Nơi đầu sách là những chữ viết trong ngày 30 tháng 4-2015 đã gói trọn tấm lòng tác giả Trần Văn Giang:
“…để mãi mãi nhớ ngày 30 tháng 4 năm 1975;
… để đánh dầu 40 năm Miền Nam Việt Nam mất vào tau cộng sản.”
Trần Văn Giang không phải là một tác giả xa lạ. Xuất hiện trong khoảng một thập niên nay, và ngay từ những bài đầu tiên với văn phong độc đáo ông đã tạo một chỗ đứng đặc biệt cho tác giả Trần Văn Giang, người có lối viết lôi cuốn và uyên bác, ngay cả khi cay đắng vì bực dọc với những bất toàn ở quê nhà cũng vẫn lộ ra văn phong của một kẻ sĩ; ngay cả khi giễu cợt sự kém hiểu biết của những người lèo lái đất nước tới chỗ tệ hại nhưng cũng tìm lời dịu dàng khuyên nhà nước từ bỏ chủ nghĩa cộng sản...
Khi bạn gấp cuốn sách lại, cảm tưởng đầu tiên lưu lại trong trí nhớ sẽ là: tất cả các trang chữ của Trần Văn Giang là một tấm lòng với quê nhà, với dân tộc. Như dường, nếu không mang những ưu tư về quê nhà, ông đã không cầm bút.
Tuyển tập “Có Còn Hơn Không” của Trần Văn Giang dày 300 trang giấy, gồm 20 bài viết và 6 phụ đính.
Độc giả có thể thâý tấm long của nhà văn Trần Văn Giang thể hiện ngay trong bài đầu tiên, “Thương Vay Khóc Mướn.” Ông nghĩ về cội rễ lệ thuộc, vọng ngoại, và ông ước mơ thế hệ tương lai của Việt Nam sẽ thoát khỏi bóng đè của Bắc Phương, trước tiên là từ văn chưong thi nhạc phải thuần Việt trước, trích CCHK trang 15:
"...Về núi, tại sao phải dùng sự to lớn hung vĩ để so với núi Thái sơn, Thái Hành, Thái Tỏi, Ngọa Long cương, Nga mi…. mà không xài núi Hoàng Liên sơn, Ba Vì, Tam Điệp, Cẩm Thạch, Bà Đen, Thất Sơn.
Người đẹp thì lại ca ngợi sắc đẹp Tây Thi, Đắc Kỷ, Dương Quý Phi… mà không dám ca ngợi Hai Bà Trưng, Trần Huyền Trân, Lê Ngọc Hân, Bùi Thị Xuân.
Cái tâm lý thích “hàng ngoại” truyền thống 4000 năm này, nhất là thích “hàng Tàu,” cần phải được dừng bước giang hồ ở đây… Nếu cứ tiếp tục thích hàng Tàu và để Tàu lấn chiếm đất biên giới phía Bắc dần dà như tằm ăn dâu, hàng ngày đe dọa cưỡng chiếm bỉển đảo ở phía Đông, và cho đám thợ Tàu, thương gia Tàu, mai phục ngay trong nội địa Việt Nam thì chẳng mấy chốc nữa dân ta phải nói trực tiếp tiếng Tàu chứ chẳng phải vay mượn chi nữa chi cho toát mồ hôi… trán."(ngưng trích)
Có những lúc dòng văn Trần Văn Giang dịu xuống, khi ông hồi tưởng về những nhan sắc một thời của Sài Gòn.
