BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72811)
(Xem: 62102)
(Xem: 39197)
(Xem: 31055)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Về những thông tin từ Dòng Chúa Cứu thế

17 Tháng Tư 201512:00 SA(Xem: 1039)
Về những thông tin từ Dòng Chúa Cứu thế
53Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
53


Vài hôm nay, có nhiều người nhắn tin, hỏi về việc có những thay đổi gì đó ở Dòng Chúa Cứu thế (DCCT), nhân việc hủy bỏ cuộc gặp gỡ tri ân Thương phế binh VNCH. Thậm chí có người còn cho rằng có bàn tay cộng sản hoặc nọ kia thò vào nhà dòng... Thế rồi nhiều người mạnh mồm lên án gắt gao, rằng là điều luật nọ, trách nhiệm kia phải làm mà tại sao không.

Trách nhiệm không của riêng ai

Riêng tôi có suy nghĩ rằng: Việc lên tiếng, hành động, đóng góp cho xã hội Việt Nam tiến bộ hơn, nhất là thoát khỏi nạn độc tài Cộng sản là việc chung của tất cả mọi người, không chia riêng cho bất cứ ai, không cho riêng một dòng tu, một tôn giáo, một hội nhóm hoặc một tổ chức nào. Mọi cá nhân trong đất nước này phải coi đó là một nhiệm vụ của mình không một ai được miễn trừ.



Do vậy, việc lên tiếng, đấu tranh, giúp đỡ người nghèo khổ, tri ân các thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa hoặc bất cứ hành động bênh vực người yếu thế cô đơn trước bạo tàn cũng như nâng đỡ những người cần Công lý và sự thật... không chỉ dành riêng cho DCCT. Bởi bên cạnh DCCT, còn biết bao nhiêu hội đoàn, dòng tu, tổ chức khác nữa và ai cũng có những nhiệm vụ riêng của minh. Đồng thời bên cạnh Giáo hội Công giáo chỉ chiếm gần 1/10 dân số, xã hội Việt Nam với hơn 90 triệu dân gồm nhiều tôn giáo, hội đoàn khác nhau. Chẳng lẽ họ được miễn trừ trách nhiệm với sự nghiệp chung?

Dòng Chúa Cứu thế Việt Nam với chỉ 300 linh mục, tu sĩ những năm qua đã có nhiều cống hiến lớn lao cho Giáo hội Công giáo và đất nước này, điều đó không ai phủ nhận. Nhưng liệu có phải vì vậy thì DCCT lại vẫn cứ phải đứng mũi chịu sào trong mọi điều kiện, mọi hoàn cảnh. Nếu không là sẽ bị lên án?

Đã chấp nhận dấn thân thì phải chết?

Trước đây, khi một số người đấu tranh dân chủ cho Việt Nam bị bắt và trên truyền hình nhà nước xuất hiện một đoạn video nhận tội, nhiều người ngay lập tức đã buông tiếng phê phán, chửi rủa, thậm chí là quy kết rằng người nọ là công an cài vào, người kia là giả dạng... Thôi thì đủ cả các cách kết tội. Mặc dù chưa ai có đủ tính khả năng để xác định tính xác thực của những đoạn video đó là khả tín.

Tôi đã gặp một người suốt ngày trùm chăn, lánh mặt tất cả những cuộc đấu tranh, thậm chí sợ cả một lời nói, một cái nhìn về phía những người đấu tranh dân chủ. Nhưng lại rất to miệng chửi bới những người này, nào là "phản bội", "hai mang", "hèn nhát". Tôi hỏi anh ta:

- Vậy, theo anh, thì việc đấu tranh của họ là công việc của ai, của riêng họ hay của chung mọi người? Nếu là việc chung, thì họ có nhận tiền công của anh, hoặc của người khác để đấu tranh thay hay không? Nếu không thì cớ sao anh có quyền ngồi im, chỉ để chỉ trích họ khi mà họ đã đóng góp quá khả năng mà họ có thể?

- Nhưng đã chấp nhận đấu tranh thì không được hèn nhát, nhận tội.

- Ai quy định cho họ là không được gục ngã, không được nhận tội nếu việc nhận tôi có lợi cho họ và thậm chí có thể có lợi cho việc đấu tranh? Chính anh còn nợ họ những việc họ đã làm thay anh nhưng anh cố tình lờ đi mà không ai thèm nhắc.

Thực tế, cuộc đấu tranh dân chủ, tiến bộ xã hội cho Việt Nam không thể giống như cách làm của nhà cầm quyền CSVN, trong khi công an ăn lương của dân lo hà hiếp dân thì việc bắt cướp, bảo vệ người dân lại giao cho các "Hiệp sĩ"

Cứ không ưa cho là Việt Cộng có phải là tư duy dân chủ?

Trở lại việc DCCT thời gian qua có những thay đổi về tổ chức, nhân sự. Đó là những việc làm thường xuyên theo quy luật của Dòng, không ai có thể can thiệp.

Những nhân sự được bầu lên bằng lá phiếu bầu cử bình đẳng, dân chủ thật sự chứ không phải theo cách bầu cử Cộng sản. Vậy thì nhân sự, tổ chức của Dòng là ý nguyện của toàn thể mấy trăm con người được thể hiện qua cuộc bầu cử đó. Điều này đòi buộc bất cứ ai cũng phải tôn trọng. Từ nhân sự, những đường hướng, cách phục vụ và hành động của nhà Dòng được thực hiện theo quy luật và nguyên tắc của nhà dòng thiết nghĩ không có ai có thể can thiệp. Bởi đó chính là nguyện vọng của toàn thể hội dòng.

Thậm chí, ngay cả những người đã không bỏ phiếu bầu lên nhân sự đó, cũng phải tôn trọng kết quả bầu cử mà tôn trọng nhân sự mà cộng đồng đã bầu lên. Câu chuyện ứng viên đảng Cộng hòa John McCain đã kêu gọi tất cả người dân Mỹ cùng ông chúc mừng chiến thắng của đối thủ đảng Dân chủ khi ông Barack Obama được bầu làm Tổng Thống vẫn là bài học dân chủ rất sâu sắc đấy thôi.

Việc một nhân sự mới, có những đường hướng mới và cách hành động ra sao, đã có cả cộng đoàn DCCT và Lề luật của hội Dòng quy định. Thiết nghĩ chưa đến mức để những người ngoài phải nhắc nhở và lo hộ.

Thông thường, cuộc đấu tranh cho dân chủ, nhiều rất hăng hái nhưng vẫn với tư duy không theo ý mình, không như mình nghĩ, không làm theo mình thì đều là... Cộng sản. Thậm chí không ngại ngần kết án người kia là Cộng sản, là an ninh, là Việt Cộng. Liệu đó có phải là tư duy dân chủ thật sự?

Thậm chí, có người còn suy diễn một cách rất ngây ngô và thiếu căn cứ theo kiểu nói lấy được rằng: "Đi tìm một lý do cho những thay đổi tại nhà thờ Chúa cứu thế, Kỳ Đồng, ít có ai tin rằng đây là một nhiệm vụ được giao từ tòa Tổng giám mục mà linh mục Nguyễn Ngọc Bích phải thi hành. Cũng có giả thuyết cho rằng, hành động của ông Bích có đích đến là chức giám mục của Dòng Chúa cứu thế, vốn đang để trống.".

Quả thật, là một tín hữu Công giáo từ nhiều đời nay, nhưng cho đến nay chưa bao giờ tôi nghe đến Giám mục của Dòng Chúa Cứu thế (?) Bởi xưa nay, tôi chỉ biết DCCTVN có chức cao nhất là Giám Tỉnh và cao hơn nữa là chức Tổng Quyền thuộc DCCT toàn cầu chứ chưa nghe nói DCCT có Giám mục bao giờ, thậm chí là "còn để trống". Bó tay với cách suy diễn kiểu không ưa đổ thừa cho xấu này, không biết tác giả này có thấy cái ghế đó ở chỗ nào không?

Cần tôn trọng sự lựa chọn

Chuyện của một dòng tu, có những thay đổi hoặc điều kiện nào đó là việc của họ khi việc đó là việc chung mà cả cộng đoàn đã lựa chọn. Dù cho ngày mai, DCCT có tiếp bước con đường đã đi, tiếp nối những việc họ đã làm hay không, thì điều đó cũng cần được tôn trọng. Trừ khi họ đi ngược những quy luật, những nguyên tắc luân lý, đạo đức một cách rõ ràng ảnh hưởng đến những vấn đề chung.

Không thể vì chuyện một người chuyên làm từ thiện nay có lý do nào đó, nhà bận việc hoặc ốm đau, hoặc túng quẫn không đi làm từ thiện được thì đưa lên chửi rủa. Trong khi nhà mình và cả làng thì đóng cửa im ỉm không bao giờ mở ra nhưng luôn được miễn trừ chỉ vì cả làng không ai quan tâm.

Cũng không thể vì họ không có sự lựa chọn giống mình, thì nhất định họ đã là thù địch và tìm mọi cách để bôi xấu hoặc chê trách. Mình cần xem lại mình đã làm được gì cho phong trào chung trước khi chê trách những con người, những tổ chức đã dấn thân không mệt mỏi cho mục đích đó.

Bởi những tư duy đó, cũng là những mầm mống của sự phản dân chủ mà thôi.

Hà Nội, ngày 17/4/2015

J.B Nguyễn Hữu Vinh

Nguồn Blog Nguyễn Hữu Vinh

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn