Cái ác muôn đời vẫn len lõi giữa tâm hồn và chờ lúc sự lương thiện chểnh mãn, nó sẽ ngoi dậy, đạp đỗ lương thiện để nắm lấy quyền bính, chi phối sự sống. Đó là cái ác mai phục trong mỗi tâm hồn, nói xa hơn một chút, trong xã hội, đặc biệt là chế độ chính trị chi phối xã hội đó, khi cái ác nổi lên, nắm lấy quyền bính, cũng là lúc xã hội rơi vào cơn hồn trầm, lương tri bị tùng xẻo, ý hướng làm người bị đạp đổ và bất kì những hành vi liên quan đến nhân phẩm, tình người đều trở nên xa lạ, lạc lỏng… Bài học trong hàng triệu bài học đau lòng về chuyện cái ác nắm quyền mới vừa xãy ra cách đây chưa đầy một tuần và tái hiện ở một câu chuyện khác đã diễn ra đúng 52 ngày.
Đó là chuyện hai em nữ sinh trung học phổ thông đã phải bỏ học, đi làm thuê và kết cục là uống thuốc tự tử chỉ vì người ta đã đánh tráo giữa công lý và cái ác. Cũng như câu chuyện cậu bé học sinh trung học bị nhốt 52 ngày ở nhà giam vì tòa án quyền buộc tội cậu ta cho bằng được trong khi cậu không hề có tội.
Ở câu chuyện thứ nhất, hai em nữ sinh vì nhà quá nghèo, đã bỏ học, rủ nhau lên thị xã làm thuê giúp gia đình, trên đường đi, hai em bị cảnh sát giao thông thổi, tạm giữ xe gắn máy (mà hai em mượn của hàng xóm để đi xin việc) và viết giấy phạt với mức 2,5 triệu đồng. Vì nhà quá nghèo, lại bị khủng hoảng bởi mức tiền phạt, hai cô gái đã cố gắng làm lụng kiếm tiền nộp phạt nhưng mọi chuyện bế tắc, họ rủ nhau ra rẫy uống thuốc tự tử. Trước khi uống, họ đã để lại lá thư với nội dung xin lỗi người thân vì đã bất hiếu.
Kết cục, một cô không qua khỏi, một cô đang trong tình trạng nguy kịch. Nhưng đáng sợ nhất là bà nội của cô đã chết nói với báo chí: “Uống thuốc vào, cha mẹ nó cũng phải tốn tiền chạy chữa, mất còn nhiều hơn khoản tiền nợ, hai đứa nó dại quá!”. Cái câu nói tưởng chừng như vô tâm và có chút gì đó độc địa khi so sánh khoản tiền nộp phạt với khoản tiền chạy chữa, cứu lấy sinh mạng đứa cháu của người bà, nếu ngẫm, sẽ thấy đau đớn khó mà nói cho trọn.
Cũng bởi cái nghèo, người bà đã rơi vào một khủng hoảng tâm lý khác, vừa đau đớn vì mất đứa cháu, vừa đau đớn vì đã tốn khoản tiền chạy chữa cho cháu, không thành công, mất cháu nhưng khoản tiền đóng phạt 2,5 triệu cho công an giao thông để lấy chiếc xe trả cho hàng xóm vẫn phải đóng. Mọi sự khủng hoảng, khốn cùng đã bật thành câu nói hết sức phũ phàng và đau đớn của người bà. Do đâu mà nên cớ sự như vậy? Do quá nghèo? Do sự lạc hậu? Do sự lãnh cảm cũng như tính vòi vĩnh của công an giao thông? Nếu như có tiền, hai em bé kia có cần mượn xe để đi? Và nếu có tiền, biết lót tay, hai cô gái có phải dẫn đến kết thúc bi thảm như vậy? Dường như do mọi yếu tố đã đặt trong câu hỏi tạo ra kết cục trên!
