BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73246)
(Xem: 62216)
(Xem: 39402)
(Xem: 31152)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Khoảnh Khắc Chiêm Bao

20 Tháng Năm 201512:00 SA(Xem: 1123)
Khoảnh Khắc Chiêm Bao
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Nhà sư vừa ra khỏi cánh rừng. Dường như đang có một lễ hội gì đó trong ngôi làng giữa đồng lúa xanh non bát ngát. Ông bước khoan thai, thong dong và tĩnh tại. Cái tâm của ông không đặt vào bước chân mà đặt vào cảnh vật, vào cái màu xanh của mạ non xa tít chân trời.

Bỗng nhiên ông nghe tiếng trống lân của đàn trẻ nhỏ, ngoảnh lại và sững sờ khi nhìn thấy một đôi mắt. Đó là đôi mắt của một thiếu nữ. Và một nụ cười thơ dại. Rồi cô gái nhỏ lẩn khuất vào đám đông. Biến mất như một cánh chim lẻ loi giữa cây lá, như cánh hoa bay lạc trong cơn gió đồng nội.

Ông tiếp tục đi. Nơi ông đến là một cái am nhỏ phía bên kia dòng suối. Ông lội qua suối và ngạc nhiên thấy mình lạc vào một vạt rừng thưa, đi một hồi lại nghe tiếng trống lân. Bầy trẻ nhỏ lại hiện ra. Nhưng người con gái lúc nãy đã không còn nữa.

Ông cảm thấy cái tâm của mình đang xao động như mặt nước gợn sóng. Và ông ngồi xuống một tảng đá bên gốc cây già.

*

Tối đó nhà sư tụng kinh xong, ngồi thiền, rồi đi ngủ. Giấc ngủ đến khá dễ dàng trong im lặng của rừng. Nhưng nửa đêm thì ông thức giấc sau một giấc mơ ngắn. Giấc mơ êm ái như tiếng chuông, thủ thỉ, trong suốt, ngân nga, xao động…

Trong bóng tối, nhà sư mò tìm cuốn sổ và cây bút. Rồi một bài thơ tứ tuyệt đã hiện ra, đã khai sinh vào cõi trời đất vô thường này.

Người mắt biếc ngây thơ ngày hội lớn

Khóe môi cười, nắng quái cũng gầy hao

Như cò trắng giữa đồng xanh bất tận

Ta yêu người vì khoảnh khắc chiêm bao.

(Rừng Vạn Giã 1976)

Tuệ Sỹ làm bài thơ này năm ông 33 tuổi nhưng đã là một nhà sư uyên bác.

Với tư cách một người tu hành, sao ông có thể viết được một bài tứ tuyệt diễm tình, không chỉ lãng mạn mà còn ẩn chứa một tình yêu xót xa, một rung động sâu thẳm, ngậm ngùi.

Người thiếu nữ ấy, ông tưởng đã bay qua đời ông như một cánh chim lẻ loi, nhưng nàng đã đậu lại trên cành vô thức. Và đến nửa đêm, trong giấc ngủ chập chờn, lý trí của nhà sư trẻ đã buông lỏng để cho cô gái từ trên cành vô thức bay vào cõi trời mộng mị, khiến cho ông bàng hoàng thức giấc và biết rằng:

Ta yêu người vì khoảnh khắc chiêm bao.

Nếu không có giấc chiêm bao ấy, nhà sư đã không thể nhìn thấy được người con gái trong tiềm thức. Và cõi trần gian đã không có được bốn câu thơ diễm tuyệt này.

Là một nhà sư, Tuệ Sỹ không dám bước ra ngoài khuôn khổ của giới luật. Và cũng vì ông tôn trọng mối tình của mình, tôn trọng cô thiếu nữ thiên thần ấy, cho nên thay vì viết “Em mắt biếc…” thì ông lại viết: “Người mắt biếc…”. Anh là một nhà sư, anh không dám gọi em bằng “em”. Sợ thất lễ.

Người mắt biếc ngây thơ ngày hội lớn.

Khóe môi cười, nắng quái cũng gầy hao.

Ai cũng sợ nắng quái vì đó là nắng xế chiều, nắng chết, thứ nắng vẫn ám ảnh Trịnh Công Sơn: Từng lời tà dương là lời mộ địa.

Và thi sĩ Giả Đảo đời Đường cũng đã run sợ trước nắng quái ấy trong hai câu thơ:

Quái cầm đề khoáng dã

Nhật lạc khủng hành nhân

(Con chim lạ kêu giữa đồng trống. Nắng quái làm người lữ hành run sợ.)

Thế mà cái “nắng quái” ấy cũng phải “gầy hao” trước “khóe môi cười” của cô gái nhỏ. Vậy thì nhà sư 33 tuổi kia, nhà sư uyên bác, nhà sư giáo sư đại học kia… còn “gầy hao” đến mức nào?

Có thể chàng đã ốm tương tư vì “người mắt biếc” vì “khóe môi cười” ấy trong một thời gian dài, và biết đâu trong suốt cuộc đời chàng, trong cả những năm tù tội với bản án tử hình, rồi chung thân khổ sai…

Đó là điều đáng yêu nhất của Tuệ Sỹ.

Và đó cũng là điều đáng kính nhất của ông.

Người mắt biếc ngây thơ ngày hội lớn

Khóe môi cười, nắng quái cũng gầy hao

Như cò trắng giữa đồng xanh bất tận

Ta yêu người vì khoảnh khắc chiêm bao.

Người con gái ấy – vô danh, vô thanh, như một giấc mơ từ Niết Bàn hội tụ trong cõi sắc không – với Tuệ Sỹ có khác nào Quán Thế Âm Bồ Tát?

Ngài có thể hiện thân thành một vầng sáng giữa đại dương để cứu độ những thuyền nhân năm nào, ngài cũng có thể hiển hiện như một tòa sen, thì sao lại không thể biến thành một cô gái nhỏ đang trẩy hội giữa làng quê, để rồi thoắt cái, bay lên.

Như cò trắng giữa đồng xanh bất tận?

Và thế là Mắt Biếc, Môi Cười, Cò Trắng và cả nhà sư nữa… cũng đều hòa nhập vào bản thể của vũ trụ, vào Nhất Thể uyên nguyên vĩnh hằng của trời đất.

Tất cả những bóng hình ấy, xúc cảm ấy, ngậm ngùi ấy cũng đã nhập vào vô thức của nhà sư mà ông không hề hay biết.

Cho đến nửa khuya, khi giật mình thức dậy sau một giấc chiêm bao, nhà sư mới biết rằng tất cả vẫn còn đó. Không đã biến thành Sắc. Vô thức đã biến thành những rung động đầu đời, ngân nga giữa đêm trường tĩnh mịch.

Ta yêu người vì khoảnh khắc chiêm bao.

Đó là Tuệ Sỹ. Chân thật, cao cả, tinh tấn và si tình.

Đọc bài tứ tuyệt này chúng ta tự hỏi: Tại sao người ta có thể xử tử hình một tâm hồn rực rỡ như thế? Tại sao một tấm lòng đẹp đẽ huy hoàng đến vậy mà lại có thể “âm mưu lật đổ chế độ”?

Một con người có viết nên những vần thơ tuyệt cú ấy, chỉ có thể là một con người tài hoa, đáng kính và đáng phục. Chỉ có thể là một nhân cách lớn, một tâm hồn cao đẹp.

Xin trích một đoạn ngắn trong Wikipedia để kết thúc bài viết này:

“Ngày 1 tháng 9 năm 1998 ông được trả tự do từ trại Ba Sao (Nam Hà) miền Bắc Việt Nam. Trước khi thả, nhà cầm quyền yêu cầu ông ký vào lá đơn xin khoan hồng để gửi lên Chủ Tịch Trần Đức Lương. Ông trả lời: “Không ai có quyền xét xử tôi, không ai có quyền ân xá tôi.” Công an nói không viết đơn thì không thả. Thầy không viết. Chính quyền đã phải phóng thích ông sau 10 ngày tuyệt thực.”

ĐÀO HIẾU

SG, ngày 6/5/2015

Nguồn Lề Trái
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn