mái ăn uống
tưng bừng mừng gặp mặt. Bức ảnh này làm tôi nhớ lại da diết hình ảnh tôi cùng
các bạn trong Ban Giảng huấn cũ hôm ấy. Trang nghiêm, yên tĩnh, trầm tư. Trên
bàn lơ sơ vài món, các anh cũng chật vật với cuộc sống, món gì tôi cũng quên
mất, tâm trí để vào đâu đâu, chắc là có nậm bèo, hoặc cơm Âm phủ heo xắt lát,
tôm lột vỏ cắt mỏng, chấy, rau sống xắt nhỏ… cũng bình dân. Mấy anh cứ nhắc
nhở tôi dùng món này món nọ, nhưng xem ra chẳng ai thiết tha gì đến ăn uống.
Không có rượu, bia lon, cam lon, không chụp ảnh, chúng tôi lặng lẽ thông cảm
với nhau, không đả động gì đến chuyện Trường, chuyện bạn, không nhắc kỷ
niệm cũ, hay bàn chuyện tương lai, chỉ nói vu vơ về thời tiết, thể thao, ẩm thực…
ở Huế, lúc đó nơi công cộng phải cẩn thận phát biểu. Chẳng khen, chẳng chê,
cứ làm như người vô tình. Trăm người thương, chỉ có một người ghét là đã quá
nguy hiểm, người ở lại lẫn kẻ sắp ra đi.
Hôm đó trời tháng năm vẫn đang còn Xuân, khí hậu mát mẻ, cấy cối xanh tươi,
cảnh vật rực rỡ. Cũng tương tự như cảnh vật mùa Xuân giữa tháng 5/1975, khi
Ban Giảng huấn cũ ĐHYK Huế thuê bao xe đò lếch thếch trở về Huế với gia đình
(TS 06, tr. 241). Dọc đường là cả một mùa Xuân tráng lệ, nhưng trong lòng là
băng giá. Lần này, cũng như lần đó, 10 năm về trước chúng tôi dửng dưng trước
cảnh đẹp quyến rũ của thiên nhiên. Đâu đâu nhìn ra cũng là một màu ảm đạm,
lòng đầy lo âu:
“Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu,
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.”
Trên đường Sài gòn trở lại Huế năm 1975, trên 2 chiếc xe đò thuê, chúng tôi tiu
nghỉu như mèo cắt tai, giữa những tiếng hoan hô, rừng biểu ngữ mừng Xuân
chiến thắng, ai nấy trầm lặng, đăm chiêu chỉ trao đổi những câu nhạt nhẽo cần
thiết, mang nặng ưu tư trước những ngày sắp đến âm u cho bản thân, gia đình
và đất nước. Hôm nay cũng vậy, chỉ là một nhóm người nhỏ còn sót lại “trong
đám năm xưa ấy” ngồi chung bàn nhưng đồng sàng dị mộng, ai cũng có tâm sự
riêng, người đi không biết sẽ đi về đâu, được đất lành chim đậu, hay “tránh ô mồ
gặp ô mả, tránh sóng cả gặp đá ngầm”, chỉ biết đến đâu hay đó. Người ở lại
cũng ngổn ngang trăm ngả, chỉ thấy tương lai cho bản thân, gia đình là một ngõ
bí, như cá vào rọ, thỏ vào chuồng, đành mặc cho con tạo xoay vần, chấp nhận
định mệnh khe khắt. Trong tình trạng đó là những nụ cười gượng, những câu nói
đơn sơ. Mấy lâu có nhau, chỉ chừng ấy người, tuy như người lạ, không tìm gặp
mặt chuyện trò, song cũng là nương tựa tinh thần, nay lại thêm một người ra đi,
sự mất mát thật là thấm thía. Tôi không giải thích song các anh ấy chắc cũng
hiểu cho tôi xin đổi vào Nam, rời Trường rời Huế, chỉ là để gia đình, con cái có
cơ may xin hoặc trốn ra nước ngoài, mà ở Huế rất khó, và tội vượt biên rất nặng,
chuyện bé xé to, chưa biết to đến chừng nào tùy số phận, chứ ra đi lòng tôi man
mác vui buồn thương cảm lẫn lộn. Rốt cuộc rồi bữa tiệc cũng tàn sau một tiếng
đồng hồ. Các anh bùi ngùi chúc tôi lên đường bình an, và rồi cũng chẳng chúc
được gì nhiều hơn. Dù tình cảm quý nhau đến mấy cùng phải giữ kín đáy lòng.
Tôi cũng ngỏ lời từ biệt, và ít nhất cũng nói được mong có ngày gặp lại. Cũng
chẳng nói gặp lại ở đâu. Thôi mỗi người tự bảo trọng. “Còn non, còn nước còn
dài.” Cho đến nay, anh GS LV Bách đã là người thiên cổ. Các anh còn lại trong
bữa tiệc tiễn chân hôm đó, thì vẫn còn ở Huế, nhiều người đã về hưu. Tôi quý
mến Trường và qua đó quý mến Ban giảng huấn cũ, Ban giám hiệu cũ đã cùng
tôi chung sức tận lực điều hành phát triển Trường trong những năm tháng thời
cuộc khó khăn, nhưng là tự do đáng sống dưới chế độ CHVN trước ngày cuối
tháng 4/1975. Bức ảnh các Bác sĩ cựu Sinh viên Trường của BS PĐ Dương kèm
theo bài viết “Một chuyến thăm VN” làm tôi xúc động mạnh, nhớ lại nét mặt lời
nói của các bác sĩ trong ảnh, nhất là các BS Thắng, Lập, Xuân là rõ nhất và hình
ảnh đầy đủ các anh có mặt trong bữa tiệc ở quán Âm phủ, cách đây trên 20
năm, mang một sắc thái đặc biệt.
Tôi không thấy hy vọng gặp lại họ dù chỉ 1-2 người, chứ đừng nói đầy đủ, để ôn
lại chuyện xưa, đền đáp thịnh tình cố tri, ở đâu đó, nếu là ở Huế thì lại là quán
Âm phủ năm xưa, nếu vẫn còn, mà lúc đó ai nấy đều âu sầu, gượng gạo làm vui.
Cũng buồn thật, đến một tấm hình mà cũng chẳng ai có máy ảnh (hoặc dám
đem ra) để chụp làm kỷ niệm.
Chén cơm Phiếu Mẫu
Lần này không dính dáng gì đến Ngụy. Đó là những năm trước 1954 chưa có
Ngụy. Tôi đang học Y ở Hà nội. Ra Hà nội năm đầu tiên tôi ở trọ kề Hồ Hoàn
Kiếm, các năm sau lên ở Học xá Trung Việt, cạnh Hồ Tây. Hồi còn thời Quốc
Trưởng Bảo Đại, Cao ủy Pháp, thì Thủ hiến Trung Phần, đâu khoảng 1948-1949
đã có sáng kiến mua 2 căn phố có lầu ở Sài gòn và 1 biệt thự ở Hà nội làm Học
xá Trung Việt, nơi tá túc cho các sinh viên miền Trung hoàn toàn miễn phí. Ở Sài
gòn là Học xá Cá hấp, hoặc là Học xá Bùi quang Chiêu (đường Cá hấp, sau đổi
là đường Bùi quang Chiêu) gần chợ Bến Thành, không ai gọi là học xá Trung
Việt, chứa khoảng 25 sinh viên Huế có, Quảng có. Các bạn khác không ở Học
xá cũng thường đến chơi. Ở Hà nội Học xá Trung Việt là một biệt thự lầu 4
phòng ngủ lớn, nhỏ, phòng khách rộng, có dãy nhà phụ: ga ra, bếp, kho chứa,…
và sân rộng, tuy nhiên lúc đó chỉ có 5-6 sinh viên ở, dù sao sinh viên miền Trung
ra học Hà nội không có bao nhiêu. Một số lại còn chung nhau thuê nhà ở phía
Hồ Hoàn Kiếm, sát cạnh Viện Đại học, và ít khi lên chơi ở Học xá Trung Việt, ở
mãi tận hồ Tây, bìa thành phố. Mình xuống ghé chơi thăm họ thì có, khi tan học.
Từ Hồ Tây xuống Hồ Hoàn Kiếm e cũng bằng từ ga Huế về đến cầu Gia Hội
hoặc xa hơn một tí về phía cầu Đông Ba. Khúc sông Hương giữa cầu Mới và
cầu Trường Tiền, cũng như Hồ Hoàn Kiếm, dài kém hơn, cả 2 đều có thể xem là
Trung tâm Thành phố Huế, Hà nội hồi đó. Phía Bắc bờ Hồ là phố ta, Hà nội 36
phố phường, đông đúc, đường phố chật hẹp, phía Nam bờ Hồ là phố Tây rộng
rãi. Học xá Hồ Tây ở trên đường Quan Thánh, yên tĩnh, xa phố xá, nhưng lại
gần Trường Lycée Abert Sarraut danh tiếng, trường Bưởi (Chu văn An), Phủ
Toàn Quyền, lăng Chủ tịch Hồ chí Minh (sau này) mà sát bên chùa Một Cột. Một
số giáo sư Quốc học nổi tiếng, hồi còn sinh viên: GS NV Hai, TT Tắc, MX Kiệm,
N. Phúc,… và Luật sư LT Quát cũng có thời gian ở Học xá này. Hiện nay thì cả 2
Học xá Trung Việt ở Hà nội và Sài gòn đều không còn, và do Lãnh đạo hoặc Cán
bộ ở. Ở Học xá rất thoải mái, dù xa thì chắc cũng bằng khoảng cư xá sinh viên
Nam giao xuống phố (tên nó là Học xá, không phải Cư xá, không thể lẫn lộn). Tôi
đi học và thực tập Bệnh viện, đi xe đạp, xa mấy cũng chẳng thấm béo gì với tuổi
trẻ lúc đó. Ở Hà nội, mùa rét thì lạnh nhưng không mưa dầm như Huế. Sinh viên
dạo đó, ai cũng đi xe đạp, lâu lắm mới thấy 1 xe gắn máy Vélo Solex của Pháp,
không có dây xích làm ai cũng ngạc nhiên. Hai Bệnh viện thực tập lớn nhất là
Bệnh viện Phủ Doãn (Yersin) ngoại phẫu, cạnh hông Hồ Hoàn Kiếm, và Bệnh
viện Bạch Mai, Nội Nhiễm ở về phía Nam cách thành phố vài cây số, trên đường
Quốc lộ 1 và đường sắt Bắc Nam, giống hệt như từ Huế mà đi về Bệnh viện Phú
Lương trước khi đi tiếp đến phi trường Phú Bài. Bệnh viện Bạch Mai đất rộng
kiến trúc tương tự Bệnh viện Huế, gồm các dãy bệnh phòng 1 hoặc 2 tầng và 1
số biệt thự. Tuy nhiên không thể bì với Bệnh viện Trung Ương Huế nằm trên bên
bờ sông Hương và từ cổng trước nhìn thẳng một mạch ra cổng sau, không gì
cản tầm mắt, rất độc đáo, không có Bệnh viện nào được như vậy, nhưng đó là
chuyện trước biến cố Mậu Thân 1968 mà Huế bị chiếm và bị phá hủy khá nhiều.
Bệnh viện Huế phải xây lại, đồ sộ nhưng tầm thường, chắn tầm nhìn.
Vào năm thứ 2 trường Y, tôi thi vào Ngoại trú Bệnh viện và mỗi 4 ngày trực Bệnh
viện một lần. Lần đầu tiên tôi trực ở Bệnh viện Bạch Mai. Phiên trực có khoảng 6
Ngoại trú, một Nội trú Bệnh viện, một Bác sĩ (nhiều khi trực tại nhà), tất cả được
dành một biệt thự lầu, cùng gần cổng chính, mà ngay trước là đường sắt và
đường Quốc lộ xuyên Việt. Tôi nhớ phiên trực đầu tiên không vất vả lắm. Bệnh
nhân đến Y tá trực mời mình giải quyết, nếu khó thì mời Nội trú, tôi cũng có đôi
chút tự tin. Đến giờ ăn tối, tôi ngồi vào bàn ăn cùng một vài bạn, phòng ăn ngày
tại biệt thự nói trên, và dọn chung cho các sinh viên và bác sĩ trực. Tuy ngồi
cùng bàn nhưng phần ăn riêng cho từng người. Ai bận việc ăn sau. Có đầu bếp
riêng mỗi ngày thay đổi món Tây hoặc Ta, hôm đó dọn cơm Tây: bánh mì, bơ,
phó mát, khoai tây, sườn, bíp tết, xúp hầm… và rượu vang đỏ. Tôi nhìn vào bàn
ăn mà bàng hoàng sửng sốt, không ngờ lại trang trọng thế. “Của ngon đem đãi
người phàm”, đó là tiêu chuẩn ăn các sinh viên, bác sĩ trực, đã dự trù trong ngân
sách, mà ở Hà nội ngoại trừ vải vóc đồ kim khí nhập cảng thức ăn, thịt thà rẻ
hơn ở Huế, Sài gòn nhiều. Cả hồi đó lẫn bây giờ, nghĩa là lúc tôi đang còn ở
trong nước. Khi ra Hà nội học, tôi ăn cơm tháng, bữa cơm cũng trung bình, có
khi khá đôi chút, nhưng thua kém lúc ở nhà là cái chắc, chưa kể ở nhà lại có
những ngày kỵ giỗ, tha hồ nem công chả phụng râu rồng. Tuy nhiên từ trước tôi
chưa hề ăn cơm Tây, thì cũng có khi ăn một ổ bánh mì mà rất ngon nhất là quệt
thêm một ít sữa đặc. Đây là bữa cơm đầu tiên mà tôi không dùng đũa, và lóng
ngóng với dao, nĩa. Tôi ngạc nhiên, thích thú vì bữa ăn thịnh soạn, lạ miệng,
chưa ăn đã thấy mê ly, song đó là việc nhỏ. Có tiền cũng có thể ra hiệu Tây, phố
Tràng Tiền ở Bờ Hồ (Hồ Hoàn Kiếm) ăn, cả tháng cũng được. Điều làm tôi xúc
động nhất, là ngồi vào bàn ăn, tôi nghĩ ngay đến cha mẹ ở nhà, đến công ơn
sinh thành dưỡng dục, chấp nhận bao nhiêu hy sinh gian khổ, nhớ thương, lo
lắng cho con từng li từng tí, gởi con đi học xa nhà tốn kém vô kể, cho đến ngày
hôm nay nhờ công ơn đó, đã mang lại kết quả cụ thể: tôi đã được ăn cơm thiên
hạ, lần đầu tiên trong đời do chính công lao của mình, mà thực chính là công ơn
của cha mẹ đã an bài sắp xếp, mới có ngày hôm nay. Mới đây đọc mấy dòng do
B.S LT Lan (ĐHYK Huế) viết về SVYK Huế đi thực tập Nội Trú tại Trung Tâm Y
Tế Toàn Khoa Đà nẵng năm 1973: “Chúng tôi được chia việc, phân công trực
gác… Lần đầu tiên trong đời, chúng tôi nhận được một ít lương.” (TS 2006, tr.
