Mẹ tôi cẩn thận chế một ít dầu hỏa lên rồi bật diêm, một làn khói đen bốc lên rồi tỏa ra mù mịt, mồi lửa cháy bùng lên, mùi khét lẹt của cao su xông lên bay tỏa khắp nơi.
Có tiếng đập cửa sắt ở nhà dưới rồi tiếng chị Chín nhà hàng xóm vang lên, “Cô ơi, ra đường có xe tăng của bộ đội.” Trên sân thượng tôi kiễng chân nhìn ra đường Trương Minh Giảng, có cả rừng người, già trẻ, lớn, bé chạy túa ra, thỉnh thoảng lại có tiếng hoan hô vang rân.
Tuổi thơ của tôi lúc đó chưa cảm nhận được sự đau buồn của toàn dân miền Nam nói chung và sự uất nghẹn đến ngỡ ngàng của người lính VNCH, trong đó có bố tôi và các cậu, chú, bác.

Cảnh điêu tàn trong ngày cuối cùng 30/4/1975
Đống quần áo chưa cháy hết, mẹ tôi đã vội vàng tưới nước vào dập tắt ngọn lửa và làn khói đen kịt bay khắp nơi, hãy còn một chiếc giày botte de saut của bố chưa cháy hết. Những lần đi hành quân trở về nhà, bố thường đặt chúng tôi ngồi trên đôi giày rồi đưa chân lên xuống nhiều lần, chúng tôi thường hay bám chặt vào đùi bố rồi cười ngặt nghẽo.
Tôi kéo lê một chiếc giầy ướt rồi lẹ làng đem giấu vào góc tủ áo của mình.
Đã 40 năm trôi qua, bây giờ tôi đã là một người trung niên, mỗi khi nhìn thấy những người lính mặc quân phục tôi nghĩ đến bố tôi ngay; bố tôi hiên ngang trong bộ quân phục rằn ri, giày botte de saut với chiếc mũ lưỡi trai rằn ri có thêu những chiếc hoa mai màu đen. Mẹ tôi kể lại, sau khi tôi đã vượt biên và bố tôi cùng cậu Việt vào tù được 4 năm, một hôm dọn dẹp phòng ốc, mẹ tôi đã kéo ra được chiếc giày botte de saut cháy sém của bố mà tôi đã giấu diếm vào góc tủ áo.
Kỷ vật của người ở tù làm mẹ tôi nhớ đến ngày đau thương của đất nước. Sự đau khổ của con người chỉ có nước mắt mới làm nguôi ngoai.
Tố Nga
Nguồn Người Việt
Gửi ý kiến của bạn