BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73320)
(Xem: 62233)
(Xem: 39421)
(Xem: 31168)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Đề tài Tháng Tư trong thơ Việt Nam

23 Tháng Tư 201512:00 SA(Xem: 1041)
Đề tài Tháng Tư trong thơ Việt Nam
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Hồi còn ngồi trên ghế nhà trường, học sinh bậc trung học của ta phần lớn đều được học qua những đề tài như “tiết thanh minh trong Truyện Kiều,” “thu trong thơ Nguyễn Khuyến,” “rượu trong thơ Tản Đà,” “cái nghèo trong thơ Tú Xương,” “trăng trong thơ Hàn Mặc Tử,” v.v... bàn xuôi viết ngược đến thế nào chăng nữa cả thầy lẫn trò khi đọc cổ văn, đọc thơ tiền chiến, cũng vẫn thấy cuộc sống trong văn chương những thời đại ấy phản ảnh những tâm hồn bình an, những cảnh đời dung dị, song nếu sau này có một cuốn sách giáo khoa nào đưa ra đề tài “Tháng Tư trong thơ Việt Nam,” thì rõ ràng Tiết Thanh Minh không có gì đáng nói, cái nghèo không có gì đáng nói, rượu không có gì đáng nói, mùa Thu hay ánh trăng không có gì đáng nói, cái đáng nói chính là Tháng tư. Tháng Tư, một đề tài văn học sử về thơ, sẽ phải như thế nào?








Một tấm hình có chữ Saigon in chồng lên, của Sydney Schanberg, in trên bản Việt ngữ Vĩnh Biệt Sài Gòn do Phạm Kim Vinh dịch từ Jean Larteguy.

Các nhà thơ Việt Nam trong nửa thế kỷ qua viết gì về Tháng Tư? Và thơ Việt Nam viết về Tháng Tư sẽ là một đề tài đáng phải chiêm nghiệm, nghiên cứu và thực hiện rộng rãi, nặng phần sự kiện hơn là văn chương. Mà đối tượng không phải chỉ bây giờ, đối tượng là độc giả mai sau, làm sao để qua vài vần điệu người ta thấy được thời thế của những vần thơ đó, thời thế của tác giả những vần thơ đó. Đó là thời điểm hiển hiện và xuất hiện những vần điệu ghi lại một lịch sử thống khổ của dân tộc, khi sự chia cắt từ 1954 chấm dứt bằng cuộc thống nhất hận thù 1975, xảy ra ngày 30 Tháng Tư, sau đó cả nước mở ra các trại tù tập trung để Cộng Sản thu lượm tước đoạt toàn thể mọi bất động sản và tài sản của miền Nam trong khi bắt giữ các sở hữu chủ, buộc họ đi lao động nơi ma thiêng nước độc không những không cung cấp bao nhiêu gạo nước mà còn bắt họ phải dựng chòi cất lán mà ở.

Cũng từ Tháng Tư 1975, bờ biển Việt Nam trở thành một hải cảng bao la xuất khẩu đi khắp thế giới những món hàng lậu không ai muốn nhận, những con người thất bại, tan tác, bơ vơ, kẻ có học một đời dù đến bậc trí thức khi lên bờ một nước tạm dung cũng mừng rỡ khi được làm lao công như rửa bát, lau nhà, cắt cỏ, phu phen; còn hơn là làm dân một nước tự nhận là độc lập tự do hành phúc - vì chủ nghĩa xã hội, những tiêu đề trên công văn và dưới tên các tờ báo quốc doanh.

Nỗi bi thống ấy của người miền Nam làm chảy nước mắt nhân loại trong khi “đồng bào” của họ từ Trung ra Bắc, những người vừa lên nắm quyền trị nước hả hê tán thán quốc sách siêu việt của mình.

Đề tài thơ Tháng Tư chia ra nhiều phần, vượt biển, tù đày tập trung, lưu vong,... Dưới đây là những bài thơ sớm nhất, mấy năm đầu.

Nhất Sơn Vũ Quang Hân

Từ ngày mất nước ra đi
Người ta thường hỏi mất gì bạn ơi?
Thưa tôi mất
Những người bạn mà tôi thường rất quí
Hăm lăm năm chiến đấu bước chưa chồn
Khi sình lầy, lúc bãi bể, sườn non
Chân đặt khắp mọi nẻo đường đất nước
Trước quân thù chưa run tay lùi bước
Rồi bỗng dưng bị bỏ giữa rừng hoang
Nghe phát thanh phải hạ súng đầu hàng
Họ đã thác, hoặc lẫn đi cùng cây cỏ
Họ mất núi sông hay núi sông mất họ?
Tôi không sao giải đáp nổi câu này.

(Mất Gì? Văn Hữu, 1982) (1)

Những người bạn của nhà thơ họ Vũ “trước quân thù chưa run tay lùi bước,” chắc chắn cũng là những người bạn của anh, của tôi, của chúng ta. Binh sĩ Miền Nam đánh giặc hào hùng, tình chiến hữu ở miền Nam phảng phất phong vị giang hồ hào kiệt trong truyện kiếm hiệp thời Xuân Thu Chiến Quốc.

Nguyễn Nam An

Vài thằng bạn thân giờ còn hay mất
Rao kiếm mỏi lời tao vẫn mình tao...
Có những đêm tao nhớ thời xưa đó
Uống say rồi ôm mặt khóc rưng rưng


Có những đêm tao nằm nghe mưa xuống
Chết hồn theo từng lá úa thu rừng
Chết hồn theo từng lá cây ngọn cỏ
Quê nhà xa - đã chợt đến chợt đi

Một thời xưa tao đã không còn nữa
Ôi hỡi tìm đâu trên nhánh sông chia
Ôi lũ bạn thân, tụi mày ở lại
Tháng tư qua rồi - ai nhớ ai quên?
(Gửi Lũ Bạn Quê Nhà, Bố Cái, 1978, tr. 74) (2)

Những ngày tháng đầu ở vùng Washington, D.C., ngay từ 1975, đồng bào tị nạn gọi là vùng Tam Biên - nơi Maryland và Virginia ráp ranh giới với thủ đô - đám làm báo chúng tôi liên hệ chặt chẽ với các nhóm cộng đồng, nên thường thường cuối tuần vừa họp mặt khi thì hát nhạc đấu tranh, khi thì biểu tình phơi bày tội ác giặc đỏ. Có Ngô Vương Toại, Nguyễn Đình Hùng, Giang Hữu Tuyên, ba cây bút trẻ của các tờ Việt Chiến, Hoa Thịnh Đốn Việt Báo, giờ này hai người đã khuất bóng, mà chàng công tử Bạc Liêu Giang Hữu Tuyên đặc biệt là làm thơ hay. Thơ tranh đấu của anh thật tình cảm, vần điệu chở theo hình ảnh quê hương, gây xúc động người đọc. Trong các cuộc cùng đi biểu tình, khi thì ở trước Tòa Bạch Ốc, khi thì lên tận trụ sở Liên Hiệp Quốc ở thành phố New York, tôi thấy Tuyên vung tay lên, nhưng trái tim anh tôi biết, vừa hận vừa đau, lòng anh phải tràn ngập bóng dáng những người thân yêu bỏ lại quê nhà, khi anh tả một bà cụ già trong đoàn biểu tình với anh:

Giang Hữu Tuyên

Dưới cơn mưa lạnh của buổi chiều New York
Vì đồng bào ruột thịt đang bị giam cầm, đầy ải, lưu vong
Mẹ đã khóc trong ngày tranh đấu.


Thưa mẹ
Với niềm tin tự do là tất thắng,
Với ý chí là vũ khí sắt đá keo sơn
Thế hệ chúng con hăng hái lên đường.


Vì giọt nước mắt của mẹ là niềm hy vọng cửu trùng
Chuyền hơi ấm linh thiêng vào lòng tuổi trẻ
Nên chúng con nguyện đạp đổ hết thành trì tù ngục
Khai trừ hết những tên bán máu gian manh
Mở ngỏ cho tình thương ngự trị.