175) Bác sĩ ĐV Tùng – Giám đốc BV Toàn Khoa Đà nẵng- lúc sinh viên đã là Nội
Trú Bệnh viện, nên tôi thấy đã làm tốt việc này. Mấy dòng trên, trong bài Huế…
Đà nẵng B.S LT Lan đã viết, tôi đọc và bồi hồi xúc động, nhớ lại chuyện mình và
cảm thông với B.S LT Lan.Tuy nhiên lúc đó BS LT Lan đã gần ra trường, tôi thì,
trước đó, mới bước sang năm thứ 2 mà đã ăn cơm của người nên xúc động
mạnh hơn, vì nghĩ rằng mình chưa là cái gì cả, còn phải học nhiều, “tiền trình
viễn đại,” đường còn xa.
Từ khi ra Hà nội học, tôi đã làm đơn xin Học bổng Quốc gia (Bộ Giáo dục Sài
gòn) và được học bổng toàn phần. Hồi đó, sinh viên Đại học xa nhà, đặc biệt
sinh viên miền Trung - đến năm 1957 ở Huế mới có Viện Đại học - đều được cấp
học bổng Đại học theo đơn xin, toàn phần hoặc bán phần tùy thành tích học, và
được tái tục hàng năm nếu tuần tự lên lớp. Tôi được học bổng toàn phần, hàng
tháng là 500 đồng. Tiền trọ kể cả ăn ở, tại Hà nội lúc đó dưới 500 đồng mỗi
tháng. Ở Sài gòn có hơn chút đỉnh. Nếu ở Học xá Trung Việt thì đỡ tiền nhà mà
vui. Bây giờ, với chức vụ Ngoại Trú, mỗi tháng lãnh thêm ít nhiều, để ăn thêm,
mua sách vở. Hồi đó Đại học miễn phí, chỉ đóng tiền ghi danh một lần đầu năm,
không bao nhiêu. Tôi hài lòng, thương cha mẹ, tôi nghĩ cha mẹ sẽ bớt nhọc
nhằn, lao tâm khổ tứ. “Bất hiếu hữu tam”: không vâng lời cha mẹ, không lo học
hành, 2 điều đầu tiên này tôi nghĩ tôi có hiếu, điều thứ ba “vô hậu vi đại” sẽ tính
sau tùy cơ duyên.
Tất cả các suy nghĩ đó diễn ra trong trí tôi, trước mắt tôi, trong lúc tôi ngồi chậm
rãi thuởng thức bữa cơm Tây sang trọng (đối với tôi) đầu tiên ngày hôm đó. Tình
cha mẹ thương con thật vô biên. Lúc nhỏ, xa mẹ là tôi nhớ quay quắt, khi lập gia
đình, có vợ con, sống riêng, sự tưởng nhớ, săn sóc có phần lơ là. Lúc đó tôi ở
Huế, cha mẹ cùng em trai ở Đà nẵng. Mỗi năm chỉ Tết đến mới lái xe vào Đà
nẵng, từ 30 Tết đến mồng 3, chở cả gia đình vì đó là những ngày hưu chiến, Việt
Cộng và Quốc gia thỏa thuận ngầm đình chiến, không gài đặt bom mìn ở đường
sá, không hành quân, để nhân dân ăn Tết. Năm nào cũng thế, tôi ăn Tết ở Huế
trước ngày 30, và sau ngày mồng 3, có khi tối mồng hai. Cũng tin tưởng thế cho
nên mới có thảm họa Tết Mậu thân 1968 khi Việt Cộng bất ngờ nhân dịp Tết,
tràn chiếm Huế và nhiều thành thị trong đất nước, mà Huế nặng nhất. Nghe nói
sau hơn cả tháng mới tái chiếm được. Các Giáo sư Đức của ĐHYK Huế cũng tử
nạn trong biến cố này. Lúc đó thì tôi đang ở Hoa Kỳ, gia đình kẹt ở Huế, mãi 2-3
tuần sau mới được tin nhờ Mỹ cho biết. Dù tôi có mặt ở Huế, thì Tết Mậu thân đó
tôi cũng đã chở cả gia đình vào Đà nẵng xiết bao lo lắng cho mấy mẹ con ở Huế,
mà cha lại đi vắng. Đến bây giờ cha mẹ đã khuất núi càng nhớ lại những hoàn
cảnh, chi tiết nhỏ, lòng thương yêu cha mẹ lại bồng bột dâng lên sâu sắc, còn
hơn cả lúc còn nhỏ, chỉ ước mong cha mẹ còn đó để bày tỏ lòng thương yêu
kính mến, mà dù cho trời cao bể rộng, đất dày đến bao nhiêu cũng không thể
sánh được với tình cha mẹ thương con lúc sinh thời. Càng nghĩ càng thấm thía:
Có 2 người đàn bà thương yêu tôi nhất, tuyệt đối, đó là mẹ ruột, mẫu tử tình
thâm,và mẹ vợ, vì thương con gái mà thương yêu rể không kém con đẻ, qua
việc làm cũng như lời nói, chấp nhận mọi hy sinh, cực nhọc. Cha ruột và cha vợ
cũng vậy, tuy rằng tình thương cha con ít biểu lộ ra ngoài, nhưng sự hy sinh cho
con là vô bờ bến. Bây giờ tứ thân phụ mẫu đã không còn, tôi nghĩ lại về mình và
bà vợ luôn lo lắng cho con cháu không ngừng, mới thấm cảm được thế nào là
lòng cha mẹ thương con lúc trước: “có nuôi con mới biết lòng cha mẹ.” Bữa ăn
cơm Tây hôm đó tôi xem như là “chén cơm Phiếu Mẫu,” cha mẹ xúc cho con,
đưa qua tay người khác trao đến – cha mẹ lúc đó ở xa – mà sự đền ơn dưỡng
dục tôi đã báo đáp được gì! Mà chắc đâu cha mẹ đã đòi hỏi, chỉ biết nuôi con và
thấy con thành đạt, đó là sự báo ơn hơn cả ngàn vàng.
Trong các câu chuyện tôi kể trên, “Chén cơm Phiếu Mẫu” ý nghĩa có tính cách
rộng rãi, nói chung là những sự cưu mang chúng ta nhận được lúc cơ cực, có
khi chỉ là những bữa thết đãi vào những dịp đặc biệt nào đó. Nhiều sự kiện lại
liên quan đến Ngụy: “Thằng Ngụy là con nhà ai? Ăn cơm thì ít sắn khoai thì
nhiều. Ăn rồi còn cất trong niêu, để khuya để sớm để chiều mà ăn.” Thằng Ngụy
là con nhà ai? Đương nhiên đó là con của chế độ Ngụy cũ đã thất thế, bao gồm
Ngụy khoai sắn và Ngụy cải tạo trước kia sống tự do, chim trời cá nước, nay vào
lồng vào chậu, sống nhục nhã, bị khinh miệt, trắng tay, còn sống được đến ngày
nay cũng là nhờ củ khoai miếng sắn, chén bo bo mà Đảng và Nhà nước đã xét
cho và phải ghi lòng tạc dạ để đền đáp cho có tình nghĩa. Bác Đảng là cha mẹ
dân, có sứ mệnh giáo dục, giám hộ dân. “Thương cho roi cho vọt,” công đức ấy
xem tày non Thái. Tuy nhiên dân cũng đã nuôi nấng, miếng cơm manh áo, che
dấu bảo bọc Bác Đảng khi còn trong trứng nước cho đến ngày Bác Đảng tiêu
diệt được bọn người khác ý kiến, làm nên sự nghiệp muôn đời cho Bác Đảng.
Ngày nay Bác Đảng giàu có, nhân dân nghèo đói và bị ngoảnh mặt bỏ rơi, sự
đền ơn đó là bài học đáng giá ngàn vàng mà họ nhận được có ý nghĩa vượt hẳn
sự đền ơn của Hàn Tín xưa kia cho bát cơm Phiếu Mẫu.
North York
November 2007
Lê Bá Vận
Nguồn Y Khoa Huế Hải Ngoại
Gửi ý kiến của bạn