Nhưng do đâu mà có mọi tình huống đó? Câu hỏi này vô hình trung dẫn đến câu chuyện thứ hai, chuyện về cậu bé học sinh trung học phổ thông, trên đường đi học về đã bị một người lớn tuổi ngã xe vào xe của cậu tại ngã tư. Thấy người lớn nằm bất động, cậu đã gọi xe taxi đến đưa đi cấp cứu. Và kết cục của câu chuyện, cậu bị công an thi hành án đưa xe chở tù nhân đến tận trường, bắt bỏ vào xe, nhốt tù. Mãi đến 52 ngày sau, khi người ta trưng ra đủ các bằng chứng vô tội của cậu bé, chứng minh người bị ngã xe do tai biến, đột quị, sự đụng chạm vào cậu chỉ là chuyện ngẫu nhiên thì tòa án mới làm động tác “xin lại hồ sơ giám định y tế bởi nó đã thất lạc”!
Cách làm việc hết sức ầu ơ của tòa án trước mạng người đã chết và tương lai người còn sống cho thấy vấn đề nhân tính đã khủng hoảng trầm trọng. Và có một điều lạ là tại sao Sở Y tế gửi công văn giám định y tế đến tòa án, khi nhận, đương nhiên phải có người ký nhận và bàn giao cho người có quyền hạn để từ đó lấy làm cơ sở mà thẩm định, kết luận. Nhưng công văn bị mất và mọi chuyện vẫn cứ “y án”, cậu học sinh vẫn bị nhốt tù trong sự ấm ức?
Điều này không cần bàn thêm về vấn đề hồ sơ, công văn có liên quan đến vụ án, bởi tòa án Việt Nam thì miễn bàn về chuyện này và ai cũng thừa biết bản chất của nó. Cũng như không cần bàn thêm về những phi vụ mờ ám đằng sau phiên tòa, có thể là gia đình người bị chết đi đêm với quan tòa, cũng có thể vì thương con, gia đình cậu bé đã đi đêm với ngành công an để bằng mọi giá lấy chứng cứ hoặc là công bằng (nếu cậu bé không có tội) hoặc là đổi trắng thay đen. Nhưng nếu có chăng như vậy, nó cần được bạch hóa tại tòa. Đằng này một cơ quan thực thi công lý lại làm những chuyện hết sức phi lý là do đâu?
Câu hỏi này cũng nhắc người ta nghĩ đến hàng chục ngàn sinh viên đại học luật tốt nghiệp xong phải vác đơn đi xin xỏ, nịnh nọt các quan tòa để được nhận vào làm việc. Và đương nhiên những trí thức (mặc dù rất hỏng trong quá trình đào tạo đại học xã hội chủ nghĩa nhưng vẫn tốt hơn nhiều các quan tòa) này phải vào làm thuộc cấp của các quan tòa không biết gì về luật, không có năng lực, thậm chí học chuyên tu từ cấp hai cho đến đại học, đầu óc đặc sệt mưu toan tham nhũng, móc ngoặc, bòn rút, hối lộ nhưng lại không có tri thức tác nghiệp cũng như không có phẩm hạnh tương ứng cúa chức vụ đang nắm.
Và với một hệ thống như vậy, chắc chắn đó sẽ là nơi dung dưỡng của tội lỗi, sự áp phe, ép chế và tội ác. Bởi nó được sinh ra từ một hệ thống tội ác, giả đối và lấp liếm và cố chấp.
Nhưng cũng may, khi được hỏi nếu lần sau gặp lại một lần nữa trường hợp người ta ngã giữa đường, cậu có còn giúp đỡ. Cậu bé vẫn thản nhiên trả lời: Vẫn cứ giúp đỡ như thường! Câu nói của câu bé và hệ thống ứng xử của bộ máy cầm quyền như một bài toán mà ở đó, đáp án của nó là phải loại bỏ những thứ đã hết xài được để thay thế bằng cái mới giàu nhân cảm và vị tha hơn, không thối nát và không ích kỉ, nhỏ nhen như đang thấy. Chỉ có như thế mới hy vọng đất nước này tiến bộ, quật cường!
Viết Từ Sài Gòn
Nguồn Blog Viết Từ Sài Gòn
Gửi ý kiến của bạn