Vì nước mắt của mẹ là bài thơ kết từng đọt lá của núi rừng năm cũ
Nên chúng con nguyện trau dồi đức độ
Sống chân tình lồng lộng trời xanh
Ôi dòng sông cây cầu và đường đất
Hoa chân tình sẽ nở ngát tinh anh.

(Giọt nước mắt của mẹ trong ngày tranh đấu, Bố Cái, 1978, tr. 54-55) (3)

Hoàng Chính Nghĩa
Tháng Tư mưa lũ vừa dựng ngược
Cả gan theo ta hỏi đất trời
Từ đó chỉ còn toàn mây trắng
Ngoảnh lại đằng sau là núi đồi.


Giữa đêm tàn rượu ta vùng dậy
Lửa đạn lại về trong giấc mơ
Ma chạy qua đồng không đuổi kịp
Ta ngó ta trơ một ngựa già.


Huyệt mộ giữa mưa đang sủi bọt
Bạn ta vừa nhắc lại hương trầm
Tháng tư trời đất đầy mây trắng
Trí lòng như sói tru căm căm.
(Của Tháng Tư, Bố Cái, 1978, tr.94-95)

Miền Nam mất không vì quân sự, ai cũng biết thế, nhưng ta vỡ mặt trận khi Miền Nam là một nước Cộng Hòa, người dân sống trong một xã hội có những cơ chế dân chủ, trong khi miền Bắc là một trại lính khổng lồ, và nhất là trên bàn cờ chính trị, tại miền Nam nội trùng ở ngay dinh lãnh tụ, ngày tháng chót giặc đỏ mặc áo lam làm quốc sư cho dinh hoa lan, do đó mà tướng quốc trở thành hàng tướng. Và mở đầu ngày 30 Tháng Tư.

Viên Linh

Nguồn Người Việt




Chú thích

1. Bài thơ này in trong “Tuyển Tập Thơ Văn 90 Tác Giả Việt Nam Hải Ngoại, 1975-1981,” Văn Hữu xuất bản, 1982, tr. 110. Tuyển tập này đáng kể vì vừa ra sớm, vừa dầy, 432 trang, tác giả có tiếng và bài vở chọn lọc, hầu như nhiều người vẫn tiếp tục sáng tác. Sách do nhà thơ Hoàng Ngọc Ẩn ở Houston chủ trương và ấn hành. Ông Vũ Quang Hân cộng tác với nhiều tạp chí hồi đầu thập niên '50, vốn là công chức Nha Báo Chí Bắc Phần di cư vào Sài gòn, tiếp tục làm việc trong Bộ Thông Tin chính quyền Miền Nam. Ông mất tại Hoa Kỳ.

2. Bài thơ này xuất hiện trong“tuyển tập thi ca 75-77,” tựa đề không viết hoa, xuất bản năm 1978, nhưng như nhan đề ghi rõ: thơ trong đó làm từ 1975 đến 77. Chỉ có 126 trang, các tác giả được chọn cho tới mấy chục năm sau, là thời gian viết bài này, không còn mấy người thấy tiếp tục. Đây là một tập thuần thơ, của chưa đầy 10 người, không có tiểu sử tác giả. Có một người đã qua đời sớm là Giang Hữu Tuyên, những người còn lại thì kẻ về Việt Nam sống, nhiều kẻ không hề thấy xuất hiện nữa.

3. Nhà thơ Giang Hữu Tuyên (1949-2004) sinh tại Bạc Liêu, mang họ mẹ (bà Giang Thị Nữ), học trung học An Xuyên Cà Mau, từng theo học Ban Báo Chí Đại Học Vạn Hạnh, nhập ngũ năm 1969, binh chủng Hải Quân. Chủ nhiệm Hoa Thịnh Đốn Việt Báo, tham gia tranh đấu bằng ngòi bút, thực tế xuống đường chống cộng trong các cuộc biểu dương, anh mất vì đột quỵ khi đi phát hành tờ báo của mình; hiện nay, 4.2015, vợ anh Tuyên là bà Trương Ngọc Sương- bạn học cũ ở An Xuyên - thay chồng tiếp tục xuất bản tờ báo, trở thành một trong vài diễn đàn sống lâu nhất tại hải ngoại.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn