BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73329)
(Xem: 62237)
(Xem: 39424)
(Xem: 31172)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Quân nhân, tù nhân và thuyền nhân

22 Tháng Tư 201512:00 SA(Xem: 1433)
Quân nhân, tù nhân và thuyền nhân
53Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
53
Hàng năm cứ vào Tháng Tư lòng tôi buồn buồn có nhiều đêm khó ngủ, quá khứ đau thương miên man hiện về như cuốn phim chiếu chậm, bao nhiêu năm rồi mà vẫn chưa quên những ngày tháng cũ.

Đời tôi có hai lần bị xúc động mạnh.

Lần đầu vào năm 1965 khi đơn vị tôi đóng ở Quận Dầu Tiếng, Tỉnh Bình Dương. Chiếc tàu đò Thần Phong xuôi ngược Bình Dương - Dầu Tiếng bị Việt Cộng đón đường treo cờ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Người phi công F5 của Mỹ lầm lẫn nên dội một quả bom thật chính xác. Người bạn gái đầu đời của tôi đi trên chuyến tàu đó.

Lần thứ hai, vào ngày 30 tháng 4, 1975 khi Dương Văn Minh kêu gọi quân đội và dân chúng giữ trật tự để bàn giao chánh quyền.

Tổng thống Dương Văn Minh trên đường tới đài phát thanh ban lệnh buông súng, sáng 30/4/75


Hai biến cố đó làm tan nát lòng tôi. Riêng ngày 30 tháng 4, 1975 không chỉ làm nát lòng tôi mà còn làm thay đổi vận mạng của tôi nói riêng và của miền Nam Việt Nam nói chung.

Tôi giải ngũ khi đất nước chưa tàn cơn binh lửa và tạm cư tại Quận 8, Sài Gòn. Tuy trở về với đời sống dân sự nhưng tôi vẫn thường băn khoăn đến vận nước nên lòng không mấy lúc bình yên. Rồi việc gì đến phải đến - miền Nam mất!

Tôi bán đổ, bán tháo căn nhà ở Sài Gòn để làm vốn liếng hồi hương vì sợ bị đi vùng kinh tế mới. Đợt đổi tiền đầu tiên làm tôi thua nặng, năm trăm đồng tiền cũ đổi được một đồng tiền mới và chỉ giữ tối đa hai trăm tiền mới mà thôi. Số còn lại ký gửi, muốn lấy ra phải có lý do chánh đáng. Lý do gì đây?

Lao động địa phương, lao động huyện, lao động tỉnh, đào kênh, đắp đê, nghĩa trang liệt sĩ, đắp đường biên giới để đánh Miên đều có tôi. Những năm thất mùa ăn bo bo thay gạo, tôi tập làm “người quân tử ăn chẳng cần no.” Sau vài ba năm, tôi già trước tuổi. Tuy thân tàn nhưng ma chưa dại, lúc nào tôi cũng mang tâm sự của tác giả “Thăng Long Thành Hoài Cổ.”

Một hôm giữa năm 1979, anh tôi dẫn về mấy người khách lạ. Sau vài ba câu chuyện thời sự mở đầu, một người trông rất có vẻ là cấp chỉ huy nói với tôi rằng qua sự giới thiệu của anh tôi, anh ta biết rất nhiều về tôi. Hôm nay, anh đến để mời tôi vào tổ chức. Từ ngày đó tôi là thành viên của “Lực Lượng Phục Hưng Quốc Gia Việt Nam,” vùng hoạt động là tỉnh Long An. Tôi sống trong niềm tin, hy vọng và đợi chờ.

Đến năm 1983, vì một lý do rất tầm thường, tổ chức bị bại lộ. Tôi bị bắt ngày 21 tháng 7, 1983 cùng với nhiều người khác. Tôi bị nhốt tại khám lớn Long An 18 tháng rồi đi lao động tại trại cải tạo Mộc Hóa. Đến ngày 1 tháng 9, 1985, tôi được trả tự do nhưng phải bị quản chế tại địa phương 12 tháng. Nhưng hết 12 tháng lại bị quản chế tiếp vì lý do “tư tưởng chưa tốt.” Đến năm 1989, dân chúng địa phương xin giùm tôi mới được tha.

