BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 77152)
(Xem: 63222)
(Xem: 40622)
(Xem: 32261)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Tôi và Tiểu Đoàn 7 TQLC

03 Tháng Sáu 201512:00 SA(Xem: 3178)
Tôi và Tiểu Đoàn 7 TQLC
53Vote
40Vote
30Vote
21Vote
11Vote
3.65

Sau khi mãn khoá học bổ túc căn bản TQLC tại Trung Tâm Huấn Luyện Rừng Cấm, Thủ Đức. Tôi và 4 người bạn cùng khóa lên xe Jeep chở về hậu cứ Tiểu Đoàn 7 trong căn cứ Sóng Thần trình diện sĩ quan chỉ huy hậu cứ. Huẩn về Đại Đội 1, Hải Cận và Lễ về Đại Đội 2, Tiếng về Đại Đội 3 và tôi về Đại Đội 4.


Ngày 10/12/73, chuyến phi cơ C119 chở chúng tôi cùng một số quân nhân TQLC từ Phi Trường Tân Sơn Nhất đến phi trường Ph́ú Bài, Huế để trình diện đơn vị. Vừa ra khỏi phi cơ, bỗng một cơn gió thổi làm lạnh cả người. Hỏi ra mới biết thời tiết mùa Đông ở Huế rất lạnh và mưa phùn đổ xuống suốt ngày. Tất cả quân nhân TQLC được xe GMC đón đưa về hậu trạm Sư Đoàn ở Thành Mang Cá.


Ngày 11/12/73, 4 thằng chúng tôi cùng nhau ra Huế, dạo quanh phố, qua cầu Trường Tiền đến thăm trường Nữ Trung Học Đồng Khánh, Trường Quốc Học và vào thành Nội xem những di tích lịch sử của Vương Triều nhà Nguyễn.


Ngày 12/12/73, xe chở chúng tôi đến Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn 7, đóng quân trên đồi Dương, ngã ba Long Hưng. Trình diện Tiểu Đoàn Trưởng xong, tôi được hướng dẫn về Đại Đội 4 đóng quân dọc bờ sông Thạch Hản, cạnh cầu ga Quảng Tṛi. Sau phần trình diện Đại Đội Trưởng, ông cho tôi đi OJT cùng HT Nguyễn Văn Thành khóa 4/71, Trung Đội Trưởng Trung Đội 4 để học hỏi những kinh nghiệm chiến trường và cũng là quy luật của Sư Đoàn cho những sĩ quan mới ra trường trước khi cấp trên trao quyền mắm Trung Đội Trưởng thực thụ.


Từ Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn về Đại Đội 4 khoảng 2 cây số. Tôi đi trên đoạn đường Quốc Lộ 1 còn được gọi là Đại Lộ Kinh Hoàng. Ở hai bên đường vẫn còn những vết tích chiến tranh tàng phá của mùa hè đỏ lửa 1972. Nhà cửa đỗ nát, Cổ Thành Đinh Công Tráng và nhà thờ La Vang chỉ còn là đống gạch vụn. Dân chúng không được về lại nơi đây để sinh sống vì là vùng phi quân sự. Các vị trí đóng quân của Đại Đội có nhiều chốt nằm sâu trong vùng đất địch. Nguyên nhân khi TQLC và các đơn vị bạn đánh tái chiếm Quảng Trị thì lệnh ngưng bắn ban hành, nên các toán quân phải giữ những phần đất đã bỏ biết bao xương máu để chiếm nó. Những vọng gác của cộng quân và ta chỉ cách nhau chừng vài thước mà thôi. Cộng quân thường mở những trận đánh lẻ tẻ cướp lương thực mỗi khi có chuyến tiếp tế, mỗi tuần một chuyến. Đôi khi hai bên lính chửi nhau. Nằm sát tuyến với cộng quân nên lúc nào chúng tôi cũng đề cao cảnh giác, không biết chiến trận sẽ bùng nổ lúc nào ? Đại Đội thường xuyên báo động. Đêm đến, tôi thường theo Huynh Trưởng Thành, Trung Đội Trưởng đi tuần tra các vọng gác và tuyến phòng thủ của Trung đội.



