BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 77465)
(Xem: 63329)
(Xem: 40777)
(Xem: 32399)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Thằng Điên

20 Tháng Năm 201512:00 SA(Xem: 1911)
Thằng Điên
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Từ Houston, Thằng Điên về Sài Gòn nhanh và nhẹ tựa như những sải cánh của bầy thiên nga xuôi về phương Nam với nắng ấm, với gió, với thảm thực động vật mướt xanh… Và, mặc dù anh Nh. đã khuyến cáo rằng chớ nên tổ chức gặp mặt, phát hành ầm ĩ ở thời điểm nhạy cảm này… nguy hiểm! Cái đầu tôi biết vậy, rất rõ nhưng trái tim thì luôn đập đúng nhịp, nên cuối cùng tôi vẫn leo xe đò lên Sài Gòn, lơn tơn như kẻ nhàn nhã, xuôi ngược trên đường phố Sài Gòn, thành phố đã dung nạp tôi nhiều năm tháng thời sinh viên. Tôi háo hức như chàng trai tuổi hai mươi, bởi quá lâu, tôi chưa hề gặp mặt những người bạn thân thiết một thời, chưa từng mở nụ cười, hay mếu máo với họ.

Và, trái tim đã thắng cái đầu.

6 giờ sáng, SG đã nhộn nhịp muôn ngàn tiếng động để tôi hít thở thứ không khí bụi bặm oi nồng của Sài Gòn từ đêm qua còn vảng vất đâu đây.

Mở thùng sách và ký vội đề tặng và bỏ vào bì thư phát nhanh EMS xin từ BĐ, gọi là ngụy trang. Đến lúc cầm từng cuốn sách bỏ vào bì thư dán kín, tôi mới phát hiện trên bìa từng cuốn NKTĐ có những vết keo dán gáy dây ra, bám trên bìa. Đột nhiên lòng tôi nặng trĩu, bởi tôi đã hành khổ bạn tôi một ông bạn già xa xứ, cô đơn giữa một khu rừng cây dày bịt, và đến cả tuyết phủ trắng mùa đông trên mái, ngoài sân…

Bạn tôi chỉ được vẽ nguyệch ngoạc có mấy từ mà sao nhói đau trong tôi, nói lên được tất cả: lão ngồi khâu di sản/ kim đâm mà không hay… Đúng tôi là thằng điên mới dám làm một việc điên rồ, khi biết bạn tôi đã già, mệt mỏi vì chị tôi, mệt mỏi vì cố gắng phục hồi những trang sách, báo bị bức tử một cách oan uổng không thương xót, khi nào còn có thể.

Hết nhìn nhân dạng qua tấm ảnh bạn trên blog, lại tình cờ đọc mấy dòng: trong Ba cận thị vẫn có mặt: “…Ông bạn già xứ Xương Rồng, rõ ràng ông chơi ngược đời. Tôi vừa layout, vừa in, vừa đọc, thấy nhân vật điên này giống tôi quá đi. Tôi cũng điên đây. Điên khi làm Thư Quán Bản Thảo, nhất là 5 số vừa qua, thấy thiên hạ mủi lòng ví tấm hình của tôi, bèn nổi khùng tăng trang từ 250 trang lên 350-360 trang. Mà tặng không. Điên khi chọn những chủ đề gai góc nhất như Phùng Thăng. Khởi Hành và tôi. Sáng Tạo. Văn chương nữ giới. 20 năm văn học miền Nam, mà ông bạn đã chơi một màn rất đẹp, lần đầu tiên qui tụ hầu hết những người viết cùng thế hệ chúng ta, để nói cho đã…”.

Đã biết, trên đời này lắm kẻ điên. Có những người điên đẹp như thiên sứ và cũng có những thằng điên xấu xí như ngạ quỷ súc sinh. Tôi không xấu không đẹp khi điên để hành bạn tôi, chỉ lưng chừng, nhưng lòng thì rất xót xa khi những tập truyện cuối cùng nằm lọt trong bì thư xin từ BĐ, như nhét Thằng Điên vào chuồng cũi nhà thương điên.