Thời điểm này tôi muốn bỏ nước ra đi nhưng làm sao đi được vì mình là một tên tù mạt vận. May thay có tin người cháu sắp làm một chuyến vượt biên, tôi tiếp xúc và được hứa giúp đỡ. Tôi phải đạp xe ba mươi hai cây số từ nhà lên Sài Gòn nhiều lần để giữ liên lạc vì ngày đi không được biết trước. Vợ con tôi hoàn toàn không biết tôi đang toan tính chuyện gì. Lần sau cùng vào một ngày đầu tháng 10 năm 1989, tôi lên Sài Gòn rồi không trở về nữa. Tôi đi vượt biên.

Tàu đậu tại cảng Bến Đình, Vũng Tàu, tôi được đưa ra tàu trước một ngày để kiểm tra tổng quát và thay thế một thủy thủ không đi. Sáng hôm sau, chủ tàu có mặt và cho tàu chạy ngược về hướng Sài Gòn với tốc độ chậm. Hơn một giờ sau, ghe “tắc xi” từ Sài Gòn ra tới. Cả hai chiếc cùng quẹo vào nhánh sông vắng cho người qua tàu lớn, chui xuống hầm kín rồi chia tay. Ghe nhỏ trở về, còn tàu lớn quay ra cửa biển Vũng Tàu rồi trực chỉ hải phận quốc tế.

Thuyền nhân Việt Nam. (Hình: Văn Khố Thuyền Nhân)


Tàu dài chỉ mười bốn thước dự trù chứa bốn mươi người, nhưng vì chủ tàu cũng đi luôn nên dân “tắc xi” lợi dụng cơ hội đưa ra tới chín mươi hai người. Tính luôn thủy thủ đoàn tám người nữa là chẵn một trăm người. Sau này, chúng tôi có tên là “Tàu một trăm.”

Tàu nhỏ đông người, chỗ tốt dành cho đàn bà trẻ con, đàn ông ngủ ngồi hoặc nằm co theo kiểu tôm kho. Ngày đầu chưa quen sóng gió nên bà con thi nhau mửa. Thời gian còn tại ngũ, tôi đã làm quen với ghe tàu nên không bị say sóng. Tôi phải lấy nước cho những người đã mửa rồi lại đưa thau, đưa thùng, đưa tô, đưa chén cho những người sắp mửa. Tàu có hai tài công thì một người đã ở lại, tôi phải làm tài công phụ bất đắc dĩ dù chưa được huấn luyện ngày nào. Tôi cũng làm người canh giữ và phân phát nước uống vì sợ không khéo cả tàu chết khát. Ban đêm, tôi lại ngồi trò chuyện với tài công chánh vì sợ anh ta còn trẻ dễ ngủ gật. Tôi là người bận rộn nhất tàu.

Tôi không ngủ ngồi được khi tàu chạy lắc lư, nên cứ thức. Có lần thằng con của anh thuyền trưởng không kiềm chế được nên mửa vào lưng tôi, chiếc áo bộ đội mới mua được cởi ra tẩy vội rồi mặc tiếp.

Vì được hứa cho đi miễn phí nên tôi phải làm một cái gì đó cho chuyến đi. Sau này định cư rồi, lời hứa đó không được giữ tôi cũng đã trả xong món nợ nghĩa ơn.

Người đông nên tàu chạy chậm, thiếu dầu, thiếu nước uống, thiếu lương thực. Bốn ngày, ba đêm trên biển chúng tôi kêu cứu nhiều lần nhưng không tàu nào dừng lại cả. Đến giữa đêm thứ tư gặp giàn khoan Nam Dương, chúng tôi được cứu. Họ tốt quá! Họ cho dầu, cho nước uống, cho lương thực, giúp đánh điện tín về Việt Nam, rồi chỉ hướng vào Nam Dương.

Trưa hôm sau, tàu tới đất liền nhưng vì không có bản đồ nội địa nên chúng tôi không tìm được đảo KuKu, nơi có Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc. Thủy Quân Lục Chiến Nam Dương thay vì chỉ đường đi KuKu họ lại dẫn chúng tôi về đảo Tarempa, một căn cứ quân sự. Họ tịch thu tất cả tư trang, giấy tờ cá nhân của phái nam, còn phái nữ được ông trung tá trưởng đảo đưa vào phòng kín khám xét đặc biệt hơn nữa.

Cô thông ngôn không bị khám xét nên cất giữ được một số giấy tờ quan trọng của tôi. Hôm sau, ông trung tá bảo chúng tôi trở về Việt Nam. Đã đoán trước, nên chủ tàu phá máy, thợ của họ sửa hoài không được nên phải gọi tàu khác đưa chúng tôi tới đảo KuKu. Đến KuKu thuyền trưởng của tàu này chưa cho chúng tôi lên đảo, ông ta đòi tiền rồi dụ cô thông ngôn vào phòng hãm hiếp. Cô thông ngôn nhảy xuống biển, họ vớt lên và cho chúng tôi vào đảo. Từ tàu lớn sang ghe nhỏ để lên bờ, một thanh niên bị dập nát chân, vì vậy sáng hôm sau chúng tôi được vào đảo Galang thay vì phải ở lại đảo KuKu hai tuần nữa.

Chúng tôi đặt chân lên trại Galang I ngày 6 tháng 10, 1989. Tôi mặc áo bộ đội, đầu không nón, tay không xách, đi chân đất khập khễnh bước lên đảo. Đêm ngủ lại đảo Tarempa đôi dép và cái xách tay của tôi không cánh mà bay. Ông đại diện thuyền nhân trại Galang I đón chúng tôi và bảo ai mặc đồ bộ đội thì bỏ đi. Thế là tôi chỉ còn có quần tây, áo thun mà thôi, thật thảm thương.

Ở Galang I mấy hôm để làm lý lịch và các thủ tục khác, chúng tôi được chuyển vào trại Galang II. Đường dài khoảng năm cây số, hẹp và quanh co. Tài xế Nam Dương lái xe như bay làm chúng tôi ngất ngư. Chúng tôi lần lượt được vào khu Biệt Lập rồi Zone B. Một barrack mười phòng có tầng trên tầng dưới, vừa đủ cho một trăm người chúng tôi xây dựng cuộc đời mới - đời tị nạn.

Đời tôi gắn liền với ba chữ “nhân” đó là quân nhân, tù nhân và thuyền nhân.

Trước khi thuyền nhân Việt Nam đến, có lẽ Galang là một hoang đảo. Hôm nay, với trên dưới hai chục ngàn người cùng các cơ quan, trường học, bệnh viện, nhà thờ, chùa, hàng quán, rạp chiếu phim... Galang mang bộ mặt của một thị trấn vùng cao nguyên Nam Việt.

Thuyền nhân Việt Nam ở bất cứ trại tị nạn nào cùng có bốn nhóm. Thứ nhất, được thân nhân ở nước thứ ba gởi tiền đều đặn, thứ hai không được đều đặn, thứ ba chỉ được một lần thôi, thứ tư không được lần nào. Tôi thuộc nhóm thứ ba nên cũng khổ. Ba năm trời tôi chỉ nhận được ba trăm đô Úc, do ba người thân gởi cho từ ngày mới tới đảo. Tôi phải trồng vũng rau đắng để bữa cơm dễ nuốt, vì lương thực chánh của cao ủy cung cấp có gạo, mì gói, cá hộp cùng một ít nhu yếu phẩm mà thôi. Dù sao cũng vẫn hơn ba năm tù chính trị chỉ có cơm với muối.

Trước khi tới đảo, tôi nghĩ mình là cựu quân nhân và tù nhân chánh trị có giấy tờ chứng minh sẽ được định cư sớm. Tôi đâu biết rằng sau ngày 14 tháng 3, 1989 thuyền nhân phải bị thanh lọc, thời gian chờ đợi trên dưới ba năm. Từ đó mới có đậu thanh lọc, rớt thanh lọc, giấy tờ giả, hối lộ, cưỡng bức hồi hương, phản đối, đàn áp, tự sát...

Thanh lọc được chia ra làm nhiều đợt theo thứ tự thời gian đến. Tôi đậu thanh lọc đợt ba nhờ có đủ giấy tờ mà cô thông ngôn đã giữ hộ tôi. Cũng nhờ có giấy tờ bảo lãnh của thân nhân ở Úc nên tôi được phái đoàn Úc nhận trong cuộc phỏng vấn bổ túc.