Trong thời gian đi OJT, mỗi ngày tôi phải hướng dẫn lính Đại Đội sang cánh B Tiểu Đoàn Phó đóng quân ở nh̀à thờ La Vang làm công tác đào và tu bổ giao thông hào, hầm hố để cũng cố tuyến phòng thủ. Ngoài ra, tôi còn được đều đi làm huấn luyện viên môn Chiến Thuật cho các Hạ Sĩ Quan Tiểu Đội Trưởng trong các Tiểu Đoàn gởi về học tại Lữ Đoàn 369 tại Mỹ Chánh. Tôi gặp được bạn cùng khóa Phạm Xuân Nhất, Đại Đội Chỉ Huy, Tiểu Đoàn 3 Pháo Binh và ăn cơm chung với anh bạn trong suốt thời gian đi huấn luyện. Xong khóa huấn luyện, tôi trở về Tiểu Đoàn 7 và được chuyển về Đại Đội Chỉ Huy giữ chức vụ Trung Đội Trưởng, Trung Đội cối 81 ly.


Căn Cứ Hòa Mỹ Ngày 19/3/75, Liên Đoàn 14 Biệt Động Quân gồm 2 Tiểu Đoàn 78 và 79 vào thay thế tuyến phòng thủ Tiểu Đoàn 7, cùng ngày Tiểu Đoàn di chuyển thay tuyến Tiểu Đoàn 6 TQLC tại cây số 17 cầu An Lỗ.


Đêm 20/3/75, Đại Đội Trưởng gọi tôi lên họp và trao cho bản đồ hành quân mới. Tôi nhận lệnh chuẩn bị di chuyển vào Đà Nẵng, Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn sẽ đóng quân trên đỉnh đèo Hải Vân.


Ngày 21/3/75, trong lúc Tiểu Đoàn đợi chuyển quân vào Đà Nẵng thế Dù thì được lệnh của Đại Tá Tư Lệnh Phó hủy bỏ kế hoạch vào Đà Nẳng và đến phòng thủ từ cầu Vân Trình ra tới biển Đông. Và rồi Tiểu Đoàn trực thuộc Lực Lượng Đặc Nhiệm Tango dưới quyền điều động của Đại Tá Tư Lệnh Phó Nguyễn Thành Trí.


Khoảng 6 giờ chiều ngày 24/3/75, từ Mỹ Chánh, Tiểu Đoàn được lệnh di chuyển về quận Hương Điền nghỉ ngơi và kiểm soát quân số. 10 giờ đêm, chúng tôi được lệnh di chuyển đến cửa biển Thuận An.


Sáng ngày 25/3/75, chúng tôi đến căn cứ Trần Ba, tọa lạc bờ phía Nam cửa Thuận An, Huế. Đến trưa, cả Tiểu Đoàn có lệnh về Nam để gặp Lữ Đoàn 147 và sẽ vô Đà Nẵng bằng tàu Hài Quân đang đậu ngoài khơi cửa biển Thuận An. Trên đường di chuyển thì cộng quân bám theo đánh phục kích. Để tránh phục kích, Tiểu Đoàn dàn quân dọc theo bờ biển, Bô Chỉ Huy Tiểu Đoàn đóng sát bờ biển, Trung Đội súng cối 81 của tôi được bung ra tuyến bảo vệ Tiểu Đoàn.


Đêm 25/3/75, tôi nhận lệnh Đại Úy Bình, Đại Đội Trưởng, Đại Đội Chỉ Huy dẫn theo 5 người lính để ba-lô tại chỗ, chỉ mang theo vũ khí cá nhân và lựu đạn nhảy vào mục tiêu. Tôi liên lạc với Thiêu Úy Toàn Trung Đội Trưởng, Trung Đội 2, Đại Đội 2 để tránh ngộ nhận khi tôi rút quân ra. Sau một hồi quần thảo với cộng quân, tôi bị thương và được 5 người lính dìu ra khỏi mục tiêu trở về tuyến Trung Đội.


Đêm 26/3/75, khi lên họp cùng Đại Đội Trưởng, ông ra lệnh cho tôi phá hủy súng cối 81 ly và cho Trung Đội trang bị nhẹ chuẩn bị đợi lệnh di chuyển mở đường máu về cửa biển Tư Hiền. Tôi trở về họp Trung Đội và bảo tất cả anh em binh sĩ phá hủy cối 81 và vứt bỏ những thứ nặng lĩnh kĩnh, càng nhẹ càng tốt. Khoảng 10 giờ đêm, tôi gọi máy liên lạc với Đại Đội nhưng không nghe trả lời. Lúc này tôi thấy Trung Đội 90 ly và Trung Đội 2 của Đại Đội 2 đang di chuyển qua tuyến phòng thủ của Trung Đội tôi. Được biết bắt đầu lui binh, tôi bảo anh Trung Sĩ Nhất Tiên, Trung Đội Phó hướng dẫn anh em đi trước, tôi và đoàn tùy tùng BC theo sau. Khi xuống đến bờ biển thì gặp Trung Úy Huỳnh Pin, Đại Đội Phó, Đại Đội 4, tất cả 4 người ôm bè lội ra biển. Ra ngoài khơi thì gặp̣ thêm 5 người thuộc Tiểu Đoàn 3,4,5. Chúng tôi kết bè lại cùng lội tiếp ra khơi. Nhìn vào bờ thấy tiếng súng và pháo kích dữ dội của cộng quân vào những người lính VNCH.


Trưa 27/3/75, tàu Hải Quân vớt chúng tôi đưa về căn cứ Non Nước, Đà Nẳng. Đại Tá Quế, Tham Mưu Trrưởng, SĐ/TQLC ra cầu tàu gặp chúng tôi và hỏi cảm nghĩ gì mà chúng tôi thả bè ra khơi. Sau đó, ông liên lạc với Hải Quân để tàu tiếp tục đi tìm những quân nhân thả bè ra khơi, nhưng không còn vớt được ai cả. Đến căn cứ Non Nước tôi được đưa vào điều trị tại bịnh viện dã chiến của TQLC. Tại đây, tôi được Thượng Sĩ Lộc phát lương và tôi gặp 2 người bạn cùng khóa Lê Văn Thành TĐ3 Sói Biển cũng bị thương tại cửa Thuận An, Huế và Nguyễn Văn Phúc ở Tiểu Đoàn Yểm Trợ Thuỷ Bộ. Tôi và Thành chẳng có chi, chỉ có 1 bộ đồ trên người.


Có tiền vì mới lãnh lương, tôi mua được 5 cây thuốc quân tiếp vụ đưa Thành 2 cây + 5,000 lở khi hai đứa lạc nhau để dùng vì Thành chưa được lãnh lương.


Đêm 28/3/75, Tôi, Phúc và Thành đang chuyện trò về những biến chuyển xảy ra ở Huế trong những ngày qua thì chợt nghe những tiếng nổ liên tục sáng cả vùng trời của cộng quân pháo vào Phi Trường Đà Nẵng. Tôi thấy rất nhiều phi cơ trực thăng cất cánh từ Phi Trường Đà Nẵng tấp nập bay đáp xuống Phi Trường Non Nước để tránh pháo. Trước khi từ giã, Phúc cho tôi và Thành mỗi thằng một cây Colt 45 để tự vệ và một số đồ dùng cần thiết. Sau đó Phúc chia tay chúng tôi để trở về đơn vị và chúng tôi mất tin từ đó.


Sáng ngày 29/3/75, Thành và tôi nghe báo tất cả thương bịnh binh tập trung bãi biển có tàu vô bốc. 2 thằng cùng anh em thương binh đi ra thì thấy cả đoàn người đang lội ra tàu, tàu thả neo rất xa không vào gần bờ sợ măc cạn. Tôi và Thành cũng theo đoàn người lội ra tàu. Rất may mắn, 2 đứa lên được tàu HQ404. Cũng tại nơi này, có rất nhiều quân nhân bị nước cuống trôi và chết. Vài giờ sau, tàu nhổ neo về hướng Sài Gòn.


Sáng ngày 30/3/75, tàu được lệnh cập cảng Cam Ranh sau khi có cuộc họp các tướng lãnh ngoài khơi. Các tiểu đoàn bung ra các tuyến phòng thủ, anh em thương binh được xe Hồng Thập Tự chở ra bệnh viện Nguyễn Huệ, Nha Trang điều trị.


Sáng ngày 31/4/75, ăn sáng xong thì tôi nghe lệnh tât cả gia đình binh sĩ tập trung để di chuyển vào Sài Gòn. Thành và tôi cùng các anh em thương binh đi bộ ra cổng bệnh viện, thấy 1 chiếc GMC chạy đến, chúng tôi chận xe lại và bảo tài xế chở tất cả anh em chúng tôi ra Cam Ranh. Lên xe GMC, Thành ngồi trong cabin ghế trưởng xa còn tôi thì đứng bên ngoài của tài xế trong tay cầm khẩu Colt 45 trong tư thế sẵn sàng, vì lúc bấy giờ ở ngoài thành phố Nha Trang rất hỗn loạn, cướp bốc và bắn loạn cả nhau. Trong lúc nầy quân trường Dục Mỹ BĐQ cũng di tảng chiến thuật về Nam.


Xe chạy ra quốc lộ 1, tôi thấy một đoàn xe GMC của LĐ 3 Nhảy Dù từ mặt trận Khánh Dương chạy về hướng Nam. Tôi đến gặp anh Đại Úy Nhảy Dù xin cho tháp tùng theo đoàn xe về Sài Gòn, nhưng anh Đại Úy bảo tôi vào căn cứ Cam Ranh theo gia đình tôi (SĐ/TQLC) đang ở trong đó. Lúc này, Quốc Lộ đầy cả xe và người di tản nên xe chạy rất chậm. Đến Cam Ranh, tôi bảo anh tài xế cho xe chạy vào căn cứ Cam Ranh, khi đến đầu cầu thì chốt QC không cho xe qua, tất cả anh em thương binh phải xuống xe. Tình cờ có 1 xe GMC của trung tâm tiếp vận Quân Đoàn 2 chạy đến, tôi liền phóng người đu theo cabin xe vào trong căn cứ thì gặp SĐ/TQLC đang xuống tàu. Tôi và những anh em thương binh xuống tàu sau cùng. Tôi không nhìn thấy bạn Thành, từ đó chúng tôi không gặp nhau.


Xuống tàu, tôi gặp 1 bạn cùng khóa là Lễ thuộc ĐĐ35 ở Thủ Đức, cùng Tiểu Đoàn 7 Hùm Xám với tôi. Sau này Lễ qua Tiểu Đoàn mới thành lập.


Ngày 1/4/75, tàu HQ 802 chở SĐ/TQLC cập bến Bãi Sau, Vũng Tàu, các tiểu đoàn còn tương đối đầy đủ thì lên bờ trước nhận tuyến phòng thủ, còn tôi và những anh em khác thất lạc tiểu đoàn thì lên sau cùng rồi xe đưa về hậu cứ Tiểu Đoàn 4.


Chúng tôi bây giờ thuộc quân số Tiểu Đoàn 4 tái thành lập, Tiểu Đoàn Trưởng là Thiếu Tá Trần Ngọc Toàn. Tôi làm trưởng tóan trình diện Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng và được lệnh cho anh em về sam ngủ và sáng ngày mai tái trang bị quân trang quân dụng bổ xung quân số. Sau đó, Tiểu Đoàn nhận tuyến phòng thủ tại cầu Cỏ Mây.


Sáng sớm, sau khi uống xong ly cà-fê, tôi nói với anh Thượng Sĩ là tôi phải về Sài Gòn cho gia đình biết tin rồi sẽ ra đơn vị. Về đến nhà gặp gia đình, mọi người hân hoan thấy tôi vẫn còn mạnh khỏe.


Ngày hôm sau, tôi trở lên căn cứ Sóng Thần trình diện hậu cứ Tiểu Đoàn 7 thì được gửi qua bệnh viện Lê Hữu Sanh nhập viện trị thương cho đến ngày gãy súng 30/4/75.


Xin một phúc mặc miệm đến các bạn đã hy sinh tại căn cứ Trần Ba, cửa biển Thuận An, Tư Hiền... Huế như Th/úy Cường khoá 4/71, Th/úy Tiếng (bạn cùng khóa), Ch/úy Vân, Ch/úy Trí và các anh em khác trong Tiểu Đoàn.


BK Nguyễn Hoàng Nam 341
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn