Mấy mươi năm sau ngày vất súng xuống hải phận quốc tế, đi học lại rồi ra trường đi làm; tôi dính vào cảnh tạm có rồi mất. Đến ngày tìm thuê nhà, tôi vờ như một đứa mới qua theo gia đình được bảo trợ. Mọi chuyện để đám em tôi lo liệu. Tôi đứng sau trả tiền. Như tiền mướn nhà. Chừng đó đủ chới với dầu chưa được hơn sáu năm. Đến lúc gia đình dọn mỗi người mỗi nơi, tôi kẹt nơi đây. Gia đình chủ nhà dọn về cho tôi mướn lại một căn. Tiền mỗi tháng theo ông láng giềng người Việt nói thì chẳng rẽ gì! Có điều từ lúc đó. mỗi khi nhìn cái mặt đã khó lại ngu còn làm ra vẻ ta đây của thằng chủ nhà; thấy cách nó sống “cầm tiền mà tiền toát mồ hôi” tôi đâm ra ngờ vực niềm tin của mình vào người khác. Lúc em tôi mướn căn nhà này tôi thấy thằng chủ nhà đâu đến nổi gì! Hay thức khuya mới biết đêm dài.
Chiều nay đi làm về thấy cửa nhà xe đang mở tôi chạy luôn vào. Bước ra mở cửa để vào nhà thì cửa khóa. Lại thêm lần đi vòng ra cửa trước. Mở cửa vô nhà, đi ra mở cửa nhà xe thì thấy nó đang ngồi đó. Trong phòng gia đình. Cửa nhà xe mở. Trong nhà có người. Mà cửa vào nhà từ nhà xe lại khóa. Gì mà kỹ quá vậy trời !
Thằng em út tôi nói thằng chủ nhà này giàu lắm anh. Nó có hai căn cho mướn. Tôi nói sao lạ vậy út. Từ lúc đại gia đình mình dọn đi, đồ nấu ăn, tủ áo quần, máy điện toán, kệ sách vất lại chủ nhà lấy hết. Tao thấy trong nhà nó có nhiều thứ mình đã chê không dùng. Út nói như vậy nó mới giàu đó anh. Tôi cười bảo thôi kệ họ. Tao ở đây đi làm cho gần, dành dụm tiền để mua lại căn nhà cho mạ ở.
Tôi sống, về nhà mỗi ngày nhìn thấy cái thằng chủ nhà độc nhất vô nhị trong những ngày tôi ở Mỹ đã gặp mà gai con mắt. Giờ muốn đậu xe vào nhà xe, tôi phải theo đúng cách này: Đậu xe bên ngoài. Xuống xe đi vào bằng cửa trước. Đi vòng ra nhà xe để mở cửa. Nổ máy xe. Chạy vào nhà. Đã không!
Ngày gia đình tôi mướn nguyên căn nhà, mẹ tôi biết con cái đi hôm về khuya nên thường để đèn phía trước, đèn cầu thang lên lầu. Tôi quá quen như vậy trong thời gian bốn năm ở đây cùng đại gia đình. Từ lúc thằng chủ nhà này về, tôi sống chung với gia đình nó. Căn nhà về đêm ít thấy ánh sáng. Đi chơi về khuya phía trước không có đèn để thấy mà đút chìa vào ổ khóa. Tôi đã bực mình lần đầu khi phải bước ra dưới điện đường để nhìn cho đúng chìa. Đi vào mở được cửa mà lẩm bẩm chửi thề. “Đ.m. kiết lỵ quá vậy!” Sao mà tối thui. Nhà đen như mực. Gì mà bần tiện dữ ông chủ!
Có hôm người láng giềng gọi qua lai rai. Tôi vô vô đâu đến mười một giờ đêm rồi về. Mở được cửa thì dính sợi xích bên trong kêu cái rầm. Réo một hồi thằng chủ nhà mới xuống mở xích để tôi vào nhà. Tôi chửi thầm: “Nhà có ba thứ đi lượm của người khác chứ có mẹ gì đâu mà khóa đủ thứ vậy. Chưa thấy dân nào như vầy !”
Tôi về gặp vợ chồng thằng chủ nhà. Vợ nó, trẻ như con nít. Thua nó đến hăm mấy năm! Chuyện của nó. Nhiều nhất tôi hỏi một câu hôm nay không làm phụ trội, overtime, sao mà về sớm. Thằng chủ nhà cao giọng nói nó ăn lương năm! Ủa làm chuyên viên điện tử, technician mà lương năm như kỹ sư sao. Tôi nghĩ chỉ vợ nó mới cưới ở Việt Nam mang qua là còn tin vì lỡ lấy nó để đi Mỹ. Nhớ ông láng giềng hôm nhậu kể chuyện về vợ chồng thằng chủ nhà này. “Thằng đó ở đây ai mà lấy!” Tôi nghe. “Vợ nó qua Mỹ, nhà có xe mà đi học Anh Văn nó bắt đi bằng xe đạp ngất ngư!” Tôi chỉ góp một câu là: “Chủ nhà tôi mướn phòng sợ tốn điện nên ông nhìn qua bên đó cứ như căn nhà ma! Ngồi nhậu với ông, khuya về dám nó móc dây xích bên trong cửa lắm!” Tôi nói chơi mà thành sự thật lần đó. Sáng mai thức dậy đi làm, gặp vợ nó còn chào. Còn nó. Kệ bà nó!
Nhìn vợ thằng chủ nhà và nó mới sực nhớ đến đêm ở bến xe Nguyễn Hoàng Nha Trang. Và thằng ma cô. Người láng giềng nói con nhỏ vợ nó có học ở Việt Nam sao lại lấy thằng này ? Hỏi tôi ? Tôi hỏi ai bây giờ cha nội. May còn ông chạy qua chạy lại lai rai đỡ buồn. Chủ nhà tôi nó không uống. Mà muốn uống thì đi mua bia rượu về mà uống. Đâu ai ngu vất bia rượu để nó lượm mang về. Như cái gì nó cũng rinh về.
Có tiếng máy cắt cỏ ở sân trước. Tôi nhìn ra. Trời nắng chan chan. Thằng chủ nhà đeo kiếng đen, sau gáy có sợi dây lòng thòng cột gọng kiếng. Nhìn sao giống như tên thầy bói mù chuyên sờ mu rùa. Đồ nó mặt giống như dân cắt cỏ thứ thiệt tôi vẫn thấy làm ở khu vực này. Giàu tới hai căn nhà sao mà khổ quá vậy trời.
Ông láng giềng bước ra nhìn. Tay cầm chai bia Henneiken, nói đểu giả: “Làm gì cho lắm rồi dượng nó cũng hưởng!” Tôi chỉ ngạc nhiên sao con vợ trẻ của nó còn sống trong cảnh này khi nghe nhiều vụ cưới hỏi như chỉ là cách bắt cầu để đi Mỹ. Hay cô ta bị mắc vào tay một tên ma cô thật sự ./.
An Phú Vang
Nguồn Quyên Book
Gửi ý kiến của bạn