Ở trại tị nạn, tôi học được từ ngữ mới đó là “đẩy xe” tức là đi với tình nhân. Từ này dùng cho phái nam. Ở Galang người ta “đẩy xe” nhiều lắm. Xa gia đình, thiếu tình thương, hai tâm hồn hai trái tim khác phái cần nhau rất dễ gần nhau. Tôi cũng không ngoại lệ nên đã vướng vào một chuyện tình buồn. Tàu tôi có tay đàn tây ban cầm thật tuyệt, tôi có giọng hát cũng dễ nghe. Ngày còn đi học, đi lính giọng hát này đã giúp tôi rất nhiều trong việc gây cảm tình với phái nữ. Barrack tôi nằm trên đồi nên đêm xuống thật buồn, chúng tôi thường đàn hát giải khuây. Tôi đâu ngờ từ căn phòng tầng trên của Barrack có một người đàn bà đêm đêm đứng bên cửa sổ nhìn xuống để nghe tôi hát. Mỗi lần gặp nhau, tôi đọc được những gì chất chứa trong đôi mắt của nàng và tôi cũng nghe nhịp tim mình bối rối. Thế rồi một hôm, tôi mời nàng lên quán nước trên đồi uống cà phê, nàng nói với tôi “mỗi lần nghe anh hát em muốn chạy xuống ngồi vào lòng anh.” Tôi đâu phải là Phật, làm sao tôi không yêu nàng. Gương mặt buồn cố hữu và giọng nói dịu dàng của nàng đã xâm chiếm hồn tôi. Tôi muốn nàng ở chung phòng và cùng ăn thứ rau đắng với tôi.

Rồi ngày tháng êm trôi nên tôi không biết được chữ ngờ. Được nửa năm đầm ấm thì chồng nàng từ Việt Nam vượt biên tìm vợ. Tôi bỏ đi nơi khác để vợ chồng nàng gặp nhau giàn xếp chuyện gia đình. Ý nàng không muốn tái hợp với chồng nhưng ông Cha Xứ Galang buộc nàng phải quay về để khỏi bất lợi cho việc thanh lọc. Nàng đi rồi, tôi trở về phòng cũ vắng tanh. Trước đây, tôi hạnh phúc bao nhiêu thì bây giờ tôi đau khổ bấy nhiêu. Tôi buồn, tôi uống, tôi say, tôi tập làm thi sĩ.

Ta đốt đời ta men đắng cay,
Say tình say rượu cũng là say.
Men cay giây phút còn tan biến,
Tình lỡ ngàn năm khó nhạt phai.
Nửa năm hương lửa vẫn còn đây,
Tình ta nhẹ tựa khói sương bay.
Em về bên ấy đời êm ấm,
Đâu biết rằng anh lạnh giá đầy.
Ai bảo rằng yêu chẳng khổ đau?
Một lần dang dở dễ quên sao?
Ái ân mộng mị tình hư ảo,
Không trọn kiếp này, hẹn kiếp sau.
T... ơi tình chết kể từ đây!
Chôn chặt tình ta xuống tuyền đài.
“Nhất phiến tình sầu thiên cổ lụy.”
T... ơi tình chết kể từ đây!

Galang, tháng 12, 1990

***

Đến Úc ngày 27 tháng 2, 1992, tôi vội lo thủ tục bảo lãnh gia đình. Ngày 28 tháng 3, 1993, vợ con tôi đặt chân xuống phi trường Sydney. Hồi còn ở Việt Nam vợ tôi có biết chuyện này, gặp lại nhau tôi vẫn kể cho nghe, vợ tôi chỉ cười thôi coi như chuyện cũ.

Còn T... nàng không được thanh lọc mà phải theo chồng, chồng rớt nàng rớt theo và đã hồi hương sau đó.

Cách đây mấy năm, nàng có gửi thư báo tin tôi là ông chồng đã chết trong một tai nạn. Tôi cũng có mấy đứa cháu rớt thanh lọc và hồi hương nên nàng có được địa chỉ của tôi. Nàng rất buồn và muốn được đi du lịch nước Úc để thăm tôi. Tôi giữ im lặng đến bây giờ và cũng chưa về Việt Nam lần nào.

Xin lỗi nghe T... không phải tôi bạc bẽo nhưng tôi làm được gì ngoài sự im lặng. Ba năm tôi ở tù, ba năm tôi bỏ nước ra đi, vợ tôi buồn và khổ nhiều hơn em nữa. So với hàng triệu người Việt Nam khác, ba chúng ta chẳng có nghĩa gì. Từ ngày 30 tháng 4, 1975 cuộc đời có thêm nhiều bi kịch, chúng ta vô tình đã thành diễn viên mà thôi.

Nguyễn Đăng Đường

Nguồn Người Viêt
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn