BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72630)
(Xem: 62055)
(Xem: 39150)
(Xem: 31020)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

40 năm trước, bi kịch “giải phóng” – 40 năm sau, bi kịch giải hòa

20 Tháng Tư 201512:00 SA(Xem: 1377)
40 năm trước, bi kịch “giải phóng” – 40 năm sau, bi kịch giải hòa
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
1.

Những năm sau tháng Tư, 1975, bố tôi nguyên là sĩ quan hải quân VNCH, nên bị tù cải tạo. Mấy năm sau ra trại, tìm đường vượt biên, lại trở vào tù, mang tội “phản bội tổ quốc”. Rồi bố vượt ngục, gia đình bỗng trở thành ”tội phạm chế độ” từ đó, không hộ khẩu, trốn chui trốn nhũi, sống nay đây mai đó. Những đêm ngã lưng tạm ở chùa, hay ở nhà bạn, hễ có tiếng chó sủa, tiếng chân đi thình thịch, là bố tôi bật dậy, choàng tỉnh, ngồi thâu đêm không lấy giấc lại được… Cho đến lúc rời chùa, được Dì Dượng hai cưu mang, giấu trong nhà, mới có những năm tháng khá lâu tạm được bình an. Hồi đó Ngoại ở ngoài quê, hay lên thăm. “Ngoại thương mấy ông rể ‘hơn’ con ruột”, ở nhà hay chọc Ngoại như vậy. Ngoại chỉ cười, nói “mình thương rể hơn, vì như không là người dưng, lại cưới, chăm lo cho con gái mình.”

Một lần, gương mặt bố thất sắc, khi có tiếng người lạ, oang oang từ chân cầu thang: “Tau đi thăm cháu tau”. Vừa lúc Ngoại bước vào, theo sau là Ông Dượng, em của ngoại, trên người còn nguyên bộ đồ kháng chiến xanh rêu, bạc, không có huân chương, quân hàm. Nghe kể ông từng có mặt trong phái đoàn “tiếp quản thành đô.” Nhưng sau khi tiếp quản rồi, ông không được trọng dụng nữa. Ông thuộc thành phần “những người kháng chiến cũ”. Tôi còn biết, thời đó có rất nhiều trường hợp, người không điên lại bắt điên, người tỉnh táo nhưng được an trí, an trí rồi chết một cách bất thường trong bệnh viện tâm thần…

Trước đó nhiều năm, tôi chưa từng nghe ai trong gia đình nhắc về Ông Dượng, và đó là lần đầu tiên tôi gặp ông, nhưng cũng là lần cuối, ông về quê ngay buổi chiều, một thời gian rồi mất sớm. Bấy giờ thật tình bố đã sợ “bị tố giác”, nhưng điều đó không xảy ra! Tôi nhớ hoài hình ảnh của Ngoại, giả như không chú ý nghe câu chuyện bố và Ông Dượng đang nói, nhưng lâu lâu ngoại kéo vạt áo bà ba, chậm chậm nước mắt.

Mấy mươi năm rồi, nhớ lại hình ảnh Ông Dượng, và tiếng ông văng vẳng từ chân cầu thang: “Tau đi thăm cháu tau”, thật da diết! Da diết bởi trong hoàn cảnh hết sức sợ hãi, nghi ngờ bao trùm ngay cả giữa những người cùng một gia đình, khi một người “bên thắng cuộc” lặn lội đi thăm người cháu “bên thua cuộc”, mà dáng Ngoại ngồi giữa, nghe, lưng tròng nước mắt.

Bi kịch!

Sớm sủa từ buổi đó, bên cạnh những bi kịch mới, mỗi ngôi nhà Việt Nam, mỗi trái tim người Việt Nam, tự đã tìm cách xoa dịu bi kịch quá khứ, tự đã ”hòa hợp hòa giải” với nhau, những người chung một gia đình cùng máu ruột của mình… Tôi không biết hành động của Dượng có phải là tâm tình “hòa giải” không, nhưng một ông Dượng cưu mang, giấu chúng tôi trong nhà. Một Ông Dượng khác không đi tố giác chính quyền chỗ trú ẩn của gia đình tôi bấy giờ, giữa thời mà có biết bao kẻ tiến thân nhờ việc biết đấu tố.

2.

Trong số nhiều người bạn của tôi, là bạn trẻ, cứ hễ, nghe đâu đó cụm từ “Hòa hợp – hòa giải”, là bực mình. Đọc đâu đó một bài viết, đề cập trực tiếp hay gián tiếp đến vấn đề “hoà hợp hòa giải dân tộc”, là ngoay ngoảy, dứt khoát không có đối thoại. Tại sao?

Trên thế giới, những quốc gia từng trải qua cuộc nội chiến, “hòa hợp hòa giải dân tộc” vốn không có gì sai, trái lại nó rất đúng ở xã hội văn minh nhân bản. Cho nên, nói “hòa hợp hòa giải” trong hoàn cảnh đất nước Việt Nam, đâu có lạ và trái khuấy!?.

Vấn đề không lạ, không trái khuấy và càng không cần đặt câu hỏi nên hay là không, vấn đề ở đây là hòa như thế nào thì hợp, giải như thế nào để thật sự hòa? Điều đó không phải chỉ bằng vào lời nói. Bởi sau một chuỗi hành động sai, người ta không còn tin vào lời nói, càng không tin vào chính sách tuyên truyền của Nhà nước nữa. Người ta đang nhìn vào hành động cụ thể, nhưng hành động hòa với giặc, cương với dân càng lúc càng bất chấp, ngang nhiên của đảng cầm quyền hiện nay, trước sau, chính là yếu tố khiến cho người Việt, không chỉ ở hải ngoại, mà cả ở trong nước, không còn niềm tin và lòng nhẫn nại để “hòa giải” với Đảng, “hòa hợp” với Nhà nước. Bằng thái độ riêng, tự người dân đang vùng lên hóa giải ách nạn của đất nước, của chính bản thân mình và thân nhân mình.

Coi bộ, người Việt trong lẫn ngoài nước ngày càng thấy rõ bản chất chính sách “hòa hợp hòa giải dân tộc” của Đảng Cộng Sản Việt Nam chỉ là muôn một, trong hàng loạt chính sách “mị dân” trước và sau ngày sau ngày 30.4.1975 đối với nhân dân hai miền Nam Bắc. Nên, còn lâu mới có chuyện Đảng thật tâm muốn “hòa hợp hòa giải dân tộc”, vì khi “toàn dân đoàn kết” lại, tất nhiên sẽ… chống Đảng!

Cho nên hòa hợp hòa giải là sự rung cảm chân thành từ trái tim của mỗi người Việt với nhau trong tình tự dân tộc, vì tiền đồ Quê Hương Đất Nước chứ không nhằm thực hiện một chính sách sáo rỗng của Đảng, hòng dễ bề thâu tóm, vươn xa vòi bạch tuộc, tiếp tục cai trị nhân dân một cách tàn bạo.

18 tháng Tư, 2015
UYÊN NGUYÊN

Nguồn Blog Uyên Nguyên
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn