Sau những nghi lễ của Ban Tổ chức, cuốn phim được trình chiếu. Phim bắt đầu với những gương mặt phảng phất buồn như chứa đựng một quá khứ không vui của những cựu chiến binh Việt Nam Cộng Hoà và cựu chiến binh Hoa Kỳ từng tham chiện tại Việt Nam. Họ đi sát bên nhau và kéo theo hai đại kỳ Hoa Kỳ và cờ Vàng 3 sọc đỏ của Việt Nam Cộng Hoà trong cuộc diễn hành mừng ngày Cựu Chiến Binh (Veteran Day) năm 2014 trên lòng đường, hai bên là những toà cao ốc của thủ phủ Austin của tiểu bang Texas. Họ mặc những bộ quân phục từ các binh chủng khác nhau. Cùng đi với họ là những vị cao niên mặc quần áo dân sự, có cả một số người trẻ và phụ nữ Việt Nam với áo dài trang trọng và đẹp mắt. Đó là phần giới thiệu về chủ đề của cuốn phim VIETNAMERICA tức là người Mỹ Gốc Việt.
Đạo diễn Scott Edwards cũng là người dẫn chuyện (Narrator) kể lại: là một người trẻ (vừa ngoài 30), anh không biết một chút gì về chiến tranh Việt Nam. Đối với anh, cái tên Hồ Chí Minh không khác gì tên của một món Sushi mà anh thường ăn. Cho đến khi nhà sản xuất Nancy Bùi đến gặp anh và đề nghị anh hợp tác để hoàn thành cuốn phim về người Mỹ gốc Việt mà bà và hội Bảo Tồn Lịch Sử Người Mỹ Gốc Việt đã theo đuổi từ nhiều năm qua với trên 700 cuôc phỏng vấn những người trong cuộc. Từ đó, Scott đã được học về chiến tranh Việt Nam, hiểu và cảm thông được những gì người Mỹ gốc Việt đã trải qua và anh đã truyền đạt sự hiểu biết và cảm xúc của của anh vào phim VIETNAMERICA.
Không màu mè, quẩn quanh, rắm rối, cuốn phim đã trình bày về lý do có cuộc chiến tranh Việt Nam thật rõ ràng, giản dị qua lời giải thích của hai vị giáo sư, sử gia Mỹ, Robert F. Turner, và Lewis Sorley. Cả hai từng tham chiến tại Việt Nam và từng dạy sử và vấn đề an ninh quốc gia tại các Đại học. Cả hai đã viết nhiều sách về chiến tranh Việt Nam. Theo hai ông, sau thế chiến thứ hai, thế giới chia làm hai khối. Cộng Sản và Tự do. Trong bối cảnh xung đột này Việt Nam trở thành bãi chiến trường. Miền Bắc dưới sự điều khiển của Hồ Chí Minh muốn đưa Việt Nam vào quỹ đạo Cộng sản mặc dù ông ta luôn tự xưng là người quốc gia. Trong khi miền Nam muốn sống trong chế độ tự do, dân chủ nên phải đứng lên để đánh trả sự xâm lăng của Cộng sản Bắc Việt.
Hai vị giáo sư, sử gia đưa ra một phân tích mà tôi cho là rõ ràng và thuyết phục nhất; đó là cả hai miền Nam và Bắc Việt Nam đều không có khả năng để theo đuổi cuộc chiến nếu không có sự hỗ trợ từ bên ngoài. Cả hai chỉ có nhân lực. Súng ống, đạn dược và những thiết bị chiến tranh của miền Bắc được sự cam kết và hỗ trợ ồ ạt của Nga Sô và Trung Cộng trong khi miền Nam được Hoa Kỳ yểm trợ. Hội Nghị Genève đã đem lại thắng lợi cho phe Cộng sản Hố Chí Minh. Kết quả đưa nửa nước Việt Nam đi vào quỹ đạo Cộng Sản. Và ông Hồ Chí Minh đã không dừng tay một khi chưa chiếm được một nửa Việt Nam còn lại. Và thế là bước chân xâm lăng của Cộng sản từ miền Bắc đổ xuống miền Nam. Cuộc chiến tranh máu lửa hơn 20 năm bắt đầu.
Bằng những thước phim cồ và những đoạn phim hoạt hình sống động hoà với nhạc đệm dồn dập, khung cảnh chiến tranh Việt Nam của những ngày đầu thật sống đông, dữ dội và lôi cuốn. Tôi nghĩ rằng những người làm phim VIETNAMERICA đã thành công trong việc xử dụng tài liệu rất khác nhau nhưng họ đã gạn lọc những gì cốt lõi nhất để lột tả một sự thật mà từ trước tới nay, vì lý do này hay lý do khác đã bị bóp méo hoặc che đậy. Và từ đó, phim VIETNAMERICA lôi cuốn tôi vào những cảnh thật, người thật, nhưng sống động, hồi hộp không thua gì những phim được dàn dựng có tài tử, minh tinh đóng của những phim truyện.
Phần nói về diễn tiến khốc liệt và sự phức tạp của cuộc chiến tranh Việt Nam trong phim cũng được dành cho một thời lượng đáng kể. Từ thời Tổng Thống Kennedy, người Mỹ sớm hiểu rằng đây là một cuộc chiến tranh cân não thật phức tạp. Cộng sản biết là họ phải nắm được ngưòi dân mới có cơ hội chiến thắng, nên họ đã ra sức tuyên truyền. Họ rỉ tai người dân và đổ lỗi cho những khó khăn của cuộc sống của người dân là do tội lỗi của chính phủ miền Nam. Họ còn tuyền truyền rằng nếu người Cộng sản nắm được chính quyền thì những khó khăn này không còn nữa. Cộng sản sẽ đem lại công bình, no ấm và hạnh phúc cho mọi người. Từ đó, đã không ít những người dân miền Nam nghe theo những lời tuyên truyền nên phe Cộng sản mới có chỗ dựa tại miền Nam và kéo dài cuộc chiến tranh. Mặc dầu đã có những cam kết quyết liệt từ thời TT. Kennedy:” Từ Sài gòn đến Berlin, Hoa Kỳ sẽ vượt qua tất cả những mệt nhọc, tốn kém, mọi khó khăn, cản trở để bảo vệ tự do cho Việt Nam…”. Rồi tới TT. Lyndon Johnson: ”Không thể khiến những người đã đặt tin tưởng vào chúng ta phải thất vọng, chúng ta phải làm tất cả những gì để chiến thắng và để bảo vệ tự do cho Nam Việt Nam…”
Nhưng rồi cuộc chiến kéo dài khiến người dân Hoa Kỳ mỏi mệt. Thêm vào những hoạt động quyết liệt của phe phản chiến, những người ôm lá cờ của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam và cờ CSVN xuống đường kêu gào chấm dứt chiến tranh. Họ vào các Đại học lôi kéo sinh viên và những người trẻ xuống đường đòi chấm dứt chiền tranh để ngừng chém giết và đem lại “công bình”, “công lý” cho người dân Việt Nam. Tổng Thống Johnson vì áp lực mà không tranh cử nhiệm kỳ thứ hai. Tổng Thống Nixon được bầu lên thay thế với một mục đích rất rõ ràng là: Chấm dứt chiến tranh bằng mọi giá để Hoa Kỳ rút khỏi Việt Nam. Từ đó, tất cả những gì người Mỹ thiết lập tại Việt Nam bắt đầu được gỡ bỏ. Quân đội được rút về từ từ. Cuối cùng Hiệp định Paris được ký kết năm đầu 1973 để đưa đến việc chấm dứt sự tham chiến của Hoa Kỳ tại miền Nam Việt Nam. Trong khi miền Bắc tiếp tục nhận được sự viện trợ gấp đôi, gấp ba so với những năm trước. Hơn thế nữa, miền Nam nhận được “phát súng ân huệ” của Quốc hội Hoa Kỳ ký sắc luật cấm tất cả những tài trợ cho cuộc chiến Đông Dương và đó cũng là bản án tử hình cho Miền Nam Việt Nam. Kết quả không thể tránh được là miền Nam Việt Nam chiến đấu trong thiếu thốn tột cùng trong hơn 2 năm. Cuối cùng họ phải đầu hàng vì họ không còn đạn để bắn, xe tăng, máy bay không còn xăng để chạy. Nhiều người đã tự vẫn vào giớ phút cuối kể cả 5 vị Tướng Việt Nam Cộng Hoà.
Tôi nghĩ rằng phim VIETNAMERIVCA đã nới lên sự thật và cũng là quan điểm về chiến tranh Việt Nam của người Việt tự do, những người trong cuộc, những nạn nhân chịu ảnh hưởng trực tiếp và chịu mất mát nhiều nhất trong cuộc chiến dài hơn 20 năm với số tử vong lên tới hàng nhiều triệu ngưòi cho cả hai miền Nam Bắc.
Đoạn phim khiến tôi thich thú nhiều nhất là cảnh một người đàn ông Hungary phản ứng mạnh mẽ trước những sinh viên Mỹ cầm cờ CSVN và cờ Giải Phóng Miền Nam la hét đòi ngưng chiến tranh Việt Nam. Người Hungary này đã chỉ thẳng vào những người biểu tình và nói dùm người Nam Việt Nam chúng ta:
-“ Các anh là những người ngu xuẩn! Các anh biểu tình vì các anh nghe theo lời tuyên truyền!”
- “Tại sao các anh không đi làm hoặc vào nhà thương để giúp người bệnh ?”
- “Miền Nam Việt Nam họ chiến đấu để giữ tự do, hoà bình cho họ và con cái họ!”
- “Mỗi chiến sĩ chống cộng tại Miền Nam Việt Nam là một anh hùng! Họ đáng để lãnh nhận huân chương vì lòng can đảm của họ!”
- “Các anh muốn biết CS là gì thì hãy đến Tiệp khắc, Ba Lan thì các anh hiểu ngay!”
- “Các anh thật ngu xuẩn, dốt nát!” ….
Và còn nhiều nữa… Tôi nghĩ rằng những người làm phim VIETNAMERICA đã thật khéo léo trước một vấn đề nhậy cảm khi chọn một người ngoại quốc chứ không chọn một người Mỹ hay một người Nam Việt nam để nói lên những lời công đạo trước nhóm phản chiến đã ôm cờ của kẻ thù để yêu sách, chống đối cuộc chiến tranh tự vệ, trong khi bao nhiêu người lính Hoa Kỳ và quân đội Nam Việt Nam đang hy sinh xương máu ngoài mặt trận.
Phần đầu của cuốn phim cung cấp những sử liệu, những sự kiện lịch sử đã xảy ra khiến cho người biết rất ít, hay không biết gì cả xem và hiểu được sự thật về chiến tranh VN. Nhưng phần thứ hai của phim mới là phần gây xúc động mạnh mẽ khi phim nói về những khốn khổ, nhục nhắn của người dân Việt Nam sau khi CS chiếm toàn lãnh thổ Việt Nam.
Dù chiến tranh đã chấm dứt, hoà bình đã vãn hồi nhưng với chính sách trả thù, cảnh chém giết vẫn còn đó và còn khốc liệt hơn cả thời chiến. Chỉ có một điều khác. đó là những người chết phần lớn chỉ còn là người miền Nam Việt Nam.
Những người còn sống cũng sống vất vưỏng trên chính quê hương của mình. Hàng trăm ngàn sĩ quan và viên chức trong quân đội và chính quyền cũ, những nhà lãnh đạo tôn giáo, văn nghệ sĩ đều bị lùa vào các trại tập trung như trường hợp của ông Trần Tử Thanh, con trai của nhà cách mạng Luật sư Trần văn Tuyên. Gia đình ông có 6 người trong nhà tù, hai người anh họ bị chém đầu vì chống đối chính quyền CS. Đời sống đói khổ, nhục nhằn trong tù cũng đưọc ông Thanh kể lại rõ ràng. Nhưng những người sống bên ngoài nhà tù trong chế độ cộng sản cũng khốn khổ, nhục nhằn không kém. Nhà văn Dương Thu Hương đã nói: “Chúng tôi bị đối xử như những con vật. Chúng tôi bị kiểm soát từng miếng ăn,…”
Câu nói bất hủ của nhạc sĩ Trần Văn Trạch:” Nếu cột đèn Sài gòn có chân, thì nó cũng kiếm đường mà đi” đã được khoa học gia Dương Ngọc Ánh nhắc lại để diễn tả người Việt Nam ghê sợ chủ nghĩa CS và bỏ nước mà đi khi CS đến bằng mọi cách như nhạc sĩ Trúc Hồ vượt biên bằng đường bộ cũng như trên 100 ngàn người, quá nửa số người này đã bỏ thây trên đường.
Thế hệ một rưỡi với Chuẩn Tướng Lương Xuân Việt, Khoa học gia Dưong Nguyệt Ánh và những người lính Mỹ gốc Việt của Hải Lục Không Quân Hoa Kỳ đã góp mặt để nói lên những chứng kiến cuộc chiến vào những giờ cuối cùng qua những ánh mắt non trẻ và những người trẻ này đã phải bỡ ngỡ với cuộc sống mới tại Hoa Kỳ ra sao? Nhưng họ đã vượt lên tất cả để nay trở thành những công dân tích cực của quê hương thứ hai và là niềm hãnh diện của cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ và trên toàn thế gìới.
Phần cuốn phim lấy được nhiều nước mắt của người xem nhất là cảnh vượt biên bằng đường biển của các thuyền nhân. Đặc biệt là võ sư Vovinam Nguyễn Tiến Hoá với chiếc ghe 75 người phát xuát từ Rạch giá và ông là người duy nhất còn sống sót để làm nhân chứng, nói lên tiếng nói cho những người đã chết dưới bàn tay tàn ác của bọn hải tặc đã hiếp vợ ông và những người thân của ông trước mặt ông và những người thân của họ. Cảnh võ sư Hoá đi tìm mộ vợ con hơn 30 năm sau khi ông đã 70 tuổi, cũng đau thương không kém. Hình ảnh của hàng trăm nghĩa trang với hàng trăm ngàn ngôi mộ nằm dọc theo các ngôi làng ven biển của các nước Đông Nam Á hoặc trên những hoang đảo xa xôi ít có bước chân con người lui tới. Từ những ngôi mộ hoang không có cả một tấm bia hoặc những ngôi mộ tập thể hành trăm người được vùi xuống một lỗ. Lần đầu tiên được đưa lên màn ảnh đại vĩ tuyến để cho thế giới biết thảm cảnh cuả thuyền nhân Việt Nam trong các thận niên 70-90 ra sao.
Tất cả đề là sự thật, ngay trước mắt người xem. Không còn gì phải nghi ngờ, hay đặt câu hởi.
Phim VIETNAMERICA cũng còn cung cấp cho khán giả những cảnh sống chen chúc trong những trại tị nạn rách nát trong những ngày chờ đợi mỏi mòn của thuyền nhân. Bằng những chi tiết phong phú và xác thực, Phim VIETNAMERICA đã nói lên được cái vĩ đại trong lịch sử nhân loại của cuộc chốn chạy của hàng triệu người không thể sống dưới một nhà cầm quyền tàn ác. Không hề có một thậm từ nào được nói lên trong phim, chỉ có hình ảnh, những lời dẫn chuyện hay lời kể chuyện ôn tồn, những nét mặt đau thương, kinh hoàng, sợ hãi, tuyệt vọng của người dân khi phải đối đầu với sóng gió, chết chóc, ngược đãi. Những đau thương, khốn khổ tột cùng đó của con người đã thu phục được trái tim của người xem.
Nếu bạn từng là một thuyền nhân, tôi chắc chắn rằng bạn đã tìm được một phần đời của mình trong nước mắt. Nếu bạn là con hoặc cháu của thuyền nhân, chắc chắn rằng bạn cũng sẽ không cầm được nước mắt và cảm thấy thương yêu, kính phục và mang ơn cha mẹ, ông bà, chú bác mình hơn trước khi xem phim rất nhiều.
Theo tôi, đó là thành công lớn nhất của phim VIETNAMERICA, cuốn phim tài liệu mà lấy được nhiều nước mắt của khán già chưa từng thấy. Phim chấm dứt với cảnh cuối của buổi diễn hành mừng ngày Cựu chiến binh tại Austin; hai lá đại kỳ Mỹ Việt đang được kéo qua cây cầu lớn của thành phố. Với ông kính quay từ trên cao cho khán giả xem cảnh từ mắt chim (bird view), nước hai bên cầu lóng lánh tuyệt đẹp trong khi hai bài hợp ca “Việt Nam, Việt Nam” và “American The Beautiful” trỗi lên nhịp nhàng, hùng tráng nhưng cũng thật êm dịu và bình an. Đèn bật sáng, cũng như bao nhiêu khán giả có mặt tại buổi chiếu phim hôm ấy, dù mắt tôi còn cay cay nhưng tôi cảm thấy hạnh phúc, vui mừng và an tâm rằng, thế hệ trẻ của chúng ta sẽ nhờ VIETNAMERICA mà biết về nguồn gốc của mình. Các em có thể hãnh diện và mang ơn thế hệ cha anh. Ở một quốc gia gồm những nguời đến từ mọi góc biển chân trời, với nhiều lý do khác nhau như tại Hoa Kỳ, con cháu chúng ta, các em từ đây có đủ tài liệu để chứng minh, để ngửng đầu lên và hãnh diện rằng, cha ông của các em đã thà chết chứ không sống thiếu tự do và dù sống ỏ nơi dâu, họ đã luôn là những công dân với những đóng góp tích cực.
Tôi tin rằng VIETNAMERICA sẽ thành công và có chỗ đứng xứng đáng trong ngành phim tài liệu tại Hoa Kỳ và trong lòng mỗi người Mỹ gốc Việt chúng ta.
Thu Tâm
Nguồn Việt Báo
Gửi ý kiến của bạn