Luận bàn về các loại tặc thì còn nhiều, bài viết này chỉ gửi và viết riêng cho các ‘tin tặc”, tức là những kẻ bất lương, những kẻ hành nghề trong bóng tối mà nhiệm vụ chính là thâm nhập trái phép vào các trang mạng hay hòm thư điện tử cá nhân để đánh phá, trộm cắp dữ liệu phục vụ cho những ý đồ đen tối. Trong nhiều trường hợp nghiêm trọng ‘tin tặc’ còn đánh sập các trang mạng hay xoá bỏ tên miền, cướp quyền điều hành và sau đó là tung tin thất thiệt, chia rẽ nội bộ, vu khống những người điều hành các trang mạng.
Những hành động phá hoại của ‘tin tặc’ cũng chỉ là việc làm của những con “dã tràng xe cát Biển Đông, nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì”, những trang mạng bị phá hoại chỉ vài ba hôm sau là khắc phục được sự cố hoặc đổi tên miền là xong. Tuy nhiên hành động phá hoại và vi phạm pháp luật này cần phải lên án.
Hành động ‘tin tặc’ là vi phạm pháp luật nghiêm trọng và không thể chấp nhận được dù với bất cứ lý do gì, và nhân danh bất cứ ai. Trong thời gian gần đây các trang mạng và blog của người Việt thuộc ‘lề trái” tức là những tiếng nói ‘phản biện’ với chính quyền Việt Nam cộng sản luôn bị các ‘tin tặc’ tấn công thường xuyên, có hệ thống và liên tục, ví dụ các trang mạng như: Thông Luận, X-café, Dân Luận, TrangDenOnline, Talawas, Tiền Vệ, Da màu, Đàn Chim Việt, Đối Thoại, Tiếng Nói Tự Do Dân Chủ, Thăng Tiến, Hà Sĩ Phu, Đài Chân Trời Mới…, các trang blogs của AnhbaSG, Free Lê Công Định, TTX Vàng Anh v.v.
Thủ phạm là ai? Những ‘tin tặc’ này chính là lực lượng an ninh Việt Nam, bộ phận công an mạng. Và đằng sau nó là chính quyền cộng sản Việt Nam, những kẻ đã hạ bút ký vào bản Tuyên ngôn về Nhân quyền của Liên Hợp Quốc, trong đó cam kết việc ‘tôn trọng quyền tự do ngôn luận’, một trong những quyền cơ bản nhất của con người đã được cả thế giới thừa nhận. Ngay cả điều 69 của cái gọi là “hiến pháp của nhà nước Việt nam” cũng qui định rõ là phải ‘tôn trọng quyền tự do ngôn luận’ của người dân.
Bằng chứng để khẳng định nhà nước Việt Nam là thủ phạm chính đã được hai công ty phần mềm McAfee và công ty Internet Google công bố. Ngày 30/3/2010, trang blog của ông George Kurtz, trưởng bộ phận công nghệ của McAfee, đã viết: “chúng tôi tin là những kẻ tấn công có thể có động cơ chính trị và có thể họ là những người có liên hệ với chính phủ nước CHXHCN Việt Nam”. Đồng thời bài viết của ông Neel Mehta trên blog Google cũng viết “cụ thể là những vụ tấn công này nhằm tìm cách dập tắt những ý kiến phản đối dự án khai thác bauxite, một vấn đề quan trọng và gây bức xúc ở Việt Nam”. Bằng chứng nữa cũng rất hùng hồn là từ ông trung tướng công an Vũ Hải Triều, Tổng cục phó Tổng cục an ninh, người đã tự hào khoe thành tích “trong mấy tháng qua, bộ phận kĩ thuật của “ta” đã “phá sập 300 báo mạng và blog cá nhân xấu” trong một cuộc họp với giới báo chí lề phải.
Bài viết này không nhằm gửi đến chính quyền Việt Nam hay những người lãnh đạo ngành công an như ông Vũ Hải Triều bởi lẽ những kẻ này thì hoàn toàn bótay.com. Họ, hoặc là không biết gì về “quyền tự do ngôn luận” vì trình độ của họ chỉ có vậy hai là vì cái ghế của họ và quyền lợi của bà con dòng họ mà họ phải hành động như phường bất lương. Bài viết này mong được gửi đến các ‘tin tặc’ là những sĩ quan an ninh mạng, những ‘chiến sĩ trên mặt trận phá hoại thông tin’. Những người có ăn học, còn trẻ, những người vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm của chế độ. Những người tiếp tay cho sự băng hoại của xã hội và làm chia rẽ khối đoàn kết dân tộc. Những người này đã góp phần tạo nên một xã hội Việt Nam với bao bất công và tụt hậu, những kẻ cố tình làm ‘ngu dân’ và sẵn sàng làm những kẻ ‘ngu trung’ cho chế độ này tồn tại.
Vì sao gọi những sĩ quan an ninh mạng là những nạn nhân của chế độ? Đa số những người này được sinh ra từ những gia đình cán bộ, những gia đình nghèo, hay có cha mẹ làm trong ngành công an. Họ và gia đình họ không hề nhận được bổng lộc gì của chế độ, phần lớn gia đình họ sống thanh bạch với đồng lương tuy có khá hơn những ngành nghề khác nhưng vẫn khó sống với mặt bằng chung của xã hội Việt Nam. Vì kinh tế gia đình khó khăn nên nhiều người trong họ không có điều kiện theo học các trường đại học khác nên phải chọn trường an ninh. Học trường này họ không lo chuyện học phí và khi ra trường họ không phải lo việc kiếm công ăn việc làm. Thế những họ phải chấp nhận những việc làm trái đạo như phường bất lương, trong đó có việc làm ‘tin tặc’. Họ là nạn nhân vì đáng lẽ ra họ có thể làm những việc khác, đàng hoàng hơn, quang minh chính đại hơn, cống hiến nhiều hơn cho đất nước và không cảm thấy ăn năn hay xấu hổ. (Tôi tin rằng chẳng mấy ai trong họ dám vỗ ngực bảo tôi là ‘tin tặc’). Thế nhưng vì chế độ này không thể làm cho họ kiếm được công ăn việc làm tử tế, không làm cho gia đình họ giàu có để họ có thể tìm kiếm những ước mơ khác ngoài việc làm tin tặc, như vậy chính nhà nước này đã tước đi quyền sống, quyền ước mơ và quyền mưu cầu hạnh phúc của họ. Họ ăn lương nhà nước (chính xác là ăn lương của nhân dân) để làm những việc tệ mạt như là việc họ đang phải làm, đó là làm “tin tặc”.
Nhà nước này làm người dân luôn nghèo khổ, rồi dùng cái nghèo khổ để biến con cái họ thành những con tin của chế độ. Buộc họ làm những điều bất lương vì mục đích của chính quyền là làm “ngu dân” để dễ bề cai trị. “Tự do ngôn luận” là một trong những quyền cơ bản của con người. Con người hơn con vật là biết nói và biết suy nghĩ. Nếu không được nói thì con người khác gì con vật? Khi nói ra thì mỗi người có thể nói sai hay nói đúng vì mỗi con người có mỗi quan điểm riêng, mỗi suy nghĩ riêng. Cha mẹ, vợ chồng, anh em còn đôi lúc còn cãi nhau, bất đồng với nhau huống gì là cả một dân tộc với gần 90 triệu người? Các ý kiến khác nhau là bình thường, không thể vì tôi không đồng ý với quan điểm nhà nước nước là tôi không được nói, là phải bịt mồm tôi lại. Chính Hồ chủ tịch cũng nói một câu rất dễ hiểu là ‘dân chủ là phải để người dân mở miệng’.
Không thể nhân danh sự ổn định hay quyền lợi của bất cứ ai để bịt mồm dân chúng bằng cách phá hoại các trang mạng bất đồng chính kiến. Nhà nước Việt Nam đã có Học viện Nguyễn Ái Quốc với hàng ngàn tiến sĩ, giáo sư với hàng trăm tờ báo lớn nhỏ và bao nhiều đài báo tại sao không dám tranh luận thẳng thắn và công khai? Nếu có các quan điểm ‘thù địch’ và ‘thiếu thiện chí’ xuất hiện trên mạng thì các chính trị gia của đảng hãy vạch trần sự đúng sai để toàn dân được biết một cách công khai và minh bạch, tại sao phải làm những việc hèn hạ bằng cách phá hoại kiểu tin tặc?
Tất nhiên tự do ngôn luận không có nghĩa là muốn nói gì thì nói, nói bậy cũng được. ‘Nói phải có sách, mách phải có chứng’ nếu không kẻ ‘phát ngôn’ sẽ bị coi thường và tẩy chay. Nếu kẻ nào đó nói bậy bạ hay vu khống người khác thì cần kiện họ ra tòa và kẻ đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật vì tội vu khống hay phỉ báng người khác. Việt Nam trong tương lai cần bổ sung và hoàn thiện điều luật này để ngăn ngừa những kẻ xấu chuyên ‘ngậm máu phun người’, vu khống người khác vô căn cứ.
Thật khó để đưa ra một lời khuyên cho những sĩ quan an ninh mạng Việt Nam. Bảo họ đừng làm ‘tin tặc’ nữa cũng đâu có được. Thứ nhất họ được ăn học bởi ‘tiền nhà nước’ giờ họ phải phục tùng nhà nước. Hoặc họ có muốn bỏ ra ngoài làm việc khác cũng đâu có được vì tay họ đã nhúm chàm và không ai cho họ làm việc đó cả. Họ chỉ là những kẻ ‘thiên lôi’ chỉ đâu đánh đó. Chỉ tiếc rằng họ là những người rất thông thạo và có trình độ về công nghệ thông tin mà phải đem cái tài của mình để làm những điều bất lương, trái với đạo lý làm người, vừa không thuận tình vừa không hợp pháp. Sau này khi chế độ thay đổi, có thể những kẻ chỉ huy của họ sẽ phải đối mặt với sự trừng phạt của công lý nhưng ngay cả nếu không thì lương tâm của họ cũng không bao giờ thanh thản được.
Tội lớn nhất của lực lượng công an mạng là tiếp tay với chính quyền làm ‘ngu dân”. Việt Nam đã là một nước nghèo khổ và tụt hậu so với thế giới, để mong có ngày đuổi kịp các nước trong khu vực và thế giới thì cần phải nâng cao dân trí như cụ Phan Châu Trinh đã làm cách đây 100 năm về trước. Hiện nay, không biết bao nhiêu người tâm huyết với tiền đồ đất nước, ngày đêm bỏ ra bao nhiêu công sức, trí tuệ để chuyển đến người dân Việt Nam những thông tin cần thiết và quí giá để họ nâng cao sự hiểu biết rồi từ đó giúp họ có nhiều cơ hội thăng tiến hơn, nhiều sự lựa chọn hơn. Chính những hành vi phá hoại các trang mạng, những ‘nhịp cầu thông tin’ là những hành động tội ác, là hành động ‘phản quốc’, hành động chống lại sự tiến bộ của dân tộc.
Bản thân tôi cũng như những sĩ quan an ninh mạng, sinh ra trong một gia đình cán bộ công chức nghèo, bản thân tôi cũng đã phải trải qua thời thơ ấu với bao nhọc nhằn và thiếu thốn vì gia đình quá nghèo. Bằng nỗ lực bản thân tôi đã cố gắng tạo dựng cho mình một cuộc sống khá giả, tôi bây giờ thuộc tầng lớp trung lưu chứ không còn nghèo nữa. Hằng ngày tôi dành vài tiếng vào mạng để học hỏi, chắt lọc nhưng kiến thức rất uyên bác của giới trí thức tinh hoa và sau đó dùng kiến thức học được để chia sẻ với đồng bào tôi với mong muốn dân tộc Việt Nam được ngẩng cao đầu với các dân tộc khác trên thế giới. Động cơ duy nhất của tôi đó là tình yêu đối với đồng bào tôi, tình yêu với tổ quốc tôi. Tôi và những người như tôi càng cố gắng ‘xây’ bao nhiêu thì lực lượng an ninh mạng càng ra sức ‘phá’ bấy nhiêu, như vậy không gọi là tội ác thì gọi là gì?
Tôi có thể im lặng và sống đàng hoàng như bao kẻ thành đạt khác dù ở nước ngoài hay ở Việt Nam. Tôi đủ khôn ngoan và khả năng luồn lách để có được cuộc sống tốt dưới bất cứ một chế độ nào. Nhưng không phải ai cũng làm được như thế, không phải ai cũng may mắn như thế. Khủng hoảng hay tăng giá thực phẩm, giá xăng dầu, điện nước,vé máy bay… không ảnh hưởng gì đến thu nhập của tôi. Tuy nhiên tôi chọn cách lên tiếng, để cùng mọi người dân Việt Nam yêu nước thay đổi hoàn cảnh bi đát hiện tại cho tất cả mọi người, trong đó có bà con, nội ngoại của tôi. Tôi chỉ lo cho gia đình của tôi chứ không thể lo cho tất cả bà con của tôi. Cái quan trọng không phải là cho họ ‘con cá’ mà cho họ cái ‘cần để câu cá’ mà đó là việc của chính quyền, của nhà nước.
Mọi lựa chọn ‘lành mạnh’ đều rất khó khăn trong xã hội Việt Nam ngày nay, vì thế nên phần đông người ta thường chọn cách ‘im lặng’ hay ‘hợp tác’ với cái xấu để yên thân. Thế nhưng nếu ai cũng im lặng và khuất phục cái xấu thì tương lai dân tộc Việt Nam sẽ đi về đâu?
Bằng nhưng lời tâm tình từ đáy lòng, tôi muốn nói với các bạn sĩ quan an ninh mạng rằng hãy làm những điều thiện, đúng với lương tâm mình, đúng với đạo lý làm người.Tất nhiên là tôi hy vọng các bạn hiểu được những điều tôi nói và những gì người khác viết trên các trang mạng mà các bạn có nhiệm vụ đánh sập. Còn nếu các bạn hành động với niềm tin rằng các bạn đang hành động đúng và tin rằng việc làm (tin tặc) đó mang lại tốt lành cho bản thân bạn, gia đình bạn và đất nước này thì quả thật không còn gì để nói. Có chăng chỉ một lời là: Than ôi! Thật bất hạnh cho đất nước tôi!
Việt Hoàng
(Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên)
Theo Thông Luận
Gửi ý kiến của bạn