Gia đình mới sang gồm sáu người. Hai vợ chồng với đứa con trai chừng ba tuổi. Cô em gái của người vợ và hai đứa cháu anh Đặng. Anh nói tên người con trai là Đặng Quang Vinh làm tôi nhớ thằng bạn mình; thuở còn học trung học tư thục Phan Thanh Giản, nghỉ hè ở Sài Gòn về kể chuyện:
“Tao vào Sài Gòn vui lắm. Ở nhà bà và cậu tao.”
Tôi và anh Bổng hàng xóm lắng nghe. Cả hai đâu có biết Sài Gòn ngang dọc thế nào ngày đó. Thời gian này phim Mùa Thu Lá Bay nổi lắm. Cũng như truyện Song Ngoại của Quỳnh Dao. Thầy Trần Xuân Mai dạy lớp tôi có lần vui vui kể lại trong lớp. Giọng của thầy đã làm Song Ngoại thêm lôi cuốn đám học trò chuyên đọc kiếm hiệp thuê từng ngày. Giờ tôi nói tên ra những Huỳnh Hương, Nguyễn Thành Hảo, Huỳnh Thạch, Trần Đình Tuyến, Phạm May… sẽ lại phán ra lại câu “cái thằng nó nhớ dai”!
Bạn tôi nói có con nhỏ nào ở Sài Gòn bảo “tao giống Đặng Quang Vinh”. Thật tình tôi thấy nó “bô” hơn thằng tài tử kia nhiều. Và trẻ nửa. Hoàng Quốc Trung đâu chừng mười lăm mười sáu. Đặng Quang Vinh đã mấy chục rồi lại đâu có mạng “trường lưu thủy”; đi học được chấm điểm cao. Các em cùng lớp chấm! Về xóm, đi từ Nguyễn Du vào tới nhà lại có người hỏi thăm. Người số nhiều!
Câu mợ thằng bạn tôi dân Bắc Kỳ di cư năm 1954. Có lần nó xách cây đàn guitar ra, đàn từng từng vài ba tiếng rồi nói cậu tao là nhạc sĩ Hoàng Lan. Bạn của ông Phạm Duy. Tôi là thằng mở to mắt ra mà khâm phục. Sau đó cậu nó đi học bổ túc Quân Y ở Sài Gòn. Trở về nghiện ngập thuốc phiện. Mợ nó nghe ai mách, qua nhờ mẹ tôi đi moi ván hòm của ba tôi ở nghĩa trang quân đội, xắc thuốc cho chồng uống để cai. Mẹ tôi dắt tôi ngày đi thăm mộ ba ở nghĩa trang. Bảo tôi đứng coi chừng người lính giữ cổng để mẹ moi đất lấy miếng ván hòm. Về tới xóm, mẹ đưa cho mợ thằng bạn tôi để len lén lo chuyện cai thuốc cho chồng nghiện ngập. Hy vọng ông bỏ được tật hút xách.
Không biết chuyện cai nghiện đi về đâu. Sau đó tôi nghe cậu nó đổi vào Sài Gòn, theo người nó gọi là dì. Dì Thủy. Từ đó mợ nó ôm một đàn con tám đứa! Tôi còn nhớ thấy đâu đó tên một người nhạc sĩ giống tên cậu của nó.
Ở đầu hẽm xóm bạn tôi có căn lầu của ông kỷ sư làm mỏ than Nông Sơn, nhà của bác lục sự. Ngày xe đạp mini, xe gắn máy Cady mới nhập vào thành phố, sau đợt Honda, Suzuki, và Yamaha, con gái bác lục sự thường xuất hiện với chiếc Cady, khi lên xuống khúc Nguyễn Du. Đống Đa. Lê Lợi. Thống Nhất và… những con đường thành phố. Trong đám bạn chơi với nhau từ bé, có đứa sau này du học ở Úc; lúc đó hay nói “… Cady” để chỉ cô nhỏ bằng tuổi Hoàng Quốc Trung.
Ngày Trung chết mất xác ở Tuy Hòa tháng 3 năm 1975, Hoàng Thường Q. không biết. Tôi thả súng ngoài hải phận quốc tế, lênh đênh theo chiếc tàu vớt mình với bạn bè đến vịnh Subic Phi Luật Tân. Móc trong ví ra còn địa chỉ thằng bạn du học Úc. Quay hỏi Trung Hậu D. “Mi đi Úc với tau không? Tau còn địa chỉ Hoàng bên Úc!”
Cái thư nhờ hội Hồng Thập Tự chuyển vòng vo mấy ngả rồi cũng đến tay Hoàng. Nói Trung chết. Mấy năm sau nó có gửi qua mấy bài thơ viết cho thằng bạn vắn số. Chết ngày chưa tới hai mươi. Tôi định in tập thơ nhỏ của hai thằng, “nén nhang cho thằng bạn chết” mà chưa làm được. Những bài thơ của Thường Q. theo tôi lưu lạc từ đó đến nay. Đó là những bài tôi nhớ của thằng bạn ấu thời mình.
Ngày mồng hai tháng giêng năm mới, ngồi đây vẫn nhớ lúc thằng Trung kể chuyện ai đó nói nó giống Đặng Quang Vinh. Như khi ngồi nghe thằng bạn học bên này, cũng là em hát Mùa Thu Lá Bay. Karaoke mà! Hát chơi cho vui. Hát cho bay hơi rượu trước khi về. Tôi tự hứa nhiều lần rồi khi kể cho em tôi nghe cái thuở bé bé, nơi hẽm xóm nhà Hoàng Quốc Trung, muốn bênh mấy đứa con gái mà bị một thằng hớt tóc đấm vào màng tang. Khóc quá trời!
Sau này thằng đó bỏ nghề hớt tóc; nộp đơn đăng vào binh chủng Dù. Buổi tối ba mẹ nó hay tin, hoảng vía chạy vào gặp anh Bốn Thủy Quân Lục Chiến; làm bên tuyển mộ để nhờ lên phòng Tuyển Mộ Sư Đoàn Nhảy Dù lấy giấy tờ của nó về. Nghe chuyện thằng đó anh em tôi cười. Nhớ đến anh Bổng, ở ngay trước cửa nhà Trung, tình nguyện Thủy Quân Lục Chiến dầu ngó hiền khô. Vào đến quân trường, tim bị sao đó nên Thủy Quân Lục Chiến trả về. Bổng mất dịp mặc đồ hoa chứ đâu như thằng hớt tóc kia. Đã trốn bấy lâu mà còn bày đặt!
Nhà bên anh Bổng còn X. học Phan Thanh Giản nữa. Anh Phước B về từ Sư Đoàn 3 cứ khều khều tôi. Thằng anh trong bảy đứa chơi với nhau lanh thiệt chứ đâu như tôi. Chạy qua nửa vòng trái đất rồi mới biết…
Mạ tôi qua nói mợ Trung vẫn còn ở căn nhà cũ, đường hẽm đi ra phía Nguyễn Du. Xác Trung ở Tuy Hòa vẫn không tìm được. Mợ nó lặn lội vào tận nơi, tìm hỏi cũng vậy. Không biết đâu là nơi vùi xác con mình. Tao vẫn nhớ mày đó thằng có mạng “trường lưu thủy” ./.
an phú vang
Nguồn Quyên Book
Gửi ý kiến của bạn