Trên đường, từ Thủ Đức vào trung tâm SG, lòng tôi lại hoang mang dữ dội, nhớ lại cú nhắn nhe của anh Nh. email của Q. điện thoại của NM, THD và cả NQT (gọi lúc nửa đêm) người từng đương đầu với sở cảnh sát Đô thành vì những số TB bị tịch thu hay bị đe dọa tịch thu. Họ lo sợ cho tôi, chỉ vì trước đó không lâu, trong khuôn viên hội nhà văn SG, một nhóm anh em văn nghệ và nhóm Mở Miệng cũng đã tổ chức phát hành quyển Lịch sử Cao nguyên của Quận công Nguyễn Thân viết bằng tiếng Hán-Nôm, do Nguyễn Đức Cung dịch sang tiếng Việt và quyển luận văn Tiến sĩ ở Viện ĐH Huế, cũng của Nguyễn Đức Cung về Quận công Nguyễn Thân. Cả hai đều không có giấy phép XB và đã bị nhà cầm quyền bắt quả tang, lập biên bản, thu giữ giấy tờ tùy thân tất cả những người tham gia buổi phát hành bỏ túi và “bất hợp pháp” đó! Nhiều bạn tôi dính vào vụ này và đang viết bản tường trình, đang bị hạnh họe! Không biết sẽ kết thúc như thế nào? Mà dẫu cho thế nào thì sự vụ kia vẫn là “những tội” rành rành, hoặc lớn hoặc nhỏ khi các ông bạn nhà văn vượt rào, không tuân thủ luật xuất bản ở một đất nước lơn tơn cà chớn ma mị!

Hai quyển lịch sử không giấy phép in lậu bị dính ngay ngọn độc cước khiến tôi nhớ hồi năm 1982 hay 1983 gì đó, nhà thơ Hoàng Hưng tung tăng ôm tập bản thảo Về Kinh Bắc của Hoàng Cầm, bị công an phát hiện, bị bắt và bị nhốt vào nhà giam Hỏa Lò mấy năm trời vì tội tàng trử văn hóa phẩm độc hại của một nhà thơ bị kết án từ phong trào Nhân Văn Giai Phẩm. Xem ra, nền văn nghệ nước nhà sẽ vẫn còn diễn ra những vụ án tương tự và dài dài… nên các bạn lo là phải!

Gạt tất mọi lo lắng sang bên, cái thằng nông dân mạt hạng ngoại hạng, thứ nông dân hạng tư chính hiệu từ xứ sở Xương Rồng cứ lom phom chạy xe trên khắp các con đường mang những tên lạ, đến thánh thần cũng chịu phép một bề. Qua ngả tư Hàng Xanh, leo lên kênh Nhiêu Lộc quanh co uốn éo. Hỏi thăm ba lần bảy lượt mới vượt lên cầu Trương Minh Giảng, nay cũng đã thay tên. Đại Học Vạn Hạnh thuở xưa nằm ngay trước mắt mà không nhận ra. Tất cả đều thay tên đổi họ khiến thằng nông dân nhà quê có dịp lên tỉnh cử lộn bật lộn chảy trên đường đến nhà Dương Nghiễm Mậu.

Chỉ mới hơn 7g30, đã thấy anh mình trần quần cộc hí hoáy vẽ nháp cho bức tranh sơn mài. Nhác nhìn thấy, anh mở miệng cười thật rộng, bắt tay nhau, xỏ cái áo màu sậm, nói năm ba câu và mời đi cà phê. Tôi mở túi, lôi Thằng Điên bị nhốt trong chuồng ra tặng. Anh mở, ngắm nghía nói in đẹp, khen tranh Đinh Cường và thêm không biết tình trạng sức khỏe của ĐC nay ra sao? Tôi mù tịt. Chỉ biết tháng trước ảnh còn vẽ được bìa sách tôi nhờ, thì có thể sức khỏe được phục hồi dần. Hai anh em lơn tơn ra quá đầu ngõ. Ảnh lại hỏi ngồi với tôi được mấy tiếng? Tôi nói ba mươi phút trở lại. Gì mà nôn nóng thế? Còn nhiều bạn bè khác, tranh thủ, chiều phải ra… Anh hỏi thăm Lê Văn Thiện, Khuất Đẩu. Anh hỏi về xứ Xương Rồng Cà Lơn Tơn của tôi, hỏi số 64 đã phát hành chưa, rồi quay sang nói chuyện văn nghệ, về thái độ của người cầm bút và giải thích tại sao anh chỉ viết truyện mà không làm báo khi Hội VNS Quân đội mời anh về giữ tờ Khởi Hành. Anh nói tôi luôn là người tự do, không muốn bị ràng buộc… Bây giờ vẫn thế.

Quá nửa tiếng, tôi bắt tay anh. Cả hai ra khỏi quán. Ngoái nhìn, thấy anh đi chậm nhưng còn chắc và khỏe. Vẫn là Dương Nghiễm Mậu ngày xưa, rất chừng mực, tự trọng và tránh mọi sự kết đám hội hè ồn ào không cần thiết cho văn chương…

Đến chỗ hẹn là quán cà phê xinh xắn mang một cái tên rất chi là Mari Sến: Cối Xay Gió, không gian rộng, thoáng. Vừa bước vào đã thấy tranh trưng bày của Rừng. Vẫn là sắc màu của riêng Rừng, một style rất riêng với những gam màu nóng, cháy cả mắt cả tâm can mà sâu lắng, ẩn chứa những rung động dữ dội bên trong những tảng màu quyện chặt lấy nhau. Rừng đã ngồi trước từ lâu với Phạm Chu Sa, với vợ chồng Elena&Trương Văn Dân. Lại bắt tay. Lại ngó trước dòm sau, len lén mở dây rút lôi Thằng Điên bị nhốt chuồng dúi vào tay từng bạn văn, y như thằng nông dân tỉnh nhỏ đang phạm tội ăn trộm gà nhà lý trưởng chánh tổng thời xưa, hay sắp có một hành động gì đó kinh thiên động địa!

Một vài bạn văn khác đến và đi vội vã vì những lý do rất chính đáng mà họ đưa ra. Sao trách được? Họ đến bắt được cái bắt tay, lắc lắc; nhìn mặt nhau, cười; nói vài câu rồi lại bắt tay bye bye… đã là niềm an ủi lớn. Trong đời sống hôm nay, trong xứ sở hỗn tạp này, nỗi sợ hãi luôn thường trực trong mỗi con người. Nó đã thành cơm thành cháo, thành khí trời quanh co bên phận người hèn mọn.Thật khốn nạn!

Thằng Điên vẫn tiếp tục số phận dấm dúi như tên trộm!

Tội nghiệp. Tại sao chúng tôi lại sinh ra ở một đất nước khốn nạn đến thế? Phải chịu khuất phục để làm một lũ người khiếp nhược và chịu nhục đến thế? Tôi nghe cơ chừng như máu sôi xèo xèo trên đỉnh đầu, bốc lửa, tỏa khói như bức tranh nằm trong góc khuất của Rừng, đỏ hoét những lửa quanh cô gái lưng trần.

Làm người đã là điều quá kinh khủng trong thời buổi nhiễu nhương này, mà mỗi chúng ta không có quyền chọn lựa được hay không được làm người. Nhưng càng kinh khủng hơn là phải làm người trên xứ sở rất kinh khủng này. Và lại kinh khủng khinh khiếp hơn nữa, là lũ làm người đó lại có trái tim và cái đầu lớn hơn thiên hạ đôi chút, đèo bồng thêm mớ chữ nghĩa nặng vai nên luôn mang mặc cảm phạm tội với tổ tiên, với các bậc đàn anh đi trước. Lũ người đó, nhìn thấy, nghe thấy, cảm thấy… đủ cả các thấy các cảm các thứ và luôn cam chịu thân phận một thằng người hèn mọn trong mớ lùng nhùng không thể nào gỡ ra nổi.

Lịch sử thời đại này đã chơi trò xỏ lá với chúng tôi, đã hủy hoại chúng tôi đến chỗ tận cùng, cả tâm hồn lẫn thể xác; đã lột truồng chúng tôi và ném vãi tứ phía, tan tác, chia lìa. Cái lịch sử khốn nạn đó bị gắn chặt vào sự túm tóc lôi xềnh xệch của những thằng nhà giàu buôn bán súng đạn, chủ thuyết vô cảm vô đạo đức làm người các loại. Chúng là lũ buôn người thượng đẳng cô hồn các đẳng, rồi nặn ra một lũ vô hồn, không tim không đầu. Chúng đặt văn hóa dân tộc xuống đất và ỉa đái lên đó, mang tổ tiên ra đá lăn lốc và tẩm thuốc độc, thắt cổ treo lên ngọn cây, xóa sạch vết tích… và lần lượt tới trăm dân trăm họ, theo ngày tháng chúng biến tất cả thành bầy cừu… cho bằng được.

Ngồi nhìn những bức tranh của Rừng,; bổng nhớ lại những truyện ngắn truyệt vời của anh trên Văn thuở nọ, ký tên Kinh Dương Vương: Bí Đái, Nhà Cầu, Đường Kiến… mà cảm thấy xót xa cho những ngày anh ở Kontum, xót xa với những bạn bè cầm súng ngoài mặt trận. Chiến đấu cho ai và vì cái gì? Xổ toẹt tất.

Ngày trước nghe mấy chữ cà chớn: thân phận nhược tiểu, nỗi buồn nhược tiểu… thằng tôi này muốn lộn mửa, bởi nghe sên sến máy nước phông tên. Nhưng nay, khi nước mất, khi bạn bè và người thân chết trên cạn, chết dưới đại dương không toàn thây, tôi mới thấm thía cái nhược tiểu kia. Tôi không phải thằng điên mà là thằng ngu nhất thế gian này bởi cả tin vào tinh thần gọi là friendship! Mụ nội nó thằng điếm lác H. Kissinger khốn nạn dám mở miệng xin lỗi quân đội VNCH trong một văn bản đăng tràn lan trên các trang mạng.

Phạm Chu Sa kêu: ê mày mệt hả? Tôi mở mắt. Hắn gào lên: mặt mày tái thế, thằng Viện bạn mày tới kia. Tôi mở mắt ôm lấy Viện: a, thằng Đĩ thúi. Tôi ôm hắn: Nhảy múa để chết. Cảm ơn mày nghe Viện, mày đã giải oan thanh tẩy cho nàng Kiều từ con cháu thằng nhà trời trời đánh thành một con đĩ thuần Việt, thơm tho. Kiều của mày làm đĩ cho trăm thằng ở một xứ sở hổ lốn, hỗn man, nhưng nàng luôn trinh tiết, trắng trong ngọc ngà, sạch sẽ đến tận cũng những sợi lông trong háng nàng. Chỉ tội cái đám Rồng và Rắn cứ lôi nàng tuồn tuột lên giường hãm hiếp. Nàng Kiều của mày chính là bà mẹ Việt Nam xuyên suốt lịch sử Việt trần truồng máu me này từ thời lập quốc tới nay.

Đầu óc tôi phập phừng lóc cóc như tiếng gõ móng con ngựa già Chúa Trịnh thì đúng lúc đó chàng trai trẻ ở tuổi 80 xuất hiện.