Thí dụ, như trong bài "Dòng Máu Ăn Mày," nơi trang 42, tác giả viết rất mực trân trọng:
"... Báo Sống của Chu tử, một nhật báo có đông đọc giả nhất ở Sài gòn thời trước 1975, không hiểu căn cứ trên tiêu chuẩn nào, có lẽ cũng chủ quan thôi, đã đưa ra trên báo Sống một danh sách tên của “10 phụ nữ đẹp nhất Việt Nam” ngay sau khi Miền Nam có tổ chức thi hoa hậu lần đầu tiên trong lịch sử mà cô Thái Kim Hương đã được chọn là hoa hậu. Trong danh sách 10 phụ nữ đẹp nhất Việt Nam này, tôi chỉ còn nhớ có hai người: Đỗ Thị Thiên Hương, em gái của 1 thằng bạn học thân cùng lớp tôi (ở Mạc Đĩnh Chi); và mợ Phan Thị Tùy, lúc đó đang là xướng ngôn viên của đài truyền hình Sài gòn... Nếu quý vị hay ai đã có dịp nhìn thấy nhan sắc của Đỗ Thị Thiên Hương thời đó một lần thôi, thì cũng phải đồng ý 100% với sự lựa chọn lạ lùng của Chu Tử..."(ngưng trích)
Ngôn ngữ Trần Văn Giang đặc biệt bày tỏ giận dữ khi nói về chuyện các tướng công an tham nhũng, hối lộ... Trong bài "Bá Ngọ Tướng Công An," nơi trang 57, Trần Văn Giang kể chuyện Dương Chí Dũng đưa tiền hối lộ Tướng Công An Phạm Quý Ngọ, trích:
"...Việc Dương Chí Dũng mang 500.000 đô la đến nhà ông Ngọ mà lại qua mắt được lực lượng theo dõi thì quả thật là rất lạ! (mà chế độ cs có còn nhiều chuyện lạ hơn nữa kìa! Chuyện nhỏ này có cái quái gì đáng gọi là “quá lạ.” Xách một túi tiền nặng 5 kg giấy (500,000 đô la) không phải là chuyện nhẹ nhàng thong thả như đi mua phở hay thịt chó. Hơn thế nữa Dương Chí Dũng lại ngang nhiên mang đến nhà riêng Thứ trưởng Bộ Công an, thì xem ra tình huống này có vẻ chuyện của những người trong nhà chứ chẳng chơi! Đảng csvn, công an và truyền thông lề phải cs cứ tưởng 90 triệu dân Việt đều u mê ngớ ngẩn, mù lòa ngu đần như cs..."(ngưng trích)
Không phải chỉ quan tâm chuyện quê nhà, Trần Văn Giang cũng vui buồn chung với nỗi buồn vui của cộng đồng Việt hải ngoại.
Trong bài "Nghệ Thuật Tương Ớt," nơi trang 132, ông kể chuyện hũ tương ớt Việt Nam từ một người Việt tỵ nạn đã trở thành món ăn danh trấn giang hồ nơi xứ Mỹ, trích:
"...Bây giờ dân Mỹ còn nhận ra là các loại tương ớt mà họ vẫn thích từ trước, tương Tabasco chẳng hạn, chỉ có thuần túy vị cay chứ không thể có cái hương vị đậm đậm đà (after taste) như “Tương Ớt Con Gà” của xì thẩu David Tran.
Hôm nay, không những ở trên toàn quốc Hoa kỳ, chai “Tương Ớt Con Gà” còn có mặt ở cả ở Canada, Âu châu… Xì thẩu thú thật là Xi thẩu không biết rõ các chai tương ớt của Xì thẩu đã đi đến nơi nào? và được bày bán như thế nào? Lý do vì Xì thẩu chỉ giao tương ớt cho 10 nhà phân phối rồi để họ tùy ý họ phân phối lấy. Một điểm đặc biệt khác là Xì thầu vẫn còn dùng cách thương mại cổ điển rất nhà qué theo kiểu Tầu Chợ lớn đó là: Không dùng salesman và hoàn toàn không bao giờ làm quảng cáo tương ớt..." (ngưng trích)
Trần Văn Giang không ngại nói thẳng, khi nói về vận mệnh xi xẻo của quê hương khi ông Hồ và Đảng CSVN nhận chìm cả nước vào "nồi tương ớt Mác-Lê-Mao"....
Trong bài "Chính Trị Đần Độn," khi nói về ông Hồ Cí Minh, tác giả viết nơi trang 219:
"...Phải chống Mỹ vì “Mĩ đã xâm lược Việt Nam!” Có phải thật như vậy không? Nhìn lại, trước khi đến Việt Nam (1965), Mỹ đã có mặt tại các nước Đức, Nhật, Nam Hàn và Đài loan. Mỹ đã giúp các quốc gia này trở thành độc lập, tự do, và phú cường. Không thấy quốc tế hay dân Đức, Nhật, Nam hàn và Đài loan lên án Mỹ xử sự như là đội quân chiến thắng, đã bóc lột hay xâm lược lãnh thổ của kẻ chiến bại hoặc quốc gia được "giải phóng" nào. Trong khi đó, Liên sô “vĩ đại” cũng lấy danh nghĩa “cách mạng vô sản anh em,” “giải phóng dân tộc” y như csvn để chiếm hàng loạt các quốc gia nhỏ xung quanh làm thành Liên bang Sô Viết; đồng thời dùng sức mạnh quân sự và ảnh hưởng chính trị để uy hiếp, cộng sản hóa các quốc gia nhỏ, yếu kém ở Đông âu. Ở Á châu, Trung cộng ngay sau khi củng cố bạo quyền ở lục địa, đã nhanh tay chiếm đóng Tây Tạng, lấn chiếm biên giới với Ấn Độ và Liên Sô. Như vậy, thì người Mỹ mới đặt chân đến miền Nam Việt Nam năm 1965 liệu có phải là những bước chân “xâm lược” như csvn hô hào?
Hôm nay, dưới áp lực mỗi ngày một nặng thêm về chủ trương thôn tính biển đảo của Trung cộng; csvn càng ra sức o bế, ve vãn, lấy lòng Mỹ bao nhiên thì càng chỉ tổ phô trương cái đường lối chính trị đần độn mà Hồ chí minh và cscn đã ra rả cổ võ..."(ngưng trích)
Tác giả Trần Văn Giang ngày 30-4-2015 đã giải thích về tác phẩm:
“… Tôi chỉ muốn viết để cho mọi người chung quanh tôi với đời sống nghiệt ngã, vất vả, đầy ưu tư, bất mãn, đôi khi muốn văng tục chửi thề..v..v.. có một cái gì đó để đọc cho đỡ nản, để xả “stress.” Tôi chỉ muốn viết khi thấy và nghe những cái nghịch lý, những cái trơ trẽn mà lòng mình muốn cố nhịn (“nhẫn”) nhưng nhịn không nổi. Tôi muốn viết cũng chỉ để cất lên tiếng nói của những người muốn nói mà nói không được; hoặc không biết phải nói như thế nào cho đỡ ức.
…Theo tôi, cứ mạnh dạn cất cao lên, gióng lên một tiếng nói nhân bản rồi muốn tới đâu thì tới. “Có còn hơn không?” (với dấu hỏi) hay “Có còn hơn không!” (với dấu chấm than) là như vậy đó....”
Tuyển tập “Có Còn Hơn Không” là một tác phẩm cần có trong mọi gia đình người Việt. Ngôn ngữ của Trần Văn Giang là đúng giọng của một người con rất mực yêu thương của Sài Gòn, của người có một thời học sinh mẫu mực ở Sài Gòn, khi chữ nghĩa còn được trân trọng và bây giờ trở nên bực dọc vì mọi thứ đều bị cái nhà nước CSVN làm cho xấu đi. Cũng nên nhắc rằng, trước năm 1975, ông theo học trường Cao đẳng Nông Lâm Súc Sài gòn,
* Giá mỗi cuốn sách
- Trong nước Hoa Kỳ: US$25.00 (gồm cả cước phí).
- Ngoài Hoa kỳ: US$30.00 (gồm cả cước phí).
* Xin gởi Chi phiếu / Money order đến:
Tran Van Giang
P.O. Box 2811
Orange, CA 92869 - USA
* Mọi liên lạc hoặc thắc mắc xin gởi điện thư qua địa chỉ email sau đây:
tranvangiang17@yahoo.com
Phan Tấn Hải
Nguồn Việt Báo
Gửi ý kiến của bạn