Cung Tích Biền & thằng nông dân hạng tư


Chàng như một nghệ sĩ chơi piano, không còn dấu vết gì của một sĩ quan ở SĐ 21BB hơn 40 năm về trước, cái vẻ hào hoa phong nhã ấy ẩn vào từng bước nhảy tài hoa với những Tango, Valse, merengu, salsa, rumba… đã cuốn hút biết bao cô gái trẻ. Dám chắc đến tuổi 90, Cung Tích Biền sẽ vẫn là chàng trai trẻ đôi mươi, khi mà những truyện ngắn đầu tay: Bố mẹ da đen da vàng, Dĩ An linh hồn tôi… đã gây chú ý cho độc giả thuở ấy. Nay, anh vẫn chơi và vẫn viết, đều đặn. Cả ngàn trang viết của anh lần lượt được công bố và tự in với cái tên NXB Một Mình.

Khi trả lời phỏng vấn của Lý Đợi, anh đã bày tỏ thái độ cầm bút của mình: “Một đại bộ phận quần chúng hôm nay thực sự không cần đến những gì cao siêu của văn chương học thuật. Không cần nâng cao não trạng. Không có tự do, tư tưởng, vẫn sống phây phây. Đây là một quần chúng tồn tại bằng thịt khối. Được ru ngủ bởi một đời sống kinh tế tương đối êm ấm trong thời buổi chỉ mở cửa cho “Miếng Ăn”. Họ bỗng dưng khá xa lạ với những cụm từ ngôn luận, nhân quyền. Với đại bộ phận nhung nhúc này, đòi hỏi dân chủ, tự do, nhân quyền, quả là điên.

…Với một người cầm bút, phải hiểu chỗ thực tại hiểm nghèo. Phải ẩn mình, dành thời gian để làm công việc lâu dài của một nghệ sĩ sáng tác. Trong thầm lặng vẫn có điều kiện để đóng góp cho cộng đồng” (Phỏng vấn nhà văn Cung Tích Biền, Lý Đợi thực hiện, Trang văn học Talawas – tháng 2-2007).

Đó là những gì tôi thay thế cuộc chuyện trò giữa anh và tôi và Nguyễn Viện, Phạm Chu Sa xoay quanh bàn rượu chỉ có 4 thằng, đều bước vào tuổi dậy thì, ở quán Phương Nam sát bên Ngả Tư Hàng Xanh. Chúng tôi uống và nói và nổi giận và cười như mếu về thái độ người cầm bút trong tình thế hiện tại. Vâng, thà cầm con chủy thủ qua đất Tần với Kinh Kha của Dương Nghiễm Mậu còn hơn là làm kẻ chịu nắm chéo áo cùng Hàn Tín lòn qua, lộn lại; thà bám theo chị đĩ quốc tế Kiều nương trinh tiết thơm tho của Nguyễn Viện hơn là van vỉ núp gấu váy cô nường có đôi mắt dao cau, õng ẹo, phải vừa gọi bằng mẹ vừa là vợ!

Anh Biền ơi, Viện ơi! Bia thì còn đầy trong ly, buổi gặp nhau sao chan cả niềm vui và nỗi u uất dày cả đất trời vào chén, trào ra lai láng trên bàn? Mà sao đã tự dưng liền một mối mà vẫn có đầy một quần chúng tồn tại bằng thịt khối, hở Sa?

Vậy thì tại sao các người cứ bắt ta phải ca tụng trăng sao, hoa lá và khối thịt thối tha kia, cái bóng ma vô hình cứ lơ lửng treo trên đầu nhân dân?

A, ta chứng ngộ rồi: tất cả bị biến thành đống thịt khối như một lũ cừu.

Bravo et merde!

Đồ điên!

(tháng 4/2015)

Nguyễn Lệ Uyên

Nguồn http://t-van.net/?p=22172
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn